Bệnh viện, doanh nghiệp và thậm chí cả trụ sở cảnh sát, các cơ quan hành chính, tổ chức phi chính phủ… không một ngày nào không có một cuộc tấn công tin học mới để tống tiền. Các vụ tấn công mạng gia tăng khắp nơi trên toàn thế giới đến mức trang bìa tuần báo Courrier International phải gióng chuông báo động "Chẳng gì có thể ngăn cản tội phạm công nghệ cao".
Hình minh họa chụp tháng 11/2015 từ trang Norse Attack Map cho thấy những cuộc tấn công thật đang diễn ra trên thế giới. Flickr.com
Trong mặt trận "ảo" này, các nước khó mà tìm được các phương tiện để chống đỡ. Vụ tấn công tin học ngoạn mục gần đây nhất, nhắm vào đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline lớn nhất của Mỹ hôm 07/05/2021 là một ví dụ điển hình. Trong cơn hoảng loạn, Colonial Pipeline, nhà cung cấp nhiên liệu chính của vùng duyên hải phía đông nước Mỹ buộc phải khóa tất cả các van dầu để "tránh việc hacker nắm lấy quyền kiểm soát từ xa".
Điều tệ hại là để có thể hoạt động trở lại bình thường, hãng cung cấp nhiên liệu này đã phải nhượng bộ, chấp nhận trả tiền chuộc vài ngày sau đó. Theo tờ Le Temps của Thụy Sĩ : "Việc làm tê liệt đường ống dẫn tự bản thân nó đã là một sự kiện. Nhưng điều đó chẳng là gì so với thông báo trả 5 tỷ đô la. Thành công của mưu toan chiếm đoạt này đã đẩy hành động tin tặc tống tiền sang một chiều hướng mới. Kiểu tấn công tin học này đang trở thành một hoạt động như bao hoạt động khác, một nghề kinh doanh với những quy định và tác nhân của riêng nó".
Không chỉ tấn công các doanh nghiệp, các vụ tấn công mạng còn nhắm vào cả các hệ thống bệnh viện như tại Pháp, Ireland… Ở Mỹ, Microsoft hôm 27/05, cho biết phát hiện nhiều nhóm tin tặc thân cận với các cơ quan tình báo Nga đã tấn công nhắm vào 150 cơ quan chính phủ và phi chính phủ.
Những nhóm tin tặc đó là ai ? Mục tiêu của những cuộc tấn công này là gì ? Cách thức vận hành của chúng như thế nào ? Vì sao lại tổ chức tấn công ồ ạt vào lúc này ? Làm thế nào đáp trả ? Với Financial Times được Courrier International trích dẫn, dịch bệnh Covid-19 là một cơ hội vàng, cách thức làm việc của con người bị thay đổi, mở ra nhiều địa bàn béo bở cho nhóm tội phạm mạng trong suốt một năm qua.
Tờ báo đưa ra con số thẩm định từ Canalys, một văn phòng phân tích thị trường cho biết trong năm 2020, có khoảng 30 tỷ dữ liệu đã bị đánh cắp, "nhiều hơn tổng số dữ liệu tích tụ được trong vòng 15 năm". Có nhiều yếu tố để giải thích cho sự bùng nổ ngoạn mục tội phạm mạng, như sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các công nghệ mạng internet, tăng cường chuyển các hệ thống tin học sang các nhà khai thác mây điện toán (bao gồm các dịch vụ và lưu trữ dữ liệu) và hiện tượng tập trung hóa các dữ liệu.
Trong lĩnh vực này có thể kể, Nga hay Bắc Triều Tiên, là những nước đi đầu, đào tạo cả một đội quân "trong bóng tối" có nhiệm vụ thu thập thông tin và đánh cắp tài chính nhằm lấp đầy két sắt cho chính phủ.
Nhưng Financial Times lưu ý bên cạnh đó còn có cả những băng đảng tin tặc, những tổ chức tội phạm. "Biên giới giữa dọ thám và tội ác là không mấy gì rõ ràng. Chuyện các Nhà nước giao khoán công việc bẩn thỉu này cho các băng đảng có tổ chức hay những công ty tình báo tư nhân là điều không hiếm".
Vậy thì các chính phủ phải làm gì ? Có nên thương lượng, đáp trả ? Câu trả lời không phải là dễ. Bởi vì, ngay cả nhóm FireEye, một trong những nhà cung cấp các giải pháp an ninh mạng lớn nhất trên thế giới cũng bị tin tặc.
Hậu quả sẽ đi đến đâu khi mà đến cả "chuyên gia mà thế giới trông cậy để bảo đảm an ninh cho mình cũng cho thấy dễ bị tấn công ?". Dẫu sao trong hoàn cảnh này, các chính phủ hiện tại không còn cách nào khác là sắp xếp lại các cơ quan cảnh sát, tuyển dụng thêm kỹ sư an ninh mạng nếu họ muốn giảm thiểu thiệt hại.
Điểm đáng chú ý khác, vì là thị trường béo bở, các băng đảng tin tặc cũng đang xâu xé lẫn nhau. "Có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự sáp nhập giữa các nhóm mafia truyền thống và tội phạm mạng đã diễn ra từ cuối những năm 2000". Bởi vì, đây còn là một cuộc chiến tranh giành địa bàn giữa các băng đảng.
Một điều chắc chắn, bất kể ra sao, chính các dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng mới là tâm điểm của những cuộc tranh giành đó. Càng bị kết nối thì con người càng dễ bị phơi bày trước những cuộc tấn công tin tặc. Và con đường tìm được một chiếc rào chắn sẽ còn xa vời vợi !
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa phương Tây và Belarus sau vụ chính quyền Minsk cưỡng ép hạ cánh máy bay dân sự của Châu Âu để bắt đối lập tiếp tục là đề tài bình luận trên một số tuần báo Pháp.
Courrier International trích dịch nhận định của tờ Ukrainska Pravda Ukraina từ Kiev cho rằng "Chính quyền Belarus tự chui vào rọ".Tổng thống Lukashenko đã đi đến điểm không thể thoái lui, nguy cơ rơi vào vòng kềm tỏa của Nga là không thể tránh khỏi và hồi kết của ông có thể là nghiệt ngã.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Belarus sẽ bị vô hiệu quả, ít nhất vì hai điểm. Thứ nhất, Nga lúc nào cũng có thể đến hỗ trợ tài chính, cứu chế độ Lukashenko. Thứ hai, các biện pháp trừng phạt chỉ làm gia tăng sự lệ thuộc của tổng thống Belarus đối với liên bang Nga và do vậy nước Nga của ông Putin còn mở rộng hơn tầm ảnh hưởng địa chính trị.
Chỉ có điều, khi đến cầu cạnh Nga, tổng thống Lukashenko sẽ mất nhiều hơn là được, như nhận định của sử gia người Nga Nikolai Svanidzé trên đài phát thanh Tiếng Vọng Moskva. Nhà sử học cho rằng sự tồn tại của tổng thống Belarus giờ bị đếm từng giây từng phút. Lukashenko giờ đã lệ thuộc hoàn toàn vào sự bảo hộ của chủ nhân điện Kremlin, và trở thành một "chư hầu của ông Putin".
Tổng thống Nga, Vladimir Putin tiếp đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko, tại dinh thự nghỉ mát của ông Putin ở Sochi, bên bờ Biển Đen. AP - Mikhail Klimentyev
Belarus : Miếng mồi ngon của Putin
Về điểm này, nhà nghiên cứu Mathieu Boulège, chuyên gia Á-Âu tại Institut Chatham House, được tuần báo L’Express trích dẫn lưu ý rằng chế độ Belarus của ông Lukashenko chỉ tồn tại được nhờ vào hệ thống gọi là "siloviki – cơ chế an ninh : quân đội, tình báo, cảnh sát, tư pháp – vốn dĩ lệ thuộc nhiều vào Moskva. Nếu Lukashenko mất đi sự hậu thuẫn của điện Kremlin, thì ông ấy cũng mất đi tính chính đáng trong nhãn quan của siloviki và chế độ vì vậy mà sụp đổ".
Tuy nhiên, Moskva không được lợi gì khi bỏ rơi Lukashenko lúc này. Sự ổn định hiện nay là điều cốt lõi. "Nga cần nhiều thời gian để thiết lập một mạng lưới chính khách thân Nga ở Belarus và tiến hành một tiến trình chuyển giao quyền lực có lợi cho Nga hơn". Nghĩa là Nga sẽ tìm cách đưa vào hệ thống chính trị những đảng thân Nga và củng cố sức mạnh của những đảng này tại một Nghị Viện hiện do ông Lukashenko kiểm soát.
Trong trước mắt, theo ông Pavel Usov, nhà chính trị học thuộc Trung tâm phân tích và dự phòng chính trị Belarus, lĩnh vực mà Nga có thể gây áp lực với Belarus là trên phương diện quân sự. Ông Lukashenko thông báo một chương trình hợp tác quân sự trong 5 năm.
Theo những tin tức ít ỏi được công bố, ba trung tâm đào tạo binh sĩ Belarus, do Nga chỉ huy, sẽ được thành lập ; tổ chức tuần tra không phận chung – hoặc dưới hình thức nhóm phi công hỗn hợp, hoặc chiến đấu cơ của không quân hai nước bay cùng nhau. Ông Pavel Usov lưu ý, "trong trường hợp thứ hai, điều đó có nghĩa là sẽ có một căn cứ không quân Nga trên lãnh thổ Belarus".
Tóm lại, một "Belarus suy yếu là một con mồi lý tưởng cho ông Putin" !
Sau hơn một năm bình yên, cuộc sống thường nhật của người dân Đài Loan bỗng chốc bị đảo lộn. Chiến lược "Covid Zero" áp dụng một cách hiệu quả trong hơn một năm qua, nay mất tác dụng. Theo tuần báo L’Obs, Đài Loan giờ đang trong tình cảnh bị "đại dịch và cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh vây bủa".
Cuối tháng 4/2021, Đài Loan chỉ có tổng cộng 1.129 ca nhiễm bệnh và 12 người chết vì Covid-19. Một tháng sau, con số này tăng vọt lên 8.511 người bệnh và 124 ca tử vong. Vì sao nên nỗi ? Theo giáo sư Ruby Huang, trường đại học quốc gia Đài Loan, đó là vì "chính phủ đã không sớm hiểu ngay rằng cần phải tiêm ngừa để kiểm soát dịch bệnh". Dịch bệnh tái bùng phát nhưng chính phủ thiếu vac-xin nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 5/2021, Đài Loan nhận được chưa tới 900 ngàn liều cho toàn bộ 23,6 triệu dân.
Tuy nhiên, theo L’Obs, khó khăn lớn nhất của Đài Loan chủ yếu là do các đòn tấn công từ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh không ngừng tìm cách gây bất ổn hòn đảo. Từ việc kích động đảng đối lập – Quốc Dân Đảng, chủ trương thân Bắc Kinh – đả kích chính phủ thụ động, đến việc tuyên truyền thông tin sai lệch trên các mạng xã hội, gây hoang mang trong dân chúng.
Ngoài ra, Đài Bắc còn cáo buộc Bắc Kinh "gây áp lực với các đồng minh của Đài Loan đề nghị những nước đó từ bỏ quan hệ với đảo để đổi lấy vac-xin Trung Quốc" và "tìm cách cô lập hòn đảo tại Tổ chức Y tế Thế giới". Tổng thống Thái Anh Văn tố cáo Trung Quốc đã có hành động can thiệp nhằm phá hỏng một hợp đồng mua 5 triệu liều vac-xin với hãng BioNtech của Đức.
Theo L’Obs, Đài Loan hy vọng đến mùa hè này có thể tự cung cấp vac-xin. Hòn đảo tự trị này cũng có thể trông cậy vào nhiều đối tác khác, đi đầu là Mỹ, có thể sẽ cung cấp vac-xin, bởi vì Đài Bắc còn có một quân cờ quan trọng trong tay : sự bình ổn của ngành công nghiệp trong nước về con chip bán dẫn, một linh kiện chiến lược cho phần còn lại của thế giới !
Trong lĩnh vực thể thao, L’Obs tuần này đặc biệt dành hồ sơ dài cho ngôi sao bóng đá trẻ Kylian Mbappé. Ở tuổi 22, Mbappé không chỉ đơn giản là một cầu thủ bóng đá kể từ chiến thắng của đội Áo Lam tại Cúp Bóng Đá Thế Giới năm 2018, mà còn là "Một biểu tượng của Pháp".
Biểu tượng là vì ở tuổi 19, Kylian Mbappé đã cùng đội tuyển Pháp đoạt chức vô địch World Cup, 39 lần là tuyển thủ quốc gia, là cột trụ chính của đội PSG, là tác giả của 175 bàn thắng kể từ khi bắt đầu nghiệp cầu thủ. Ngần ấy thành tích đủ đưa Mbappé đi vào huyền thoại : "Ở tuổi 22, ai có thể thực hiện được những gì như cậu ấy đã làm ?", cựu tuyển thủ quốc gia Pháp Lilian Thuram tự hỏi.
Tuyển thủ quốc gia Kylian Mbappé trong trận cầu hữu nghị giữa Pháp với đội tuyển xứ Wales, tại Nice, ngày 02/06/2021. AFP - FRANCK FIFE
Câu trả lời là "chưa có ai cả". Sinh ra và lớn lên trong những khu phố bình dân, ở đó, thể thao bù đắp cho những thiếu thốn và chắp cánh ước mơ cho một giới trẻ ở những vùng ngoại ô phía bắc Paris : thị xã Bondy, tỉnh Seine-Saint-Denis.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho L’Obs, Kylian Mbappé giải thích : "Tôi may mắn là cha mẹ tôi hiểu được tâm nguyện thích chơi thể thao của tôi, một điều không phải ai cũng dễ có. Họ đi cùng tôi nên điều đó là khá dễ dàng cho tôi".
Thiên hướng thể thao như ngấm trong máu từ lúc lọt lòng. Cha anh, gốc người Cameroun, đến Pháp lúc còn nhỏ, cũng có một niềm đam mê với bóng đá, là cầu thủ số 10 cho đội bóng AS Bondy của địa phương. Thời gian rỗi rãi, ông làm giáo viên thể thao, huấn luyện cho các cầu thủ trẻ. Mẹ Kylian, sinh ra ở Bondy, gốc người Algeria, có bằng cấp về khoa học giáo dục, làm việc tại các trại hè, nhưng cũng là cầu thủ bóng ném.
Tháng 12 năm nay, Kylian Mbappé sẽ được 22 tuổi. Vừa chớm bước ra khỏi tuổi thiếu niên, nhưng người ta đã có thể nói Kylian đã rất "già đời". Trước ống kính, đó là một cầu thủ chuyên nghiệp, bởi vì trên sân cỏ, Kylian như một con báo chạy với tốc độ hơn 35 km/giờ. Trong kinh tế, cậu là một thần đồng có giá trị trao đổi hơn 200 triệu euro, và trên bình diện cuộc sống bình thường, đó là một thanh niên trẻ mỗi năm kiếm được khoảng 25 triệu euro.
Với những tiêu chí này, Kylian Mbappé vượt ra ngoài cả trí tưởng tượng tập thể, của mọi tầng lớp xã hội và đủ mọi thế hệ để trở thành "một biểu tượng của nước Pháp", thu hút hơn 50 triệu người hâm mộ trên mạng xã hội Instagram.
Minh Anh