Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế giới đón năm mới 2022 trong không khí lo âu khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn với biến thể Omicron. Băng giá và tuyết lạnh phủ kín nhiều nước Châu Âu nhưng cái lạnh đó không ngăn được sức nóng từ các cuộc xuống đường biểu tình bạo động tại nước cộng hòa vùng Trung Á Kazakhstan.

Các cuộc biểu tình bắt đầu ngay từ năm mới, hôm 2/1/2022 khi hàng ngàn người dân tại một thị trấn nhỏ Janaozen xuống đường biểu tình chống tăng giá nhiên liệu sau khi nhà nước dừng trợ giá. Biểu tình nhanh chóng lan ra khắp đất nước, đặc biệt tại thành phố Almaty, cố đô và là thành phố lớn nhất của Kazakhstan.

Kazakhstan là một quốc gia Trung Á có diện tích hơn 2,7 triệu km vuông, lớn thứ 9 trên thế giới nhưng chỉ có hơn 18 triệu dân. Quốc gia này có đường biên giới dài với Nga, Trung Quốc và một số nước khác. Kazakhstan được biết đến như là một quốc gia ổn định trong một chế độ chuyên chế. Cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, là người lãnh đạo duy nhất tại đây cho đến năm 2019. Sau đó ông đã nhường lại chức tổng thống cho một người thân cận là Kassym Jomart Tokayev và nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Các bức tượng Nazarbayev được dựng trên khắp đất nước và tên ông được đặt tên cho thủ đô mới. Ông được phong làm 'Elbasy' – “Cha già dân tộc” suốt đời.

kaz-1

Cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, là người lãnh đạo duy nhất tại Kazakhstan cho đến năm 2019. Ông được phong làm 'Elbasy' – “Cha già dân tộc” suốt đời.

Tại Kazakhstan, trong các cuộc bầu cử, đảng cầm quyền đều chiến thắng với 100% số phiếu vì không có đảng đối lập. Chính vì lý do đó mà khi xảy ra các cuộc biểu tình, mặc dù tổng thống Tokayev đã nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình như hạ giá nhiên liệu, giải tán chính phủ...nhưng vẫn không làm các cuộc biểu tình giảm nhiệt. Chính quyền không biết tìm ai để đối thoại và cũng không có nhà lãnh đạo nào của phe đối lập xuất hiện. Hậu quả là các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động. Tòa thị chính thành phố Almaty bị phóng hỏa, sân bay cũng bị tấn công. Đường phố biến thành chiến trường với các đám cháy khắp nơi. Đã có hàng chục người bị giết hại và hàng trăm người bị thương, gần 4000 người bị bắt giữ.

Theo chúng tôi có lẽ các cuộc biểu tình sẽ nhanh chóng kết thúc cho dù có hay không sự can thiệp của Nga và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Belarus, Kyrgystan và Tajikistan. Lý do cũng giản dị, đây không phải là một cuộc cách mạng vì không có lãnh đạo và không có bất cứ một sự chuẩn bị hay kế hoạch nào. Người dân xuống đường chủ yếu đến từ các thành phố nhỏ và các vùng ngoại ô, nơi mà đời sống của họ rất khó khăn do giá cả hàng hóa tăng cao cộng với tình trạng tham nhũng và chuyên chế của chính quyền. Cư dân tại các thành phố lớn có cuộc sống tương đối dễ chịu hơn, dễ kiếm việc làm hơn và ít bị phân biệt đối xử hơn...Tình trạng bất bình đẳng như vậy cũng là tình trạng chung của các nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam.

Cơ hội hay ác mộng cho Putin?

Trái với nhận định của một số nhà phân tích, chúng tôi cho rằng các cuộc bạo loạn đang xảy ra tại Kazakhstan là một cơn ác mộng cho Putin hơn là một cơ may. Putin đang ngày càng cố gắng duy trì ảnh hưởng của đế quốc Nga lên những khu vực thuộc Liên Xô trước đây. Việc Ukraine làm cuộc cách mạng Maidan năm 2014, lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich để xoay trục sang các nước dân chủ Phương Tây như một đòn giáng chí mạng vào giấc mơ đế chế của Putin. Nga chấp nhận đánh đổi, xé bỏ tất cả các hiệp ước quốc tế để sát nhập bán đảo Krime của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo dưới họng súng. Sau đó Nga đã hậu thuẫn cho phiến quân thân Nga chiếm thêm vùng Donbass của Ukraine. Mục đích là ngăn cản Ukraine gia nhập NATO và EU.

Nga có rất nhiều quyền lợi tại Kazakhstan. Có 4,4 triệu người Nga đang sinh sống tại đây, chiếm 19% dân số. Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai tại Kazakhstan. Nga có sân bay vũ trụ Baikonur và một trung tâm thử vũ khí hạt nhân mang tên “Polygon”. Kazakhstan là một quốc gia nhiều dầu mỏ và có 8000 km đường biên giới với Nga. Mọi bất ổn tại Kazakhstan sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực Trung Á mà Nga vẫn xem là sân sau của mình. Điều hài hước ở đây là Putin luôn chỉ trích EU và NATO tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong khi Nga không những gây ảnh hưởng mà còn can dự trực tiếp vào các nước trong khu vực để duy trì quyền lợi của mình. Việc Nga nhanh chóng điều quân 2500 quân đến Kazakhstan để giúp Tokayev vãn hồi trật tự là vì mục đích đó.

Tuy nhiên việc Putin đem quân vào Kazakhstan là một hành động mạo hiểm. Việc này có thể làm thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa. Thử hình dung khi người Việt Nam đi biểu tình vì một lý do gì đó mà Trung Quốc lại điều cảnh sát sang giúp chính quyền Việt Nam dẹp biểu tình thì điều gì sẽ xảy ra? Nên biết là mọi sự giận dữ của dân chúng Kazakhstan đang đổ lên đầu “Cha già dân tộc” Nursultan Nazarbayev. Tượng của ông tại quê nhà Taldykorgan đã bị người biểu tình giật sập. Theo một số nguồn tin thì Nazarbaiev đã sang Matxcơva để “chữa bệnh”. Gia đình ông cũng chuẩn bị ra đi kể cả cô con gái Dariga Nazarbayeva từng là Chủ tịch Thượng viện. Đương kim tổng thống Tokayev, một đệ tử thân tín được Nazarbaiev lựa chọn đã nhân cơ hội này cách chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của “Cha già dân tộc” lẫn nhân vật số hai của cơ quan tình báo, là người cháu của Nazarbaiev hôm 5/1/2022. Không ai có thể hình dung được kết cục như ngày hôm nay của người được suy tôn là “Cha già dân tộc”. Rõ ràng là số phận của các nhà độc tài đều kết thúc giống nhau, chỉ khác nhau về thời điểm.

Kaz-3

Kazakhstan nằm ở trung tâm vùng Trung Á, vốn được xem là sân sau của đế quốc Nga.

Tương lai nào cho Kazakhstan?

Các cuộc biểu tình sẽ sớm kết thúc nhưng đất nước Kazakhstan không còn bình yên như trước nữa. Số người chết chắc không dừng lại ở con số vài chục. Các cuộc bố ráp và bắt bớ sẽ diễn ra khắp đất nước. Nhiều bản án nặng nề sẽ được đưa ra đồng nghĩa với sự thù hận gia tăng. Cộng đồng người Nga tại đây có thể biến thành mục tiêu cho các nhóm theo đường lối cực đoan hoặc dân tộc chủ nghĩa. Nga phải kéo bớt quân từ biên giới giáp với Ukraine về để tăng cường an ninh cho khu vực Trung Á đầy rủi ro và bất ổn, nhất là sau khi Taliban quay trở lại nắm chính quyền tại Afghanistan. Sức ép của Nga lên Ukraine sẽ giảm. Mặt khác Nga và chính phủ Kazakhstan phải cải cách và trợ giúp cho người dân, cụ thể là Nga phải đổ thêm tiền vào đây để mua sự yên ổn. 

Putin thực sự đau đầu khi phải duy trì một lúc nhiều mặt trận như vậy. Nào là Syria, Georgia, Belarus, Ukraine giờ lại thêm Kazakhstan. Kinh tế Nga sẽ sớm kiệt quệ nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục và thế giới quyết tâm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh. Đừng quên là một quốc gia giàu có như Mỹ mà cũng phải tháo chạy khỏi Afghanistan.

Ngọn lửa mùa đông từ Kazakhstan có thể lan sang các nước trong khu vực vì các quốc gia này vẫn đang đi theo con đường độc tài chuyên chế của nước Nga. Dưới thể chế đó sự bất mãn âm ỉ của người dân có thể bùng phát bất cứ lúc nào và sẽ gây ra nhiều thảm họa cho đất nước. Mô hình dân chủ dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn là phương thức tổ chức xã hội ưu việt nhất hiện nay trong khi các chế độ độc tài không còn phù hợp với bất cứ ai, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việt Nam của chúng ta cũng không là ngoại lệ. Người dân Việt Nam cần ý thức được điều đó để suy nghĩ về tương lai, về một hướng đi mới cho dân tộc.

Việt Hoàng

(8/1/2022) 

Published in Quan điểm