Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga - Mỹ huy động tàu chiến "nắn gân nhau" ở ngoài khơi Cuba

Thanh Hà, RFI, 14/06/2024

Chỉ một ngày sau khi các tàu của Hải quân Nga cập cảng La Havana, Cuba, hải quân Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân USS Helena đến Vịnh Guantanamo, đông nam Cuba. Nga thường xuyên viếng thăm hữu nghị Cuba, nhưng Washington đề cao cảnh giác sau khi Moskva dọa trang bị vũ khí cho nhiều nước để "tấn công các mục tiêu của phương Tây". Công luận Cuba, vẫn bị khủng hoảng tên lửa hồi năm 1962 ám ánh, lo ngại bị lôi vào vòng xoáy trong cuộc đọ sức Nga-Mỹ.

tauchien1

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan của Nga, thuộc phân đội hải quân Nga đến thăm Cuba, đến cảng Havana, ngày 12/6/2024. AFP

Hãng tin Mỹ AP đưa tin tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân USS Helena đã hiện diện tại căn cứ hải quân ở Guantanamo "trong khuôn khổ chuyến viếng thăng thường kỳ" từ hôm 13/06/2024, nhưng tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi 2 tàu chiến của Nga, cùng một tàu kéo cứu hộ và một tàu chở dầu dừng lại tại thủ đô Cuba trong 5 ngày, từ 12 đến 17/06/2024.

Cụm tàu này của Nga vừa hoàn tất chương trình diễn tập trong vùng biển Đại Tây Dương. Các giới chức quân sự Mỹ chờ đợi sau chặng dừng tại La Havana, tàu Nga trực chỉ Venezuela, tiếp tục hiện diện ở vùng biển Caribbean "suốt mùa hè này và dường như chuẩn bị cho một cuộc tập trận được dự trù vào mùa thu năm nay". 

Trước mắt Lầu Năm Góc không xem sự hiện diện của tàu chiến Nga tại Cuba, cách bờ biển Florida của Mỹ chưa đầy 150 km, là một mối "đe dọa", nhưng Washington luôn "theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của tàu chiến nước ngoài gần các vùng biển của Hoa Kỳ".

Hải quân Nga phô trương thanh thế

Đội tàu của Nga tới Cuba gồm có tàu khu trục Đô Đốc Gorshkov, tàu ngầm hạt nhân Kazan. Cả hai được tàu chở dầu Pashin cùng với tàu kéo cứu hộ Nikolai Chiker hộ tống. Mọi chú ý đã tập trung vào tàu khu trục Gorshkov và tàu ngầm hạt nhân Kazan của Nga. Theo các thông tin chính thức của Nga, Gorshkov là một biểu tượng của lớp tàu khu trục cùng tên có khả năng "phóng tên lửa siêu thanh nhắm vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển". Moskva xem đây là "công cụ răn đe hữu hiệu".

Còn tàu ngầm K-561 Kazan được mệnh danh là "viên ngọc sáng giá nhất của Hải quân Nga" hiện nay. Đây là lớp tàu ngầm tấn công Yasen–M sử dụng năng lượng hạt nhân đời mới nhất của Nga, có khả năng hoạt động ở độ sâu 520 mét và liên tục trong 100 ngày. Hơn nữa mỗi đơn vị trong số 4 chiếc tàu ngầm K-561 Kazan đang phục vụ trong lực lượng Hải quân Nga, đều được trang tên lửa chống hạm Kalibr, với tầm bắn hơn 2000 km. Thêm một chi tiết từ phía các chuyên gia Pháp tiết lộ : tên lửa Kalibr có khả năng mang đầu đạn quy ước và đầu đạn hạt nhân. Về phía Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, sự hiện diện của tàu ngầm Kazan nhậy cảm ở chỗ : "lớp Yasen-M đặc biệt hiệu quả".

Nga chọn thời điểm "nhậy cảm" thăm Cuba

Bối cảnh và thời điểm chuyến viếng thăm Cuba của tàu chiến Nga gây nhiều lo ngại.

Do Cuba là đồng minh của Liên Xô trong chiến tranh lạnh, La Havana và Moskva có một mối quan hệ "lâu đời", Hải quân Nga thường xuyên dừng lại các bến cảng Cuba trong các chương trình "viếng thăm hữu nghị". Điện Kremlin cũng đã nhiều lần nhắc nhở đến mối liên hệ truyền thống và lịch sử này giữa hai nước như hồi năm 2015 chỉ một ngày trước khi phái đoàn Mỹ và Cuba chính thức đàm phán thiết lập bang giao, tàu chiến của Nga cũng đã dừng lại tại La Havana, hay như năm 2019 khi căng thẳng giữa Washington và La Havana dâng cao dưới thời tổng thống Trump.

Đây cũng không là lần đầu tiên Nga tập trận trong vùng biển Caribbean hay bắn tên lửa gần các vùng lãnh hải của Hoa Kỳ : năm 2020, đáp trả chiến dịch Ocean Shield của NATO, Nga đã điều tàu chiến đến ngoài khơi bang Alaska và trong cuộc tập trận lần đó, Hải quân Nga đã bắn hai tên lửa nhưng không gây nên sự cố.

Vậy lần này có gì khác ?

Về bối cảnh : Nga điều tàu chiến sang vùng biển Caribbean chưa đầy 10 ngày sau khi tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ để "bảo vệ Kharkiv" bắn vào một số mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Lập tức Moskva đáp trả qua tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin dọa cung cấp vũ khí "cho nhiều quốc gia để nhắm vào các quyền lợi của phương Tây". Tàu chiến của Nga tiến vào bến cảng La Havana sau khi vừa hoàn tất một loạt các bài tập mô phỏng phóng tên lửa "với mức độ chính xác cao và tên lửa có tầm bắn hơn 600 km" như chính Bộ Quốc phòng Nga đã loan báo và được hãng tin Mỹ AP trích dẫn. Cần biết rằng bờ biển Florida của Mỹ chỉ cách Cuba chưa đầy 150 km.

Do vậy Lầu Năm Góc xem sự hiện diện của tàu chiến Nga tại Cuba là một vấn đề "nghiêm trọng". Mỹ đã điều 5 tàu chiến, trong đó có ba tàu khu trục để theo dõi các hoạt động của cụm tàu Nga. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng hôm 12/06/2024, bà Sabrina Singh tuy nhiên khẳng định đây không là một mối "đe dọa" đối với an ninh của Hoa Kỳ. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan được Reuters trích dẫn cho rằng "không có bằng chứng (Nga) chuyển giao tên lửa cho Cuba, nhưng Washington luôn đề cao cảnh giác". Tương tự như vậy, phát ngôn viên của tổng thống Putin, Dmitri Peskov cũng cho rằng Washington không cần phải "lo lắng" về chuyến viếng thăm Cuba của Hải quân Nga.

Đúng vào lúc tàu chiến Nga sắp cập bến thủ đô La Havana thì tại thủ đô Moskva, ngoại trưởng Sergei Lavrov tiếp đón trọng thể đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez Parrilla, cảm ơn thái độ của Cuba ngay từ đầu chiến tranh Ukraine.

Tháng 5 vừa qua chủ tịch Miguel Diaz Canel đã sang Nga nhân lễ kỷ niệm 79 năm chiến thắng Đức Quốc Xã, chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai. Theo hãng thông tấn TASS, lãnh đạo Cuba đã "cầu chúc Nga chiến thắng trên mặt trận Ukraine". 

Công luận Cuba không an tâm

Điều đó dường như không cấm cản một phần công luận Cuba không mấy an tâm. Tuần báo Courrier International của Pháp tổng hợp một số thông tin trên các phương tiện truyền thông ở La Havana minh chứng cho điều này.

Trước khi tàu của Nga cập bến, Bộ Quốc phòng Cuba trong một thông cáo đã nhấn mạnh : "không một tàu nào có mang tên vũ khí hạt nhân" và sự hiện diện của tàu chiến Nga "không là một mối đe dọa đối với khu vực". Báo Granma của Cuba gián tiếp thừa nhận : La Havana tìm cách trấn an Hoa Kỳ do Washington không được thông báo trước về chuyến viếng thăm "hữu nghị" của tàu Nga trong vùng biển Caribbean.

Trang mạng Cubanet, hoạt động tại thủ đô La Havana trích dẫn lời một cựu quan chức từng phục vụ trong bộ Nội Vụ thì đây rõ ràng "là một thông điệp mang tính chiến thuật và chiến lược của Putin" nhắm vào Hoa Kỳ.

Chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha của đài truyền hình Mỹ CNN cũng quan niệm là "trong bối cảnh căng thẳng Nga-Mỹ hiện nay, sự hiện diện của tàu chiến Nga trong hải phận Cuba nhằm giúp Moskva phô trương sức mạnh tại một khu vực chỉ cách bở biển Florida có 144 km", như thể viếng thăm Cuba là cái cớ để điện Kremlin nhắc nhở Washington về khả năng phá rối lợi hại của Nga, kể cả ở những vùng vốn được coi là thuộc ảnh hưởng của Mỹ. 

Hãng tin Mỹ AP trích lời Benjamin Gedan, giám đốc điều hành khoa nghiên cứu về châu Mỹ Latinh trực thuộc trung tâm Wilson Center, trụ sở tại Washington coi đây là cơ hội để Vladimir Putin nhắc nhở chính quyền Biden rằng Mỹ "không thể thoải mái khi mà các đối thủ của mình lai vãng gần các hải phận" của Hoa Kỳ và ngay cả trong vùng biển Caribbean, nước Nga của Putin cũng có những đồng minh, là Cuba và Venezuela, Moskva "sát cánh" với La Havana và Caracas. Tại Venezuela, tổng thống Nicolas Maduro chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ 3 vào cuối tháng 7/2024.

Nga dùng đòn tâm lý ?

Bên cạnh những tuyên bố nói trên, một số nhà quan sát ghi nhận từ 6 thập niên qua, Mỹ luôn áp dụng các biện pháp phong tỏa Cuba cả về tài chính lẫn thương mại. Chính quyền Trump đã xóa tan mọi hy vọng tan băng nhen nhúm dưới thời tổng thống Barack Obama. Donald Trump thậm chí đặt Cuba vào danh sách đen các quốc gia ủng hộ khủng bố. Người kế nhiệm ông, Joe Biden đến gần hết nhiệm kỳ dường như không quan tâm đến Cuba.

Do vậy một số nhà quan sát chờ đợi Nga sẽ hiện diện "khá lâu" trong vùng biển Caribbean. Hải quân Mỹ thừa nhận Nga "đang chuẩn bị một loạt các cuộc tập trận chung trên biển và trên không với Cuba và Venezuela (…) thậm chí là có thể triển khai luôn cả máy bay ném bom loại TU 160 Blackjack" trong các chương trình sắp tới.

Một số khác không loại trừ khả năng, càng gần đến bầu cử tổng thống Mỹ, chủ nhân điện Kremlin càng muốn khơi lại giai đoạn "khủng hoảng tên lửa Cuba" hồi năm 1962 để răn đe.

Hơn 60 năm trước, trong hai tuần lễ từ ngày 14/10/1962 đến ngày 28/10/1962 suýt nổ ra Thế Chiến thứ ba, khi máy bay dọ thám của Mỹ phát hiện Moskva và La Havana bí mật xây dựng một số căn cứ để sử dụng phóng tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Cuba, có thể bắn trúng tới lãnh thổ của Hoa Kỳ. Chính quyền Castro yêu cầu đồng minh Liên Xô khai hỏa, Moskva bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ… nhưng rồi ngày 28/10/1962 chính quyền Khroutchev đấu dịu. Liên Xô đồng ý rút tên lửa khỏi lãnh thổ Cuba. Đổi lại Mỹ cũng cũng có cử chỉ tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhất là cam kết không tấn công quê hương của Fidel Castro…

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 14/06/2024

*************************

Tàu của hải quân Nga ghé cảng La Havana Cuba

Chi Phương, RFI, 13/06/2024

Bốn tàu của hải quân Nga, trong đó có một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã ghé Cuba vào hôm qua, 12/06/2024, và dừng tại đây 5 ngày. Chuyến thăm Cuba diễn ra vài ngày sau khi tổng thống Vladimir Putin tuyên bố có thể "cung cấp vũ khí cho nước thứ ba để tấn công các mục tiêu phương Tây" do một số nước đồng minh của Ukraine cho phép Kiev sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công các mục tiêu ở Nga.

tauchien2

Tàu Admiral Gorshkov của hải quân Nga : Ảnh chụp năm 2018. © Wikimedia Commons

Theo AFP, khoảng 8 giờ sáng, theo giờ Cuba, ngày hôm qua, tàu chở dầu Pashin và tàu kéo Nikolai Chiker, mang cờ Nga, đã cập cảng La Havana đầu tiên, theo sau là khinh hạm "Admiral Gorshkov". Tàu ngầm hạt nhân Kazan, có thể được nhìn thấy từ cảng của thủ đô.

Trang Courrier International cho biết thêm là tàu Admiral Gorshkov có khả năng bắn tên lửa siêu thanh. Tàu ngầm Kazan K-561, có thể bắn các tên lửa tầm xa. Còn tàu Pashin có thể chở nhiên liệu lên đến 9000 tấn.

Cuba cách bang Florida Hoa Kỳ 144 km. Chuyến thăm chính thức Cuba của các tàu Nga được xem là một cuộc phô trương lực lượng của Nga trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ. Trước đó, phát ngôn viên của Nhà Trắng John Kirby đã tuyên bố là Hoa Kỳ theo dõi tình hình nhưng không cho rằng các tàu này đe dọa đến an ninh Hoa Kỳ. Tuần trước, Bộ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba (Bộ Quốc phòng) cũng khẳng định "không có tàu nào mang theo vũ khí hạt nhân, do đó, các tàu có chặng dừng ở Cuba không phải là mối đe dọa cho khu vực".

Phía Nga coi Cuba là đối tác chiến lược và đã tăng cường quan hệ song phương từ cuối năm 2022, nhân cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.

Từ năm 2008, các tàu của Nga đã nhiều lần ghé thăm cảng của nước đồng minh chiến lược từ thời Chiến Tranh Lạnh. Vào năm 2015, một tàu trinh sát của Nga đã cập cảng của La Havana mà không báo trước, vào thời điểm mà các quan chức Mỹ và Cuba bắt đầu đàm phán, nối lại quan hệ ngoại giao. Một tàu của hải quân Nga cũng đã ghé thăm Cuba vào năm 2019, giữa lúc quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ căng thẳng sau khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng (2017-2021).

Chi Phương

Published in Quốc tế

Hợp tác quốc phòng Pháp - Việt : Sắp tới sẽ là Biển Đông ? (RFI, 17/01/2018)

Hôm 11/01/2018, Việt Nam và Pháp đã tổ chức cuộc đối thoại quốc phòng lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sáng kiến này bắt đầu từ năm 2016, tập trung vào lãnh vực an ninh trong quan hệ đôi bên. Tờ báo The Diplomat đặt câu hỏi, bước tiếp theo của việc hợp tác quân sự Pháp-Việt sẽ là gì ?

haiquan1

Ảnh minh họa : Chiến hạm hải quân Pháp Vendemiaire ghé thăm cảng Hải Phòng ngày 25/04/2011 HOANG DINH NAM / AFP

The Diplomat nhận định, giữa Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử lâu dài, qua việc Pháp đô hộ Việt Nam suốt một thế kỷ. Việt Nam nằm trong Đông Dương thuộc Pháp, cho đến khi đánh bại "mẫu quốc" giành được độc lập vào năm 1954. Quan hệ ngoại giao chính thức được thành lập vào năm 1973, nhưng chỉ mới được đẩy nhanh trong những năm gần đây, khi Pháp-Việt tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2013.

Paris coi việc siết chặt quan hệ với Hà Nội là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng Pháp tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là tại Đông Nam Á. Về phía Việt Nam, việc tăng cường tình hữu nghị Pháp-Việt nằm trong chính sách đối ngoại đa phương, tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc, đặc biệt là năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Riêng trong lãnh vực quốc phòng, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2009. Từ đó đến nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể về nhiều mặt, từ các hoạt động trao đổi cho đến cho đến những tương tác về chống tội phạm xuyên quốc gia. Pháp và Việt Nam bắt đầu tổ chức Đối Thoại Chính Sách quốc phòng lần đầu tiên tại Paris vào tháng 11/2016, qua đó hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về quân y và tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Riêng năm nay mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ ngoại giao, và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đôi bên cho biết sẽ tiến hành một số hoạt động liên quan trong năm 2018, và rất có khả năng thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay.

