Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước Mỹ của Donald Trump và nước Anh của thời Brexit, từ hình ảnh cho đến thực tế, không còn đáng tin như xưa. Hai đồng minh truyền thống của Châu Âu chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng, trong khi Tây phương đứng trước những mối đe dọa chung mà chính tổng thống Mỹ đã xác nhận tại thượng đỉnh NATO ngày 27/05/2017. Các nước Châu Âu phải làm gì ? Phải biến rủi thành may ! Đức và Pháp phải bắt lấy cơ hội để tự cường trên trường quốc tế.

ducphap1

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Berlin, ngày 15/05/2017.Reuters

Donald Trump : "Chúng ta phải vững mạnh và cảnh giác nghiêm ngặt. NATO trong tương lai phải đặc biệt lưu ý đối phó với khủng bố, với di dân nhập cư cũng như những đe dọa đến từ nước Nga, ở biên giới phía đông, ở biên giới phía nam của chúng ta".

Trên đây là trích đoạn diễn văn của tổng thống Donald Trump tại thượng đỉnh NATO vào tuần trước tại Sicilia, Ý, cơ hội làm sáng tỏ lập trường của Washington. Điều đáng chú ý là tổng thống Mỹ động viên tinh thần các nước đồng minh, không chỉ trích NATO thiếu hiệu năng và không hợp thời như lúc vận động tranh cử.

Tuy vậy, diễn văn của tổng thống Donald Trump về hình thức gây bất bình cho công luận Châu Âu, vì ông công khai đòi tiền các thành viên, về nội dung thì gây lo ngại vì lãnh đạo siêu cường, trái với truyền thống NATO, không nhắc lại lời cam kết bảo vệ Châu Âu khi bị xâm lăng, theo điều 5 của Hiến Chương Bắc Đại Tây Dương.

Các đồng minh Châu Âu phải làm gì trước chủ trương co cụm của Mỹ ? Đây là chủ đề của tạp chí Tiêu Điểm tuần này.

Không bó tay thụ động

Trước hết, giới phân tích nhận định ra sao về thông điệp của tổng thống Donald Trump ? Florent Parmentier, giáo sư Đại Học Chính Trị Paris, đồng sáng lập viên blog EurAsia Prospective đưa ra hai giả thuyết :

Chúng ta có hai cách phân tích. Giả thuyết thứ nhất, tổng thống Donald Trump thật tình. Trước đây, do thiếu hiểu biết tường tận, ông tuyên bố NATO là một guồng máy cổ lỗ, kềnh càng. Bây giờ thì ông thay đổi khi thấy Hoa kỳ có nhiều quyền lợi trong NATO. Giả thuyết thứ hai là Donald Trump tìm cách trắc nghiệm, thăm dò các đồng minh xem họ có sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm hay không ? Trước đây, ông nghĩ rằng NATO là "cổ lỗ", bây giờ ông phát hiện thêm NATO rất cứng đầu, kháng cự mọi yêu cầu cải cách.

Đối với công luận, quân đội Mỹ đóng vai trò chủ lực trong NATO. Tuy nhiên, trên thực tế, Châu Âu mới là nguồn cung cấp nhân lực đông đảo nhất để tự vệ, Hoa Kỳ phải đối mặt với nhiều điểm nóng khác trên thế giới.

Giáo sư Florent Parmentier :

Sức mạnh của Mỹ, qua liên minh quân sự NATO, chỉ là một phần nhỏ của quân lực Mỹ. Phần lớn còn lại là do các nước Châu Âu đảm trách. Phải thấy rằng Hoa Kỳ đang đụng phải đối thủ Trung Quốc ở Châu Á, gặp khó khăn hay đúng hơn là tình trạng đối đầu căng thẳng ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đang tham chiến ở Trung Cận Đông. Châu Âu chỉ là một trong số các mặt trận của Mỹ với NATO, đây là một liên minh quân sự gồm những thành viên mà tiếng nói có trọng lượng như nhau.

Trục Paris-Berlin

Trong bối cảnh "lãnh đạo thế giới tự do" bị xu hướng dân túy lũng đoạn và phản bội nhiệm vụ chim đầu đàn của mình, Châu Âu phải làm gì để tự vệ chống lại những đe dọa lớn mà chính tổng thống Mỹ nêu lên từ an ninh cho đến biên cương : khủng bố, làn sóng di dân nhập cư và nước Nga của Putin.

Giải pháp khả thi nhất, theo chuyên gia Pháp Dominique Moïse, hai nước Pháp và Đức phải nhân cơ hội chứng tỏ có khả năng hoạt động chung trên chính trường quốc tế.

Trong khi phong trào dân túy tại Anh và Mỹ đã làm mất đi giá trị của "lòng tin cậy", nước Pháp, với tân tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron, lại làm dấy lên một làn gió mới thổi qua Châu Âu - tuy còn mong manh : đó là niềm tin. "Tín nhiệm" chính là nền tảng của mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ. Từ nay, "tín nhiệm" có thể sẽ giúp cho Pháp và Đức trở thành cặp bài trùng trên mọi lĩnh vực vì nhu cầu tâm lý và chiến lược.

Ngược dòng lịch sử

Ngày 22/01/1963, tổng thống Pháp Charles De Gaulle và thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký hiệp định hữu nghị Pháp - Đức tại điện Elysée, tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực : giáo dục, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng... Với hiệp định này, tổng thống De Gaulle hy vọng Tây Đức tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ để cùng xây dựng Châu Âu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, tuy không thẳng thừng như Liên Hiệp Anh của Winston Churchill là "giữa biển khơi và Châu Âu, nước Anh luôn chọn biển khơi", Tây Đức tỏ rõ lập trường dựa vào ô dù của Mỹ hơn là tự cường.

Để tồn tại trong bối cảnh chiến tranh lạnh, một bên là đe dọa của Liên Xô và khối Warsawa, bên kia là ảnh hưởng áp đảo của đồng minh siêu cường Hoa Kỳ, nước Pháp đề kháng, rút khỏi NATO và chỉ hội nhập trở lại dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy (tháng 04/2009).

Nửa thế kỷ sau tổng thống de Gaulle, vừa bầu Emmanuel Macron vào điện Elysée, nước Pháp lại đứng trước những thách thức địa chính trị tương tự, nhưng mối hiểm nguy phức tạp hơn, khó dự phòng hơn.

Tuy nhiên, lần này, không phải do Anh và Mỹ bắt tay nhau để giành thế chủ động ở Châu Âu. Trái lại, khối "Anglo-Saxons" này kéo nhau bỏ rơi Châu Âu : nước Mỹ của Donald Trump co cụm, Liên Hiệp Anh ly dị với Châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu giờ đây chỉ có một mình nước Pháp là cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và là nước có quân đội hùng mạnh nhất.

Nhìn về tương lai

Theo chuyên gia Dominique Moïse, cho dù Pháp không thể thay thế nước Mỹ, Đức không thể thay thế Anh trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, thách thức trên thế giới ngày càng nhiều, đe dọa an ninh Châu Âu, Paris và Berlin phải lên tuyến đầu. Trong quá khứ, hai nước đã nhiều lần thống nhất lập trường như chống chiến tranh Irak lần thứ hai (2003), cứng rắn với Putin trên hồ sơ Ukraine và Syria, và gần đây nhất, Đức đưa một đơn vị, cho dù là khiêm tốn, tham gia vào chiến dịch chống khủng bố tại Mali. Những sự kiện này chứng tỏ hai nước có thể hợp lực với nhau trên các hồ sơ quốc tế cho dù không có cùng "tập quán" can thiệp và do Đức bị trói buộc phải thận trọng từ sau Thế chiến thứ hai.

Vấn đề là Đức phải hóa giải nổi ám ảnh lịch sử xâm lăng, không viện dẫn quá khứ để né tránh can dự quân sự vào xung đột quốc tế. Về phần Pháp, tổng thống Emmanuel Macron phải biến thiện chí thành hành động và kết quả cụ thể. Bay sang Berlin gặp thủ tướng Angela Merkel ngay sau khi nhậm chức là một cử chỉ đầy biểu tượng. Nước Pháp giờ đây phải thực hiện lời hứa cải cách đến cùng để tạo sự tín nhiệm. Nước Pháp cũng phải hiểu là đứng trước những thách thức to lớn, Paris cần gạt bỏ lối phản xạ cổ điển trong quan hệ với Đức : "Anh mạnh về kinh tế, tôi mạnh về ngoại giao". Hai nước đều phải tự tiến lại gần nhau.

Châu Âu luôn cần nước Mỹ vì không thể tự vệ một mình và nước Mỹ cũng cần Châu Âu vì không thể sống co cụm. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có một vị tổng thống dấn thân ở Nhà Trắng, Châu Âu phải "tự lo lấy thân". Đây là cơ hội để Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Hiệp nhìn xa hơn quyền lợi quốc gia.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Châu Âu phải cảm ơn Trump vì đã lạnh nhạt với đồng minh

Sau những màn ngoại giao gây sốc của Donald Trump ở thượng đỉnh NATO tại Bruxelles và G7 ở Sicilia tuần qua, bầu không khí lạnh nhạt đang bao trùm trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Hầu hết các tờ báo lớn tại Pháp ngày 01/06/2017 đều khai thác phản ứng của Châu Âu trước mối quan hệ đồng minh đang có cơ bị rạn vỡ nhưng cũng là cơ hội để Châu Âu thức tỉnh.

camon1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) đi sau đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel (P) để tới chụp ảnh, tại thượng đỉnh G7 Taormina, Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Philippe Wojazer

Có thể thấy điều này qua tựa lớn trang nhất của Le Figaro : "Trump khơi sâu hố ngăn cách giữa Mỹ và Châu Âu". Trái lại, Libération nhìn thấy hoàn cảnh mới đang khiến Châu Âu phải thức tỉnh, thúc đẩy cặp Pháp-Đức phải ra tay củng cố Liên Hiệp vững mạnh để có thể tự quyết vận mệnh của mình.

Trang nhất Libération chạy tựa lớn : "Châu Âu cảm ơn Trump" và tờ báo ghi nhận "Bị dồn đến chân tường, Macron và Merkel đoàn kết". Theo Libération, Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với 2 thực tế : Brexit bên kia bờ biển Manche và nước Mỹ của Donald Trump bên kia bờ Đại Tây Dương đang ngày càng xa rời đồng minh.

Thế nhưng, chính hoàn cảnh đó "đang thôi thúc các lãnh đạo Châu Âu, bắt đầu là cặp bài Pháp-Đức, phải ý thức được cần tăng cường sức mạnh cho Liên Hiệp Châu Âu".

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay từ hôm Chủ Nhật 28/05 đã ý thức được điều đó khi bà đã phát biểu : "Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa dẫm vào những người khác đang qua dần. Tôi đã chứng kiến điều này trong những ngày qua…". Đề cập đến quan hệ với Mỹ, bà Merkel khẳng định : "Châu Âu vẫn là bạn của Hoa Kỳ và láng giềng tốt của Anh Quốc cũng như nước Nga. Nhưng chúng ta phải biết tự đấu tranh cho tương lai và vận mệnh của chính mình".

Libération nhận định : "Trên khía cạnh các giá trị, quốc phòng, thương mại và chắc chắn cả về khí hậu, chưa bao giờ hố ngăn cách hai bờ Đại Tây Dương lại lớn như bây giờ". Tờ báo khẳng định, trước khoảng trống lớn như vậy, không có một quốc gia Châu Âu đơn lẻ nào có thể nghĩ là mình đóng được vai trò lớn, chỉ có Liên Hiệp mới có thể làm được điều đó. Nếu Châu Âu không đẩy nhanh tốc độ hòa nhập thành một khối thống nhất, Liên Hiệp sẽ là nạn nhân của sự biến động hiện nay.

Để có một Châu Âu vững mạnh, còn khối việc phải làm

Libération nhận thấy, với một Châu Âu đang rệu rã và trì trệ như hiện nay sẽ còn rất nhiều việc khẩn cấp phải làm để thiết lập một trật tự mới trong Liên Hiệp. Đó là : phải hoàn thiện khu vực đồng euro, triển khai một nền quốc phòng Châu Âu, phải có một chính sách chung về nhập cư, phát triển an ninh nội địa để chống khủng bố, xây dựng lại hoàn toàn cơ chế để Liên Hiệp có một thủ lĩnh thực sự.

Cuối cùng, Libération kết luận, dù gì thì trong bối cảnh được thức tỉnh như vậy, người ta có thể nói : "Cảm ơn Trump".

Le Figaro đồng tình với quan điểm của Libération qua bài xã luận mang tiêu đề : "Một cơ hội lịch sử". Tờ báo thừa nhận trong mối quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, "sự tan vỡ không phải là ngay ngày mai, nhưng những mối liên hệ chắc chắn sẽ lỏng lẻo hơn. Cơ hội này, người Đức và người Pháp phải biết nắm lấy (...) Brexit, sự trỗi dậy của trào lưu hoài nghi Châu Âu và giờ đây là ông Trump chính là tiếng chuông báo thức cho Châu Âu. Nếu các lãnh đạo của hai nước (Pháp-Đức) lại vẫn cứ sa lầy trong tệ quan liêu và vẫn theo lối mòn của các cuộc họp thượng đỉnh vô ích, họ sẽ lại bỏ phí cơ hội lịch sử mang đến cho mình".

Nếu không làm được như vậy thì ông Trump đã đúng khi cho rằng Châu Âu chỉ là một khối khoa trương, vô bổ. Còn ngược lại, Châu Âu sẽ chứng minh được một điều : Ông Trump nói mạnh đấy nhưng đơn độc.

Nhìn chung, các báo đều nhận thấy tương lai của Liên Hiệp Châu Âu giờ đây trông chờ vào hai đầu tầu Pháp-Đức, cụ thể là lãnh đạo của hai nước. Pháp thì vừa có tân tổng thống Emmanuel Macron, một người chủ trương cải cách sâu rộng Châu Âu vì một Liên Hiệp vững vàng, che chở bảo vệ chính mình. Còn với Đức, người ta đang chờ đợi kết quả bầu cử vào mùa thu năm nay. Liệu khi đó, bà Angela Merkel, một lãnh đạo mạnh mẽ ý thức được cần một Châu Âu mạnh để tự lực tự cường, có giành thắng lợi hay không ?

Ngoại giao kiểu Donald Trump làm suy yếu ảnh hưởng Mỹ

Giới quan sát có chung nhận định là một vị tổng thống Mỹ với tính khí thất thường đang khiến Châu Âu chóng mặt. Thế nhưng, quan điểm của lập trường cũng như cách thức ngoại giao của ông Trump trong vòng công du Châu Âu vừa qua khiến Washington mất đi ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đó cũng là điều khiến dư luận ở đất nước của ông hoang mang không kém.

Trong một bài viết khác, Libération ghi nhận những phản ứng của dư luận chính trị Mỹ về chuyến công du Châu Âu của Donald Trump, theo đó rất đông các chuyên gia Mỹ về chính sách đối ngoại đã cảm thấy thất vọng tràn trề vì màn trình diễn ngoại giao vừa rồi của ông Trump tại Châu Âu đã khiến cho ảnh hưởng của nước Mỹ xuống thấp chưa từng có.

Tờ báo trích dẫn cựu đại sứ Mỹ tại NATO - Ivo Daalder - nhận định giờ đây người ta có cảm giác như đang ở "hồi kết một kỷ nguyên trong đó Hoa Kỳ lãnh đạo và Châu Âu đi theo". Còn chuyên gia Vali Nasr thuộc Đại học John Hopkins Hoa Kỳ thì đánh giá : "Trong 4 tháng cầm quyền, Trump đã thành công trong việc phá bỏ thành quả của 7 thập kỷ quan hệ xuyên Đại Tây Dương".

Theo Libération, mối lo ngại sâu sắc Hoa Kỳ bị mất ảnh hưởng nằm ở cách ứng xử của ông Trump, bị đánh giá là "ào ào, ngông nghênh, thậm chí tới mức thô thiển". Một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ đã đánh giá ngắn gọn trên báo Daily Beast : "Trong ngoại giao, tổng thống Trump như một du khách say sỉn. Ồn ào và dai dẳng, huých đẩy nhau trên sàn nhảy".

Nhưng ngoài tính cách, thái độ cá nhân, chính sách của Trump mới là điều khiến các đồng minh Châu Âu khó chịu.

Chính quyền Trump không hề chỉ định chính thức một đại sứ hay quan chức cao cấp về ngoại giao nào tại Châu Âu. Trước khi đến Châu Âu, tổng thống Mỹ lại tỏ nhún nhường hơn mức cần thiết với các quốc gia vùng Vịnh. Thế nhưng, ông lại sẵn sàng lên giọng với các lãnh đạo các đồng mình trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Về phần chính giới Mỹ, dân biểu đảng Dân Chủ của bang Maryland, Steny Hoyer chia sẻ : "Vị tổng thống này làm suy yếu vai trò của nước Mỹ trên thế giới, khiến an ninh và nhất là kinh tế của người Mỹ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm".

Theo bài báo, phe Cộng Hòa cũng không giấu được mối lo ngại trước cách ngoại giao không giống ai của ông Trump. Điển hình là thượng nghị sĩ John McCain đã chỉ trích chính sách đối ngoại của ông Trump rằng : "Một số động thái và tuyên bố của tổng thống khiến các bạn bè của nước Mỹ choáng váng, đó là điều hiểu được (...) Bè bạn của chúng ta có xu hướng chú tâm vào con người cụ thể tại Nhà Trắng. Nhưng nước Mỹ lớn lao hơn điều đó rất nhiều".

Châu Âu cũng nên tính chuyện xoay trục sang Châu Á ?

Vẫn trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang xa rời nhau này, một số tờ báo Pháp, như tờ Ouest France gợi nhắc đến "trục Châu Á", một chủ trương của cựu tổng thống Obama, cũng có thể sẽ là một chân trời mới cho Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo ghi nhận, Trung Quốc muốn tôn trọng thỏa thuận khí hậu Paris, vì nước này đầu tư nhiều vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Ấn Độ cũng vậy. Hôm nay và ngày mai, tại Bruxelles diễn ra cuộc họp cấp cao giữa thủ tướng Trung Quốc và các lãnh đạo Châu Âu. Dù vẫn còn bất đồng về vấn đề nhân quyền hay thương mại, nhưng Bắc Kinh đã có mối quan tâm chung về khi hậu. Tờ báo bình luận : "Đó có thể là dấu hiệu tốt cho một đối tác mới được xây dựng trên đống đổ nát của trận cuồng phong Trump"

Ở chiều ngược lại , nhật báo Le Figaro ghi nhận "Bắc Kinh đang cố gắng khai thác căng thẳng giữa các nước phương Tây". Theo bài báo, những bất hòa hiện nay giữa Châu Âu và Hoa Kỳ là một cơ hội cho Trung Quốc để họ vẫn bảo đảm an toàn quan hệ làm ăn với các đối tác thương mại lớn, đồng thời chứng tỏ vai trò một cường quốc quan trong trọng một thế giới lộn xộn.

Bắc Kinh đang muốn xích lại gần với Châu Âu hơn với việc bảo vệ các giá trị chung như tự do thương mại, bảo vệ môi trường. Nhưng bất đồng trong làm ăn giữa Trung Quốc và các nước Châu Âu vẫn còn rất nhiều. Như nhận xét của Les Echos : "Trung Quốc bảo vệ toàn cầu hóa nhưng vẫn chậm trễ mở cửa thị trường". Tờ báo kinh tế cho biết một nửa số doanh nghiệp Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc phàn nàn là họ luôn bị phân biệt đối xử khiến điều kiện kinh doanh rất khó khăn. Vậy là, "xoay trục sang Châu Á" mà lấy trọng tâm là Trung Quốc cũng đâu phải chuyện đơn giản cho Liên Hiệp Châu Âu.

Anh Vũ

Published in Quốc tế