Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lần thứ hai liên tiếp, Pháp tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (từ 19-22/12/2024). Trong chuyến thăm Paris tháng 10/2024 của Tổng bí thư Tô Lâm, kiêm chủ tịch nước lúc đó, Việt Nam và Pháp đã nâng quan hệ lên cấp cao nhất Đối tác chiến lược toàn diện và nhất trí "tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh". Để đạt được mục đích này, "hai bên quyết định tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng" với "các dự án mang tính cơ cấu".

vietphap1

Chiến hạm Pháp Le Vendémiaire (F734) cùng 98 sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ đoàn ghé cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 11-15/4/2024. Ảnh minh họa trong chuyến thăm cảng Manila, Philippines, ngày 12/03/2018. Reuters/Romeo Ranoco

Có thể thấy mối quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng, được thiết lập từ thập niên 1990, không ngừng được củng cố. Hiện tại, Pháp - nước thứ 8 trên thế giới và là thành viên đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu có mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam - tỏ thiện chí cung cấp cho Hà Nội trang thiết bị quốc phòng tân tiến, nhưng liệu Hà Nội đã sẵn sàng chưa ? Việt Nam và Pháp có thể tính đến những dự án có quy mô lớn hơn không ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt.

******************

RFI : Ngày 07/10, trong chuyến công du Paris, Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Pháp-Việt Nam. Tuyên bố chung nhấn mạnh đến ngành công nghiệp quốc phòng. Vậy đâu là cơ hội cho cả hai nước ?

Laurent Gédéon : Cơ hội có nhiều. Trước tiên tôi xin nhắc lại rằng Việt Nam hiện dành 8 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng, tương đương với 2% GDP của đất nước. Hà Nội có ý định tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên trung bình 5,5% để đạt đến 10,2 tỷ đô la vào năm 2029. Có thể thấy nỗ lực đó rất lớn và Việt Nam tự tạo phương tiện để tăng cường khả năng phòng thủ.

Nhưng hiện giờ, chúng ta thấy các nhà cung cấp quân sự chính cho Việt Nam vẫn là Nga, Mỹ và trong chừng mực nào đó là Israel. Việt Nam cũng sản xuất một số vũ khí và trang thiết bị quân sự (chủ yếu do Viettel sản xuất, trong đó có một số thiết bị được cấp phép). Ngoài ra, quân đội Việt Nam vẫn được trang bị một phần thiết bị của Liên Xô có từ thập niên 1970 và 1980.

Trên thực tế, chúng ta thấy rằng Pháp gần như không bán vũ khí cho Việt Nam nếu loại trừ một số máy bay trực thăng Puma và radar giám sát ven biển do Thales sản xuất (loại SCORE 3000 và Coast Watcher 100) hiện được Hải quân Việt Nam sử dụng. Dường như cũng không có bất kỳ thiết bị nào có nguồn gốc từ Pháp trong bộ binh Việt Nam và không quân cũng không có máy bay Pháp. Do đó, có thể có những cơ hội hấp dẫn cho ngành công nghiệp quân sự về mặt hợp tác và trao đổi công nghệ.

Nhưng phải nhắc đến vấn đề các mối ưu tiên. Rõ ràng là trong bối cảnh địa-chiến lược của Việt Nam, Hà Nội tập trung chú ý vào không gian biển, dù là bảo vệ khu vực ven biển hay các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, nơi quân đội Việt Nam hiện diện. Do đó, có thể giả định rằng việc hợp tác và mua sắm thiết bị quân sự sẽ chủ yếu tập trung vào các thiết bị đáp ứng các yêu cầu trong khuôn khổ chiến lược đó. Về điểm này, một số công ty Pháp có thể đáp ứng được kỳ vọng của Việt Nam, đặc biệt là Thales, Safran và Airbus.

Nếu lấy ví dụ trường hợp Thales - tập đoàn rất chú ý vào xuất khẩu, người ta thấy rằng doanh nghiệp này cung cấp giải pháp trong ba lĩnh vực mà Hà Nội quan tâm : giám sát trên không và trên biển, tác chiến chống tàu ngầm và drone.

Trong trường hợp giám sát trên không và trên biển, Thales có nhiều loại radar có thể rất phù hợp với nhu cầu của quân đội Việt Nam, bởi vì việc giám sát không phận và dự đoán các hành động của đối phương mang lại một lợi thế nhất định cho Việt Nam. Các mẫu được cung cấp, dù là radar tầm xa như GM 400α (Ground Master 400α), radar tầm trung như GM 200, hệ thống giám sát quang học như Artemis, hoặc hệ thống pháo chống drone trên biển và trên không (loại RapidFire), có thể được quân đội Việt Nam quan tâm.

Trong lĩnh vực tác chiến chống tàu ngầm cũng vậy. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, đã được Việt Nam xác định thông qua việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga vào những năm 2010. Việc mua tàu ngầm đã giúp Hà Nội tái lập cân bằng với quân đội Trung Quốc cũng được trang bị tàu ngầm. Đây lại cũng là lĩnh vực mà công ty Pháp có thể đáp ứng qua việc cung cấp các thiết bị chuyên dụng, như máy đo sóng âm và phao thủy âm, và rộng hơn là các hệ thống công nghệ cao dành riêng cho giám sát điện tử.

Ngoài ra, còn có những cơ hội hợp tác liên quan đến drone, nhất là những loại drone có sức bền dành cho hoạt động tình báo và giám sát hàng hải như Watch Keeper của Thales và cả Patroller của Safran.

Như chúng ta thấy, cơ hội phát triển liên kết trong lĩnh vực công nghiệp quân sự là không thiếu. Tuy nhiên các đối tác Pháp phải tính đến những nhu cầu và hạn chế cụ thể của Việt Nam. Đây cũng là một quyết định mang tính chính trị rõ ràng, nếu xét đến những hậu quả có thể xảy ra với Trung Quốc.

RFI : Như ông đề cập một chút ở trên, khả năng bán tàu hộ vệ và drone Patroller cho Việt Nam cũng được một số chuyên gia nêu lên sau chuyến thăm Paris của Tổng bí thư Tô Lâm. Liệu điều này có thể thực hiện được không nếu nhìn vào bối cảnh trong vùng hiện nay, cũng như mối quan hệ song phương Pháp-Việt ?

Laurent Gédéon : Tôi đã đề cập đến drone Patroller, nhưng đúng, vấn đề tàu hộ vệ cũng rất đáng quan tâm bởi vì đây là một trường hợp mang đầy tính biểu tượng. Chúng ta biết hiện giờ Việt Nam có hai loại tàu hộ vệ, có nguồn gốc Liên Xô và Nga. Loại gần đây nhất có nguồn gốc từ Nga là tàu hộ vệ loại Gepard 3.9. Đây là những con tàu được thiết kế để tìm kiếm và chiến đấu với kẻ thù trên mặt nước, dưới nước và trên không. Nhiệm vụ chung của chúng là giám sát và bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Xin nhắc lại, vào tháng 03 và tháng 08/2011, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 (đặt mua năm 2006, đóng tại Nga). Cuối năm 2011, Việt Nam ký hợp đồng đóng thêm hai tàu chuyên chống tàu ngầm. Hai tàu khác cũng được lên kế hoạch, nâng tổng số đơn đặt hàng lên thành 6tàu. Tuy nhiên, hai tàu cuối này hiện bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt Nga do cuộc xung đột Ukraine. Ngoài tàu hộ tống Gepard 3.9, Việt Nam còn có 5 tàu hộ tống lớp Petya. Đây là những chiến hạm cũ, được đóng từ thời Liên Xô, có vai trò tác chiến chống tầu ngầm ở vùng nước nông.

Pháp có kinh nghiệm không thể phủ nhận được trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất tàu khu trục nhỏ, bằng chứng là những tàu trong biên chế của Hải quân Pháp. Chúng được chia thành hai loại, tàu khu trục hạng nhất (lớp Horizon và Aquitaine) và tàu khu trục hạng hai (lớp Floréal và Lafayette). Hai loại này có chức năng khác và giá cũng khác nhau.

Nhiệm vụ chính của tàu khu trục hạng nhất là tham gia phòng không cho đội tàu tác chiến, hoặc bảo vệ một khu vực hoặc một đoàn tàu khỏi các cuộc không kích hoặc tấn công bằng tên lửa. Tàu khu trục hạng hai là tàu giám sát, chủ yếu là tham gia tác chiến chống tàu.

Cũng cần lưu ý rằng các tàu khu trục hàng hai sắp không còn được sử dụng, thay vào đó là một mẫu tàu tàng hình mới, được gọi là tàu khu trục phòng thủ và can thiệp (hoặc khinh hạm cỡ trung bình). Loại tàu này sẽ do tập đoàn Naval Group chế tạo.

RFI : Giả sử Việt Nam có ý định mua tàu khu trục Pháp, đâu sẽ là trở ngại chính ?

Laurent Gédéon : Đặt giả thuyết Việt Nam mua một tàu khu trục, vấn đề đặt ra sẽ là Việt Nam muốn đầu tư ngân sách bao nhiêu, bởi vì giá tàu khu trục hạng hai đời mới của Pháp chuyên phòng thủ và can thiệp có giá dao động từ 760 đến 800 triệu euro, còn tàu hạng nhất dao động trong khoảng 800 đến 950 triệu euro. Đó là số tiền rất lớn và sẽ được đem so sánh với tàu hộ tống Gepard 3.9 của Nga, có giá khoảng 350 triệu euro.

Thêm vào đó là chi phí bảo dưỡng và chi phí cho thủy thủ đoàn, tổng chi phí dao động từ 500 đến khoảng 700 triệu euro trong 30 năm. Do đó, đây là một khoản đầu tư đáng kể khi biết rằng ngân sách quân sự của Việt Nam hiện vào khoảng 8 tỷ đô la và sẽ đạt 10 tỷ đô la vào năm 2029.

Để khoản đầu tư được xứng đáng, những tàu khu trục này sẽ phải mang lại giá trị thặng dư chắc chắn về mặt chiến lược và đáp ứng những nhu cầu về khả năng mà các tàu Gepard 3.9 hiện tại không thể hoặc không còn đáp ứng được. Về vấn đề này, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời để đánh giá xem liệu Việt Nam có quan tâm đến một thỏa thuận mua bán đắt đỏ như vậy với Pháp hay không.

Ngoài ra, tàu khu trục vẫn là một vấn đề nhạy cảm đối với Pháp, cả về mặt địa-chính trị và biểu tượng trong khu vực, bởi vì người ta chưa quên những căng thẳng gay gắt nảy sinh giữa Paris và Bắc Kinh sau thương vụ bán sáu tàu khu trục lớp Lafayette cho Đài Loan vào năm 1991. Dĩ nhiên trường hợp của Việt Nam khác với Đài Loan. Nhưng trong bối cảnh và mối quan hệ hiện vẫn tế nhị giữa Hà Nội và Bắc Kinh, việc Pháp bán tàu khu trục cho Việt Nam có thể sẽ gợi lại cho Trung Quốc những kỉ niệm không tốt đẹp cho lắm và có thể sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng về vấn đề này.

RFI : Người ta cũng nhắc đến việc Paris nhấn mạnh đến hợp tác hàng hải, với việc tàu Pháp tăng số lần ghé thăm cảng Việt Nam trong những năm gần đây. Liệu đây có phải là một mảng hợp tác, trao đổi chuyên môn để hỗ trợ Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam trong tương lai không ?

Laurent Gédéon : Cần phải nhớ rằng trong bối cảnh địa chính trị khu vực, được đánh dấu bằng sự cạnh tranh Trung-Việt đối với các quần đảo ở Biển Đông, câu hỏi được đặt ra đối với bất kỳ hoạt động bán vũ khí nào cho Việt Nam hoặc bất kỳ sáng kiến quân sự nào của Pháp, hoặc từ bên ngoài, đó là Bắc Kinh có thể diễn giải việc đó theo cách nào. Bất kỳ chuyến hải hành nào của Hải quân Pháp qua Biển Đông đều khiến Trung Quốc có phản ứng ít nhiều tiêu cực và kịch liệt, tùy theo hoàn cảnh. Chắc chắn các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của cả Pháp và Việt Nam đều chú ý đến điều này.

Tuy nhiên, tàu chiến Pháp vẫn thường xuyên tổ chức hoạt động lưu thông trong khuôn khổ chiến dịch FONOP nhằm khẳng định sự tôn trọng luật hàng hải quốc tế và thách thức các yêu sách lãnh thổ bị coi là quá đáng của Trung Quốc. Chúng ta nhớ lại rằng vào năm 2021, tàu khu trục Vendémiaire của Pháp đã tuần tra gần quần đảo Trường Sa ; năm 2022, Pháp cũng tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương La Pérouse, phối hợp với Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Biển Đông ; và vào tháng 04/2024, lần đầu tiên Pháp tham gia cuộc tập trận Balitakan của Philippines.

Do đó, sự hiện diện của Pháp trong khu vực không hề mang tính trung lập và bản thân việc các tàu Pháp cập cảng Việt Nam đã thể hiện một hành động chính trị. Cho nên có thể coi tần suất thăm cảng có tăng hay không còn phụ thuộc vào những cân nhắc ngoại giao về yếu tố Trung Quốc.

Tóm lại, để trả lời câu hỏi trên, thì đúng, việc tàu Pháp tăng cường ghé thăm cảng Việt Nam sẽ thể hiện niềm tin song phương ngày càng cao và có thể dẫn đến hợp tác và trao đổi chuyên môn nhằm phát triển năng lực và kinh nghiệm của Hải quân, và đặc biệt là của Cảnh sát biển Việt Nam.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 09/12/2024

Additional Info

  • Author Laurent Gédéon, Thu Hằng
Published in Diễn đàn

Vũ khí Pháp lép vế so với Mỹ trên chiến trường Ukraine

Dù không được nêu bật thành tựa lớn trang nhất, nhưng thời sự liên quan đến Nga và Ukraine đã được báo chí Pháp ra ngày 30/09/2022 phân tích và bình luận rộng rãi, đặc biệt trên hai tờ Libération Le Monde. Đáng chú ý là một bài viết trên Libération nhận xét một cách chua chát về uy lực có phần thấp hơn của vũ khí Pháp so với Mỹ, hiện đang được thấy trên chiến trường Ukraine. 

phao01

Hình trên : nh Ukraine dùng pháo tự hành Caesar của Pháp tấn công các vị trí của Nga tại chiến tuyến ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine vào ngày 15/06/2022. AFP / Aris Messinis - Hình dưới : quân đội Hoa Kỳ chuyển giao hệ thống pháo phản lực cơ động cao (Himars) cho Ukraine  

Trong bài "Pháo phản lực Himars, biểu tượng sức mạnh của Mỹ và nhược điểm của Pháp" trên trang quốc tế của mình, Libération nhắc lại sự kiện Washington, hôm 27/09 vừa qua, đã thông báo gửi thêm qua Ukraine 18 hệ thống phóng pháo phản lực cơ động cao này, góp phần đảo ngược tình thế có lợi cho Kiev. Theo ghi nhận của tờ báo, Pháp là nước cũng cung cấp đại pháo cho Ukraine, nhưng đã phải thừa nhận là mình có "lỗ hổng" trong lĩnh vực này. 

Himars : Biểu tượng cho sức mạnh mới của Ukraine

Theo Libération, kể từ đầu mùa hè vừa qua, hệ thống pháo phản lực Himars của Mỹ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh mới hình thành của Quân đội Ukraine, cho chiến dịch tái chinh phục các vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng, tương tự như loại máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tên lửa Javelin – cũng của Mỹ - từng là biểu tượng cho sức kháng cự chống lại quân Nga trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Gần hai chục hệ thống Himars mới hứa này trước mắt chưa đến được Ukraine, nhưng khi được bàn giao đầy đủ, sẽ tăng gấp đôi số lượng loại vũ khí hiện đại này mà Kiev có trong tay, từ 16 hiện nay lên thàng 34.

Tờ báo đã trích lời một nguồn tin quân sự Pháp nêu bật hiệu quả của loại pháo phản lực Himars, có thể tấn công các mục tiêu cách xa đến 80 km với loại tên lửa M31 GLMRS đang được trang bị cho Ukraine (so với tầm bắn dưới 40 km của loại đại bác Caesars mà Pháp cũng chi viện cho Ukraine), có hỏa lực khủng khiếp đến từ những tên lửa được phóng đi hàng loạt, mang theo mỗi chiếc 100 kg thuốc nổ, và nhất là được trang bị hệ thống dẫn đường bằng GPS, giúp chúng bắn chính xác vào các mục tiêu, bất chấp khoảng cách xa xôi. 

22222222222222222222222

Loại pháo phản lực Himars (dưới), có thể tấn công các mục tiêu cách xa đến 80 km với loại tên lửa M31 GLMRS đang được trang bị cho Ukraine (so với tầm bắn dưới 40 km của loại đại bác Caesars mà Pháp cũng chi viện cho Ukraine)

Theo Libération, Quân đội Ukraine đã sử dụng thành công loại pháo phản lực Himars trong cuộc phản công vào Kherson, thành phố lớn duy nhất của Ukraine bị quân đội Nga đánh chiếm kể từ ngày 24/02. Theo tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Mark Milley, pháo Himars đã bắn trúng 400 mục tiêu của Nga vào đầu tháng 9. 

Quân đội Ukraine đã gặt hái được thành công nhờ có được loại vũ khí tối tân này của Mỹ, nhưng cũng nhờ có được nhanh chóng các thông tin tình báo có chất lượng về các mục tiêu đánh phá, không phải chờ lâu giữa việc xử lý thông tin tình báo và ra lệnh khai hỏa.  

Nguồn tin Pháp công nhận là việc có Himars trong tay đã giúp Ukraine thay đổi tương quan lực lượng", và hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động của Mỹ thực sự là tác nhân "thay đổi cuộc chơi chiến thuật" trên hiện trường. 

Chính hiệu quả được chứng minh qua chiến dịch phản công thắng lợi của lực lượng Ukraine bắt đầu vào tháng 9 đã thu hút sự chú ý của các nước khác, và một số thành viên NATO – trong đó có Ba Lan và Estonia – đang muốn được trang bị loại vũ khí này. 

Hai bài học Quân đội Pháp cần rút ra từ Ukraine

Pháp cũng có những hệ thống phóng pháo phản lực tương đương như loại LRU chẳng hạn, nhưng với vỏn vẹn 13 hệ thống, một số lượng mà quân đội Pháp coi là "hàng mẫu", và với tầm bắn giới hạn ở 80 km, không giống như những chiếc Himars có thể bắn trúng mục tiêu ở xa đến 300 km nếu dùng tên lửa ATACMS (mà chính quyền Biden từ chối cung cấp cho Ukraine để tránh khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga).  

Nhược điểm của phương tiện pháo binh Pháp bắt nguồn từ một lựa chọn chiến lược : Các cuộc tấn công sâu vào địa bàn của đối phương là trách nhiệm của hải quân hoặc không quân, chứ không phải là của lục quân, binh chủng sử dụng pháo binh. 

Tuy nhiên, Pháp như đang rút ra hai bài học liên quan từ cuộc chiến ở Ukraine. Thứ nhất, sự cần thiết của tính năng tự chủ của từng binh chủng, tránh việc lệ thuộc quá đáng vào nhau giữa Không quân, Hải quân hay Lục quân. 

Bài học thứ hai : Mở rộng "chiều sâu chiến thuật", nghĩa là chiến trường. Với các hệ thống vũ khí cơ động và có thể triển khai dễ dàng, có tầm bắn gần hoặc thậm chí trên 100 km, các chiến lược gia cho rằng chiến trường có thể kéo dài tới 500 km phía sau đường chiến tuyến, do đó có thể trải rộng về mặt lý thuyết trên một khoảng cách dài 1.000 km, nói cách khác là từ Dunkerque miền Bắc Pháp đến Perpignan miền Nam, nếu bộ binh lâm trận ở khu vực thành phố Bourges ở khu vực trung tâm nước Pháp. 

Chẩn đoán này từng được tướng Michel Delion, giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Học thuyết Chỉ huy của Quân đội (CDEC) đưa ra từ trước cuộc chiến ở Ukraine. Trong báo cáo về việc chuẩn bị ứng phó với một cuộc chiến tranh cường độ cao – như đang diễn ra tại Ukraine - đưa ra vào tháng 2 vừa qua trước khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, hai dân biểu Patricia Mirallès (LREM) và Jean-Louis Thiériot (LR), đã đề xuất tăng số lượng và đổi mới các hệ thống phóng pháo phản lực LRU, "bằng cách phát triển tên lửa với một tầm hoạt động từ 150 đến 500 km". Thế nhưng không phải là trước mắt, mà tận "sau năm 2025". 

Tình hình liên quan đến Ukraine cũng được các báo nêu bật với những chi tiết khác nhau, từ việc tổng thống Nga Putin quyết tâm chiếm đoạt 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, cho đến tình hình chiến sự Nga-Ukraine vẫn ác liệt, hay là vụ hai đường ống dẫn khí Nord Stream từ Nga sang Liên Âu tình nghi bị phá hoại. 

Ukraine sắp chiếm lại Lyman ?

Trên bình diện thuần túy quân sự, Libération ghi nhận một bước tiến mới của lực lượng Ukraine : "Sau Izium, chiến dịch tái chinh phục lãnh thổ tiếp tục hướng về Lyman". Theo tờ báo, giao lộ hậu cần quan trọng này mà Nga nắm giữ, gần như đã bị lực lượng Kiev bao vây vào hôm qua. Thành phố này được giải phóng có thể làm suy yếu thêm mặt trận của Nga ở vùng Donetsk. 

Le Monde thì quan tâm nhiều hơn đến quyết tâm chiếm đất Ukraine của tổng thống Nga Putin. Ngay trên trang nhất, tờ báo giới thiệu tựa đề bài xã luận : "Vladimir Putin tự giam mình trong chiến tranh". Theo tờ báo, sau khi ban bố quyết định gắn các vùng chiếm đóng tại Ukraine vào lãnh thổ Nga, chắc chắn Điện Kremlin sẽ khám phá trở lại nguyên tắc về tính bất khả thay đổi của các biên giới và lớn tiếng tuyên bố ý định bảo vệ chúng. Đối mặt với hành động đâm lao rồi lại theo lao này, các đồng minh của Ukraine càng có nhiều lý do hơn bao giờ hết để hậu thuẫn Kiev. 

Khí rò rỉ từ Nord Stream : Quả bom khí hậu ?

Về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, Le Monde nhấn mạnh đến phản ứng của Châu Âu khi ghi nhận rằng : "Đối mặt với các "hành động phá hoại", Phương Tây nâng cao cảnh giác về cơ sở hạ tầng năng lượng của mình". Đối với tờ báo, vừa ngoạn mục lại vừa bí ẩn, các vụ nổ làm hư hại hai đường ống dẫn khí đốt dưới Biển Baltic làm dấy lên lo ngại về một hành vi leo thang mới. 

Trên tờ Le Monde, chuyên gia Nguyễn Phúc Vinh, nhà nghiên cứu năng lượng tại Viện Jacques-Delors ở Pháp nhấn mạnh : "Thông điệp chính mà hành động được mô tả là 'phá hoại' này gởi đi là tính dễ bị tổn thương của tất cả các thiết bị này". Theo chuyên gia này, nếu các sự cố tương tự xẩy ra trên đường ống dẫn khí đốt giữa Na Uy và Châu Âu hoặc giữa Algeria và Châu Âu, thì vấn đề sẽ thực sự nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, trong địa hạt môi trường, Le Monde đã lo ngại về nguy cơ vụ rò rỉ trên các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 tạo thành một quả "bom khí hậu", với việc bầu khí quyển bị nhiễm hàng trăm nghìn tấn mêtan, một loại khí nhà kính có khả năng hâm nóng cao hơn nhiều so với khi CO₂. Nhiu chuyên gia đã lo ngại về một "thảm họa môi trường". 

Bầu cử Brazil : Lula đọ sức với Bolsonaro

Về trang nhất các báo, không hẹn mà gặp, cuộc bầu cử tổng thống ngày Chủ Nhật tới đây tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ là Brazil đã được hai tờ La CroixLibération nêu bật trong tựa lớn, nhưng dưới hai góc độ khác nhau.  

Trong lúc La Croix phê phán ứng cử viên là tổng thống sắp mãn nhiệm : "Brazil : Bolsonaro, tổng kết đáng buồn", thì Libération lại tôn vinh đối thủ của ông là cựu tổng thống Lula trong hàng tựa hóm hỉnh : "Brazil allelula ?", mô phỏng từ "Alleluia" thường được dùng trong lời cầu nguyện của người theo đạo Do Thái hay Thiên Chúa để ngợi ca Đức Chúa. 

Theo La Croix, trong cuộc bầu cử tổng thống vào Chủ Nhật 02/10 tới đây, tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ đối đầu với Lula, người mà sự nghiệp chính trị đang hồi sinh mạnh mẽ.  

Trong bài "Vùng Amazon, một viên ngọc quý mà Bolsonaro đã hy sinh", tờ báo nêu lên tình trạng các hoạt động phi pháp ngày càng gia tăng ở các vùng biên giới xa xôi của Brazil, bị Nhà nước của tổng thống sắp mãn nhiệm Jair Bolsonaro bỏ bê : Cắt giảm nhân sự, cắt giảm ngân sách, ý muốn rõ ràng chiếm đoạt tài nguyên của các vùng đất người bản địa. 

Trong bài phân tích : "Cơn sốt bầu cử và nỗi lo sợ hỗn loạn", La Croix nhận thấy là từ khi lên cầm quyền, Jair Bolsonaro đã sao chép các công thức của người thầy của mình là Donald Trump. Từ vài tháng nay, ông luôn nói, mà không có bất kỳ bằng chứng nào, về một "vụ gian lận lớn" có lợi cho đối thủ của ông là cựu tổng thống Lula vào ngày 02/10 tới đây. Hành động của ông đã dấy lên nỗi lo sợ về một kết cục bạo lực theo kiểu Mỹ. 

Về phần mình, tờ Libération nhấn mạnh đến tình hình ứng cử viên cánh tả Lula da Silva là người được yêu thích nhất trong vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, đối thủ của ông là Jair Bolsonaro có vẻ quyết tâm giữ bằng mọi giá quyền kiểm soát đất nước mà ông đã tàn phá. Tờ báo ghi nhận là vào những ngày cuối của một chiến dịch tranh cử căng thẳng, ông bắt đầu nhận thấy mối đe doa kết quả bầu cử sẽ bị đối thủ phản đối. 

Trong bài có tựa đề bí hiểm "Geraldo Alckmin, chân phải của mặt trận chống Bolsonaro", Libération ghi nhận một bước khéo léo của ông Lula, đã chọn cựu thống đốc São Paulo, một gương mặt quan trọng của cánh hữu Brazil để đứng chung liên danh tranh cử với mình. Điều này tương tự như việc thành lập một liên minh cộng hòa chống lại tổng thống Bolsonaro cực hữu, được coi là mối đe dọa đối với nền dân chủ. 

Cuộc đấu giữa hai phu nhân Lula và Bolsonaro 

Trong hồ sơ của mình về cuộc bầu cử tổng thống ở Brazil, Libération cũng như Le Figaro đặc biệt chú ý đến vai trò của hai người vợ của đương kim tổng thống Bolsonaro và cựu tổng thống Lula. 

Trong bài "Bầu cử tổng thống : 'Michelle' và 'Janja', cuộc đọ sức của các phu nhân ở Brazil", Le Figaro cho biết là vợ của  nguyên thủ quốc gia sắp mãn nhiệm, Jair Bolsonaro, cũng như vợ của cựu tổng thống Lula đều bước vào đấu trường vận động. 

Điểm chung duy nhất của Michelle Bolsonaro và Rosangela da Silva chỉ là cả hai đều đã chuyển từ bóng tối ra ngoài sáng, còn mọi thứ khác của họ đều đối nghịch nhau. 

Vào ngày 7/9, Jair Bolsonaro phát biểu trước đám đông những người ủng hộ ở Brasilia, vào cuối buổi lễ chính thức của kỷ niệm hai trăm năm độc lập, ông đã mời những người độc thân tìm kiếm "một công chúa". Sau đó, ông quay sang Michelle, một "người phụ nữ của Chúa", và cho bà một nụ hôn dài trước sự cổ vũ, hoan nghênh của đám đông. 

Ngày hôm sau, Rosangela, còn được gọi là "Janja", cũng có mặt cùng với chồng, cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, tại một cuộc mít tinh tranh cử ở vùng ngoại ô lớn của thành phố Rio de Janeiro. Tay cầm micrô, trong chiếc áo phông đỏ truyền thống, bà yêu cầu hàng nghìn ủng hộ viên bật đèn điện thoại của họ và nói : "Tôi muốn xem có công chúa ở đây hay không. Không hề có. Vì ở đây, chỉ có những nữ chiến binh". 

