Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quan chức Cuba thi nhau đào thoát sang đất nước của kẻ thù Mỹ

Le Figaro ngày 12/11/2024 cho biết tại Cuba, sau khi gần 1 triệu người đã chạy khỏi đảo quốc cộng sản từ ba năm qua, nay đến lượt các quan chức tìm đường tẩu thoát.

cuba1

Một người với hình xăm Che Guavara trên tay, mặc áo thun màu cờ Mỹ, tại trung tâm thủ đô La Havana, Cuba ngày 18/10/2024. Reuters - Norlys Perez
Ủy viên trung ương đảng, thứ trưởng cũng chạy sang Mỹ

"Mọi người đều chạy hết ! Raul (Castro) và (chủ tịch) Diaz-Canel sẽ còn lại một mình trên đảo, và rốt cuộc họ sẽ bán Cuba cho Nga". Marta, một người dân La Havana vừa cười vừa nói với nhà báo như trên. Bản thân người nữ y tá hiện chưa cần phải ra đi vì có người thân từ Hoa Kỳ thường xuyên gởi tiền cho. Tuy nhiên, đã có đến 700.000 người có chuyên môn, từ bác sĩ, giáo viên, kỹ sư chạy sang Mỹ trong ba năm qua, nên cấu trúc hạ tầng chủ yếu ngày càng khó hoạt động. Ngay cả những người bảo vệ cách mạng cũng không còn tin nữa.

Thứ trưởng Lao động và xã hội Juan Carlos Santana Novoa khi đi dự hội nghị ở Mexico đã trốn ở lại, qua biên giới trình diện chính quyền Mỹ. Ông thứ trưởng đứng lẫn vào một nhóm người Cuba xin tị nạn, họ chẳng biết ông là ai, có người vỗ vai nói ông "trông giống một nhà lãnh đạo Cuba". Trốn sang sống với kẻ thù đế quốc Mỹ còn có cựu dân biểu, ủy viên trung ương đảng cộng sản Cuba, Nayla Patterson Prieto, bà này đến Florida năm 2022 và đang làm việc trong một tiệm uốn tóc ở Miami. Nhiều lãnh đạo cấp tỉnh như Misael Enamorado Dager, cựu bí thư Santiago, thành phố lớn thứ nhì Cuba, cũng đang ở Hoa Kỳ.

Các cán bộ này trong nhiều thập niên từng là cái loa của chế độ, áp bức các nhà ly khai và kết án người đối lập. Cựu thẩm phán Melody Gonzalez Pedraza, đã đào ngũ để sang với Chú Sam, đã tham gia vụ đàn áp sau cuộc nổi dậy vì đói ngày 11/07/2021, kết án năm thanh niên ba năm tù. Bà này không thoát khỏi tư pháp Mỹ vì không khai báo thật về chức vụ cũ ở Cuba. Bị tạm giam tại nhà tù Broward ở Florida, cựu thẩm phán cố biện minh rằng tư pháp Cuba không độc lập.

Số quan chức đào thoát thuộc đủ các lãnh vực : chính khách, sĩ quan cao cấp, nhân viên Seguridad del Estado tức cơ quan tình báo. Một số có cuộc đời khá ly kỳ, như cựu phi công tiêm kích Luis Raul Gonzalez - Pardo Rodriguez, tị nạn tại Jacksonville ở Florida, mà đạo diễn Olivier Assayas đã làm thành phim Cuban Network. Vào giữa thập niên 90, các phi công Mỹ gốc Cuba lái phi cơ du lịch của hiệp hội Hermanos al Rescate thường xuyên xâm nhập không phận đảo quốc để cứu các đồng bào chạy trốn chế độ cộng sản. Không chỉ có vậy, các nhà hoạt động của hiệp hội này còn phá hoại cơ sở hạ tầng du lịch của Cuba, khiến Fidel Castro ra lệnh bắn hạ hai chiếc Cessna. Gonzalez-Pardo lái một chiếc MiG-29 tham gia chiến dịch.

Ồ ạt ra đi, nhưng không quan chức Cuba nào chọn nước cộng sản

Maria Elvira Salazar, dân biểu Cộng Hòa lên án : "Thay vì chạy sang Venezuela, Nicaragua hay Bắc Triều Tiên, những kẻ bảo vệ chế độ cộng sản Cuba lại gõ cửa đế quốc tư bản, và tiếc thay chính quyền Biden-Harris lại cho vào". Hai thượng nghị sĩ và ba dân biểu Cộng Hòa hầu hết gốc Cuba cuối tháng 8 đã gởi thư tố cáo vụ cựu bí thư thành phố Cienfuegos, Manuel Menendez Castellanos sang sinh sống ở Mỹ.

Đa số quan chức Cuba định cư được tại Hoa Kỳ nhờ cơ chế đoàn tụ gia đình, hay qua chương trình Parole. Ngày càng có nhiều tiếng nói trong cộng đồng người Cuba tị nạn đòi hỏi phải điều tra vì sao các lãnh đạo cộng sản lại có thể nhởn nhơ sống ở Mỹ, với nguy cơ làm tay trong hay gây ảnh hưởng. Washington làm ngơ trong trường hợp là lãnh đạo quan trọng và một số gián điệp, để đổi lấy các thông tin nhạy cảm. Theo Quỹ Cuba vì nhân quyền, trong số 1.000 quan chức bị cáo buộc đàn áp, có 115 đang sống tại Mỹ. Một số bị đồng bào hay nạn nhân của mình tố cáo khi nhận ra họ trên mạng xã hội.

Sự kiện các quan chức cộng sản Cuba ồ ạt chạy trốn sang đất nước mà họ không ngừng đả kích từ nhiều năm qua, không chỉ đầy tính mỉa mai, mà còn bộc lộ nhiều điều. Trước hết, sự sợ hãi chế độ không còn như thời Fidel Castro. Những kẻ chạy trốn không còn sợ bị trừ khử ở nước ngoài vì nỗi lo tiết lộ bí mật. Cuba mất dần giới tinh hoa trong kinh tế và xã hội, các quan chức lo rằng việc gia tăng đàn áp đối lập, nhà báo độc lập sẽ làm bùng lên phản kháng xã hội.

Nga gia tăng tấn công Ukraine để gây sức ép

Libération ghi nhận Ukraine đang lo ngại trước ê-kíp mới của ông Trump, trong khi Nga không ngừng tấn công vào thường dân. Từ nhiều tuần qua, giấc ngủ của người dân Kiev luôn bị cắt rời bởi những đợt drone tự sát hàng đêm, chỉ riêng đêm Chủ nhật 10/11 Moskva đã gởi sang 145 chiếc Shahed. Thứ Hai 11/11 cảnh báo hỏa tiễn đạn đạo hú vang tại thủ đô vào lúc 6 giờ 20 phút sáng, 17 vật thể bay sang từ Nga, khiến đại diện đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell đang thăm chính thức Ukraine được nhìn thấy trong một tấm ảnh còn mặc đồ ngủ tại một hầm tránh bom. Sáu người chết và 27 người bị thương ở Mykolaiv, Zaporijia, Kryvyi Rih.

Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cho biết quân Nga đang chất hỏa tiễn tại các sân bay để chuẩn bị những vụ tấn công lớn, đồng thời cũng làm những động tác giả để gây áp lực tâm lý. Trên mạng X, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định mỗi ngày, mỗi đêm Nga đều gieo rắc khủng hoảng. Ukraine cần vũ khí để tự vệ và sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của quốc tế, ngoại giao thực sự hiệu quả, nếu không Nga chẳng có lý do gì để tìm kiếm hòa bình.

Trump nói gì khi điện đàm với Putin và Zelensky ? Vẫn là bí mật !

Cũng trên mạng xã hội của Elon Musk, cuối tuần qua đầy những thông tin về cuộc điện đàm được cho là đã diễn ra hôm thứ Năm 07/11 giữa Vladimir Putin và Donald Trump. Theo Washington Post ra ngày Chủ nhật, Trump đã đề nghị Putin "không leo thang" ở Ukraine, và phác họa một số nguyên tắc, trong đó có việc từ bỏ Crimea - điều mà Ukraine không thể chấp nhận. Phát ngôn viên Kremlin nói rằng tin này "hoàn toàn tưởng tượng". Phía ê-kíp ông Trump thì đã được lệnh "không bình luận về các cuộc gọi riêng tư giữa tổng thống và các nhà lãnh đạo khác".

Giáo sư Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ ở Nga cho biết người Ukraine đã chuẩn bị khả năng Trump thắng cử, và họ trông cậy vào Mike Pompeo, cựu ngoại trưởng (2018- 2021) được cho là sẽ thay thế Antony Blinken. Ông Pompeo hôm 14/09 khi thăm Kiev đã từng tuyên bố "Mỹ không thể có an ninh nếu không có chiến thắng của Ukraine và an ninh Châu Âu mạnh mẽ". Những chuyến ngoại giao con thoi của Pompeo rất hiệu quả, nhưng rốt cuộc chính Elon Musk mới xuất hiện trong bức ảnh gia đình Trump, và ở bên cạnh Trump trong cuộc nói chuyện điện thoại. Nikki Haley và Mike Pompeo, hai người đối thoại Cộng Hòa tin cậy của Kiev bị gạt ra ngoài lề. Bên cạnh đó, Donald Trump Jr còn đăng lên Instagram đe dọa Zelensky chỉ còn 38 ngày nữa là mất trợ cấp ; và cái bóng ngày càng lớn của Elon Musk cũng không thể làm an tâm.

Le Figaro cho rằng một ván bài tẩy sẽ diễn ra giữa Donald Trump và Vladimir Putin. Moskva mơ rằng Ukraine sẽ đầu hàng, Volodymyr Zelensky ra đi, Kiev từ bỏ việc xích gần lại NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Đối với Putin, đây là những điều tối thiểu, với ưu thế quân Nga đang tiến trên chiến trường nhờ liên tục tấn công không tiếc mạng lính. Về phía Donald Trump từ khi đắc cử đã điện đàm khoảng 15 cuộc với các nhà lãnh đạo quốc tế để bàn về Ukraine, trong đó có thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Volodymyr Zelensky. Có vẻ như ông Trump đang muốn đẩy nhanh tiến độ trong khi Putin cho rằng thời gian đứng về phía mình.

Đối ngoại của "Trump 47" sẽ thay đổi ra sao ?

Một bài viết khác cũng trên Le Figaro dự báo về chính sách đối ngoại của ông Trump : không tham chiến, không đa phương, rất nhiều thương lượng. Chẳng cần phải nhắc lại vai trò trên trường quốc tế của các tổng thống Mỹ trước đây như Roosevelt, Truman, Nixon, Reagan. Các vị này không tiến hành một mình, mà với sự hỗ trợ của Hạ Viện về ngân sách, cần có sự đồng ý của 2/3 Thượng Viện để phê chuẩn các hiệp ước đã thương lượng, với sự giúp sức của Hội đồng An ninh Quốc gia cùng Bộ Ngoại giao.

Trump không thích chiến tranh. Nếu là tổng thống năm 2011, ông đã không theo chân Pháp và Anh tấn công Libya để lật đổ Kadhafi. Tháng 6/2019, khi một drone giám sát của Mỹ bị Iran bắn rơi trên eo biển Ormuz, các tướng lĩnh Lầu Năm Góc chuẩn bị trả đũa. Ngay trước lúc tấn công, khi biết từ 100 đến 200 người sẽ thiệt mạng, Donald Trump từ bỏ ý định vào phút chót vì thấy rằng không có người Mỹ nào bị chết trong vụ drone. Ngược lại, khi thủ lãnh Vệ binh Cách mạng giựt dây dân quân tấn công đại sứ quán Mỹ ở Iraq, Trump không ngần ngại ra lệnh tiêu diệt tướng Qassem Solemani. Thông điệp với Iran đã rõ : không hiếu chiến không có nghĩa là yếu đuối, dễ dọa nạt.

Nhà tỉ phú không ưa đa phương, chỉ muốn đối thoại tối đa với hai, ba đối tác chứ không thích nghe nhiều diễn văn. Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, hiệp ước Vienna về nguyên tử Iran, thỏa thuận Auckland về tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương do Obama thương thảo. Ngoại giao thời chính quyền Trump thường bỏ qua các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và nếu Trump dự hội nghị NATO là để ép các thành viên tăng chi quân sự. Donald Trump thấy thoải mái nhất khi thương lượng. Ông đã gọi cho Zelenskyy sau khi đắc cử để trấn an. Tuy muốn chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, nhưng không có gì bảo đảm Trump sẽ nhượng bộ Kremlin về mọi thứ. "Trump 47" sẽ rất cứng rắn, nhưng ít nhất đối với các nhà ngoại giao Châu Âu, cũng rõ ràng.

Một ngàn tỉ đô la cho khí hậu, ai sẽ trả ?

Chính sách đối ngoại của ông Donald Trump, giờ tính sổ của đảng Dân Chủ Mỹ sau thất bại, doanh nghiệp Pháp chuẩn bị phải đóng thuế nặng hơn, hội nghị khí hậu COP29 diễn ra tại Baku trong không khí căng thẳng. Đó là những đề tài trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Về hồ sơ khí hậu, La Croix nhấn mạnh con số Một ngàn tỉ ! Các quốc gia phát triển tham dự Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu (COP29) tại Baku, thủ đô Azerbaijan hôm nay sẽ phải thỏa thuận để có được tối thiểu 1.000 tỉ đô la mỗi năm để giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu kể từ 2025. Thoạt nhìn thì số tiền này quá lớn khiến nhiều người cho rằng đàm phán sẽ thất bại, "một hội nghị COP vô ích".

Tuy nhiên theo La Croix tiêu chí này không phải là không thể đạt nổi, vì thực ra 1.000 tỉ đô la chỉ là 1% GDP toàn cầu. Đánh thuế vào giao dịch tài chánh sẽ mang lại 777 tỉ đô la trong 10 năm, trích 9 đô la từ các hành khách đi máy bay nhiều lần trong năm sẽ có được 121 tỉ đô la. Như vậy vấn đề còn lại là ý chí chính trị và công lý. Các nước có 12 ngày để tìm ra được thỏa thuận.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế