Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/05/2018

Hoa Kỳ nên rũ bỏ chế độ tổng thống của mình

Tim Pfefferle

LTS : Nhà báo Tim PPfefferle đề nghị Hoa Kỳ thay thế chế độ tổng thống bằng chế độ đại nghị. Sự hại loạn của chế độ tổng thống là điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn luôn nhắc nhở và khuyến cáo suốt 20 năm trong tinh thần khiêm tốn nhất. Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên dứt khoát loại bỏ chế độ tổng thống và đề nghị chế độ đại nghị cho Việt Nam sau khi dân chủ được thiết lập. Tập Hợp chọn chế độ đại nghị, không phải vì nó hoàn hảo, nhưng vì nó có sự giản dị, đúng đắn và tính dân chủ cao hơn hẳn chế độ tổng thống.

How To Become President Of The United States Poster

Qui trình tuyển chọn ứng cử viên, tổ chức tranh cử và bầu cử để trở thanh Tổng thống hiệp chủng quốc Hoa Kỳ - USA Gov

 
Khi John Yoo — một cựu luật sư của Bộ Tư pháp chuyên soạn thảo các biên bản ghi nhớ pháp lý về các chiến thuật thẩm vấn nâng cao — lo lắng về việc vượt quá giới hạn của ngành hành pháp, thì bạn nên biết rằng mọi thứ đang thực sự trở nên nghiêm trọng. Trong một bài viết trên tờ New York Times gần đây, John Yoo cho rằng chính quyền Trump đã vượt qua giới hạn của mình trong việc thúc đẩy một số sắc lệnh, trong đó có lệnh cấm bảy quốc gia đa số theo Hồi giáo nhập cư gây tranh cãi.

John Yoo là tác giả của các biên bản ghi nhớ tra tấn trong nhiệm kỳ của mình tại Sở Tư pháp và điều này làm nên tên tuổi của Yoo. Không mấy ngạc nhiên, khi Yoo được xem là một người ủng hộ kiên định lập trường Tổng thống Hoa Kỳ có quyền quyết định không giới hạn đối với một loạt các vấn đề về chính sách. Nhưng, ngay cả đối với Yoo, Tổng thống Donald Trump dường như đang làm những việc vượt quá xa quyền hành của tổng thống.

Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn bộ sự việc, chính quyền Trump với những sắc lệnh chỉ là một phần mở rộng của xu hướng chung của chính trị Mỹ. Các tổng thống kế tiếp nhau đã tiếp nhận quyền lực ngày càng lớn hơn so với Quốc hội. Trong thực tế, xu hướng đó là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống chính quyền của Hoa Kỳ không còn thích hợp để thực sự quản trị một cách hiệu quả. Chế độ tổng thống Hoa Kỳ không còn công dụng nữa.

Khi nói đến thể chế chính trị, Hoa Kỳ luôn luôn là một ngoại lệ. Hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển đều theo hệ thống nghị viện - như Westminster ở Anh hoặc Bundestag ở Đức. Sự khác biệt quan trọng giữa chế độ nghị viện và tổng thống là sự tách biệt giữa ngành lập pháp và hành pháp. Trong chế độ nghị viện, lập pháp và hành pháp gắn chặt với nhau ; trong chế độ tổng thống, hai nhánh quyền lực này hoạt động độc lập.

Bài luận văn năm 1990 có tựa đề "Những hiểm họa của chế tổng thống" (The Perils of Presidentialism) của nhà khoa học chính trị Juan Linz, phân tích những vấn đề quan trọng đối với các chế độ tổng thống. Trong số những vấn đề nghiêm trọng là tính chính đáng chính trị. Linz giải thích :