Libération thì dành cho mỗi phu nhân một chân dung. Về bà Rosangela, tờ báo nêu bât : "Janja, người vợ của Lula đã chuyển từ bóng tối ra ánh sáng", ghi nhận sự kiện là từ một phụ nữ ít được biết đến cách đây vài tháng, bà Rosangela da Silva đã chiếm vai trò và vị trí ngày càng lớn trong chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống, nhờ việc giao lưu với cộng đồng nghệ thuật hay thông qua các bài phát biểu về nữ quyền.

Về đệ nhất phu nhân sắp mãn nhiệm, Libération phê phán thẳng : "Michelle Bolsonaro, đệ nhất phu nhân cuồng tín". Theo tờ báo, là người có sức lôi cuốn và rất có uy tín trong giới truyền giáo, phu nhân của tổng thống đang nỗ lực khôi phục hình ảnh người chồng nổi tiếng coi thường phụ nữ của mình, không được lòng các nữ cử tri. Ngoài ra bà còn ra sức loan truyền hình ảnh quỷ dữ mà bà gán cho ông Lula trong cộng đồng Thiên Chúa giáo. 

"Macron muốn có một dự luật hưu trí vào mùa đông"

Hồ sơ cải cách chế độ hưu trí tại Pháp cũng được các báo quan tâm đặc biệt trong bối cảnh cuộc tổng đình công và những cuộc xuống đường trên toàn nước Pháp vào hôm qua, 29/09, đòi cải thiện tiền lương và hưu bổng. 

Sau bữa tối hôm thứ Tư 28/09 với các nhà lãnh đạo thuộc phe đa số của mình, nguyên thủ Pháp chủ trương một dự luật hoàn chỉnh, mà ông hy vọng sẽ thông qua vào tháng 1/2023, thay vì một điều khoản bổ sung vào dự luật tài trợ cho hệ thống an sinh xã hội (PLFSS) ngay tháng 10 này. 

Theo Le Monde, rốt cuộc là ông Macron đã chọn phương pháp cổ điển, có vẻ ít thô bạo, và giành một thời gian cho việc thảo luận, đồng thời khẳng định mục tiêu nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi. Như với bất kỳ văn bản tài chính nào, cũng có khả năng kích hoạt điều khoản 49.3 để thông qua dự luật nếu bị Quốc hội phản đối. 

Macron đã chọn một giải pháp trung dung, so với những người ủng hộ việc "đi nhanh" và những người chọn thận trọng, đợi đến mùa xuân năm 2023 để thảo luận về một đạo luật sẽ được thông qua vào mùa hè. 

Le Figaro thì có cái nhìn phê phán hơn khi cho rằng kế hoạch cải cách của ông Macron đã có lịch trình rõ ràng, nhưng nội dung thì chưa.  Theo tờ báo, nguyên thủ Pháp đã đưa ra một số chỉ dẫn, về hình thức nhưng không có gì về nội dung, về văn bản lập pháp có lẽ là quan trọng nhất của nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Đối với Le Figaro, về vấn đề cải cách chế độ hưu bổng, tổng thống Pháp vừa nhượng bộ, vừa răn đe những ai phản đối. Vũ khí mà ông dùng chính là đe dọa giải tán Quốc hội trong trường hợp có kiến nghị bất tín nhiệm trên kế hoạch cải cách của ông.

Dù rất chú ý đến kế hoạch cải tổ chế độ hưu trí tại Pháp của tổng thống Macron, nhưng báo Le Figaro lại dành tựa lớn trang nhất cho một vấn đề khác mà người dân rất quan tâm : "Việc tăng lãi suất đang làm rung chuyển thị trường bất động sản". 

Về phần mình, nhật báo Les Echos đặt trọng tâm chú ý trên vấn đề năng lượng hạt nhân tại Pháp khi nhấn mạnh trên trang nhất "Chiến dịch khôi phục tại EDF", tập đoàn Điện Lực Pháp. 

Theo Les Echos, ông Luc Rémont, cựu lãnh đạo tập đoàn thiết bị điện tư nhân Schneider Electric vừa được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu EDF, thay thế cho ông Jean Bernard Lévy. Đối với tờ báo, một nhiệm vụ khổng lồ đang chờ đợi nhà tân lãnh đạo : Đó là khôi phục việc sản xuất điện hạt nhân và đẩy mạnh trở lại việc xây dựng các lò phản ứng mới. 

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế