Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Anh : Thủ tướng May bị đe dọa thêm, 51% dân chúng giờ đây chống Brexit (RFI, 17/12/2018)

Vào ngày 17/12/2018, thủ tướng Anh Quốc sẽ trở lại trước Hạ Viện Anh để bảo vệ thỏa thuận Brexit mà chính quyền của bà đã đàm phán được với Liên Hiệp Châu Âu. Theo một số trích đoạn diễn văn được tiết lộ tối qua, bà Theresa May sẽ dứt khoát bác bỏ khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Lý do rất đơn giản : một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số dân Anh giờ đây sẽ phản đối việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

anh1

Biểu tình chống Brexit trước Nghị Viện Luân Đôn ngày 17/12/2018. Reuters/Toby Melville

Cách nay hơn 2 năm, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 6 năm 2016 về việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, phe "Đi–Leave" đã chiến thắng với 51,9% số phiếu, so với 48,1% của phe "Ở lại–Remain".

Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%.

Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng là thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đối phó với những ngày cực kỳ khó khăn, đặc biệt là làm sao để thuyết phục các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà bà đã thương thuyết được với Bruxelles.

Trước ngày bà trở lại để giải trình vào hôm nay, Hạ Viện Anh đã tràn ngập những ý kiến khác nhau để tránh khủng hoảng.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :

"Làm gì bây giờ ? Không chỉ có các nghị sĩ, và đây là điểm mới, mà cả một số bộ trưởng của bà Theresa May cũng bắt đầu tự hỏi là làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc của Brexit, vào lúc mà theo nhận định ​​chung, thỏa thuận của thủ tướng không thể được phê chuẩn nếu vẫn giữ nguyên.

Một ý tưởng thường xuyên được nêu lên trong những ngày gần đây là tổ chức một loạt những cuộc "bỏ phiếu lấy ý kiến" trong Hạ Viện, cho phép các dân biểu đề cập một cách tự do đến các phương án khác nhau. Chẳng hạn như Brexit theo mô hình Na Uy hay mô hình Canada, hoặc một Brexit không có thỏa thuận, thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai…

Nói tóm lại, đó sẽ là các cuộc tham vấn với hy vọng tạo ra được một đa số ủng hộ một Kế hoạch B, trong bối cảnh chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày định mệnh 29 tháng 3, là ngày nước Anh thực sự ra khỏi khối Châu Âu.

Lội ngược dòng nước đó, bà Theresa May hôm nay trở lại trước các nghị sĩ để cảnh cáo rằng bà sẽ không từ bỏ kế hoạch của mình, và các cuộc đàm phán với Châu Âu sẽ tiếp tục ở Luân Đôn và Bruxelles trong tuần lễ Giáng Sinh.

Qua đến thứ Ba, bà May cũng sẽ họp nội các như mọi tuần, để chấn chỉnh tinh thần đội ngũ.

Thế nhưng thái độ cứng rắn của bà, kèm theo với việc bà suýt nữa thì bị chính đảng của mình bỏ phiếu bất tín nhiệm, cả hai yếu tố này khi uy thế của bà May bị suy yếu thêm".

Trọng Nghĩa

*****************

Trung Quốc, Nga thí nghiệm 'chỉnh sửa khí quyển' (BBC, 17/12/2018)

Trung Quốc và Nga vừa chỉnh sửa một tầng quan trọng của bầu khí quyển bên trên Châu Âu để thử nghiệm một công nghệ có thể áp dụng vào mục đích quân sự, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng.

anh2

Ảnh minh họa

Theo các nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án, tổng cộng có năm thí nghiệm đã được thực hiện vào tháng Sáu.

Trong đó, một cuộc thí nghiệm vào 7/6 diễn ra ở độ cao 500 km đã gây ra nhiễu loạn vật lý trên một diện tích khoảng 126.000 km2, tương đương khoảng một nửa diện tích nước Anh.

Nơi diễn ra cuộc thử nghiệm là căn cứ Sura tại thị trấn nhỏ Vasilsursk của Nga, nằm ở Đông Âu.

Trong một thí nghiệm khác hôm 12/6, nhiệt độ của lớp khí mỏng ion-hóa đã tăng thêm hơn 100 độ C do sự chuyển động của các hạt điện tử (electron) được phóng ra từ căn cứ Sura.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc phát hiện các rối loạn vật chất đã cung cấp bằng chứng cho khả năng thành công của các thí nghiệm liên quan trong tương lai.

Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông, theo một bài báo trước đó của SCMP.

Hợp tác với Nga ?

Giáo sư Guo Lixin, Trưởng Khoa Vật lý và Kỹ thuật Quang Điện tử tại Đại học Xidian ở Tây An, cho biết thí nghiệm chung giữa hai quốc gia là vô cùng bất thường.

anh3

Tầng điện ly và ảnh hưởng của nó trên không gian trái đất - Ảnh minh họa

"Sự hợp tác quốc tế như vậy là rất hiếm đối với Trung Quốc", ông Guo nói, vốn là người không tham gia thí nghiệm. "Các công nghệ được sử dụng quá nhạy cảm".

Tầng điện ly cho phép tín hiệu vô tuyến di chuyển trong khoảng cách địa lý lớn để phục vụ liên lạc, bài báo trên SCMP viết.

Quân đội các nước đã chạy đua trong việc giành quyền kiểm soát tầng điện ly trong nhiều thập kỷ qua.

Căn cứ Sura ở Vasilsursk được cho là cơ sở quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng cho mục đích này.

Thay đổi tầng điện ly trên lãnh thổ của kẻ thù cũng có thể phá vỡ hoặc cắt đứt liên lạc của họ với các vệ tinh.

Quân đội Hoa Kỳ đã học được từ thí nghiệm của Nga và xây dựng một cơ sở lớn hơn nhiều để tiến hành các thử nghiệm tương tự.

Chương trình nghiên cứu High Frequency Active Auroral, hay HAVD, được thiết lập tại Gakona, Alaska, vào những năm 1990 với sự tài trợ của quân đội Hoa Kỳ và Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến.

Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông, theo một bài báo trước đó của SCMP.

Đã có những lo ngại rằng các cơ sở như vậy có thể được sử dụng để thay đổi thời tiết và thậm chí tạo ra các thảm họa tự nhiên, bao gồm bão, lốc xoáy và động đất.

Nhưng Tiến sĩ Wang Yalu, một nhà nghiên cứu liên kết với Cơ quan Động đất Trung Quốc, người tham gia vào thử nghiệm hồi tháng Sáu, đã bác bỏ những giả thuyết như vậy.

"Chúng tôi chỉ đang làm nghiên cứu khoa học thuần túy. Nếu có bất cứ điều gì khác liên quan, tôi không được thông báo về điều này", bà nói trong một cuộc phỏng vấn.

Published in Quốc tế