Các tờ báo lớn ra tại Pháp hôm 14/10/2021 hầu như đều dành tựa lớn trang nhất cho các chủ đề liên quan đến các vấn đề nội bộ Pháp, với Le Monde và La Croix chú ý đến địa hạt xã hôi, trong lúc Libération quan tâm đến thể thao và Les Echos đến kinh tế. Trong toàn cảnh đó, Le Figaro đã đặc biệt xoáy mạnh trên khía cạnh ngoại giao với một chủ đề nóng bỏng về việc Nga không còn che giấu ý đồ can thiệp vào vùng ảnh hưởng của Pháp tại Châu Phi.
Binh sĩ Mali tuần tra cùng binh sĩ Pháp tham gia chiến dịch Bakhane, tại một ngôi làng Mali, tháng 12/2019. RFI/Coralie Pierret
Dưới hàng tựa lớn trang nhất : "Putin tung lính đánh thuê (Nga) vào Châu Phi như thế nào", Le Figaro đã đề cập đến vấn đề đang khiến nước Pháp hết sức quan ngại. Theo tờ báo thiên hữu Pháp : "Sau Libya, Sudan hay Trung Phi, đạo quân tư nhân của Nhóm Wagner (một công ty quân sự Nga) bắt đầu nhắm tới Mali. Nước Pháp, vốn đã chiến đấu tại đấy từ năm 2013 để chống lại các lực lượng thánh chiến Hồi giáo thông qua chiến dịch Barkhane, đang cố ngăn chặn hành vi can thiệp của Moskva".
Trong hồ sơ lớn dành cho chủ đề này, Le Figaro trước hết phân tích ý đồ của tổng thống Nga hiện nay trong bài "Vladimir Putin thúc đẩy các con tốt của mình trên bàn cờ Châu Phi", nêu bật sự kiện Moskva dựa vào lực lượng lính đánh thuê của Nhóm Wagner để bảo vệ các lợi ích của Nga ở Syria, Libya và Cộng hòa Trung Phi, cũng như ở những nơi khác.
Theo Le Figaro, mục tiêu mà Moskva đang nhắm tới là Mali, và ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, ngày 26/09 vừa qua, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã không hề che giấu việc chính quyền Bamako đã tiếp cận các "công ty quân sự tư nhân" của Nga để huấn luyện quân đội và tăng cường an ninh, đang bị các phần tử thánh chiến đe dọa hàng ngày.
Dĩ nhiên là ngoại trưởng Lavrov đã khẳng định rằng chính phủ Nga không liên quan gì đến các công ty tư nhân đó và không nêu tên Nhóm Wagner. Thế nhưng đối với Le Figaro, lời khẳng định đó không đánh lừa được ai, và điểm đáng chú ý là lần đầu tiên ngoại trưởng Nga đã thừa nhận rõ ràng vai trò của lực lượng bán quân sự do Ilya Prigogine, một nhà tài phiệt thân cận với Vladimir Putin thành lập.
Theo ghi nhận của tờ báo Pháp, đây là một đạo quân gọi là "nằm trong bóng tối", nhưng ngày càng có hành động lộ liễu, một lực lượng được Moskva sử dụng để bảo vệ lợi ích của Nga ở nhiều nơi mà không bị chính thức mang tiếng can thiệp, và nhất là tránh được tai tiếng khi lực lượng này có những hành vi tàn ác.
Le Figaro nhắc lại rằng vào năm 2018, khi Nhóm Wagner đặt chân vào Trung Phi, dưới vỏ bọc là lính cận vệ cho nguyên thủ quốc gia này và bảo vệ ngành khai thác khoáng sản, 3 nhà báo Nga đang điều tra nhóm này đã bị sát hại. Moskva khẳng định thủ phạm là những kẻ cướp, nhưng mọi nghi ngờ đều dồn vào những người lính đánh thuê của Nhóm Wagner.
Trong một bài viết khác mang tựa đề "Tại Mali, trò chơi đáng ngờ của tập đoàn quân sự cầm quyền với lực lượng lính đánh thuê của Nhóm Wagner", nhật báo thiên hữu Pháp đã phân tích chiều hướng xích lại gần nhau hiện nay giữa chính phủ Mali hiện nay, lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chánh quân sự vào tháng 8/2020 với Moskva.
Theo Le Figaro, bang giao giữa Mali và Nga không phải là mới, nhưng việc hai bên ký kết một thỏa thuận quốc phòng vào năm 2019 đã đẩy mạnh quan hệ song phương. Việc chính quyền nước này lọt vào tay một tập đoàn quân sự, lại càng thúc đẩy xu hướng xích lại gần nhau giữa Bamako và Moskva, nhất là khi người được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Choguel Maiga, là một nhân vật từng học tập và sống trong mười năm tại Liên Xô trước đây.
Việc xích lại gần nhau giữa Nga và Mali lại diễn ra vào lúc tâm lý bài Pháp ngày càng dâng cao tại quốc gia Châu Phi này, và quyết định của Paris, giảm thiểu hẳn quy mô chiến dịch Barkhane, nhằm giúp các nước trong vùng, trong đó có Mali, đối phó với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
Theo Le Figaro, các động thái của Nga tại Châu Phi nói chung, và đặc biệt tại Mali gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động tại Paris. Trong bài "Pháp muốn làm mọi cách để ngăn chặn liên minh với Wagner (của chính quyền Mali)", tờ báo Pháp nhận định là Nga và lực lượng lính đánh thuê của họ đe dọa toàn bộ khu vực ảnh hưởng của Pháp ở Châu Phi.
Le Figaro ghi nhận : Bị cho là "không tương thích" với quan hệ đối tác với Pháp, dự án liên minh giữa chính phủ Mali và công ty Nga Wagner đã huy động mọi sức lực của ngành ngoại giao Pháp trong mấy vài tuần nay.
Trước hết, Paris cố gắng gây áp lực lên chính quyền Nga. Christophe Bigot, quan chức đặc trách Châu Phi của bộ ngoại giao Pháp đã đến Moskva vào tháng trước. Emmanuel Bonne, cố vấn ngoại giao của tổng thống Macron, cũng ghé thủ đô Nga trong tuần này. Các liên hệ cũng được thiết lập với các cơ quan tình báo Nga, đặc biệt là tình báo quân đội (GRU). Pháp đang yêu cầu Nga từ bỏ hoặc ít nhất là làm chậm lại dự án liên minh của họ với chính phủ chuyển tiếp Mali, thành lập sau đảo chính.
Cho đến nay Pháp đã không thực sự thành công. Tại Moskva, các kênh chính thức khẳng định họ không ảnh hưởng gì trên Nhóm Wagner. Còn các kênh không chính thức thì xác định rằng họ chuẩn bị triển khai lính đánh thuê để lấp đầy khoảng trống bắt nguồn từ việc Paris cắt giảm lực lượng quân đội Pháp trong chiến dịch Barkhane mà tổng thống Macron quyết định vào mùa hè vừa qua.
Paris cũng gây sức ép trên Mali, trong sự hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu và với các quốc gia trong khu vực, đang lo ngại phong trào thánh chiến lan rộng khắp khu vực và Mali sụp đổ.
Thế nhưng tập đoàn quân sự Mali đã từ chối bãi bỏ kế hoạch hợp tác với Nhóm Wagner. Quan hệ giữa Paris và Bamako đang ở mức thấp nhất. Thủ tướng Choguel Kokalla Maïga gần đây đã cáo buộc Pháp "mang con bỏ chợ" khi quyết định tái triển khai lực lượng Barkhane, đi kèm với việc cắt giảm quân số của Pháp tại Mali. Theo chính quyền Mali, động thái của Pháp sẽ tạo ra một khoảng trống an ninh nguy hiểm cho đất nước họ, trong khi mà trong thực tế, theo Le Figaro, chính tình trạng điều hành tệ hại và nạn tham nhũng trong guồng máy nhà nước Mali gián tiếp là nguồn gốc của những thất bại.
Đối với tờ báo Pháp, nếu lính đánh thuê Nga chính thức can thiệp vào Mali, hiệp ước giữa Mali và Pháp có thể bị phá vỡ, với hậu quả không hay cho hệ thống bố trí quân sự của Pháp, đặc biệt là đối với lực lượng Takuba có sự tham gia của Châu Âu, bởi vì các nước ở Trung và Đông Âu, vốn rất nhạy cảm với mối đe dọa từ Nga, sẽ từ chối tham gia.
Chuyên gia Jean Sylvestre Mongrenier viết trong một bài báo cho trang mạng Desk Russie : "Việc Bamako quay sang Nga có thể dẫn đến việc tái tập trung chiến dịch Barkhane vào Niger - nơi Hoa Kỳ đặt một tổng hành dinh lớn - và làm suy yếu cam kết của Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên". Việc Wagner đến Mali cũng có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt.
Nhận xét của Le Figaro rất chua chát : Nga đã đánh đuổi Pháp khỏi Cộng hòa Trung Phi. Ngày nay thì đe dọa tất cả các khu vực ảnh hưởng của Pháp ở Châu Phi. Vào lúc Nga, và cả Trung Quốc, củng cố quyền lực của họ trên lục địa Châu Phi, Paris nhận thấy ảnh hưởng của mình đang giảm dần ở đó. Đó cũng là một trong những hệ quả của sự thất bại của các Mùa Xuân Ả Rập. Mười năm sau, làn sóng Nga đang tràn qua để chiếm đóng khu vực này, và lại càng được khích lệ sau các thất bại và bước lùi của Hoa Kỳ, nhất là cuộc rút lui khỏi Afghanistan.
Về Châu Á, Les Echos có một bài viết lý thú về một phiên tòa xét xử lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mở ra tại Nhật Bản vào hôm nay.
Dưới hàng tựa bí hiểm "Bắc Triều Tiên : Nhà độc tài Kim Jong-un bị xét xử vì bán quá nhiều 'thiên đường' ", tờ báo Pháp cho biết là vào hôm nay, 14/10, lãnh đạo Bình Nhưỡng triệu mời ra trước một tòa án ở Tokyo để trả lời về các cáo buộc bắt cóc cấp nhà nước và giam giữ bất hợp pháp. Ông Kim Jong-un dĩ nhiên không đến dự phiên tòa.
Từ năm 1959 đến năm 1984, hơn 90.000 người Triều Tiên nhập cư tại Nhật Bản đã bị Bắc Triều Tiên dụ dỗ hồi hương để sống tại thiên đường xã hội chủ nghĩa ở đó. Trong số này chỉ có 200 người đã trở lại được Nhật Bản.
Les Echos cho biết chi tiết : Nhà độc tài 37 tuổi, cháu nội của Kim Nhật Thành, con trai của Kim Jong-il, được triệu tập đến phòng số 103 của Tòa Án Tokyo lúc 10 giờ sáng nay. Một tài liệu chính thức đã được đăng gần cổng phía nam của tòa án lớn và cũng được chuyển đến chính quyền Bình Nhưỡng. Theo luật sư của bên nguyên đơn bao gồm 5 nạn nhân từng bị bắt cóc, họ đã đệ đơn vào tháng 8 năm 2018 chính thức kiện Nhà Nước Bắc Triều Tiên về tội bắt cóc cấp nhà nước và giam giữ bất hợp pháp.
Tổng cộng 93.340 người đã thực hiện chuyến đi một chiều "tuyệt vời" này giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Tất cả đều tin chắc là họ đi vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những người Triều Tiên này hầu hết sinh ra ở Nhật Bản trong các gia đình đã được chính quyền Nhật Bản chuyển từ bán đảo đến quần đảo, từ năm 1910 đến năm 1945, do việc Nhật Bản cần lao động và người thay thế trong các nhà máy và hầm mỏ cho người Nhật, đã phải tòng quân đi chiến đấu khắp Châu Á.
Trong đơn kiện, 5 nạn nhân yêu cầu Bắc Triều Tiên bồi thường thiệt hại cho mỗi người 100 triệu yên (780.000 euro). Nhưng vấn đề tiền bạc không quan trọng và Kim Jong-un sẽ không cử bất kỳ quan chức nào đến trả lời các câu hỏi của thẩm phán.
Kanae Doi, chủ tịch tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tại Nhật Bản, khẳng định : "Điều quan trọng là cuối cùng họ sẽ có thể kể câu chuyện của mình và được lắng nghe ở một đất nước Nhật Bản vốn từ trước đến nay chưa bao giờ chú ý đến họ". Ngoài ra, theo luật sư của bên nguyên đơn, phiên tòa "cũng sẽ gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản để buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm, đặc biệt là về số phận của những người Nhật đã theo chồng hoặc vợ người Triều Tiên của họ trong chương trình hồi hương này".
Như nói ở trên, trang nhất các tờ báo lớn chủ yếu được dành cho thởi sự Pháp, đặc biệt là lãnh vực xã hội với Le Monde chú ý đến kỷ niệm 1 năm ngày nhà giáo Pháp Samuel Paty bị một phần tử Hồi giáo cực đoan sát hại ở ngoại ô Paris và La Croix nêu bật phản ứng của giáo dân trước bản báo cáo về tệ nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo Pháp.
Ngay trang nhất, Le Monde chạy hàng tựa lớn "Samuel Paty : Một chấn thương lâu dài" và ghi nhận là một năm sau vụ một phần tử thánh chiến trẻ tuổi sát hại nhà giáo Pháp Samuel Paty trước khí bị cảnh sát bắn chết, cuộc điều tra tư pháp phức tạp vẫn tiếp tục.
Le Monde nhắc lại rằng người giáo viên sử địa đã bị sát hại dã man sau khi cho học sinh của mình xem một bức tranh biếm họa về Muhammad vài ngày trước đó. Tổng cộng đã có 16 người bị truy tố vì các mức độ đồng lõa khác nhau trong vụ này.
Trong hồ sơ chính bên trong, Le Monde ghi nhận là một năm sau vụ việc, thị xã Conflans-Sainte-Honorine, vẫn đang bị sốc và vẫn tìm cách thích hợp để tưởng niệm giáo viên bị sát hại.
Trong đội ngũ giáo viên, nỗi xúc động vẫn còn đậm nét, trong lúc trong cộng đồng của những người thuộc ngành giáo dục, vấn đề giảng dạy thế nào về chủ nghĩa thế tục đã nổi lên thành chủ đề tranh luận, với những đánh giá đối chọi nhau về giá trị này.
Cũng liên quan đến tôn giáo, trang nhất nhật báo công giáo Pháp La Croix hôm nay chạy tựa lớn : "Báo cáo Sauvé : Các giáo dân động viên nhau (để phản ứng)".
Theo La Croix, sau khi báo cáo của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo Pháp (Ciase) được công bố hôm 05/10, những lời kêu gọi cải tổ Giáo hội ngày càng gia tăng. Từ vấn đề lãnh đạo và điều hành cho đến vị trí của phụ nữ hay sự tham gia của giới thế tục, chủ đề tranh luận rất đa dạng. Tuy nhiên, theo La Croix, vấn đề hiện nay là các diễn đàn để mọi người tranh luận vẫn còn rất hiếm.
Cũng tập trung vào chủ đề Pháp, Libération đã dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính hôm nay cho phản ứng của giới thể thao trước chỉ tiêu rất cao mà tổng thống Pháp Macron đặt ra cho các vận động viên nhân Thế Vận Hội Paris 2024.
Tựa lớn trang nhất của Libération đã chơi chữ trên ý nghĩa của từ "argent" vừa là tiền, vừa là bạc : "Các vận động viên phản ứng với Macron : Để có vàng, cần phải có tiền.
Đối với tờ báo, sau khi tổng thống đánh giá là thành tích đoàn Pháp tại Thế vận hội Tokyo quá yếu và đề ra những tham vọng rất cao cho các vận động viên quốc gia tại Thế vận hội 2024 ở Paris, giới thể thao Pháp đã đồng loạt phản đối tình trạng thiếu kinh phí dành cho ngành thể thao đẳng cấp cao trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Theo nhiều vận động viên, chính quyền Pháp đã không hề chi tiêu đúng mực để phát triển ngành thể thao đẳng cấp cao.
Sau cùng, như thông lệ, nhật báo Les Echos đã dành tít lớn trang nhất cho một vấn đề kinh tế : Tình trạng giá nhiên liệu tăng cao tại Pháp.
Tựa lớn của nhật báo Kinh tế Pháp nêu bật : "Giá xăng dầu : Chính quyền tìm cách chống đỡ". Theo Les Echos, trước tình trạng giá nhiên liệu gia tăng, chính phủ đang xem xét nhiều phương án nhằm giảm cú sốc. Đây là một vấn đề cho Nhà nước Pháp vì chính quyền thu thuế rất cao trên giá nhiên liệu, và một quyết định giảm 5 centime trên thuế xăng chẳng hạn sẽ kéo theo 2,5 tỷ đô la thất thu tiền thuế đối với chính phủ.
Trọng Nghĩa