Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

G7 cam kết chia sẻ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 : "Đừng để lời hứa chỉ là trên bàn giấy"

Thu Hoài, VoV, 12/0/2021

1 tỷ là số liều vaccine ngừa Covid-19 mà Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã cam kết dành cho các nước nghèo nhất khi nhóm họp trực tiếp lần đầu tiên sau hơn 1 năm rưỡi qua. Hy vọng lời hứa này sẽ sớm được hiện thực hóa.

tang1

Tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ. Ảnh : al Jazeera.

Sự kiện được kỳ vọng mang lại công bằng trong việc phân bổ vaccine cho các nước nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ sau đại dịch. 

Phục hồi sau đại dịch là một trong những nội dung bao trùm các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Anh và các quốc gia thành viên của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu đã cam kết chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 với các nước đang gặp khó khăn. Con số này bao gồm cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ 500 triệu liều và Thủ tướng Anh Boris Johnson là 100 triệu liều.

Theo Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson, G7 cũng sẽ công bố một gói các biện pháp nhằm giảm nguy cơ bùng phát một đại dịch khác. Chính phủ Anh cho biết, tuyên bố chung tại Hội nghị sẽ hướng tới mục tiêu 100 ngày phát triển vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh trong tương lai, cũng như tăng cường giám sát các bệnh mới. G7 cũng cam kết củng cố Tổ chức Y tế Thế giới với vai trò là cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng quốc tế. 

Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh, mục tiêu của những biện pháp này là đảm bảo thế giới sẽ không bao giờ rơi vào thế bị động trước các thảm họa : "Tất cả chúng ta đều đã và đang phải trải qua một đại dịch tồi tệ nhất. Cuộc họp ngày hôm nay thực sự là cần thiết. Bởi chúng ta phải đảm bảo rằng có thể rút ra được những bài học từ đại dịch, phải đảm bảo rằng sẽ không lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong 18 tháng qua, cũng đảm bảo nền kinh tế của mình phục hồi. Tôi nghĩ rằng chúng ta có đủ lý do để lạc quan về một sự phục hồi rất mạnh mẽ".

Trên thực tế, từ vài tuần qua, các nước giàu đã gia tăng cam kết chia sẻ vaccine trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở những nước này đang cho phép mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Tại Mỹ, gần 64% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và tỷ lệ này là 30% tại 53 lãnh thổ của khu vực Châu Âu theo tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, 6 tháng kể từ khi vaccine lần đầu tiên được đưa vào sử dụng, thì đây vẫn là một đặc quyền của các nước giàu khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%. 

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Dù sớm hay muộn tất cả mọi người đều phải được tiêm chủng ngừa Covid-19. Điều này vì lợi ích của toàn thế giới. Tuy nhiên thực tế hiện nay là việc tiêm chủng đang diễn ra rất bất bình đẳng và rất không công bằng. Chúng ta phải hiểu rằng thế giới đang chiến đấu với một loại virus rất nguy hiểm và để đánh bại virus, chúng ta phải tăng cường vũ khí, mà một trong những vũ khí quan trọng đó là tiêm phòng".

Mất cân bằng trong phân phối vaccine đang là điểm nghẽn trong chiến dịch ứng phó đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Sáng kiến Covax, chương trình vaccine do Liên Hợp Quốc bảo trợ từng đặt mục tiêu cấp 2 tỉ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2021. Tính đến ngày 8/6, gần 82 triệu liều đã được chuyển đến 129 quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở kinh phí, mà ở sản xuất và cung ứng. Đây cũng là lý do tại sao vấn đề tài trợ vaccine từ các nước giàu, vốn đã dự trữ và mua hầu hết các liều vaccine có sẵn, lại trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận quốc tế trong vài tuần qua, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G7. Các nước G7 đã cam kết sẽ cung cấp một tỷ liều vaccine chủ yếu thông qua Covax. Tuy nhiên, chi tiết về các cam kết lại vẫn chưa rõ ràng và các nước nghèo lại hi vọng, đây sẽ không chỉ là "những lời hứa trên bàn giấy".

Thu Hoài (tổng hợp)

****************

Tổng thống Mỹ Biden đến Châu Âu với lời hứa tặng vac-xin cho thế giới

Thanh Phương, RFI, 10/06/2021

Hôm 10/06/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mở đầu chuyến công du Châu Âu đầu tiên của ông tại Anh Quốc. Một mặt tuyên bố nước Mỹ "đang trở lại", mặt khác nguyên thủ quốc gia Mỹ sẽ thông báo mua hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 để tặng cho những nước đang cần đến. 

tang2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden đến sân bay Cornwall Airport Newquay, gần Newquay, Cornwall, Anh Quốc, ngày 09/06/2021.  Reuters – Phil Noble

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình : "Nước Mỹ lãnh đạo không phải là với việc nêu gương bằng sức mạnh mà là bằng sức mạnh của việc nêu gương. Đó là một trong những câu nói tâm đắc của tổng thống Mỹ Joe Biden và ông đã nhắc lại câu nó ngay khi vừa đặt chân lên đất Châu Âu. Ông Biden mong muốn đặt Hoa Kỳ trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ quốc tế và kêu gọi các đối tác của Mỹ tập hợp cùng với ông để chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ nói : "Vào mỗi chặng của chuyến công du này, chúng tôi sẽ làm cho hiểu rõ là Hoa Kỳ đang trở lại và các nền dân chủ trên thế giới đoàn kết chặt chẽ với nhau để đối phó với các thách thức lớn nhất và các vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai của chúng ta".

Hôm nay, ông Biden sẽ thông báo là Hoa Kỳ đã mua 500 triệu liều vac-xin ngừa virus corona và những vac-xin này sẽ được phân phối cho gần một trăm quốc gia trên thế giới. Đây cũng giống như một món quà của vị khách đến thăm, nhằm khẳng định giá trị của bài diễn văn của ông". 

Trong một thông cáo, Nhà Trắng xem việc Hoa Kỳ đặt mua nửa tỷ liều vac-xin Pfizer/BioNTech là một "hành động lịch sử", vì đây là đơn đặt hàng lớn nhất và số lượng vac-xin được tặng lớn nhất của một quốc gia. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết các vac-xin này sẽ được phân phối cho 92 nước nghèo thông qua cơ chế Covax. Cụ thể, 200 triệu liều sẽ được phân phối từ đây đến cuối năm, và 300 triệu liều sẽ được giao từ đây đến tháng 6/2022. Toàn bộ các liều này sẽ được sản xuất trong các nhà máy của Mỹ. 

Cuộc gặp đầu tiên Biden-Johnson

Hôm nay, lần đầu tiên tổng thống Biden sẽ gặp trực tiếp thủ tướng Boris Johnson, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với "đồng minh đặc biệt" đang gặp nhiều rắc rối do hồ sơ Brexit và hậu quả của Brexit đối với Bắc Ireland. Luân Đôn hy vọng cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Anh-Mỹ sẽ giúp đạt được một "Hiến chương Đại Tây Dương" mới, theo mô hình của Hiến chương mà thủ tướng Anh Winston Churchill đã ký với tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Theo phủ thủ tướng Anh, hiến chương mới sẽ khẳng định, "thế giới đã thay đổi so với năm 1941, nhưng những giá trị về bảo vệ dân chủ, an ninh tập thể và thương mại quốc tế vẫn không đổi".

 Cuộc gặp diễn ra tại Carbis Bay, một thành phố nghỉ mát ở miền tây nam Anh Quốc. Đây cũng sẽ là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 đặc biệt bàn về đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Thanh Phương

**********************

Việt Nam hoan nghênh Mỹ tặng 500 triệu liều vắc vin cho thế giới

RFA, 10/06/2021

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 10/6 lên tiếng hoan nghênh Hoa Kỳ về việc sẽ giúp cho thế giới 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có Việt Nam.

tang3

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington DC về Covid-19 và việc tiêm chủng hôm 2/6/2021 - AFP

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng rằng : "Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Việt Nam mong muốn các quốc gia và tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết trách nhiệm để cùng nhau đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này".

Hôm 3/6, Nhà Trắng công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 với các nước khác cho đến cuối tháng 6/2021. Gói đầu tiên sẽ gồm 25 triệu liều và 75% sẽ được chia sẽ thông qua cơ chế Covax. Trong số này có 7 triệu liều được chuyển đến cho các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Vào ngày 9/6, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trước khi lên máy bay công du Châu Âu, cho biết Washington sẽ mua 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer để chia sẻ cho các nước khác trong nỗ lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng toàn cầu.

Số 500 triệu liều này sẽ được chia cho gần 100 quốc gia trong vòng hai năm sắp tới thông qua cơ chế Covax. Cụ thể, trong năm nay sẽ có 200 triệu liều và sang nửa đầu sang năm là 300 triệu liều cho 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên Minh Châu Phi.

**********************

Hoa Kỳ tặng thế giới 500 triệu liều Pfizer, có Việt Nam và Lào

BBC, 10/06/2021

Nhà Trắng ngày 10/6 xác nhận Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có kế hoạch mua và tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 quốc gia.

tang4

Thông báo về việc hiến tặng vaccine - lớn nhất từ trước đến nay cho một đại cường - được đưa ra trước khi Biden gặp các lãnh đạo nhóm G7 tại Anh.

Nhà Trắng cho biết : "Mục tiêu của đợt quyên tặng hôm nay là cứu sống và chấm dứt đại dịch và sẽ tạo nền tảng cho các hành động bổ sung sẽ được công bố trong những ngày tới".

Nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức sẽ cung cấp 200 triệu liều vào năm 2021 và 300 triệu liều vào nửa đầu năm 2022.

"Quan hệ đối tác của chúng tôi với chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp đưa hàng trăm triệu liều vaccine của chúng tôi đến các quốc gia nghèo nhất trên thế giới", Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết.

Số liều tặng mới này cao hơn số 80 triệu liều mà Washington đã cam kết tài trợ vào cuối tháng 6.

Danh sách 92 nước thu nhập thấp và trung bình đủ tiêu chuẩn, trong đó có Việt Nam, là dựa theo danh sách của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI).

Danh sách này bao gồm :

Thu nhập thấp ví dụ như Afghanistan, Benin, Burkina Faso, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo...

Thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, Angola, Algeria, Bangladesh, Bhutan, Bolivia, Campuchia, Cameroon, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nicaragua, Nigeria, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Senegal, Tunisia, Ukraine, Uzbekistan...

Phản ứng của Việt Nam

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về thông tin nói rằng Mỹ có kế hoạch tặng 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc Mỹ công bố chiến lược chia sẻ vaccine Covid-19 nhằm phân phối 25 triệu liệu vaccine đầu tiên trên toàn thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Việt Nam mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này", bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Truyền thông Mỹ đưa tin trước một ngày

Trước đó, ngày 9/6, Tổng thống Joe Biden chưa chính thức xác nhận tin này, nhưng ba nguồn giấu tên nói với Washington Post..

Reuters cùng ngày cũng nói 3 nguồn tin cho họ biết như thế.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dẫn lại tin của Washington Post trên Facebook cá nhân với bình phẩm: "Đây là một khởi đầu tuyệt vời. Khi nước Mỹ chứng tỏ sự tử tế nhất, họ là động lực giúp ích cho thế giới".

Tờ báo Mỹ khẳng định 200 triệu liều đầu tiên sẽ được phân phối trong năm nay, còn 300 triệu liều tiếp theo sẽ được chia sẻ trong nửa đầu 2022.

Các liều này sẽ chuyển cho Sáng kiến Covax, được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ, để phân phối cho các nước.

Số liều thuốc này sẽ được đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Washington Post nói Pfizer sẽ bán số này cho Nhà Trắng với giá "phi lợi nhuận".

Theo Reuters, ông Biden sẽ công bố tin này tại cuộc họp G7 ở Anh vào thứ Năm.

Nhà Trắng và hãng Pfizer hiện không bình luận.

Báo New York Times thì cho hay Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla sẽ đi cùng Joe Biden để công bố tin này.

Gần đây Tổng thống Biden đã nói rằng Mỹ sẽ tặng ít nhất 80 triệu liều vaccine cho thế giới vào cuối tháng Sáu.

Thông tin trước đó từ Nhà Trắng

Hôm 3/6, Nhà Trắng cho hay về cách thức phân bổ 25 triệu liều thuốc, với khoảng 19 triệu liều thuốc trong số đó được chia sẻ với Covax.

tang5

Vợ chồng Tổng thống Joe Biden có mặt tại Anh dự G7 tuần này

Ngày 3/6 vừa qua, Nhà Trắng loan báo kế hoạch chia sẻ nguồn vaccine dư thừa của Mỹ cho thế giới.

Thông cáo ngày 3/6 viết :

"Hôm nay 3/6, Hoa Kỳ công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine của Hoa Kỳ trên toàn cầu ngay cuối tháng 6 và kế hoạch cho 25 triệu liều đầu tiên".

Cụ thế, Nhà Trắng nói Mỹ sẽ chia sẻ 75% số vaccine này thông qua sáng kiến Covax.

Đối với các liều được chia sẻ thông qua Covax, Hoa Kỳ sẽ ưu tiên Châu Mỹ Latinh và Caribe, Nam và Đông Nam Á, và Châu Phi.

25% còn lại sẽ dành cho nhu cầu "tức thời và giúp các đợt dịch đang tăng trên thế giới". Cụ thể, Nhà Trắng nói "sẽ chia sẻ với các quốc gia có nhu cầu khẩn cấp, trong đó ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên tuyến đầu".

Với 25 triệu liều cho trong đợt đầu, Mỹ nói 19 triệu liều sẽ được chia sẻ thông qua Covax, với sự phân bổ như sau:

Khoảng 7 triệu liều cho Châu Á gồm : Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan và các đảo Thái Bình Dương.

Nếu tin về 500 triệu liều vaccine Pfizer được sớm xác nhận, nó sẽ mang lại hy vọng cho nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Đến nay, chương trình Covax đã cung cấp 81 triệu liều vaccine cho 129 quốc gia.

Additional Info

  • Author Thu Hoài, Thanh Phương, VoV, BBC
Published in Quốc tế