Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chống Covid-19 : Tổng thống Pháp kêu gọi khôi phục độc lập của kinh tế quốc gia

Tác động mọi mặt của tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên báo Pháp ngày 02/04/2020, với các khía cạnh như xã hội trên Le Monde, lương thực trên Libération, y tế trên Le Figaro, giáo dục trên La Croix, và lẽ dĩ nhiên là tài chánh trên Les Echos. Các diễn biến tại Pháp cũng rất được chú ý, đặc biệt là lời kêu gọi của tổng thống Macron muốn "khôi phục" sự độc lập của kinh tế Pháp.

phap0

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viếng thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang Kolmi-Hopen tại Saint-Barthelemy-d'Anjou gần Angers (Pháp) ngày 31/03/2020. Loic Venance / AP

Theo ghi nhận của Le Monde, tình hình thiếu trang bị y tế để chống dịch đã nêu bật tình trạng phụ thuộc của Pháp vào những nguồn cung ứng từ nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ điều này khi ông chủ trương "khôi phục" sự độc lập kinh tế của Pháp. Tờ báo nhắc lại câu nói khi ông viếng thăm một xưởng chế tạo khẩu trang gần thành phố Angers, ngày 31/03 : "Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu".

Nhưng tờ báo cũng nhận định một cách hóm hỉnh là lịch sử sẽ ghi lại rằng tổng thống Pháp muốn "khôi phục chủ quyền quốc gia và Châu Âu" khi phát biểu tại chi nhánh của một tập đoàn Canada : xưởng sản xuất khẩu trang FFP2 (tức KN95) mà ông viếng thăm thuộc công ty Kolmi-Hopen. Ông đã hoan nghênh nỗ lực của các nhà công nghiệp tại Pháp để tăng sản xuất khẩu trang.

Ngoài khẩu trang, nguyên thủ quốc gia Pháp còn thông báo thành lập một tập đoàn chung quanh Air Liquide để gia tăng việc sản xuất máy trợ thở ở cơ xưởng tại Antony, ngoại ô Paris, với mục tiêu 10.000 chiếc từ đây đến trung tuần tháng 5.

Sau khi nói rõ là các đơn đặt hàng về khẩu trang, gel khử trùng, máy trợ thở, các loại dược phẩm khác nằm trong khoản trợ cấp đặc biệt 4 tỷ euro của nhà nước, tổng thống Pháp nhấn mạnh : "Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu".

Le Monde cho là nạn thiếu khẩu trang hay máy trợ giúp hô hấp đã phơi bày những lỗ hổng của mô hình mà Pháp và Châu Âu từng đi theo, vốn đã khiến Pháp mất đi quyền tự chủ của mình.

Làm chủ vận mệnh của chính mình

Khôi phục chủ quyền kinh tế cũng là lời kêu gọi của báo Le Figaro trong bài xã luận "Làm chủ vận mệnh của chúng ta".

Dưới tựa đề này, tờ báo tự hỏi phải chăng sau khẩu trang, máy trợ thở, thiết bị xét nghiệm, nước Pháp bây giờ lại thiếu thuốc ? Pháp trên nguyên tắc nắm trong tay một hệ thống y tế thuộc loại tốt nhất thế giới. Nhưng dịch Covid-19 đã làm lộ rõ tất cả những nhược điểm : Những gì mà Pháp cần lại nằm trong những bàn tay khác, thường khi là Trung Quốc.

Kinh nghiệm tai ác này đặt ra những câu hỏi chính đáng về "thế giới sau đại dịch", mà công việc cần làm trước tiên là xóa bỏ, không phải là tiến trình toàn cầu hóa, vốn là một thực tế mà không ai có thể bỏ qua, mà là những yếu tố thái quá của toàn cầu hóa. Thật ra việc chỉnh sửa lại đã bắt đầu với phong trào bảo vệ môi trường và cuộc thương chiến Mỹ Trung.

Tại Pháp tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tôn cao chủ quyền để không còn tùy thuộc vào ai khác trong những lãnh vực "cần yếu". Đây là điều tối thiểu mà người ta có thể đòi hỏi sau kinh nghiệm thảm hại của Covid-19.

Việc nắm lại vận mệnh này, theo Le Figaro, phải được thực hiện trong tất cả các địa hạt liên quan đến quyền lợi quốc gia : y tế, quân sự, năng lượng, nước, và dĩ nhiên là thực phẩm, nhưng cũng có lãnh vực công nghệ nhạy cảm của tương lai như không gian, dữ liệu tin học.

Và trong một thế giới mà hai đế chế Mỹ và Trung Quốc thống trị, cao vọng chủ quyền này phải phần lớn dựa vào Châu Âu.

Báo động : Các khoa hồi sức có nguy cơ thiếu thuốc

Theo Le Figaro, dịch bệnh càng lan rộng khắp hành tinh, thì các mối đe dọa về sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu nhất càng gia tăng. Trong các khoa hồi sức đang tràn ngập bệnh nhân, nhiều loại thuốc thiết yếu bắt đầu thiếu, từ thuốc gây tê curare, thuốc mê, cho đến thuốc kháng sinh, các kho dự trữ đều tuột xuống mức thấp.

Các cơ quan y tế và giới công nghiêp dược phẩm đang tìm đủ mọi biện pháp để đối phó với tình trạng thiếu thuốc. Thậm chí các phân tử cũ, bị bỏ đi trước đây, hay thuốc dùng trong ngành thú y cũng có thể được sử dụng.

Các loại thiết bị y tế hoặc bảo vệ như khẩu trang, kính che mắt… cũng thiếu. Tình trạng này đã thúc đẩy óc sáng tạo của các nhân viên y tế, tìm cách sáng chế là những phương tiện cần thiết, trong lúc ngoài xã hội, cả một phong trào đoàn kết tương trợ đang dâng lên để tạm thời bổ khuyết cho vấn đề thiếu thốn trang bị.

Phong tỏa làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội

Theo Le Monde, các biện pháp chống dịch Covid-19 đã nêu bật tình trạng bất công trước công ăn việc làm cũng như về nhà ở trong xã hội Pháp.

Đối với tờ báo, vào lúc hình thức làm việc từ xa phát triển, vẫn có 18,8 triệu người ngày ngày bị buộc phải đi đến chỗ làm.

Thuộc các thành phần như công nhân vệ sinh, giới điều dưỡng trợ giúp người già yếu, bệnh tật, nhân viên bán hàng tại siêu thị, công nhân nhà máy làm pha lê, nhân viên đóng gói, giao hàng làm việc cho tập đoàn bán hàng qua mạng Amazon, họ đã kể lại những công việc thường nhật của mình, mô tả nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh, đôi khi niềm tự hào khi thấy rằng mình là mắt xích không thể thiếu trong xã hội, nhưng tất cả đều cho biết là họ không có quyền chọn lựa

Theo Le Monde, tình trạng phong tỏa toàn quốc cũng bộc lộ tính chất chật chội của nhiều căn hộ, và những khác biệt về cơ hội thăng tiến nhờ giáo dục.

Dây chuyền cung ứng thực phẩm phải thích nghi với lệnh phong tỏa

Libération quan tâm đến các vấn đề do chính sách phong tỏa đặt ra, nhưng lại tự hỏi "Làm sao duy trì (chuỗi cung ứng) lương thực" vào thời phong tỏa.

Theo tờ báo, các khó khăn trong khẩu sản xuất lương thực do thiếu nhân công, vấn đề vận chuyển hàng hóa phức tạp, tình trạng mua hàng tích trữ của người tiêu dùng, tất cả những vấn đề này đã buộc toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm phải sáng tạo và thích nghi để có thể nuôi sống hàng chục triệu người Pháp trong đại dịch.

Bản thân người bị phong tỏa, theo tờ báo, cũng đã thay đổi chế độ ăn uống của mình trong tình huống mới.

Thị trường tài chánh bị nhiễm virus corona

Trên Les Echos, hàng tựa lớn trang nhất ghi nhận : "Con virus đã lây bệnh cho các thị trường tài chính như thế nào".

Theo Les Echos, sau khi hồi phục trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán lại tụt dốc vào hôm qua. Tại Pháp hơn 450 tỷ euro trong trị giá của các đại doanh nghiệp CAC 40 đã bốc hơi trong quý I năm 2020 này.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế