Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ George Floyd và lá bài lập lại trật tự của Donald Trump trong bầu cử

Nạn kỳ thị vẫn tồn tại ở Mỹ, và theo thú nhận của chính Barack Obama, đây là thất bại lớn nhất trong hai nhiệm kỳ của ông. Còn 5 tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, Trump hay Biden sẽ hưởng lợi trong đợt bạo động này ? Những vụ nổi loạn chủng tộc của năm 1967 đã từng giúp Richard Nixon chiến thắng với lời hứa lập lại trật tự.

floyd1

Lực lượng cảnh sát ở Minneapolis (Minnesota, Hoa Kỳ) đối phó với người biểu tình phản đối cảnh sát về cái chết của George Floyd, ngày 31/05/2020. © Reuters/Leah Millis

Bạo loạn lan tràn tại nước Mỹ sau cái chết của một người da đen tên George Floyd là chủ đề chính của các báo Paris hôm nay, bên cạnh đó là việc dỡ bỏ phong tỏa ở Pháp bước vào giai đoạn hai. Le Figaro chạy tựa "Một nước Pháp muốn lại cất bước tiến lên", trong khi ảnh biểu tình ở Mỹ chiếm trang nhất của các tờ báo khác. "Hoa Kỳ : Làn sóng phẫn nộ trước bạo lực cảnh sát", tựa chính của Le Monde. "Hoa Kỳ : Nổi loạn", tít trang nhất của Libération, La Croix nói về "Tiếng kêu của nước Mỹ da đen", còn Les Echos coi đây là "Thách thức cho tổng thống Donald Trump".

"Xin đừng phóng hỏa", "Chủ là người da màu"…

Về tình hình tại chỗ, Le Figaro trong bài phóng sự "Tại Minneapolis đang trong tình trạng giới nghiêm, cư dân tổ chức phòng vệ" ghi nhận, do cảnh sát bị quá tải, người dân đang phải làm mồi cho bạo lực và cướp bóc.

Khi màn đêm buông xuống, đường phố không còn ai, tiếng rì rì từ cánh quạt trực thăng trên bầu trời góp thêm vào không khí ảm đạm. Trên đại lộ East Franklin, tất cả cửa kính tiệm buôn đều được che chắn chống đập phá, một số tiệm sơn lên những hàng chữ như "Xin đừng phóng hỏa, có người sống ngay bên cạnh". Hoặc ghi rõ chủ nhân là người sắc tộc : "POC" (person of colour, người da màu". Nhiều khu vườn nhà cắm tấm bảng "BLM" (Black Lives Matter, mạng sống của người da đen phải được tôn trọng).

Máy ATM trong một siêu thị bị phá hủy, một cửa hàng rượu bị lấy sạch hàng hóa và đốt cháy, một tiệm giặt bị cướp ngay thanh thiên bạch nhật… Tổng đài điện thoại của cảnh sát không còn trả lời, cư dân bèn tổ chức luân phiên canh gác ngày đêm. Có đến 90% người dân tại đây bầu cho Dân chủ, nhưng nay họ giận dữ tố cáo thống đốc và thị trưởng Minneapolis, đều thuộc đảng Dân chủ, đã thất bại trong việc bảo vệ dân. Một người thổ lộ, các cuộc biểu tình dù chính đáng đã giúp cho các phần tử xấu gieo rắc hỗn loạn. Các vụ cướp bóc này có nguy cơ làm cho Dân chủ bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống.

Libération cho biết ở Minneapolis, ảnh chân dung nạn nhân George Floyd và câu nói cuối cùng của ông xuất hiện khắp nơi. Việc tương trợ gia tăng, nhất là nơi ngã tư mà Floyd đã chết, thực phẩm, khẩu trang và các mặt hàng thiết yếu từ khắp nơi gởi đến được phân phát tại đây. Hết phong tỏa vì dịch rồi đến giới nghiêm, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, khó mua được thức ăn. Một thanh niên tuy đi biểu tình nhưng cũng giắt súng bên hông để tham gia chống cướp phá, tỏ ra bi quan : "Phong trào không thể dừng lại được nữa rồi : đã quá trễ và ở khắp nơi".

Từ cung trăng đến bạo lực trên mặt đất

Trong bài xã luận mang tựa đề tạm dịch "Nước Mỹ và mãi mãi", Les Echos nhận định, Hoa Kỳ lại bước vào công cuộc chinh phục không gian, nhưng lại không thể bảo đảm được trật tự trên lãnh thổ của mình – một thực tế giống một cách kỳ lạ với tình hình đầu thập niên 60.

