Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chúng ta xem trên ứng dụng (App) hằng ngày về chỉ số chất lượng không khí, có ngày chỉ số này lên tới 300, 400. Các con số đó biết nói, vậy chúng nói lên cái gì, điều chúng ta cần quan tâm là gì, và vì sao môi trường sống ô nhiễm như vậy ? Vấn đề thực sự ở đâu ? Trách nhiệm thuộc về ai ?

buimin1

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh luôn lọt vào Top các thành phố bị ô nhiễm nhất trên thế giới.

Ô nhiễm và mật độ bụi

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành quyết định Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI), 1459/QĐ-TCMT. Trong đó, các thông số về hợp chất trong không khí để xác định VN_AQI gồm SO2, CO, NO2, O3, PM2.5, PM10. Hai thông số sau cùng yêu cầu bắt buộc phải có trong phương pháp tính toán VN_AQI. Các chỉ số về chất lượng không khí ở các quốc gia cũng khác nhau.

PM10 là mật độ các loại bụi mịn có kích cỡ <=10 micromet trên một m3 không khí. Tương tự là PM2.5 về mặt định nghĩa, nhưng có thể khác nhau về thành phần hóa học. Chúng ta cũng chưa rõ trong phép đo VN_AQI, PM10 đã bao gồm PM2.5 hay chưa, nhưng đây là 2 thông số cơ bản để đánh giá tác động của bụi mịn tới sức khoẻ con người. Do đó điều chúng ta cần quan tâm là mật độ bụi, tức số lượng bụi mịn vì nó quyết định việc chất lượng không khí ta đang hít thở. Vật chất dạng hạt có đường kính từ 10 micromet trở xuống (PM10) - một phần nhỏ chiều rộng của sợi tóc người - thường liên quan đến bụi đường, hoạt động xây dựng và các nguồn hạt thô khác. Vật chất dạng hạt mịn 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn (PM2.5) thường liên quan đến việc đốt cháy vật dụng, khí thải công nghiệp hay khí thải từ hoạt động giao thông. Với kích thước đó, PM2.5 có thể đi sâu vào phổi và máu, theo thời gian tàn phá cơ thể. PM2.5 hay PM10 tồn tại ở dạng lỏng và rắn trong không khí.

Trong Qui định 1459, đơn vị tính PM2.5 và PM10 là microgram/m3. Điều đó có nghĩa là đơn vị tính này được hình thành bằng tích của số lượng bụi mịn đo được với khối lượng của hạt. Thực tế là nếu đưa ra con số đo hàng tỉ hạt sẽ khó hình dung hơn là khối lượng hạt, nên thông số PM2.5 hay PM10 có đơn vị tính là microgram/m3. Con số 200, 300 mà chúng ta thấy tên các app, là giá trị của các thông số PM2.5, PM10.

Lấy một thí dụ đơn giản : Chỉ số 300 microgram/m3 được xếp vào dạng rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Mật độ bụi được tính theo logic : 300/khối lượng hạt. Nhưng làm thế nào để tính được số lượng bụi là nhóm PM10 hay PM2.5. Nhóm PM2.5 dĩ nhiên được quan tâm hơn PM10 vì ý nghĩa của nó, nhưng tổng số là bao nhiêu hạt PM2.5 nếu 300 là tổng khối lượng chứ không phải số lượng bụi. Để đo được kích cỡ bụi cần nhiều màng lọc, và đo được mật độ bụi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, như thời tiết, địa điểm lấy mẫu, dân số, mật độ giao thông. Nhắc lại là điều chúng ta cần quan tâm vì nó liên quan tới sức khỏe là mật độ bụi. Khối lượng bụi tính ra không phải điều chúng ta phải để tâm.

Điều chúng ta không thật rõ, là dụng cụ quan trắc, phương pháp quan trắc ở Việt Nam ra sao, để mà tin vào các con số. Cuối năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay đã không quan trắc không khí 6 tháng. Với sự hời hợt vô trách nhiệm đấy, ai hi vọng được thiết bị và phương pháp quan trắc là chuẩn mực. Dù có cùng đơn vị tính là microgram/m3, chỉ số đưa ra ở Việt Nam có thể rất khác các nước khác trên thực tiễn.

Và điều rút ra giản dị là : Những nơi có chỉ số VN_AQI cao chưa chắc không khí đã xấu đến vậy, còn những nơi xấu, có thể còn xấu hơn mức hình dung. Nếu nhìn bằng mắt thường ở các thành phố lớn thì bụi ô nhiễm như sương mù. Điều quan trọng nhất được rút ra nữa, môi trường là một mối quan tâm tổng thể, không chỉ mỗi chỉ số trên.

Paris COP-21 và "bụi mịn" của chế độ cộng sản

Việc đầu tiên Joe Biden làm khi đắc cử tổng thống Mỹ là tái tham gia vào Hiệp định Paris COP-21 mà Trump rời bỏ. Thỏa ước này không giản đơn như thông điệp "Không để nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C đến cuối thể kỷ 21". Nó là một chuỗi các hoạt động chính trị để tạo ra thế cân bằng về tăng trưởng kinh tế và môi trường toàn cầu. Mỹ tham gia và hưởng lợi cũng không ít. Nếu các nhà máy sản xuất công nghiệp đang đặt ở Mỹ, thì cơ sở nào Obama dám công bố kế hoạch ‘America's Clean Power Plan’ : Các nhà máy điện lực Mỹ kể từ năm 2030 giảm 32% lượng thải khí CO2. Thực chất chính phủ phải trợ cấp cho các ngành năng lượng tái tạo. Không doanh nghiệp nào làm nổi và làm thay vai trò chính phủ được, khi ta vẫn đang sống trong thời nhiên liệu hóa thạch.

Các hội nghị khí hậu là các thỏa ước chính trị mà không dễ gì đạt được đồng thuận của các cường quốc. Nhưng bỏ chạy thì tuyệt nhiên không thể. Trump rút không phải vì Mỹ phải đóng nhiều phí mà vì thấy Trung Quốc cũng không cam kết gì. Nhưng thay vì đấu tranh, Trump lại chọn cách thoái lui. Thoái lui nghĩa là giúp Trung Quốc mạnh lên với việc tăng trưởng mà bỏ qua cam kết chung về phát thải C02, và đi kèm là tăng nhiệt độ. Tự thân Đảng cộng sản Trung Quốc hiểu và biết rằng ô nhiễm không có lợi ! Nhưng họ cần tăng trưởng, và đã đến lúc xuất khẩu ô nhiễm sang các nước nghèo hơn, như Việt Nam !

buimin2

Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thế giới.

Việc Mỹ rời Paris COP-21 là tự bỏ đi vị thế của mình. Vì vậy, Biden mới trở lại. Nhưng chúng ta nhìn Mỹ để trở về với Việt Nam. Có những "bụi mịn" mà Đảng cộng sản Việt Nam lờ đi : Đó là môi trường tổng thể đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân đã được nêu ra một phần, nhưng những nỗ lực khắc phục như muối bỏ biển. Và cũng không thể khắc phục với một chính quyền thiếu cả khả năng và thiếu cả lương thiện.

Chúng ta đâu chỉ bị ô nhiễm bởi bụi mịn. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Khí thải từ xe cơ giới cũng là vấn đề lớn, từ các công trình xây dựng hay khí thải công nghiệp đều là các bài toán phải giải. Đó là chưa kể tập quán sinh hoạt mất vệ sinh và rác thải sinh hoạt. Rừng bị tàn phá, bão lũ và hạn hán, thực phẩm bẩn và hàng hóa kém chất lượng. Đó đều là môi trường sống. Đảng cộng sản Việt Nam biết, nhưng chỉ xem như "bụi mịn" vô hình. Chỉ đến khi đám bụi liên kết lại vẩn đục, họ mới nhìn qua.

Giải quyết vấn đề môi trường cần sự liên kết toàn xã hội và chỉ thực sự được cải thiện dưới một chế độ dân chủ. Các chế độ độc tài thường bất lực vì không bị áp lực từ các đảng đối lập. Các đảng đối lập hoạt động như một chiếc camera giám sát và thanh lọc chính quyền nếu chính quyền không thực thi được chính sách đề ra. Thế giới đã nhỏ lại và môi trường sống bắt buộc phải cần sự liên minh toàn cầu, như thỏa ước khí hậu Paris COP-21 mà Joe Biden vừa tham gia trở lại.

Ai phải lo và phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống và tính mạng của người dân ? Xin hỏi những người có suy nghĩ "còn Đảng, còn mình" và xem bụi mịn không phải việc mà Đảng và Nhà nước phải lo.

Quốc Bảo

(28/01/2021)

Additional Info

  • Author Quốc Bảo
Published in Quan điểm