Có những vết thương liền sẹo và trở nên hiền lành, người ta nhìn vết thương như một kỉ niệm buồn (mà có thể đẹp !). Có những vết thương cứ sưng tấy theo thời gian và càng cố xoa dịu, thời tiết, khí độc lại càng làm cho nó mưng đau. Tôi gọi 30 tháng 4 là một vết thương mưng đau. Bởi lẽ…
Hiện trạng Việt Nam là hiện trạng của tiền, tiền và tiền.
Nếu nhìn suốt chiều dài đất nước hình chữ S này, mốc thời gian 30 tháng 4 là một mốc lịch sử vừa đáng nhớ vừa kinh hoàng. Đáng nhớ bởi từ giây phút ấy, người Nam kẻ Bắc được gặp nhau, cho dù gặp nhau trong hận thù hay gặp nhau trong nước mắt đoàn tụ thì một cuộc gặp như vậy cũng giải quyết được hàng hàng lớp lớp mọi ẩn ức của một dân tộc đã sống và chết trong phân ly Nam – Bắc.
Nhưng đằng sau sự gặp nhau ấy là gì ? Là sự mất mát quá lớn mà lẽ ra nó không xảy ra đối với người miền Nam cũng như sự vui mừng, hãnh tiến quá đà của người phía Bắc mà lẽ ra nó cũng không nên có. Sự mất mát quá lớn ấy nhanh chóng làm sụp đổ một nền văn minh, văn hóa non trẻ mà người miền Nam đã cố gắng xây dựng được trong khói lửa chiến tranh. Sự hãnh tiến, reo hò và có phần chụp giật, manh động, đẩy đến tầng suất cướp bóc của người miền Bắc đã nhanh chóng lấy đi toàn bộ cái ý nghĩa ban đầu của hàng triệu người là "cứu người miền Nam khỏi ách đô hộ…", đẩy họ đến cánh rừng tâm thức tập thể bầy đàn.
Và cái vệt bầy đàn kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 với cướp bóc, giết tróc, trả thù, reo hò chiến thắng, đẩy người khác ra đường, xuống biển, vào trại cải tạo hay lên vùng kinh tế mới… không hề ngừng, nó vẫn kéo dài cho đến bây giờ, phát triển mức độ tàn bạo của nó với màu sắc, hình hài khác. Điều này chẳng khác nào vết thương không những được chăm chuốt cho lành lặn mà còn bị tác động gây đau liên tục cho đến ngày sưng tấy và hoại tử của dân tộc.
Hiện trạng đất nước, nếu nhìn từ bề ngoài thì nhà cửa xây càng ngày càng nhiều, càng cao, đường sá mở ra ngày càng nhiều, bê tông hóa liên tục, đô thị hóa liên tục… Nhưng, giả sử như Việt Nam cố gắng để trở thành một đô thị lớn trong khu vực, thì du khách, nhà kinh doanh từ các nước văn minh, thậm chí cả những du khách vốn ồn ào, hành xử thô lỗ như Trung Quốc sẽ tìm gì ở cái thành thị của khu vực này ?
Đương nhiên, tiêu chuẩn của một đô thị hay vùng quê nào cũng là chiều sâu văn hóa, cung cách ứng xử thương mại và mức độ văn minh của con người bản địa. Người ta không chỉ tìm đến Việt Nam để ăn hải sản, để tìm gái, để thả sức vung tiền vào những tửu quán hay các hộp đêm giả cầy chuyên chặt chém. Thứ mà người ta cần tìm là con người và văn hóa bản địa. Đi du lịch hay đi kinh doanh không có nghĩa là tìm những căn nhà, những khách sạn, những khu giải trí tiêu chuẩn 5 sao, 5 sao + về mặt xây dựng, kiến trúc để rồi gặp những con người trống rỗng, vô cảm, chỉ biết tiền, tiền và tiền… !
Hiện trạng Việt Nam là hiện trạng của tiền, tiền và tiền. Nếu muốn có danh dự, muốn có sức nặng của tiếng nói, bạn không cần phải có nhiều tri thức hoặc bạn không cần phải là người tỉnh thức. Bạn có thể nói năng lớ mớ, bổ bả, vô hồn những điều hết sức nhảm nhí nhưng tiền của bạn chi ra thật nhiều thì mọi thứ lớ mớ, nhảm nhí và bổ bả của bạn sẽ thành chân lý của một đám đông khổng lồ, bởi những con người hưởng "mưa móc" từ tiền của bạn.
Và trên đất nước này, qui luật cá lớn nuốt cá bé đang là qui luật chung, có tính phổ quát. Một người nghèo, không có danh phận trong xã hội, cho dù chỉ ăn cắp một ổ bánh mì và biết ăn năn, hối lỗi thì vẫn bị phạt tù ba năm, năm năm… Một kẻ có quyền thế, địa vị, thì y/thị có thể ăn cắp cả một cánh rừng gỗ quí, thậm chí ăn cắp bí mật quốc gia hay ăn cắp sinh mệnh, tương lai của người khác… Y/thị vẫn nhơn nhơn sống trong "danh dự, uy tín và quyền lực". Đó là sự thật !
Và đất nước cứ dần thay đổi màu sắc một cách lạnh lùng, xơ cứng, giả tạo, bê tông hóa. Tâm hồn con người cũng dần bị xơ cứng, bê tông hóa, trí tuệ của con người bị mụ mị trong công cuộc đánh tráo khái niệm. Giá trị tri thức và danh dự được hoán đổi bằng giá trị tiền bạc… Ngay cả tôi, người viết bài này, khi gặp cha mẹ vợ, anh em vợ, thay vì tôi ngồi tâm tình với họ những gì sâu thẳm của tôi, của con người với con người, tội buộc lòng phải chọn kể cho họ nghe tôi đã sắm được những gì, giàu có cỡ nào… Bởi họ thích nghe câu chuyện đó hơn là ngồi tâm tình, bình luận hay bàn thảo về xã hội, nghệ thuật… Bởi những thứ đó đối với họ quá xa lạ, họ chỉ cần nhìn cái nhà, cái xe, bộ áo quần tôi mặc. Đó là sự thật đau lòng, nhưng tôi cũng đành bó tay !
Và tuổi trẻ, phần đông, phải nói là rất đông tuổi trẻ Việt Nam đều có mối quan tâm về tiền bạc, gia tài của cha mẹ để lại lớn cỡ nào chứ chẳng mấy ai quan tâm về đạo đức, văn chương, nghệ thuật hay triết học… Bởi những thứ ấy xa xỉ và vô bổ đối với họ. Đối với những đứa em vợ của tôi, chúng trẻ, học hành có bằng này bằng nọ, và cả bạn của chúng cũng như thế hệ của chúng, khi nói ra, tôi chỉ nghe tiền, nhà cửa, xe cộ, ngồi ăn nhà hàng nào, uống quán nào, giá bao nhiêu… Tất cả là danh dự, đẳng cấp và vị thế, giá trị làm con người của chúng. Chấm hết !
Đất nước trở nên khốn đốn, khốn nạn và đồi bại như này hôm nay là do đâu ? Hãy nhìn lại những tháng ngày xếp hàng, giành giật từng miếng ăn như bầy đàn của các thế hệ trước trong thời kinh tế tập trung bao cấp ! Hãy nhìn vào công cuộc thao túng quyền lực bằng lợi ích nhóm của gần đây và hiện tại ! Hãy nhìn vào chương trình giáo dục, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa cũng như những thanh âm cuồng nộ của nó sau mỗi dư chấn giáo dục tỉ như Sầm Đức Xương, cải cách giáo dục, thầy giáo yêu râu xanh, dạy thêm, học thêm, tham nhũng, hối lộ (kể cả hối lộ tình dục) trong ngành giáo dục !
Và hãy nhìn cung cách hành xử của người Trung Quốc ngay trên đất nước Việt Nam cũng như những gì gọi là "biện pháp đối phó" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với họ ! Hãy nhìn tương lai tự do cho người dân Việt Nam ! Hãy nhìn vào thẳng lòng yêu thương đã bị tổn thương bởi tiếng reo hò của kẻ thắng cuộc và giọt nước mắt của nhiều thế hệ đã nhỏ xuống mặt trái của trang lịch sử ! Hãy nhìn và hãy nhìn… !
Mọi thứ bạn và tôi nhìn được sẽ không giải quyết được bất kì thứ gì ngoài việc làm cho chúng ta nguôi ngoai nỗi đau, nỗi cô đơn khi bạn tìm một tiếng nói hay một hơi thở tâm hồn đồng điệu, đồng cảm. Và cái điều đáng sợ nhất là hiện nay, khi mà đất nước đã trở nên rối ren và tao loạn, thì việc triệt hạ cường quyền ác bá cho dù có thực hiện được cũng không làm thay đổi thực trạng một cách nhanh chóng hay rốt rào mà cái vệt đen này còn kéo dài qua nhiều thế hệ !
Tôi xin gọi đây là cái vệt 30 tháng 4, kể từ khi đất nước nối liền Nam – Bắc và chịu chung một luật chơi mới đầy manh động, máu lạnh cho đến bây giờ và không biết mãi cho đến bao giờ !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 01/05/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Lần kỷ niệm thứ 43 ngày "30 tháng 4" năm 2018 ở Việt Nam không còn được người dân quan tâm bằng những cuộc vui chơi, tắm biển và giải trí, nhưng hận thù dân tộc lại được phe Tuyên giáo và Quân đội khơi lên gay gắt hơn bao giờ hết.
Ở Trung ương, đảng và nhà nước đã thay việc tổ chức các lễ kỷ niệm hào nhoáng và tốn phí bằng những buổi ca nhạc để phô trương thành tích đã mờ nhạt và phản cảm gọi là "giải phóng miền Nam, thồng nhất đất nước". Các buổi lễ ở địa phương cũng chỉ bày ra để cho các viên chức lãnh đạo xếp hàng chụp ảnh để báo cáo nhưng rất ít có dân tham dự.
Hàng ngàn người dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đổ xô đến các công viên vui chơi dịp 30/4
Trong khi ấy thì hàng triệu người dân đã lợi dụng 4 ngày nghỉ lễ dịp 30/04 và Lao động 01/05 (từ 28/04 – 01/05/2018) để trốn khỏi cảnh sống chật hẹp và oi bức ngộp hơi ở thành phố đến những nơi có biển tắm mát và nghỉ ngơi thoải mái.
Tuy nhiên, có nhiều người ra đi mà không bao giờ trở lại. Theo báo cáo của Bộ Công an thì : "Trong bốn ngày nghỉ lễ, từ 28/4 đến 1/5, cả nước xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người, bị thương 79 người. Riêng ngày cuối cùng kỳ nghỉ lễ 1/5 có 27 người chết, 33 người bị thương".
So với bốn ngày nghỉ lễ năm 2017 (29/4 đến 2/5/2017), tai nạn giao thông năm nay, giảm 12 vụ (9,6%) ; giảm 19 người chết (19,4%), giảm 11 người bị thương (12,2%).
Đó là những chuyện bề nổi của ngày đã được cơ quan tuyên truyền của đảng tô son vẽ phấn gọi là "Đại thắng mùa Xuân 1975", một bi hài kịch tự kiêu cộng sản.
Nhưng khác với các năm trước, lần đầu tiên trong 43 năm kỷ niệm ngày Quân đội cộng sản vào Sài Gòn ngày 30/04/1975, Ban Tuyên giáo và Tổng cục Chính trị quân đội đã phải tập hợp một số người viết bài đề cao ý nghĩa của "Đại thắng mùa Xuân". Mục đích là để bác bỏ những quan điểm cho rằng, dù phải vừa chiến đấu và xây dựng, nhưng "chế độ Việt Nam Cộng Hòa" ở miền Nam trước 1975, vẫn có nhiều lĩnh vực thành công và đáng trân trọng hơn Chính phủ cộng sản của thời bình.
Báo Quân đội nhân dân
Báo Quân đội nhân dân viết : "Chiến tranh đã lùi xa, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam mong muốn khép lại quá khứ để nhìn về tương lai hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đại thắng mùa xuân năm 1975 thực sự là động lực để chúng ta vượt qua mọi gian nan, thử thách, vững bước tiến lên vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho hôm nay và muôn đời sau.
Thế nhưng đến nay vẫn có những kẻ cố lừa phỉnh dư luận qua việc ngợi ca chế độ dân chủ, tự do và kinh tế phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn, phủ nhận giá trị của chiến thắng trong thời kỳ mới. Những luận điệu ấy lan truyền trên internet dưới nhiều hình thức, như bài viết, clip hòng đánh lừa những người ít thông tin, thiếu hiểu biết, đặc biệt là nhắm vào thế hệ trẻ" (Quân đội nhân dân, ngày 01/05/2018).
Ăn nói như thế là tự lừa dối mình, bởi vì, dù có xuyên tạc đến đâu thì cũng không thế phủ nhận :
1. Việt Nam Cộng Hòa, từ 1954 đến 1975, không hề có chủ trương "đảng cử dân bầu". Dù bị chiến tranh tàn phá và đe dọa, khủng bố, chế độ ứng cử và tranh cử ở miền Nam hoàn toàn tự do. Ở miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn này không có ứng cử và bầu cử dự do. Chỉ có một đảng cộng sản cầm quyền toàn trị.
Ngay đến bây giờ, sau 43 năm thống nhất đất nước, cả nước Việt Nam vẫn chỉ có một đảng cầm quyền và chỉ có đảng viên cộng sản hay những cảm tình viên cộng sản mới được bầu vào các chưc vụ đại diện dân ở Quốc hội và trong các Hội đồng nhân dân. Đảng tiếp tục không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
2. Nền kinh tế ở miền Nam là "kinh tế thị trường, tự do kinh doanh và phát triển". Và mặc dù phải lệ thuộc vào viện trợ kinh tế của Mỹ để tồn tại và phát triển trong khi cùng lúc phải chiến đấu chống cộng sản miền Bắc xâm lược , người dân miền Nam cũng chưa bao giờ phải xếp hàng trước các cửa hàng quốc doanh hay hợp tác xã để mua từng lon gạo, lạng thịt, cân đường, bó rau hay sợi chỉ cây kim bằng tem phiếu như người dân miền Bắc.
Tiến sĩ Bùi Kiến Thành
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, bài viết của Quân đội nhân dân đã trích lờichuyên gia kinh tế Việt kiều Mỹ, ông Bùi Kiến Thành để cố ý hạ thấp giá trị chính sách kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa.
Quân đội nhân dân nói trong cuộc phỏng vấn của BBC tiếng Việt, ông Thành đã : "Từng đánh giá, kinh tế dưới chế độ Sài Gòn là "nền kinh tế phát triển ảo", "không vững chắc", "không dựa vào cơ sở kinh tế mà chỉ dựa vào chiến tranh là chính". Ông Bùi Kiến Thành nhận định đây là nền kinh tế "chưa trong sáng", cụm từ chỉ tình trạng tham nhũng tràn lan của chính quyền Sài Gòn".
Trích dẫn mà chắp vá và cắt xén như thế là "không có đạo đức" và suy diễn thiếu nghiêm chỉnh. Sự thật thì Tiến sĩ Bùi Kiến Thành đã nói nguyên văn ý của ông trong vế "chưa trong sáng" như thế này : "Trong những năm dưới Đệ nhị Cộng hòa thì có khó khăn do cơ chế quản lý nhà nước vẫn chưa có những kinh nghiệm trong vận hành kinh tế thị trường, quản lý nhà nước vẫn chưa hoàn toàn trong sáng" (BBC Tiếng Việt, phát thanh ngày 25/4/2015).
Như vậy thì những chữ "cụm từ chỉ tình trạng tham nhũng tràn lan của chính quyền Sài Gòn", được ráp vào sau 3 chữ "chưa trong sáng" là của báo Quân đội nhân dân tự chế ra để nhét vào miệng Tiến sĩ Bùi Kiến Thành, con bác sĩ nổi tiếng Bùi Kiến Tín, bạn thân của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, chủ hãng dầu Khuynh Diệp, với chủ ý xuyên tạc Chính phủ thời Việt Nam Cộng Hòa.
Đáng chú ý là báo Quân đội nhân dân đã bỏ qua mấy câu nói khác của ông Thành như : "Việt Nam ngày nay nên học chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong cách nhìn về kinh tế thị trường cũng như cách đào tạo, trọng dụng nhân tài".
BBC viết tiếp : "Ông Thành cũng cho rằng "dư âm của nền kinh tế tập trung" đang hạn chế sự phát triển của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, cũng như trong tương lai".
BBC : Ông có thể cho biết một số đặc trưng của nền kinh tế miền Nam trước năm 1975 ?
Bùi Kiến Thành : "Trước 1975 thì kinh tế miền Nam, dù có những khó khăn do chiến tranh, nhưng vẫn là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Vì trong bối cảnh chiến tranh nên chính sách thời đó là mở rộng tất cả những gì có thể. Nông nghiệp thì gặp khó khăn về chiến tranh, thương mại cũng chỉ trao đổi hàng hóa, chứ việc phát triển công nghiệp thì chưa được bao nhiêu.
Nhưng nó vẫn là nền kinh tế cho phép nhân dân tự do tham gia, để những người có ý chí muốn làm kinh tế được tạo điều kiện tốt".
Ông Thành, hiện đang làm việc ở Việt Nam bảo thẳng : "Nói chung nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa là một nền kinh tế thị trường có nhiều tiềm năng, nếu được phát triển trong hòa bình thì sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt hơn là chính sách phát triển tập trung sau 30/4/1975.
Nếu Việt Nam có hòa bình thì những chính sách phát triển kinh tế bắt đầu từ nền Đệ nhất Cộng hòa vẫn được duy trì, như khu công nghiệp Biên Hòa, các trung tâm phát triển công nghiệp. Khi đó chúng ta học dần dần thì bắt đầu tích lũy kinh nghiệm và bắt đầu đi lên.
Tuy nhiên, sau 30/4 thì tất cả những kinh nghiệm đó bị chặn đứng, áp dụng kế hoạch tập trung của miền Bắc vào miền Nam, bao nhiêu doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, doanh nhân thì vào trại cải tạo hoặc bỏ xứ ra đi.
Nền kinh tế tan vỡ ra hết và nền kinh tế tập trung không phát triển được, việc ngăn sông cấm chợ khiến nền kinh tế đi vào ngõ cụt.
Đến khi đó nhà nước cộng sản mới áp dụng chinh sách Đổi Mới. Nhưng Đổi Mới không phải là kinh tế thị trường mà là nền kinh tế 'nhiều thành phần vận hành theo kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước".
Cho đến nay định nghĩa của nền kinh tế Việt Nam sau Đổi Mới vẫn chưa có gì mới hơn là định nghĩa năm 1986, là kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước.
Vì vậy nên đến 2015, chúng ta vẫn bị sự chi phối nặng nề của các doanh nghiệp nhà nước, không thoát ra được tư duy kế hoạch tập trung của một số lãnh đạo, và không thoát ra khỏi sự vận hành của kinh tế nhà nước, trì trệ và không có hiệu quả.
Từ năm 1985 đến giờ ta không bắt kịp các nền kinh tế khác vì tư duy không rõ ràng, không ai biết kinh tế xã hội chủ nghĩa là cái gì.
Một mặt thì nói là kinh tế thị trường, một mặt thì nói là có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta đã mất hết 30 năm mà vẫn còn loay hoay trong những việc làm không rõ ràng".
Giáo dục - Văn hóa
3. Bước sang lĩnh vực giáo dục và Văn hóa thì dù một hay trăm thợ viết thuê của Ban Tuyến giáo hay Tổng cục Chính trị quân đội cũng không thể đổi trắng thay đen để xóa đi những thành tựu sáng chói và tính nhân văn của nền giáo dục và nhân bản của văn hóa dân tộc thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Trước hết, hãy nghe Tiến sĩ Bùi Kiến Thành phát biểu trên BBC ngày 25/04/2015 : "Ở miền Nam trước 75 thì là một nền giáo dục rất mở, người sinh viên và các thầy giáo được quyền tiếp cận các nền giáo dục tư tưởng, dù là tư bản hay cộng sản, không hạn chế".
Bỏ qua những chương trình giáo dục học vẹt, vừa hồng vừa chuyên, chỉ biết thầy đọc trò viết cho đầy tập, chạy điểm, mua bằng thật và bằng giả và những tệ trạng "muốn lên lớp, được điểm cao" thì phải "ngủ với Thầy" v.v…đã và đang diễn ra ở Việt Nam mà hãy nhìn vào khả năng lao động của công nhân Việt Nam để thấy tương lai đang đi về đâu.
Theo bà Saranya Skontanarak, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan (TBA) thì năng suất lao động của người Việt Nam khá thấp so với các quốc gia xung quanh. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất lao động của một người Singapore cao gấp 20 lần năng suất lao động của một người Việt Nam.
Ngay người Thái Lan cũng có năng suất lao động gấp 3 lần người Việt Nam.
Bà Saranya Skontanarak đã đưa ra nhận xét tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/4/2018.
Và tại cuộc Hội thảo chuyên đề "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa", ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, cho biết : "Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore ; 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào" (VietnamNet, 13/01/2018).
Trong khi ấy thì Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, báo cáo năm 2017 lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016.
Con số này chưa xấu hổ cho bằng đánh giá trong sáng trong kinh doanh của Thế giới đã đặt Việt Nam xếp hạng 141/180 với 53,1 điểm, mức tổng điểm thấp hơn điểm bình quân khu vực và thế giới. Trong 43 nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hạng 35, thua Lào (53,6 điểm, hạng 34), Myanmar (53,9 điểm, hạng 33) và Campuchia (58,7, điểm hạng 22).
Về số thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017, theo lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì rất thấp, tương đương 2.385 USD. Ông nói với báo Tuổi Trẻ : "Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar" (Miến Điện).
Như vậy thì vinh hạnh gì, nếu so với thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước năm 1975 ?
Văn hóa đồi trụy ?
4. Trong lĩnh vực Văn hóa, hãy tạm gác sang hành động "gục mặt bước dồn" của những nhóm cán bộ lãnh đạo thiếu học, vô văn hóa, kém văn minh khi họ ra lệnh đốt sách, bắt giam các Văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày vào Sài Gòn 1975, mà hãy nói đến phong trào "hát nhạc vàng", hay dòng nhạc Bolero của miền Nam đang lên cơn sốt ở khắp miền đất nước, sau 43 năm mấy anh Bộ đội mũ tai mèo, dép râu bước vào Sài Gòn hoa lệ.
Những cán bộ tuyên giáo, dân vận hãy tự hỏi mình xem tại sao bây giờ nhân dân lại say mê những dòng nhạc của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, Văn Cao một thời bị cấm ? Hay vì sao mà nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Minh Kỳ, Lê Dinh, Ngô Thụy Miên, Duy Khánh, Nhật Trường Trần Thiện Thanh v.v… của miền Nam đã được ưa chuộng hơn nhiều nhạc sĩ miền Bắc, kể cả Phạm Tuyên, con Nhà văn hóa Phạm Quỳnh ?
Luôn tiện những người còn mê ngủ của Tuyên giáo cũng nên tự vấnlương tâm xem do đâu mà Mầu Tím Hoa Sim của nhà Thơ Hữu Loan, người đã can đảm bỏ đảng và công khai mạt sát đám "cai thầu văn nghệ" làm tay sai cho đảng thời Nhân văn Giai phẩm,đã đi vào lịch sử văn học và được hàng triệu người yêu mến gấp triệu lần hơn những vần Thơ thờ nhà độc tài cộng sản (Joseph Vissarionovich) Stalin, hay chứa đầy dao găm mã tấu thời Cải cách Ruộng đất của Tố Hữu và Xuân Diệu ?
Ôn lại những chuyện cũ để thấy sự so sánh thành công và thất bại ở miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa, trước vào sau ngày gọi là "Đại thắng mùa Xuân 1975", không phài là không có lý.
Bởi vì, sau 43 năm của cái gọi là "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" ấy, nhân dân miền Nam đã hoàn toàn mất hết các quyền : Tự do ngôn luận và Tự do báo chí ; Tự do Lập hội và Biểu tình ; Tự do Ứng cử và Bầu cử. Và trong nhiều trường hợp, quyền tự do Tín ngưỡng và Tôn giáo đã bị qủan chế khe khắt.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, khi ra đường người dân không sợ bị cướp giật và xâm phạm an ninh cá nhân như thời cộng sản. Họ cũng không phải đem theo tiền để hối lộ dọc đường hay mánh mung chạy chức chạy quyền, lo đút lót để cho con được điểm cao hay tốt nghiệp ra trường, và có việc làm ổn định.
Cũng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, làm gì có chuyện truyền thống "tôn sư trọng đạo" trong giáo dục đã bị bị xúc phạm trắng trợn như vụ Cô giáo phải qùy xin lỗi phụ huynh tại Long An tháng 2/2018. Rồi sau đó vào tháng 3/2018 cô giáo mang thai Phan Thị Hiên, tập sự tại trường mầm non Việt-Lào ở Nghệ An, cũng đã phài qùy gối van xin tha đánh bởi một phụ huynh, chỉ vì trước đó cô giáo đã xử phạt kỷ luật con người này.
Chỉ kể sơ ra đây ít chuyện làm quà để thấy thời Việt Nam Cộng Hòa, tuy chưa có dân chủ như nhiều nước khác vì có chiến tranh, cũng đáng sống hơn thời tham nhũng ngập đầu và xã hội có nhiều trộm cắp và giết người như ngóe mất an ninh ở Việt Nam thời Xã hội Chủ nghĩa.
Gay gắt hù họa
Thế mà cán bộ tuyên giáo vẫn có thể bô bô nói rằng : "Chiến tranh đã lùi xa, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam mong muốn khép lại quá khứ để nhìn về tương lai hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đại thắng mùa xuân năm 1975 thực sự là động lực để chúng ta vượt qua mọi gian nan, thử thách, vững bước tiến lên vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho hôm nay và muôn đời sau.
Thế nhưng đến nay vẫn có những kẻ cố lừa phỉnh dư luận qua việc ngợi ca chế độ dân chủ, tự do và kinh tế phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn, phủ nhận giá trị của chiến thắng trong thời kỳ mới. Những luận điệu ấy lan truyền trên internet dưới nhiều hình thức, như bài viết, clip hòng đánh lừa những người ít thông tin, thiếu hiểu biết, đặc biệt là nhắm vào thế hệ trẻ (Quân đội Nhân dân, 01/05/2018).
Phân bua như thế xong, báo này quay sang hù họa : "Đảng, Nhà nước ta đã chủ động đề ra và thực hiện phương châm "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai", "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển", nhưng trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới, mỗi người dân của "con Lạc cháu Hồng" dù ở trong nước hay đang định cư, học tập, công tác ở nước ngoài, không bao giờ được lãng quên lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ; càng không được vào hùa với các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn để bóp méo, bôi nhọ, xuyên tạc, đòi đánh giá lại lịch sử, phủ nhận tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa xuân năm 1975 nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối (báo Quân đội Nhân dân, 30/04/2018).
Cũng tát nước theo mưa là bài viết trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng, cũng đưa ra luận điểm bảo vệ cho cái gọi là "chiến thắng" mùa Xuân 1975.
Ông Hưởng cảnh giác hiện vẫn có "những ý kiến lạc lõng xuyên tạc về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng đó, cần phải cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ".
Ông viết : "Suốt hơn bốn thập kỷ qua, những luận điệu xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta ; những mưu đồ bóp méo, hạ thấp, phủ định ý nghĩa và giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 liên tiếp được các thế lực chống đối, thù địch tung lên trên mọi phương tiện thông tin với nhiều hình thức, cả ở trong nước và nước ngoài. Họ thường "thảng thốt" rằng, chiến thắng lịch sử của nhân dân ta ngày 30/4/1975 đối với họ là "tháng 4 đen" ; "ngày quốc hận". Đồng thời, xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, rằng đó là cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn" giữa hai miền Nam - Bắc" (theo Quốc phòng toàn dân, ngày 26/04/2018).
Viết như thế, nhưng liệu ông Hưởng có sờ lên gáy xem những dư luận không đồng tình với mấy chữ "Đại thắng mùa Xuân 1975" có phản ảnh sự thật trong đời sống nhân dân như mọi ngưởi chưa được "no cơm ấm áo" và đất nước chưa thật sự "có độc lập tự do" , hay những thứ này mới chỉ dành cho một thiểu số có chức, có quyền và những tay sai của đảng cầm quyền ?
Hay xa hơn, vẫn đang có những kẻ nội thù và tay sai ngoại bang muốn phân hóa dân tộc ?
Đó là lý do tại sao sau 43 năm mà "kẻ thắng" và "người thua" vẫn còn xa mặt cách lòng bởi những con người "kêu ngạo cộng sản" tiếp tục giáo điều, lạc hậu và chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân và phe nhóm trên quyền lợi tối cao của dân tộc.
Phạm Trần
(03/05/2018)
Chính phủ Việt Nam nói về hòa giải nhân ngày 30/4 (RFA, 30/04/2018)
Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam đã có nhiều chính sách về hòa hợp và hòa giải dân tộc trong suốt 43 năm qua.
Người Việt tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ, tưởng niệm Ngày Quốc Hận hôm 30/4/2018. Photo courtesy of facebook Luan Dang
Đó là lời ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, được báo Tuổi Trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời, trong số ra ngày 30/4/2018, tròn 43 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Ông Lương Thanh Nghị liệt kê những hoạt động mà Nhà nước Việt Nam tổ chức hướng tới cộng đồng người Việt tại hải ngoại, như là tổ chức hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, tổ chức trại hè tại Việt Nam cho thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại, tổ chức đưa người Việt sống tại nước ngoài thăm quân đảo Trường Sa nơi đang có tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc.
Theo ông Lương Thanh Nghị, nhiều kiều bào có định kiến với nhà nước Việt Nam đã thay đổi nhận thức và chính kiến sau khi tham gia những chương trình như vậy.
Tuy nhiên ông Lương Thanh Nghị cũng nói rằng dù có những cố gắng hòa hợp hòa giải nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông không nói rõ thêm là những điều chưa đạt được là gì.
Sau khi quân đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, thống nhất nước Việt Nam, hơn hai triệu người tại Miền Nam Việt Nam đã bỏ nước ra đi, đa số đi bằng đường biển. Họ đã đến định cư tại nhiều quốc gia phương Tây, quan trọng nhất là các cộng đồng tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada.
Hàng năm cứ đến ngày 30/4 thì những cộng đồng này lại tổ chức lễ tưởng niệm ngày được gọi là tháng tư đen, và tổ chức những cuộc biểu tình phản đối trước các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại những quốc gia mà họ đang sống.
RFA tiếng Việt, 30/04/2018
*****************
Một số trí thức Việt có cái nhìn ‘xét lại’ ngày 30/4 (VOA, 30/04/2018)
Một số trí thức Việt Nam có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội mới đây đưa ra những quan điểm có tính chất "xét lại" sự kiện 30/4, ngày Việt Nam gọi là "giải phóng miền Nam" nhưng nhiều người lại coi là "ngày quốc hận", thu hút hàng nghìn lượt phản ứng và chia sẻ trên mạng.
Họa sĩ Thành Chương tự hỏi có nên vứt bỏ các huân chương, huy chương thời "chiến tranh chống Mỹ"
Họa sĩ Thành Chương hôm 28/4 đăng một bài ngắn trên Facebook cá nhân, cho biết, năm 1967 ông đã từ chối đi học ở Đức để nhập ngũ, "sẵn sàng hy sinh, chiến đấu cho lý tưởng Cộng Sản cao đẹp và sự nghiệp Chống Mỹ Cứu Nước vĩ đại !"
Đăng cùng bài là tấm ảnh cho thấy một số huân chương, huy chương mà ông được trao, ghi nhận ông "có công" trong quân ngũ. Song họa sĩ nổi tiếng hiện sống ở Hà Nội viết : "Xưa những tấm huân chương, huy chương này là niềm vinh dự tự hào ! Nay thấy chúng thật vớ vẩn, vô nghĩa !". Ông cũng tự hỏi "nên giữ hay vứt chúng đi đây ???".
Trong một đoạn khác, ông Chương nói 43 năm qua, cứ đến ngày 30/4, "luôn có một đám" mà ông mô tả rằng không chỉ "ăn mày dĩ vãng, giờ chúng Ăn Cướp cả qúa khứ và dĩ vãng để mưu cầu danh lợi !".
Họa sĩ không nói cụ thể những người ông gọi là "một đám" đó là ai. Ông kêu gọi "Xin gác cái quá khứ hào hùng ấy lại ! Sống cho hiện tại và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn !".
Bài viết 171 từ của ông đã nhận được ít nhất 5000 phản ứng ủng hộ lẫn chia sẻ trên mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một blogger có nhiều ảnh hưởng qua các bài viết phản biện về chính quyền, nói với VOA rằng ông thấy "bàng hoàng" về những ý kiến "gay gắt" của họa sĩ 69 tuổi, vốn từng có thời gian dài làm báo và suốt đời không "va chạm gì với chính trị".
Ông Diện cho rằng quan điểm mới thể hiện của ông Chương cho thấy trong lòng cá nhân họa sĩ, và rộng hơn là nhiều trí thức Việt Nam, họ "nuối tiếc" những hy sinh ở tuổi thanh xuân để rồi nhận lại là một đất nước sau nhiều thập kỷ còn kém phát triển, cùng với tham nhũng tràn lan.
Ông Diện nói với VOA :
"Họ hy sinh xương máu như vậy là để phấn đấu cho một đất nước giang sơn liền một dải, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, tiến kịp các nước. Nhưng cung cách quản lý, điều hành đất nước của nhà cầm quyền hiện nay khiến họ buồn quá. Phản ứng đó là không phải là với quá khứ của cuộc chiến, mà đấy là sự phản ứng của người trí thức từng tham gia cuộc chiến đối với cách điều hành và lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền hiện tại".
Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển hơn nhiều sau 43 năm song vẫn thấp hơn kỳ vọng của nhiều người
Các con số thống kê chính thức của Việt Nam và các tổ chức quốc tế cho hay GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 ở mức 2.385 đôla. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar.
Nếu so sánh với GDP đầu người của Hàn Quốc, con số của Việt Nam chỉ bằng 8% của mức 29.780 đôla mà người Hàn đạt được năm 2017.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, người hay bình luận về đời sống chính trị, xã hội Việt Nam trên mạng xã hội, đã bàn về "cái giá của sự thống nhất" trong bài viết đăng hôm 27/4 trên trang Facebook cá nhân có hơn 50.000 người theo dõi.
Ông viết rằng thời nhỏ khi ông hỏi người lớn rằng tại sao Đức và Triều Tiên không có "chiến tranh giải phóng dân tộc", ông thường nhận được câu trả lời là "chúng ta yêu nước hơn họ".
Cuộc chiến mà những người cộng sản Việt Nam gọi là "chống Mỹ cứu nước" kết thúc năm 1975, với chiến thắng lại cho người cộng sản toàn quyền cai trị nước Việt Nam thống nhất.
Giờ đây, ở độ tuổi trung niên, bác sĩ Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh tóm tắt lại thực trạng đất nước : "Đạo đức xã hội băng hoại, đất nước bị chia rẽ sâu sắc, xã hội ngày càng mất ổn định, những kẻ trong bộ máy cầm quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, người dân càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang".
Ông cũng nhắc đến một thực tế là hàng triệu người đã bỏ đất nước ra đi "vì kinh tế, vì bức bách, vì chán chường, vì mong muốn một tương lai cho con, cháu..".
Theo báo chí trong nước, chỉ riêng năm 2017, có gần 135.000 người "lao động xuất khẩu" Việt Nam được đưa ra nước ngoài, nâng tổng số người đi làm việc theo hình thức này lên đến khoảng 500.000.
Con số chính thức đó không bao gồm hàng vạn người khác đi làm việc "chui" ở nhiều nước.
Trong khi đó, ở trong nước, giới chuyên gia kinh tế dẫn các số liệu khẳng định khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Họ đóng góp đến 1/5 GDP, 3/4 cho xuất khẩu và 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số các doanh nghiệp FDI có nhiều hãng của Hàn Quốc và Đức thuê hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam.
Đề cập đến hơn 3,3 triệu người Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh, bác sĩ Võ Xuân Sơn nêu ra kết luận : "Cái giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước thật sự là quá đắt. Đấy là chưa kể, chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê rẻ mạt, đang bị chính những kẻ ‘không yêu nước bằng chúng ta’ sai khiến, bóc lột".
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang không nhắc đến hòa hợp, hòa giải trong bài viết hôm 27/4/2-18 về sự kiện 30/4/1975
Bên cạnh những cái nhìn bày tỏ thất vọng, đã xuất hiện ý kiến kêu gọi nhà nước và xã hội kỷ niệm ngày 30/4 theo hình thức khác.
Luật sư Nguyễn Danh Huế đề xuất qua Facebook cá nhân rằng nên lấy tên gọi chính thức là "ngày thống nhất" và cũng là "ngày đại đoàn kết toàn dân".
Theo ông, thay vào "tổ chức kỷ niệm tưng bừng chiến thắng" sẽ là các lễ tưởng niệm những nạn nhân của chiến tranh trên khắp đất nước, thắp hương tưởng nhớ những
Ông cũng gợi ý nên thăm hỏi, chăm sóc các thương binh và những người chịu mất mát do chiến tranh "bất kể họ ở phía nào của cuộc chiến". Việc tìm kiếm và quy tập hài cốt những người lính mất tích cũng cần được tiến hành "không phân biệt họ thuộc phía nào".
Luật sư cho rằng những việc nêu trên "nếu không làm ngay thì sẽ muộn".
Nhưng dưới con mắt tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, đề xuất của ông Huế - dù được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội - dường như vẫn chỉ là những lý tưởng đẹp khó trở thành hiện thực, dù nó nói lên khát vọng của đông đảo những người ở cả hai phía.
Ông Diện đưa ra lý do :
"Khó lắm. Bởi vì là người cộng sản khi họ đã nghĩ điều gì thì họ không bao giờ thay đổi. Và nó như một cái đinh đã đóng chết vào một bức tường. Không bao giờ họ thay đổi. Cái đó rất khó. Và chúng tôi cũng không thấy dấu hiệu nào về việc hòa hợp hòa giải".
Hôm 27/4, báo chí Việt Nam đăng một bài viết dài của chủ tịch nước Trần Đại Quang về "kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Bài viết dài hàng nghìn từ, như thường lệ, dành phần lớn để ca ngợi thắng lợi do Đảng cộng sản lãnh đạo. Toàn bài chỉ có một câu ngắn nói về "xây dựng con người Việt Nam yêu nước, đoàn kết, có năng lực sáng tạo, trung thực, trách nhiệm và nhân ái", trong khi không có bất cứ từ "hòa hợp" hay "hòa giải" nào.
VOA tiếng Việt, 30/04/2018