Tổng thống Trump ban sắc lệnh cấm đầu tư vào các công ty có dính líu tới quân đội Trung Quốc
VOA, 14/11/2020
Chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Năm ban hành một sắc lệnh hành pháp, cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc mà Washington xác định là thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc, tăng sức ép đối với Bắc Kinh sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trụ sở của China Telecom ở Bắc Kinh. China Telecom là một trong các công ty sẽ bị tác động bởi sắc lệnh của Tổng thống Trump ký ngày 12/11/2020, cấm đầu tư Mỹ vào các công ty dính líu tới quân đội TQ. Ảnh chụp ngày 11/8/2020. Reuters/Tingshu Wang/File Photo
Reuters là hãng tin đầu tiên tường trình về sắc lệnh có thể tác động tới một số công ty lớn nhất Trung Quốc đã lên sàn chứng khoán, kể cả China Telecom, China Mobile và công ty sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.
Động thái này làđể cấm cản các công ty đầu tư của Mỹ, các quỹ hưu trí và các công ty khác của Mỹ, mua cổ phần của 31 công ty Trung Quốc màđầu năm nay bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn.
Sắc lệnh mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
"Trung Quốc đang tăng cường khai thác vốn tư bản Mỹđể phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và các cơ quan an ninh khác của Trung Quốc", lệnh do Tòa Bạch Ốc ban hành nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời tức thời yêu cầu bình luận của Reuters.
Công ty China Telecom nói công ty này dự kiến sắc lệnh của Mỹ sẽ tác động tới giá cổ phần của công ty, vốn đã giảm 7,8% trên thị trường Hong Kong vào cuối ngày giao dịch thứ Sáu 13/11.
Một công ty viễn thông khác, China Unicorn Hong Kong Ltd, nói trong các công ty bị tác động bởi sắc lệnh mới có công ty mẹ của họ, là China United Network Communications Group Co Ltd.
Cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc, ông Peter Navarro, nói với các phóng viên trong một cuộc điện đàm :
"Đây là một sắc lệnh có tính bao quát được thiết kếđể chặn nguồn vốn tư bản Mỹđầu tư vào các hoạt động quân sự hóa Trung Quốc".
Sắc lệnh này là sáng kiến về chính sách quan trọng đầu tiên của Tổng thống Donald Trump từ khi ông bịđối thủ bên Đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại trong cuộc bầu cử ngày 3//11. Ông Trump đã ra dấu hiệu cho thấy ông sẽ tận dụng những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông để tấn công Trung Quốc, dù rằng ông có vẻ như tập trung mọi nỗ lực vào việc thách thức kết quả bầu cử.
Ông Biden chưa vạch ra một chiến lược đối với Trung Quốc nhưng tất cả mọi chỉ dấu đều cho thấy ông Biden sẽ tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh.
Minh Anh, RFI, 13/11/2020
Trong khuôn khổ chiến lược cản trở đà đi lên thành siêu cường của Trung Quốc, ngày 12/11/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các hãng, công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này. Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản đối.
Theo AFP, sắc lệnh của nguyên thủ quốc gia Mỹ nêu rõ lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 11/01/2021, tức 9 ngày trước khi ông chính thức rời Nhà Trắng, nhường quyền lãnh đạo cho tổng thống tân cử Joe Biden. Vẫn theo văn bản này, những công dân Mỹ nào có phần hùn và các lợi ích tài chính khác trong số 31 doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách bị cấm có thời hạn đến tháng 11/2021 để sang nhượng cổ phần.
Trong sắc lệnh, tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc "ngày càng lợi dụng đầu tư của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa các hoạt động quân sự, các cơ quan tình báo và nhiều hệ thống an ninh khác, cho phép nước này trực tiếp đe dọa" đến Mỹ và đội quân của Mỹ đồn trú ở nước ngoài.
Vẫn theo chủ nhân Nhà Trắng, tiền của công dân Mỹ đầu tư trong những doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen" của Mỹ, cho phép Bắc Kinh cải tiến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tiến hành cuộc chiến tin tặc "chống lại nước Mỹ và người dân Mỹ".
Bắc Kinh hôm nay, 13/11/2020, đã có phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Washington "lạm dụng quyền hạn Nhà nước để tấn công một cách vô cớ các doanh nghiệp Trung Quốc".
AFP nhắc lại, các doanh nghiệp Trung Quốc bị Tư pháp Mỹ nhắm đến là những công ty nhà nước và tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực hàng không, vận tải hàng hải, xây dựng, viễn thông và nhất là các ngành công nghệ mới.
Minh Anh
***********************
Anh Vũ, RFI, 13/11/2020
Theo AFP, hôm 12/11/2020, Trung Quốc khẳng định việc bãi nhiệm bốn nghị sĩ ủng hộ dân chủ của Hồng Kông là "phương thuốc tốt" cho đặc khu hành chính, đồng thời cho rằng đó không phải là công việc của chính phủ các nước khác.
Ngày 11/11/2020, tại Hội Đồng Lập Pháp ( LegCo) của Hồng Kông, bốn nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã bị bãi nhiệm theo chỉ đạo của Bắc Kinh. Toàn bộ 15 nghị sĩ đối lập ngay lập tức đồng loạt từ nhiệm để phản đối quyết định trên.
Liên quan đến sự kiện vừa xảy ra, cơ quan đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại Hồng Kông, hôm qua đã ra thông cáo đánh giá quyết định loại các nghị sĩ đối lập ra khỏi cơ quan lập pháp địa phương "là liều thuốc tốt, mở ra một chương mới bảo đảm cho hành pháp Hồng Kông vận hành tốt" và để bảo đảm cho "Hồng Kông được tự trị tốt hơn".
Quyết định bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập Hồng Kông đã gây phản đối gay gắt từ nhiều nước như Anh, Canada và Liên Hiệp Châu Âu, coi đó là bằng chứng các quyền tự do dân chủ tại Hồng Kông đang bị xói mòn nghiêm trọng.
Trong thông cáo ngoại giao nêu trên, Bắc Kinh cũng phản bác chỉ trích của các nước, cói đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông, cũng như của Trung Quốc.
Mới đây, để đáp lại việc áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, Luân Đôn đã ra luật cho phép cấp hộ chiếu hải ngoại cho người Hồng Kông và giảm nhẹ các điều kiện nhập cảnh với người dân vùng đất thuộc địa cũ của Anh Quốc. Hành động này của Luân Đôn đã khiến Bắc Kinh bực tức.
Hiện tại, sau vụ bãi nhiệm và từ nhiệm của các nghị sĩ ủng hộ dân chủ, Nghị Viện Hồng Kông coi như không còn đối lập, chỉ còn 2 nghị sĩ không thuộc phe ủng hộ Bắc Kinh, nhưng cũng không đứng về phe dân chủ.
Anh Vũ
***********************
Tú Anh, RFI, 13/11/2020
Từ khi tổng thống Thái Anh Văn đắc cử nhiệm kỳ hai, phủ nhận quan điểm một nước Trung hoa duy nhất của Bắc Kinh, nguy cơ Đài Loan bị Trung Quốc tấn công ngày càng tăng. Trong bối cảnh căng thẳng đó, nhiều người dân Đài Loan e ngại bị mất một đồng minh vững chắc, tiếc rẻ Donald Trump ra đi đúng vào lúc hải đảo cần Washington hơn bao giờ hết.
Theo nhận định của AFP từ Đài Bắc, sự ra đi của Donald Trump có thể làm Đài Loan mất đi một đồng minh quý báu để đối đầu với Hoa Lục. Trong bốn năm qua, tổng thống thứ 45 của Mỹ, với chiến thuật khó lường, thường xuyên đặt Trung Quốc vào thế đối đầu gần như là trên mọi lãnh vực, từ hồ sơ thương mại cho đến y tế (virus corona), từ Hồng Kông cho đến Đài Loan.
Thái độ thách thức Trung Quốc và tăng cường quan hệ với Đài Bắc làm cho nhiều người dân hải đảo mến phục Donald Trump, vì trước đến nay chưa có lãnh đạo một cường quốc nào ủng hộ Đài Loan một cách kiên quyết như tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ.
Quan hệ Mỹ-Đài được thắt chặt với sự kiện khởi đầu vào năm 2016, khi tổng thống Thái Anh Văn gọi điện chúc mừng Donald Trump vừa đắc cử. Tiếp theo đó, tổng thống Mỹ lần lượt hơn 10 lần bật đèn xanh cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Đài Loan tổng cộng 18 tỷ đôla Mỹ, gần đây nhất là tên lửa diệt hạm và máy bay tự hành MQ-9 sát thủ "Reaper".
Mùa hè vừa qua, bộ trưởng Y Tế Mỹ đã đến Đài Loan. Đây là chuyến viếng thăm Đài Loan đầu tiên của một bộ trưởng Mỹ từ năm 1979, từ khi Mỹ đoạn giao với Đài Bắc để bang giao với Bắc Kinh.
Theo góc nhìn từ Đài Loan, với tổng thống Donald Trump, Washington ủng hộ Đài Bắc trên trường quốc tế, trong khi Bắc Kinh tìm cách chiêu dụ những nước còn bang giao với Đài Loan và tiếp tục ngăn chận hải đảo trở lại Tổ Chức Y Tế Thế Giới .
Thật ra về xã hội, những nỗ lực của Đài Loan về nữ quyền, về quyền của người đồng tính và chuyển giới đi theo xu hướng tự do không khác gì đảng Dân chủ của Joe Biden. Tổng thống Thái Anh Văn cũng nhanh chóng chúc mừng tổng thống tân cử của Mỹ.
Theo những nhà quan sát như Sung Wen Ti, Đại Học Quốc Gia Úc, khả năng tổng thống Đài Loan đàm đạo trực tiếp chia vui với Joe Biden sẽ khó xảy ra như với Donald Trump. Michael Mazza của American Enterprise Institute, khi được AFP đặt câu hỏi, cũng cho rằng mối ưu tư lớn nhất của Đài Loan là sợ Joe Biden sẽ "giữ khoảng cách" với Đài Bắc, để có thể "duy trì hợp tác với Bắc Kinh trên hồ sơ biến đổi khí hậu và hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân".
Trái lại, một số chuyên gia cho rằng tại Hoa Kỳ, có một sự đồng thuận cân bằng quan hệ với Bắc Kinh và Đài Bắc.
Trong bối cảnh Trung Quốc bị xem là mối đe dọa từ quân sự đến kinh tế, thời kỳ Mỹ tìm mọi cách để làm hài lòng Bắc Kinh đã qua rồi.
Donald Trump đã tiến khá xa trong quan hệ tay ba, theo nhận định của chuyên gia quốc phòng Đài Loan Su Tzu Yun : Hoa Kỳ đã xem Trung Quốc là thách thức quan trọng nhất tại Châu Á, đã thúc giục các nước đồng minh cùng hợp sức ngăn chận sức mạnh của Hoa Lục. Chính Joe Biden cũng gọi Tập Cận Bình là "côn đồ".
Nói cách khác, Đài Loan không nên sợ thiếu Donald Trump : Chính sách của Mỹ đối đầu với Trung Quốc sẽ không thay đổi, chuyên gia quốc phòng Đài Loan Su Tzu Yun kết luận.
Thụy My, RFI, 12/11/2020
Ngày 11/11/2020, Hoa Kỳ đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã "vi phạm một cách nghiêm trọng" quyền tự trị của Hồng Kông, khi tước quyền của bốn dân biểu thuộc phe dân chủ.
Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố : "Các hành động mới đây của Bắc Kinh nhằm loại bỏ các dân biểu ủng hộ dân chủ khỏi Nghị Viện Hồng Kông rõ ràng cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế".
Ông nói thêm, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "nhận diện và trừng phạt những người có trách nhiệm trong việc triệt tiêu tự do của Hồng Kông".
Về phần ngoại trưởng Anh Dominic Raab, ông nhấn mạnh, việc trục xuất bốn dân biểu là tấn công vào các quyền tự do của Hồng Kông đã được nêu trong Tuyên bố chung Anh-Trung, làm hoen ố tên tuổi Trung Quốc và ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của Hồng Kông.
Đức, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, cũng chỉ trích Trung Quốc muốn phá hoại đa nguyên và tự do ngôn luận, đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông như đã cam kết với quốc tế.
Hôm thứ Hai, Washington đã trừng phạt thêm bốn quan chức, trong đó có Lưu Tứ Huệ (Edwina Lau) phụ trách bộ phận an ninh của cảnh sát Hồng Kông và Lý Giang Chu (Li Jiangzhou), phó giám đốc văn phòng an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hồng Kông. Những người này bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản, nếu có, tại Hoa Kỳ.
Hôm qua, bốn dân biểu thuộc phe dân chủ đã bị bãi nhiệm, sau khi Bắc Kinh thông qua một nghị quyết cho phép chính quyền Hồng Kông tước quyền các dân biểu bị cho là đe dọa đến an ninh quốc gia. Ngay sau đó, toàn bộ các dân biểu ủng hộ dân chủ Hồng Kông loan báo từ chức.
Đây là đòn mới nhất đánh vào phe dân chủ, vốn đã bị tấn công liên tục từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông. Nhiều nhà đấu tranh bị bắt, số khác phải đi lưu vong.
Chuyên gia Jean-Philippe Beja nhận định trên RFI : "Các dân biểu dân chủ đã hành động đúng khi từ chối tham gia trò hề này, vì rõ ràng Bắc Kinh không còn chấp nhận bất kỳ một tiếng nói phản biện nào. Chính Bắc Kinh quyết định việc siết lại không chỉ chính quyền Hồng Kông, mà nay cả Nghị Viện, và cấm đoán mọi hình thức đối lập hợp pháp. Sự kiện này vô cùng trầm trọng. Trong những điều kiện như thế, đúng là phải tự hỏi sự hiện diện của đối lập liệu có ích lợi gì".
Thụy My
Đài Loan : Căn cứ địa mới của phong trào dân chủ Hồng Kông
Trọng Thành, RFI, 04/07/2020
Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật đầu tháng 7/2020 này. Giới bảo vệ nhân quyền, các nước phương Tây lên án nỗ lực bóp nghẹt hoàn toàn các quyền tự do căn bản ở đặc khu. Đúng vào ngày Bắc Kinh ra Luật, ngày 07/01/2020, chính quyền Đài Loan chính thức mở văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông.
Người ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông trên quảng trường Tự do (Liberty Square), Đài Bắc, ngày 13/06/2020. Reuters/Ann Wang
Phong trào đòi cải tổ ngành cảnh sát tại Mỹ lan rộng ; Hội nghị Công dân về Khí hậu của nước Pháp chính thức trình 149 kiến nghị lên tổng thống, sau hơn nửa năm làm việc ; ra mắt bộ phim tài liệu Pháp liên quan đến đại dịch Covid-19 : "Tổ chức Y tế Thế giới, nạn nhân của xung đột Mỹ - Trung".
Đài Loan : Cứ địa dân chủ cho người Hồng Kông
Sáng mùng 1/7/2020, đúng vào dịp kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được trao lại cho Hoa lục, Bắc Kinh ban bố Luật an ninh quốc gia, với những tội danh mơ hồ, cho phép chính quyền Trung Quốc trực tiếp theo dõi, bắt bớ, xét xử công dân Hồng Kông. Bắc Kinh chọn dịp này để tước đoạt hoàn toàn quyền tự trị của đặc khu, như thể để trả đũa hàng loạt thất bại đau đớn trong hơn một năm vừa qua, trước phong trào dân chủ Hồng Kông, từ luật dẫn độ sang Hoa lục bị hủy bỏ hồi tháng 9, sau hơn 3 tháng biểu tình ròng rã, cho đến thảm bại chưa từng có của phe thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019.
Đối với những người Hồng Kông yêu tự do, ngày 01/07/2020 là ngày báo tử của chế độ bán tự trị. Tuy nhiên, ngày 01/07/2020 cũng chính là ngày mà chính quyền Đài Loan chính thức mở cửa đón nhận người tị nạn chính trị Hồng Kông, chạy khỏi xứ sở nay đang trên đường trở thành một "nhà tù lớn", nơi mọi công dân đều là "các tù nhân dự bị".
Thông tín viên Adrien Simorre của RFI từ Đài Bắc gửi về bài phóng sự nói về "bước ngoặt" mùng 1/7/2020, khi chính quyền Đài Loan chính thức mở rộng vòng tay cho tất cả những người tranh đấu Hồng Kông :
"Tại một địa điểm ở phía nam thủ đô Đài Bắc, các bức tường của một quán cà phê nhỏ phủ kín áp phích ủng hộ Hồng Kông. Một nhóm người Hồng Kông sống tại Đài Loan tổ chức cuộc gặp mặt này.
Một sinh viên Hồng Kông trạc 20 tuổi, xin giấu tên, với mũ trùm kín đầu, khẩu trang che mặt, cho biết anh tham gia vào sự kiện này, bởi trong thời gian gần đây anh nhận thấy một số người dân Đài Loan lo ngại có thêm nhiều người Hồng Kông đến Đài Loan. Anh nói : "Tôi muốn cho họ thấy là những người đến từ Hồng Kông không chỉ muốn hội nhập vào xã hội Đài Loan, mà còn muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với người Đài Loan. Chúng ta có nhiều niềm tin chung, như vậy chúng ta cần giúp nhau".
Trong thời gian gần đây, kể từ các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật dẫn độ, số lượng giấy cư trú cấp cho người Hồng Kông tăng vọt. Việc Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông càng thúc đẩy xu thế di cư sang Đài Loan.
Xã hội dân sự và Đài Bắc đã giúp hàng trăm người biểu tình Hồng Kông tị nạn. Tuy nhiên, trước đây Đài Loan tỏ ra dè dặt, vì lo ngại các trả đũa từ phía chế độ cộng sản láng giềng. Ông Lin Jun-hong, phát ngôn viên của một nhóm trợ giúp pháp lý, gồm khoảng 30 luật sư tình nguyện, cho biết nhóm hỗ trợ những người Hồng Kông trực tiếp tham gia biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Quốc năm 2019, giúp họ định cư và bắt đầu một cuộc sống mới tại Đài Loan. Theo ông, cho đến nay, chính phủ quyết định cấp visa cho từng trường hợp một, và chưa có một quy chế thống nhất.
Chính phủ Đài Loan rút cục đã quyết định có chính sách rõ ràng. Hôm thứ Hai (29/01) vừa qua, Đài Loan chính thức mở cửa cho người Hồng Kông xin tị nạn vì lý do chính trị. Và kể từ thứ Tư này (01/07), chính quyền khai trương một văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông. Đối với dân biểu Đài Loan Freddy Lim, một nghệ sĩ rock nổi tiếng có mặt tại đây, và là người đứng đầu một nhóm nghị sĩ ủng hộ người Hồng Kông, thì luật mới về an ninh quốc gia của Trung Quốc đã thực sự là "một bước ngoặt", thúc đẩy các lực lượng chính trị tại Đài Loan đoàn kết lại, ủng hộ người tranh đấu Hồng Kông.
Bắc Kinh ngay lập tức lên án âm mưu của các phần tử đòi độc lập cho Hồng Kông và Đài Loan. Tổng thống Đài Loan cũng ngay tức khắc phản hồi. Bà Thái Anh Văn khẳng định, qua động thái vừa qua, "chính quyền Bắc Kinh đã chứng minh là công thức "một quốc gia, hai chế độ" không thể áp dụng cho Đài Loan".
Cuộc kháng cự pháp lý của giới luật sư Hồng Kông
Về tình hình tại Hồng Kông, Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh ban hành không tiêu diệt nền tư pháp có truyền thống tự trị của đặc khu ngay lập tức. Đây ít nhất cũng là hy vọng của một bộ phận giới luật sư. Hiện tại giới luật sư Hồng Kông tiếp tục cuộc kháng chiến pháp lý. Tối ngày 01/07/2020, tức gần một ngày sau khi Trung Quốc công bố Luật, Liên đoàn Luật sư Hồng Kông công bố bản phân tích sơ bộ.
Bản phân tích chỉ ra tính mâu thuẫn của bản thân Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh vừa ban hành : vừa tuyên bố dựa vào "Luật cơ bản", tức Hiến pháp của Hồng Kông, lại vừa chống lại nhiều nguyên tắc của chính Hiến pháp Hồng Kông. Các luật sư kêu gọi lãnh đạo đặc khu cam kết thực thi Luật an ninh quốc gia mới phù hợp với Hiến pháp.
Mỹ : Phong trào đòi chính quyền địa phương cắt giảm ngân sách cảnh sát
Tại Mỹ, phong trào tuần hành chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị sắc tộc trong những ngày gần đây ít thu hút người tham gia hơn. Những người phản kháng tìm kiếm các phương tiện khác. Tại New York, người biểu tình cắm trại trước Tòa thị chính thành phố hơn một tuần, vào đúng dịp chính quyền địa phương thảo luận về ngân sách mới để yêu cầu chuyển một phần ngân sách cảnh sát cho giáo dục, hay các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.
Phóng sự của thông tín viên Loubna Anaki, gửi về từ New York :
"Trên quảng trường lớn trải rộng trước cửa Tòa thị chính New York, hàng trăm người cắm trại ở đây 24 giờ trên 24 giờ, từ một tuần nay. Một tấm biểu ngữ khổng lồ mang dòng chữ "Chiếm lĩnh City Hall/Chiếm lĩnh Tòa thị chính".
Brandon West là một thành viên ban tổ chức. Anh nói : "Ở đây là khu vực chung của chúng tôi, với một cửa hàng thực phẩm. Ở chỗ kia là nơi ăn uống, và mọi người cắm trại trên các bãi cỏ".
Lấy cảm hứng từ phong trào Chiếm lĩnh phố Wall/Occupy Wall Street, hoạt động cắm trại mới này có mục tiêu gây áp lực đối với các lãnh đạo New York, nhằm tiến hành một cuộc cải cách lớn trong ngành cảnh sát của thành phố. Tòa thị chính sẽ phải bỏ phiếu vào hôm nay ngân sách mới. Những người biểu tình yêu cầu chi phí cho cảnh sát giảm đến mức tối đa, và tiền phải được đầu tư cho giáo dục và các cộng đồng.
Anh Brandon West nói : "Chúng tôi cố gắng mở ra nhiều mặt trận, để có thể đạt được nhiều thay đổi nhất có thể được, bởi các cuộc cải cách nhỏ và tiến hành chậm sẽ không có ý nghĩa gì".
Những người biểu tình cũng muốn đưa ra một thông điệp. Đó là nếu như các cuộc tập hợp trên đường phố thu hút ít người hơn, thì phong trào vẫn tiếp tục. Một thành viên nam cho biết thêm : ‘"Phong trào này là rất quan trọng bởi vì chúng tôi cố gắng kiểm soát thành phố để trao lại cho các công dân". Một phụ nữ bày tỏ : "Thực sự là phấn chấn khi thấy tất cả mọi người đang tập hợp ở đây. Thật tuyệt vời là họ đã cắm trụ được ở đây lâu đến như vậy. Tôi hy vọng sẽ phong trào sẽ tiếp tục".
Trong hiện tại, việc chiếm lĩnh quảng trường ở New York sẽ diễn ra cho đến khi Tòa thị chính thông qua ngân sách mới. Phong trào cũng có thể sẽ tiếp tục tại nhiều thành phố khác tại Mỹ".
Theo AFP, thành phố New York, đêm thứ Ba 30/06 qua sáng ngày 01/07 đã bỏ phiếu cắt giảm hơn một tỉ đô la cho ngành cảnh sát, trên tổng số 6 tỉ, để chuyển số tiền chênh lệch cho hoạt động vì cộng đồng. Thị trưởng New York cũng tuyên bố ngừng tuyển mộ hơn 1.100 cảnh sát, dự kiến vào tháng 7.
Trước phong trào phản kháng bùng lên sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd, dưới tay cảnh sát, hồi cuối tháng 5, bản thân tổng thống Donald Trump thoạt tiên tỏ ra coi nhẹ, đã phải có một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát, để xoa dịu công luận. Cái chết của George Floyd dấy lên một phong trào xã hội, ngay trong mùa đại dịch, rộng lớn chưa từng thấy kể từ phong trào vì các quyền dân sự những năm 1960 tại Hoa Kỳ.
Phim tài liệu : WHO trong cuộc chiến Mỹ - Trung
Thế giới trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hiện nay gần như không tuần nào, thậm chí ít ngày mà không nghe thấy cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguy cơ đại dịch vượt tầm kiểm soát, cùng với lời hô hào các nước nỗ lực gấp bội. Tuy nhiên, những phát biểu dồn dập trên truyền thông dường như che phủ sự bất lực, lúng túng của một định chế quốc tế, mà nhiều người cho rằng đã bị Trung Quốc thao túng hoàn toàn này.
Cuối tháng 6/2020, truyền hình Pháp công bố bộ phim tài liệu "Chine-USA, la bataille de l'OMS" (Trung - Mỹ, trận chiến WHO) của đạo diễn Pierre Haski, tìm cách lý giải các cội rễ của cuộc khủng hoảng, phức tạp hơn nhiều so với cách suy luận thông thường, quy trách nhiệm nhất loạt cho hẳn một bên.
Bộ phim "Chine-USA, bataille de l’OMS" - giới thiệu nhiều tiếng nói của các chuyên gia y tế, giới chức Liên Hiệp Quốc, nhà chính trị - duyệt xét lại lịch sử từ khi WHO ra đời năm 1948, vai trò và những điểm yếu của WHO. Một trong những điểm khiến định chế y tế quốc tế này "bị mắc kẹt là do thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc" hiện nay, theo nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những bất lực của WHO không có gì lạ. Định chế này bị suy yếu một phần do mức ảnh hưởng lớn của Trung Quốc trong nội bộ ban điều hành của WHO. Nguyên tắc đồng thuận khiến WHO bị tê liệt đúng vào lúc cần phải có những phản ứng kịp thời trước đại dịch Covid-19 đáng sợ, khủng hoảng hiếm có mà WHO phải đương đầu trong lịch sử.
Tuy nhiên, điều quan trọng mà bộ phim chỉ ra là : cuộc khủng hoảng của WHO là "biểu hiện của chính tình trạng hỗn loạn của thế giới hiện nay, hơn là nguyên nhân của nó". Tình trạng hỗn loạn diễn ra vào lúc mà cơ chế hợp tác đa phương, giúp cho thế giới ổn định trong một thời gian dài, "đang lâm nguy". Thế giới đang ngày càng bị kẹt trong thế đối đầu giữa một bên là chế độ toàn trị dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, và bên kia là chủ nghĩa dân tộc "nước Mỹ trên hết" của Donald Trump, cùng những người đồng tư tưởng.
Nhà Trung Quốc học François Godement cảnh báo : tình cảnh của WHO hiện nay cho thấy "sự chấm dứt của sự thống trị phương Tây đối với một định chế kỹ thuật quan trọng của Liên Hiệp Quốc". Thách thức số một hiện nay là, theo như tổng thống Pháp, "việc Trung Quốc - khi tham gia vào trật tự quốc tế này - sẽ tự thay đổi để thích ứng với các giá trị phổ quát, hay Bắc Kinh sẽ làm biến đổi chính cái trật tự này". Châu Âu có vai trò gì trong cuộc chuyển biến lớn này ?
Phim, đã chiếu trên kênh Arte ngày 30/06, có thể truy cập trên mạng trên trang nhà của Arte.
Pháp : Hội nghị Công dân vì Khí hậu trình 149 "đề xuất" lên tổng thống
Vẫn tại Pháp, Hội nghị Công dân vì Khí hậu, gồm 150 công dân, sau 8 tháng làm việc, vừa trình toàn bộ các kiến nghị lên tổng thống Emmanuel Macron vào cuối tháng 6. Điểm đặc biệt được công luận chú ý là tổng thống Pháp đã chọn ngày thứ Hai, 29/06, làm ngày công bố quan điểm của tổng thống về 149 đề xuất của Hội nghị. 29/06 là hôm sau ngày bỏ phiếu vòng hai bầu cử địa phương, với kết quả là đảng cầm quyền đại bại, đảng Xanh thắng thế tại nhiều thành phố lớn. Xu thế ủng hộ các giá trị môi trường dường như đang gia tăng trong xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid và nước Pháp hơn hai tháng sống trong phong tỏa.
Ông Hugues Oliviers, một nhà nhiếp ảnh, từ Touraine, giải thích về Hội nghị Công dân vì Khí hậu : "Chúng tôi không phải là các giáo chủ về môi trường hay biến đổi khí hậu. Hoàn toàn không phải như vậy ! Chúng tôi chỉ là những công dân Pháp bình thường, qua rút thăm ngẫu nhiên mà tham gia vào Hội nghị Công dân này. Chúng tôi đã làm việc, bây giờ, chúng tôi công bố kết quả công việc. Chúng tôi đã được soi sáng bởi nhiều chuyên gia, các nhà hoạt động kinh tế, tài chính, hay các nhà khoa học. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề, chúng tôi thảo luận với nhau, và quyết định chọn ra những việc cần làm để giảm lượng khí thải 40%, trước năm 2030".
Ông Oliviers giải thích thêm về ý nghĩa của các đề xuất : "Trên thực tế, toàn bộ xã hội sẽ chịu sự tác động của các đề xuất của chúng tôi. Điều cần có là từ thượng đỉnh của bộ máy Nhà nước, mục tiêu chuyển sang xã hội tôn trọng môi trường phải trở thành động lực của chính trị, trở thành động lực của hành động. Bởi nếu không, xã hội chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt. Nền kinh tế phải phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, thoát khỏi các năng lượng hóa thạch".
Về tính khả thi của các đề xuất về mặt kinh tế, ông Benoît Leguet, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế về Khí hậu, cho biết : "Chúng tôi đã thử tính toán chi phí thực hiện các biện pháp do hội nghị các công dân đề xuất. Tổng cộng, các biện pháp này đòi hỏi 6 tỉ euro chi phí công hàng năm. Bỏ ra 6 tỉ euro, nhưng thu lại được rất nhiều lợi ích, do việc giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí v.v., cũng như tạo thêm được nhiều chỗ làm mới. Tóm lại những cái giá phải trả là rất thấp. Đây không phải là một dự án khổng lồ, như kiểu kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu, mà một dự án can thiệp rất cụ thể, mang tính trọng điểm rất rõ ràng. Bây giờ đến lúc cần bắt tay vào việc thực thi thôi".
Cho dù tổng thống chấp nhận 146 trên 149 đề xuất, để chuyển qua chính phủ, Quốc Hội hoặc tổ chức trưng cầu dân ý, 150 thành viên Hội nghị Công dân vì Khí hậu chưa cảm thấy hoàn thành phận sự. Họ đã lập ra một hiệp hội mang tên "les 150", để theo dõi các diễn biến tiếp theo, cũng như tiếp tục vận động để các đề xuất được thực thi.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 04/07/2020
Biển Đông : Các nước nhỏ có thể buộc Bắc Kinh phải dè chừng (RFI, 30/12/2019)
Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà, với "ưu thế quân sự áp đảo" tại khu vực và sức mạnh kinh tế đang lên. Các quốc gia láng giềng, bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, đang rơi vào thế bất lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, các nước nhỏ vẫn có phương tiện buộc Bắc Kinh phải dè chừng. Trên đây là nhận định của một cựu chỉ huy Hải Quân Nhật Bản, phó đô đốc Yoji Koda.
Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via Reuters
Trong bài "Japan’s Options in the South China Sea" đăng tải trên mạng The Diplomat, ngày 09/12/2019, hai tuần trước chuyến công du của thủ tướng Nhật đến Trung Quốc, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định cho dù Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về quân sự tại Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực, vẫn có nhiều dư địa để hóa giải thách thức Trung Quốc tại vùng biển này.
Một điểm then chốt mà bài viết lưu ý là các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa quy mô đang trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với tất cả các lực lượng khác tại Biển Đông. Đặc biệt kể từ năm 2015, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các sân bay lớn trên đảo Phú Lâm (Woody island) ở quần đảo Hoàng Sa, và ba đảo nhân tạo khác ở quần đảo Trường Sa. Quân đội Trung Quốc đã triển khai các phi cơ tiêm kích J-11 và oanh tạc cơ H-6K tại đảo Phú Lâm, và các phương tiện này cũng có thể sớm được triển khai tại ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Subi (SubiReef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef).
Trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình quân sự kiên cố, và triển khai nhiều phương tiện và vũ khí hiện đại như radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, pháo, các phương tiện chiến tranh điện tử. Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự tại Biển Đông đúng vào khoảng thời gian đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này bị một tòa án quốc tế bác bỏ (năm 2016, với vụ kiện của Philippines).
Tuy nhiên, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định các hòn đảo được quân sự hóa nói trên hoàn toàn không phải là những pháo đài bất khả xâm phạm. Tại khu vực Biển Đông, Quân Đội Trung Quốc cũng hoàn toàn không phải một "siêu nhân" (superman), vì nhiều lý do. Tác giả đặc biệt lưu ý đến chiến lược "vô hiệu hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc" là biện pháp cần được ưu tiên.
Ông Yoji Koda nêu "bài học đau đớn" của nước Nhật đế quốc trong thời gian Thế Chiến Hai. Mọi căn cứ trên các hòn đảo xa hậu phương tại khu vực Thái Bình Dương của Nhật đều không thể trụ lại trước các cuộc tấn công của Hải Quân và lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật ví các hòn đảo xa hậu phương mà Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông chỉ như "những khúc củi khô", khi chiến sự nổ ra.
Trong hiện tại, ở Biển Đông, Quân Đội Mỹ vẫn có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn các thách thức của Quân Đội Trung Quốc, tuy nhiên, các nước láng giềng ven bờ bị Trung Quốc chèn ép, đặc biệt là Việt Nam và Phiippines, có thể buộc Bắc Kinh phải trả giá rất lớn trong việc tìm cách đối phó với các đe dọa, hoặc nhắm trực tiếp vào các hòn đảo xa xôi ở quần đảo Trường Sa, hoặc nhắm vào nguồn cung cấp hậu cầu cho các đảo nhân tạo này.
Lợi thế của Việt Nam là bờ biển nằm sát đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Lợi thế của đảo lớn Palawan của Philippines là nằm sát quần đảo Trường Sa. Chỉ cần Việt Nam và Philippines bố trí các tên lửa trên đất liền đúng vị trí, với tầm bắn đủ để trúng vào các đảo nhân tạo, thì cục diện của cuộc chơi đã thay đổi. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ chẳng khác nào "một đàn ếch tuyệt vọng trước một con rắn lớn", theo ví von của tác giả bài viết.
Riêng đối với Việt Nam, còn có một chiến lược khác, để buộc Trung Quốc phải lo sợ. Đó là sử dụng sáu tầu ngầm lớp Kilo để cô lập đảo Phú Lâm, được coi là thủ phủ của Trung Quốc tại Biển Đông (hòn đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền). Trong trường hợp này, khả năng tiếp tế của Trung Quốc cho các đảo Trường Sa sẽ trở nên hết sức khó khăn. Các biện pháp được miêu tả nói trên có thể là tương đối không đáng kể, thế nhưng chúng sẽ buộc Quân Đội Trung Quốc phải tăng cường nỗ lực và cái giá phải trả sẽ vượt quá các nguồn lực hiện có.
Tác giả cũng cảnh báo là cần phải hết sức chú ý các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng tình hình quốc tế đang sôi sục với nhiều điểm nóng, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Bắc Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân hay phong trào phản kháng Hồng Kông, để âm thầm thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này.
Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khép lại bài viết với nhận định là Hoa Kỳ và Nhật Bản đương nhiên sẽ phải có các biện pháp kiên quyết với Trung Quốc, thế nhưng cục diện ở Biển Đông cũng đồng thời phụ thuộc nhiều vào các quốc gia trong vùng. Với chiến lược kể trên liên quan đến các đảo nhân tạo Trung Quốc kiểm soát, các nước nhỏ có thể trở thành một sức mạnh đáng sợ buộc một đại cường phải dè chừng.
Trọng Thành
***************
Đài Loan : Bắc Kinh càng cứng rắn, Thái Anh Văn càng hy vọng tái đắc cử (RFI, 30/12/2019)
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa đến ngày 11 tháng Giêng 2020, Đài Loan bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Ứng viên, tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn, cái gai trong mắt Bắc Kinh tiếp tục dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, bỏ xa đối thủ thuộc Quốc Dân Đảng, chủ trương xích lại gần với Hoa Lục. Cơ hội tái đắc cử dường như đang mở rộng với ứng viên có lập trường dứt khoát bảo vệ độc lập hòn đảo, sẵn sàng đương đầu với mọi đe dọa từ Bắc Kinh.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại lễ mừng Quốc Khánh Đài Loan ở Đài Bắc (Đài Loan), ngày 10/10/2019. Reuters/Eason Lam/File Photo
Cách đây một năm, trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã bị thất bại nặng nề trước đối lập Quốc Dân Đảng. Cuộc cải cách hưu trí và thừa nhận hôn nhân đồng tính đã làm tỷ lệ được lòng dân của Thái Anh Văn sụt giảm xuống mức kỷ lục, từ 70% còn 30%. Không mấy ai nghĩ rằng bà tổng thống có thể tái đắc cử nhiệm kỳ mới.
Thế nhưng tình thế ở cuộc bầu cử tổng thống này đang đảo chiều nhanh chóng. Chính khủng hoảng Hồng Kông, bùng lên từ bàn tay can thiệp thao túng ngày càng sâu của Bắc Kinh và chính sách cứng rắn quyết tâm thu hồi Đài Loan của Trung Quốc đã giúp bà Thái Anh Văn lấy lại uy tín trong dân Đài Loan.
Liên tiếp trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ứng viên Thái Anh Văn luôn giữ được 40% đến 50% ý định bỏ phiếu, trong khi đối thủ Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng chưa bao giờ vượt quá 30% phiếu bầu.
Đề tài xuyên suốt của chiến dịch tranh cử tổng thống Đài Loan lần này là quan hệ với Bắc Kinh. Như đã thấy, từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức ép với hòn đảo Đài Loan. Giới quan sát nhận định chính sách cứng rắn với Đài Loan của Tập Cận Bình như là viên đạn tự bắn vào chân mình. Ngày 2 tháng Giêng năm nay lãnh đạo Trung Quốc đã có bài diễn văn dành cho "các đồng bào" của mình ở Đài Loan, nhưng với giọng điệu đầy hăm dọa khi tuyên bố sẽ phải thống nhất Đài Loan với Trung Quốc, không đợi đến thế hệ sau và không loại trừ việc dùng vũ lực để làm việc đó. Theo ông Tập Cận Bình, tương lai của Đài Loan sẽ phải là chấp nhận nguyên tắc "một đất nước hai chế độ", giống như trường hợp của Macao và Hồng Kông.
Hiểu được giá trị của thể chế dân chủ đang có và bài học nhãn tiền khủng hoảng Hồng Kông, người dân Đài Loan không thể chấp nhận được viễn cảnh mà Bắc Kinh vẽ ra.
Cho dù bà Thái Anh văn chưa thể tuyên bố độc lập chính thức cho hòn đảo, nhưng bà vẫn đấu tranh để Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của Đài Loan. Trong một mít tinh tranh cử bà đã tuyên bố : "Trung Quốc phải đối mặt với thực tế tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) và không được phủ nhận hệ thống dân chủ mà người dân Đài Loan đã cùng nhau xây dựng". Từ sau tuyên bố đó, uy tín của ứng viên Thái Anh Văn tăng lên không ngừng.
Theo nhà nghiên cứu chính trị, Đại học Quốc gia Đài Loan, Vương Nghiệp Lập (Wang Yeh Lih), ở Đài Loan, "tâm lý chống Trung Quốc đã trở thành một nhân tố chủ chốt trong các cuộc thăm dò dư luận" vì thế mà khẩu hiệu gây được tiếng vang nhất của bà tổng thống trong tranh cử là "kháng cự lại Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan".
Chuyên gia Vương Nghiệp Lập giải thích : "Phe của bà Thái gắn cho ông Hàn cái mác ứng viên thân Bắc Kinh và thuyết phục cử tri rằng những gì xảy ra hôm nay ở Hồng Kông có thể diễn ra ở Đài Loan ngày mai". Thực tế là người Đài Loan quan sát tình hình Hồng Kông trong nhiều tháng qua với nhiều ái ngại. Họ không thể không suy ngẫm đến chiếc bẫy "một đất nước hai chế độ".
Trong khi đó, ứng viên của Quốc Dân Đảng đưa ra lựa chọn giữa "Hòa bình và khủng hoảng" với Trung Quốc, coi chủ trương xích lại với Bắc Kinh là vì "an ninh cho Đài Loan và giàu có cho người dân". Ông cũng ủng hộ người biểu tình Hồng Kông từ chối nguyên tắc "một đất nước hai chế độ" cho Đài Loan. Nhưng cử tri Đài Loan hẳn vẫn còn nhớ vòng công du Hồng Kông, Macao rồi qua Hoa Lục hồi đầu năm nay của ứng viên Quốc Dân Đảng.
Đối với ứng cử viên Quốc Dân Đảng, chứng minh những số liệu thăm dò dư luận là sai dường như là nhiệm vụ khó khăn. Từ nay đến ngày 11 tháng Giêng có thể có những đột biến xảy ra với các ứng cử viên. Có điều chắc chắn yếu tố Trung Quốc là nỗi ám ảnh của cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan lần này.
Anh Vũ
********************
Ứng viên Tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi không để "Đài Loan là Hồng Kông thứ 2" (RFI, 30/12/2019)
Đài Loan, hòn đảo độc lập với 24 triệu dân luôn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và đe dọa sẽ lấy lại bằng vũ lực, chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử tổng thống ngày 11 tháng Giêng tới. Vấn đề quan hệ với Trung Quốc là tâm điểm của cuộc vận động tranh cử. Hôm qua 29/12/2017, đã diễn cuộc tranh luận trên truyền hình cuối cùng giữa hai ứng viên trước khi cử tri đi bỏ phiếu.
Thái Anh Văn, Tống Sở Du, và Hàn Quốc Du : 3 ứng cử viên tổng thống Đài Loan gặp nhau nhân cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên ngày 18/12/2019. The Central Election Commission/Pool via Reuters
Mối đe dọa từ Trung Quốc lại nổi lên là chủ đề lớn trong tranh luận giữa ứng viên tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn và ứng viên Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng.
Thông tín viên RFI tại Đài Bắc Adrien Simorre cho biết thêm chi tiết :
Làm sao bảo vệ được Đài loan trước áp lực của Trung Quốc ? Câu hỏi này một lần nữa đã được hai ứng cử viên chính của cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tranh cãi gay gắt.
Ngay khi mở đầu phần phát biểu của mình, ứng viên của Quốc Dân Đảng Hàn Quốc Du đã tấn công vào lập trường ly khai của lãnh đạo đương nhiệm Đài Loan. Bằng phong cách rất kịch, ông tự giới thiệu mình như là người bảo vệ duy nhất Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan từ khi thành lập năm 1949.
Đối mặt với ông, bà tổng thống mãn nhiệm đã nhắc lại quan điểm chống lại nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất như Bắc Kinh vẫn đòi hỏi. Bà nói : "Chúng ta sẽ không để Đài loan trở thành Hồng Kông thứ hai" và kêu gọi người Đài Loan hãy bảo vệ hệ thống dân chủ của mình qua lá phiếu.
Cần nói thêm về các cuộc thăm dò dư luận, cử tri dường như đã quyết ủng hộ bà tổng thống với lập trường bảo vệ toàn vẹn chủ quyền. Theo những số liệu mới nhất, tổng thống mãn nhiệm đang bỏ xa ứng viên của Quốc Dân Đảng.
Anh Vũ
********************
Financial Times : Hoàng Chi Phong, một trong 50 người làm nên thập kỷ (RFI, 29/12/2019)
Trong danh sách "50 nhân vật đã định hình thập kỷ" được nhật báo uy tín Financial Times của Anh chọn lựa và công bố trong dịp cuối năm 2019, có lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).
Hoàng Chi Phong, nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi sau khi bị bắt vì tổ chức biểu tình tại Hồng Kông ngày 30/08/2019. Đây cũng là một trong những bức ảnh tiêu biểu của năm 2019 được Reuters chọn. Reuters/Tyrone Siu
Tên của nhà hoạt động chính trị Hoàng Chi Phong được nêu ra bên cạnh các nhà lãnh đạo thế giới như Donald Trump, Tập Cận Bình, Emmanuel Macron, Vladimir Putin, Barack Obama… Trong mục "chính trị" còn có Mohamed Bouazizi, người bán hàng rong tự thiêu năm 2010 làm bùng nổ Mùa Xuân Ả Rập ; giải Nobel hòa bình trẻ tuổi Malala Yousafzai, nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden…
Về kinh tế và công nghệ có các tỉ phú Bernard Arnaud (Pháp), nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos (Mỹ), Mã Vân, Nhậm Chính Phi (Trung Quốc)…
Tờ báo nhận định, thập niên thứ nhì của thế kỷ 21 bắt đầu với những biện pháp khắc khổ nhằm đối phó với việc tăng trưởng đang chậm lại, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và kết thúc với các chính phủ dân túy, các chế độ độc tài trên thế giới.
"Năm mươi nhân vật đã định hình thập kỷ" được Financial Times chọn lựa phản ánh diễn tiến này, với những chính khách cách mạng, các nhà lãnh đạo nhiều ảnh hưởng trong lãnh vực ngân hàng, kỹ nghệ ; các nhân vật nổi bật về văn hóa, truyền thông, thể thao. Sự thống trị của máy tính và điện thoại thông minh trong cuộc sống hiện nay, giải thích cho sự hiện diện của các khuôn mặt tiêu biểu về công nghệ.
Thụy My
**************
Người Hồng Kông phản đối khách Hoa lục gom hàng, biểu tình tiếp diễn (RFI, 29/12/2019)
Hôm nay 29/12/2019, hơn 1.000 người tập hợp trong một công viên ở khu phố tài chính Hồng Kông dưới cơn mưa tầm tã, hô những khẩu hiệu đòi dân chủ. Reuters cho biết đám đông cả già lẫn trẻ đều mặc trang phục màu đen, đeo khẩu trang che mặt, che những chiếc dù đã trở thành biểu tượng, bày tỏ quyết tâm đấu tranh không ngơi nghỉ.
Người đi sắm đồ từ Hoa lục chạy trốn người biểu tình ở trung tâm thương mại trong khu Thượng Thủy ngày 28/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson
Tối qua, cảnh sát lại ập vào một trung tâm thương mại gần biên giới Hoa lục, có ít nhất 15 người bị bắt giữ. Người biểu tình đòi dân chủ muốn tố cáo khách du lịch từ Trung Quốc sang gom hàng vì ở Hồng Kông giá rẻ hơn và bảo đảm chất lượng hơn.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :
Rõ ràng những người khách từ Hoa lục là đích nhắm của hình thức phản kháng mới được gọi là "shopping". Những lời kêu gọi trên các ứng dụng tin nhắn mã hóa đề nghị người đấu tranh dân chủ "đi mua sắm" tại nhà ga Thượng Thủy (Sheung Shui). Đây là trạm xe điện ngầm cuối cùng của Hồng Kông trước khi đến Thâm Quyến, thành phố đóng vai trò tủ kính trưng bày cho chủ nghĩa tư bản đỏ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vào lúc 15 giờ, trên cầu vượt dành cho người đi bộ dẫn đến trung tâm thương mại Land Mark North bên cạnh, những người phản kháng cố gắng ngăn trở hành khách. Một số tung những cú đá vào các túi xách, những tiếng kêu la, những chiếc va li được kéo chạy hỗn loạn cầu cứu, và theo South China Morning Post, có một người đàn ông đã bị thương.
"Quay về Hoa lục !", "Về Trung Quốc mà mua sắm !". Những người biểu tình hô to những câu như vậy, cùng với các khẩu hiệu của phong trào chống chính quyền Hồng Kông đã kéo dài gần bảy tháng.
Đến 16 giờ, đa số các cửa hiệu đã đóng cửa, một số khách hàng vẫn còn ở lại bên trong. Cảnh sát chống bạo động đến can thiệp, bắn hơi cay vào giữa những cửa hàng. Lực lượng cảnh sát tiến hành những vụ bắt người đôi khi rất thô bạo, những hình ảnh này được phổ biến trên các mạng xã hội hôm nay, Chủ nhật, làm tăng thêm oán hận đối với cảnh sát. Từ đầu tuần đến nay, đã có hơn 350 người bị bắt giữ.
Thụy My