Phía sau cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung
Hoa Kỳ - Trung Quốc tuyên chiến thương mại, cựu tổng thống Brazil Lula trước ngưỡng của nhà tù, Hungary bầu cử Quốc hội trong không khí bài ngoại, các trường đại học Pháp trở thành con tin của phong trào xã hội ... là những chủ đề chính của các báo Pháp ra ngày 06/04/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước khi ký bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ công nghệ, Washington ngày 22/03/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Trang kinh tế nhật báo Le Monde tập trung vào chủ đề đang được cả thế giới theo dõi trong những ngày qua đó là cuộc đấu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, dù vẫn chỉ mới ở giai đoạn dạo đầu với mà thông báo đánh thuế cao vào hàng hóa của hai bên.
Đặt vấn đề "Thương mại : Tại sao Trump gây sự với Trung Quốc", nhật báo Le Monde cố gắng cho thấy đằng sau thông báo áp thuế cao vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, Hoa Kỳ đang theo đuổi một mục tiêu khác đó là hạn chế mất cắp công nghệ.
Cuộc đọ sức thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục leo thang từng ngày khiến thế giới tài chính, doanh nghiệp không khỏi sửng sốt và lo ngại. Le Monde tự hỏi : "Liệu đây có phải là một trận đấu vật biểu diễn cách mà tổng thống Mỹ Donald Trump rất mê, hay đó là sự hỗn loạn không tránh được ? Không ai trả lời được câu hỏi này trong khi mà chưa có một hàng rào thuế quan nào có hiệu lực".
Nhưng theo ông Trump, chính Trung Quốc mới là kẻ xâm lược. Hôm thứ Tư (04/04) vừa rồi, tổng thống Mỹ tung lên twitter những dòng bình luận : "Chúng ta không chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Cuộc chiến này đã thất bại cách đây nhiều năm bởi những người đại diện cho nước Mỹ hoặc là mất trí hoặc bất tài. Chúng ta đã bị thâm hụt thương mại 500 tỷ đô la, thêm vào đó mà 300 tỷ vì sở hữu trí tuệ bị đánh cắp. Chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn".
Dòng twitter này phản ánh phần nào mục tiêu gây chiến của tổng thống Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên nhiều câu hỏi được đặt ra : Ông Trump hy vọng gì vào các mức thuế hải quan áp cho hàng Trung Quốc ? Trump có hy vọng gây thiệt hại cho Trung Quốc ? Câu trả lời là có nhưng kết quả không nhiều, thậm chí còn gây tác động thiệt hại trở lại đối với các công ty Mỹ vẫn phải nhập thiết bị Trung Quốc để sản xuất tại nước Mỹ.
Mục tiêu của Mỹ là đưa Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán. Điều này có lẽ đã diễn ra trong hậu trường rồi. Nhưng Trung Quốc cứ tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và Washington không thể thắng được hoàn toàn.
Câu hỏi cuối cùng được đặt ra liên quan đến cáo buộc đánh cắp công nghệ. Le Monde nhận định : "Trận chiến này Mỹ đã thua chăng ? Các nước phương Tây từ 1/4 thế kỷ qua vẫn chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất trên đất Trung Quốc. Họ không có sự lựa chọn nào khác. Một khi hàng đã sản xuất trên một đất nước thì người ta mất sự kiểm soát công nghệ là điều tất yếu".
Hoa Kỳ hy vọng các quy định ngặt nghèo trong việc thành lập liên doanh ở Trung Quốc phải được nới lỏng, nhưng đối tác của họ không cùng quan điểm trên vấn đề này.
Tóm lại theo Le Monde, bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross đã phát biểu khi thông báo các biện pháp trừng phạt hàng Trung Quốc : "Thuế áp cho nhôm thép là hiện tại, quyền sở hữu trí tuệ là tương lai". Thực chất của cuộc đấu thương mại này là : Mỹ không chịu được ý tưởng cho rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc, sau thế kỷ 20 đã là thế kỷ của Mỹ, tờ báo kết luận.
Thần tượng Lula bị tống giam
Chuyển qua đất nước Nam Mỹ, Brazil với thời sự nóng liên quan đến số phận của cựu tổng thống Lula.
Cánh cửa nhà tù có thể sẽ khép lại cuộc sống và sự nghiệp chính trị của ông Lula khi Tòa án tối cao Brazil đã bác bỏ đề nghị được tại ngoại của cựu tổng thống Brazil. Mặc dù ông Lula chưa thi hành ngay phán quyết của tòa án nhưng ông đang ở rất gần cánh cửa nhà tù. Hầu hết các báo pháp đều không bỏ qua sự kiện này. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa bài viết : "Trận động đất chính trị ở Brazil".
Phóng viên của Les Echos ghi nhận, quyết định của Tòa Án Tối Cao được đưa ra giữa đêm qua đã gây phản ứng khác nhau. Đảng Người Lao Động của cựu tổng thống khẳng định "Hiến pháp Brazil đã bị xé nát bởi chính những người bảo vệ nó".
Những người ủng hộ cựu tổng thống còn đề nghị làm một hàng rào người ngăn không để ông Lula không bị bắt giam. Trong khi đó những người chống Lula thì cho rằng quyết định trên là một thông điệp cho thấy không ai có thể là ngoại lệ được miễn trừ nếu phạm tội.
Còn báo Le Figaro thì ghi nhận sự kiện bằng hàng tựa "Lula tới nhà tù, sự sụp đổ một thần tượng".
Tờ báo nhắc lại : Khi rời khỏi quyền lực ngày 01 tháng Giêng 2011, Luis Inaco Lula da Silva ở trên đỉnh cao của tín nhiệm. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, 8 trên 10 người Brazil vẫn ủng hộ vị cựu tổng thống xuất thân từ một thợ tiện bình dân. Theo họ ông là người đã làm rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội Brazil, đem lại sự tăng trưởng chắc chắn cho đất nước, khẳng định vị thế vai trò của Brazil trên trường quốc tế.
Thế nhưng chỉ 8 năm 3 tháng sau, cựu tổng thống cánh tả, 72 tuổi đang trên đường hướng tới nhà giam để thi hành bản án 12 năm tù vì tội tham nhũng và rửa tiền. Sau một cuộc chiến pháp lý liên miên, Tòa án tối cao đã bác bỏ quyền tại ngoại của ông Lula trong khi chờ đợi kháng án.
Theo Le Figaro, "đây là đòn định mệnh đối với nhân vật đã 5 lần ra tranh cử tổng thống và đang nhắm tới nhiệm kỳ thứ 3 trong cuộc bầu cử vào tháng 10 năm nay mà hiện ông luôn là ứng viên có nhiều triển vọng thắng cử".
Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération nhận định về sự kiện : "Khúc tưởng niệm cho Lula chăng ? Không gì có thể nói trước được (….) Dù điều gì xảy đến, chắc chắn ông vẫn có sức nặng với cuộc bầu cử bởi vì Lula vẫn còn sự ủng hộ vô điều kiện của một bộ phận lớn giới trí thức và ông vẫn là nhà vô địch của tầng lớp bình dân, ở Brazil người ta vẫn coi tư tưởng của Lula gần như là một tôn giáo".
Hungary : Bầu cử Quốc hội trong không khí bài ngoại chống Châu Âu
Trở lại khu vực Châu Âu, nhiều tờ báo chính đều hướng chú ý tới đất nước Hungary, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào ngày Chủ nhật tới.
Mới gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng dưới thời của thủ tướng Viktor Orban, Hungary trở thành một thành viên ngỗ nghịch của gia đình Liên Âu. Đất nước Hungary đang sống trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng cầm quyền với màu sắc nổi bật chống Liên Hiệp Châu Âu và bài ngoại. Le Monde có bài viết : Châu Âu tận thế dưới cái nhìn của "Truyền hình-Orban".
Le Monde cho hay, các chương trình truyền hình dưới sự kiểm soát của chính phủ Viktor Orban, những ngày qua liên tục tuyên truyền mô tả các nước Tây Âu nhưng là những nơi chỉ có máu và lửa. Một thế giới trong đó người da trắng trở thành thiểu số, bị loại ra ngoài để dành chỗ cho người nhập cư, một thế giới mà "ở đó người ta không thể đi tàu điện ngầm giữa ban ngày mà không bị tấn công bằng dao" hay ở đó "người ta có thể bị hãm hiếp mà cảnh sát không can thiệp"…
Theo Le Monde, từ khi lên nắm quyền 2010, thủ tướng cực bảo thủ và chính phủ của ông dần dần kiểm soát một phần lớn truyền thông của đất nước. Giữa chiến dịch vận động tranh cử lập pháp nhằm giúp ông Orban tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp này, các kênh truyền hình thân chính phủ lại rộ lên chiến dịch thông tin bài ngoại bóp méo sự thật ở Châu Âu nhằm kích động tâm lý chống Châu Âu, đề cao vai trò của ông Orban với chủ trương dân tộc cực đoan.
Pháp : Phong trào phản kháng đe dọa các trường đại học
Trở lại với trang nhất báo Le Figaro. "Trường đại học : Các sinh viên con tin của những "người phong tỏa"", tờ báo đề tựa.
Trong làn sóng phản đối các chủ trương cải cách của chính phủ Pháp, sau những nhân viên đường sắt, đến lượt các sinh viên phong tỏa trường học. Cho dù đó không phải tất cả nhưng là một bộ phận trong số họ. Việc phong tỏa trường học diễn ra hiện ở mức độ hạn hẹp nhưng đang đe dọa các kỳ thi cuối năm học và gây lo ngại cho các giới chức đại học.
Phong trào đang có nguy cơ lan rộng với những khẩu hiệu kêu gọi bạo lực. Các trường đại học có nguy cơ bị biến thành chiến lũy chống chính phủ. Những sinh viên tham gia vào phong trào phản kháng có xu hướng hành động cực đoan, muốn làm một cuộc "cách mạng".
Anh Vũ