Không phán xét Putin chuyên quyền dựa trên tiêu chí của Pháp (RFI, 20/03/2018)
"Không nên phán xét tổng thốngNga Vladimir Putin chuyên quyền nếu chỉ dựa trên các tiêu chí của nước Pháp".
Trên đây là nhận định của bà Hélène Carrère d’Encausse, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, tác giả cuốn sách "Tướng de Gaulle và nước Nga" trong bài phỏng vấn đăng ngày 17/03/2018 trên báo Le Figaro.
Vladimir Putin phát biểu trước những người ủng hộ ông tại Moskva, ngày 18/03/2018. Yuri Kadobnov/POOL via Reuters
Nước Nga có còn nền dân chủ ?
Khi chúng ta nói đến dân chủ, đó là dân chủ là theo nhãn quan của người Pháp. Chúng ta vốn có hơn 1 thế kỷ rưỡi kinh nghiệm về dân chủ. Trong khi nước Nga chỉ mới có hai lần manh nha tiến tới dân chủ : lần đầu vào giai đoạn 1860-1880, khi Alexandre II muốn xóa bỏ chế độ nông nô, xây dựng chính quyền ở các địa phương. Nhưng Alexandre II bị ám sát vào năm 1881. Lần thứ hai là sau Cách Mạng 1905, khi bắt đầu có chế độ quân chủ lập hiến. Cách Mạng 1917 nổ ra, đặt dấu chấm hết cho nền quân chủ lập hiến.
Chỉ tới năm 1991, chế độ dân chủ mới khởi đầu ở Nga. 25 năm không là gì so với lịch sử ngàn năm của đất nước này ! Tuy nhiên, từ năm 1993, Nga đã có Hiến pháp và các thể chế dân chủ. Hiến pháp 1993 đã được soạn thảo với sự trợ giúp của các nhà soạn Hiến pháp của Pháp. Năm 2003, Putin đã từ chối sửa đổi Hiến pháp để có thêm một nhiệm kỳ, cho dù khi đó dân chúng rất ủng hộ ông về điểm này.
Điều mà chúng ta có thể tranh luận là việc vận hành các thể chế và khái niệm của các nhà lãnh đạo về dân chủ. Nước Nga có rất nhiều đặc thù : không gian mênh mông, trải rộng trên 17 triệu km2 khiến mối bận tâm đầu tiên của chính quyền Nga là kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ rộng lớn này, cũng như toàn bộ dân số đa sắc tộc và đa văn hóa vốn rất khó dung hòa.
Mục tiêu của Putin là thiết lập một nhà nước hùng mạnh ?
Khi trở thành tổng thống Nga, Putin đã công bố các mục tiêu ưu tiên. Trước tiên là giữ cho nước Nga được như trước khi Liên Xô tan rã và giữ cho Nhà nước, vốn thời đó gần như không còn tồn tại, không bị sụp đổ hoàn toàn. Để hoàn thành những mục tiêu lớn lao đó, để tái thiết được toàn bộ nước Nga và Nhà nước, để duy trì Nhà nước đó, cần phải có một thứ quyền lực mạnh, độc đoán. Đó là thứ quyền lực dựa vào những giá trị truyền thống của Nga, tư tưởng Nga, sức mạnh, ý nghĩa của Nhà nước và sự đoàn kết của xã hội.
Những ai là hình mẫu mà Putin noi theo ?
Hình mẫu đầu tiên của Putin là Pierre Đại đế, người muốn mở rộng Nga sang phương Tây và Tây hóa đất nước. Đó cũng là điều Putin cố gắng làm cho tới năm 2004. Đặc biệt, Putin noi theo Pierre Đại đế trong việc xây dựng một Nhà nước Nga và cố gắng đưa Nga thành một siêu cường, điều các sa hoàng đã từng mơ ước. Ngoài ra, Putin cũng chịu ảnh hưởng của Stolypine, thủ tướng thời Nicolas II, vốn được mệnh danh là người thay đổi xã hội Nga và phát triển sở hữu tư nhân. Xét về khía cạnh nào đó, Putin cũng chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của sa hoàng Alexandre III, người từng tuyên bố : "Các đồng minh tốt nhất của Nga chính là các hạm đội và quân đội Nga".
Liệu Putin có luyến tiếc thời Xô Viết ?
Người ta thường trích dẫn một câu nói nổi tiếng của tổng thống Nga : "Ai không tiếc nuối thời Xô Viết là không có trái tim. Ai muốn quay trở lại thời Xô Viết là không có khối óc". Nhưng thực ra, Putin không tiếc nuối hệ thống chính trị Xô Viết, điều mà ông ấy luyến tiếc là sức mạnh của Nga trên trường quốc tế và uy thế mà Nga có được nhờ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống phát xít.
Putin đã mang lại sự thay đổi cho nước Nga ?
Chắc chắn là như vậy, cho dù vẫn còn những mảng tối. Putin giữ được sự vẹn toàn không gian của nước Nga khi phá vỡ âm mưu nổi dậy của người Tchetchenia, tái lập hòa bình ở một mức độ nhất định tại Bắc Caucase và kiểm soát lại được vùng Kadyrov. Putin cũng đã xây dựng lại được quyền lực cho Nhà nước. Trái lại, ông ấy không thành công trong cải cách kinh tế. Cho tới năm 2004, nước Nga vẫn lệ thuộc vào nguồn lợi nhuận từ dầu lửa. Nền kinh tế Nga không được đa dạng hóa và hiện đại hóa. Putin cũng không giảm được nạn tham nhũng, vốn luôn làm người dân phẫn nộ.
Người dân Nga nghĩ gì về dân chủ ?
Người dân Nga vẫn còn những ký ức khủng khiếp về sự rối ren, chao đảo của xã hội trong những năm 1990. Họ mong muốn tới mức bị ám ảnh về việc làm thế nào để duy trì một xã hội ổn định. Chắc chắn là người Nga nào cũng ủng hộ dân chủ, nhưng điều họ quan tâm đầu tiên là có được cuộc sống tốt hơn. Putin đã đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ tới là giảm 50% số người nghèo đồng thời đảm bảo sự ổn định chính trị. Người Nga hy vọng với Putin, đất nước không quay lại thời kỳ rối ren.
Thành tựu địa chính trị của Putin là gì ?
Năm 1999, người Nga nghĩ rằng đất nước họ đã bị xóa sổ trên trường quốc tế. Các vụ không kích của NATO nhắm tới Serbia vào năm 1999 càng củng cố suy nghĩ của người Nga. Điều duy nhất Moskva còn giữ lại được từ vị thế một "siêu cường" là Nga vẫn là một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Nhưng vào thời đó, NATO đã quyết định không kích Serbia mà không thông qua Hội Đồng Bảo An vì sợ bị Nga phủ quyết.
Putin đã kết luận như vậy và nhiều lần nhắc lại rằng nhiệm vụ của ông là lấy lại vị thế cho nước Nga. Năm 2007, tại hội nghị Munich, Putin phát biểu Nga cần ưu tiên bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia. Cuộc chiến Gruzia 2008 đã cho phép Medvedev, khi đó là tổng thống Nga và Putin, khi đó là thủ tướng, chặn đứng khả năng Ukraina và Gruzia gia nhập NATO, điều mà Nga coi là không thể chấp nhận được.
Cùng cuộc chiến Gruzia và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, việc Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria là lần thứ ba Moskva phô trương sức mạnh và có những lợi ích thực sự. Nga đã chứng tỏ có khả năng quân sự và cho thấy quốc tế không thể tìm được giải pháp cho khu vực Cận Đông nếu thiếu vắng Nga. Cứu chế độ của tổng thống Syria Bachar Al Assad, Putin đã lật ngược ván cờ và nhắc lại rằng sự ổn định của Nhà nước là loại vũ khí hiệu quả nhất để ngăn chặn đà phát triển của khủng bố.
