Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Ngạc nhiên tháng Mười" : Xung đột Israel-Iran bùng nổ

Lò lửa Trung Đông tiếp tục nóng bỏng. Bài xã luận của Le Figaro ngày 03/10/2024 mang tựa đề "Ngạc nhiên tháng Mười" - từ ngữ thường dùng để chỉ những sự kiện bất ngờ xảy ra trong cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng, có nguy cơ làm chuyển hướng cuộc bầu cử. Những gì đang diễn ra ở Trung Đông có tầm cỡ khó thể tưởng tượng : Sau đợt tấn công đạn đạo quy mô nhất lịch sử từ Iran, sự trả đũa của Israel hẳn sẽ ác liệt.

israeliran1

Người dân Israel "tham quan" mảnh vỡ của hỏa tiễn đạn đạo Iran rơi xuống sa mạc gần thành phố Arad ở miền nam, sau đợt oanh kích quy mô của Iran ngày 01/10/2024. Reuters - Amir Cohen

Iran đã tính lầm : Mỹ không cản nổi Netanyahou

Lo sợ khủng hoảng kinh tế thế giới và Mỹ bị lôi kéo vào cuộc xung đột, cả năm qua tổng thống Joe Biden đã làm mọi cách để ngăn trở, từ sau cuộc tấn công khủng bố dã man của Hamas ở Israel. Nhưng ông đã không thành công ! Sau khi Israel tấn công Hamas, "trảm" được thủ lãnh Hezbollah và mở chiến dịch trên bộ ở Lebanon, chiến tranh có nguy cơ lan ra trong khu vực với Iran và các lực lượng ủy nhiệm.

Các giáo sĩ ở Tehran đã rơi vào chiếc bẫy của ông Benjamin Netanyahou. Khi phóng vào Israel gần 200 hỏa tiễn để trả thù vụ tiêu diệt Hassan Nasrallah, họ đã mở ra cánh cửa cho một chu kỳ trả đũa mang tính hủy diệt. "Bibi" đã cảnh cáo "Iran sẽ phải trả giá". Washington không còn cố gắng níu tay ông ta lại, chỉ thuyết phục Israel đáp trả một cách chừng mực, đồng thời cảnh báo Tehran về "hậu quả nghiêm trọng". Iran nói rằng sẽ "trả đũa mạnh mẽ nếu Israel trả đũa".

Các báo đều cho rằng Tehran đã sai lầm khi trông cậy vào khả năng ngăn cản của Mỹ. Đợt tấn công hồi tháng 4 chủ yếu bằng drone và được báo trước nhiều tiếng đồng hồ, lần này có cả hỏa tiễn siêu thanh, và Israel chỉ có 12 phút để tự vệ. Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác ngoài việc yểm trợ đồng minh Israel. Liệu còn có thể tránh được đối đầu hay không ?

Các cơ sở nguyên tử Iran trong tầm ngắm của Israel

Nhà nước Do Thái sẽ trả đũa ra sao ? Le Figaro cho biết báo chí Israel nêu ra đủ loại kịch bản : tấn công các cảng dầu để bóp nghẹt kinh tế Iran, phá hủy các cơ sở hạt nhân, ám sát… kể cả bản thân giáo chủ Khamenei cũng trong tầm ngắm của thủ tướng Israel. Netanyahou muốn đánh vào chương trình nguyên tử Iran từ năm 2012, vì nếu Tehran có được quả bom hạt nhân, thì đó sẽ là nguy cơ cho sự tồn vong của Israel. Một Iran sở hữu bom nguyên tử và dùng bom đó để bắt bí thế giới là điều cũng không thể chấp nhận được đối với Washington.

Hỏa tiễn đạn đạo, dân quân tay sai, liên minh với Nga và Trung Quốc, khủng bố quốc tế… lâu nay chế độ độc tài Tehran vận dụng tất cả những vũ khí này để phá rối phương Tây. Với một mối nguy rõ rệt : những sự cố trong khu vực rốt cuộc có thể dẫn đến xung đột toàn cầu. Từ khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran đã làm giàu uranium đến mức 84%, chỉ dưới ngưỡng 90% một ít, để gây căng thẳng cho phương Tây mà không phải gánh chịu hậu quả. Cho đến nay Israel vẫn dùng những cách như tấn công tin học, ám sát các nhà khoa học hay những vụ nổ bí ẩn tại các địa điểm nguyên tử. Nhưng cuộc chiến trong bóng tối nay đã kết thúc, khi hai bên công khai tấn công vào lãnh thổ của nhau.

