Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chưa thoát khỏi Covid-19, Pháp ngổn ngang với tái thiết kinh tế

Các báo Pháp ra hôm nay tiếp tục dành nhiều trang bài bàn luận xung quanh diễn văn trước cả nước của tổng thống Emmanuel Macron hôm 14/06, chính thức tuyên bố Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn mới sau những ngày dài chống chọi với Covid-19 với trọng tâm tái thiết kinh tế. Đây là một nhiệm vụ cấp bách khó khăn không thua gì cuộc chiến chống đại dịch.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu nhân chuyến thăm nhà máy chế tạo phụ tùng xe hơi Valeo, Etaples, gần Touquet, Pháp, ngày 26/05/2020 Reuters - POOL

Tuyên bố Pháp đã có "thắng lợi đầu tiên chống virus", dù dịch Covid-19 vẫn chưa bị đánh bại, tổng thống Pháp muốn tăng tốc các biện pháp giải tỏa đất nước, kêu gọi "làm việc và sản xuất nhiều hơn" để phục hồi nền kinh tế đang hoang tàn vì trận dịch. Le Monde khẳng định "tái thiết là một thách thức cho tổng thống Macron" khi mà một nước Pháp được giải tỏa cùng với những di chứng không chỉ về kinh tế mà còn cả những vấn đề xã hội mới nảy sinh đang làm chia rẽ sâu sắc đất nước. Đó là phong trào chống bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, cuộc đấu tranh của các công đoàn bảo vệ việc làm, quyền lợi của người lao động.

Le Figaro ghi nhận, tổng thống Macron muốn "xây dựng một mô hình kinh tế mới" theo hướng tái công nghiệp hóa và đây cũng là một lời hứa khó có thể thực hiện. Cuộc khủng hoảng dịch đã để lộ ra những yếu kém, sự lệ thuộc kinh tế giữa các quốc gia, trong đó có nước Pháp. Từ 2002 đến 2018, Pháp đã bị mất 40% các công ty công nghiệp vì di dời nhà xưởng ra nước ngoài, nơi có giá thành thấp bỏ mặc sản xuất trong nước bị mất sức cạnh tranh. Kéo các công ty trở về nước bây giờ dường như không khả thi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa sâu rộng.

Xã luận của Le Figaro cho rằng, dù sao cũng "chưa phải là quá muộn để nắm lại vận mệnh kinh tế của đất nước. Để làm được việc này, cần phải tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và công nghệ tương lai. Đồng thời phải nỗ lực làm việc nhiều hơn, để tìm lại sức cạnh tranh đã mất. Đó là cái giá phải trả cho chủ quyền (kinh tế)".

Libération thì cho rằng tung tiền cứu các doanh nghiệp khỏi bị phá sản, nhưng đó là tiền đi vay, làm sao Nhà nước trả được nợ mà không phải tăng thuế, đó mới là vấn đề nan giải. Les Echos thì đề cập đến hàng loạt vấn đề đang đặt ra cho các doanh nghiệp khi khôi phục lại hoạt động sản xuất giải tỏa. Động đến vấn đề nào cũng nan giải, đâu cũng thấy thách thức.

Y tế, sau những hy sinh giờ là lúc tranh đấu

Một thời sự của nước Pháp được các báo hầu như đồng loạt đưa tin, liên quan đến cuộc xuống đường đấu tranh để "bảo vệ và cải thiện hệ thống y tế". Cuộc tập hợp diễn ra chiều nay (16/06) trước các bệnh viện và Bộ Y tế ở Paris.

Mới đây thôi giữa đại dịch Covid-19, những nhân viên y tế, y tá bác sĩ là những thiên thần hộ mệnh trong các bệnh viện, được nhất loạt tôn vinh vì những hy sinh không mệt mỏi để chống dịch. Giờ đây khi cuộc khủng hoảng vừa dịu xuống, những người trên tuyến đầu chống dịch virus corona đó xuống đường đấu tranh để đòi quyền lợi, đòi chính phủ giữ cam kết tăng đầu tư cho y tế và cải thiện điều kiện làm việc cho họ. Le Monde loan báo : " Những nhân viên chăm sóc y tế trở lại đường phố". Libération ghi nhận: "Sau Covid-19, cảm giác bị bỏ rơi của những nhân viên chăm sóc y tế".

Libération nhận thấy cuộc khủng hoảng Covid đã cho thấy tình trạng trì trệ của hệ thống y tế Pháp, cần phải rút ra bài học. Thí dụ như thiếu nhân lực, vật tư thiết bị trầm trọng ở các bệnh viện. Các y tá, bác sĩ, nhân viên phục vụ bệnh viện công không chỉ phải làm việc trong những điều kiện xuống cấp như vậy mà đời sống của họ cũng không được bảo đảm vì đồng lương quá thấp. Đặc biệt trong những tháng vừa qua, các nhân viên y tế phải làm việc trong khó khăn cùng cực về thể chất cũng như tâm lý. Chính phủ đã hứa cải cách lại hệ thống y tế, nhưng trong điều kiện kinh tế suy thoái, tài chính eo hẹp như hiện nay thì không chắc gì chương trình cải cách đã đáp ứng được đòi hỏi của ngành y tế cũng như nhiều ngành nghề khác đều đã lên tiếng " kêu cứu".

Châu Âu – Hoa Kỳ mối liên minh ngày càng rạn vỡ

Về thời sự quốc tế, nhân sự kiện hôm qua, ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu có cuộc họp qua video với đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo, Le Monde có bài đề cập đến những xích mích giữa đồng minh Mỹ và Liên Âu liên tiếp xảy ra thời gian qua.

Bài phân tích của Le Monde có tựa đề : "Hoa Kỳ và Châu Âu, đến lúc "tách cặp". Theo Le Monde, năm 2020 này, trong ngôn ngữ ngoại giao người ta thấy xuất nhiện nhiều cụm từ "tách cặp" để nói đến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, một đối thủ kinh tế, ý thức hệ, hung hăng và kiêu ngạo. Nhưng còn có một sự tách cặp khác, đang âm ỉ hình thành đó là giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tờ báo ghi nhận không một tuần nào là không xảy ra những bất hòa giữa Hoa Kỳ và đồng minh Châu Âu mà những bất hòa này thường đến từ một phía. Rất nhiều vấn đề giữa Mỹ và Châu Âu đang làm nguội lạnh dần mối quan hệ đồng minh và các nước Châu Âu phải xem xét lại vấn đề chủ quyền và quyền tự chủ của mình.

Bài báo nhắc lại, trong diễn văn hôm 14/06, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nói đến "củng cố một Châu Âu độc lập trước Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một thế giới lộn xộn như chúng ta đang sống". Như vậy hai cường quốc được nêu tên đều là những hình thái đe dọa lợi ích và chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo liệt kê ra một loạt các hành động đơn phương của Washington gần đây trên các hồ sơ lớn, không bao giờ cần quan tâm đến vai trò hay quan điểm của Châu Âu. Từ việc rút quân khỏi Afghanistan, Iraq cho đến mới đây là quyết định rút bớt quân tại Đức trong khuôn khổ của NATO. Rồi đến cuộc đối đầu kịch liệt tranh giành vai trò cường quốc hàng đầu thế giới với Trung Quốc. Chưa kể đến các quyết định đơn phương của Washington về hồ sơ hạt nhân Iran hay Israel ở Trung Đông. Tất cả các khuôn khổ quan hệ đa phương hay hiệp ước giải trừ vũ khí đều bị chính quyền Trump coi như những thứ vướng víu không cần thiết. Gần đây nhất là quyết định của chính quyền Trump trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế CPI, vì lý do định chế xét xử này mở điều tra về tội ác chiến tranh của quân Mỹ ở Afghanistan. Paris đã phản ứng cho rằng đó là hành động gây phương hại đến quan hệ đa phương và tính độc lập của tư pháp quốc tế.

Ngay cả trong trận dịch Covid-19, các cuộc họp giữa EU và Hoa Kỳ trong khuôn khổ các nước đồng minh NATO, để chia sẻ kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh cũng chỉ mang tính hình thức, không kết quả thực chất.