Việc phóng hỏa tiễn của SpaceX hôm thứ Bảy vừa rồi khẳng định sự táo bạo và sức sống kỳ diệu của lãnh vực tư nhân Mỹ. Khi đưa hai phi hành gia lên trạm quỹ đạo với chi phí tối thiểu cho NASA, công ty của tỉ phú Elon Musk mà cách đây 15 năm chưa biết gì về hỏa tiễn, đã cắt đứt mọi lệ thuộc vào các tàu con thoi Nga. Việc phóng phi thuyền đầu tiên kể từ 10 năm qua gieo hy vọng cho nước Mỹ quay lại với chị Hằng từ nay đến năm 2024.

Nhưng cuối tuần qua, những vụ nổi loạn ở Minneapolis và các tiểu bang khác đã thô bạo đưa chúng ta từ cung trăng xuống sự thật trần trụi trên mặt đất, với cảnh một cảnh sát da trắng dùng đầu gối đè nghẹt thở một người da đen, trước sự dửng dưng của các đồng nghiệp. Nạn kỳ thị vẫn tồn tại trong nền dân chủ hàng đầu thế giới, và theo chính lời thú nhận của Barack Obama, đây là thất bại lớn nhất trong hai nhiệm kỳ của ông ở Nhà Trắng.

Đối với Donald Trump, đây có thể là cá cược cho việc tái đắc cử. Sau khi để dịch bệnh lan tràn, tổng thống Mỹ lấy lại giọng điệu độc đoán gây chia rẽ, đã giúp ông thành công năm 2016, trong lúc đối thủ Joe Biden im lặng. Còn 5 tháng nữa đến kỳ bầu cử, khó thể đoán được ai sẽ hưởng lợi trong vụ bạo động này. Cần nhắc lại rằng những vụ nổi loạn chủng tộc của năm 1967 đã giúp Richard Nixon chiến thắng với lời hứa lập lại trật tự. Donald Trump quá rõ điều ấy, nên khuyến khích cảnh sát và quân đội sử dụng quyền lực.

Vấn đề chủng tộc trong chiến dịch tranh cử

Les Echos cũng nêu ra "Vấn đề chủng tộc nảy sinh trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ". Donald Trump muốn thu hút sự quan ngại của đa số da trắng đã giúp ông đắc cử năm 2016. Còn đối với Joe Biden, vấn đề là không làm thất vọng một cộng đồng đã đóng góp lớn cho chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Câu khẩu hiệu tranh cử cách đây năm tháng của ông Donald Trump đã được thay thế vào phút chót bằng một thông điệp thực tế hơn : "Luật pháp và trật tự", được ông viết bằng chữ in hoa trên Twitter. Không được hưởng lợi bao nhiêu từ cuộc tái chinh phục không gian mới đây, Donald Trump quay lại với chiến lược tiến công quen thuộc. Ngoài Trung Quốc, kẻ chịu trách nhiệm gây ra 100.000 cái chết với đại dịch virus corona, ông còn đả kích "Antifa", phe cực tả đã cổ súy cho bạo lực.

Về phía ông Joe Biden chỉ đưa ra lời kêu gọi hòa dịu, mà trong tình hình này thì chưa thấm vào đâu. Câu nói của ông với một công dân da đen cách đây mười ngày : "Nếu bầu cho Trump thì bạn không phải là người da đen" đã gây bất bình ngay trong đảng Dân chủ. Một số khuôn mặt đại diện người Mỹ gốc Phi đòi hỏi nên đưa ông Bernie Sanders hay Stacey Abrams vào danh sách ứng cử viên phó tổng thống.

Luật pháp và trật tự

Trong bài "Donald Trump, một tổng thống lắm lời nhưng vắng bóng", La Croix chú ý đến những lời kêu gọi ông Trump nên có tuyên bố với quốc dân, nhưng ông vẫn im lặng, ngoại trừ trên mạng xã hội Twitter.

Cũng nhấn mạnh đến chủ trương "Luật pháp và trật tự" của tổng thống, La Croix dẫn lời Didier Combeau, chuyên gia về Hoa Kỳ nhắc lại, ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump đã cho biết ông đứng về phía cảnh sát. Một đạo luật năm 1994 cho phép Nhà nước liên bang đưa các cảnh sát địa phương ra tòa nếu lạm dụng bạo lực. Barack Obama đã sử dụng luật này, còn bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions của ông Trump khẳng định đó không phải là việc của chính quyền liên bang.

Theo chuyên gia Combeau, vụ George Floyd không phải là hiếm hoi, cảnh sát Mỹ làm 1.000 đến 1.200 người chết mỗi năm. Và câu khẩu hiệu biểu tình "Tôi không thở được" đã từng được hô lên sau cái chết của Eric Garner tại New York năm 2014. Nhưng vụ George Floyd là dịp để đặt lại vấn đề sắc tộc vào trung tâm tranh luận, nhất là chủ đề này ít được đề cập đến trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Đó là cuộc tranh tài giữa các ứng cử viên da trắng : đối thủ chính của Joe Biden là Bernie Sanders, Pete Buttigieg và Elizabeth Warren.

Ngược với ông Trump, ông Biden chịu khó lắng nghe hơn, nhưng cộng đồng người Mỹ gốc Phi đòi hỏi còn phải hành động. Sau cái chết của George Floyd, áp lực đè nặng lên vai ứng cử viên Dân chủ, sẽ phải công bố tên người phó của mình trước ngày 1 tháng Tám. Hồi giữa tháng Ba, ông cam kết sẽ chọn một phụ nữ. Nhưng nay đang có nhiều tiếng nói gay gắt đòi hỏi phải chỉ định một người da đen làm phó cho nhân vật có thể là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ khi đặt chân vào Nhà Trắng.

Bài xã luận của La Croix nhấn mạnh đến sự tương phản giữa nạn kỳ thị với Tuyên ngôn độc lập năm 1776, theo đó "tất cả mọi người đều bình đắng, có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc". Đó là "tội tổ tông" vẫn ám ảnh nước Mỹ, nhưng cũng đừng quên từ đó đã sinh ra chủ trương phi bạo lực với phong trào dân quyền của Martin Luther King.

Trump cứng rắn về Hồng Kông và WHO, muốn mở cửa G7

Trong khi đó, Les Echos ghi nhận "Ông Trump tập trung cho các vấn đề quốc tế". Hồng Kông, G7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) : tổng thống Mỹ liên tục có những tuyên bố về các hồ sơ lớn, một cách để hiện diện liên tục trên truyền thông, đồng thời duy trì áp lực lên các đối tác.

Sau nhiều tuần lễ dồn sức cho cuộc khủng hoảng virus corona, giờ đây các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ chỉ là một trong những mối quan tâm của tổng thống : ông Donald Trump bao quát các hồ sơ quốc tế. Ông gây ngạc nhiên khi quyết định dời lại ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, có lẽ do thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Canada Justin Trudeau từ chối đến Mỹ vì lý do dịch tễ. Donald Trump đề nghị mở rộng cho các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương như Úc và Ấn, đồng thời còn nêu ra Hàn Quốc và Nga. Moskva đã bị trục xuất khỏi khối G7 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, tổng thống Mỹ nhấn mạnh do Hồng Kông không còn quyền tự quyết, Hoa Kỳ buộc lòng phải xem xét lại chế độ ưu đãi thương mại lâu nay cho đặc khu. Tuy không có phản ứng chính thức, Bắc Kinh cho biết từ hôm qua 01/06 các công ty quốc doanh không còn được mua thịt heo và đậu nành của Mỹ. Ông Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ cắt đứt mọi quan hệ với WHO, mà theo ông "đang bị Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát".

Vì Hồng Kông, Hoa Vi khó vào được Anh, Pháp, Đức

Liên quan đến Trung Quốc trên lãnh vực công nghệ, Les Echos cho biết "5G : áp lực tăng lên đối với Hoa Vi tại Châu Âu".

Theo tờ Times, Anh quốc muốn lập ra một nhóm 10 quốc gia dân chủ, gồm G7 cộng thêm Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc tức D10, để chống lại tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Sự nghi ngờ của Châu Ấu đối với tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) ngày càng tăng, và viễn cảnh tham gia mạng lưới 5G tương lai trở nên bất định hơn bao giờ hết.

Luân Đôn đang xích lại gần Washington vốn đang tiến hành cuộc thập tự chinh chống lại Hoa Vi, hiện đang chiếm 1/3 thị trường thế giới về thiết bị điện thoại di động. Hồi đầu tháng Năm, một liên minh gồm 31 công ty công nghệ trong đó có Facebook, Google, Microsoft và nhiều nhà mạng các nước, ủng hộ giải pháp 5G "mở", có nghĩa là phù hợp với tất cả các thiết bị.

Đề nghị "D10" được đưa ra vào lúc Anh chuẩn bị gỡ bỏ các ăng-ten Trung Quốc khỏi các mạng di động của mình trong ba năm tới, với bối cảnh căng thẳng giữa Châu Âu và Bắc Kinh do đại dịch virus corona và quyết định bóp nghẹt tự do của Hồng Kông mới đây. Khi trả lời hãng tin Bloomberg, ông Reinhard Bütikofer, trưởng phái đoàn Nghị Viện Châu Âu về quan hệ với Trung Quốc đã tuyên bố, Châu Ấu có thể xét lại việc để cho Hoa Vi tham gia xây dựng mạng lưới 5G do hành động mới đây của Trung Quốc đối với Hồng Kông.

Về mặt chính thức, quan điểm của Paris và Berlin về Hoa Vi không thay đổi : tập đoàn Trung Quốc vẫn được vào, với các biện pháp củng cố. Nhưng Đức phải hoàn tất dự luật về an ninh của mạng viễn thông trong những tuần tới, còn tại Pháp thì văn bản cho phép Hoa Vi triển khai vẫn luôn nằm yên trong ngăn kéo.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế