Bên cạnh việc đối phó với biến thể Omicron, sự kiện tổ chức phi chính phủ Memorial nổi tiếng bị tòa án Nga ra lệnh giải thể được báo chí Pháp hôm nay rất quan tâm. Các báo đều nhắc đến những tiếng hô vang "Pozor !" (Nhục nhã !) khi bản án được tuyên, của vài chục người Nga, bất chấp giá lạnh mùa đông vẫn tập trung trước tòa.
Một người biểu tình bị cảnh sát bắt khi đang cùng với nhiều người khác phản đối phán quyết giải thể tổ chức Memorial, trước Tòa án Tối cao Liên bang Nga ở Moskva ngày 28/12/2021. AP
Les Echostố cáo "Tư pháp Nga giải thể Memorial, tổ chức phi chính phủ của thời perestroika". Le Figarocoi sự kiện này là "đòn cuối cùng đánh vào đối lập", còn Libérationgọi đây là "phát súng ân huệ", "chiến thắng của lịch sử chính thức" - tức viết theo ý muốn của Nhà nước.
"Tại sao chúng ta, hậu duệ của những người thắng cuộc lại phải xấu hổ và hối hận, thay vì hãnh diện trước vinh quang của quá khứ ?". Tuyên bố của công tố viên Jafiarov đã nói lên thực chất của phiên tòa Memorial hôm qua. Tuy bị kết án theo luật về "nhân tố nước ngoài", nhưng coi như tòa mặc nhiên công nhận sự đối đầu giữa hai quan điểm về lịch sử xô-viết. Một bên là Nhà nước Nga muốn coi là kế thừa của Liên Xô với lịch sử được đánh bóng, mang chất anh hùng dựa trên chiến thắng năm 1945. Bên kia là xã hội dân sự Nga, kế thừa chính sách glasnost, với nghĩa vụ ghi chép lại những chương đen tối của thời kỳ toàn trị và đàn áp kiểu Stalin, mà Memorial là ngọn cờ đầu.
Được giải Nobel Hòa bình Andrei Sakharov thành lập năm 1988 khi Liên Xô đang sống những năm cuối cùng, nhờ chủ trương đổi mới của Mikhail Gorbachev, hiệp hội của những nhà sử học muốn đáp ứng khát vọng tìm kiếm sự thật của xã hội Nga. Kho lưu trữ của KGB được mở ra, hàng triệu gia đình muốn biết tin tức cha, ông, chú bác, chồng… của mình, những người bị mất tích trong guồng máy gu-lắc (gulag). Đối với những người sáng lập, chỉ với cái giá của hồi ức, nước Nga hiện đại mới có thể thực sự lật qua những trang khủng bố thời Liên Xô để tiến lên phía trước. Danh sách ba triệu nạn nhân của các trại cải tạo gu-lắc đã được lập ra, và vẫn chưa hoàn tất.
Bên cạnh nhiệm vụ lịch sử này, Memorial nhanh chóng gánh thêm hoạt động đương đại : bảo vệ nhân quyền. Trước hết là trong hai cuộc chiến Chechnya, rồi dần dà trước sự cứng rắn của chính quyền - đặc biệt là khi Vladimir Putin lên nắm quyền – đã lập ra danh sách tù nhân chính trị. Một cuộc chiến không cân sức diễn ra, và theo đạo diễn Ý Ettore Scola, không phải Memorial chống Nhà nước mà chính Nhà nước Nga chống Memorial. Chẳng hạn năm 2009, một nữ điều tra viên của Memorial, Natalia Estemirova đã bị bắt cóc và sát hại.
Theo Le Figaro, "Putin tiếp tục viết lại quá khứ xô-viết". Gọng kềm từ từ siết lại, các kho tài liệu lưu trữ khép cửa, Stalin lại được tôn thờ, "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại" trước Đức quốc xã trở thành chủ đề cấm kỵ. Không được kể lại những trang sử kinh hoàng như vai trò của mật vụ NKVD (tiền thân của KGB), từng xử bắn hàng trăm ngàn người lính bị kết án oan là gián điệp ; còn vụ thảm sát Katyn bị đổ cho Đức quốc xã.
Kết cuộc hôm nay đã được đoán trước, từ nhiều tuần qua Memorial đã chuẩn bị. Trả lời phỏng vấn Libération, ông Nicolas Werth, phụ trách chi nhánh Memorial ở Pháp, một trong những chuyên gia uy tín chuyên nghiên cứu về chế độ Xô-viết nhấn mạnh "Sự thật sẽ không bao giờ bị hủy diệt". Công trình của Memorial từ ba chục năm qua đã được lưu trữ và không thể bị tiêu hủy.
Ông cho biết không hề ngạc nhiên, nhất là một hôm trước đó, 27/12, nhà sử học chuyên về các trại cải tạo gu-lắc Yuri Dimitriev đã bị tòa phúc thẩm tăng bản án lên 15 năm tù. Đây là cuộc tấn công trên mọi phương diện : số tù nhân chính trị đã trên 400 người và sẽ còn tăng lên. Tuy vậy Nicolas Werth cũng có chút lạc quan.
Trước hết, quá trình giải thể cần phải nhiều tháng, thậm chí một năm ; và vẫn có thể kháng cáo dù không ảo tưởng. Và nhất là các ghi chép trong ba thập niên qua đã được số hóa, lưu trữ ở những nơi an toàn. Ngoài ra, Memorial không tổ chức theo chiều thẳng đứng mà theo chiều ngang, gồm 63 chi nhánh khu vực và 7 ở nước ngoài (trong đó có 2 chi nhánh ở Ukraine), hoạt động khá độc lập và có kho lưu trữ của riêng mình. Trong khi đó bản án hôm 28/12 chỉ liên quan đến một số chi nhánh. Chính quyền sẽ phải giải thể lần lượt từng chi nhánh một, mất thêm một ít thời gian nữa.
Liệu có thể hy vọng vào phản ứng của xã hội dân sự Nga hay không ? Về mặt này, nhà nghiên cứu kém lạc quan hơn. Hai dịp cuối tuần biểu tình ủng hộ Alexei Navalny với khoảng mấy chục ngàn người tham gia so với dân số 144 triệu, vẫn chưa thể tạo được sức nặng. Còn Memorial không được biết nhiều như Navalny. Chỉ có giới trí thức, khoảng vài trăm hoặc vài ngàn người là nhiệt tình ủng hộ, nhưng không thể có được phong trào phản kháng quy mô.
Thời kỳ Liên bang Xô viết hiện hữu có thể được chia làm hai, nửa đầu đầy bạo lực, khủng bố ; nửa sau là Nhà nước bao cấp, tạo hoài niệm cho một số người về một thuở hàng hóa thiếu thốn nhưng việc làm được bảo đảm. Nicolas Werth cho rằng thế hệ mới khá dửng dưng về Liên Xô cũ, do từ 20 năm qua, đã xuất hiện một xã hội tiêu thụ, và Vladimir Putin liên kết xã hội này với tự hào dân tộc.
Về quân sự, Les Echos phân tích "Putin sử dụng Ukraine như thế nào để tái khẳng định sức mạnh Nga". Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và rộng hơn là an ninh Châu Âu, sẽ là trung tâm cuộc đàm phán ngày 10/01/2022 ở Genève.
Nhưng theo chuyên gia Thomas Gomart của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), vấn đề vượt xa cuộc khủng hoảng Ukraine và việc mở rộng NATO. Đối với Nga, nhằm chứng tỏ có đủ phương tiện để đóng vai trò địa chiến lược quan trọng hơn, đứng ngang hàng với siêu cường Mỹ và ảnh hưởng đến vận mạng Châu Âu. Chiến lược này tiến hành theo nhiều giai đoạn : gây áp lực quân sự lên Ukraine, chọn lựa hỏa tiễn siêu thanh giúp thay đổi ván cờ, và nay đến đàm phán ngoại giao. Tương tự, vụ phá hủy một vệ tinh trên vũ trụ hồi tháng 11 nhằm biểu dương sức mạnh, sau thời gian sa sút từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Cuộc đối thoại với Washington đưa Nga ra khỏi vai trò cường quốc cấp khu vực thời Obama, có thể góp phần làm yếu đi sự hợp tác giữa đôi bờ Đại Tây Dương vì Châu Âu vắng mặt. Thomas Gomart cho rằng Vladimir Putin đã nhận lấy rủi ro lớn, vì những yêu sách của ông ta khó có cơ được phía Mỹ chấp nhận. Tuy nhiên, Putin có thể đạt ít nhất ba mục tiêu. Trước hết, khắc ghi sự kiện sáp nhập Crimea, vai trò thống trị ở Donbass, ảnh hưởng lớn ở Ukraine ; tiếp đến là chặn lại chính sách mở rộng của NATO ; cuối cùng là chứng tỏ Moskva và Washington có thể cùng quyết định về an ninh Châu Âu.
Còn tại Ấn Độ, Le Figaro cho biết tổ chức phi chính phủ do Mẹ Têrêsa thành lập đang trong tầm ngắm của chính quyền. Thiểu số người Công giáo bị kỳ thị, những vụ tấn công xảy ra nhiều hơn trong dịp Noel.
Tuy xưa nay Mẹ Têrêsa vẫn là biểu tượng cho cuộc chiến chống đói nghèo ở Ấn Độ, nhưng đúng vào ngày 25/12, chính quyền liên bang đã cấm tổ chức phi chính phủ của bà nhận quyên góp từ nước ngoài, mà không một lời giải thích. Đây không phải là lần đầu Mẹ Têrêsa, vị nữ tu người Albania đã dành cả cuộc đời để chăm sóc người nghèo Ấn Độ và được Giáo hoàng Phanxicô phong thánh sau khi qua đời, bị rơi vào tầm ngắm của các nhà lãnh đạo nước Ấn. Thủ lãnh bang Uttar Pradesh hồi 2016 từng cáo buộc Mẹ Têrêsa "tham gia âm mưu Công giáo hóa Ấn Độ".
Lệnh cấm trên đây được đưa ra trong lúc cộng đồng Thiên Chúa giáo liên tục bị tấn công, với hơn một chục vụ tại bốn bang. Số vụ hành hung, bắt bớ hàng giáo phẩm, phá hoại nơi thờ tự tăng vọt trong những năm qua. Chỉ riêng trong quý I năm 2020 đã có đến 293 vụ, trong đó có 6 vụ hãm hiếp và 8 vụ giết người.
Ở Miến Điện, vụ thảm sát thường dân ở bang Kayah cũng đúng vào lễ Giáng Sinh khiến Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng.
Tại Trung Đông, Israel gia tăng oanh kích ở Syria nhằm chận bớt ảnh hưởng Tehran. Sáng tinh mơ hôm qua 28/12, Không quân Do Thái tấn công vào cảng Lattaquié, lần thứ hai trong tháng này. Những hỏa tiễn bắn đi từ Địa Trung Hải nhắm vào khu container của cảng này, gây ra những tiếng nổ lớn. Những tòa nhà, cơ sở thương mại và một bệnh viện bị hư hại, nhưng không có thiệt hại nhân mạng. Hãng tin Saana nhanh chóng cáo buộc Israel, còn Tel Aviv giữ im lặng như thường lệ, nhưng rõ ràng nhắm vào Iran.
Lattaquié là cảng chiến lược để nhập khẩu hàng hóa và vũ khí của Tehran, đối với chế độ Syria đang bị quốc tế trừng phạt. Theo một nguồn tin quân sự Israel, mục tiêu là các thiết bị quân sự công nghệ cao, chuyển cho các nhóm vũ trang phục vụ cho chiến tranh ủy nhiệm của chế độ Iran. Cho đến nay, vùng Lattaquié, quê quán của gia đình Assad, ít bị tấn công vì ở gần căn cứ không quân Nga Hmeimim, nhưng có lẽ Moskva đang cạnh tranh với Iran trong thời kỳ hậu chiến ở Syria.
Chuyên gia David Khalfa nhận định, việc gia tăng oanh kích nằm trong chiến lược lâu dài với hai lằn ranh đỏ được đặt ra. Đó là chận lại các chuyến vũ khí giao cho Hezbollah qua ngả Syria để phe này khó thể trở thành lực lượng số một đối đầu với Israel, và tránh mở ra một mặt trận mới ở phía Golan thuộc Syria, nơi Iran tài trợ đang huấn luyện cho dân quân Afghanistan và Pakistan.
Các vụ oanh kích diễn ra trong lúc đàm phán để cố gắng cứu vãn hiệp định nguyên tử Iran được tái lập tại Vienna từ 27/12. Thủ tướng Naftali Bennett tuyên bố không tự động phản đối hiệp ước, nhưng đồng thời đứng về phe có quan điểm cứng rắn nhất. Được hỏi về vụ tấn công ở Syria, nhà lãnh đạo Do Thái trả lời ông muốn "nói ít, làm nhiều".
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận xét thách thức đồng euro đã được vượt qua. Hai mươi năm sau, có đến 3/4 người Pháp ủng hộ đồng tiền chung Châu Âu, trong khi lúc mới được lưu hành năm 2001, dân Pháp rất băn khoăn khi phải từ bỏ đồng quan (franc) quen thuộc từ bảy thế kỷ.
Trong bài xã luận "Tiếng nói của lý trí", Le Figaro ghi nhận giờ đây không một ứng cử viên tổng thống nào, dù chống đối Châu Âu đến đâu, lại đặt vấn đề lại dùng đồng quan Pháp thay cho đồng euro : tất cả đều được "chủng ngừa" sau kinh nghiệm đau thương của lãnh tụ đảng cực hữu Marine Le Pen hồi năm 2017. Tuy không mấy ưa những nhà kỹ trị, bàn giấy ở Bruxelles, nhưng dân Pháp đã chấp nhận đồng euro, vì lý hơn là vì tình. Họ không muốn đưa số tiền tiết kiệm của mình vào một cuộc phiêu lưu mới.
Hai mươi năm sau khi tạo ra đồng tiền chung Châu Âu, các tranh luận về việc từ bỏ đồng euro đã cạn hết lý lẽ : sự khả tín của ngân sách hầu hết các quốc gia thành viên dựa trên đồng tiền này, và luồng tài chính hoàn toàn thông suốt. Hy Lạp suýt nữa ra khỏi khu vực đồng euro đã phải cân nhắc nguy cơ những cánh cửa đóng kín và két bạc ngân hàng trống rỗng. Chỉ trong vòng hai thập niên, đồng euro đã trở thành phương tiện thanh toán quốc tế thứ nhì thế giới, sau đồng đô la, là ngọn đèn hiệu an toàn cho châu lục trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đối với cá nhân, đồng tiền này giúp tài sản họ tương đối ổn định ; doanh nghiệp tránh được những bất ổn hối đoái ; còn với các nhà nước, nó mang lại khả năng tài chính mà những đồng tiền cũ không thể sánh được. Thế mạnh này, cộng với lãi suất thấp, hỗ trợ rất nhiều cho đầu tư tương lai, chống chọi với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như Covid.
Về mặt dịch tễ, nhật báo kinh tế Les Echos nhận định, những làn sóng Covid tiếp tục diễn ra nhưng mỗi lúc một khác nhau. Giới kinh doanh với sự hỗ trợ của Nhà nước phải thích ứng để đối phó với mối đe dọa – hiện giờ là biến thể Omicron.
Vào đầu đại dịch, các công ty lo sợ nhất là nhu cầu sụt giảm, trong lúc nạn suy thoái đang rình rập trên thế giới, nhưng rốt cuộc sức mua vẫn duy trì. Sau đó Covid xuất hiện thường trực khắp nơi, các chủ doanh nghiệp sợ rằng nguyên vật liệu và linh kiện bị thiếu, họ bị ảnh hưởng bởi giá vận chuyển tăng cao và nạn lạm phát nên phải tăng giá và khách hàng cũng chấp nhận. Nhưng làn sóng Omicron lần này mang tính chất khác : bệnh nhân tăng theo cấp số nhân, gây ra nguy cơ tê liệt nền kinh tế, khiến thách thức hiện nay là vấn đề tổ chức ; và chỉ có tăng trưởng mới giúp một ngày nào đó trả được hóa đơn về những thiệt hại do Covid gây ra.
Thụy My