Chính sách của Putin với Hồi giáo là gì ?
Trong lĩnh vực này, chính quyền hậu Xô Viết đã đạt được một thành công đáng kể. Người Hồi giáo, vốn chiếm 15% dân số Nga, sống tập trung tại các vùng ở Tchetchenia, Bắc Caucasse, dọc sông Volga và Tatarstan, nơi có một Nhà nước Hồi giáo nổi tiếng. Putin cũng cho xây dựng tại Moskva "nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Châu Âu".
Người ta thấy ở Nga có sự hợp tác giữa giới lãnh đạo Hồi giáo, chính thống giáo Nga và chính quyền. Hiện nay, cho dù ở sát biên giới Nga có nhiều quốc gia Hồi giáo đầy biến động, nhất là Afghanistan, nước Nga vẫn không phải lo lắng về các phong trào Hồi giáo cực đoan. Người Hồi giáo tại quốc gia này là người Nga theo đạo Hồi, nhưng trên hết, họ là công dân Nga.
Bà Hélène Carrère d’Encausse kết luận : tướng Charles de Gaulle đã từng tuyên bố Châu Âu sẽ trải rộng từ Atlantique tới dãy núi Ural, nhưng giờ phải nói là Châu Âu sẽ trải rộng từ Atlantique tới tận Pacifique, bởi vì uy lực địa chính trị đang chuyển hướng về phía Châu Á. Nước Nga là cầu nối giữa Châu Á đang dần hùng mạnh lên và Châu Âu. Phớt lờ nước Nga, quay lưng lại với Moskva có nghĩa là Châu Âu tự tách rời khỏi Châu Á, xa rời những thay đổi địa chính trị trong thế kỷ XXI.
Có lẽ nên đặt những mâu thuẫn, khủng hoảng giữa Châu Âu với nước Nga trong bối cảnh có những xáo trộn về địa chính trị nói trên để nhìn nhận cho hợp lý. Và cũng không nên chỉ dựa trên những tiêu chí của nước Pháp về dân chủ mà đánh giá Putin là chuyên quyền. Cần chú ý đến cả cuộc cách mạng quyền lực ly kỳ đang diễn ra ở Trung Quốc, đất nước mà Nga hướng tới từ khi bị Châu Âu cô lập.
Thùy Dương
********************
Ông Putin tuyên bố ‘không muốn chạy đua vũ trang’ (VOA, 20/03/2018)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra dịu giọng với phương Tây hôm 19/3, sau khi giành thắng lợi bầu cử lớn nhất từ trước tới nay, nói rằng ông không muốn chạy đua vũ trang và sẽ làm mọi cách có thể để giải quyết bất đồng với các nước khác, theo Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin tái đắc cử vào thời điểm mối quan hệ của ông với phương Tây đang theo chiều hướng thù địch, nhưng sẽ giúp ông thống lĩnh chính trường Nga thêm 6 năm nữa, tới 2024.
Với chiến thắng này, ông trở thành người cầm quyền lâu nhất kể từ thời cai trị của nhà độc tài Xô Viết Josef Stalin, và gây quan ngại ở phương Tây về khả năng gia tăng đối đầu.
Tuy nhiên, ông Putin, 65 tuổi, đã dùng cuộc họp ở điện Kremlin với các ứng cử viên mà ông đã đánh bại trong cuộc bầu cử hôm 18/3 để báo hiệu mong muốn tập trung vào các vấn đề trong nước, chứ không phải quốc tế, và cố gắng nâng cao mức sống bằng cách đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và y tế, trong lúc cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
"Không ai có kế hoạch leo thang chạy đua vũ trang cả", ông Putin nói.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giải quyết tất cả những khác biệt với các đối tác qua kênh chính trị và ngoại giao".
Phát biểu của ông Putin, theo Reuters, nhiều khả năng bị hoài nghi ở phương Tây sau nhiều năm đối đầu, đánh dấu một sự thay đổi về giọng điệu sau chiến dịch tranh cử gay go. Trong thời gian này, ông Putin đã tiết lộ những vũ khí hạt nhân mới, mà theo lời ông, có thể tấn công hầu như đến bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.
Nga hiện đang trong thế đối đầu với phương Tây về vấn đề Syria và Ukraine. Moscow còn bị cáo buộc về các cuộc tấn công mạng và can thiệp vào các cuộc bầu cử nước ngoài. Nước này cũng bị quy trách nhiệm trong vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga và con gái ông ở Anh. Hậu quả là các mối quan hệ với phương Tây của Moscow rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
**********************
Trông đợi gì ở Putin và một nước Nga trỗi dậy ? (VOA, 19/03/2018)
Ông Vladimir Putin giờ nắm trong tay quyền kiểm soát vận mệnh nước Nga, và dành được một vị thế mạnh hơn trên thế giới nhờ đoạt được số phiếu áp đảo để được ủy quyền nắm chiếc ghế Tổng thống Nga trong thêm một nhiệm kỳ 6 năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc diễn văn trong một cuộc tuần hành và hòa nhạc đánh dấu kỷ niệm năm thứ Tư ngày sáp nhập bán đảo Crimé, tại quảng trường Manezhnaya ở trung tâm Moscow, Nga ngày 18/3/2018. Reuters/David Mdzinarishvili -
Ở trong nước, các đối thủ của ông về phần lớn đành chấp nhận thêm 6 năm trong bóng tối. Còn những kẻ thù của ông ở nước ngoài thì lâm vào tình trạng bế tắc vì những vấn đề của riêng họ, từ nước Anh với vụ rắc rối Brexit sau khi cử tri biểu quyết rời khỏi Liên hiệp Châu Âu, cho tới tình trạng hỗn loạn trong chính quyền Mỹ dưới quyền ông Donald Trump.
Ngay cả các vụ gian lận bầu cử rộng rãi cũng khó có thể chọc thủng chiếc áo giáp kiên cố đang bảo vệ ông Putin. Trong khi những lời tố cáo cho rằng ông đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và bảo trợ cho một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh, chỉ làm tăng thêm uy tín của ông ở trong nước.
Thế giới, các đối thủ của Nga, các nước láng giềng nên trông đợi gì từ ông Putin trong 6 năm sắp tới ?
Chiến tranh lạnh mới ?
Quan hệ giữa ông Putin và phương Tây hiện đã ở mức thấp nhất từ khi Liên bang Xô viết tan rã cách đây 26 năm.
Tư liệu : Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải)
Bất chấp mối quan hệ có vẻ như ‘thân thiện’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế mạnh của ông Putin hiện nay không khích lệ ông hòa hoãn với Washington, đặc biệt giữa lúc cuộc điều tra vào cáo buộc rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đang đi vào giai đoạn quyết liệt.
Trên thế giới, các nhà lãnh đạo thân Putin đã đạt nhiều thắng lợi trong các cuộc bầu cử ở Ý và ở Đức hồi gần đây. Các nước phương Tây có phần chắc sẽ phải chứng kiến thêm các vụ tin tặc có liên kết với Nga, những lời tuyên truyền nhắm phá hoại bầu cử, hoặc làm tổn thương nền dân chủ- kể cả các cuộc bâu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ.
Ở trong nước, mỗi lần ông Putin kình chống lại phương Tây, thì y như rằng mức ủng hộ của dân chúng ở trong nước lại tăng cao, thế cho nên điều mà chúng ta sẽ chứng kiến là, Tổng thống Nga sẽ tiếp tục tung ra những lời lẽ cứng rắn với Hoa Kỳ mỗi khi phải đối diện với những mối đe dọa ở trong nước. Mặt khác, Nga càng trở nên táo bạo hơn trong những cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ về bất cứ điều gì có thể được coi là đi ngược lại các lợi ích của Moscow.
Tuyên bố của ông Putin cách đây vài tuần, rằng Nga đã phát triển các vũ khí hạt nhân có khả năng tránh lá chắn tên lửa của Mỹ, rõ ràng cho thấy quyết tâm của Putin muốn đẩy mạnh sức mạnh của Nga để trấn áp tinh thần các đối thủ.
Syria và mối đe dọa của các thành phần cực đoan
Các lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn đã đẩy bật nhóm Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi Syria, ông Putin lập luận rằng Nga đã xoay chiều cuộc chiến trong một cuộc xung đột đã gây nhức nhối cho các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại IS.
Giờ đây các lực lượng Syria được Nga yểm trợ đang tiến dần tới mục tiêu giành lại các cứ địa cuối cùng trong tay các lực lượng nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn.
Coi đó là một chiến thắng địa-chính-trị và quân sự trước hành động mà Nga cho là can thiệp bất hợp pháp vào tình hình Syria do các nước phương Tây lãnh đạo, Nga có phần chắc sẽ không triệt thoái khỏi Syria trong tương lai gần.
Nga và các nước láng giềng
Đối với người Nga, thắng lợi lớn nhất của ông Putin trong 18 năm cầm quyền là sáp nhập bán đảo Crimé và dập tắt tham vọng của Ukraine muốn xích lại gần EU và NATO.
Một thủy thủ Nga bỏ phiếu tại một phòng phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga ở Sevastopol, Crimea, hôm Chủ nhật,18/3/2018.
Ông Putin tỏ ra bực dọc về các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ và các nước EU để trả đũa việc Moscow sáp nhập Crimé, nhưng dường như Moscow vẫn không sẵn sàng nhượng bộ để chấm dứt các biện pháp chế tài.
Ukraine bị chia cắt giữa một chính quyền bấp bênh ở Kiev và một khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn, cả hai trong tình trạng bế tắc giữa lúc cuộc xung đột phục vụ các quyền lợi của ông Putin. Cuộc chiến tuy đã tạm ngưng tại thời điểm này nhưng vẫn gây nhiều tử vong.
Các hành động của Moscow ở Ukraine là lời cảnh cáo đối với các nước trong phạm vi ảnh hưởng của nước Nga, rằng xích lại gần các nước phương Tây là điều nguy hiểm. Một số nước từng thuộc Liên bang Xô-viết cũ trong EU dần dà xoay chiều sang Moscow, từ Hungary và Ba Lan cho tới Cộng hòa Séc và Slovakia.
Đối với người Nga
Qua thắng lợi bầu cử kỳ này, trên lý thuyết ông Putin được ủy quyền để thực hiện các biện pháp cải cách táo bạo mà nước Nga cần thực hiện từ lâu để nâng cao mức sống, và tránh lệ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa.
Nhưng ông Putin đã thuyết phục cử tri Nga rằng các cải cách triệt để là nguy hiểm, và bảo vệ đất nước chống lại các mối đe dọa quan trọng hơn là cải thiện đời sống thường nhật.
Các chuyên gia tiên đoán ông Putin có thể thực hiện một vài thay đổi như mở rộng chương trình nhà ở giá rẻ, và chống các hành vi tham nhũng ở cấp địa phương.
Tuy nhiên khó có thể xảy ra những thay đổi lớn như cải cách hệ thống hưu bổng, vốn không được sự đồng tình của thành phần cử tri chủ lực ủng hộ ông Putin, hoặc cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực an ninh, là biện pháp không được sự ủng hộ của những người bạn và cựu đồng nghiệp của ông Putin từng làm việc cho KGB và giờ vẫn trong vòng thân cận với Tổng thống Putin.
Nước Nga đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 2 năm, mức lạm phát cũng như mức thâm hụt đang ở mức thấp. Nhưng thu nhập cá nhân vẫn dậm chân tại chỗ, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang suy sụp và nạn tham nhũng tràn lan.
Tương lai ông Putin
Dấu hỏi lớn nhất đối với người Nga trong 6 năm tới là điều gì sẽ xảy ra sau đó ?
Theo hiến pháp, ông Putin phải từ nhiệm vào năm 2024, tuy nhiên ông có thể đổi các quy định để loại trừ những điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền, hoặc ông sẽ bổ nhiệm một người kế nhiệm dễ uốn nắn và tiếp tục nắm quyền trong hậu trường.
Trả lời một câu hỏi trong cuộc họp báo đêm Chủ nhật, hỏi liệu ông có ra ứng cử Tổng thống một lần nữa vào năm 2030 ? Ông Putin, 65 tuổi, đáp :
Thủ lãnh đối lập Alexei Navalny, đối thủ đáng gờm nhất của Putin, trong thời gian tới sẽ đối mặt với thêm áp lực từ các cấp chính quyền trong khi ông tìm cách phơi bày các hành vi tham nhũng và những lời nói dối của chính quyền.
Những đối thủ khác của ông Putin như ứng cử viên Ksenia Sobchak và ông Mikhail Khodorkovsky, nhà tài phiệt trở thành nhà bất đồng chính kiến, sẽ tìm cách tìm lại chỗ đứng trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc hội sắp tổ chức.
Một số nhân vật trong vòng thân cận với ông Putin sẽ chen chân dành chỗ đứng một khi ông không còn tham chính.
Ngoài ra, ông Putin có thể sẽ hồi sinh các nỗ lực nhằm cổ vũ cho trí tuệ nhân tạo như một phần trong nỗ lực vận động thế hệ trẻ, bởi vì có thu phục được thành phần này, thì ông Putin mới đảm bảo di sản ông để lại sẽ trường tồn sau khi ông không còn nữa.
****************
Ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga (VOA, 19/03/2018)
Một cuộc thăm dò cử tri rời phòng phiếu cho thấy ông Vladimir Putin hôm 18/3 đã tái đắc cử tổng thống Nga với hơn 73.9% số phiếu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Reuters dẫn kết quả này cho hay thêm rằng ông Pavel Grudinin, đối thủ thuộc đảng cộng sản, người bám sát ông Putin nhất, về nhì với 11.2% số phiếu.
Ở các vị trí tiếp theo là ông Vladimir Zhirinovsky, nhân vật đứng đầu đảng có tinh thần dân tộc, Dân chủ Tự do, với 6,7% rồi tới ngôi sao truyền hình Ksenia Sobchak với 2,5%.
Ông Putin đi bỏ phiếu hôm 18/3.
Trước đó, cử tri Nga đi bầu tổng thống trong cuộc bầu cử mà giới quan sát dự báo rằng ông Putin sẽ dễ dàng tái đắc cử.
Các kết quả thăm dò cho thấy đương kim tổng thống Nga nhận được sự hậu thuẫn của khoảng 70% cử tri, hoặc gấp gần 10 lần so với sự ủng hộ dành cho ứng viên bám sát ông nhất.
Theo Reuters, một nhiệm kỳ nữa sẽ giúp ông Putin cầm quyền 2/4 thế kỷ, đưa ông vào vào danh sách các nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Điện Kremlin, chỉ sau nhà độc tài thời Xô Viết Josef Stalin.
Dù bị phương Tây chỉ trích, nhiều người cho rằng cựu nhân viên tình báo nhà nước KGB 65 tuổi đã bảo vệ các quyền lợi của nước Nga trong một thế giới họ cho là đầy thù nghịch.
*********************
Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 (RFI, 19/03/2018)
Không bất ngờ, ông Vladimir Putin đã tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4, trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/03/2018. Với 76,7% phiếu bầu, đây là chiến thắng lớn nhất trong 3 lần ra tranh cử tổng thống Nga của ông, cho dù tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu không được cao như mong đợi, chỉ đạt khoảng 67%.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại tổng hành dinh ban bầu cử của ông tại Moskva (Nga) ngày 18/03/2018. Sergei Chirkov/POOL via Reuters
Ngay trong đêm qua, người ủng hộ ông Putin đã tổ chức ăn mừng chiến thắng ngay bên cạnh điện Kremlin. Tổng thống tái đắc cử đã xuất hiện trước đám đông với bài phát biểu ngắn gọn trước sự hân hoan cuồng nhiệt của người ủng hộ.
Thông tín viên Daniel Vallot tại Moskva ghi nhận không khí của cuộc mít tinh mừng thắng lợi :
"Vladimir Putin tiến ra khán đài cuộc mít tinh với nụ cười rạng rỡ. Tổng thống Nga phát biểu với những người ủng hộ tụ tập trước mặt ông.
"Chiến thắng này là sự thừa nhận công việc đã hoàn thành ! Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc một cách có trách nhiệm và hiệu quả".
Trong đám đông, Loudmila trong chiếc áo choàng lông chống rét, đến dự mít tinh cùng với 2 người bạn. Cô cho biết rất vui mừng vì "tổng thống của mình" đắc cử : "Tôi rất hạnh phúc. Vladimir Putin đã cống hiến tất cả cho nước Nga. Trước tiên, ông đã trả lại cho chúng tôi Crimea, ông làm cho chúng tôi trở nên mạnh hơn…Đúng là một lãnh tụ thực sự, ông có niềm tin, là một người đàn ông thực thụ !"
Cách đó không xa, một nam thanh niên tỏ băn khoăn về nhiệm kỳ mới của Vladimir Putin. Alexander hy vọng tổng thống Nga sẽ tiến hành những cải cách mà anh cho là cần thiết cho nước Nga : "Cần phải cải cách kinh tế ! Chúng tôi bị lệ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và khí đốt. Các doanh nghiệp phải được phát triển. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng".
Vladimir Putin rời khán đài. Phát biểu chỉ dài vài phút và như thường lệ, ông không nói gì về chính sách mà ông dự kiến thực thi trong vòng 6 năm tới.
Anh Vũ
******************
Nếu tái đắc cử, ông Vladimir Putin rất có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ các nhà lãnh đạo "một phần tư thế kỷ cầm quyền" khi mãn nhiệm kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn còn xa các mức kỷ lục do Fidel Castro (Cuba), Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên) hay Mouammar Kadhafi (Libya) nắm giữ.
Tượng bán thân Vladimir Putin theo mầu cờ Nga. Reuters/Maxim Shemetov
Hãng tin Pháp AFP (18/03/2018) lược sơ lại hành trình cầm quyền của ông Putin. Được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng chính phủ năm 1999, Vladimir Putin được bầu làm tổng thống năm 2000. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, năm 2008, ông giao điện Kremlin cho thủ tướng chính phủ hiện nay là Dmitri Medvedev và trở thành thủ tướng chính phủ. Rồi ông lại trở thành tổng thống năm 2012.
Tưởng Giới Thạch hay Fidel Castro
Thế nhưng, lịch sử đương đại cho thấy là có một vài lãnh đạo cầm quyền đến hơn 40 năm. Kỷ lục tại vị lâu nhất thuộc về cố chủ tịch Cuba Fidel Castro, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1959, và chỉ nhường lại quyền hành cho em trai Raul sau 49 năm ở vị trí người đứng đầu Nhà nước.
Lãnh đạo theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, ông Tưởng Giới Thạch cũng cầm quyền trong vòng 47 năm dưới nhiều chức danh khác nhau, ban đầu là tại Trung Quốc rồi sau đó là tại Đài Loan khi chạy đến đây tị nạn vào năm 1949.
Á quân thứ hai là lãnh tụ Kim Nhật Thành, điều hành đất nước Bắc Triều Tiên trong vòng 46 năm và xếp thứ tư là lãnh đạo Libya bị lật đổ, ông Mouammar Kadhafi. Người này cai trị đất nước liên tục 42 năm cho đến khi bị giết chết vào tháng 10/2011 sau khi những làn sóng phản đối chuyển thành xung đột có vũ trang.
Trong cuộc tranh tài về kỷ lục nắm giữ quyền lực, các nước Châu Phi cũng không kém cạnh : Omar Bongo Ondimba (Gabon) là 41 năm, Teodoro Obiang Nguema (Guinea Nhiệt đới) là 38 năm. Hay như Paul Biya tại Cameroun, vừa mừng thọ 85 tuổi cũng có đến 35 năm cầm quyền. Ông này giờ đang ngấp nghé tranh cử nhiệm kỳ thứ 7.
Tại Châu Á, ngoài Tưởng Giới Thạch và Kim Nhật Thành, hiện nay "vô địch" cầm quyền thuộc về thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt, liên tục điều hành xứ Chùa Tháp từ 33 năm qua. Theo sau là giáo chủ Ali Khamenei tại Iran cũng có hơn 28 năm cầm quyền.
Nói tóm lại là ông Vladimir Putin, chỉ với 18 năm cầm quyền, vẫn còn phải nỗ lực nhiều mới mong được gia nhập vào câu lạc bộ các nhà độc tài trên thế giới.
RFI tiếng Việt
********************
Ngày 18/03/2018, gần 110 triệu cử tri Nga được kêu gọi bỏ phiếu bầu tổng thống. Chủ nhân điện Kremlin chắc chắc sẽ tiếp tục thêm một nhiệm kỳ, sau 18 năm lãnh đạo. Đối thủ chính Alexei Navalny bị cấm tranh cử.
Một phòng phiếu ở thủ đô Moskva được trang trí với màu cờ của nước Nga. Reuters
Không một ứng cử viên nào khác trong số 7 người còn lại có thể qua được ngưỡng 10%, theo một thăm dò ý kiến. Ẩn số duy nhất là tỷ lệ vắng mặt. Sáng nay, khi bỏ phiếu, tổng thống Putin tuyên bố sẽ "hài lòng" với mọi tỷ số cử tri ủng hộ ông.
Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật không khí tại một phòng phiếu :
"Tôi đang đứng trong một phòng phiếu, một trường học ở trung tâm thủ đô Moskva. Bầu cử diễn ra trong không khí lễ hội, vang lừng tiếng nhạc từ một máy phóng thanh. Cửa vào có trang trí bong bóng đủ màu. Bên trong có thức ăn và trà nước cung cấp cho cử tri.
Ở chỗ phòng kín, có treo chân dung của 8 ứng cử viên, lý lịch và tài sản của mỗi người. Người ta được biết tổng thống Putin có một căn hộ 70 mét vuông ở Moskva và ba chiếc xe hơi nội địa.
Sau khi gạch vào ô để chọn một tên trong danh sách cả 8 ứng cử viên, cử tri sẽ bỏ lá phiếu đó vào thùng. Một phụ nữ phát biểu sau khi bầu : "Tôi chọn Putin, tổng thống của chúng tôi. Tôi tin tưởng vào ông ấy từ 18 năm nay và không có lý do gì mà ngày hôm nay phải đổi ý kiến".
Một nữ cử tri khác thì không muốn thấy Putin tiếp tục cầm quyền. Gần đến tuổi về hưu, người phụ nữ dân thủ đô này cho biết bà không đủ tiền đắp đổi trọn tháng. Bà nhìn nhận là không một ứng cử viên nào đủ sức đánh bại Putin "nhất là kết quả cuộc bầu cử đã được định trước".
Ẩn số duy nhất là tỷ lệ cử tri vắng mặt. Điện Kremlin đặt chỉ tiêu 70% cử tri đi bầu. Tỷ lệ này khó đạt được nhất là vì Alexei Navalny kêu gọi tẩy chay bầu cử. Luật sư, đối lập chính của tổng thống Nga bị cấm tranh cử vì bị nhiều bản án mà ông cho là dàn dựng. Nhà đối lập kêu gọi giới ủng hộ ông tẩy chay "bầu cử trò hề".
Theo AFP, sáng nay tổ chức của Navalny công bố một đoạn video cho thấy dường như có các vụ "dồn phiếu vào thùng" ở miền viễn đông. Ủy ban bầu cử quốc gia cam kết sẽ điều tra. Quan sát viên của đối lập cũng than phiền bị gây khó khăn.
Tú Anh