Về quân sự, cuộc Đối Thoại Chính Sách quốc phòng lần thứ hai đã diễn ra hôm 11/1 tại thủ đô kinh tế Việt Nam - trước đây mang tên Sài Gòn. Đồng chủ trì hội nghị là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam và phó đô đốc Hervé de Bonnaventure, phó tổng cục trưởng tổng cục Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược thuộc bộ Quân Lực Pháp.

Cuộc đối thoại tập trung vào việc tăng cường hợp tác trên những lãnh vực đã được bàn bạc và đã có những bước phát triển, như huấn luyện quân sự, đào tạo bác sĩ quân y, an ninh hàng hải, an toàn hàng không, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác trong kỹ nghệ quốc phòng.

Cho dù không có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ, nhưng đôi bên cho biết đã thỏa thuận tăng cường các chuyến thăm Việt Nam của các chiến hạm Pháp. Theo nhận xét của The Diplomat, an ninh hàng hải là chủ đề quan trọng trong hợp tác quốc phòng Pháp-Việt, không chỉ những hoạt động đơn lẻ, mà còn ở sự yểm trợ của Pháp đối với Việt Nam, trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Gần đây một bài phóng sự trên Le Monde đã mô tả cuộc tuần tra vào cuối tháng 10/2017 của chiến hạm tối tân Pháp Auvergne tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chuyến hải hành của tàu Pháp bị phía Trung Quốc theo bén gót. Tháng 4/2017, chiến hạm Mistral hiện đại nhất của Pháp cùng với hộ tống hạm Courbet đã đến Sài Gòn, ở thăm Việt Nam một tuần lễ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng Việt-Pháp. Trước đó vào tháng 5/2016, chiến hạm chở trực thăng Tonnerre (L9014) thuộc lớp Mistral cũng đã thăm cảng Cam Ranh trong bốn ngày.

Hãng tin Bloomberg hôm 05/06/2016 đưa tin, bộ trưởng Quốc phòng Pháp lúc đó là ông Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Pháp sẽ cổ vũ Hải quân các nước Liên Hiệp Châu Âu phối hợp tuần tra tại Biển Đông, để bảo đảm sự hiện diện thường xuyên trên vùng biển chiến lược này. Ông khẳng định Pháp sẽ cho chiến hạm và phi cơ đi qua "bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Trong lúc thái độ của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng, thì sự hiện diện tại Biển Đông - dù không thường xuyên - của Pháp, cường quốc biển thứ ba trên thế giới có thể là yếu tố tích cực, góp phần hạn chế căng thẳng trong khu vực. Đây cũng có thể là mục tiêu lâu dài của Việt Nam khi siết chặt hợp tác trong lãnh vực quốc phòng với nước Pháp.

Thụy My

*********************

Việt Nam sắp đón chiến hạm Gepard thứ tư (RFA, 17/01/2018)

Thêm một chiến hạm Gepard 3.9 do Nga sản xuất sắp về đến Việt Nam.

haiquan2

Tàu Gepard thứ 3 trên đường từ Nga tới Việt Nam (Hình chụp màn hình từ Vietnam Army)năm 2017- Courtesy of Vietnam Army

Đây là chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư do Việt Nam đặt hàng theo hai hợp đồng đóng tàu chiến với nước Nga của chính phủ Hà Nội.

Theo truyền thông Việt Nam, chiếc Gepard 3.9 vừa nêu được một tàu vận tải chở từ cảng Novorossiysk của Nga và sẽ đến cảng Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tháng này.

Hai chiếc tàu Gepard 3.9 đầu tiên đã được Nga giao cho Việt Nam vào năm 2011. Chiến thứ ba giao cho Việt Nam hồi năm ngoái 2017.

Biện pháp trang bị thêm tàu chiến này được xem là nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa lược lượng hải quân của mình để ứng phó với sự gia tăng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu chiến Gepard có trang bị tên lửa diệt chiến hạm, pháo phòng không, cũng như có khả năng săn tàu ngầm.

Published in Việt Nam