Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc muốn đem Vành đai Con đường sang Ý (BBC, 21/03/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Rome vào thứ Năm tuần này để ký kết một thỏa thuận cơ sở hạ tầng mang tính bước ngoặt, làm dấy lên nghi ngờ từ các đồng minh phương Tây của Ý.

backinh1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến BRI thành một chính sách hàng đầu.

Ông Tập muốn đem dự án Con đường Tơ lụa mới tới đây, kết nối Trung Quốc và Châu Âu. Con đừng Tơ lụa này có cái tên khác : Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI).

Nhưng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc khiến nhiều bên đặt câu hỏi, nhất là từ các Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.

BRI liên quan đến làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào hàng loạt dự án tàu trạm, đường xá và cầu cảng trên khắp thế giới, do các công ty xây dựng của Trung Quốc thực hiện thông qua các hợp đồng béo bở kết nối cảng và thành phố, với nguồn vốn là khoản nợ từ các ngân hàng Trung Quốc.

Mức nợ của các quốc gia Châu Phi đối với Trung Quốc khiến phương Tây lo ngại nhưng nếu không có Trung Quốc, những cơ sở hạ tầng này không thể xuất hiện.

Ở Uganda, hàng triệu người Trung Quốc đã xây dựng một con đường dài 50km đến sân bay quốc tế.

Ở Tanzania, một thị trấn nhỏ ven biển đã có thể trở thành cảng biển lớn nhất lục địa.

Ở Châu Âu cũng vậy, các công ty Trung Quốc đã mua 51% quyền sở hữu cảng Piraeus gần Athens năm 2016, sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp.

Tuy nhiên, Ý sẽ là cường quốc toàn cầu đầu tiên - một thành viên của G7 - nhận tiền của Trung Quốc.

Đây là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới - nhưng Rome đang ở trong một tình trạng khá rối ren.

backinh2

Chuyến du hành của nhà thám hiểm Marco Polo dọc theo Con đường Tơ lụa đã được bất tử hóa trong "Cuốn sách của Marvels"

Kinh tế Ý đang rối ren

Cầu Genève sụp đổ vào tháng 8 giết chết hàng chục người và khiến hệ thống cơ sở hạ tầng đổ nát của Ý trở thành một vấn đề chính trị lớn lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Và nền kinh tế của Ý còn lâu mới bùng nổ.

Ý rơi vào suy thoái vào cuối năm 2018, và mức nợ quốc gia của nước này thuộc hàng cao nhất trong khu vực đồng euro.

Một chính phủ dân túy của Ý lên nắm quyền vào tháng 6/2018 với các kế hoạch chi tiêu cao nhưng phải rút lại sau khi bàn bạc với EU.

Chính trong bối cảnh đó, Trung Quốc xuất hiện với những thỏa thuận béo bở, có thể làm trẻ hóa các thành phố cảng lớn của Ý dọc theo Con đường tơ lụa trên biển.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã đề cập đến các thành phố Trieste và Genève là những ứng cử viên tiềm năng.

"Theo cách chúng tôi nhìn nhận, đó là cơ hội để các công ty của chúng tôi tận dụng sức ảnh hưởng, tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới", Thứ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư của Ý, Michele Geraci nói.

"Chúng tôi cảm thấy rằng trong số các đối tác Châu Âu, Ý đã bị bỏ rơi. Chúng tôi đã lãng phí một chút thời gian", ông nói với BBC.

Động thái của Ý tham gia vào Vành đai Con đường được đánh giá "chủ yếu mang tính biểu tượng", theo Peter Frankopan, giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford và là một người nghiên cứu các Con đường tơ lụa.

"Nó đánh bóng các chính sách hiện có và cũng cho thấy Trung Quốc có vai trò toàn cầu quan trọng".

backinh3

Con đường Tơ lụa mới trên biển và đất liền

"Động thái dường như vô hại này đến vào thời điểm nhạy cảm đối với Châu Âu và Liên minh Châu Âu, nơi đột nhiên rất lo lắng không chỉ về Trung Quốc, mà còn về cách Châu Âu hay EU nên thích nghi và phản ứng với một thế giới đang đổi thay", Giáo sư Frankopan nói với BBC.

Và Ý có nhiều lý do để nắm lấy Bắc Kinh. "Nếu đầu tư không đến từ Trung Quốc để xây dựng cảng, nhà máy lọc dầu, tuyến đường sắt, v.v. thì nó sẽ đến từ đâu đây ?"

Nghiên liệu Trung Quốc - Sản xuất tại Ý

Trước khi đến, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa hai quốc gia đã "bắt nguồn từ một di sản lịch sử phong phú".

"Made in Italy đã trở thành đồng nghĩa với các sản phẩm chất lượng cao. Thời trang và nội thất Ý đáp ứng đầy đủ hương vị của người tiêu dùng Trung Quốc ; pizza và tiramisu được giới trẻ Trung Quốc yêu thích", ông viết trong một bài báo được xuất bản bởi Corriere della Sera.

Thương hiệu "Sản xuất tại Ý" có uy tín về chất lượng trên toàn thế giới và được bảo vệ về mặt pháp lý đối với các sản phẩm được chế biến "chủ yếu" tại Ý.

Trong những năm gần đây, các nhà máy Trung Quốc, sử dụng lao động Trung Quốc có trụ sở tại Ý đã thách thức thương hiệu chất lượng này.

Việc kết nối giữa đầu vào là các nguyên liệu thô giá rẻ từ Trung Quốc - và đầu ra là sản phẩn hoàn chỉnh ở Ý - có thể khiến cái mác 'Made in Italy' trở thành sự phóng đại.

Huawei sẽ không nằm trong thỏa thuận không ràng buộc được hai nước ký kết hôm thứ Năm.

Nhưng hơn một tuần trước khi thỏa thuận được ký kết, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố chung về "sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc" và sự cần thiết phải "xem xét" các mối quan hệ.

Văn bản này gọi Trung Quốc là 'đối thủ mang tính hệ thống' (systemic rival), điều đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị bác bỏ.

Trong khi ông Tập đi thăm Rome, các nhà lãnh đạo EU tại Brussels sẽ xem xét 10 điểm trong mối quan hệ với Trung Quốc, liên quan đến các kế hoạch "giải quyết các tác động xấu của các doanh nghiệp nhà nước có nguồn vốn nước ngoài" cũng như "rủi ro an ninh của đầu tư nước ngoài vào các lĩnh trọng yếu như công nghệ và cơ sở hạ tầng".

Vào tháng Ba, phát ngôn viên của Hội đồng Bảo an Quốc gia Hoa Kỳ Garrett Marquis đã chỉ ra rằng Ý là một nền kinh tế lớn và không cần phải "cho các dự án cơ sở hạ tầng phù phiếm của Trung Quốc vay mượn sự hợp pháp hóa".

backinh4

Chủ tịch Tập đã đến Rome, dự lễ hôm 22/03

Các thành viên của đảng Liên minh cánh hữu cầm quyền của Ý có những lo ngại riêng về an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini cảnh báo rằng ông không muốn thấy các doanh nghiệp nước ngoài "thuộc địa hóa" nước Ý.

"Trước khi cho phép ai đó đầu tư vào các cảng ở Bologna hoặc Genève, tôi sẽ nghĩ về việc này không chỉ một lần mà là hàng trăm lần", Salvini cảnh báo.

Các quan chức Ý khác thì rất muốn chỉ ra rằng thỏa thuận được ký kết không phải là một hiệp ước quốc tế, và không ràng buộc.

"Không có dự án cụ thể", ông Geraci nói. "Nó chỉ là một thỏa thuận nhằm tạo tiền đề".

Các quốc gia Châu Âu khác đã chấp nhận đầu tư của Trung Quốc thông qua cái gọi là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, và Vương quốc Anh là nước đầu tiên tham gia.

"Và rồi lần lượt, từng nước một, Pháp, Đức, Ý và mọi người khác cũng làm theo", ông Geraci nói.

Tương tự như vậy, ông tin rằng các nước láng giềng của Ý sẽ sớm theo gương Rome trong sáng kiến Vành đai và Con đường.

"Tôi tin rằng lần này Ý thực sự đang dẫn dắt Châu Âu - điều mà tôi hiểu có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người", ông nói thêm.

********************

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Châu Âu (RFI, 21/03/2019)

Hôm 21/03/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân đến Ý, bắt đầu chuyến công du Châu Âu kéo dài đến ngày 26/03. Sau Ý, lãnh đạo Trung Quốc sẽ sang thăm công quốc Monaco và Pháp.

backinh5

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du ba nước Châu Âu Ý, Pháp và công quốc Monaco từ ngày 21/03 đến ngày 26/03/2019. WANG ZHAO / AFP

Nhân chuyến thăm Ý, chủ tịch Trung Quốc sẽ ký với Roma một thỏa thuận về việc Ý tham gia dự án "Những con đường tơ lụa mới" do chính ông khởi xướng. Nước Ý như vậy sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh, kết nối ba Châu lục Á, Âu, Phi và vùng Trung Đông, vào lúc mà Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ về cách ứng phó với Trung Quốc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde nhận định :

"Tạo một đà mới cho quan hệ Trung Quốc – Châu Âu, đó là mục tiêu các chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Ý, công quốc Monaco và Pháp, theo bản tin của Tân Hoa Xã, được toàn bộ báo chí chính thức đăng lại.

Nhưng đằng sau sự kiện ʺPhương Đông gặp gỡ Phương Tâyʺ (tựa bài diễn đàn của chủ tịch Trung Quốc trên tờ Corriere della Serra hôm 20/03), hoặc đằng sau cái gọi là ʺnhững chương mới trong quan hệ hữu nghịʺ với các nước mà ông sẽ đi qua, nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc tìm cách trấn an một lục địa đang bị chia rẽ, thậm chí lo ngại, trước những tham vọng thương mại của Bắc Kinh.

Đáp lại thái độ quan ngại của các nước Châu Âu, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Siêu (Wang Chao) đã tuyên bố : Chúng tôi đã nghe nhiều tranh cãi ở Ý về sáng kiến này. Những gì quá mới mẻ thường gây hiểu lầm và nghi ngại. Nhưng thực tế lúc nào cũng mạnh hơn những lời nói : Đã có hơn 150 quốc gia và tổ chức tham gia vào dự án Một vành đai, Một con đường mà Trung Quốc đề nghị.

Khẩu hiệu Hãy đừng sợ, trước đây là của Vatican, nhằm thuyết phục Châu Âu tiếp tục mở cửa rộng hơn nữa các thị trường của lục địa này cho các dự án của Trung Quốc, trước hết là trong khuôn khổ Những con đường tơ lụa mới mà Bắc Kinh đề nghị và hiện đang gây quan ngại cho nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc tại Ý từ một thập niên qua, ông Tập Cận Bình sẽ ký một biên bản ghi nhớ về việc quốc gia đầu tiên của nhóm G7 tham gia dự án Những con đường tơ lụa mới. Nước Pháp về phần mình chưa đáp lại lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình, vì Paris chủ trương phối hợp với các đối tác Châu Âu trước cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc ngày 09/04 tới".

Thanh Phương

****************

EU gọi Trung Quốc là 'đối thủ hệ thống' trước khi ông Tập thăm Ý và Pháp (BBC, 19/03/2019)

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sang Ý và Pháp, Liên hiệp Châu Âu công bố văn bản gọi Trung Quốc là 'đối thủ mang tính hệ thống'.

backinh6

EU và Trung Quốc từng có 'cuộc chiến thuế nhập khẩu giày dép' từ hơn 10 năm trước

Khái niệm 'systemic rival' mà văn bản 10 điểm của EU nêu ra tuần trước để đối phó với Trung Quốc đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bác bỏ.

Hôm 18/03, ông Vương Nghị nói có sự cạnh tranh (competition) giữa Trung Quốc và EU nhưng hai bên đều muốn tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược.

Ủy hội Châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Châu lục này phải cứng rắn hơn với đầu tư Trung Quốc.

EU gọi Trung Quốc là "đối thủ kinh tế tìm cách giành vị trí lãnh đạo về công nghệ, và đối thủ mang tính hệ thống, đang thúc đẩy cho một mô hình khác về quản trị nhà nước và xã hội".

Giới bình luận tin rằng đây là lần đầu tiên, EU dùng ngôn từ rõ ràng chỉ ra khác biệt ý thức hệ và mô hình chính trị của Trung Quốc, coi đó là 'đối thủ'.

Không thích Vành đai và Con đường ?

Văn bản của EU cũng phê phán một số quốc gia đang muốn tham gia dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

backinh7

Biểu tình của một nhóm người Uighur tại Brussels hồi tháng 4/2018 phản đối các trại giam tập thể ở Tân Cương, Trung Quốc

Dự án này chính là mục tiêu của chuyến thăm sang Ý tuần này mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện.

Chính phủ thiên hữu ở Ý ngỏ ý muốn tham gia Vành đai và Con đường, điều EU không đồng ý.

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm cả Ý, Monaco và Pháp từ 21 đến 26/03 này.

Sau đó, tới ngày 09/04, EU và Trung Quốc sẽ mở hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.

backinh8

Chủ tịch Tập và phu nhân Bành có chuyến thăm Bồ Đào Nha hồi cuối năm 2018

Hiện hai bên đang chuẩn bị về thông cáo chung nhưng chưa đồng ý được về nội dung.

EU muốn tiếp cận rộng hơn thị trường Trung Quốc nhưng chính sách của Bắc Kinh chưa mở cho các đại công ty Châu Âu đầu tư bình đẳng với công ty Trung Quốc.

Tiếp cận thị trường một cách bình đẳng cũng là điều Hoa Kỳ yêu cầu với Trung Quốc.

EU còn lo ngại về các vụ mua đứt khổng lồ của đối tác Trung Quốc tại Châu Âu.

Sự bành trướng của Huawei mà Hoa Kỳ cho là 'ăn cắp công nghệ' cũng đang khiến một số chính phủ EU xem lại hợp đồng phát triển mạng 5G của tập đoàn này.

Ngoài ra, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc vẫn đang tăng, lên tới 21,4 tỷ euro năm qua, từ 20,8 tỷ năm trước nữa.

Pháp và Đức muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh Châu Âu sau Brexit, và Trung Quốc bị Paris và Berlin nay coi là đối thủ, theo trang Politico.

Có ý kiến tại Đức cho rằng EU đã sai lầm về an ninh, quốc phòng những năm qua vì "đề cao quá mức mối đe dọa từ Nga, và coi nhẹ quá mức đe dọa từ Trung Quốc".

********************

Đất chật người đông, Hồng Kông xây đảo nhân tạo 80 tỉ đô (RFI, 20/03/2019)

AFP hôm nay 20/03/2019 cho biết chính quyền Hồng Kông muốn xây lên một trong những hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, với chi phí kỷ lục 80 tỉ đô la.

backinh9

Khu vực Đại Tự Sơn (Lantau) của Hồng Kông, nơi dự định xây đảo nhân tạo. Max Pixel

Cựu thuộc địa Anh dự định mở rộng thêm 1.000 hecta trên biển, gần Đại Tự Sơn (Lantau), hòn đảo lớn nhất của Hồng Kông. Dự án này được coi là giải pháp để đối phó với nạn thiếu thốn nhà ở trầm trọng tại lãnh thổ có 7 triệu dân, với giá nhà tính theo mét vuông thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Chương trình dự kiến tiêu tốn 624 tỉ đô la Hồng Kông (gần 80 tỉ đô la).

Chính quyền hy vọng sẽ bắt đầu công việc đào đắp vào năm 2025, với mục tiêu đón nhận những cư dân đầu tiên năm 2032.

Đảo nhân tạo đắt tiền nhất từ trước đến nay của Hồng Kông, cao gấp bốn lần trị giá phi trường quốc tế tại đây, vượt xa đảo nhân tạo nổi tiếng Palm Jumeirah ở ngoài khơi Dubai được ước tính khoảng 10 tỉ đô la. Khoảng 260.000 căn hộ sẽ được xây dựng, trong đó 70% là nhà ở xã hội.

Những người phản đối tố cáo chi phí khổng lồ và tác động môi trường, nhất là đối với sinh thái biển, bên cạnh đó là việc chính quyền đã quyết định mà không hề tham khảo ý kiến người dân. Dân biểu đối lập Chu Khải Địch (Eddie Chu) ước tính giá thành sẽ đội lên đến khoảng 114 tỉ đô la. Hàng ngàn người đã biểu tình để phản đối.

Hồng Kông còn dự kiến xây thêm một đảo nhân tạo khác có diện tích 700 hecta gần Đại Tự Sơn, nhưng không cho biết chi tiết về dự án này.

Đại Tự Sơn trước đó đã khánh thành cây cầu trên biển dài nhất thế giới, nối Hồng Kông, Macao với Hoa lục, bị cáo buộc là nằm trong mưu đồ của Bắc Kinh nhằm siết chặt kiểm soát Hồng Kông.

Thụy My

Published in Quốc tế