Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cơ quan phi đạn của Mỹ thu hẹp kế hoạch phòng thủ ở Guam

Một hệ thống phòng thủ phi đạn trị giá hàng tỉ đôla được đề xuất cho Guam được giảm xuống còn 16 địa điểm trên đảo từ 22 địa điểm ban đầu, Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ cho biết trong một bản dự thảo tuyên bố về tác động môi trường vào ngày thứ Sáu.

guam1

Vị trí đảo Guam trong vùng biển bắc Thái Bình Dương

Dự án được thiết kế để tạo ra sự bảo vệ "360 độ" cho lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng phi đạn và trên không dưới mọi hình thức, cơ quan này cho biết. Các kế hoạch bao gồm tích hợp SM-6 của Raytheon, SM-3 Block IIA, THAAD của Lockheed Martin, và Patriot PAC-3, vốn sử dụng các cấu phần từ cả hai công ty này, trong khoảng 10 năm.

Nghiên cứu tác động môi trường, bắt đầu vào năm ngoái và bao gồm giai đoạn lấy ý kiến công chúng trong năm nay, đề xuất "triển khai, vận hành, và bảo trì kết hợp các cấu phần tích hợp cho phòng thủ phi đạn và phòng không được bố trí tại 16 địa điểm" trên đảo. Báo cáo không nêu lý do tại sao số lượng địa điểm bị cắt giảm.

Tất cả 16 địa điểm còn lại đều nằm trên tài sản quân sự của Mỹ

Dự án này hệ trọng đối với Mỹ và các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì nó cung cấp một trung tâm hậu cần cách xa bờ biển của Mỹ - Guam gần Trung Quốc hơn Hawaii.

Kho phi đạn đạn đạo chính quy khổng lồ của Trung Quốc bao gồm DF-26, với tầm bắn ước tính khoảng 4.000 km, cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn chống hạm. Các loại vũ khí mới hơn đang được phát triển, chẳng hạn như phương tiện lướt siêu thanh DF-27, đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều từ các nhà hoạch định quân sự của Mỹ.

"Đó là một căn cứ hoạt động tiền phương cho máy bay ném bom tầm xa và là một cảng cho tàu thuyền, để các tàu hải quân có thể ra khơi từ đó", Peter Layton, một chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith Châu Á ở Úc nói. "Chắc chắn những địa điểm ở Nhật Bản và Philippines gần hơn nhiều (so với Trung Quốc)... nhưng dễ nằm trong tầm ngắm hơn nhiều".

Sẽ có các cuộc họp công khai tại Guam vào tháng sau để thảo luận về báo cáo ngày thứ Sáu, theo tuyên bố của Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ.

Reuters

Nguồn : VOA, 27/10/2024

Additional Info

  • Author Reuters
Published in Châu Á

Mỹ tăng cường phòng thủ ở đảo Guam đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

Thu Hằng, RFI, 24/08/2022

Quân đội Mỹ đang tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Guam, có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Trang 9News của Úc ngày 24/08/2022, trích phát biểu của một chỉ huy cấp cao Mỹ, cho biết năng lực phòng thủ mới trên đảo có mục đích đối phó với mối đe dọa từ các loại vũ khí tiên tiến của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

tqdl1

Căn cứ không quân Mỹ trên đảo Guam. Ảnh minh họa. Reuters

Trên trang Denfense News, người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ (MDA), phó đô đốc Jon Hill, giải thích, hệ thống mới gồm nhiều loại vũ khí siêu thanh, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như nhiều hệ thống không gian. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang hoàn thiện hệ thống công nghệ quân sự mới cần thiết cho đảo Guam, bao gồm các cảm biến radar, vũ khí đánh chặn, hệ thống chỉ huy và kiểm soát.

Theo phó đô đốc Jon Hill, quân đội Mỹ dự kiến hoàn tất hệ thống phòng thủ toàn diện mới từ nay đến năm 2026, trong đó có nhiều radar có thể hoạt động 360°, bảo đảm năng lực đáp trả của Mỹ trước sự biến đổi của các mối đe dọa. Vào tháng 01/2022, Bắc Triều tiên đã thử thành công tên lửa tầm trung Hwasong-12 có thể bắn tới đảo Guam. Năm 2019, quân đội Trung Quốc cũng thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26, được gọi là "sát thủ đảo Guam", có tầm bắn 4.500 km, mang được đầu đạn hạt nhân và quy ước.

Đảo Guam nằm cách đông nam Thượng Hải của Trung Quốc khoảng 3.000 km và là căn cứ quân sự của Mỹ nằm gần Trung Hoa lục địa nhất. Guam có hai căn cứ quân sự chính, gồm 7.000 quân nhân : căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam.

Thu Hằng

*************************

Những nước Châu Á nào ủng hộ Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan ?

Phan Minh, RFI, 23/08/2022

Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã thực hiện chuyến công du tới Đài Bắc hôm 02/08/2022 vừa qua. Điều này đã khiến căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang khi Trung Quốc quyết định tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo với mục đích dằn mặt cả Washington lẫn Đài Bắc. Trang mạng của Nhật The Diplomat, ngày 13/08/2022, có bài phân tích phản ứng của các nước Châu Á về "cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan" sau chuyến đi của bà Pelosi.

tqdl2

Ảnh minh họa.  Reuters - DADO RUVIC

Dường như tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều đồng tình về một điều : tình hình hiện nay ở eo biển Đài Loan đang gây lo ngại và là mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng ngoài nhận định đó, các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng hiện tại ở Đài Loan, phải chăng là Hoa Kỳ, do chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hay Trung Quốc, vì các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo mang tính khiêu khích và khác với các cuộc tập trận trước đây. 

Trung Quốc tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói với các phóng viên vào ngày 08/08 rằng "hơn 170 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan thông qua nhiều cách khác nhau". Những người ủng hộ Trung Quốc "chiếm đa số áp đảo so với Mỹ và một số ít nước theo đuôi Washington", ông Uông nói thêm. 

Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc gọi là "ủng hộ" bao gồm một loạt các sắc thái. Một số nước đối tác, đặc biệt là Nga và Bắc Triều Tiên, đã cùng với Trung Quốc công khai lên án Hoa Kỳ về chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi và đổ lỗi cho Washington đã khuấy động khu vực dẫn đến căng thẳng hiện tại. Nhưng rất ít quốc gia có chung lập trường này. Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan điểm ủng hộ Trung Quốc nhưng không công khai chỉ trích Hoa Kỳ, và nhiều nước giữ lập trường trung lập, chỉ bày tỏ "quan ngại" mà không cáo buộc bất cứ ai. 

Đổi lại, một số quốc gia, bao gồm cả những nước mà Trung Quốc tuyên bố là ủng hộ mình, đã có những phát biểu gần với quan điểm của Hoa Kỳ và Đài Loan, nhấn mạnh đến nguy cơ căng thẳng leo thang, trước những khẳng định của Trung Quốc theo đó, chủ quyền của Bắc Kinh bị vi phạm. Và một số quốc gia, các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ như Úc hay Nhật Bản, đã công khai lên án các hành động của Trung Quốc nhằm gây bất ổn trong khu vực khiến căng thẳng leo thang. 

Để làm rõ những sắc thái này, cần phải xem xét các tuyên bố chính thức của bộ Ngoại giao, thông cáo báo chí và các bình luận được lưu lại trên các phương tiện truyền thông của 33 nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Úc và New Zealand. Sau đó, đánh giá các tuyên bố của họ trên thang điểm từ 1 đến 5, trong đó là những nước có luận điệu phù hợp với quan điểm của Trung Quốc nhất, còn 5 là những nước có lập trường ngược lại (hoặc nói một cách khác là phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ và Đài Loan). 

Ba nước ủng hộ Trung Quốc nhất là Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Nga. Cả ba đều công khai cáo buộc Hoa Kỳ là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay. Tuyên bố của chính quyền quân sự Miến Điện nói rằng chuyến thăm của bà Pelosi "đang gây ra leo thang căng thẳng trên eo biển Đài Loan". Trong khi đó, Bắc Triều Tiên phản đối "hành động can thiệp ngang ngược của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và những khiêu khích chính trị và quân sự có chủ đích của họ". Nga nói về "các vấn đề và khủng hoảng do Washington gây ra" và cáo buộc Hoa Kỳ "vi phạm" "nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền của các quốc gia". 

Ít nước ủng hộ ở mức độ này, nhưng có 10 quốc gia khác đã bày tỏ quan điểm khá gần gũi với lập trường của Bắc Kinh mà không lên án Hoa Kỳ trực tiếp. Tuyên bố của các quốc gia này đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí sau : chúng thể hiện lập trường rằng Đài Loan "là một phần không thể tách rời của Trung Quốc" ; họ bày tỏ sự ủng hộ hoặc lo ngại về những vi phạm "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc" hoặc họ kêu gọi "không can thiệp" vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Tất cả những điều này đều rất phù hợp với các luận điểm của Bắc Kinh. 

Tuyên bố của Pakistan là một ví dụ điển hình về những quốc gia xếp ở nhóm thứ hai này : 

"Pakistan tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ và ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Pakistan quan ngại sâu sắc về tình hình đang phát sinh ở eo biển Đài Loan, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực. Pakistan thực sự tin tưởng rằng quan hệ giữa các quốc gia cần dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ và giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, bằng cách tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương".

6 quốc gia khác đã có những phản ứng và tuyên bố được xếp vào nhóm có lập trường trung lập thực sự, xếp ở nấc 3 trong thang điểm 1-5. Các quốc gia này đã đưa ra tuyên bố "quan ngại" và kêu gọi "tất cả các bên" thực hiện kiềm chế, thận trọng và không làm tình hình leo thang. Tuyên bố của họ có đề cập đến cả những lo ngại về "chủ quyền" và "leo thang", phản ánh quan điểm của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chẳng hạn, tuyên bố của Indonesia nói rằng "Indonesia quan tâm sâu sắc đến sự kình địch ngày càng gia tăng giữa các cường quốc" và "kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trước các hành động khiêu khích có thể làm trầm trọng thêm tình hình". Tuy nhiên Jakarta không đề cập đến các hành động cụ thể làm dấy lên lo ngại của Indonesia. 

4 quốc gia khác là Ấn Độ, New Zealand, Singapore và Việt Nam tự đặt mình gần gũi với Hoa Kỳ hơn, trong khi không trực tiếp lên án Trung Quốc. Các quốc gia này được xếp ở nấc 4, đã đề cập đến sự cần thiết trong việc "giảm leo thang căng thẳng" và " hành động kiềm chế", những ngôn từ được Washington sử dụng. Tuy nhiên, những quốc gia này không bày tỏ những quan ngại về chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ. Singapore, chẳng hạn, "nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc tránh nhận định sai lầm và tai nạn không đáng có, có thể dẫn đến một vòng xoáy leo thang và gây bất ổn cho khu vực". Ấn Độ, nước đã trì hoãn đưa ra bất kỳ bình luận nào trong 10 ngày sau khi bà Pelosi đến Đài Loan, cuối cùng nhận xét rằng : "Chúng tôi kêu gọi thực hiện kiềm chế, tránh các hành động thay đổi hiện trạng một cách đơn phương, giảm leo thang căng thẳng và nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực". 

Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có 2 quốc gia là Úc và Nhật Bản cùng với Mỹ và Đài Loan trực tiếp chỉ trích Trung Quốc về các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo. Nhật Bản, trong một tuyên bố chung với các ngoại trưởng G7 khác, đã tố cáo "các hành động đe dọa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Úc thì cho biết "quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào các vùng xung quanh bờ biển của Đài Loan", điều mà Canberra gọi là "không chính đáng và gây mất ổn định". 

Một lưu ý cuối cùng : Những lời khẳng định lại về "chính sách Một nước Trung Hoa" không phải là yếu tố được tính tới trong việc phân loại này, vì đơn giản là mọi quốc gia đều đưa ra những tuyên bố ủng hộ "chính sách một nước", kể cả Hoa Kỳ, nhưng họ lại không có cùng quan điểm với Trung Quốc. Thế nhưng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc thường xuyên tính gộp cả những nước tái khẳng định ủng hộ "chính sách Một Trung Quốc" như là bằng chứng về sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh, ngay cả khi phần còn lại trong các tuyên bố đó có thể hoàn toàn trái ngược với lập trường của Trung Quốc 

Một số quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đã không đưa ra tuyên bố chính thức nào, trong đó có Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ và đó là điều đáng chú ý nhất. 

Lập trường của các quốc gia về cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan gần đây giống với lập trường địa chính trị vốn có từ trước của họ. Các quốc gia gần gũi hoặc với Hoa Kỳ hoặc với Trung Quốc đều có những phản ứng bày tỏ lập trường nhất định trong hồ sơ Đài Loan. Nhưng có một bộ phận lớn trong khu vực, bao gồm gần như toàn bộ các nước Đông Nam Á không muốn đứng về bất cứ phe nào cả.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Phan Minh
Published in Châu Á

Mỹ biến đảo Guam thành tiền đồn chống Trung Quốc ở Châu Á ?

Châu Á tuần này khá được các tạp chí Pháp chú ý. Nổi bật là tờ Le Point với hồ sơ chính cho Trung Quốc, với câu hỏi "Phải chăng ông Tập (Cận Bình) là bá chủ thế giới ?", bên trên ảnh lớn của chủ tịch Trung Quốc trong quân phục rằn ri dữ dằn.

guam00

Guam, căn cứ quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh militarybases.co

Ở trang trong, Le Point đã có một phóng sự dài thực hiện ngay tại đảo Guam, phân tích về mưu đồ bá chủ Biển Đông của Trung Quốc và cố gắng đối phó của Mỹ bằng cách củng cố tiền đồn của mình là đảo Guam.

Trong hồ sơ chính của mình, Le Point đã phân tích nhiều về chủ nhân ông của Trung Quốc hiện nay là Tập Cận Bình, và người đã truyền cảm hứng cho ông ta là đại tá về hưu Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), tác giả một quyển sách đang bán rất chạy ở Trung Quốc hiện nay : "Giấc mơ Trung Hoa", xác định rằng "Giấc mơ Trung Hoa là vượt qua Hoa Kỳ, chúng ta không thể hài lòng với vị trí thứ hai. Chúng ta sẽ đạt được điều đó trong 20-30 năm tới đây".

Theo Le Point, để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc chẳng hạn, đang thực hiện một dự án khổng lồ ở tận nước Lào, san bằng bảy ngọn đồi để có được 10.000 ha đất. Boten - tên của dự án đó – "sẽ trở thành một trung tâm giao thương nhờ việc xây dựng hai con đường, một tuyến đường sắt nối liền Bắc Kinh-Bangkok và Singapore vào năm 2025, và một đường cao tốc băng qua khu Tam Giác Vàng trước khi chạy xuống vùng đồng bằng Thái Lan, đến tận Bangkok".

Le Point đặc biệt chú ý đến cục diện mới ở Biển Đông trong bài phóng sự của Sébastien Falletti thực hiện ngay tại đảo Guam, mà tạp chí mệnh danh là "tiền đồn của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương". Le Point ghi nhận là hòn đảo này chính là nơi mà chiếc B29 Enola Gay đã cất cánh, mang theo quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản ngày 06/08/1945. Ngày nay, đối thủ của Washington không còn là Tokyo, mà là Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Với Tập Cận Bình, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gia tăng hành động tại Biển Đông, nơi họ đòi chủ quyền trên 90% diện tích thông qua một bản đồ hình lưỡi bò, không cần đếm xỉa đến những tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei. Kể từ năm 2014, Quân Đội Trung Quốc đã biến 7 rạn san hộ tại đấy thành đảo nhân tạo dưới sự chứng kiến bất lực của chính quyền Barack Obama.

Chỉ trong vòng vài tháng, các rạn san hô như Đá Chữ Thập (Fiery Cross) hay Gạc Ma (South Johnson) đã biến thành tiền đồn trên đại dương với phi đạo, nhà kho, bến cảng, vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và chuẩn mực môi trường. Bắc Kinh lớn tiếng thề rằng đó là các cơ sở hạ tầng dân sự, và chủ tịch Trung Quốc hứa sẽ không quân sự hóa quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các cam kết đó có vẻ hoàn toàn vô giá trị vào lúc hình ảnh vệ tinh cho thấy súng phòng không được lắp đặt trên bảy hòn đảo nhân tạo.

Khi bị chỉ trích, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã đáp trả : "Nếu ai đó đến réo chuông trước cửa nhà bạn với thái độ ngạo mạn thì bạn không đề phòng sao ?". Bắc Kinh đã đòi Hoa Kỳ đình chỉ ngay lập tức các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và bản chất quốc tế của Biển Đông, mà Hải Quân Mỹ đã tiến hành trong vùng.

Theo Le Point, sự tăng vọt của các tiền đồn Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này, cộng thêm với một chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân đang tăng tốc, đã nuôi dưỡng sự lo ngại của Mỹ về một khả năng tồi tệ nhất : đó là Biển Đông trở thành "ao nhà" của Trung Quốc, nơi Hải Quân Mỹ bị cấm vào.

Mỹ củng cố đảo Guam thành căn cứ chính của thủy quân lục chiến

Chính trong bối cảnh đó mà theo Le Point, Mỹ đang có kế hoạch cho lực lượng thủy quân lục chiến tinh nhuệ của mình rầm rộ quay lại đảo Guam, một nơi được Lầu Năm Góc cho là có vị trí chiến lược thiết yếu trong thế kỷ 21 này, một căn cứ hậu cần thiết yếu để bảo đảm tuyến liên lạc giữa vùng California ở Mỹ cách đấy 9.000 km, với Châu Á đang trở thành buồng phổi của nền kinh tế thế giới.

Theo ghi nhận của Le Point, từ nay đến năm 2020, Guam sẽ trở thành căn cứ chính của thủy quân lục chiến Mỹ tại Châu Á, với hơn 5.000 quân, phối hợp với một lực lượng không nhỏ của Không Quân và Hải Quân Mỹ cũng được tăng cường, để đưa tổng cộng số linh Mỹ trên đảo lên thành 14.000 người.

Hiện nay, Guam đã trở thành nơi mà các hàng không mẫu hạm hay tàu ngầm nguyên tử Mỹ có thể ghé để được tiếp tế, trên đảo có vô số ăng ten vệ tinh cực mạnh để truyền đi hàng tỷ dữ liệu giữa Châu Á và Washington.

Luật pháp hay sức mạnh sẽ thắng trên Biển Đông ?

Cục diện sắp tới sẽ ra sao ? Nhận định của Le Point khá bi quan. Theo tạp chí Pháp, nhiều chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang suy giảm, cho dù tân tổng thống Mỹ đã tỏ một số thái độ cứng rắn, thách thức Bắc Kinh về thương mại và Biển Đông.

Đối với các chuyên gia này, cho dù có hàng không mẫu hạm Mỹ vẫn tuần tra khu vực, ảnh hưởng của Mỹ chủ yếu thể hiện qua "quyền lực mềm" về kinh tế và văn hóa cũng như về quyết tâm bảo vệ đồng minh. Cả hai cột trụ này đều đang bị Donald Trump làm lung lay.

Le Point kết luận : Cuộc đọ sức trên Biển Đông không đơn thuần là cuộc chiến giành lấy một vài hòn đảo nhỏ, mà là một bài trắc nghiệm về trật tự thế giới trong thế kỷ 21, sẽ do luật pháp hay sức mạnh chi phối ? Việc Trung Quốc ngang nhiên chận bắt một chiếc tàu lặn không người lái của Mỹ vào tháng Giêng vừa qua là một lời cảnh báo, nhất là khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người muốn hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" lại không có thể tự do hành động, không thể nào lùi bước trên biển trước một dư luận trong nước đang muốn tái khẳng định sức mạnh có hàng thế kỷ trước đây của Thiên Triều.

"Những bạo chúa đang thách thức chúng ta"

Tuần báo Pháp L’Express cũng đề cập đến Châu Á trong hồ sơ chung giới thiệu chân dung một số nhà độc tài đang tại vị trên thế giới, mà L’Express không ngần ngại gọi là "bạo chúa – tyrans". Tờ báo đã dành trang bìa đăng ảnh Kim Jong-un để minh họa cho hồ sơ lớn "Những bạo chúa đang thách thức chúng ta", bên trên một tiểu tựa : "Từ Bắc Triều Tiên đến Syria, từ Venezuela đến Philippines".

Đối với L’Express, "các chế độ độc tài không giống nhau nhưng sống dai dẳng với thời gian. Một số thì đàn áp chính người dân của họ, một số khác thì không ngần ngại đe dọa hòa bình thế giới".

Trước khi đi vào chi tiết, tuần báo Pháp đã có một nhận định chung : đó là các nhà độc tài thường có quan hệ mật thiết với nhau, chúc tụng nhau mỗi khi có dịp. Chẳng hạn như nhân dịp nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro qua đời, đã có nhiều lời chia buồn tha thiết đến từ các "cảm tình viên" của nhà độc tài. Nếu Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên thương tiếc "người bạn thân và một đồng chí", thì tổng thống Iran Hassan Rohani đã nói đến "một chiến binh không mệt mỏi". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng "đồng chí Castro sẽ đời đời sống mãi", trong lúc tổng thống Belarus Alexander Loukachenko thì nhắc tới "một người thân thiết và một nhà tư tưởng độc đáo".

L’Express đã dành nhiều trang, bài để mô tả một số "bạo chúa" đang cầm quyền trên hành tinh, mà đứng đầu danh sách là Kim Jong-un tại Bắc Triều Tiên. Theo nhận xét của tạp chí Pháp, bạo chúa Châu Á này đang là người đe dọa hòa bình thế giới với tên lửa liên lục địa của mình, và đã thiết lập một triều đại khủng bố trong nước...

L’Express dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc theo đó có từ 80.000 đến 120.000 người Bắc Triều Tiên bị cho là đang bị giữ trong các trại lao cải, một con số chưa từng thấy tại bất kỳ nước nào khác trên thế giới...

Một bạo chúa khác mà L’Express cho là "không cần phải giới thiệu" là Bashar al-Assad, tổng thống Syria. Theo tạp chí Pháp, để không bị cuốn theo làn sóng các "cuộc cách mạng Ả Rập" - đã lật đổ các chế độ độc tài cầm quyền tại Tunisia, Ai Cập và Libya vào năm 2011, tổng thống Syria đã khởi động một cuộc nội chiến với hậu quả khủng khiếp : "Sáu năm xung đột đã khiến hàng trăm ngàn người chết".

Tại Châu Mỹ thì có trường hợp của Venezuela, với đương kim tổng thống Nicolas Maduro, người lên kế nhiệm Hugo Chavez. Đối với L’Express, đất nước này đang đứng bên bờ vực của nội chiến.

Một bạo chúa khác – ít thu hút sự chú ý – là lãnh đạo Issayas Afewerki của xứ Châu Phi Erythrea, được L’Express mệnh danh là "kẻ thủ tiêu người ở xứ Erythrea". Là một người được đào tạo tại Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, Issayas Afewerki đã gieo rắc kinh hoàng trên cả nước và xô đẩy hàng trăm ngàn người dân bỏ xứ chạy qua nước khác lánh nạn. Một ví dụ : Năm 2016, người Erythrea chiếm 11,7% tổng số người tị nạn trôi dạt vào nước Ý.

Danh sách bạo chúa thời nay của L’Express còn bao gồm Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines, Alexander Loukachenko, tổng thống Belarus, Gourbangouly Berdymoukhammedov, xứ Turkmenistan, hay Daniel Ortega, tổng thống Nicaragua, được xem là một nhà độc tài "mềm", Robert Mugabe, tổng thống Zimbabwe. Ngay cả tân vương Thái Lan Rama X, tước hiệu của thái tử Maha Vajiralongkorn, cũng bị L’Express đưa vào danh sách này.

Tại Anh Quốc, tuần báo The Economist cũng nhìn về tình hình Bắc Triều Tiên : Trên một bức họa vẽ một cụm khói hình nấm của bom nguyên tử, với tai nấm có hình dáng của Kim Jong-un và Donald Trump đang lườm nhau, tờ báo lo ngại "Điều đó có thể xẩy ra", điều đó ở đây là cuộc xung đột giữa hai nước đều có vũ khí hạt nhân.

Jeanne Moreau và cơn lốc cuộc đời

Trong các tuần báo lớn tại Pháp, có lẽ L’Obs là tờ duy nhất khai thác thời sự Pháp, với hồ sơ lớn trang bìa nói về minh tinh Jeanne Moreau vừa qua đời ở tuổi 89, và đặc biệt ở trang trong là phóng sự về "Cuộc sống về sau của họ – Leur vie d’après".

Về Jeanne Moreau, tạp chí Pháp đã đã đăng một bức ảnh đen trắng của nghệ sĩ, và ở bên trong, đã điểm qua những nét chính trong cuộc đời của Jeanne Moreau được ví với một cơn lốc xoáy, lấy ý từ bài hát "Le Tourbillon de la vie– Cơn lốc cuộc đời" đã từng khẳng định tài năng của Jeanne Moreau như là một ca sĩ, chứ không chỉ là diễn viên kịch hay điện ảnh.

Các cựu dân biểu nạn nhân của làn sóng Macron đang sống ra sao ?

Một bài viết độc đáo của L’Obs nằm ở trang trong, mang tựa đề bí hiểm "Cuộc sống về sau của họ – Leur vie d’après". Đối với L’Obs, "họ" ở đây là những cựu dân biểu Pháp đã bị làn sóng dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron cho về vườn.

Tạp chí Pháp quan tâm tìm hiểu là sau nhiều năm trời, có những người là cả chục năm trời, làm dân biểu, những người này hiện sinh sống và suy nghĩ ra sao.

Theo L’Obs, có một số người may mắn là công chức cao cấp, đã trở lại với công việc của mình trước lúc làm dân biểu. Đó là trường hợp của ông Henri Guaino, công chức Viện Kiểm Toán Cour des Comptes, hay bà Marisol Touraine, trở lại với công việc của mình ở Tham Chính Viện (Conseil d’Etat).

Nhưng cũng có người bị hụt hẫng, trước thay đổi một sớm một chiều, từ một nhân vật được nể trọng, có kẻ đưa người đón, nay phải tự làm mọi thứ. L’Express nêu trường hợp của Yann Galut, cựu dân biểu đảng Xã Hội. Nhân vật này đã công nhận như sau :

"Tôi đã phải tái lập một đường điện thoại riêng, tự mình mua vé tàu, đi tàu thì đi hạng hai, di chuyển trong thành phố thì dùng métro, ở khách sạn cũng phải tự mình đặt chỗ. Và khi tôi đến một nơi nào đó, không phải là người khác chờ tôi, mà chính tôi phải kiên nhẫn chờ người khác"…

Về tâm lý thì sao ? Bà Marie Récalde, một cựu nữ dân biểu khác thuộc đảng Xã Hội đã công nhận là bà được sống yên ổn, được tự do hơn trước, thế nhưng nhiều khi cũng cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó : "Cuộc sống trước đây của tôi diễn ra theo nhịp độ các chuyến bay phải đi, các buổi họp phải dự, các buổi mít tinh cuối tuần. Giờ thì tôi có cảm giác thật trống trải, một kiểu thiếu thốn nào đó. Trong thực tế, chúng ta như bị nghiện, công việc đó chẳng khác gì ma túy".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế