Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn cả bóng đá : Cả một quốc gia đứng sau đội tuyển Pháp

Đội quân áo Lam - Les Bleus - ca khúc khải hoàn trở về trong tiếng hò reo vang trời của cổ động viên tiếp tục là chủ đề thời sự tràn ngập trang nhất các nhật báo ra ngày 17/07.

bongda1

Tổng thống Pháp Macron và phu nhân nâng Cúp vàng vô địch của đội tuyển Pháp với huấn luyện viên Didier Deschamps và thủ quân Lloris, điện Elysée, ngày 16/07/2018. Reuters/Philippe Wojazer

Nhật báo Le Monde dành 16 trang đặc biệt cho đội tuyển Pháp với hình ảnh cầu thủ trẻ Mbappé được chiếu trên tiền diện Khải Hoàn Môn. Trang trong là muôn mặt hình ảnh cổ động viên Pháp trong cơn bão chiến thắng, từ fanzone đến các quán bar-cà phê hay trong gia đình từ Paris đến Marseille, từ Lille đến Montpellier, từ Strasbourg đến Rennes, Nantes hay đảo Réunion. Tất cả đoàn kết, bỏ lại sau những bất đồng, chia rẽ, lo lắng vì dư âm các vụ khủng bố vẫn còn đó để xuống đường cổ vũ “Giấc mơ xanh”, theo hàng tựa của bài xã luận.

Trang nhất của Le Figaro nổi bật mầu xanh lơ của chiếc xe ca đưa “những nhà vô địch thế giới” trở về trên đại lộ Champs-Elysées, với hàng chữ ngắn gọn, nói lên tất cả : “Merci !”. Libération như chưa khỏi cơn mơ, đăng trên trang nhất hình ảnh cổ động viên trong làn khói xanh, trắng, đỏ, trên đại lộ Champs-Elysées với hàng tựa chơi chữ : “Kéo dài” (“La prolongation”, được sử dụng cho thời gian đá bù giờ).

Hơn cả chiến thắng… là một nền Cộng hòa

Với xã luận của Le Figaro, bóng đá, còn hơn cả một môn thể thao, đã giúp cho nước Pháp đi tìm “cái chúng ta tập thể” thay cho “cái tôi cá thể”. Phố phường trên khắp nước Pháp rợp mầu xanh, trắng, đỏ thể hiện tự hào dân tộc và cuộc phiêu lưu tập thể. Đằng sau mỗi trận đấu, một quốc gia bị chia rẽ, bị tổn thương, bỗng tìm lại mình. Tuy nhiên, bài xã luận tỏ ra bi quan, khi cho rằng điều kỳ diệu này chỉ tồn tại trong chốc lát căn cứ vào lịch sử gần đây.

“Kéo dài lòng nhiệt tình” là điều mà nhật báo La Croix hy vọng trên trang nhất. Kéo dài hơi thở chiến thắng mà đội tuyển áo Lam đã tạo ra để sự năng động tiếp tục lan tỏa trong xã hội.

“Kéo dài lòng yêu nước” của một nước Pháp pha trộn, nhiệt tình và đoàn kết, cũng là hy vọng được nhấn mạnh trong bài xã luận của Libération. “Chủ nghĩa tập thể” là một biểu tượng không thay đổi được gì to tát trong thực tế xã hội, nhưng đang tác động đến tinh thần, tâm tính và có thể một ngày nào đó là thái độ và cách hành xử.

Qua rồi thời kỳ phân biệt “đen-trắng-bơ” (black-blanc-beur), nhằm chỉ đến người Châu Phi, người Pháp gốc và người Pháp gốc Bắc Phi trong đội tuyển Pháp, mà hiện chỉ còn mầu “xanh-trắng-đỏ” (bleu-blanc-rouge) của quốc kỳ Pháp. Hết rồi những “người bản địa của nước Cộng hòa”, bị thu mình trong quan niệm nạn nhân, mà là những công dân Cộng hòa ở khắp nước Pháp. Đây cũng là lý do tại sao những cầu thủ của huấn luyện viên Didier Deschamps thường hô vang “Nền Cộng hòa muôn năm !”.

Chiến thắng của một đội tuyển thi đấu vì tập thể

Hình ảnh Griezmann, Pogba và Mbappé hài hước cùng chỉ vào “ngôi sao thứ hai” trên chiếc áo thi đấu của Griezman dưới trời mưa như trút nước ở Moskva có thể cho thấy hết sự ăn ý, hiểu rõ nhau và đoàn kết giữa các cầu thủ. Theo Le Monde, Pháp đang có “một đội tuyển trẻ chinh chiến và có kỷ luật”. Nhưng quan trọng hơn cả là huấn luyện Didier Deschamps đã biết cách dẫn dắt một đội tuyển trẻ, tài năng, nhưng thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế thành một cỗ máy chiến thắng thực sự.

Ông thừa nhận “đôi khi tôi cũng cứng rắn, nhưng đó là vì muốn điều tốt cho họ. Quản lý, tâm lý đều nằm trong nghề của tôi. Chúng tôi đã sống cùng nhau trong suốt 55 ngày và không có bất kỳ vấn đề nhỏ nào xảy ra”. Huấn luyện viên Deschamps khẳng định sẽ thực hiện hết hợp đồng đến kỳ Euro 2020. Ông tự tin là “dàn cầu thủ của mình sẽ mạnh hơn trong hai hoặc bốn năm nữa”.

Vẫn theo Le Monde, với chiến thắng lần thứ hai của đội tuyển áo Lam, “Pháp đã trở thành quốc gia của bóng đá” theo cách riêng của mình. Dù nếu không phải là những fan cuồng nhiệt của bóng đá, nhưng cuộc phiêu lưu của Griezmann, Mbappé hay Lloris đã giúp đồng nghiệp, gia đình, bạn bè xích lại gần nhau hơn, bên cốc bia, ly rượu hay một bữa thịt nướng.

Riêng tổng thống Pháp đã dần dần tăng thêm điểm tín nhiệm. Ông không ngại tạo dáng “dab” khi chụp hình cùng Benjamin Mendy và Paul Pogba. Le Figaro nhận định “Canh bài của Emmanuel Macron đã thành công”. Nếu khán giả là cầu thủ thứ 12 trên sân, thì nguyên thủ Pháp, bằng từng bước tính thận trọng, đã có được một chỗ đứng, như huấn luyện viên thứ hai, trong đội tuyển áo Lam.

Trump không tin Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã hội đàm với nhau trong hơn hai giờ tại Helsinki, chỉ với hai phiên dịch. La Croix cho biết nhiều chủ đề quan trọng đã được nêu trong buổi nói chuyện : giải trừ vũ khí hạt nhân và vũ khí quy ước, cuộc xung đột ở Syria, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Le Monde nêu lên “những nhập nhằng của Trump trước Putin”. Thứ nhất, nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, hiện do công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra, được tổng thống Mỹ đề cập trong thượng đỉnh. Đây là hồ sơ luôn bị ông Trump lên án là “trống rỗng”, là cuộc “truy bắt phù thủy”. Tiếp theo phải kể đến những dự án bất động sản của tập đoàn Trump tại Moskva hiện vẫn chưa đi đến cụ thể hoặc ông Trump từng hy vọng tổng thống Nga xuất hiện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Moskva năm 2013, trong đó gia đình Trump có cổ phiếu trong công ty tổ chức sự kiện này.

“Liệu ông ấy sẽ trở thành người bạn tốt nhất của tôi hay không ?”, trên Twitter, tổng thống Mỹ đặt câu hỏi này trước khi đi gặp đồng nhiệm Nga. Tại Helsinki, “trước Putin, Trump không tin là Nga nhúng tay can thiệp” bầu cử Mỹ. Thông tin đều được các nhật báo Pháp đưa tin. Les Echos trích lại phát biểu của tổng thống Trump : “Không có bất kỳ sự thông đồng nào. Chúng tôi đã có chiến dịch tranh cử ấn tượng và đó là lý do tôi trở thành tổng thống”.

Với lời khẳng định trên, nhật báo Libération cho rằng “nguyên thủ Mỹ không còn thừa nhận FBI. Với điện Kremlin, đây là món quà bất ngờ, còn đối với nhiều đồng bào Mỹ thì đó là sự phản bội”. Nhật báo thiên tả nhận định : “Trong nghi án can thiệp Nga, Donald Trump đang phục vụ cho Vladimir Putin”.

Bắc Kinh tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế suy giảm

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,7% vào quý hai năm 2018, đây là nhịp độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2016. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : “Bắc Kinh tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế suy giảm”, đặc biệt trước viễn cảnh tác động của cuộc chiến thương mại với Washington.

Chính quyền Bắc Kinh đang đối mặt với “thách thức chính trị và kinh tế” rất lớn Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, trong khi tổng thống Mỹ đang đe dọa đánh thuế 200 tỉ đô la, thậm chí lên đến 500 tỉ, hàng nhập khẩu Trung Quốc trong những tháng tới. Thêm vào đó là đồng nhân dân tệ bị mất giá, khiến các nhà đầu tư lo ngại. Chính vì vậy, theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard, nền kinh tế Trung Quốc suy sụt “sẽ dễ dàng biện minh cho sự trở lại của chính sách hỗ trợ hoạt động” của chính quyền trung ương.

Thực ra Bắc Kinh đã bắt đầu. Để trách một cú sốc kinh tế và nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp đang tìm kiếm vốn đầu tư, vào cuối tháng 06/2018, Trung Quốc lại nới lỏng chính sách tiền tệ. Bằng cách giảm phần dự trữ bắt buộc đối với một số ngân hàng, Trung Quốc đã giải phóng được 700 tỉ nhân dân tệ. Đây là luồng khí mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Thế giới dự báo tăng trưởng giảm tại Châu Âu

Cuộc chiến thương mại, có nguy cơ leo thang, sẽ tác động đến tăng trưởng của nước Pháp và khối sử dụng đồng euro. Tăng trưởng trung bình của hành tinh đạt ở mức 3,9% trong năm nay và năm tới.

Vẫn nhật báo kinh tế Les Echos, trích số liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (FMI), thẩm định Nhật Bản sẽ là nước bị thiệt hại nhất. Tăng trưởng của Đức, Pháp, Ý sẽ giảm, mỗi nước mất khoảng 0,3%, tương tự với tình trạng của khối đồng euro. Trong khi đó, tình hình tại Hoa Kỳ tiếp tục được cải thiện và GDP sẽ đạt mức 2,9%, cao hơn 0,6% so với năm 2017.

Bruxelles và Nhật Bản chuẩn bị tự do hóa trao đổi thương mại

Vẫn trong lĩnh vực thương mại, hai đối tác lớn, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản, chiếm gần 1/3 GDP của cả thế giới, cùng ký thỏa thuận thương mại chưa từng có ngày 17/07/2018.

Theo La Croix, hai bên ký đến hai thỏa thuận nhân thượng đỉnh song phương lần thứ 25 : một thỏa thuận tái khẳng định quan hệ đối tác kinh tế, được ký vào tháng 12/2017 liên quan đến tự do trao đổi mậu dịch ; thỏa thuận thứ hai nhấn mạnh đến đối tác chiến lược.

Một chuyên gia của Nghị Viện Châu Âu không vòng vo cho biết : “Thỏa thận tự do mậu dịch còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa khi nói về mặt chiến lược, trong bối cảnh chính sách thương mại thất thường của ông Donald Trump và tình hình chung của nền thương mại thế giới”.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Trí thức Pháp : Bóng đá không hẳn là "tha hóa"

Báo Le Monde ngày 10/07/2018 nhân trận kỳ cúp bóng đá này để nhắc lại chuyện xưa. Mấy ai biết rằng thắng lợi của đội tuyển Pháp năm 1998 đã làm thay đổi triệt để quan điểm của giới trí thức và văn nghệ sĩ Pháp với môn thể thao vua này như thế nào.

phap1

Đội tuyển Pháp năm 1998 - Ảnh chụp màn hình

Sử gia Yvan Gastaut, giảng dạy tại Đại học Nice nhớ lại : "Từ lâu vẫn mang tư tưởng chống bóng đá, cuối cùng giới trí thức cũng đã bắt đầu quan tâm đến môn thể thao này". Vào thời đó, một số người vẫn xem bóng đá như là "một cơn dịch bệnh cảm xúc".

Nói một cách khác, đó là một màn trình diễn đần độn, một trò chơi vô bổ. Ý tưởng này thấm sâu trong giới văn hóa, bất chấp sự nhìn nhận niềm đam mê của các văn hào Albert Camus hay Henry de Montherland đối với bóng đá, bất chấp bài phỏng vấn Michel Platini do nữ sĩ Marguerite Duras thực hiện cho Libération năm 1987.

Phải đợi đến thắng lợi của đội áo Lam năm 1998, cách nhìn đó mới được thay đổi. "Chiến thắng này đã xóa tan mặc cảm ở nhiều người trong giới trí thức, vốn dĩ rất yêu thích môn bóng đá mà không dám thổ lộ. (…) Mọi người cứ thế mà bắt đầu bàn luận một cách thoải mái giống như là một sự giải phóng lời nói vậy đó", ông Laurent Veyssière, quản thủ Viện Di sản Quốc gia Pháp INP, nhận xét. "Cuối cùng người ta có thể thốt lên rằng họ thích bóng đá".

"Giờ đây bóng đá có thể được công khai bàn luận mà không sợ bị giới có học đánh giá là không có gu thưởng thức". Ngay từ mùa xuân năm 1998, bóng đá đã được xem như là "một gu thưởng thức chính đáng ở giới trí thức". Nhiều giảng sư đại học nghiễm nhiên công khai bật tivi theo dõi các trận cầu mà không cần giấu giếm. Bóng đá còn trở thành đối tượng nghiên cứu lịch sử và xã hội học.

Le Monde cho biết, trong kỳ Worl Cup 2018 này, các kênh truyền hình đã gặp bối rối trong việc ra quyết định chọn khách mời. Cả một danh sách dài các quan khách tham gia bình luận bóng đá, trong số này có cả các văn hào, viện sĩ hàn lâm lẫn các triết gia.

Gà Trống Lam "song đấu" cùng Con Quỷ Đỏ

Nhưng có lẽ chủ đề được các báo quan tâm nhiều nhất là trận song đấu tối nay giữa hai đội tuyển Pháp – Bỉ. Libération trên nền ảnh hai cầu thủ Pháp (áo lam) và Bỉ (áo đỏ), mặt đối mặt, chạy tít lớn "Pháp – Bỉ : Anh em nửa vời".

Nửa vời, đó là vì "Nước Pháp luôn bị xem như là một người anh cả thù địch", tựa một bài viết khác trên Libération. Người Bỉ nói tiếng Pháp thường xuyên mong muốn người hàng xóm của mình gặp thất bại. Những người hàng xóm mà họ đánh giá là quá kiêu ngạo.

Một điều chắc chắn là "cuộc hội ngộ giữa những người quen cũ này" tựa của La Croix sẽ là "một cú sốc giữa những người hàng xóm để giành chiếc vé chung kết", như nhận xét của Le Figaro.

La Croix viết : "Những Con Quỷ Đỏ - tên gọi chính thức dành cho 11 tuyển thủ Bỉ kể từ sau trận gặp đội Pháp trước Đệ Nhất Thế Chiến - cố tình dùng đội Pháp như là một nhiệt kế để đo lường trình độ của mình trước khi lao vào đối đầu với những quốc gia nổi tiếng "lì lợm" như Đức hay Anh chẳng hạn. Ngược lại, đội tuyển Pháp cũng sử dụng những người anh em láng giềng phía bắc này như là một đối tác để tập huấn trong những trận đấu không phải lúc nào cũng rất hữu nghị".

Vì là người quen cũ nên đội Bỉ sẽ là một đối thủ đáng gờm. "Đội tuyển Bỉ là một ê-kíp tắc kè", Libération lưu ý. Để chống lại Brazil, Những Con Quỷ Đỏ đã biết cách tự thích hợp theo cuộc chơi. Tính linh hoạt này có thể sẽ cho phép họ đối đầu với đội áo Lam.

Hội ngộ giữa hai đồng đội cũ

Trận cầu này có lẽ hấp dẫn không chỉ đơn giản là một trận cầu giữa hai đội tuyển, mà còn là một cuộc đấu trí giữa hai cựu tuyển thủ từng làm nên kỳ công cho đội tuyển Pháp năm 1998 : Didier Deschamps, huấn luyện viên đội Pháp và Thierry Henri, cố vấn thứ ba của đội bóng Bỉ.

Với Le Monde, cho đến giờ phút này "Didier Deschamps : là người tạo ra thắng lợi". Là một người thực tế, huấn luyện viên đội tuyển áo Lam đang hướng đến mục tiêu tối thượng : giành lấy chiếc Cúp Thế Giới tại Nga, hai mươi năm sau đã từng đoạt cúp với tư cách là đội trưởng.

Nhìn sang địch thủ của Deschamps, Le Monde hóm hỉnh chạy tựa : "Thierry Henri, thỏa ước với Những con Quỷ". Kể từ năm 2016, người ghi bàn nhiều nhất cho lịch sử đội áo Lam là một trong những trợ lý của đội Bỉ. Giờ đây, sau 20 năm, kể từ khi Pháp đoạt ngôi sao đầu tiên, Thierry Henri gặp lại đồng đội cũ, nhưng mỗi người ở một vị thế khác nhau. Một cuộc hội ngộ đến lạ lùng, Le Monde kết luận.

Minh Anh

Published in Quốc tế