Đánh vào các cơ sở hạt nhân, Israel cần có sự tham gia của Mỹ vì những địa điểm này nằm rải rác nhiều nơi và ẩn sâu dưới lòng đất. Với cơ sở Fordo và Natanz, phải xuyên thấu mấy chục mét toàn đá và bê-tông cốt sắt. Vũ khí quy ước duy nhất có thể đánh vào là bom MOP của Mỹ, nặng trên 12 tấn và dài 6 mét, vượt quá khả năng của không quân Israel, cần đến oanh tạc cơ B-2 Spirit của Hoa Kỳ. Đang trong chiến dịch tranh cử, Joe Biden dường như chọn giải pháp hạn chế, chẳng hạn chỉ tấn công các cơ sở dầu khí. Một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa như Lindsey Graham đòi hỏi phối hợp với Israel để giáng đòn thật mạnh, thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng cho rằng nên gây áp lực tối đa lên chế độ Tehran.

Moskva bị nghi đổi công nghệ hạt nhân lấy tên lửa của Tehran

Moskva kêu gọi "kềm chế", Trung Quốc cổ vũ "xuống thang", nhưng theo Le Figaro, hai nước này là đối tác tự nhiên của Iran trong trục chống phương Tây. Cùng một mục đích, nhưng mỗi bên hành động theo lợi ích của riêng mình.

Hồi tháng 4, Moskva từ chối lên án việc Tehran oanh kích ồ ạt Israel, với cớ chính quyền Netanyahou không phê phán việc Kiev dùng drone tấn công Nga. Anh và Mỹ nghi ngờ Nga chia sẻ những bí mật về nguyên tử với Iran, đối lấy hỏa tiễn dùng để đánh vào Ukraine ở Donbass. Gần đây Iran đã giao hơn 200 hỏa tiễn đạn đạo Fath-360 có tầm bắn 120 kilomet và mang đầu đạn 150 ký cho Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo một thỏa thuận kiểu này sẽ giúp Iran tiến đến ngưỡng sở hữu vũ khí nguyên tử, hơn nữa Tehran vừa loan báo đưa vào hoạt động hàng trăm máy ly tâm mới, trong đó một số đặt sâu dưới lòng đất. Sự hợp tác giữa Nga và Iran tạo thành mối đe dọa ở mức độ chưa từng thấy.

Sau vụ thảm sát của Hamas ngày 07/10 và Israel mở chiến dịch Gaza để trả đũa, Moskva hy vọng phương Tây sẽ không còn chú ý tới Ukraine, đồng thời được lợi nhờ giá dầu tăng. Nhưng lần này nguy cơ xung đột khu vực sẽ khiến cuộc chơi nguy hiểm hơn cho Nga. Tehran xúc tiến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga nhân hội nghị thượng đỉnh BRICS trong tháng này, và nôn nóng chờ đợi một lô Su-35 đang rất cần để bổ sung vào phi đội già nua. Hai nước cũng chuẩn bị ký một thỏa thuận về khí đốt.

Nga, Trung Quốc miệng nói ủng hộ nhưng đều có tính toán riêng

Theo nhà chính trị học Mikhail Vinogradov ở Moskva, đối với Nga, Lebanon và Hezbollah không quan trọng bằng Syria, nơi quân Nga đổ sang từ 2015 để hỗ trợ cho chế độ Bachar Al-Assad. Moskva không muốn Iran lợi dụng bối cảnh Ukraine để mở rộng hoạt động tại Syria. Đây là điểm chung hiếm hoi khiến Nga và Mỹ đã bí mật gặp gỡ vào đầu năm nay. Nga cũng không muốn cắt đứt với Nhà nước Do Thái : Israel không bị xếp vào danh sách các quốc gia "không thân thiện" và ngược lại Israel không tham gia trừng phạt Nga. Đang bị mất ảnh hưởng ở vùng Cận Đông, Moskva có tham vọng làm người đối thoại với tất cả các bên.

Trung Quốc cũng có cùng cách tính toán vì lý do ngoại giao và kinh tế. Bắc Kinh muốn đóng vai người bênh vực quyền lợi Palestine trước mắt "các nước phương Nam" nhưng không can dự để tránh rủi ro. Lo cho nguồn cung năng lượng, Trung Quốc đánh bóng hình ảnh cường quốc "có trách nhiệm" và cần thiết, như kế hoạch hòa bình Ukraine. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh khó thể đi xa hơn sự ủng hộ về chính trị cho Iran.

Sau cú đòn trời giáng, Hezbollah còn bị các đối tác bỏ rơi

Tại Lebanon, Les Echos nhận xét Hezbollah ngày càng yếu đi. Trong khi Israel tiếp tục oanh kích và tiến hành xâm nhập trên bộ ở miền nam Lebanon, phe Hồi giáo Shia càng lao đao, chỉ còn cách đếm xác chết và dường như đang bị tất cả bỏ rơi.

Đắc chí sau cuộc xung đột với Israel năm 2006, Hezbollah mở ra mặt trận mới với Nhà nước Do Thái chỉ một ngày sau vụ Hamas khủng bố dã man hôm 07/10, kéo người dân Lebanon vào một cuộc chiến tranh không phải của họ. Thời trước Hassan Nasrallah được chính quyền Lebanon ủng hộ và thế giới Hồi giáo rót vào nhiều tỉ đô la, giờ đây bối cảnh đã khác hẳn, Israel đã chuẩn bị kỹ càng.

Trong 10 tháng, Tsahal nhắm vào các vị trí của Hezbollah ở miền nam, oanh tạc hàng ngày vào Bekaa và ngoại ô nam Beyrouth, đầu não của phe Hồi giáo Shia. Với hiệu quả đáng nể, quân đội Israel khử từng chỉ huy cao cấp một của Hezbollah và oanh kích chính xác cơ sở hạ tầng quân sự. Thiệt hại nhân mạng trong một năm cao hơn hẳn so với cuộc chiến tranh năm 2006. Kinh ngạc, Hezbollah đổ lỗi cho công nghệ hiện đại, cho rằng bị Israel định vị, Hassan Nasrallah ra lệnh cho các chiến binh không sử dụng điện thoại di động.

Ông ta không nhìn thấy chiếc bẫy mà Israel đã giăng ra : loạt vụ nổ ngoạn mục các máy nhắn tin và bộ đàm làm ít nhất 37 người chết và 3.000 người bị thương trong hàng ngũ Hezbollah. Rồi mọi việc diễn biến rất nhanh, các chỉ huy quân sự quan trọng bị tiêu diệt, những người lên thay cũng bị diệt tiếp, và phát súng ân huệ được dành cho Hassan Nasrallah - kết quả của hoạt động tình báo tuyệt hảo. Maroun Hitti, cựu tướng lãnh Lebanon nhận xét, Israel muốn dứt điểm và các nước Ả rập đã bỏ rơi phong trào Hồi giáo này. Kể cả Syria : Bachar Al-Assad quyết định đóng cửa biên giới không cho phe này chuyển vũ khí từ Iran sang. Thậm chí ông ta còn không thèm phân ưu với Hezbollah.

Cuộc xâm lăng Ukraine đè nặng lên ngân sách Nga

"Pháo đài" Vuhledar ở Donbass rốt cuộc đã lọt vào tay quân Nga hôm qua sau hai năm rưỡi chiến đấu kiên cường. Les Echos nhận thấy cái giá mà Nga phải trả cho việc "gặm nhấm" lãnh thổ Ukraine đang tăng lên. Một phần ba ngân sách Liên bang Nga năm 2025 – 13.500 tỉ rúp (130 tỉ euro theo hối suất hiện nay) – được dành cho chi tiêu quân sự, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả ngân sách cho cảnh sát, thì có đến 40% ngân sách được dành cho quốc phòng và an ninh, chưa kể những món chi "bí mật".

Dấu hiệu đáng chú ý khác là 1.300 tỉ rúp (13 tỉ euro) được dùng để "tái thiết" bốn vùng đất của Ukraine bị Nga chiếm đóng, cao gấp 6 lần số tiền để phát triển vùng Viễn Đông, vốn là ưu tiên trước chiến tranh. Chính quyền Nga dự định tăng thuế. Một đám mây đen khác là lạm phát, có thể đạt 20%. Theo kinh tế gia Thụy Điển Anders Aslund, Moskva chỉ có thể chịu đựng cuộc chiến tranh này trong một năm nữa mà thôi.

Tân thủ tướng Nhật Bản muốn một "NATO Châu Á"

Tại Châu Á, Le Monde quan tâm đến việc tân thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba muốn chỉnh đốn liên minh quân sự với Hoa Kỳ để tăng cường bảo vệ chủ quyền đảo quốc. Năm nay 67 tuổi, ông Ishiba có đến 40 năm kinh nghiệm chính trường. Bản thân từng là bộ trưởng quốc phòng, ông đã bổ nhiệm một cựu bộ trưởng bộ này, Takeshi Iwaya, làm ngoại trưởng ; và tướng Gen Nakatani nắm quốc phòng.

Thủ tướng Ishiba cho biết muốn Nhật Bản có chiến lược quân sự riêng và độc lập hơn trong vấn đề an ninh. Ông đi xa hơn người tiền nhiệm Fumio Kishida : hợp tác ở mức độ bộ chỉ huy với Hoa Kỳ và tăng 7% chi quốc phòng trong năm 2025, siết chặt quan hệ với các láng giềng đặc biệt là Hàn Quốc. Ông Ishiba nhận định : "Nếu thay Nga bằng Trung Quốc và Ukraine bằng Đài Loan, do không có hệ thống tương tự như NATO ở Châu Á, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, không hề có nghĩa vụ hỗ tương quốc phòng". 

Thế nên tân thủ tướng Nhật kêu gọi thành lập một liên minh khu vực, phiên bản Châu Á của NATO, trong thời gian đầu là sự phối hợp giữa liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn. Ông phải đối phó với tình hình căng thẳng trong khu vực : Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn, Nga xâm nhập không phận Nhật Bản, nạn bài Nhật ở Trung Quốc... cùng với tính chất bất định của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dù người đắc cử là Kamala Harris hay Donald Trump, sự thù địch giữa Bắc Kinh và Washington vẫn kéo dài, gây phức tạp cho môi trường an ninh của Nhật Bản.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế