Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm 30/10 nói rằng "thiện chí" và "sự sáng suốt" của nhân dân Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp hai nước vượt qua giai đoạn căng thẳng quan hệ và rằng "chúng ta đã nghe đến nhàm chán" những lời đe dọa chiến tranh thương mại và những vụ khua gươm múa kiếm về vấn đề lãnh thổ.
Lên tiếng nhiều tuần trước cuộc gặp mặt tay đôi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, Đại sứ Thôi Thiên Khải nói mối quan hệ Mỹ-Trung, sắp kỷ niệm 40 năm vào tháng 1 năm 2019, đã có những bước tiến lớn, tuy nhiên cũng có những bước thụt lùi".
"Có vẻ như sự cạnh tranh và đối đầu đã trở nên phổ biến trong con đường phía trước chúng ta", ông Thôi nói giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trả đũa nhau bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ đô la trong một cuộc chiến tranh thương mại.
"Trong khi quan hệ hai nước đang xuống thấp, thì người dân của chúng ta luôn luôn mạnh mẽ ủng hộ cho sự gắn kết và tình hữu nghị, và đảo ngược xu hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ", ông Thôi nói trong một sự kiện tại Phòng Thương mại Trung Quốc-Mỹ tại Washington, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Trong một bài phát biểu không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Trump hay chính phủ của ông, ông Thôi bày tỏ tự tin vào tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thay vì các đôi co về chính trị, sẽ đưa các mối quan hệ Mỹ-Trung tiến lên phía trước.
"Người dân bình thường nhưng vĩ đại của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đóng góp phần của họ là thể hiện thiện chí, sự khôn ngoan và tính hào hiệp của họ, để lót đường cho các mối quan hệ song phương của chúng ta".
Theo nghiên cứu của Pew, trung tâm nghiên cứu những thay đổi về thái độ trên toàn thế giới, gần phân nửa người Mỹ có quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc trong năm 2017. Theo số liệu năm ngoái, cũng là số liệu mới nhất, 44% số người Trung Quốc được thẩm vấn nói họ có quan điểm tiêu cực về Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc nói, trong năm qua "chúng tôi đã nghe tới nhàm chán những lời đe dọa chiến tranh thương mại, những phát biểu khẳng định sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, những vụ giương oai diễu võ ở Biển Đông, và thậm chí những cáo buộc vô căn cứ chống lại sinh viên và học giả Trung Quốc".
Đại sứ Thôi không đề cập cụ thể tới tình trạng giằng co thương mại hiện tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hôm 29/10, ông Trump tái khẳng định Trung Quốc "chưa sẵn sàng" để đạt một thỏa thuận nhằm chấm dứt vụ tranh chấp tốn kém này.
Trong khi Tổng thống Trump và chính quyền của ông tung ra những lập luận chống Trung Quốc trong những tuần gần đây, kể cả tố cáo nước này can thiệp vào bầu cử Mỹ và đánh cắp thông tin công nghệ nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc, ông Thôi lại đóng vai trò hiếm thấy là công khai bênh vực các chính sách của chính phủ Trung Quốc và tung ra những lời chỉ trích trực tiếp vào hướng tiếp cận của Mỹ đối với mối quan hệ song phương.
Ông Thôi từng là đại diện của Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ năm 2013, nói với NPR của Mỹ hồi đầu tháng này rằng một giải pháp để giải quyết cuộc chiến thương mại đang bị cản trở bởi lập trường bất nhất, luôn thay đổi của các nhà thương thuyết Mỹ.
"Chúng tôi không thực sự biết Mỹ muốn nhắm vào những ưu tiên nào", ông Thôi nói với đài NPR, ông nói thêm rằng trong một số trường hợp, các thỏa thuận sơ khởi giữa hai bên qua đêm lại bị lật ngược. "Hành vi đó rất khó hiểu, và khiến mọi việc trở nên rất khó khăn".
Ông Thôi lặp lại những nhận định đó trong một cuộc phỏng vấn với Fox News sau đó. Ông nói ông không biết ông Trump đang lắng nghe những tiếng nói bảo thủ hay những tiếng nói ôn hòa khi đàm phán với Trung Quốc.
Thật vậy, các thông điệp bất nhất như thế được lặp đi lặp lại trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, từ Tổng thống Trump, người đã nhiều lần đưa ra những phát biểu gây nản lòng về triển vọng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, kể cả gồm các cuộc đàm phán được đề xuất theo lời mời của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế nặng lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ nếu Bắc Kinh trả đũa các biện pháp mới nhất của Washington, là đánh thuế trên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Bắc Kinh đã trả đũa theo trông đợi, nhưng chính quyền Mỹ chưa thực hiện những lời đe dọa của tổng thống Trump.
Những lời đe dọa đó lại nổi lên trong tuần này khi ba nguồn tin giấu tên được Bloomberg trích dẫn xác nhận chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ trị giá 260 tỷ USD, nếu các cuộc đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo hai nước không đạt kết quả.
Một nguồn tin ngoại giao cấp cao Trung Quốc cho biết hôm 30/10 rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã "đồng ý gặp nhau" bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires, nhưng nguồn tin này không cho biết chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ đó.
******************
Úc cảnh báo về căng thẳng Mỹ-Trung (RFI, 01/11/2018)
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay 01/11/2018 cảnh báo, sự trỗi dậy của Trung Quốc và "ảnh hưởng chưa từng thấy từ trước đến nay" của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ thách thức lợi ích của Mỹ ; tuy nhiên Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên đối đầu. Ông Morrison cũng loan báo việc phát triển một quân cảng tại Papua New Guinea, để đối phó với Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Tân thủ tướng Úc Scott Morrison trả lời họp báo hôm 24/8/2018 ở Canberra. Reuters/David Gray
Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại đọc tại Sydney, thủ tướng Úc nhận định Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc là "quốc gia gây thay đổi nhiều nhất trong cán cân quyền lực, đôi khi thách thức các lợi ích lớn của Hoa Kỳ".
Thủ tướng Morrison cho rằng "trong thời gian sắp tới, cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên điều quan trọng là quan hệ Mỹ-Trung không nên trở thành đối đầu". Tuyên bố của thủ tướng Úc được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh thi nhau ăn miếng trả miếng trong chiến tranh thương mại.
Nước Úc - thành viên của "Five Eyes" (liên minh tình báo gồm 5 quốc gia Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) và có quan hệ quốc phòng chặt chẽ, lâu dài với Hoa Kỳ - bị lọt vào một trong những điểm nóng địa chính trị của thế kỷ 21. Một cuộc chiến thầm lặng đang diễn ra tại Nam Thái Bình Dương : Bắc Kinh và Washington đều tranh giành ảnh hưởng tại tuyến đường hàng hải quan trọng này.
Sau quyết định cấm các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc khai thác mạng 5G trên đất Úc vì lý do an ninh quốc gia, thủ tướng Scott Morrison tìm cách xoa dịu khi tuyên bố quan hệ Úc – Trung Quốc là "đặc biệt quan trọng", nêu ra các trao đổi thương mại, du lịch và giáo dục giữa đôi bên đều tăng lên ở mức kỷ lục.
Tuy nhiên song song đó, thủ tướng Úc hôm nay cùng với đồng nhiệm Papua New Guinea loan báo việc cùng đầu tư nâng cấp quân cảng Lombrum ở đảo Manus. Thỏa thuận này giúp tăng cường khả năng tương tác với quân đội các nước láng giềng, và các chiến hạm Úc có thể qua lại thường xuyên hơn.
Hồi tháng Năm, người tiền nhiệm Malcolm Turnbull từng bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh đổ hàng tỉ đô la vào các đảo quốc tí hon ở Thái Bình Dương. Đặc biệt là nguy cơ Trung Quốc hiện diện quân sự thường trực tại đảo quốc Vanuatu, cựu thuộc địa của Anh-Pháp, với 280.000 dân.
Thụy My
*****************
Lo Mỹ trừng phạt, Nga ưu tiên ‘tiết kiệm’ trước ‘tăng trưởng’ (VOA, 01/11/2018)
Nga đang nỗ lực lấp đầy kho bạc nhà nước để có một khoản đệm lên tới 200 tỷ đôla chống các mối đe dọa như lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ. Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói đây là bước thận trọng, nhưng cái giá phải trả là hy sinh tăng trưởng kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với giá dầu cao, Nga đang đều đặn trích doanh thu từ ngành xuất khẩu chính của mình để gầy dựng Quỹ Thịnh vượng Quốc gia (NWF). Nước này cũng tăng thuế đánh vào ngành công nghiệp dầu mỏ, tăng thuế giá trị gia tăng, và nâng cao tuổi được hưởng lương hưu, một động thái được xem là gây tổn hại cho mức ủng hộ dành cho Tổng thống Vladimir Putin.
Bộ Tài chính cho rằng những thay đổi này sẽ giúp tăng quy mô Quỹ Thịnh vượng Quốc gia lên gần gấp bốn lần, đến 14,2 nghìn tỷ rúp (216,1 tỷ đôla), tương đương với 12% GDP vào năm 2021. Con số này gần với mức 16,9% GDP mà chính phủ Nga dự định chi tiêu trong năm 2021.
Reuters cho biết theo "nguyên tắc tài chính", bất kỳ khoản lợi nhuận nào do giá dầu tăng cao hơn 40 đôla/thùng đều được đưa vào Quỹ NWF, là một phần của kho dự trữ ngoại hối và vàng của Nga, do ngân hàng trung ương nắm giữ.
Các nhà phân tích nói chiến lược tiết kiệm đó, được đặt ra trong kế hoạch ngân sách năm 2019-2021, là cực kỳ thận trọng.
Nhưng họ cũng cảnh báo rằng khi ưu tiên ổn định hơn thay vì phát triển, Nga sẽ không đạt được mục tiêu do ông Putin đặt ra là gia nhập nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2024. Sự chọn lựa này cũng thể hiện sự lo lắng của Điện Kremlin về các biện pháp trừng phạt trong thời gian tới.
"Điều này tốt cho ngân sách và từ quan điểm ổn định tài chính, nhưng xấu từ quan điểm phát triển kinh tế", Reuters dẫn lời ông Vladimir Tikhomirov, kinh tế gia trưởng tại BCS cho biết.
Chính phủ Nga cho biết họ có kế hoạch vay tiền để tài trợ cho các dự án phát triển thay vì trích tiền ra từ quỹ NWF, điều này cho thấy tiền đầu tư sẽ rất hạn chế.
Đây là một chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, nhà kinh tế Alexandra Suslina của nhóm Chuyên gia Kinh tế Nga cho biết. "Không có du di gì ở đây, và không có cảm giác là tương lai tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, ngoại trừ trong dự báo kinh tế vĩ mô".
Các quan chức Nga trong thời gian qua vẫn tuyên bố công khai về mong muốn tích trữ tiền mặt trong trường hợp nền kinh tế bị sốc do tác động từ bên ngoài như các biện pháp chế tài, hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hoa Kỳ sẽ sớm quyết định liệu có áp đặt một đợt cấm vận thứ nhì vì vụ đầu độc điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông ở Anh, một tội ác mà Nga phủ nhận.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Mỹ còn đang đưa ra một dự luật đặt tên là "dự luật từ địa ngục", mà nếu được thực thi, sẽ trừng phạt Moscow gắt gao hơn nữa về những cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào các vấn đề chính trị tại Hoa Kỳ, và các hoạt động của Mỹ ở Syria và Ukraine.
*******************
Chế tài của Mỹ và EU lên Nga ảnh hưởng đến các dự án năng lượng Việt-Nga (VOA 31/10/2018)
Lên tiếng trong cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga tại Moscow hôm 29/10, Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng nói các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Châu Âu áp đặt lên Nga đang cản trở các dự án chung giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, theo hãng thông tấn Nga TASS.
Nhân viên công ty Rosneft chi nhánh Việt Nam làm việc ở mỏ Lan Tây trên Biển Đông.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Việt Nam được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức dầu khí Việt Nam lên tiếng cảnh báo sản lượng khai thác dầu của Việt Nam sẽ giảm đều đặn 10% mỗi năm, tương đương với hơn 2 triệu tấn.
"Chúng tôi muốn lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước phương Tây đối với Nga gây ra những khó khăn lớn cho chúng tôi, cản trở việc thực hiện các dự án năng lượng", TASS dẫn lời ông Dũng nói trong cuộc họp liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Theo bản tin của hãng thông tấn Nga, Phó Thủ tướng Việt Nam không cho biết chi tiết những tác động của chế tài trên Nga lên các dự án khai thác chung, hoặc những dự án cụ thể nào bị ảnh hưởng. Nhưng theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, những dự án năng lượng chung có thể bị ảnh hưởng là các dự án nằm trong lãnh thổ của Nga.
Ông nói với VOA : "Việt Nam có mua một số mỏ dầu và có liên doanh với một số công ty dầu của Nga khai thác trên đất của Nga và các khu vực thuộc Nga thì cái đấy bắt đầu gặp khó khăn".
Tạp chí Năng Lượng Việt Nam hôm 29/10 cho biết Liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Zarubezhneft, một trong những dự án năng lượng nổi bật giữa Việt Nam và Nga, được đánh giá là liên doanh hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài.
Rusvietpetro có sản lượng khai thác đạt gần 16 triệu tấn dầu sau 8 năm hoạt động, đạt doanh thu lũy kế ước tính 7 tỷ đôla. Các mỏ mà liên doanh này đang khai thác đóng góp 15% sản lượng hàng năm của PVN và "đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước".
Tuy nhiên, ngoài Rusvietpetro, các liên doanh khác của Việt Nam ở Nga đều hoạt động không hiệu quả.
Đề nghị giải pháp cho vấn đề này, bản tin của tạp chí thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói các cấp lãnh đạo Trung ương và Chính phủ Việt Nam nên xem các liên doanh này là "những hoạt động kinh tế đơn thuần" mà thôi.
"Đảng và Chính phủ nên tôn trọng quyền tài phán của PSC (Hợp đồng chia sản phẩm) và Luật Dầu khí nước sở tại, cũng như trọng tài quốc tế giám sát", tờ tạp chí được Thủ tướng Việt Nam giao nhiệm vụ "phản biện" nói.
Theo tạp chí này, việc Đảng, Chính phủ "không can thiệp sâu" vào hoạt động điều hành, kinh doanh sẽ "giảm thiểu những tác động gây chồng lấn về quản lý nhà nước" và "giúp các lãnh đạo PVN tự tin hơn khi thực thi nhiệm vụ theo nguyên tắc kinh tế thị trường".
Thông tin về những "quan ngại" của Phó Thủ tướng trong lĩnh vực vực hợp tác khai thác dầu khí được đưa ra giữa lúc các quan chức cảnh báo sản lượng khai thác dầu của Việt Nam đang sụt giảm đến mức "đáng ngại", ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành dầu khí.
Báo cáo của các lãnh đạo PVN vào tuần trước cho biết sản lượng khai thác quy dầu của PVN là 25 triệu tấn vào năm ngoái, nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ được 4 triệu tấn. Nếu tình trạng mất cân đối này tiếp diễn, thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí của toàn ngành sẽ chỉ còn khoảng 1/3 sản lượng hiện nay.
Trước tình trạng nguồn dầu khí tự nhiên của Việt Nam bị thu hẹp, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, nhắc lại với VOA lời cảnh báo mà ông từng đưa ra trước đây.
Ông nói : "Phát triển đất nước mà dựa vào [khai thác] dầu thì rất nguy hiểm. Bởi vì khi hết dầu rồi, mà chính phủ lại không đủ tiền cho ngân sách, thì lúc đó chính phủ sẽ tìm mọi cớ để lấy thuế của dân".
Hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét hai gói trừng phạt chống lại Nga. Trong trường hợp phát hiện được những nỗ lực can thiệp của Nga vào bầu cử tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng tuyên bố sẽ chặn các nguồn lực của các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, VTB và Vnesheconombank, và các công ty năng lượng, trong đó có Gazprom, Rosneft và Lukoil.
Gazprom và Rosneft đều đang có các dự án liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam, trong khi Lukoil đã rút khỏi hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam vào năm 2014.
Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, các biện pháp trừng phạt lên Nga cũng có thể gây cản trở cho Việt Nam trong việc chuyển tiền giữa Nga và Việt Nam, vì hiện Việt Nam vẫn phải thông qua một nước thứ ba để chuyển tiền sang Nga và ngược lại.
Khánh An