Mỹ thêm quy định siết chặt với nhà báo Trung Quốc (BBC, 03/03/2020)
Hoa Kỳ đang đặt ra những hạn chế mới đối với các cơ quan báo chí Trung Quốc, buộc họ phải cắt giảm gần một nửa số nhân viên đóng tại Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Y tế Mỹ họp báo với các phóng viên về Covid-19, khởi phát từ Trung Quốc
Động thái này đang được coi là một sự trả đũa cho việc Trung Quốc trục xuất hai nhà báo Mỹ vào tháng trước.
Năm hãng tin của chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải giảm 40% nhân viên tại Mỹ.
Giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đàn áp tự do ngôn luận chưa từng thấy từ thời Liên Xô vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đã nghe thấy có sự gia tăng quấy rối và giám sát các nhà báo Mỹ và nhà báo nước ngoài khác ở Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố rằng năm cơ quan truyền thông, bao gồm cả hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, sẽ được yêu cầu giảm tổng số nhân viên của họ xuống từ 160 xuống còn 100.
Việc này cũng được áp dụng cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, China Daily, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, và People Daily.
People's Daily sẽ không phải giảm số nhân viên tại Mỹ, vì không có nhân viên nào của hãng này là công dân Trung Quốc.
Dù các nhà báo này sẽ không bị buộc ngay lập tức phải rời Mỹ, nhưng visa của họ ràng buộc với cơ quan họ làm việc, khiến khả năng cao là họ phải rời đi ngay khi họ bị cắt giảm.
Nhà báo trong vòng lửa
Zhaoyin Feng, BBC Tiếng Trung ở Washington
Đây là một động thái chưa từng có của chính quyền Mỹ, hiện không được áp dụng cho các nhà báo của bất cứ nước nào khác hiện đang làm việc tại Mỹ.
Năm cơ quan truyền thông Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi quy định mới của Mỹ là năm viên ngọc quý của hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc.
Tân Hoa Xã và People's Daily có hàng trăm triệu độc giả ở Trung Quốc, với hàng loạt các cơ quan truyền thông nhỏ hơn dẫn lại tin của hai hãng này. Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, đưa tin bằng tiếng Anh, chủ yếu nhắm vào độc giả nước ngoài.
Trung Quốc đã thực hiện áp số lượng visa không chính thức cho các phóng viên nước ngoài trong nhiều năm. Động thái mới nhất của Hoa Kỳ nhằm mục đích thiết lập cái mà ông Pompeo gọi là "sân chơi bình đẳng", nhưng nó có khả năng thúc đẩy cuộc chiến ngoại giao ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington, và các nhà báo bị cuốn vào cuộc chiến.
Bắc Kinh sẽ nhiều khả năng buộc tội Mỹ phá hủy tự do báo chí. Khi chính phủ Trung Quốc đối mặt với chỉ trích liên quan đến việc họ trục xuất ba nhà báo của Wall Street Journal vào tháng trước, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả trên Twitter : "Tự do báo chí ? Đừng quên Nhà Trắng đã đối xử với CNN thế nào".
Ông Pompeo nói quyết định này không áp giới hạn lên điều gì những hãng tin này có thể đăng tải ở Mỹ.
"Chúng tôi hy vọng rằng động thái này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện một cách tiếp cận công bằng hơn đối với Mỹ và các báo chí nước ngoài khác ở Trung Quốc", ông Pompeo nói.
"Chúng tôi thúc giục chính phủ Trung Quốc ngay lập tức duy trì các cam kết quốc tế của mình về tôn trọng tự do biểu đạt, bao gồm đối với các thành viên báo chí".
Một quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên rằng Mỹ thực hiện động thái này với nỗ lực nhằm tìm kiếm sự "có đi có lại" và một "sân chơi bình đẳng".
Các hãng báo chí Trung Quốc sẽ có thời gian từ nay đến 13/3 để giảm số nhân viên. Giới chức Mỹ lưu ý rằng chỉ khoảng 75 nhà báo Mỹ được cho là hiện đang làm việc tại Trung Quốc.
Bối cảnh
Tháng trước, Mỹ nói họ sẽ yêu cầu các nhà báo Trung Quốc đang làm việc cho năm hãng tin nói trên phải đăng ký là "đại diện nước ngoài" bởi vì "họ hoàn toàn bị kiểm soát" bởi chính phủ Trung Quốc.
Sau đó, Trung Quốc đã trục xuất ba nhà báo của Wall Street Journal có trụ sở ở Mỹ liên quan đến một bài bình luận về dịch virus corona mà Trung Quốc gọi là "phân biệt chủng tộc".
Các nhà báo, hai trong số họ là người Mỹ, không có vai trò gì trong việc viết bài xã luận này - với tiêu đề "Trung Quốc là con bệnh thực sự của Châu Á".
Bài xã luận này được xuất bản khi Mỹ lên án Trung Quốc về cách đối xử với người Hồi giáo Uighur và cảnh báo rủi ro của việc sử dụng các thiết bị internet 5G của hãng công nghệ Huawei.
Hôm thứ Hai, Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) cảnh báo rằng Trng Quốc đang sử dụng visa như "một vũ khí chống lại báo chí nước ngoài hơn bao giờ hết".
Trong một thông cáo, FCCT nói rằng 82% trong số cá nhà báo ở Trung Quốc đã từng trải qua sự can thiệp, bạo lực hoặc quấy rối khi làm việc.
"Khi Trung Quốc đạt tới đỉnh cao mới về ảnh hưởng kinh tế, họ đã cho thấy ra một quyết tâm ngày càng lớn trong sử dụng quyền lực nhà nước để đàn áp việc đưa tin không phù hợp với hình tượng toàn cầu mà nước này muốn thể hiện cho tới nay", tổ chức này nói trong một báo cáo có tiêu đề "Kiểm soát, Ngăn chặn, Xóa bỏ".
Tự do báo chí ở Trung Quốc
Năm 2019 Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã xếp Trung Quốc ở vị trí 177 trong số 180 quốc gia về mức độ tự do báo chí, sau khi đánh giá về mức độ độc lập của truyền thông, sự tôn trọng an toàn của nhà báo, và tính đa nguyên
BBC bị chặn ở Trung Quốc và năm 2019, BBC đã tung ra một phiên bản website thông qua mạng lưới Tor, một nỗ lực nhằm ngăn chặn nỗ lực kiểm duyệt của các chính phủ, bao gồm Trung Quốc
Chín nhà báo đã bị trục xuất hoặc không được gia hạn visa từ 2013, theo FCCC.
********************
Washington hạn chế số nhà báo Trung Quốc tác nghiệp tại Mỹ (RFI, 03/03/2020)
Hoa Kỳ ngày 02/03/2020 thông báo kể từ ngày 13/3, số nhà báo của 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc đóng tại Mỹ sẽ bị giảm từ 160 xuống còn 100 người.
Tổng thống Donald Trump trả lời chất vấn của giới báo chí tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 26/02/2020. ANDREW CABALLERO-REYNOLDS / AFP
Năm cơ quan truyền thông Trung Quốc có liên quan là Tân Hoa Xã, Mạng Lưới Truyền Hình Toàn Cầu Trung Quốc CGTN, Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc, Trung Hoa nhật báo và Nhân Dân nhật báo. Washington khẳng định nội dung xuất bản của 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ sẽ không bị hạn chế. Hoa Kỳ sẽ không trực tiếp trục xuất 60 nhà báo của Trung Quốc, nhưng visa của họ gắn với cơ quan làm việc nên về nguyên tắc, các nhà báo này phải rời khỏi Mỹ sau khi thôi việc.
Thông báo của Washington được đưa ra 2 tuần sau khi chính quyền Bắc Kinh trục xuất 3 nhà báo của nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định biện pháp mới không nhằm trả đũa hành động nói trên của Trung Quốc mà là để "tạo lập lại" - cho dù đã là quá muộn - "thế bình đẳng giữa hai nước". AFP cho biết trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh là từ nhiều năm nay, Bắc Kinh áp đặt việc kiểm duyệt, hăm dọa ngày càng nghiêm trọng các nhà báo Mỹ và phóng viên nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.
Thông báo của Mỹ đương nhiên bị bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ trích. Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), ngày 03/3 phát biểu, quyết định của bộ ngoại giao Mỹ là "vô căn cứ", "mang tư tưởng thời Chiến Tranh Lạnh" nhằm "bóp nghẹt về mặt chính trị" các cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng chính Washington đã "phá vỡ nguyên tắc cuộc chơi trước" nên Bắc Kinh buộc phải "tiếp bước". Cũng theo Triệu Lập Kiên, quyết định của Washington minh họa cho "thái độ đạo đức giả" của Mỹ về bảo vệ tự do báo chí.
Thùy Dương
*********************
Bắc Kinh dọa trả đũa Washington hạn chế số nhà báo Trung Quốc tại Mỹ (VOA, 03/03/2020)
Bắc Kinh đã ra dấu hiệu cho thấy họ sẽ trả đũa quyết định của Mỹ, cắt giảm số nhà báo Trung Quốc tại Hoa Kỳ của các cơ sở truyền thông lớn nhất của nhà nước Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.
Một nhà báo nước ngoài chuẩn bị đeo khẩu trang trước khi bước vào văn phòng của hãng sản xuất sữa và phó phẩm ở Bắc Kinh hôm 27/2/2020.
Mỹ ra quyết định này hôm 2/3, theo đó bắt đầu từ ngày 13/3, tồng số các phóng viên Trung Quốc thường trú tại Hoa Kỳ của các hãng tin nhà nước lớn nhất sẽ bị giới hạn ở mức 100 người, giảm 60 người so với hiện nay.
Hôm thứ Ba 3/3 người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian miêu tả hành động của Mỹ nhắm vào giới truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ là "đàn áp chính trị", và ông cảnh báo rằng động thái đó có thể phương hại nghiêm trọng tới các quan hệ giữa hai nước.
"Người Mỹ đã dẹp bỏ luật chơi trước, và chúng tôi phải theo thôi",Ông Zhao nói :
Ông này tố cáo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là đã làm quyết định dựa trên não trạng thời chiến tranh lạnh, và trên những định kiến về ý thức hệ.
Hôm 2/3, Bộ Ngoại giao Mỹ nói những hạn chế về nhân sự đó áp dụng đối với 5 tổ chức mà chính phủ của Tổng Thống Trump cho là các cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh, giảm số phóng viên Trung Quốc làm việc cho các cơ quan đó tại Hoa Kỳ từ 160 người hiện nay xuống còn 100 người.
Ông Zhao nói điều đó có nghĩa là 60 nhà báo Trung Quốc bị "trục xuất", và Trung Quốc dành quyền đáp trả.
Phản bác lời của Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố rằng quyết định của Mỹ là để đáp trả việc Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của tờ Wall St. Journal, Vụ trưởng Vụ Thông tin Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, viết trên trang Twitter : "Người Mỹ đã bắt đầu trận đấu, chúng ta phải nhập cuộc thôi".
******************
Trung Quốc rút thẻ tác nghiệp của phóng viên nhật báo Mỹ (VOA, 19/02/2020)
Trung Quốc đã rút thẻ tác nghiệp của ba phóng viên tờ Wall Street Journal của Mỹ và yêu cầu họ phải về nước trong vòng năm ngày, sau khi tờ báo từ chối xin lỗi vì một bài bình luận liên quan tới virus Corona, trong đó gọi Trung Quốc là "người bệnh thực sự của Châu Á", Reuters đưa tin.
Phát ngôn viên Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo hôm 19/2 rằng Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối với tờ báo về bài bình luận đăng ngày 3/2 mà Trung Quốc nói là phân biệt chủng tộc và bôi nhọ nỗ lực chống dịch virus Corona của nước này, nhưng tờ báo không xin lỗi hay điều tra những người chịu trách nhiệm.
"Người dân Trung Quốc không hoan nghênh truyền thông đăng tải những tuyên bố phân biệt chủng tộc và công kích ác ý Trung Quốc", ông Cảnh nói.
"Chính vì điều này, Trung Quốc đã quyết định rút thẻ nhà báo của ba phóng viên tờ Wall Street Journal ở Bắc Kinh bắt đầu từ hôm nay".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu tên các nhà báo bị rút thẻ, nhưng Wall Street Journal nói trong bài báo đăng ngày 19/2 rằng ba nhà báo gồm hai công dân Mỹ và một người Australia đã được yêu cầu phải rời Trung Quốc trong vòng năm ngày, theo Reuters.
Tin cho hay, Trung Quốc năm ngoái đã từ chối gia hạn thẻ tác nghiệp cho một phóng viên khác của Wall Street Journal vì một bài báo của phóng viên này về một cuộc điều tra liên quan tới họ hàng của Chủ tịch Tập Cận Bình.