Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Chiến dịch quân y của Nga tại Ý và các ý đồ chính trị

Chiến lược đối phó của Pháp và Châu Âu chống dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chiếm lĩnh trang nhất các báo ra ngày 30/03/2020.

nga1

Quân nhân Nga chuyển thiết bị y tế lên máy bay để chở viện trợ đến Ý, giúp chóng dịch Covid-19. Ảnh chụp tại một phi trường quân sự vùng Moskva (Nga) ngày 22/03/2020. © via Reuters - Russian Defence Ministry

Le Monde, Le Figaro và Libération cùng chú ý đến các thách thức đang chờ đợi chính phủ Pháp, Les Echos thì quan tâm đến đối sách kinh tế của Châu Âu, trong lúc La Croix mang đến một tia hy vọng với lời chứng của một số người đã lành bệnh. Trong toàn cảnh đó, Le Figaro đặc biệt lo lắng trước "Nghị trình được che giấu của Nga tại Ý", tựa của bài báo trên trang quốc tế.

Le Figaro ghi nhận là cùng với Trung Quốc, Nga là nước đầu tiên đã đáp ứng lời cầu cứu của Ý, đang bị đại dịch Covid-19 tàn hại. Bộ Quốc phòng Nga đã quảng cáo và tuyên truyền rầm rộ cho việc dùng máy bay vận tải quân sự chở sang Ý tám đoàn y tế và một trăm quân nhân bổ sung để tham gia chống dịch. Các nhà vi trùng học, các chuyên gia về chiến tranh sinh học, các loại thiết bị và phòng thí nghiệm khử trùng của Nga sẽ "giúp Ý giành chiến thắng" trong cuộc chiến chống Covid-19.

Theo Le Figaro, nếu thủ tướng Ý Giuseppe Conte hết sức hoan nghênh động thái của Nga, thì một phần dư luận Ý không che giấu lo ngại. Trích dẫn các nguồn tin chính trị, nhật báo Ý La Stampa cho rằng "80% viện trợ của Nga là vô ích". Đối với tờ báo, lý do giúp Ý chống dịch "rõ ràng chỉ là một cái cớ ... Sự hào phóng có một các giá cao: Lính Nga đã được di chuyển tự do trên lãnh thổ Ý, chỉ cách các căn cứ của NATO vài bước".

"Một mũi tên tẩm độc vào thân xác già nua của Liên Âu"

Đối với Le Figaro, khi tung một lực lượng quân y hùng hậu sang Ý để giúp nước này chống dịch Covid-19, Moskva đã "bắn một mũi tên tẩm thuốc độc vào thân xác già nua của Liên Hiệp Châu Âu".

Theo tờ báo Pháp, việc Nga gởi quân trợ giúp Ý chống covid-19 có nhiều lợi ích đối với điện Kremlin. Một mặt nâng cao hình ảnh của chính sách ngoại giao Nga, thường khi chỉ dựa vào sức mạnh, đồng thời đánh vào chính sách trừng phạt Nga của Châu Âu. Từ năm 2014, Ý là nước luôn chủ trương bãi bỏ cấm vận đối với Nga. Mắt xích yếu của Châu Âu giờ đây lại mang một mối nợ đối với Nga.

Theo Le Figaro, khi đặt dấu giầy đinh của quân đội lên đất Ý, Nga có thể tìm cách đặt đầu cầu sang Libya, nơi mà họ đang hỗ trợ cho thống chế ly khai Haftar và muốn áp đặt một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại đây.

Moskva cũng ghi được một điểm trong cuộc đọ sức với NATO. Trên đài truyền hình nhà nước Rossiya 1, nhà báo Olga Skabeyeva, đã không lầm khi hoan nghênh công cuộc trợ giúp của Nga: "Các đội quân gởi đi để chống Covid-19 đã đến trung tâm của Châu Âu, di chuyển dọc theo binh lính của NATO".

Nga muốn chứng tỏ rằng EU và NATO là khái niệm trừu tượng

Theo một nhà ngoại giao Pháp được Le Figaro trích dẫn : "Mục tiêu của Nga vẫn là chứng minh rằng Liên Hiệp Châu Âu và NATO là những khái niệm trừu tượng viễn vông chứ không phải là những thực tế". Tại Moskva, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova không bỏ lỡ dịp nào để nhấn manh trên sự bất lực của Liên Hiệp Châu Âu trong việc chống dịch Covid-19.

Tuyên truyền của Nga càng dễ dàng được Ý chấp nhận vào lúc nước này cảm nhận mình bị các đồng minh Châu Âu bỏ rơi. Điều đó đã xẩy ra trong vấn đề di dân nhập cư. Và việc một số quốc gia, Đức, Áo, Hà Lan, từ chối một giải pháp liên đới chung để giúp các quốc gia gặp khó khăn nhất, càng làm tăng thêm sự hoài nghi đối với Châu Âu.

Trung Quốc và chiến dịch tỏ lòng "hào phóng"

Ngoài Nga, ý đồ của Trung Quốc trong việc giúp Ý nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung chống dịch Covid-19 cũng được Le Figaro vạch trần trong bài "Bắc Kinh lao vào một cuộc phản công "hào phóng".

Theo ghi nhận của Le Figaro, trong những ngày qua, từ Milano ở Ý cho đến Tehran ở Iran, hay ở Châu Phi, nơi nào cũng thấy các đạo quân áo trắng của Trung Quốc bay tới để giúp đỡ cư dân tại chỗ đang bị Covid-19 đe dọa.

Chỉ vài tuần sau khi dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán, ở trung tâm của đất nước Trung Quốc, nền kinh tế thế giới thứ hai đã bật dậy trở lại trên mặt trận y tế, trở thành nhà cung cấp viện trợ cho hơn 80 quốc gia, kèm theo một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ.

Ngoài 300 nhân viên y tế ở Ý, một phòng thí nghiệm để phát hiện virus corona ở Iraq, một triệu khẩu trang cho Pháp hoặc các bộ xét nghiệm cho Philippines, Bắc Kinh còn tài trợ 20 triệu đô la viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như cấp thêm ngân sách cho Liên Hiệp Châu Phi.

Theo Le Figaro, chế độ cộng sản Trung Quốc đã nhìn thấy trong đại dịch Covid-19 một cơ hội để lấn lướt trên bình diện địa chính trị, phô trương hình ảnh của mình trong tư thế một cường quốc có trách nhiệm. đối nghịch với một Hoa Kỳ của chính quyền Donald Trump, vốn chủ trương "Nước Mỹ trên hết".

Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc, theo Le Figaro, là quảng bá cho một mô hình độc đoán nhưng hiệu quả, đối kháng với mô hình dân chủ phương Tây, điều từng được tái khẳng định tại Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc vào mùa thu vừa qua tại Bắc Kinh.

Châu Âu kín đáo giúp Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả một cách ồn ào

Vị trí quan trọng của Trung Quốc hiện nay trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là tại Pháp, đã được Le Monde nêu trong hàng tựa lớn trang nhất: "600 triệu khẩu trang mua từ Trung Quốc". Tờ báo ghi nhận là để bổ sung kho dự trữ gần như là đã cạn kiệt của mình, chính quyền Pháp đã thiết lập gần như là một cầu không vận nối liền nước Pháp với Trung Quốc.

Vấn đề được Le Monde nêu bật tuy nhiên là việc Trung Quốc không ngần ngại lợi dụng lúc nước Pháp và Châu Âu gặp khó khăn để tuyên truyền.

Tờ báo Pháp tiết lộ : Khi Trung Quốc gặp khủng hoảng nặng nề vì virus corona, Bruxelles và Pháp đã chi viện cho Bắc Kinh 56 tấn vật tư thiết bị y tế, từ trang bị bảo hộ y tế, khẩu trang, thuốc sát trùng. Châu Âu đã giúp đỡ một cách lịch sự kín đáo để Trung Quốc không bị mất mặt.

Ngày nay, khi giúp đỡ lại Châu Âu, thì thái độ của Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn, rầm rộ tuyên truyền về công lao của họ. Một nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp cay đắng nhận xét : "Bắc Kinh muốn phô trương uy lực của họ, tự nhận là đã vượt qua khủng hoảng và đánh bại được con virus đến mức có thể ra tay giúp đỡ toàn thế giới, với đối tượng trước mắt là Châu Âu. Chúng ta phải chịu vì đang cần đến những chiếc khẩu trang này".

Theo nguồn tin trên, sau khi tai qua nạn khỏi, cần phải xử lý một vấn đề chung hơn là thoát khỏi tình trạng phụ thuộc kinh tế, như trong vấn đề dược phẩm chẳng hạn, làm thế nào để có thể tự mình sản xuất và phân phối.

Khẩu trang nhập từ Trung Quốc : nguy cơ Pháp bị lệ thuộc

Vấn đề Pháp phải nhập khẩu trang của Trung Quốc cũng được báo Le Figaro chú ý với một nhận định bi quan : Pháp sẽ bi lệ thuộc vào hàng của Trung Quốc trong thời gian tới.

Le Figaro thẩm định : Do mức sản xuất 8 triệu khẩu trang mỗi tuần hiện nay không đủ đủ đáp ứng nhu cầu, nhà nước Pháp đã phải đặt mua hơn 1 tỷ khẩu trang ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Trên giấy tờ, "thương vụ" sẽ đáp ứng phần lớn vấn đề thiếu hụt khẩu trang mà Pháp phải chịu ngay từ đầu dịch. Tình hình khẩn trương vì mức tiêu thụ vượt quá khả năng sản xuất nội địa. Nhân viên y tế sử dụng 40 triệu khẩu trang mỗi tuần trong lúc mà các nhà sản xuất Pháp chỉ cung cấp được có 8 triệu.

Với việc từ gần hai tháng nay, các nhà máy sản xuất khẩu trang của Trung Quốc đã dần dần mở cửa lại, sản xuất tăng vọt trở lại, việc đặt mua hàng Trung Quốc là điều tất yếu.

Rủi ro hàng giả, hàng dỏm, hàng bị trưng dụng

Vấn đề tuy nhiên không phải là không có rủi ro. Một số nguyên liệu như dây thun vẫn rất khó tìm và việc cung cấp đã bị chậm lại. Đó là chưa kể đến vấn đề hàng giả, hàng làm ẩu đã ghi nhận trong mấy tuần qua, trong lúc mà thị trường căng thẳng thu hút những nhà thầu hoặc nhà nhập khẩu tham lam vô lương tâm.

Thương mại với Trung Quốc, theo Le Figaro, cũng không phải là một dòng sông êm ả. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã công nhận là khi nào mà máy bay chưa đáp xuống sân bay Pháp thì chưa nên reo mừng. Hơn nữa nhu cầu nội địa của Trung Quốc cũng còn rất to lớn : Cần đến 500 triệu khẩu trang mỗi ngày để trang bị cho cán bộ nhân viên khi các nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại.

Đó là chưa kể đến tình trạng tranh mua. Bộ trưởng Y tế Pháp đã nêu bật "một cuộc chạy đua toàn cầu về khẩu trang" vì "không nước nào đáp ứng được nhu cầu của mình".

Trong bối cảnh này một số người trong ngành đang tự hỏi là liệu đơn đặt hàng 1 tỷ khẩu trang của Pháp có được giao đầy đủ và kịp thời hay không.

"Chiến lược của chính phủ Pháp trải qua thử thách"

Như nói ở trên, Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính để phân tích các thách thức đặt ra cho chiến lược chống dịch của chính phủ Pháp.

Theo tờ báo, các thách thức này bao trùm mọi lãnh vực : từ việc gia tăng gấp bội số lượng giường bệnh trong các phòng hồi sức, mở rộng việc xét nghiệm virus corona, cho đến việc cung cấp đầy đủ khẩu trang nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, nhanh chóng tìm ra thuốc trị liệu, và chăm sóc người già trong các viện dưỡng lão.

Le Figaro ghi nhận là đối mặt với hàng loạt chỉ trích, thủ tướng Pháp đã đích thân lên tiếng làm rõ hành động của chính phủ và nêu chi tiết các quyết định sắp tới, đồng thời nhấn mạnh rằng 15 ngày đầu tiên của tháng Tư sẽ rất "gian nan".

"Virus corona : Trắc nghiệm khả năng chịu sốc"

Về đối sách chống Covid-19, đồng nghiệp của Le Figaro Libération cũng cho rằng "Con virus corona là bài trắc nghiệm khả năng chịu sốc" của nước Pháp.

Theo tờ báo thiên tả Pháp, bị chỉ trích về các thiếu sót trong vấn đề xét nghiệm tìm virus, chính phủ Pháp đang cố gắng bù đắp khoảng thời gian chậm trễ. Điều an ủi, theo Libération, là ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha hoặc Vương quốc Anh, những tranh cãi tương tự cũng đã xuất hiện.

Đối lập với tình trạng lúng túng ở các nước nói trên, Libération nhấn mạnh rằng ở Hàn Quốc và ở Đức, vấn đề thiếu xét nghiệm không hề được đặt ra và hai nước này đã có được một chính sách y tế hiệu quả.

Câu chuyện về nhưng ca Covid-19 được chữa lành

Trong bối cảnh đầy âu lo do dịch Covid-19 gây ra, báo công giáo La Croix cố mang lại một vài tia hy vọng, kể lại "Những câu chuyện về người bệnh được chữa lành", tựa lớn trên trang nhất.

La Croix đã tìm gặp bốn cựu bệnh nhân Covid-19 tại Pháp, cư ngụ ở những thành phố, thị xã khác nhau, để họ giải thích rõ hơn là họ đã được chữa khỏi như thế nào.

Những bệnh nhân ở Beauvais (tỉnh Oise, phía Bắc Paris), Montpellier (miền Nam), Chambéry (miền Đông Nam) hay Bastia (đảo Corse) được La Croix phỏng vấn là những người đầu tiên bị nhiễm bệnh Covid-19 tại Pháp và phải nhập viện. Hiện nay, họ đang trên đà lành bệnh và đã được cho về nhà dưỡng bệnh.

Châu Âu và trận chiến về ngân sách

Sau cùng, đúng theo địa hạt chuyên môn của mình, nhật báo Les Echos tiếp tục khai thác khía cạnh kinh tế mà dịch Covid-19 đặt ra. Tựa lớn trang nhất tờ báo nêu bật: "Châu Âu : trận chiến ngân sách".

Nhận định chung của tờ báo là tất cả các quốc gia đều đang có phản ứng ồ ạt và nhanh chóng nhằm khắc phụ tác hại kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các biện pháp đưa ra đều nhắm vào những mục tiêu cụ thể, có điều là còn thiếu phối hợp, đồng thời lại tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện của riêng từng nước.

Một ví dụ rõ nét về tình trạng này là sự chia rẽ giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu về việc phát hành trái phiếu Châu Âu "coronabonds".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế