Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Macron vừa bổ nhiệm thủ tướng : Edouard Philippe đến từ bên hữu, và một nội các vừa tả, vừa hữu. Sau khi làm "holp-up", chiếm cái ghế cao nhất, Macron vừa thực hiện một "big bang" : xóa bỏ ranh giới tả, hữu đã làm bế tắc xã hội, chia rẽ chính trường và, đôi khi, những gia đình Pháp.

macron1

Cặp bài trùng Emmanuel Macron (phải) và Edouard Philippe (trái) - Ảnh minh họa 

Quả thực "the kid" không làm gì như mọi người.

Bình thường, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng một người thân cận nhất, đáng tin cậy nhất, có kinh nghiệm nhất. Macron, tả phái, khuynh hướng tự do kinh tế (gauche libérale) lựa Édouard Philippe, phe hữu nhân bản (droite humaniste), 46 tuổi, chưa hề tham dự chính quyền, phát ngôn viên một ứng cử viên tổng thống đối lập, đã từng chỉ trích Macron gay gắt.

Philippe, cũng như mọi người, không tưởng tượng chuyện Macron gõ cửa, trao cho ông ta chức thủ tướng. Và bất cứ một chính khách hữu phái nào cũng ngần ngại, nếu không từ chối, sợ sẽ bị kết án là phản bội hay làm tan đảng của mình, Philippe đã nhận. Hai anh táo bạo gặp nhau. Cả hai nói : nước Pháp quan trọng hơn là chuyện cá nhân.

Báo chí Pháp không ngần ngại dùng những chữ rất kêu : refondement historique (một cuộc đặt lại nền móng chính trị lịch sử), gouvernement baroque (chính phủ kỳ lạ), l’effrondement d’un mur (bức tường sụp đổ).

Sự kiện một nội các quy tụ nhiều khuynh hướng là chuyện thường ở nhiều nước dân chủ, từ Đức, Hòa Lan, các nước Bắc Âu tới Do Thái… Ở Pháp, nơi chủ nghĩa chính trị là một tôn giáo, đó là một trận động đất. Nhiều chính trị gia nặng ký (Giscard, Barre, Bayrou…) đã mơ nhưng đều thất bại.

Từ phụ nữ tới xã hội dân sự

Sau ba ngày mang nặng đẻ đau, Edouard Philippe vừa công bố danh sách nội các : 18 bộ trưởng, 4 thứ trưởng, bằng nửa số bộ trưởng trong các chính phủ khác.

Phe hữu của thủ tướng nắm hai bộ tài chánh và kinh tế (Le Maire, bộ trưởng dưới thời Sarkozy và Darmanin, ngôi sao mới nổi của LR), cho thấy Macron ngả hẳn về phía kinh tế tự do, coi nặng lời hứa với Liên Hiệp Châu Âu sẽ tìm cách giảm bớt thâm thủng ngân sách

Một số ghế quan trọng dành cho những chính khách Xã Hội đã ủng hộ Macron, như Gérard Collombe, bộ trưởng nội vụ, người đã canh tân thành phố Lyon ; Le Drian, cưụ bộ trưởng quốc phòng và là bộ trưởng uy tín nhất thời Hollande. Nhóm đứng giữa Modem của Bayrou chiếm ba ghế bộ trưởng và gần một trăm ứng cử viên dân biểu, là phần thưởng lớn để trả ơn cho Bayrou đã ủng hộ Macron. Mặc dầu trên thực tế, Bayrou là một chính trị gia có uy tín, nhưng là tướng không quân.

Nội các Philippe thi hành đúng nguyên tắc một nửa đàn ông, một nửa phụ nữ. Đó là một tiến bộ, vì thường thường phụ nữ rất yếu thế trong chính trường Pháp. Trong nội các Philippe, đàn bà nắm những bộ quan trọng, thí dụ Sylvie Goulard, bộ trưởng quốc phòng trong một giai đoạn dầu sôi lửa bỏng.

Đặc điểm khác : một nửa nội các là những chính trị gia chuyên nghiệp, một nửa tới từ xã hội nhân sự. Thí dụ : nữ vô địch đấu kiếm, da đen, Laura Fleschel, bộ trưởng thể thao ; Françoise Nyssen, bộ trưởng văn hóa, là người sáng lập và giám đốc nhà xuất bản Acte Sud, trong khi trong những nội các trước đó, bộ trưởng văn hóa nhiều khi chỉ khám phá văn hóa ngày được bổ nhiệm, trừ trường hợp Malraux, Duhamel, Lang.

Từ thành phần nội các tới cách hành động, Macron muốn đi theo Bắc Âu, những nước dân chủ kiểu mẫu. Với tinh thần thực tiễn, Macron nói tại sao không thử những phương pháp đã thành công ở những nơi khác.

Con cá lớn nhất mà Macron bắt được là Nicolas Hulot, bộ trưởng môi trường. Hulot là một cựu ký giả truyền hình, chuyên về môi trường, một trong những nhân vật được ưa chuông nhất nước Pháp. Hulot là người hoạt động không ngừng cho môi trường, có khả năng, nắm vững vấn đề, có cái nhìn xa và thành thực về môi sinh, khác hẳn các chính trị gia chỉ coi môi sinh như một con bài để lấy phiếu. Từ 20 năm nay, mỗi lần thành lập nội các, các thủ tướng, tả hay hữu đều tìm cách dụ Hulot tham chánh, nhưng ông ta từ chối, mặc dù vẫn cố vấn về môi sinh cho các tổng thống, với lý do chính phủ không có chính sách quy mô, đứng đắn và phương tiện cần thiết để hành động. Hulot là người hiếm hoi tham chánh không phải vì cái ghế bộ trưởng, mà vì muốn thay đổi xã hội.

Thế hệ trẻ

Macron và Philippe là khuôn mặt mới của nước Pháp, trẻ, hướng về tương lai, cởi mở, sống với thời đại hơn là hối tiếc quá khứ. Người ta không khỏi nghĩ tới những Trudeau của Canada, Renzi của Ý. Cả hai nói về nước Pháp với nét lạc quan, trong khi các chính khách khác dùng những hình ảnh đen thẫm, trong khi dân Pháp là những người bi quan nhất thế giới (rất xa sau… người Việt), theo những cuộc thăm dò.

Nước Pháp tụt hậu thực, so với Đức hay Bắc Âu, so với khả năng và tài nguyên của Pháp, nhưng dân Pháp không có đời sống cùng khổ như lãnh tụ cực tả Mélenchon than vãn để kiếm phiếu. Ít có nơi nào trên thế giới bạn vào nhà thương, người ta tận tình chữa chạy, đôi khi cực kỳ tốn kém, không hỏi han gì chuyện tiền bạc. Khi ra nhà thương, người ta mới nói bạn ghé qua phòng kế toán, nếu không xu nào cũng hòa cả làng. Và người ta chữa trị, không căn cứ theo chức tước hay túi tiền của bệnh nhân, chỉ theo một tiêu chuẩn : bệnh nặng hay nhẹ. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm trước, ở Pháp không có cảnh những người, một sớm một chiều, mất việc, mất nhà, ngủ và sống trong xe hay ngoài đường như ở Mỹ. Chế độ an sinh của Pháp, ngày nay gặp khó khăn, dù có nhiều khuyết điểm, đã là một cái dù che cho dân Pháp.

Édouard Philippe, dân biểu, thị trưởng thành phố hải cảng Le Havre, một trong sáng lập viên đảng UMP, tiền thân của đảng Cộng Hòa LR, là cánh tay mặt của cựu thủ tướng Alain Juppé, một trong những chức sắc uy tín nhất của phe hữu.

Macron, Philippe có nhiều điểm tương đồng. Cùng xuất thân từ Sciences Po (Khoa học Chính trị), ENA (Quốc gia hành chánh), hai đại học uy tín đào tạo giới lãnh đạo Pháp. Cả hai đều có kinh nghiệm nghề nghiệp trước khi làm chính trị, trái với đa số chính khách Pháp, làm chính trị từ nhỏ cho tới khi về hưu (hay tắt thở, vì ít chính trị gia nào về hưu), rất lơ mơ về đời sống thực.

Cả hai đều thực tập quyền Anh (boxe), rất cần trong những ngày tới. Cả hai cùng có máu văn nghệ : Macron là pianiste, Philippe mơ làm nhạc trưởng. Cả hai đều có máu văn chương : Macron đóng kịch, viết tiểu thuyết (hai cuốn chưa in, Brigitte Macron nói : tôi nghĩ kết hôn với một nhà văn tương lai, mở mắt thấy mình là vợ tổng thống), Philippe là tác giả hai cuốn tiểu thuyết về mặt trái, đen tối, của chính trường, với nhiều đoạn tình dục ướt át có thể làm các nhà đạo đức đỏ mặt : L’Heure de VéritéDans L’ombre.

Macron nói tiếng Anh, với accent, nhưng thông thạo và đúng văn phạm hơn… Donald Trump ; Philippe giỏi tiếng Đức (đậu tú tài ở Bonn). Cả hai khác với các chính khách cũ, chê ngoại ngữ, nói tiếng Anh bằng tay. Philippe nói thuộc phe hữu và định nghĩa hữu phái : autorité et liberté (kỷ luật và tự do), Macron có khuynh hướng tả, nhưng đặt tiêu chuẩn hành động : pragmatisme et volontarisme (thực tiễn và cương quyết). Cả hai coi chuyện hữu hiệu quan trọng hơn ý thức hệ. Macron và Philippe, với khuôn mặt và thái độ của họ, làm các chính khách Pháp già đi vài chục năm.

Giữa Macron và Philippe có những điểm bất đồng. Philippe muốn giảm số công chức 250.000 người, Macron nhẹ tay hơn, đòi một nửa. Nhưng Macron nói sẽ xét lại hồ sơ của tất cả các công chức cao cấp, 250 người đầu sỏ, nếu cần sẽ thay đổi. Ông ta có kinh nghiệm những ngày ở bộ kinh tế : công chức cao cấp có thể cấu kết với nhau, không thi hành lệnh bộ trưởng. Philippe muốn tăng tuổi về hưu lên 65, Macron giữ 62 như hiện nay. Philippe muốn dẹp bỏ tuần lễ 35 giờ, Macron dành chuyện đó cho nhân viên, nghiệp đoàn, chủ nhân thỏa thuận với nhau. Cố nhiên, người quyết định là tổng thống.

Ván cờ bầu cử

Mục tiêu số 1 của Macron, khi lựa một thủ tướng hữu phái là để thắng trong cuộc bầu cử hạ viện tháng tới. Nếu chiếm đa số tuyệt đối (288 ghế trên 577), ông ta sẽ có toàn quyền hành động, nếu không, ông ta sẽ bị bó tay.

Bài toán khá đơn giản :

Cử tri cực hữu sẽ bầu cho các ứng cử viên của Le Pen, cử tri cực tả sẽ dồn phiếu cho người của Mélenchon. Các dân biểu của hai đảng này sẽ chống Macron tới cùng, sẽ bác bỏ tất cả các dự luật Macron, với những lý do trái ngược, hay, đúng hơn, bất cần lý do.

Macron trông chờ vào những cử tri không đảng phái, một phần cử tri của đảng Xã Hội và một phần cử tri của đảng Cộng Hòa (LR), những người hoặc thất vọng với đảng của mình, đã chán trò chơi tả hữu, muốn cho Macron một cơ hội để hành động.

Macron muốn là một Tổng thống không đảng phái, không tả không hữu, hay vừa tả vừa hữu. Nói cách khác, ông ta nhắm lá phiếu của cả hai phe. Macron nói không úp mở là ông ta muốn dẹp các chính đảng đã lỗi thời, với thái độ phe phái cứng nhắc, đã làm bế tắc xã hội Pháp.

Số phận của đảng Xã Hội (PS) kể như đã xong. Đảng này đã chết hay đang hấp hối. Một số bỏ đảng đầu quân với Macron, ra ứng cử dưới danh nghĩa En Marche, ngày nay trở thành République En Marche (REM-Cộng hòa lên đường). Một số giã từ võ khí, không ra ứng cử nữa, một số thành lập những nhóm, phong trào mới, với hy vọng nắm cái xác PS còn thoi thóp. Số chính khách PS về đầu quân quá đông, đến độ REM phải từ chối rất nhiều, kể cả ông cựu thủ tướng PS Manuel Valls. Bị chỉ trích là người nối dõi Hollande, Macron không muốn phong trào mới lập của ông ta có quá nhiều những khuôn mặt PS kỳ cựu, người ta quen gọi là "les éléphants", vì sống lâu và kềnh càng như những con voi.

Muốn quân bình tả, hữu, Macron quay về phía Cộng Hòa LR. Đảng này, mặc dầu bị loại từ vòng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng chưa tan rã như PS. LR thua vì những vụ lem nhem của ứng cử viên Fillon, nhưng cử tri hữu phái vẫn đáng kể.

Macron nghĩ cách hữu hiệu nhất để làm lung lay phe hữu là bổ nhiệm một thủ tướng đến từ LR. Với dụng ý ông này sẽ kéo theo một số chính khách hàng đầu của LR tham gia chính quyền Macron, ra ứng cử quốc hội, kéo theo một số cử tri LR đáng kể.

LR có hai khuynh hướng : khuynh hướng ôn hòa, đứng đầu là cựu thủ tướng Alain Juppé, và khuynh hướng cứng rắn hơn, trước đây Fillon đứng đầu. Thất cử, Fillon lùi vào bóng tối, cuộc tranh chấp để nắm bộ máy đảng vẫn chưa ngã ngũ, mặc dầu LR đã thỏa thuận để François Baroin tổ chức việc tranh cử lập pháp của LR. Baroin sẽ là thủ tướng nếu LR nắm đa số ở quốc hội.

Phe cứng rắn trong LR chắc chắn sẽ không có ai theo Macron, vì kết án Macron là sản phẩm của Hollande, quá ôn hòa về vấn đề di dân, vấn đề hồi giáo, vấn đề an ninh, và những giải pháp kinh tế. Nhóm này chủ trương phải dùng biện pháp mạnh. Macron nghĩ căng quá sẽ đứt, chủ trương đối thoại trước khi cải cách, nhưng hứa sẽ không nhượng bộ, sẽ thực hiện những điều đã hứa. Macron nhắm phe ôn hòa của Juppé, vì lập trường trên nhiều phương diện gần với En Marche hơn là với những người đồng đảng nhưng có lập trường cứng rắn hơn.

PS hấp hối, LR lung lay

Chọn Edouard Philippe làm thủ tướng, Macron đã đánh LR một cú nặng. Philippe là một thị trưởng hữu hiệu (đã thực hiện nhiều dự án ở Le Havre và đã tái thắng cử thị trưỏng ngay vòng đầu), có khả năng, nhưng không phải là chính khách chủ chốt trong môi trường chính trị Pháp. Bổ nhiệm Phillipe, Macron nhắm cử tri của Juppé, nghĩa là một nửa cử tri của LR. LR choáng váng, chống chế, tuyên bố thái độ của Philippe chỉ là một lựa chọn cá nhân, không đáng kể. Nhưng ngay sau khi Philippe xé rào, gần 200 đảng viên LR ký một bản kêu gọi cộng tác với Macron, trong đó có những lãnh tụ hàng đầu : Borloo, Kosciuski-Moricet, Apparu, Darmanin, Solère vv. Juppé tuyên bố vẫn tiếp tục ủng hộ các ứng cử viên LR, nhưng nếu LR thua, phải nghĩ đến chuyện cộng tác.

REM (La République En Marche) chuẩn bị cuộc tranh cử lập pháp theo phương pháp Macron. Ngoạn mục và khác hẳn những chính đảng cổ truyền.

Thường thường các chính đảng đưa những chính khách kỳ cựu ra tranh cử. Hậu quả là quốc hội Pháp không phản ảnh xã hội Pháp. Dân biểu Pháp điển hình là một người đàn ông, da trắng, 66 tuổi, làm nghề tự do (bác sĩ, luật sư), trong khi ở các nước Bắc Âu, dân biểu trẻ hơn, đủ mọi nguồn gốc, đủ mọi nghề nghiệp, một nửa là phụ nữ.

Luật lệ Pháp phạt các chính đảng không áp dụng nguyên tắc một nửa đàn ông, một nửa phụ nữ trong danh sách các ứng cử viên. Các chính đảng sẵn sàng nộp tiền phạt để tiếp tục dành ghế cho các ông, vì các ông vẫn là chức sắc vai vế trong đảng.

Một đội quân tài tử

En Marche sẽ đưa 577 ứng cử viên ra tranh cử trên 577 đơn vị, 50% đàn ông, 50% phụ nữ, ít nhất một nửa xuất thân từ xã hội dân sự và đa số chưa bao giờ tranh cử, chưa bao giờ làm chính trị, 95% chưa hề là dân biểu, tuổi trung bình 46. Trong số ứng cử viên, hầu hết vô danh, có những người nổi danh trong nhiều nghề khác nhau, lần đầu tham gia chính trị, từ toán học gia Cedric Villani (giải Fields), thẩm phán chống tham nhũng Halphen, ngôi sao đấu bò (toréador) Marie Sara… Trong số ứng cử viên, một thiếu nữ gốc Việt khả ái, Stéphanie Đỗ (kỳ này, người Việt chịu khó tham gia chính trị, LR cũng có ứng cử viên gốc Việt, và cố vấn về kinh tế của Mélenchon tên là Hoàng Ngọc Liêm).

REM tuyển mộ ứng cử viên qua Internet. Trong vài ngày, 16.000 người chợt thấy mình sẵn sàng nắm vận mệnh nước Pháp trong tay, nộp đơn xin được cầm cờ REM ứng cử. Một ủy ban En Marche lựa 577 ứng cử viên, theo tiêu chuẩn Macron đã đề ra, trừ một số đơn vị dành cho LR về đầu quân. Đội quân đó, tài tử nhưng nhiệt thành, có nhiệm vụ mang về cho En Marche, một phong trào mới mở mắt chào đờì từ một năm nay, đa số ở Hạ Viện. Đó là một cuộc đánh cá táo bạo. Nhưng Macron quen đánh cá táo bạo, và cho tới nay "the kid" đều thắng.

Hệ thống lập pháp

Quốc hội Pháp có hai viện : Hạ Viện (Assemblée Nationale), Thượng Viện (Sénat). Khác với Hoa Kỳ, Thượng Viện Pháp chỉ có vai trò cố vấn. Hạ viện do dân trực tiếp bầu, Thượng Viện do 150.000 dân cử cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh vv. bầu. Một dự luật, biểu quyết xong ở Hạ Viện, được chuyển lên Thượng Viện ; Thượng Viện đề nghị những tu chỉnh (amendements), dự luật trở lại Hạ Viện. Hạ Viện có thể chấp nhận hay không những tu chỉnh đó, biểu quyết lần cuối, dự luật trở thành luật.

Tóm lại, Hạ Viện đóng vai trò quyết định trong việc lập pháp.

Điều đó không có nghĩa là quốc hội đóng vai trò quan trọng. Quốc hội Pháp, kể cả Hạ viện, khác với Quốc hội Hoa kỳ, hay nhiều nước dân chủ khác, không có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị, trừ việc có quyền tín nhiệm hay bất tín nhiệm thủ tướng. De Gaulle (Tổng thống Pháp 1959-1969,) sợ một quốc hội quá mạnh, tạo bất ổn chính trị, đã soạn thảo một hiến pháp trong đó vai trò quốc hội lu mờ, Tổng thống có quyền lớn nhất trong các nước dân chủ. Với điều kiện phải nắm đa số ở quốc hội, để bổ nhiệm Thủ tướng và nội các để thi hành chính sách của mình.

4 kịch bản

Người ta nói bầu cử Tây là bầu cử 4 vòng, 2 vòng đầu lựa Tổng thống, hai vòng sau bầu Quốc hội, một cách trưng cầu dân xem có nên… cho phép ông Tổng thống làm việc hay không. Đó là một trong những cái kỳ cục của Hiến pháp đệ ngũ Cộng hòa, khiến nhiều chính khách nghĩ phải dẹp hiến pháp hiện tại, soạn thảo một hiến pháp khác, gần với thể chế của các nước dân chủ láng giềng. Nghĩ vậy, nhưng khi cầm quyền, ông Tổng thống nào cũng thấy có nhiều quyền hành, ít bị chế tài, có vẻ thoải mái hơn, nên để dành cái vụ thay đổi hiến pháp cho các ông tới sau.

Tùy theo kết quả bầu cử dân biểu, một trong 4 kịch bản sẽ xẩy ra :

1. Macron nắm đa số tuyệt đối ở quốc hội (ít nhất 289 ghế/577), Thủ tướng là người của Tổng thống, lập nội các theo chỉ thị của Tổng thống, thi hành chính sách của Tổng thống

2. Đảng Cộng Hòa LR chiếm đa số (bởi vì khó tưởng tượng một đảng khác, cực tả hay cực hữu chiếm đa số ghế), thủ tướng sẽ rơi vào tay LR, thi hành chính sách LR. Tổng thống trở thành tổng thống giấy. Kịch bản này nhiều người trong LR hy vọng, ngày nay trở thành chuyện xa vời từ khi Édouard Philìppe nhận làm thủ tướng, chẻ LR ra làm hai.

3. Không đảng nào nắm đa số tuyệt đối, khối nhiều phiếu nhất sẽ thương thuyết với các nhóm khác, hay các cá nhân khác, để lập nội các. Chuyện này là một sinh hoạt rất bình thường ở các nước láng giềng, nhưng người Pháp, vì hệ thống bầu cử, vì sinh hoạt lưỡng đảng, vì văn hóa tả hữu sâu đậm, chưa có thói quen đó.

4. Các nhóm không đi tới một thỏa hiệp, nước Pháp sẽ lâm vào tình trạng bất ổn chính trị, như đã xẩy ra ở Hy lạp, Y Pha Nho (Espagne), Bỉ (Belgique) trong những năm gần đây.

Trong những trường hợp 2-3-4, tổng thống có thể giải tán quốc hội, cho bầu lại, với hy vọng cử tri… biết điều hơn, cho Tổng thống đa số. Nhưng điều này không có gì bảo đảm, tổng thống có thể thua nặng hơn, chuyện đã đến với Jacques Chirac. Tới giờ này, người ta nghĩ tới kịch bản 3 : REM chiếm đa số, nhưng không đủ đa số tuyệt đối để có thể cai trị một mình và Macron đã chứng tỏ ông ta đủ khôn khéo để làm chuyện chưa ai làm : thương lượng để có một đa số làm hậu thuẫn.

Nếu nước Pháp có hàng ngũ công chức đông nhất thế giới, tính trên đầu người, con số dân biểu cũng hùng hậu không kém : 577 dân biểu, 348 thượng nghị sĩ, tổng cộng 925 vị dân cử, gần gấp đôi tổng số dân cử của Hoa Kỳ (535 = 100 thượng nghị sĩ + 435 dân biểu) với dân số gần 67 triệu, nghĩa là bằng 1/5 dân số Hoa Kỳ.

Trong quá khứ, Tổng thống nào cũng hứa sẽ sửa đổi hiến pháp, để giảm bớt hàng ngũ dân cử đông đảo, nhưng những lời hứa vẫn nằm yên trong ngăn kéo, vì không có vị dân cử nào muốn giảm bớt túc số, khiến việc tái cử của mình sẽ khó khăn hơn. Và không có ông Tổng thống nào chơi dại, đụng chạm, gây hấn với quốc hội. Macron cũng hứa sẽ giảm số dân cử, chờ xem ông ta có thực hiện không, có thực hiện nổi không.

Đụng ổ kiến lửa

Những thử thách trước mắt của Macron và Philippe không phải nhỏ, và không phải chờ đợi lâu. Ngoài chuyện bầu bán, Macron hứa hai chuyện đầu tiên sẽ làm là đạo luật trong sạch hóa chính trường Pháp và sửa đổi luật lao động, sau đó tới luật cải tổ thể chế hưu bổng. Nếu luật đầu, nhằm trong sạch hóa chính trường, gặp nhiều chống đối của các chính khách kỳ cựu, nhưng được dân chúng ủng hộ. Trái lại, đụng tới luật lao động và thể chế hưu bổng châm thuốc nổ, là đẩy các nghiệp đoàn và hàng triệu người xuống đường. Với những màn đốt phá bạo động của những nhóm cực tả, cực hữu, hay những nhóm đốt phá để đốt phá. Macron tuyên bố sẽ không có gì ngăn cản nổi ông ta, các nghiệp đoàn cũng sẵn sàng ăn thua đủ. "Ça passe ou ça casse", như người Pháp nói, hoặc qua khỏi, hoặc gẫy cánh.

Quyết định của Macron đặt ngay những vấn đề nóng bỏng trên bàn là một thái độ can đảm, chứng tỏ ông ta muốn hành động. Macron nói muốn làm một "président qui préside" (một tổng thống làm tổng thống), không phải một "président empêché" (tổng thống bị bó tay) như Hollande, hay "président assis" (tổng thống ngồi chơi xơi nước) như Chirac.

Cựu thủ tướng Michel Rocard nói đụng tới hồ sơ hưu bổng có thể làm nổ tung ba chính phủ. Nước Pháp có hàng chục thể chế hưu bổng khác nhau, nhóm nào cũng muốn duy trì đặc quyền đặc lợi. Các chính phủ liên tiếp hoặc không dám đụng tới, hoặc chỉ cải cách qua loa, trong khi có lửa trong nhà : quỹ hưu bổng thâm thủng nặng, nạn thất nghiệp gia tăng khiến số người đóng góp giảm, trong khi người về hưu càng ngày càng… sống lâu hơn (tuổi về hưu ở Pháp : 62, trong khi các nước láng giềng 65 hay 67). Macron hứa sẽ dẹp bỏ các chế độ hưu bổng đặc biệt để đi tới một chế độ duy nhất. Tiền hưu bổng sẽ tính theo số tiền đã đóng góp trong suốt đời làm việc.

Sửa đổi luật lao động còn gay go hơn nữa. Nước Pháp có luật lệ lao động cực kỳ phức tạp, Macron muốn giảm thuế cho các xí nghiệp, cởi trói hành chánh, hạn chế số tiền bồi thường khi bị sa thải để khuyến khích các xí nghiệp tuyển mộ. Hiện nay, các xí nghiệp không dám tuyển mộ vì không thể, hay rất tốn kém, nếu sa thải. Các nghiệp đoàn sẽ đổ xuống đường, làm tê liệt nước Pháp. Các nghiệp đoàn làm nhiệm vụ của họ, bênh vực công nhân, nhưng bảo vệ người có việc làm một cách quá đáng là một cách đóng cửa không cho những người khác len chân vào.

Một quốc gia dân chủ cần những nghiệp đoàn mạnh, nhưng có tinh thần trách nhiệm. Nước Pháp chưa có tinh thần đó. Ở Bắc Âu, nghiệp đoàn là cái gạch nối giữa thợ thuyền và nhà nước, ở Pháp, nghiệp đoàn là đối thủ của chính quyền, nhất là những nghiệp đoàn có quá khứ mác xít như CGT. 

Macron nói sẽ thảo luận với quốc hội, với các nghiệp đoàn nhưng nếu không đi tới thỏa thuận, sẽ ban hành những sắc lệnh (ordonnances) không cần biểu quyết ở quốc hội, như hiến pháp cho phép. Bởi vì một dự luật bình thường, từ lúc thảo luận đến lúc trở thành luật cũng mất ít nhất 2 năm. Một luật bị nghiệp đoàn chống đối còn phức tạp hơn nữa. Ngoài biểu tình, đình công, bãi thị, các dân biểu chống đối còn chơi một trò quen thuộc : đề nghị tối đa, hàng ngàn, hàng chục ngàn tu chính (amendements) để làm quốc hội tê liệt.

Các nghiệp đoàn sẽ chống tới cùng việc cải cách bằng ordonnances, cho là thiếu dân chủ. Macron muốn cải cách thật nhanh thật rộng, vì nghĩ phải thay đổi luật lao động, phải cởi trói các xí nghiệp nếu muốn giải quyết vấn đề thất nghiệp, căn bệnh trầm kha, kinh niên của nước Pháp. Trong năm vừa qua, hầu hết các quốc gia Âu Châu đều giảm tỷ số thất nghiệp, trừ nước Pháp. Macron biết rằng năm năm sau, người ta sẽ đánh giá ông ta qua con số người thất nghiệp.

Tương lai của đảng phái

Sau ba ngày cầm quyền, Macron đã chứng tỏ ông ta, tuy thiếu kinh nghiệm, biết mình muốn gì, muốn đi tới đâu.

Những người bi quan nghĩ rằng việc đánh tan hay làm yếu các chính đảng sẽ có hậu quả tai hại trong tương lai. Bởi vì một nước dân chủ không thể không có đảng phái. Các chính đảng là những cơ cấu không thể thiếu, là nơi đào tạo cán bộ, là nơi thực tập dân chủ. Bởi vì nếu các chính đảng tan rã, đối lập sẽ rơi vào tay những phần tử cực đoan, nhất là ở nước Pháp, nơi cực tả và cực hữu lớn mạnh, tới một tỷ số bất bình thường.

Những người lạc quan nghĩ rằng các đảng phái Pháp, có cơ sở ít nhất từ đệ nhị thế chiến, sẽ không tan rã, nhưng sẽ tổ chức lại, sẽ sinh hoạt một cách thích ứng hơn với một thế giới đã và đang thay đổi. Người ta sẽ không còn được xếp vào một trong hai ô tả hay hữu, như trong lý lịch phải khai đàn ông hay đàn bà. Ngày nay, ở Âu Châu có những phong trào đòi công nhận cái giống thứ ba, ngoài đàn ông, đàn bà, còn có những người vừa đàn ông vừa đàn bà, những người đàn ông trở thành đàn bà, hay ngược lại.

Cũng vậy, ngoài hai ô tả và hữu, sẽ có thêm những ô khác : nhìn về tương lai hay hối tiếc dĩ vãng, mở rộng tay hay đóng cửa, thích ứng với thời đại hay đi ngược dòng lịch sử. Không thể làm chính trị kiểu cũ trong thời đại mới. Các đảng phái không biến mất, nó biến dạng.

Paris, 17/05 /2017

Từ Thức

Nguồn : https://www.facebook.com/tu-thuc 39

Additional Info

  • Author Từ Thức
Published in Diễn đàn

Không thể khác

Cuộc bầu cử Tổng thống ngày 7/05/2017 đã kết thúc. Kết quả thắng lợi thuộc về ứng viên trẻ tuổi Emmanuel Macron, mặc dù cũng trải qua những giây phút nín thở với một số người, với một số đông người khác là kết quả không thể khác.

trang1

Emmanuel Macron, tân Tổng thống Pháp

Nếu ở vòng một, khi có những 11 lựa chọn khác nhau, những người tự tin nhất cũng không dám tin vào những phân tích và phán đoán của mình. Và thậm chí có những phán đoán sai lầm chỉ do một tập quán hay một lối tư duy xơ cứng, mà ngay chính chủ nhân của nó không thể tự nhận ra. Bản chất của hiện tượng không được nhận diện bằng diễn biến của sự kiện mà bằng định kiến và kinh nghiệm. François Fillon có thể thất bại cũng vì một lý do gần giống như vậy.

Nhưng ở vòng hai, khi chỉ còn hai lựa chọn, cử tri buộc phải đối diện với chính mình. Quyết định lựa chọn thể hiện chính mình. Dẫu có thể không hoàn toàn, nhưng lá phiếu vẫn phản ánh phần thắng bên trong mỗi con người. Dù không thích, hoặc không tin một chàng trai còn quá trẻ, nhưng đi cùng với chủ nghĩa ích kỷ hẹp hòi, chia rẽ và hận thù lại là sự khủng khiếp quá sức chịu đựng.

Ở vòng hai, ứng viên có thể không hoàn hảo, nhưng không thể có khuyết tật. Đối đầu trực diện với đối thủ, chỉ một khuyết tật nhỏ đủ để cho đối phương khai thác, và đủ để "chết".

François Fillon đã thất bại từ vòng đầu, chỉ vì ông ta không thể thắng ở vòng hai, bất kể đối thủ của ông ta là ai. Nếu chọn ông vào vòng hai, ông sẽ thua ở vòng đối chất, trước khi bỏ phiếu. Điều đó có nghĩa là, nước Pháp đối diện với nguy cơ một thảm họa, nếu đối thủ của ông là bà Marine Le Pen.

Đó là một thất bại không thể chấp nhận và không thể được phép. Vì đơn giản là điều xảy ra này đồng nghĩa với sự sụp đổ của nền cộng hòa, sự tiêu vong của hệ thống giá trị có lịch sử xương máu hàng trăm năm của dân tộc Pháp - những giá trị đưa dân tộc Pháp lên vị trí những dân tộc đứng đầu nền văn minh nhân loại.

Cùng với bà Le Pen, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền sẽ chỉ là một thứ sản phẩm của tính hài hước Molière và sự rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu của Pháp sẽ là sự thất bại của một trong những sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại là sự ra đời của Liên hiệp tự nguyện của các Quốc gia, như một tiền lệ chưa từng có của sự mở rộng lãnh thổ không bằng chiến tranh xâm lược, khởi thủy của một tiến trình nhiều trăm năm, đi tới hình thành một quốc gia toàn cầu, chỉ với công cụ là tư tưởng dân chủ.

Cho nên, ông Fillon phải thất bại, Macron phải thắng nhưng bà Le Pen phải tồn tại. Nước Pháp phải phát triển, châu Âu phải chiến thắng, nhưng quyền lợi cơ bản của người Pháp phải được bảo đảm và không được phép bỏ qua.

33,9% người bỏ phiếu cho bà Le Pen là trong số 10 người, có hơn 3 người có nhu cầu khẳng định nhận dạng của người Pháp. Bỏ qua thực tế đó, mọi Chính phủ sẽ đều thất bại.

Với 66,1% phiếu ủng hộ, Macron đã thắng, đã trở thành Tổng thống của nước Pháp. Nhưng đó là chiến thắng của ông Macron. Có một sự may mắn, nói như cách nói của người Á Đông, là sự hội tụ kỳ diệu của cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng có thể chỉ là sự trùng hợp giữa một phía là sự chín muồi của các yếu tố lịch sử - xã hội, phía khác là một tài năng có thể rất đặc biệt.

Lỗ hổng của Hiến pháp

Nước Pháp đã có một Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử, vượt qua Louis Napoléon, Tổng thống nền cộng hòa thứ hai, năm 1848 lúc 40 tuổi, và Giscard d’Estaing chủ nhân điện Elysée khi 48 tuổi, năm 1974.

Nhưng phía trước Emmanuel Macron, lịch sử của nước Pháp không hề hứa hẹn một điều gì khả dĩ tốt hơn những gì đã và đang diễn ra. Bởi vì, từ ngày hiến pháp 1958 ra đời, nền chính trị Pháp bắt đầu cuộc hành trình đi xuống, không quá nhanh để dễ nhận diện mà từ từ, chậm chạp, nhưng không thể đảo ngược.

Đó là hiến pháp định hình một thể chế Bán Đại nghị. Người Pháp, mà tiêu biểu là Tướng Charles de Gaulle đã quá sợ hãi chủ nghĩa phát-xít Đức và, như một con chim sợ cành cây cong, đã sợ đến cả bóng dáng của nó ẩn hiện ở thể chế Tổng thống của Hoa Kỳ và thể chế Đại nghị đơn nguyên của Vương quốc Anh.

Tuy vậy, những tác giả chủ nhân của nó đã dừng lại nửa chừng đường, không biết do lúng túng về bản chất của loại hình thể chế này, hay lo sợ sự lặp lại những trạng thái cực đoan mà họ cố tìm cách né tránh.

Một loại thể chế vừa có Tổng thống đại diện chủ quyền quốc gia và lợi ích tổng thể quốc dân, được bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu, vừa có một Chính phủ đứng đầu bằng một Thủ tướng, được tạo ra từ một lực lượng chính trị, hoặc liên minh các đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Hai thiết chế hành pháp song hành đồng thời, thay cho chế độ một Tổng thống hoặc một Thủ tướng. Đó là hành pháp lưỡng chế, một sự cố gắng kiểm soát quyền lực hành pháp. Đơn chế bằng một cách nào đó cũng dễ biến thành độc chế rồi độc tài hơn lưỡng chế.

Và thực tế lịch sử đã chứng minh, hệ thống chính trị Pháp là một trong những nền chính trị có bản chất đa nguyên nhất trên thế giới, và xã hội Pháp là một xã hội có hạ tầng cơ sở của một nền dân chủ phát triển nhất.

Nhưng người Pháp đã không dám đi đến cùng đường. Sinh ra hai thiết chế hành pháp, nhưng họ đã không dám xác định mối liên hệ giữa hai thiết chế đó. Họ chỉ biết tới một yêu cầu có tính nguyên tắc là quyền lực phải được và chỉ có thể được khống chế bởi quyền lực, vì thế các thiết chế quyền lực phải độc lập với nhau.

Người Pháp đã tạo ra một Tổng thống do dân bầu trực tiếp và một Thủ tướng được bầu ra bởi Quốc hội, hai hệ thống độc lập với nhau về mặt pháp lý, bởi hình thành từ hai thiết chế quyền lực khác nhau.

Thủ tướng là người đứng đầu của lực lượng chính trị giành được đa số ghế trong Quốc hội, vì vậy, mặc dù hiến pháp quy định Thủ tướng do Tổng thống chỉ định và bổ nhiệm sau khi thông qua Quốc Hội, trên thực tế, Tổng thống buộc phải bổ nhiệm theo quyết định của Quốc hội.

Đây chính là lỗ hổng của hiến pháp.

Trường hợp đa số trong Quốc hội thuộc cùng một đảng chính trị với Tổng thống, việc tạo ra một Thủ tướng là người đứng đầu một Chính phủ có tính độc lập tương đối theo hiến pháp, trong đảng sẽ hình thành hai lãnh tụ, chính là nguồn gốc của sự phân hóa, dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ đảng. Ở trường hợp ngược lại, nếu có sự trung thành và phục tùng vô điều kiện của Thủ tướng, nguy cơ độc chế và chuyên quyền của Tổng thống là một thực tế khó tránh.

Trường hợp đa số trong Quốc hội không cùng đảng hoặc thuộc đảng đối lập, xuất hiện hiện tượng gọi là "chung sống" trong hệ thống hành pháp. Nghĩa là Tổng thống buộc phái bổ nhiệm một Thủ tướng không cùng ý chí chính trị, thậm chí đối nghịch với mình.

Đây lại là một lỗ hổng nữa của hiến pháp.

Đa số của Quốc hội cũng là bầu chọn của toàn dân, nhưng lại là kết quả bầu chọn cho một đường lối chính trị khác, một chương trình kinh tế xã hội khác với đường lối chính trị và chương trình kinh tế xã hội mới được lựa chọn trước đó chưa đầy hai tháng. Như vậy có thể coi cuộc bầu cử Quốc hội phủ nhận cuộc bầu cử Tổng thống chỉ sau hơn một tháng.

Hành pháp với hai thiết chế mâu thuẫn, thậm chí đối kháng, loại trừ nhau là một nhà nước có thể được gọi là phá hoại, vì thực chất sẽ tiêu hủy năng lực của quốc gia.

Cần một sự thay đổi trong hiến pháp.=

Người Pháp có thể đã quên rằng quyền hạn trực tiếp cao hơn quyền hạn gián tiếp, nghĩa là quyền hạn của Tổng thống cao hơn quyền hạn Thủ tướng, và hệ thống quyền lực phải được thống nhất tại chủ quyền quốc gia và lợi ích thống nhất của toàn thể quốc dân. Trên khía cạnh pháp lý, có thể hiểu một cách quy ước rằng, Tổng thống đại diện hiến pháp trong khi Thủ tướng thể hiện cơ quan thực thi pháp luật.

Nếu Hiến pháp quy định Tổng thống chỉ là người đại diện tối cao của chủ quyền quốc gia và lợi ích tổng thể của mọi thành phần xã hội, thì điều kiện đầu tiên để trở thành Tổng thống sẽ phải là người không đảng phái, không giai cấp. Tổng thống phải thể hiện tính trung lập, bảo vệ và cân bằng lợi ích tổng thể, giữ vai trò trọng tài và kiến tạo phát triển. Tổng thống sẽ là người cuối cùng phê chuẩn các đạo luật do Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua, là người giám sát và kiểm soát hành vi của Thủ tướng và Chính phủ. Như vậy, Tổng thống là người đủ năng lực và phẩm chất bảo vệ hiến pháp và trung thành với lợi ích tổng thể toàn xã hội, không cần phải gắn kết với một chương trình kinh tế xã hội, thực chất là chương trình tăng trưởng kinh tế và gia tăng phúc lợi xã hội.

Ngược lại, Chính phủ và người đại diện cho nó là Thủ tướng chỉ có chức năng thực hành các chính sách nhằm thực thi các cam kết trong trương trình tranh cử. Chương trình kinh tế xã hội là công cụ cạnh tranh giành quyền lập Chính phủ của các đảng, các lực lượng chính trị. Chính phủ hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, vì vậy không thể đối kháng với Tổng thống.

Nếu hiến pháp không tách biệt quyền hạn và chức năng của Tổng Thống và Chính phủ như những phân tích trên đây, nghĩa là Tổng thống gắn với chương trình kinh tế xã hội, thì hiến pháp phải đảm bảo chương trình của Tổng thống là chương trình cao nhất, là khuôn khổ quy định hoạt động của Chính phủ.

Như vậy, Quốc hội phải đương nhiên và bắt buộc có đa số thuộc lực lượng ủng hộ Tổng thống. Điều này dẫn đến cuộc bầu cử Quốc hội nhằm mục đích thành lập một Chính phủ độc lập chỉ còn mang tính hình thức, và trở thành không cần thiết. Để đảm bảo một Chính phủ phục vụ Tổng thống, chỉ cần Chính phủ và Thủ tướng do Tổng thống trực tiếp chỉ định.

Quốc hội sẽ chỉ là cơ quan phê chuẩn luật của Chính phủ và giám sát hành vi của Chính phủ căn cứ trên hiến pháp. Chức năng của Quốc hội sẽ không còn là tìm kiếm đa số để lập ra Chính phủ mà chỉ lựa chọn ra những đại biểu chân chính nhất đại diện cho nguyện vọng và ý chí của toàn dân. Chức năng này đòi hỏi các đại biểu phải thực sự là tinh hoa trí tuệ và phẩm hạnh đại diện của toàn dân.

Đây chính là mô hình hiện tại của thể chế Tổng thống đang áp dụng tại Hoa Kỳ. Để có thể kiểm soát khả năng cực đoan, chỉ cần bổ sung một điều khoản, quy định thể thức bầu cử Tổng thống bắt buộc phải qua hai vòng, và ở vòng đầu phải có ít nhất ba ứng viên, đại diện ba lực lượng chính trị độc lập với nhau.

Nếu không sửa hiến pháp, xác suất xảy ra "chung sống" là rất cao, vì Macron rất ít khả năng có đa số, đồng nghĩa với sự tiếp tục thất bại của nền chính trị Pháp.

Bản hiến pháp mới phải quy định chương trình tranh cử cho một đa số trong Quốc hội phải là chương trình lấy chương trình của Tổng thống làm mục đích. Quốc hội phải lập ra được một Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ có năng lực thực thi hiệu quả nhất chương trình của Tổng thống, không phải là một Chính phủ và một thủ tướng có chương trình riêng khác biệt hoặc chống đối lại chương trình đã được đa số quá bán tuyệt đối của cử tri toàn quốc vừa lựa chọn trước đó 2 tháng.

Có thể có cách mạng không ?

Không thể có cách mạng, nếu không thừa nhận tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp là một xu thế có tính quy luật và không thể đảo ngược.

Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng siêu năng suất với công nghệ số hóa và robot hóa. Đó là sự diễn ra cùng một lúc hai cuộc cách mạng kỹ thuật lần ba và lần bốn. Trong vòng 10 năm nữa, có ít nhất 15- 20 % việc làm trên toàn cầu sẽ biến mất, 1/5 lao động toàn cầu sẽ không có việc làm.

Nếu không tìm cách thực hiện các cuộc cách mạng kỹ thuật số và robot hóa, thì sớm hay muộn nước Pháp cũng sẽ thất bại. Con đường duy nhất để đi đến thành công là làm chủ thị trường bằng tốc độ vượt trội về năng suất lao động, không có con đường nào khác.

Trước ngưỡng cửa của nền sản xuất siêu năng suất, lẩn tránh thất nghiệp hoặc tìm cách hãm thất nghiệp bằng cách duy trì hay khuyến khích các công nghệ cần nhiều lao động là biện pháp tự sát.

Tuy nhiên, tin học hóa, số hóa toàn bộ mọi hoạt động xã hội, robot hóa toàn bộ các hoạt động sản xuất và dịch vụ là con đường tiêu diệt việc làm, thất nghiệp sẽ trở thành không thể khắc phục. Nếu một lao động mới có thể tạo ra lượng sản phẩm và từ đó tạo ra một thu nhập bằng 100 người khác, thì đồng thời có nghĩa là mỗi một chỗ làm mới được tạo ra, thì cũng làm mất đi 99 chỗ làm khác. Thất nghiệp tăng là tất yếu.

Bài toán đặt ra là phải tiến hành số hóa và robot hóa, phải chấp nhận một xã hội với một tỷ lệ thất nghiệp có thể rất cao, nhưng phải đồng thời đảm bảo mức sống, mức bảo hiểm xã hội và duy trì sức mua của thị trường tiêu thụ.

Nếu cuộc cách mạng năng suất được thực hiện, lợi nhuận vượt trội của toàn bộ nền kinh tế sẽ đảm bảo được sự cân bằng giữa tích lũy sản xuất và phúc lợi xã hội. Nền kinh tế số hóa và robot hóa là nền kinh tế có đặc điểm nhu cầu về vốn đầu tư thấp, nhưng cho một năng suất siêu cao, tạo ra siêu lợi nhuận, cơ sở của khả năng trang trải các chi phí cho các thực thể không tham gia sản xuất. Đây chính là nguồn gốc của ý tưởng của thu nhập phổ cập. Với một khả năng sản xuất đã đạt tới vô hạn, nền kinh tế chỉ cần duy trì được thị trường tiêu thụ mà không cần tạo ra thêm việc làm.

Nhưng trước khi đạt được siêu năng suất, Chính phủ phải có nguồn tiền để đảm bảo cân bằng ổn định cho một xã hội có con số rất cao những thành phần không trực tiếp sản xuất. Phải tìm ra nguồn tiền đó. Không có một nguồn tiền như vậy, thì cuộc cách mạng siêu năng suất sẽ không thể thực hiện, xã hội sẽ tiếp tục quanh quẩn với những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa việc làm, tính cạnh tranh của hàng hóa, phúc lợi xã hội, sức mua của thị trường, tỷ lệ lạm phát, lãi suất vay, thâm hụt ngân sách, nợ công... nền kinh tế sẽ tụt hậu so với phần còn lại của thế giới, và sẽ là sự thất bại vĩnh viễn.

Mặc dù trẻ tuổi và tài năng, tân Tổng thống Emmanuel Macron không có gì chứng tỏ một tư duy thay đổi. Chương trình của ông có thể có rất nhiều cố gắng sáng tạo, nhưng vẫn trong khuôn khổ của tư duy cổ điển trên lối mòn chỉ đem lại thất bại suốt nửa thế kỷ.

Và đứng trước một nguy cơ "chung sống" khó né tránh, người Pháp sẽ buộc phải mất thêm ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Benoit Hamon, tác giả của ý tưởng nền kinh tế dựa trên "thu nhập phổ cập" có lẽ nên đi tiếp và tìm lời giải cho nửa còn lại của bài toán "cách mạng siêu năng suất". Cần một khoản tiền đủ lớn, độc lập và từ bên ngoài nền kinh tế. Nếu các chương trình chinh phục Sao hỏa có thể tìm được nguồn tài trợ, thì cuộc cách mạng trong đời thường không thể không có may mắn. Những cá thể siêu năng suất như Bill Gates, Warren Buffett, Charles Koch, David Koch, Michael Bloomberg... là hình ảnh của một thế giới siêu năng suất trong một tương lai nào đó.

Sẽ không phải Macron mà là Benoit Hamon mới là tác giả của cách mạng.

Paris, 10/05/2017

Bùi Quang Vơm

Additional Info

  • Author Bùi Quang Vơm
Published in Quan điểm

Bầu cử tổng thống : Nước Pháp "bạo gan" chọn Macron

Cú tuyệt vời của Macron, nước Pháp dám chơi liều, chiến thắng trong "tiến bước", nước Pháp của nụ cười. Chiến lũy vững vàng bất chấp đòn ngầm của tin tặc. Thắng lớn nhưng mong manh. Trên đây là phản ứng của báo chí Pháp chào mừng người nắm vận mệnh nước Pháp trong 5 năm tới đây. Emmanuel Macron, 39 tuổi, không kinh nghiệm chính trường nhưng được 66% cử tri bầu chọn hôm Chủ Nhật 07/05/2017.

baucu1

Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande (T) và tổng thống tân cử Emmanuel Macron tại buổi lễ kỷ niệm chấm dứt Thế Chiến II, Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 08/05/2017. REUTERS/Stephane De Sakutin

Nhìn chung, sự kiện ứng cử viên cánh trung đánh bại đại diện của phe cực hữu bài Châu Âu với tỷ lệ 66,06%-33,94 % đã làm cho công luận nhẹ nhõm. Tuyệt cú mèo, tựa ngắn trên trang nhất của Libération. Vừa đi vừa thắng, nhận định của Le Figaro. Nhật báo La Croix, cũng như L’Humanité, chào mừng nhưng không hào hứng : Chiến thắng lớn nhưng mong manh, tựa lớn trên trang nhất bên cạnh những cảnh báo về nhu cầu khẩn cấp của xã hội.

Bản năng tự tồn

Không khí lạc quan nhất thể hiện trên các trang báo của Les Echos : Nước Pháp to gan. Phản ánh quan điểm tự do, nhật báo kinh tế xem quyết định của 66% cử tri Pháp bầu cho nhân vật chưa có bề dầy chính trường này là một sự "lựa chọn của hy vọng, của cách mạng".

Bài xã luận mở đầu với một danh ngôn của văn hào Victor Hugo hồi hương sau nhiều năm lưu vong "bản năng của nhân dân luôn luôn phù hợp với lý tưởng của nền văn minh", Les Echos cho rằng chính nhờ bản năng này mà dân Pháp đã quét sạch những chướng ngại cản bước tiến của đất nước, lật nhào một thế hệ chính khách đã hết thời, để đưa một nhân vật trẻ lên cầm quyền.

Con đường "cách mạng" tuy chật hẹp, nhưng dám vượt ra biên giới của phe xã hội lụi tàn, cộng với một ít may mắn, nhân vật tự xưng là "con lai" chính trị tìm ra con đường mới, tập hợp 20 triệu phiếu. Thế giới kinh ngạc, phát hiện qua tổng thống tân cử trẻ tuổi, khuôn mặt một nước Pháp trẻ trung, táo bạo, chinh phục, nước Pháp của lý lẽ, của hy vọng và tự do, nhật báo kinh tế kết luận.

Thời cơ thuận lợi

Để chứng minh những nhận định lạc quan trên đây là có cơ sở, Les Echos cho biết là tình hình chung rất thuận lợi cho tổng thống tân cử, trung dung, thân Châu Âu : tất cả các thủ đô trong Liên Hiệp Châu Âu đều lên tinh thần. Nước Mỹ của Donald Trump cũng như nước Nga của Putin đánh cược sai vào Marine Le Pen và Trung Quốc của Tập Cận Bình, giờ đây đều yên tâm và muốn "thắt chặt quan hệ" với Paris.

Le Figaro thận trọng : nước Pháp của Macron, của tinh thần tích cực, năng động, cải cách, cởi mở với Châu Âu và thế giới đúng là có thật, nhưng chỉ đại diện có 25% cử tri. Phần còn lại, cực hữu, cực tả, xã hội, không chắc chia sẻ những giá trị này.

Trong bài xã luận "Khẩn cấp xã hội", nhật báo công giáo La Croix vừa mừng vừa lo : Khác với Anh và Mỹ, cử tri Pháp đã loại xu hướng bài ngoại và bế quan tỏa cảng sang một bên. Dân Pháp chống lại chủ trương phân biệt đối xử tùy theo nguồn gốc. Liên Hiệp Châu Âu sẽ chết nếu Marine Le Pen đắc cử.

Lần đầu tiên trong lịch sử của Đệ Ngũ Cộng Hòa, hai chính đảng tả, hữu truyền thống không có đại diện ở vòng hai. Nhưng, Emmanuel Macron không nên quên là tuy ông thắng lớn nhưng một phần cử tri bầu cho ông chỉ vì để loại đại diện cực hữu. Một bộ phận dân Pháp phẫn nộ tình trạng xã hội bất cập quay sang ủng hộ cực tả và cực hữu. Tổng thống tân cử phải nhanh chóng đáp ứng những khổ đau này.

Cùng nhận định, nhật báo L’Humanité, thân đảng Cộng sản kêu gọi : Một trận chiến mới bắt đầu. Bầu Quốc Hội, vào tháng Sáu, là giai đoạn đầu để "phản kháng chính sách tự do kinh tế"của tổng thống tân cử. Trong khi đó, Libération khen ngợi thông điệp chừng mực, khiêm tốn của tổng thống tân cử nhưng cũng cảnh báo : Công việc sẽ vô cùng nặng nhọc.

Ai là tin tặc phá Macron ?

Điểm tương đồng giữa hai nhật báo thiên tả này là lên án đòn ngầm qua vụ tin tặc tấn công Emmanuel Macron vào giờ cuối cùng của chiến dịch tranh cử để làm thay đổi tương quan lực lượng ở vòng chung kết. Theo Libération, một số chuyên gia xem đây là phát súng cảnh cáo trước khi bầu Quốc Hội. Một thành viên cực hữu ở Mỹ, từ lãnh thổ Hoa Kỳ, tổ chức tung tin ngụy tạo, rồi đòi hỏi Quốc Hội Pháp mời sang điều trần về… thông tin ngụy tạo. Nhật báo cánh tả độc lập kết luận : Hãy xem những kẻ lợi dụng tự do để đánh phá nền dân chủ , chúng ta có thể đoán biết họ sẽ làm gì nếu nắm được chính quyền.

L’Humanité tỏ ra dứt khoát hơn chỉ đích danh đảng cực hữu Pháp, Mặt Trận Quốc Gia. Trong bài : Ai là kẻ ném bom thối trên mạng ?, nhật báo Cộng sản nhận định nếu cán bộ của Mặt Trận Quốc Gia không là kẻ chủ mưu thì ít ra cũng tiếp tay loan truyền thông tin đánh cắp từ ban vận động tranh cử của đối thủ. Theo L’Humanité, phe cực hữu đã đoán biết thua đậm trong cuộc bầu cử tổng thống nên cố tình đầu độc nhiệm kỳ 5 năm tới đây của tổng thống tân cử.

L’Humanité cũng dành một bài để phân tích tại sao Marine Le Pen thất bại. Ứng cử viên cực hữu cư xử như một học sinh mẫu giáo trong cuộc tranh luận quyết định trên đài truyền hình. Đó là nhận định của một số cử tri trước một địa điểm bầu cử. Chính vì thế, có đến 44% cử tri phe hữu Cộng Hòa đã bầu cho ứng cử viên cánh trung ở vòng hai trong khi chỉ có 20% bỏ phiếu cho bà Le Pen.

Thử thách kế tiếp : Lập pháp

Từ nhận định này, L’Humanité kêu gọi cảnh giác : Đệ Ngũ Cộng Hòa bị khủng hoảng và còn kéo dài. Để đối phó với đảng cực hữu mà ảnh hưởng càng ngày càng mạnh trong giới công nhân và nông dân trong khi đảng Xã hội và Cộng sản yếu dần, chuyên gia Gael Brustier cho rằng "không cần phải theo quan điểm của Mặt Trận Quốc Gia, cũng không cần dùng ý thức hệ chống ý thức hệ. Chiến thuật công hiệu nhất là không cần đáp trả đảng cực hữu mà phải lắng nghe đáp ứng nhu cầu, những lo âu của cử tri cực hữu".

Đây chính là thông điệp của tổng thống tân cử Emmanuel Macron trong diễn văn đầu tiên vào tối Chủ Nhật.

Bầu cử tổng thống vừa xong, kẻ thắng người thua vội vàng lo bầu Quốc Hội. Hướng về lập pháp, là tựa của bài xã luận của Le Figaro. Libération nhắc chừng tổng thống tân cử đừng quên lá phiếu ủng hộ, "món nợ đối với dân".

Tú Anh

Published in Quốc tế