Hồng Kông : Tương lai mờ mịt của cuộc đấu tranh vì dân chủ

Vẫn trên trang quốc tế, nhật báo Le Monde có bài về nỗi thất vọng của người Hồng Kông sau 1 năm đấu tranh sôi sục vì quyền tự trị với Trung Quốc.

Một năm sau cuộc tuần hành lịch sử vì dân chủ 16/06/2019, người dân Hồng Kông giờ mất hy vọng có thể giữ được các quyền tự do khi mà Bắc Kinh ngày càng siết chặt quản lý đặc khu hành chính. Thông tín viên của Le Monde ở tại chỗ ghi nhận, "một năm vừa qua người Hồng Kông đã trải qua những cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất trong lịch sử của mình, nhưng cảm nhận của nhiều người Hồng Kông lúc này là: chán nản, mệt mỏi, tuyệt vọng, bất lực…".

Còn nhớ cách đây đúng 1 năm hơn 2 triệu người Hồng Kông đã xuống đường phản đối dự luật dẫn độ về Hoa lục, chính quyền sau đó phải chùn bước, cho rút dự luật. Nhưng khi cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cho thông qua luật an ninh quốc gia thì phong trào đấu tranh đã bị suy yếu và bất lực trước bàn tay can thiệp trực tiếp của Bắc Kinh còn thộ bạo hơn cả vụ dự luật dẫn độ năm ngoái.

Những nhân chứng là giới trẻ ở Hồng Kông thổ lộ rằng giờ họ sống trong lo âu, nhìn thấy tương lai của Hồng Kông như là cơn ác mộng.

Nguyên nhân một phần là do phong trào đấu tranh của giới trẻ bị biến thái sang bạo lực làm mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Mặt khác do chính quyền Hồng Kông cũng thay đổi phương pháp. Một mặt huy động lực lượng lớn cảnh sát sẵn sàng mạnh tay trấn áp phong trào từ sớm, mặt khác chính quyền Hồng Kông đẩy mạnh tuyên truyền răn đe, theo hướng phong trào đấu tranh dân chủ lạm dụng các quyền tự do để gây rối, phá hoại cuộc sống yên bình của Hồng Kông… Trước mắt chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh có vẻ đạt được mục đích nhưng tương lai vẫn đầy bất định ở đặc khu này.

Covid-19 : The Lancet quy trách nhiệm nặng nề cho phương Tây

Liên quan đến đại dịch virus corona, báo Libération có bài với tựa đề đáng chú ý trích nhận định của tổng biên tập tạp chí khoa học nổi tiếng của Anh The Lancet cho rằng : "sự ngạo mạn của phương Tây phải chịu trách nhiệm của hàng chục nghìn cái chết".

Ông Richard Horton, tổng biên tập của The Lancet, trong bài phỏng vấn dành riêng cho Libération đã kêu gọi thế giới rút ra bài học về tai họa Covid-19. Tờ báo cho biết, trong tháng Sáu, lãnh đạo tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới này sẽ cho ra mắt cuốn sách "Tai họa Covid-19", tổng kết với cái nhìn nghiêm khắc về cách ứng phó của thế giới với đại dịch. Ông khẳng định chính thái độ "ngạo mạn của phương Tây" đối với Trung Quốc, theo đó cho rằng phương Tây có hệ thống Y tế công cộng cũng như cộng đồng các nhà khoa học ở trình độ tiên tiến hơn vì thể có thể xử lý tốt hơn khủng hoảng dịch. Quan điểm đó đã dẫn đến việc ra quyết định chậm trễ làm trầm trọng thêm bản thống kê số tử vong ở nhiều nước. Tổng biên tập của The Lancet còn dành những lời nặng nề nhắm vào tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như thủ tướng Anh Boris Johnson, là đã "phạm tội ác" vì đã phản ứng chậm trước trận dịch virus corona.

Chính trận khủng hoảng Covid-19 cũng đã làm chao đảo uy tín tạp chí The Lancet, khi công bố rồi lại phải cho rút nghiên cứu về hiệu quả và tác động của thuốc Hydroxychloroquine trong việc điều trị Covid-19.Trong bài trả lời phỏng vấn tổng biên tập The Lancet thừa nhận sai sót của các nghiên cứu đã được tạp chí công bố.

Anh Vũ

Published in Quốc tế