Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ và Trung Quốc đồng ý duy trì áp lực (RFI, 10/03/2018)

Một hôm sau khi chấp nhận lời mời họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 09/03/2018 đã điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì sức ép trên Bình Nhưỡng để buộc Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

trump1

Một người lính Hàn Quốc đi ngang quà màn hình TV có hình tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ngày 09/03/2018 tại Seoul. AFP

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết là cả hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đều "hoan nghênh triển vọng" đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Cả hai cũng cam kết duy trì sức ép và các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Bình Nhưỡng có những bước chuyển rõ ràng hướng tới việc "phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được".

Tổng thống Mỹ còn yêu cầu phía Trung Quốc gây sức ép trên Bình Nhưỡng để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, cho biết là ông Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ mở đối thoại trong thời gian sớm nhất, và nỗ lực để đạt được kết quả. Ông Tập Cận Bình đồng thời đánh giá cao việc tổng thống Mỹ muốn giải quyết vấn đề qua đường ngoại giao.

Trước lúc điện đàm với ông Tập Cận Bình, trong một tin nhắn Twitter, ông Donald Trump đã lạc quan viết rằng : "Thỏa thuận với Bắc Triều Tiên đang trong quá trình được thiết lập và một khi được hoàn tất, đó sẽ là một thỏa thuận rất tốt cho thế giới".

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng nói rõ rằng "thời gian và địa điểm" cuộc gặp "cần phải được xác định".

Phản ứng từ Pháp và Nga

Về tuyên bố của Bắc Triều Tiên và Mỹ chuẩn bị tổ chức thượng đỉnh, điện Elysée cho hay : tổng thống Emmanuel Macron, trong một cuộc điện đàm hôm qua 09/03 với đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump, đã hoan nghênh sáng kiến nói trên, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng "cộng đồng quốc tế cần duy trì đoàn kết nhằm hướng đến một cuộc đối thoại với đòi hỏi cao với Bắc Triều Tiên, dẫn đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Về phần mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, trong chuyến công du Châu Phi, ca ngợi đây là "một bước đi theo hướng đúng" và bày tỏ hy vọng là cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un sẽ diễn ra.

Truyền thông Bắc Triều Tiên im lặng

Trong lúc tin tức về việc Bình Nhưỡng và Washington thỏa thuận tiếp xúc ở cấp thượng đỉnh tràn ngập báo chí quốc tế, thì tại Bắc Triều Tiên, thông tin này hoàn toàn không được truyền thông của chế độ Bình Nhưỡng loan tải.

Theo Reuters, báo chí Bắc Triều Tiên chỉ đưa tin về chuyến công du của phái đoàn Hàn Quốc hồi đầu tuần, nhưng không hề đả động đến việc lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị gặp tổng thống Mỹ Donald Trump, để bàn về vấn đề vũ khí hạt nhân. Về tình trạng im ắng nói trên, giáo sư chính trị học Shin Beom Chul, Học Viện Ngoại Giao Quốc Gia Triều Tiên, Seoul, nhận xét là một điều hoàn toàn bình thường, tại một quốc gia như Bắc Triều Tiên, những thông tin như vậy sẽ chỉ được loan báo một khi cuộc gặp chắc chắn sẽ diễn ra.

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đi Thụy Điển

AFP dẫn nguồn tin ngoại giao Thụy Điển, theo đó, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho chuẩn bị công du Thụy Điển trong những ngày tới. Thuỵ Điển là một trong các quốc gia phương Tây hiếm hoi có sứ quán tại Bắc Triều Tiên. Sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng đại diện đồng thời cho Mỹ, Canada và Úc.

Trọng Nghĩa, Trọng Thành

****************

Các đồng minh Hoa Kỳ xem việc tăng thuế kim loại như một sỉ nhục (CaliToday, 09/03/2018)

Không có lãnh tụ thế giới nào ủng hộ Tổng thống Trump nồng nhiệt bằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông là người đầu tiên đến Hoa Kỳ chúc mừng ông Trump chiến thắng, tặng gậy đánh golf mạ vàng cho ông và cùng đi ăn hamburgers với ông.

trump2

Tổng thống Trump bất ngờ cho tăng thuế kim loại nhập cảng vào Mỹ tựa như cái tát vào mặt lãnh tụ Nhật Bản. Photo Credit : WP

Giữa hai người nảy nở một một tương quan gắn bó, Thủ tướng Abe hầu như ủng hộ mọi chủ trương mà Tổng thống Trump đề ra, đặc biệt là về Bắc Hàn. Nhưng việc Tổng thống Trump bất ngờ cho tăng thuế kim loại nhập cảng vào Mỹ tựa như cái tát vào mặt lãnh tụ Nhật Bản.

Tsuyoshi Kawase, giáo sư môn mậu dịch quốc tế của đại học Sphia University ở Tokyo, nhận xét như sau : "Chính phủ Hoa Kỳ đột nhiên đối xử với Nhật Bản giống như một mục tiêu cần triệt hạ qua vụ nâng giá thuế này, phía Nhật Bản hoàn toàn bị bối rối và kinh ngạc"

Không những chỉ có Nhật Bản, ‘chiến tranh mậu dịch’ mà Washington phát động trên toàn cầu còn làm nhiều đồng minh khác của Hoa Kỳ phẫn nộ. Nếu cuộc chiến loại này leo thang, tất cả các bên đều sẽ bị thiệt hại, theo lời các viên chức từ Brazil qua Bỉ đến Nam Hàn cho báo chí thế giới hay.

Brazil là quốc gia có số lượng thép xuất cảng qua Mỹ lớn thứ nhì trên thế giới, sau Canada. Ông Diego Bonomo, Chủ tịch ban mậu dịch quốc tế của Hiệp hội National Trade Association of Brazil, cho hay : "Sự bất ngờ và quả quyết của lệnh tăng mức quan thuế này của chính phủ Trump làm chúng tôi sửng sờ"

Lẽ ra vào ngày mai các nhà điều đình hàng đầu về mậu dịch của Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản gặp nhau bàn về chính sách mậu dịch bất bình đẳng của Trung Quốc để kiếm lợi, nhưng các quan sát viên cho là với sắc lệnh mà Tổng thống Trump đã ký hôm qua, cuộc gặp gỡ ngày mai sẽ tràn đầy những trách móc và chỉ trích.

Bà Federica Mogherini, Ủy Viên Ngoại Vụ của Liên Hiệp EU trong một cuộc hội thảo ở Brussels, lên tiếng như sau : "Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của mình". Châu Âu tức giận vì Tổng thống Trump nói bước tiếp theo là ông sẽ ‘chỉa súng’ vào ngành xuất cảng xe hơi của Châu Âu sang thị trường Hoa Kỳ.

Trần Vũ

Published in Quốc tế