Thụy My, RFI, 06/07/2022
Giờ đây soái hạm Moskva đã nằm im dưới đáy Hắc Hải, và đảo Zmiinyi - tên Ukraine của đảo Rắn - lại thuộc về Kiev, nỗi nhục nhân đôi cho Moskva.
Ảnh vệ tinh cho thấy khói bay lên từ đảo Rắn của Ukraine, ngày 29/06/2022. via Reuters - PLANET LABS PBC
Le Figaro cho biết tối thứ Hai 04/07, vào khoảng 23 giờ, đảo Rắn lại khoác lên màu cờ xanh vàng của Ukraine sau nhiều tháng bị oanh tạc và chiếm đóng. Một chiếc trực thăng đã mang lá cờ đến, trang trọng như một nguyên thủ. Nhưng lá quốc kỳ hiện vẫn đơn độc "trong khi chờ đợi các chiến sĩ Ukraine quay lại" - theo phát ngôn viên quân đội Ukraine.
Không ai biết được bao giờ những người lính Ukraine mới có thể trở lại với hòn đảo nhỏ bé nằm cách vùng duyên hải 50 km ngoài khơi Odessa. Việc này rất nguy hiểm : pháo binh Nga sẽ bắn phá, chưa kể đến mìn bẫy gài lại.
Nhà phân tích Nick Daviduk nhận định, không nhất thiết phải đưa quân sang vì với các hỏa tiễn tầm xa của phương Tây, Kiev có thể bảo đảm rằng hòn đảo sẽ không bị Nga chiếm lại lần nữa. Điều quan trọng là đẩy bật quân Nga xa khỏi đảo Rắn, một chiến thắng vừa về mặt an ninh vừa mang tính biểu tượng. Hơn nữa, quân đội Ukraine không được trang bị để tấn công các tàu ngầm Nga ở Hắc Hải.
Hôm 30/06, sau một tuần lễ bị lực lượng Ukraine oanh tạc dữ dội vào đảo cũng như vào các đường tiếp tế, những lính Nga cuối cùng trên đảo Rắn đã phải tẩu thoát trong đêm đen, trên hai chiếc xuồng cao su. Tướng Nga Igor Konachenkov nói rằng "các mục tiêu định ra đã thực hiện xong", còn chính phủ Ukraine hoan nghênh "không còn một lính Nga nào trên đảo Rắn".
Việc chiếm được hòn đảo là một trong những chiến thắng đầu tiên của Nga khi bắt đầu cuộc xâm lăng. Một người lính Ukraine hiên ngang đáp trả yêu cầu đầu hàng từ soái hạm Moskva "Tàu Nga, hãy cút đi !". Câu nói này đã trở thành khẩu hiệu kháng chiến, có thể đọc được trên các áp-phích, pa-nô, hàng lưu niệm...và bưu điện còn phát hành cả tem kỷ niệm. Giờ đây soái hạm Moskva đã nằm im dưới đáy Hắc Hải, và đảo Zmiinyi, tên Ukraine của đảo Rắn, lại thuộc về Ukraine, nỗi nhục nhân đôi cho Moskva.
Sau nhiều lần gởi đặc nhiệm đến tái chiếm nhưng không thành công, chiến thắng này của Ukraine là nhờ vũ khí phương Tây được chuyển đến : hỏa tiễn chống hạm Harpoon, đại pháo Caesar của Pháp, giàn phóng rốc-kết Himars của Mỹ... Theo Nick Daviduk, đây là bằng chứng cụ thể cho thấy việc gởi vũ khí hạng nặng có tác động quyết định đến trận chiến. Và nếu Ukraine có đủ trang bị thì hoàn toàn có thể chiến thắng, vì các văn phòng tuyển quân tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu ứng tuyển.
Igor Delanoë, phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga cho biết quân Nga thậm chí còn triển khai hệ thống phòng không Tor và Pantsir S1, và theo nhà phân tích hải quân H. I. Sutton, một tướng Nga còn định đích thân đưa đến một hệ thống phòng không mới. Nhưng từ khi Ukraine có thể tấn công từ bờ biển, việc giữ cho được hòn đảo trở nên quá tốn kém. Tạp chí Forbes Ukraine tiết lộ Moskva đã phải chi ra ít nhất 915 triệu đô la thiết bị để giữ hòn đảo nhỏ này trong bốn tháng qua.
Chiếm đóng đảo Rắn là một phần trong kế hoạch phong tỏa Hắc Hải của Moskva, khiến Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc. Vì từ khi quân Nga chiếm thành phố cảng Mariupol hồi tháng Năm, đảo Rắn là điểm chiến lược duy nhất ngăn chận lối vào cảng Odessa. Để gỡ thể diện cho việc rút quân khỏi đảo, Moskva nói rằng đó là "cử chỉ thiện chí", "không phản đối việc Liên Hiệp Quốc tạo hành lang nhân đạo để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine". Nhưng trên thực tế, tàu hàng Ukraine vẫn có thể bị quân Nga tấn công ở Hắc Hải, và nguy hiểm từ 420 quả mìn trong khu vực. Dù sao đi nữa, việc tái chiếm đảo Rắn giúp nâng cao tinh thần binh sĩ Ukraine đang trong một cuộc chiến không cân sức ở miền đông.
Tương tự, Les Echos nhận thấy "Tại vùng Donbass, Ukraine trông cậy vào vũ khí phương Tây để đối phó với sự tấn công của Nga". Phóng viên chứng kiến một cuộc hẹn hôm qua tại một dòng suối ở cửa ngõ Sloviansk, thành phố 100.000 dân thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông. Bên rìa một cánh rừng thấp, một khẩu pháo Mỹ M777 được giấu dưới những cành cây. Vài phút sau, một quả đạn 155 ly được lắp vào, rối một sĩ quan bỗng xuất hiện từ chiến hào, ra lệnh trong bộ đàm. Tiếng nổ ầm vang, sáu quả đạn được liên tiếp bắn đi chỉ trong vài phút. Sau đó được biết một xe tăng Nga đã bị tiêu hủy. Một binh sĩ cho biết nhờ những vũ khí loại này Ukraine có thể giành chiến thắng, nhưng vấn đề là số lượng đạn pháo cần phải nhiều hơn.
Đại pháo M777 nặng hơn 4 tấn rất hữu ích, nhưng chưa tân tiến bằng đại bác tự hành Panzerhaubitze, tức PzH 2000, đang hoạt động gần Siversk. Hiện có 12 khẩu, 7 do Đức và 5 do Hà Lan cung cấp, đang bảo vệ thành phố nhỏ bé nằm giữa Bakhmut và thành phố Lyschansk - đã rơi vào tay quân Nga. Về phía Pháp cho biết sẽ gởi thêm đại pháo Caesar ngoài 12 khẩu đã được chuyển giao. Tuy những khẩu pháo tự hành này được lực lượng Ukraine đánh giá rất cao, nhưng đến quá chậm và số lượng quá ít. Theo Viện Kiel, một think tank Đức, tổng giá trị thiết bị quân sự do Pháp viện trợ chỉ có 162 triệu euro, so với 240 triệu euro của Estonia, 998 triệu của Anh và 1,7 tỉ euro của Ba Lan.
Cũng về quân sự, La Croix lưu ý "Với NATO, các dự án quốc phòng Bắc Âu tái xuất". Tiến trình phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, được chính thức khởi động hôm qua 05/07 hãy còn dài, nhưng từ nay không có gì ngăn trở việc thành lập một phi đội thống nhất ở Bắc Âu.
Đó là một giấc mơ xưa cũ. Ba tháng sau vụ đảo chánh Tiệp Khắc ngày 10/05/1948, Thụy Điển đề nghị với láng giềng lập ra một "Liên minh quốc phòng Bắc Âu" trung lập, đứng ngoài NATO. Hoa Kỳ không tin tưởng vào khả năng tự vệ của các nước này, làm mọi cách để ngăn trở. Rốt cuộc Thụy Điển, Na Uy chịu đứng về phía Mỹ, còn Phần Lan bị láng giềng Nga đe dọa, đã chọn ký hiệp ước hữu nghị với Moskva trong 10 năm.
Nhưng từ khi quân Nga xâm lăng Ukraine, việc kiểm soát bầu trời phương bắc trở nên quan trọng. Từ nay đến 2030, số phi cơ tiêm kích thế hệ thứ năm của ba nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy sẽ vượt qua Anh. Khi chọn lựa F-35 thay vì Rafale, các nước Bắc Âu muốn có được một hệ thống chiến đấu hỗ tương có thể kết nối với nhau, khiến nước Pháp cô đơn với tham vọng về một hệ thống quốc phòng Châu Âu.
Nhìn sang Châu Á, Le Monde chú ý đến sự kiện "Tiêu Kiến Hoa, ‘nhà băng của các thái tử đỏ’ được đưa ra xét xử tại Trung Quốc". Phiên tòa này diễn ra vào lúc sắp đến kỳ đại hội của đảng Cộng sản.
Làm giàu nhờ đầu tư vào tài chính và địa ốc, Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) được mệnh danh là "nhà băng của các thái tử đỏ" do các quan hệ với giới tinh hoa của đảng, trong đó có nhiều nhà cựu lãnh đạo và chị của Tập Cận Bình. Việc nhập quốc tịch Canada và cư trú tại Hồng Kông không đủ để bảo vệ ông : năm 2017, Tiêu Kiến Hoa bị bắt cóc đưa về Hoa lục đem về giam giữ tại một nơi bí mật suốt 5 năm qua.
Chính đại sứ quán Canada hôm qua đã tiết lộ về phiên xử hôm thứ Hai 04/07, nhưng không cho biết cụ thể địa điểm, nhìn nhận rằng các nhà ngoại giao Canada đã bị từ chối cho tham dự dù đã nhiều lần đưa ra yêu cầu. Theo Wall Street Journal, nhà tỉ phú có tài sản ước lượng 5,5 tỉ euro vào lúc "mất tích", bị cáo buộc "huy động vốn bất hợp pháp", và đế chế tài chính của ông đang bị chính quyền phá vỡ.
Vụ bắt cóc ông Tiêu ở Hồng Kông chứng tỏ Bắc Kinh rất quyết tâm, không cần quan tâm đến bề ngoài. Những hình ảnh từ camera của khách sạn năm sao Four Seasons, nơi Tiêu Kiến Hoa lưu trú từ nhiều năm qua, cho thấy một nhóm người xông vào phòng suite tối 26/01/2017 và ra khỏi vào tảng sáng, đẩy nhà tỉ phú trên xe lăn dù ông không hề tàn tật, đầu trùm một chiếc khăn. Vài hôm sau tập đoàn Tomorrrow Group của ông đăng thông cáo trên trang nhất Minh Báo nói rằng ông chủ "đang đi nghỉ ở nước ngoài". Vào lúc đó, sự kiện này đã gây chấn động lớn tại Hồng Kông, nhất là sau vụ bắt cóc nhiều chủ nhà xuất bản ở đặc khu.
Nếu những vụ "mất tích" kiểu này không phải là hiếm tại Trung Quốc, thì sự biến mất của Tiêu Kiến Hoa đặc biệt lâu, có thể do ông nắm giữ nhiều thông tin nhạy cảm. Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc của Trường nghiên cứu phương Đông và Châu Phi ở Luân Đôn bình luận : "Trên thực tế ông Tiêu đóng vai trung gian cho những người giàu có và quyền thế trong giới tinh hoa chính trị. Có nghĩa là ông chắc chắn biết được những bí mật đáng ngại của một số người trên thượng đỉnh quyền lực".
Là người thông minh, Tiêu Kiến Hoa vào trường đại học danh giá ở Bắc Kinh năm mới 14 tuổi, đến 17 tuổi ông lãnh đạo hiệp hội sinh viên Thanh Hoa. Nhưng khi nổ ra các cuộc biểu tình sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, ông đứng về phía chính quyền. Victor Shih, giáo sư đại học California ở San Diego cho biết chức chủ tịch hiệp hội sinh viên giúp Tiêu Kiến Hoa phát triển mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản, và sau đó tổ chức Đoàn có ảnh hưởng lớn trong nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào (2002-2012).
Rất ngưỡng mộ nhà đầu tư Mỹ Warren Buffett, Tiêu Kiến Hoa lao vào thị trường chứng khoán mới nổi ở Hoa lục vào đầu thập niên 90, giúp các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh huy động vốn. Ông lợi dụng việc tư nhân hóa một số lãnh vực từ than đá đến địa ốc, ngân hàng, bảo hiểm, và Tomorrow Group nắm phần vốn của khoảng 30 định chế tài chính Trung Quốc. Ông làm phong phú thêm tài sản của hai ủy viên Bộ Chính trị là Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin). Và trước khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012, ông Tiêu đã mua lại phần vốn của chị ông Tập trong một công ty.
Nhưng vị trí của Tiêu Kiến Hoa bắt đầu lung lay từ khi Tập Cận Bình "đả hổ, diệt ruồi" nhằm cải thiện hình ảnh của đảng đồng thời loại đi các địch thủ. Bị bắt cóc vào thời điểm đại hội đảng thứ 19 – đã hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ cho ông Tập, và nay ông Tiêu bị đem ra xử vào lúc chỉ còn vài tháng nữa đến đại hội đảng lần thứ 20 – sẽ giúp Tập Cận Bình tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba. Một lịch trình mà theo Victor Shih không hề ngẫu nhiên.
Nhà nghiên cứu cho rằng rất có ý nghĩa : Tiêu Kiến Hoa chủ yếu giúp các nhà lãnh đạo nhiệm kỳ trước rửa tiền. Đó là phe Đoàn Thanh niên Cộng sản của Hồ Cẩm Đào và phe Thượng Hải của Giang Trạch Dân, những thế lực duy nhất có thể chống lại các chính sách của Tập Cận Bình, thậm chí việc ông Tập duy trì quyền lực. "Ông Tiêu nắm giữ chiếc chìa khóa về sự tham nhũng của họ, và biết tiền được cất giấu ở đâu. Khi thẩm vấn Tiêu Kiến Hoa trong nhiều năm trời, Tập có thể thu thập một lượng lớn thông tin về khối tài sản của các đối thủ, một chiếc đòn bẩy rất hữu ích trong đại hội".
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hôm nay đúng 87 tuổi. Bắc Kinh muốn áp đặt người kế tục, nhưng giải Nobel Hòa bình 1989 chủ trương nhân vật này phải ở bên ngoài Tây Tạng, thậm chí có thể là một phụ nữ. La Croix cho biết cách đây hơn một chục năm một nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc đã thổ lộ : "Thời gian đứng về phía chúng tôi. Đại Lai Lạt Ma ngày càng già thêm, chúng tôi chỉ cần chờ đợi ông ấy chết và sau đó chọn lựa một Đạt Lai Lạt Ma thích hợp với mình".
Tờ báo nhắc lại, ngày 17/05/1995, theo đúng truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ định cậu bé Gedhun Choekyi Nyima, 6 tuổi làm hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma. Ba ngày sau, cậu bé Nyima bị Trung Quốc cộng sản bắt cóc và đến nay tất cả vẫn trong vòng bí mật. Bắc Kinh sau đó chỉ định Ban Thiền Lạt Ma của mình là Gyancain Norbu. Nhà Trung Quốc học Marie Holzman giải thích, Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn ý thức rằng một đại diện bị nhuộm đỏ có nghĩa là hồi kết của Tây Tạng. Bắc Kinh hủy diệt văn hóa vùng này nhằm tiêu diệt bản sắc của một dân tộc, và những trẻ em Tây Tạng hiện ở các trường nội trú, xa cha mẹ, thậm chí còn không biết đến sự hiện hữu của một Đạt Lai Lạt Ma.
Thụy My