Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Học "văn hóa nghị trường" để tránh" khủng hoảng chế độ"

Một ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2. Nỗ lực của tổng thống Emmanuel Macron tìm cách điều hành đất nước trong bối cảnh liên đảng cầm quyền mất đa số tuyệt đối là chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay, 21/06/2022.

   vanhoa11

   Quốc hội Pháp có vai trò mờ nhạt trong nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ảnh minh họa : Một cuộc bỏ phiếu thông qua luật tại Quốc hội, ngày 21/03/2021, với 49 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 5 phiếu trắng. AP - Ludovic Marin

"Macron bị cử tri trừng phạt. Đảng Tập Hợp Dân tộc (RN) dấn tới, Quốc hội trong tình trạng đầy bất trắc" là nhan đề trang nhất Le Monde. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Tìm đa số : bài toán đau đầu cho Macron". Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi : " Điều hành đất nước ra sao ?" với nhận định : Đảng của tổng thống mất đa số tuyệt đối sẽ buộc phải tạo lập các liên minh hay có các thỏa hiệp để có thể tiến hành các cải cách như dự kiến".

Kết quả bầu cử Quốc hội ngày 19/06/2022 đặt nước Pháp trước một tình thế "chưa từng có" trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp. Một tổng thống vừa đắc cử ngay lập tức mất đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Le Monde nhấn mạnh là "quyền lực vốn tập trung tại điện Elysée giờ đây đã chuyển sang phía Quốc hội, kể từ giờ phần căn bản của các quyết định chính trị sẽ được thương lượng tại đây". Liên đảng cầm quyền Đồng Lòng ! (Ensemble !) của tổng thống, với 245 ghế dân biểu, buộc phải tìm thỏa hiệp với các đảng đối lập để thông qua các dự luật.

"Nền dân chủ chết tiệt" : Nước Pháp trở nên "không thể điều hành"

Nhật báo thiên tả Libération chú ý đến nỗi thất vọng chán chường trong phe tổng thống, với hàng tựa trang nhất: "Macron : "chúng ta đang bước vào một giai đoạn kỳ quặc". Xã luận Libération, có nhan đề "Nền dân chủ chết tiệt", mang đầy vẻ châm biếm. Nước Pháp đã trở nên "không thể điều hành nổi" là điều mà Libération khẳng định đã trở thành nhận định cửa miệng của nhiều nhân vật trụ cột trong chính quyền Macron. Nhật báo thiên tả chế giễu : nước Pháp rõ ràng là "đã có thể dễ lãnh đạo hơn, với các "hội nghị toàn quốc", các cuộc "tham khảo ý kiến công dân", "Hội đồng cải tổ quốc gia" hay các loại "hội nghị công dân" (mà tổng thống cho lập ra). Tuy nhiên, giờ đây các sáng kiến kiểu này đã không còn gây được niềm tin trong cử tri.

Libération tóm tắt tình hình hiện tại: "Nếu như đa số người Pháp đã từ chối tham gia cuộc chơi dân chủ này từ lâu, thì đa số cử tri đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật vừa qua đã chống lại việc dành cho tổng thống – người mà chính họ vừa bầu lại - một đa số tự động. Tổng thống dĩ nhiên vẫn nắm quyền điều hành Nhà nước, nhưng ông không còn được quyền quyết định một mình, ở một góc riêng, các vấn đề liên quan đến người dân, như hưu trí, bệnh viện, sức mua, trường học, thuế ISF (đánh vào các tài sản lớn) hay về lương tối thiểu. Đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày, cử tri giờ đây muốn các dân biểu thảo luận dân chủ. Sự phục sinh thực sự của nền dân chủ đại nghị theo kiểu Pháp, với các cuộc tranh luận dữ dội, các thỏa hiệp ở hành lang, những đàm phán chỉ đạt kết quả trong đêm khuya…".

Cải tổ trước tiên phải bắt đầu từ phủ tổng thống

Xã luận Libération lên án thẳng thừng lối suy nghĩ cho rằng nước Pháp là "không thể điều hành nổi", khi nêu bật tính chất tiêu cực của một nước Pháp được coi là "dễ điều hành" (gouvernable). Libération dẫn lại từ điển Littré, theo đó từ "gouvernable" có nghĩa là "có thể bị nhào nặn, ngoan ngoãn vâng lời, tuân phục". Libération chất vấn : một nước Pháp "dễ điều hành" liệu có giúp cải thiện đời sống hàng ngày của người dân hay không ? Nhật báo thiên tả kết luận : giờ đây đến lúc chính tổng thống phải thay đổi, "công cuộc cải tổ của nước Pháp phải bắt đầu trước hết từ phủ tổng thống".

Thiếu "Mặt trận Cộng hòa", cực hữu ồ ạt vào Quốc hội

Về thất bại của liên đảng cầm quyền của tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua, xã luận Le Monde rút ra một bài học xương máu. Theo Le Monde, điều tiêu biểu nhất cho thất bại của tổng thống Macron trong cuộc bầu cử vừa qua là thắng lợi bất ngờ của đảng cực hữu Tập Hợp Dân tộc, với 89 ứng viên đắc cử dân biểu, gấp ba lần số dân biểu kỉ lục trước đó của chính đảng này hồi 1986. Đảng RN đủ sức thành lập nhóm nghị sĩ lớn thứ hai trong Quốc hội. Le Monde nhấn mạnh đến trách nhiệm lớn của đảng của tổng thống để xảy ra tình trạng này, khi không đưa ra chỉ định toàn quốc lập "Mặt trận Cộng hòa", giữa hai kỳ bầu cử, nhằm ngăn chặn phe cực hữu.

Trong lúc ứng cử viên tổng thống Macron đã được hưởng phiếu bầu của nhiều cử tri không ủng hộ ông, nhưng đã phải bầu cho ông để chống ứng viên cực hữu Marine Le Pen, việc tổng thống không khẳng định nguyên tắc "Mặt trận Cộng hòa" chống cực hữu trong vòng hai bầu Quốc hội, đã bị nhiều cử tri nhìn nhận như một sự "phản bội". Le Monde cũng cho rằng, khi làm như vậy, tổng thống Macron đã chối bỏ chính những nguyên tắc căn bản trong đường lối của ông, coi việc chống lại đảng Tập Hợp Dân tộc cực hữu là "ưu tiên hàng đầu". Thái độ coi cực hữu cũng như cực tả của tổng thống này đã góp phần đáng kể vào việc nhiều ứng viên của liên đảng cầm quyền bị cử tri ngoảnh mặt đi.

Chiến thắng của bộ trưởng Châu Âu, người làm ngược tổng thống

Le Monde nhấn mạnh đến trường hợp đáng suy nghĩ của ứng cử viên liên đảng Đồng Lòng !, bộ trưởng phụ trách Châu Âu, người đã làm ngược lại với chủ trương của đảng, khi tuyên bố ủng hộ nguyên tắc Mặt trận Cộng hòa chống cực hữu. Ứng viên Clément Beaune đã đắc cử tại một đơn vị bầu cử tại Paris, với số phiếu chênh lệch sít sao (50,7%, khác biệt chưa đầy 600 phiếu bầu), trước đối thủ liên đảng cánh tả NUPES. Vị bộ trưởng này đã dẫn lại một câu nói của đồng nghiệp : "Thà thua một cuộc bầu cử hơn là đánh mất linh hồn !". Đối với bộ trưởng phụ trách Châu Âu của chính phủ Macron, "đánh mất linh hồn" có nghĩa là đánh đồng cực tả với cực hữu (Tương tự như Le Monde, Les Echos cũng ghi nhận việc "Mặt trận Cộng hòa" sụp đổ đã tạo cơ hội cho đảng cực hữu RN trở thành đảng có đông dân biểu thứ hai tại Quốc hội Pháp).  

"Cơ hội" cho Macron cải tổ nền chính trị Pháp "từ trong lòng Quốc hội"

Dù sao, với Le Monde, nhiệm kỳ hai mới chỉ bắt đầu. Trước mặt tổng thống Macron là "muôn vàn trọng trách" : từ khủng khoảng khí hậu, đến cải cách và chuyển hóa khẩn cấp "xã hội siêu tiêu thụ" hiện nay, từ nguy cơ khủng hoảng địa chính trị dẫn đến khủng hoảng kinh tế, lạm phát, kiệt quệ, đến khủng hoảng của định chế dân chủ… Le Monde khẳng định là cử tri Pháp không phủ nhận công lao của tổng thống, cụ thể như lèo lái đất nước qua đại dịch. Tuy nhiên, thách thức giờ đây là rất khác. Tương tự như Libération, Le Monde nhấn mạnh đến thông điệp: giờ không còn là lúc tổng thống điều hành từ bên trên. "Đa số tương đối hiện nay tại Quốc hội mang lại cho tổng thống cơ hội" xúc tiến tiến trình "cải tổ" sinh hoạt chính trị dân chủ, như ông mong muốn, nhưng "không phải ở bên lề" (như dự kiến của Macron), mà "ngay trong lòng Quốc hội".

"Văn hóa nghị trường" giúp tránh khủng hoảng chế độ

Làm thế nào để điều hành đất nước sau cuộc bỏ phiếu với kết quả chưa từng có này cũng là câu hỏi mà nhật báo La Croix đặt ra. Khác với LibérationLe Monde, La Croix tìm câu trả lời từ một góc nhìn khác. Không phải từ phía tổng thống, mà từ sự thiếu hụt "văn hóa nghị trường" của nền chính trị Pháp. Xã luận La Croix nhan đề "Trước khi bất hòa diễn ra" nhấn mạnh: để tránh một cuộc "khủng hoảng chế độ chính trị", "giới chính trị Pháp" cần khẩn cấp học hỏi các kinh nghiệm tốt của nền dân chủ đại nghị, vốn đã có tại đa số các nền dân chủ Châu Âu.

La Croix nêu bật hai quy tắc. "Quy tắc thứ nhất : chấp nhận thỏa hiệp không đồng nghĩa với đồng lõa với phe đối thủ, hay phản lại các cử tri đã bầu cho mình. Thậm chí điều này có thể được biểu dương nếu cho phép hướng đến lợi ích chung. Quy tắc thứ hai là, trong chính trị, hiếm khi một ai đó nắm hoàn toàn chân lý, nhất là trong giai đoạn đầy bất trắc đang mở ra trước chúng ta".  

Học cách đi tìm thỏa hiệp chính trị để tháo gỡ tình hình bế tắc cao độ, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng chế độ hiện nay, cũng là mối quan tâm chính của Les Echos. Mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị" của Les Echos có bài "Cuộc phản công của phe chính trị trong liên đảng cầm quyền", phơi bày tình thế nan giải trên thượng đỉnh.

Sự tê liệt của tổng thống, vai trò thúc đẩy của "Bộ Tứ"

Theo Les Echos, tổng thống Macron đã giữ im lặng đến trưa ngày thứ Hai, hôm qua, tức gần một ngày sau cuộc bầu cử. Phản xạ đầu tiên của tổng thống Macron, điều mà Les Echos gọi là ADN của tổng thống, là chờ đợi. Đến trưa ngày thứ Hai, đã không có bất cứ tín hiệu nào từ tổng thống, không khí lo ngại bắt đầu xâm chiếm nhiều giới chức của liên đảng cầm quyền. Trước phản ứng im lặng, có thể hiểu như là tê liệt của tổng thống, nhiều nhân vật trụ cột thuộc "phe chính trị" trong liên đảng cầm quyền quyết định lên tiếng. Cụ thể như lãnh đạo đảng cánh trung Modem François Bayrou, lãnh đạo đảng Horizons, cựu thủ tướng Edouard Philippe, bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, người đang nhắm chức thủ tướng và bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, đang hướng đến chức chủ tịch Quốc hội.

Bốn nhân vật nói trên được mệnh danh là nhóm "Bộ Tứ". Les Echos gọi họ là ‘phe chính trị" là để phân biệt với "phe kỹ trị", vốn được tổng thống nghe theo lâu nay. Đại diện của phe kỹ trị là chánh văn phòng phủ tổng thống Alexis Kohler bị đồng sự cho biết chính là người "đã ngăn cản" tổng thống đưa ra Quốc hội thông qua một loạt biện pháp cải thiện sức mua cách nay hai tháng, điều này cũng có nghĩa là ông đã góp phần đáng kể vào phản ứng thụ động của tổng thống Macron trong thời gian tranh cử.

Theo Les Echos, thể theo đòi hỏi của nhóm Bộ Tứ thuộc "phe chính trị", tổng thống Macron đã quyết định mời lãnh đạo các đảng phái trong Quốc hội đến điện Elysée để xem xét khả năng hợp tác "mở rộng đa số", và xác định cụ thể có thể tiến hành các cải cách nào với Quốc hội hiện nay. Một số nhân vật cộng sự của Macron cũng khuyên tổng thống nên gặp chính các dân biểu của liên đảng cầm quyền, hiện đang cảm thấy "bị bỏ rơi" trong giai đoạn tranh cử. Les Echos kết luận, tổng thống Macron cần phải khẩn trương trở lại với chiếc "Đồng hồ", để hành động kịp thời, đoạn tuyệt với thói quen chờ đợi, vốn đã ngấm vào máu ông lâu nay.

Đảng cánh hữu LR : Tham gia cầm quyền hay vẫn là đối lập ?

Vẫn về tình hình hậu bầu cử Quốc hội, Le Figaro đưa ra một tiếp cận khác. Nhật báo thiên hữu tập trung thẩm định trước hết phản ứng của đảng cánh hữu LR (Les Republicains / Những người Cộng Hòa). Xã luận Le Figaro nhan đề "Đường chéo mờ ảo" dự đoán liên đảng cầm quyền của tổng thống chắc chắn rất cần đến đảng Những người Cộng Hòa, để đủ sức có được đa số tuyệt đối. Le Figaro cảnh báo, "cần tránh xa ảo ảnh thỏa thuận lập liên minh, bởi nỗ lực này sẽ chỉ có một hệ quả duy nhất nhất là gây chia rẽ trong chính nội bộ liên đảng cầm quyền, cũng như nội bộ đảng LR. Tức một nỗ lực mang lại tổng số bằng không".

Loại trừ lập liên minh với liên đảng cầm quyền, nhưng Le Figaro không loại trừ việc LR hợp tác với phe đa số để thông qua một số luật cụ thể. Tuy nhiên, ngay cả với khả năng hợp tác theo từng vụ việc này, Le Figaro cũng nhấn mạnh các dân biểu cánh hữu nên thận trọng. Nhật báo thiên hữu nhắc lại việc chính quyền Macron đã có lập trường hoàn toàn khác với lập trường của cánh hữu trong vấn đề nhập cư chẳng hạn. Theo Le Figaro, trong vòng 5 năm nay, chính quyền Macron đã hứa ngả sang hữu, nhưng lại để cho một chính trị gia thiên tả, bà Elisabeth Borne, đảm nhiệm chức vụ thủ tướng. Theo Le Figaro, đảng LR cần tránh bị cuốn theo chính sách mờ ảo, không nhất quán của đảng cầm quyền.

Le Figaro muốn các dân biểu LR dứt khoát, nhưng theo Le Monde, hiện tại đảng Những người Cộng Hòa với 61 dân biểu trong Quốc hội mới, cũng đang bị chia rẽ về thái độ cần có với chính quyền Macron. Theo một số thành viên của đảng này, LR cần liên minh lập đa số cầm quyền với phe của tổng thống.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế