Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

 

Trong những ngày đầu tháng 9/2021, tình hình dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và thách thức kế hoạch phòng chống dịch của chính quyền với số ca nhiễm và tử vong tăng cao. Bên cạnh những khó khăn do dịch gây ra, những biện pháp phong tỏa cực đoan của chính quyền ở mỗi địa phương đang khiến người dân nhiều nơi rơi vào khủng hoảng nhân đạo. Người dân đang phải đối mặt với sụt giảm hoặc mất hẳn thu nhập, sự thiếu thốn không những về lương thực mà còn sức khỏe tâm thần, thậm chí nguy cơ lây nhiễm và hạn chế khả năng tiếp cận y tế trong trường hợp khẩn cấp.

Trong tình cảnh khốn khó này, người dân miền Bắc và miền Trung lại đang phải đối mặt với nguy cơ mới khi mùa mưa bão đang đến.

Năm 2020 là điển hình thảm họa của thiên tai bất thường

Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thì thiên tai năm 2020 đã gây thiệt hại về người (357 người chết, mất tích) và thiệt hại về kinh tế ước tính 37.400 tỷ đồng (trong đó đợt mưa lũ ở miền Trung là 32.900 tỷ đồng). Thiệt hại về người của năm 2020 bằng cả hai năm 2018 và 2019 cộng lại (năm 2018 có 224 người chết, mất tích và năm 2019 có 133 người chết, mất tích). Thiệt hại về kinh tế hơn nhiều so với thiệt hại của 2 năm 2018 và 2019 cộng lại.

Những con số kinh hoàng này đặt ra vấn đề nghiêm túc về kế hoạch phòng chống và ứng phó với thiên tai cần được xem xét và thay đổi mang tính đột phá.

Đất nước Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, chính quyền đã trải qua rất nhiều năm ứng phó và cứu trợ người dân nhưng cho đến nay vẫn đang tồn tại nhiều điều hạn chế. Thiệt hại quá lớn về nhân mạng, tài sản trong năm 2020 và đặc biệt ở miền Trung một phần quan trọng đến từ những vấn nạn tồn tại dai dẳng, những nguyên nhân này được chính những người trong bộ máy chính quyền thừa nhận như hệ thống rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ bị tàn phá. Những điều kiện tự nhiên để phòng ngừa lũ lụt và sạt lở như rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn một khi mất đi sẽ khó phục hồi và mất rất nhiều thời gian để phục hồi, chưa kể đòi hỏi nỗ lực bảo vệ và duy trì.

Vì vậy, những địa điểm xảy ra lũ lụt và sạt lở của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục là điểm nóng về nguy cơ thảm họa thiên tai không những cho năm nay mà còn vài năm nữa. Hệ thống cảnh báo và đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai sạt lở rất tốn kém cho ngân sách hàng năm nhưng lạc hậu, không hiệu quả. Kế hoạch ứng phó với "phương châm 4 tại chỗ" dù đã giảm bớt thiệt hại và mang lại tính chủ động về phương tiện và nhân lực cứu hộ hơn so với nhiều năm trước, nhưng đang cho thấy vẫn rất lạc hậu cả về tư duy lẫn cơ sở vật chất và phương tiện cứu nạn.

thamhoa01

Năm 2020 bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho các tỉnh miền Trung. Liệu năm nay thảm cảnh đó có lặp lại ? Chính quyền đã chuẩn bị để ứng phó chưa ?

Phương châm 4 tại chỗ ban đầu được triển khai do nhu cầu từ việc bảo vệ đê điều sau nhiều thất bại từ công tác phòng chống lũ và vỡ đê những năm 1970. Trận lụt lịch sử 1999 tại các tỉnh duyên hải miền Trung làm bộc lộ yếu kém vì thiếu tầm nhìn, việc khắc phục hậu quả mưa lũ chỉ nhằm vào bảo vệ đê điều mà không có công tác cứu trợ hàng hóa nhu yếu phẩm, công tác cứu nạn khẩn cấp yếu kém vì thiếu trang thiết bị vật tư cứu nạn.

Những tiếng kêu cứu trên mạng xã hội trong những đợt bão lũ lịch sử 2020 vừa qua cho thấy thất bại tiếp tục ở công tác cứu hộ cứu nạn, thực tế là luôn ứng phó bị động mỗi khi xảy ra thiên tai. Những bất cập lớn về công tác cứu hộ cứu nạn dẫn đến tổn thất lớn về nhân mạng của lực lượng quân nhân và chính quyền trong năm 2020 cho thấy trang thiết bị và khả năng cứu hộ cứu nạn vẫn còn rất kém.

Lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác cứu hộ cứu nạn là quân đội đang thiếu trầm trọng các trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng các kịch bản xấu về thiên tai. Cần đầu tư thực chất về trang thiết bị chứ không thể tiếp tục kêu gọi "đoàn kết, đồng lòng để khắc phục khó khăn về đời sống, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để hoàn thành nhiệm vụ" như kinh nghiệm tổng kết được của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thông qua hoạt động thiện nguyện của một nhóm từ thiện khi đến với bà con thôn Phú Kinh, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thông tin ghi nhận được qua lời kể của bà con thì tại thời điểm lũ tràn về, người dân ở đây với kinh nghiệm qua "bao đời mưa lũ" thì mỗi nhà một ghe (thuyền nhỏ), cứ nước lên là cả nhà cùng ngồi lên ghe này để "nổi cùng con nước lũ", tình cảnh không khác gì phó mặc sự sống cho thiên tai. Ở diễn biến tồi tệ hơn, nhiều người đã phải lên mạng xã hội kêu cứu trong tuyệt vọng. Những mất mát về nhân mạng, ở một góc độ nào đó có thể đã không được thống kê đầy đủ.

thamhoa1

Nguy cơ về một thảm họa kép đang hiện hữu khi mua mưa bão đang đến gần và cùng với đó là các biện pháp cực đoan trong chống dịch đã, đang và sẽ làm người dân khổ sẽ còn khổ hơn.

Nguy cơ về một thảm họa kép cho năm 2021

Theo báo cáo "tình hình thiên tai tháng 8/2021 và từ đầu năm 2021" của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thì tính từ đầu năm đến ngày 29/8/2021 vừa qua, thiên tai đã gây thiệt hại về người (42 người chết, 64 người bị thương) và thiệt hại về kinh tế ước tính 264,4 tỷ đồng. Mặc dù so với cùng thời điểm năm 2020, thiệt hại cả về người và kinh tế thấp hơn nhưng những dự báo và đánh giá từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thì diễn biến mưa lũ năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong công văn số 436/DBQG của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 16/8/2021 vừa qua có những dự báo đáng lo ngại : khả năng về các đợt rét đậm, rét hại sẽ đến sớm ; số lượng cơn bão trên khu vực biển Đông khoảng 7 đến 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ; lượng mưa trung bình ở khu vực trung bộ cao hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm tùy tháng. Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo thì năm nay tiếp tục sẽ có nhiều đợt mưa lớn cực đoan. Như vậy, cùng với 4 cơn bão và 2 cơn áp thấp nhiệt đới tính đến tháng 8/2021 khả năng cả nước và đặc biệt là miền Trung sẽ tiếp tục trải qua một năm 2021 khó khăn vì thiên tai, với số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới cao hơn mức trung bình hàng năm (5-6 cơn bão và 2-3 áp thấp nhiệt đới).

Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm khôn lường. Cháy rừng khắp nơi trên thế giới, từ Hy Lạp đến Califonia rồi Amazon. Bão lũ cũng vậy, từ Châu Âu (Đức) đến Châu Á (Trung Quốc, Nhật) rồi đến Châu Mỹ...

Các địa phương chịu ảnh hưởng hàng năm của thiên tai, nhất là các tỉnh miền Trung hiện đang phải căng mình chống dịch. Chính quyền đang tỏ ra lúng túng khi thay đổi liên tục các biện pháp chống dịch cực đoan khiến người dân lẫn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không những trong công việc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống.

Những bất cập của công tác chống dịch như phong tỏa chốt chặn khắp nơi đang cho thấy nhiều bất cập, có thể dẫn đến nguy hiểm và thiệt hại cho người dân. Đợt lũ xảy ra tại hạ lưu sông Dinh thuộc thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận vào đêm 28/8 mới đây làm thiệt hại nhiều tài sản của ngư dân đã bộc lộ sự chủ quan của chính quyền trong công tác cảnh báo, phòng ngừa thiên tai. Sự việc một ngư dân bị chặn lại ở chốt kiểm dịch vì không có giấy tờ đi đường nên chậm trễ không cứu được tài sản, gây thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng là biểu hiện phần nào của công tác chống dịch cực đoan ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai của người dân lẫn chính quyền.

Sau những ngày tháng khốn khổ vì dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống, thu nhập...không chỉ ở nơi thành thị mà nông thôn và vùng sâu xa cũng đang phải chịu tình cảnh nguy khốn, người dân đang đối mặt với những hiểm họa khôn lường từ thiên tai trong mùa mưa bão lũ này.

thamhoa2

Những bất cập của công tác chống dịch như phong tỏa, chốt chặn khắp mọi nơi đang cho thấy nhiều bất cập, có thể dẫn đến nguy hiểm và thiệt hại cho người dân.

Nguy cơ về một "thảm họa kép" đã hiện ra trước mắt, đòi hỏi ở chính quyền với các cơ quan đặc trách như Tổng cục Phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải hành động ngay từ bây giờ để đánh giá tình hình người dân những vùng nguy hiểm để sớm di dời, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, không máy móc áp dụng các yêu cầu của công tác phòng dịch làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống của người dân trong thời gian phòng tránh thiên tai.

Đầu tư đầy đủ trang thiết bị ứng phó với thảm họa cho các địa phương, thiết lập đường dây ứng cứu khẩn cấp đến người dân cả ở những vùng sâu vùng xa khó khăn. Chuẩn bị đầy đủ về lương thực và thuốc men, những thứ vốn đã thiếu thốn do tình trạng phong tỏa kéo dài vì dịch bệnh.

Giờ đây, cả chính quyền lẫn người dân cần nhận thức được mùa mưa bão năm nay sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất từ trước đến nay, những thách thức và nguy cơ chưa từng có đang chờ đợi phía trước, đòi hỏi một quyết tâm cố gắng vượt qua với thiệt hại ít nhất.

Kỷ Nguyên

(6/9/2021)

Additional Info

  • Author Kỷ Nguyên
Published in Quan điểm