"Trong chế độ tổng thống, các nhà lập pháp, đặc biệt là khi họ đại diện các chính đảng có sự gắn bó vàtính kỷ luật với các tư tưởng và chính trị rõ ràng, cũng có thể tuyên bố tính chính đáng. Điều này sẽ càng nổi bật khi đa số của cơ quan lập pháp đại diện cho một khuynh hướng chính trị trái ngược với tổng thống. Trong hoàn cảnh như thế, ai có quyền tuyên bố đại diện cho nhân dân : tổng thống hay đa số lập pháp phản đối chính sách của tổng thống ? Bởi vì cả tổng thống và những nhà lập pháp đều nhận được quyền lực từ những phiếu bầu của người dân, trong một cuộc cạnh tranh tự do với các lựa chọn thay thế được định nghĩa rõ ràng, thì một cuộc xung đột luôn luôn có khả năng và đôi khi có thể nổ ra một cách đột ngột".

Trong một khoảng thời gian dài, Hoa Kỳ đã có thể vượt qua những vấn đề cơ cấu này bởi vì các nhà lập pháp đã không đại diện cho các chính đảng có tính gắn bó và kỷ luật với ý thức hệ rõ ràng. Trên thực tế, đối với người châu Âu, hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ hầu như không đại diện cho đảng nào cả, nhưng thay vào đó là các liên minh lỏng lẻo được tạo ra nhằm thu hút các cử tri. Tuy nhiên, kể từ thập niên 1960, nền tảng truyền thống của chính đảng Hoa Kỳ đã dần dần bị xói mòn.

Thế kỉ nhân quyền của thập niên 1950 và 1960 mang đến sự tách biệt ý thức hệ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện Hoa Kỳ, không có một thành viên nào của đảng Cộng hòa đồng thuận với khuynh hướng cánh tả của thành viên đảng Dân chủ bảo thủ nhất. Ảnh hưởng của việc gian lận bầu cử và không có những hạn chế tài chính cho chiến dịch tranh cử, đã gây ra hệ quả rõ rệt tại Nghị viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, các cuộc bầu cử sơ bộ cho thấy các chính trị gia thường bị đe dọa nhiều nhất bởi những người thách thức ý thức hệ của giới cánh tả và hữu (nhưng chủ yếu là cánh hữu) trong mùa bầu cử.

Kết quả là những gì chúng ta đang chứng kiến trong nền chính trị Mỹ. Hệ thống chính trị Hoa Kỳ được xây dựng chính xác dựa trên hệ thống kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau (checks and balances). Tuy nhiên, những biện pháp cân đối quyền lực đã tạo ra bế tắc và xói mòn, cuối cùng dẫn đến quyền lực hành pháp tăng cao. Trong khoảng thời gian tốt đẹp nhất thì cùng một chính đảng kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội. Giống như chúng ta đã thấy trong năm 2009 với việc thông qua Obamacare, rất nhiều công việc đã được hoàn thành. Nhưng với chu kỳ bầu cử mỗi hai năm, chính quyền dễ có xu hướng chia rẽ. Và không có gì ngạc nhiên khi sự tê liệt đó diễn ra thường xuyên ở thủ đô Washington DC. Sản phẩm chính là một cơ quan lập pháp chẳng làm gì cả, gây ra sự giận dữ trong toàn bộ cử tri.

Trong tình huống này, tổng thống với quyền lực hành pháp, sẽ có động cơ để tạo ra chính sách nhằm thúc đẩy kế hoạch nghị sự của mình. Nhưng đó không phải là một vai trò mà Tổng thống có truyền thống đảm nhận. Trong mọi trường hợp, các sắc lệnh của tổng thống có thể trở nên cực đoan. Chính quyền Trump đã hủy bỏ một loạt các sắc lệnh của chính quyền Obama. Nếu sự ổn định của ngành lập pháp là một trong những đặc điểm nổi bật của nền dân chủ hoạt động hữu hiệu, thì hệ thống chính trị Hoa Kỳ gần như trái ngược hoàn toàn.

Năm 2014, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã viết trên tạp chí Foreign Policy rằng nền chính trị Mỹ đang bị phân rã. Ông giải thích : "sự phân rã chính trị [...] xảy ra khi các thể chế không thích nghi với việc thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, hoặc do sự cứng nhắc tri thức hoặc vì sức mạnh của các tầng lớp lãnh đạo đương nhiệm nhằm bảo vệ vị trí của họ và ngăn chặn sự thay đổi". 

[Giáo sư Francis Fukuyama nhấn mạnh trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy : "Hoa Kỳ đang lâm vào tình trạng suy thoái chính trị. Hệ thống kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau (checks and balances) của hiến pháp Hoa Kỳ cùng với sự phân cực chính trị đảng phái và sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích giàu có về tài chính, đã kết hợp lại để tạo ra cái mà tôi gọi là "chế độ phủ quyết" (vetocracy), một tình trạng trong đó các nhóm lợi ích dễ dàng ngăn chặn Chính phủ thực hiện công việc, hơn là sử dụng chính phủ để thúc đẩy lợi ich chung". 

Về bản chất, có quá nhiều điểm tắc nghẽn chặn đứng hoạt động của ngành lập pháp từ khi dự luật mới thai nghén. Ngoài sự phân hóa giữa Quốc hội và Nhà Trắng, còn có thủ thuật filibuster - là những nỗ lực ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật ở Thượng Viện. Các tiểu bang vẫn mạnh mẽ, với hệ thống lập pháp (chủ yếu là lưỡng viện) và các tòa án tối cao. Hệ thống bầu cử Đại cử tri đoàn (electoral college) cổ xửa dẫn đến kết quả là hai trong số ba tổng thống gần đây nhất đều thất bại về số phiếu phổ thông, trong khi đưa cho các bang chưa ngã ngũ (swing states - những bang mà sự chênh lệch giữa tỷ lệ ủng hộ của ứng viên này không nhiều hơn là bao so với ứng viên kia) quyền lực cử tri khổng lồ.

Thực trạng đáng nói là Hoa Kỳ đang điều hành một quốc gia hiện đại dựa trên cơ sở hiến pháp 1789 (mặc dù có một số sửa đổi). Những xung đột lớn là chắc chắn. Thật khó có thể tin được rằng những vị sáng lập đất nước Hoa Kỳ có khả năng nhìn thấy trước bản chất của cuộc khủng hoảng chính trị Mỹ hiện tại. Từ quan điểm của các nhà Lập Quốc, có lẽ là kỳ quái khi cho rằng sự thừa thãi của hệ thống kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau gây ra các vấn đề cho nền chính trị Hoa Kỳ.

Nhưng Hoa Kỳ nhanh chóng phát hiện ra rằng các định chế lạc hậu đang tan rã chính xác ở thời điểm mà các định chế truyền thống cũng đang bị đe dọa. Trong thực tế, các thể chế thất bại và sự xói mòn chuẩn mực có thể có tương quan chặt chẽ.

Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016, Daron Acemoğlu viết rằng nền chính trị Mỹ đã ở trong giai đoạn mang tính biểu tượng hình thức và "những biểu tượng được nhắm đến là các nền tảng đạo đức của nền dân chủ Hoa Kỳ". Nhưng một biểu tượng khác chính là hệ thống chính trị. Nếu hiến pháp Hoa Kỳ có thể được viết lại vào ngày mai, tập thể các nhà sáng lập của thế kỷ 21 sẽ thận trọng hủy bỏ hệ thống tổng thống và thay thế bằng hệ thống đại nghị. Tất nhiên, các vấn đề cấu trúc sẽ vẫn còn. Tuy nhiên, một hệ thống đơn giản và linh hoạt hơn của hệ thống đại nghị có nghĩa là chính quyền Hoa Kỳ sẽ không còn là một phần của vấn đề nữa, mà là một phần của giải pháp.

Tim Pfefferle

Nguyên tác : The U.S. Should Get Rid of Its President(ial System), foreignpolicyblogs, 15/03/2017

Mai V. Pham biên dịch

Nguồn : thongluan2016.blogspot.fr, 26/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 1585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)