Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

07/12/2024

2024, Trật tự thế giới mới và Kỷ nguyên mới cho Việt Nam

Việt Dân

Chúng ta sắp kết thúc một năm 2024 với nhiều biến động mà sự bi quan dường như hiện diện trong suy tư của nhiều người. Tâm lý lo lắng khi cuộc chiến vệ quốc của người Ukraine trước chế độ độc tài Putin Nga đã chưa thể kết thúc, những tin tức về tổn thất cho cả hai phía, sự đình trệ trong việc tiếp vận vũ khí cho Ukraine không khỏi làm nhiều người bồn chồn, thất vọng.

nouvelordre1

Biden mất uy tín về đạo đức chính trị. Nhưng giờ đây ông ấy cũng mất uy tín về mặt đạo đức cá nhân luôn

Chính trị Mỹ suy yếu : Di sản của Joe Biden

Cũng là một người ủng hộ dân chủ và còn có một giấc mộng lớn được đóng góp một phần vào công cuộc dân chủ đa nguyên cho đất nước Việt Nam, lòng tôi còn thêm trĩu nặng khi chứng kiến Donald Trump chiến thắng bà Harris để lên làm tổng thống của nước Mỹ lần 2.

Tôi không cho rằng bà Harris là một ứng cử viên phù hợp nhưng vẫn khá tự tin vào nhận định của mình ai rồi cũng phải thắng Trump thôi sau tất cả những sai lầm của ông ta về đời sống riêng tư, lẫn nhiệm kỳ tổng thống 4 năm đầy tranh cãi, hỗn loạn theo đúng nghĩa đen. Nhưng Trump đã thắng, mà lại còn thắng một cách đầy thuyết phục từ phiếu đại cử tri đoàn cho đến phổ thông đầu phiếu.

Người ta trách bà Harris một thì trách ông Joe Biden mười. Một ví dụ tiêu biểu là Brazil, đất nước Nam Mỹ vốn dĩ trước đây từng được mệnh danh là một nước Cộng hòa Chuối (Banana Republic), cũng đã để quyền lực rơi vào tay một phiên bản Trump khác tên là Jair Bolsonaro. Sau khi thất cử, ông này cũng làm loạn nhưng chính phủ dưới thời tổng thống đương nhiệm Luna da Silva và ủy ban tư pháp đã ngay lập tức có hành động luận tội và cấm cửa ông này tranh cử tổng thống cho đến năm 2030. Người dân có thể phàn nàn về chính phủ đương nhiệm, nhưng đại đa số đều thở phào nhẹ nhõm và đồng ý rằng họ đã có những sự chuẩn bị kịp thời để ngăn cản một nhân vật dân túy có cơ may nào tấn công và làm suy yếu nền dân chủ lần nữa. Nhưng Biden thì ngược lại. Ông ta không có sự chuẩn bị nào cho kịch bản ngăn chặn Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Dù sức khỏe đã yếu mệt, nhưng Biden vẫn kiên quyết ra tranh cử và chỉ chịu rút lui khi đã bị nhóm tài phiệt ủng hộ đảng Dân Chủ tạm dừng tài trợ. (Đến đây phải mở một dấu ngoặc đơn để than phiền về nền Cộng hòa Tổng thống Mỹ. Trên thực tế, nước Mỹ đã dần trở thành một nước tài phiệt cử, dân bầu rồi !).

Người ta sẽ còn bàn nhiều về di sản thất bại của Joe Biden nhưng chắc chắn sẽ không còn ai bảo vệ cho tư cách của ông ấy sau sự kiện ký lệnh ân xá cho người con của mình, Hunter Biden gần đây nữa. Người viết bài này đã rất tức giận vì quyết định vội vã rút quân khỏi Afghanistan của Biden, chỉ để chiều lòng một số cử tri Mỹ và tăng điểm khảo sát về mức độ tín nhiệm. Số phận của 40 triệu người Afghan rơi vào tay một nhóm tàn quân Taliban vài ngàn người. Một nhóm phiến quân theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan và có thể sẽ kéo lùi tương lai của cả một dân tộc thêm vài thập kỷ.

Biden mất uy tín về đạo đức chính trị. Nhưng giờ đây ông ấy cũng mất uy tín về mặt đạo đức cá nhân luôn bởi vì Hunter Biden đã bị kết tội trốn thuế, trụy lạc rồi. Anh này cũng đã thừa nhận hành vi trước tòa. Thật đáng buồn nhưng những sự kiện này theo một cách nào đó phải liên hệ với nhau thôi, bởi vì chính trị chỉ là những cố gắng ứng dụng đạo đức cho xã hội. Chính trị và đạo đức, tự nó không thể tách rời nhau.

nouvelordre2

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ công bố thiết quân luật, nhưng bị Quốc hội bác bỏ hai giờ sau đó

Biến cố thiết quân luật tại Hàn Quốc : 2 giờ hoảng loạn

Thất vọng với những sự kiện tại nền dân chủ Mỹ như vậy, và còn đang lo lắng với những chuyển biến khác có thể xảy ra dưới thời Donald Trump có thể làm cho bối cảnh thế giới, mà chính là cuộc chiến ở Ukraine và khủng hoảng ở Trung Đông rẽ theo một hướng hoàn toàn khác, tệ hơn thì những người yêu dân chủ lại nhận them một tin rúng động khác !

Ông tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật, vốn dĩ lần gần nhất được thực thi là vào 4 thập niên trước. Vài trăm quân nhân với súng, ống, áo giáp tinh nhuệ tiến thẳng vào tòa nhà Quốc hội. Dù chúng tôi tin rằng sẽ không có biến cố nào lớn hơn xảy ra bởi vì ý thức dân chủ của người Hàn rất cao (một bằng chứng là ông tổng thống Yoon này chỉ nhận được 16% điểm tín nhiệm của người Hàn, đang là một tổng thống "vịt què" vì đối lập chiếm đa số trong Quốc hội), nhưng chúng tôi vẫn không khỏi lo âu khi nghe những phát ngôn khó tưởng tưởng của ông này "Lệnh thiết quân luật nhằm đối phó với các thế lực chống phá, thân Triều".

Chỉ hai giờ sau thì Quốc hội đã tập hợp được và đồng thuận bác bỏ ngay lập tức lệnh thiết quân luật của ông tổng thống. Người ta ấn tượng với hình tượng ông chủ tịch quốc hội già phải trèo tường để vào bên trong Quốc hội, thì cũng xúc động bởi hình ảnh những người dân bình thường biểu tình trước tòa nhà Quốc hội. Họ là học sinh sinh viên, công chức, nhân viên văn phòng hay bà mẹ của một quân nhân… đã tức tốc bắt chuyến tàu đến ngay trước tòa nhà Quốc hội vì cảm thấy thôi thúc cần phải làm gì đó khi nền dân chủ của đất nước hiểm nguy. Hình ảnh người quân nhân chắp tay xin lỗi người dân càng thêm đậm nét. Dù quân lệnh như sơn, nhưng họ hiểu rằng bổn phận và trách nhiệm cao nhất của họ vẫn là phụng sự đất nước. Chúng tôi cũng thở phào.

Dân chủ gỡ lại một điểm trước khi kết thúc năm 2024 chăng ? Có lẽ nếu nhìn trong ngắn hạn thì là vậy, nhưng nếu nhìn trong dài hạn thì đà thắng của dân chủ là điều phải đến.

nouvelordre3

Ông Trần Xuân Bách, một ủy viên cấp cao và cấp tiến của Đảng cộng sản Việt Nam khi đó cũng mạnh dạn tuyên bố phải dân chủ đa nguyên, đa đảng.

Trật tự thế giới mới : Trật tự nào ?

Người viết bài này xin trình bày một tóm lược ngắn gọn nhưng không đầy đủ về trật tự thế giới sau Thế chiến 2 để củng cố cho quan điểm trật tự thế giới nào mà chúng ta sẽ sống.

Sau Thế chiến 2, có thể hiểu sơ lược rằng trật tự thế giới là trật tự song cực. Một bên là đại diện cho khối cộng sản xã hội chủ nghĩa dẫn đầu bởi Liên Xô. Bên còn lại là đại diện cho khối dân chủ tư bản dẫn đầu bởi Mỹ. Cả hai khối này cạnh tranh xem mô hình nào dân chủ ưu việt hơn. Nước Mỹ và trục phương Tây đã góp phần tạo ra một định chế mới là Liên Hiệp Quốc nhằm tạo ra một cơ chế quốc tế với sứ mệnh chính yếu là ngăn ngừa Thế chiến 3 có thể nổ ra thêm một lần nữa, nhất là trong bối cảnh chiến tranh lạnh đạt cao trào.

Với thời gian, khối cộng sản đã mất hết sức quyến rũ khi những tiến bộ truyền thông dần vén lên hiện thực độc tài kìm kẹp phía sau bức màn sắt. Mô hình kinh tế, xã hội khủng hoảng nghiêm trọng đã dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin và tan rã của Liên Xô vào thập niên 90. Phương Tây toàn thắng, dân chủ là tất yếu. Francis Fukuyama, một học giả người Mỹ xuất bản quyển sách The End of History (Hồi kết của Lịch sử). Từ nay, thể chế tất yếu chỉ là thể chế dân chủ mà thôi. Ông Trần Xuân Bách, một ủy viên cấp cao và cấp tiến của đảng cộng sản Việt Nam khi đó cũng mạnh dạn tuyên bố phải dân chủ đa nguyên, đa đảng.

Tâm lý tự mãn hiện diện rõ rệt ở các nước phương Tây khi đó. Thay vì cẩn thẩn thảo luận về thăng tiến dân chủ trên thế giới, Bill Clinton, tổng thống Mỹ đắc cử khi đó với khẩu hiểu "Economy, stupid !" - "Chỉ làm kinh tế thôi, đồ ngốc !" Chủ nghĩa thực tiễn lên ngôi. Người ta dần chỉ nói về thị trường, thị trường, thị trường và cho rằng cứ để kinh tế phát triển, rồi dân chủ sẽ tự khắc đến. Các nước đổ dồn đầu tư vào chế độ cộng sản Trung Quốc, tiếp theo đầu tư vào các nước khác mà không đặt ra những điều kiện về quyền con người, môi sinh, công đoàn độc lập…

Cho đến thập niên 2000 thì chủ nghĩa thực tiễn tại khối dân chủ phương Tây tích lũy đủ những mâu thuẫn nội tại của nó. Song song với đó là các chế độ độc tài Trung Quốc, Nga, Iran, Việt Nam… dần mạnh lên nhờ hưởng lợi trong bối cảnh toàn cầu hóa xô bồ chỉ ưu tư đến lớn nhuận. Mỹ, vốn là lãnh đạo của trật tự thế giới khi đó, tiến đánh các nước Iraq, Lybia, Afghanistan… với mục tiêu ngăn trừ khủng bố bằng bạo lực hơn là thăng tiến tự do, dân chủ, nhân quyền. Các giá trị nền tảng không còn được thảo luận và bị lu mờ dần. Dân chủ bằng sức mạnh hơn là lý lẽ. Hậu quả đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Tiếp nối theo đó là phong trào Brexit tại Anh, Donald Trump – Một nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa dân túy, đắc cử tổng thống Mỹ với ngôn ngữ bài nhập cư, chống hợp tác quốc tế và không coi trọng những định chế quốc tế góp phần duy trì sự hòa bình, ổn vững cho thế giới kể từ sau Thế chiến 2.

Đọc tới đây, có thể nhiều người sẽ không khỏi thất vọng và bi quan về tương lai dân chủ. Một số học giả cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực, trong đó có :

- Khối các nước Tây Bắc (North West) tiêu biểu như Mỹ, EU, các nền dân chủ tại Đông Á… muốn duy trì một trật tự quốc tế ổn vững với nền tảng dân chủ và kinh tế thị trường, sự tham gia của những định chế vững chắc như Liên Hiệp Quốc, IMF…

- Khối các nước Đông Tây (East West) tiêu biểu như Trung Quốc, Nga, Iran, Syria, Bắc Hàn... muốn thúc đẩy một thế giới đa cực hơn. Dù không chia sẻ với nhau một nền tảng chung, họ có thể là đế quốc dựa trên chủ thuyết Khổng Giáo, chủ nghĩa Cộng Sản như Trung Quốc, một chế độ độc tài cá nhân như Nga Putin, một chế độ tài Hồi Giáo như Iran… nhưng họ đều có chung một đồng thuận liên minh với nhau nhằm tự vệ và giảm bớt ảnh hưởng của khối North West. BRICS là một cố gắng kết hợp trong tinh thần đó.

- Khối các nước Tây Nam (South West) tiêu biểu như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, các nền dân chủ Châu Mỹ Latinh… ở trong một tình trạng "đung đưa" hơn. Các nước này đều là những nền dân chủ, dù không đầy đủ nhưng họ ưu tiên về các giá trị ở mức vừa phải, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên miễn là có lợi cho chính quyền.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có quyền hy vọng rằng khối các nước dân chủ có thể duy trì trật tự quốc tế hiện tại và tiếp tục thăng tiến nó không ? Hay họ sẽ chấp nhận nhượng bộ phe trục Nga, Trung ở một mức độ đa cực hơn. Đa cực cũng có nghĩa là những giá trị chung, tuyên ngôn nhân quyền phổ cập sẽ bị hạn chế lại trước lợi ích quốc gia. Trật tự thế giới mới nào ? Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ sau Thế chiến 2. Các học giả phân định thế giới thành nhiều cực mà họ quên mất một điều rằng, quyền con người phải là quyền cao nhất. Nhà nước không còn là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để bảo đảm quyền con người được tôn trọng và thăng tiến.

Ngày hôm nay, quyền con người đã trở thành phổ quát và những ưu tư, sở nguyện của con người khắp mọi nơi trên thế giới đều giống nhau. Một người Việt Nam cũng có ước muốn được sống trong môi trường lành, sạch, được tôn trọng phẩm giá và được toàn quyền tham gia đóng góp vào việc chung cho đất nước. Ngay tại chính những nền dân chủ vững mạnh, những nền dân chủ còn chưa chắc chắn hay tại chính nơi kìm kẹp bởi các chế độ độc tài còn sót lại… thì người ta vẫn sẽ tranh đấu nhằm thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn.

Điều chúng ta có thể tin chắc chắn rằng, nếu quốc gia nào không còn được xem như là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chúng thì nó chắc chắn sẽ tan rã. Trung Quốc đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn. Trong khi đó, nước Nga đang kiệt quệ về kinh tế lẫn cuộc xâm chiếm thất nhân vào đất của người Ukraine. Các chế độ độc tài khác cũng đang chao đảo. Sự xáo trộn nhất thời ngay tại chính những nền dân chủ ổn vững nhất, trong sự bi quan vẫn có sự lạc quan. Đó là một sự tức giận cần thiết cho những vấn đề có thực như bất bình đẳng, toàn cầu hóa xô bổ, nền kinh tế bị tài chính hóa dẫn đến thâm hụt thương mại triền miên… Tất cả những vấn đề này cần phải được bình tĩnh giải quyết trước khi thế giới hiệp lực với nhau cho một vấn đề sống còn của nhân loại là chống biến đổi khí hậu. Kỷ nguyên mới cho Việt Nam !

kynguyen3

Trần Khắc Đức nói rằng sẽ mang theo tinh thần hòa giải bước qua khỏi cánh cửa trại giam

Trần Khắc Đức, một thanh niên lương thiện, bản lĩnh và đầy nhiệt huyết với đất nước

Khi viết về đất nước, tôi không khỏi bâng khuâng khi nghĩ về Trần Khắc Đức. Đức là một thanh niên lương thiện, bản lĩnh và đầy nhiệt huyết với đất nước. Em xuất thân trong một gia đình căn bản, gốc gác nông dân, sinh tại nông thôn. Mọi gia đình Việt Nam đều thấy sự hiện diện của mình và con mình trong đó. Lớn lên trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu tiến vào thời kỳ hội nhập với thế giới, chứng kiến giai đoạn đầy biến động 2006-2012 rồi bắt đầu trưởng thành về ý thức chính trị vào năm 2016. Đức hiểu và tin rằng con đường cho Việt Nam chỉ có thể là dân chủ đa nguyên mà thôi. Và bởi vì với gánh nặng di sản lịch sử, chúng ta là đất nước cần nhất hòa giải, để có thể hòa hợp và đồng thuận với nhau trong một cố gắng chung cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Nhưng chỉ vì những suy tư đầy nghiêm túc, lập trường ôn hòa như vậy mà em lại ngồi trong trại tạm giam.

Khi đọc sự kiện về Hàn Quốc, tôi lại nhớ đến bài viết của em về nền dân chủ Hàn. Có rất nhiều sự dũng cảm tranh đấu, hy sinh mất mát và lòng yêu nước nồng nàn, sự sáng suốt của trí thức Hàn để Hàn Quốc có được sự phát triển như ngày hôm nay. Những suy nghĩ siêu thực hiện diện trong tôi khi suy tư về Đức, và tôi bình thản lại khi nhủ lại lời em nói rằng sẽ mang theo tinh thần hòa giải bước qua khỏi cánh cửa trại giam. Đức rất xứng đáng đại diện cho một thế hệ trí thức mới của đất nước.

Năm 2024, chế độ cộng sản Việt Nam cũng hiểu rằng họ phải thay đổi để tiến vào kỷ nguyên mới. Ông Tô Lâm đồng ý rằng thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, và cả một bộ máy chính quyền thể hiện quyết tâm tinh gọn bộ máy vốn chiếm hơn 70% chi tiêu ngân sách. Nhưng người ta không thể tinh gọn bộ máy đúng đắn khi không tiến hành dân chủ hóa đất nước, cũng như không thể chống tham nhũng đầy đủ nếu như không trao quyền lực về nhân dân. Chất keo chủ nghĩa Mác Lênin đã không còn kết nối được các đảng viên với nhau. Người ta vào đảng chỉ vì quyền lợi hay muốn được yên thân. Vậy thì làm sao duy trì xã hội đang muốn cởi trói với một guồng máy chính quyền nhẹ được ?

Khi chúng tôi từng ý kiến trong một bài viết chế độ không thể dân chủ hóa một mình, chúng tôi nói trong một sự thận trọng tối đa với mong muốn đảng cộng sản đóng góp vào tiến trình này như một tác nhân chủ động, thay vì là một nạn nhân bị động của một diễn tiến lịch sử đang xảy ra.

Trái với bi quan của nhiều người ưu tư dân chủ cho Việt Nam khi nghĩ về hiện tình đất nước, Việt Nam đang có trong tay một thời cơ lớn. Thời gian đã có tác dụng làm dịu lại sự căng thẳng của nó. Đất nước còn rất nhiều việc cần làm để hòa giải với nhau, hãy bắt đầu bằng quyết tâm không còn ai mạt sát hay thù hằn nhau chỉ vì ý thức hệ nữa.

Điều đáng buồn là giờ đây tuyệt đại đa số người Việt Nam chỉ nghĩ về mình, chỉ vun đắp giấc mơ cá nhân cho đời mình. Còn giấc mơ chung cho Việt Nam thì ít ai quan tâm nghĩ đến.

Ở đây tôi kêu gọi trí thức trẻ Việt Nam hãy dấn thân để trưởng thành, để xây dựng giấc mơ Việt Nam chung và cùng nhau mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên của tự do dân chủ trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Việt Dân

(07/12/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Dân
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)