Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hai chủ đề chính là sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Afghanistan vào tay Taliban và những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam dường như thu hút hết sự quan tâm của mọi người gần đây.

Tôi cố gắng tìm một sự liên hệ căn bản chung nhất trong thái độ của nhiều người còn quan tâm đến chính trị đất nước, là những người ủng hộ cho một Việt Nam dân chủ. Tất cả mọi người đều đồng ý với nhau rằng cái sai, cái xấu hay nguyên nhân của mọi vấn đề đều xuất phát từ cái gốc độc tài, dù là chính quyền cộng sản Việt Nam hay là tổ chức Taliban đang muốn khôi phục lại Hồi giáo Sharia. Nhưng lẫn trong những ý kiến, cảm xúc và thái độ bộc trực đó, tôi cho rằng chúng ta cần cảnh giác trước một thái độ, hay còn gọi là "chủ nghĩa nhân sĩ mới" (Meritocracy).

trump01

Chủ nghĩa nhân sĩ mới (meritocracy) có thể hiểu giản dị là một niềm tin mà trong đó những người tài năng, có phẩm chất cao xứng đáng được tưởng thưởng và trọng dụng trong xã hội. Trong chính trị, ví dụ điển hình là ở Hoa Kỳ, thì những người xứng đáng nhất trong hoạt động chính trị dần dần được nhìn qua lăng kính khoa bảng hay sự thành đạt của họ.

Những người tốt nghiệp đại học Yale, Havard hay Stanford mặc nhiên được hiểu là những người xứng đáng nhất, hay nói theo ngôn ngữ của các tổng thống Mỹ từ thời Bill Clinton, Bush, Obama, ngay cả bà Hilary Clinton… là những người thông minh nhất (smartest guys), mà bỏ qua hai yếu tố căn bản của hoạt động chính trị là Kiến thức chính trị và Đạo đức chính trị. (Tôi tạm dịch từ Practical wisdoms và Civic virtues)

Trong một xã hội bị bao phủ bởi chủ nghĩa trọng người thành đạt này thì dần dần bị phân cực thành người thông minh và kẻ ngu dốt (smart - stupid), người chiến thắng - kẻ thua cuộc (the winner - the loser), người ở trên cùng - kẻ ở dưới đáy (the top - the bottom). Người ta thống kê chỉ trong nhiệm kỳ của mình, Bush và Bill Clinton đã dùng từ "thông minh" (smart) hơn 450 lần, trong khi đó dưới nhiệm kỳ của Obama là hơn 900 lần. Donald Trump được ủng hộ bởi những người mà thực ra ngầm ý bị hiểu là "kẻ thua cuộc" (loser), "bọn dốt" (stupid) nhưng đã luôn tự hào vỗ ngực mà nói với khối cử tri trung thành của ông ta rằng "Tôi là tổng thống thông minh nhất", "Tôi là thiên tài ổn định", "Chúng ta là kẻ chiến thắng, tụi nó là người thất bại"… Hệ lụy là tinh thần quốc gia, tình nghĩa đồng bào, hay ước mơ cùng chia sẻ một dự án tương lai chung dần dần bị xói mòn trong đời sống xã hội như vậy. Nghiêm trọng hơn, là những người ở vị trí lãnh đạo chính trị mà nhẽ ra họ phải là người hàn gắn và hòa giải xung đột, thì họ lại tiếp tay cho xung đột khi cho rằng người không hiểu chuyện chỉ vì họ dốt nát, không biết tìm hiểu sự thật (Fact-check). Hệ lụy là xã hội luôn trong tình trạng nội chiến tinh thần thường trực, không tìm được đồng thuận dân tộc trước những vấn đề quan trọng.

trump1

Sở dĩ đa số người Việt ủng hộ Donald Trump vì Trump là mẫu người truyền thống của Khổng giáo. Đó là việc một người không có đạo đức và kiến thức chính trị vẫn có thể làm tổng thống. Trump đánh trúng tâm lý và ước mơ của nhiều người Việt Nam nhất là giới nhân sĩ.

Sở dĩ tôi phải giải thích dài dòng về chủ nghĩa trọng người thành đạt này vì nó có nét tương đồng với chủ nghĩa nhân sĩ, khoa bảng ở Việt Nam. Tại sao ? Vì nó bỏ qua yếu tố tình cảm, ước mơ xây dựng tương lai chung, tình cảm liên thuộc giữa người với người…để chỉ bó hẹp trong vấn đề giai cấp, dù là quân tử - tiểu nhân, người thông minh - kẻ ngu dốt…

Quay trở lại câu chuyện Afghanistan và tình trạng Covid-19 ở Việt Nam tôi tìm được thái độ chung rất "nhân sĩ" (meritocracy) của nhiều người nhân sĩ, trí thức khoa bảng. Đó là người dân Afghan quá hèn yếu để chống chọi với một lực lượng chỉ có súng phóng lựu và AK-47 như Taliban hay người Việt Nam có thể chịu đựng ở những ngưỡng phi thường trước những "nhà tù ngoài trời" do Đảng cộng sản Việt Nam dựng lên và đang áp đặt lên toàn xã hội mà không hề có phản kháng nào. Phải chăng dân tộc này hết thuốc chữa và không có cơ hội nào để đứng lên dân chủ hóa đất nước ? Phải chăng dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi (Salvation) ?

Có những lúc người hỏi không phải để tìm câu trả lời mà để chỉ bộc bạch một thái độ tức giận, hay bất lực thì nó rất đúng với giới trí thức, nhân sĩ của Việt Nam. Họ vẫn là những hậu duệ của tầng lớp nhân sĩ giấu mặt vốn bao trùm lên xã hội Việt Nam bởi tấm vải Nho Giáo suốt 2000 năm nay. Và trong một xã hội độc tài đảng trị kết hợp với tư bản đỏ thân hữu hiện nay, họ cũng là những người nhiệt tình tiếp thu thứ chủ nghĩa trọng người thành đạt, đứa con yêu quý của chủ nghĩa tự do phóng khoáng (Liberalism) mà các nước phương Tây đang xét lại và vượt qua.

Đây là một thái độ rất sai vì muốn xây dựng một quốc gia cũng như muốn giải đáp bài toán dân chủ cho Việt Nam, dù có thể khác nhau và bối cảnh và không gian, thì vấn đề nền tảng là phải có dự án chính trị để vẽ ra tương lai cho quốc gia mới. Dự án chính trị đó chỉ có thể xây dựng được và chuyên chở bởi một tổ chức chính trị. Ý nghĩa của quốc gia như một ước mơ, một dự án tương lai chung tự nó đã là một khái niệm trừu tượng, và vì thế phải được nuôi dưỡng và chuyên chở bởi lực lượng trí thức. Nhưng nếu trí thức khoa bảng Việt Nam cứ muốn lẽo đẽo theo sau quần chúng và các sự kiện, cứ muốn thở dài nhìn xa xăm như biểu thị một thái độ bất lực, cứ muốn nhìn xuống quần chúng khinh miệt mà không chịu nhìn lại chính mình thì đất nước sẽ chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

93813d27a32df5f1e61bdeefe6a6cb2a

Ý nghĩa của quốc gia như một ước mơ, một dự án tương lai chung tự nó đã là một khái niệm trừu tượng, và vì thế phải được nuôi dưỡng và chuyên chở bởi lực lượng trí thức.

Tôi cho rằng yếu tố căn bản nhất của một trí thức thực thụ, một trí thức chính trị phải là lòng yêu nước. Lòng yêu nước là gì nếu không phải là tình yêu thương nhân loại, đồng bào của mình ? Và nếu có thái độ đó, thì trước những thảm cảnh mà người Việt Nam đang chịu đựng, cũng như dân tộc Afghan đang đối mặt với chuỗi ngày đen tối của Taliban, thì thái độ nghiêm chỉnh của trí thức phải là chất vấn chính mình để tìm ra một hướng đi mới khỏi quỹ đạo 2000 năm Khổng Giáo, chứ không phải là tiếp tục giữ một sự khinh thường rồi áp đặt những đòi hỏi vô lý lên quần chúng trong khi giữ một niềm tin mãnh liệt, dù ở thời bình nào thì mình cũng được trọng dụng, mình cũng thành đạt !

Việt Dân

(9/9/2021)

Published in Quan điểm

Suốt dòng lịch sử của Việt Nam, các triều đại phong kiến bị thay thế đều do các đại thần phản nghịch, võ tướng hay anh hùng hảo hán chủ trương và lật đổ. Chưa bao giờ giới sĩ phu (trí thức) có vai trò chủ động hay khởi xướng các cuộc thay đổi đó. Lịch sử (do bên thắng cuộc) viết lại đều có nội dung giống nhau là triều đại bị phế truất rất xấu xa, tàn ác và đáng bị lật đổ để thay thế bởi một triều đại mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên sự thật không phải hoàn toàn như vậy, triều đại mới cũng hành xử giống hệt như cũ và không có ai chính nghĩa hơn ai mà chỉ giản dị “thắng làm vua, thua làm giặc”.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi tổ chức thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền hồi tháng 8 năm 1945 thì họ cũng viết vào sách lịch sử và gọi sự kiện này là “cướp chính quyền”. Những gì xảy ra sau đó đến giờ đã cho chúng ta thấy rõ sự thật là Đảng cộng sản làm cuộc cách mạng đó là vì họ và cho họ chứ không phải cho người dân. Đảng cộng sản chỉ thay thế ách cai trị của thực dân Pháp bằng sự cai trị của họ, thậm chí còn dã man và hà khắc hơn. Đảng cộng sản xem họ như là một đội quân chiếm đóng người bản xứ chứ không xem mình là một thành phần của dân tộc Việt Nam. Khoảng 3 triệu đảng viên cộng sản còn đương chức nắm giữ toàn bộ quyền lực chính trị, kinh tế, văn hóa, tài nguyên của đất nước. Họ có suy nghĩ và lối sống hoàn toàn khác với 95 triệu người Việt Nam còn lại.

Việt Nam ngày nay dù có đủ mọi phương tiện hiện đại của thế giới như ô tô, điện thoại thông minh, mạng xã hội nhưng về chính trị thì đất nước ta vẫn đang ở thế kỷ 19. Các quyền tự do căn bản của công dân vẫn chưa có, mọi chỉ trích chính quyền đều bị trừng phạt với các bản án lên đến hàng chục năm tù. Câu hỏi chất vấn lương tâm của những người Việt Nam có hiểu biết là tại sao một chế độ phong kiến cải biên tồi dở, lạc hậu và kém cỏi như Đảng cộng sản vẫn còn tồn tại và kéo dài đến ngày hôm nay? Câu trả lời có nhiều, tùy theo mỗi người. Trong bài viết này tôi đưa ra câu trả lời là chúng ta vẫn chưa thoát ra được khỏi văn hóa tranh đấu nhân sĩ đã đeo bám chúng ta suốt chiều dài lịch sử.

vh-1

Người Việt Nam chúng ta vẫn chưa thoát khỏi văn hóa nhân sĩ đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Một trường học ở Hà Nam, Trung Quốc bắt học sinh quì bái Khổng tử.

Nếu theo cách lý luận thông thường thì các chế độ không hợp lòng dân, tham lam độc ác ắt bị đào thải bởi một lực lượng tiến bộ hơn. Vậy tại sao Đảng cộng sản chưa bị thay thế? Câu trả lời là thế giới đã thay đổi nhưng văn hóa tranh đấu của người Việt Nam vẫn không thay đổi. Thời kỳ của những minh quân hay anh hùng áo vải, phất ngọn cờ đào đứng lên kêu gọi khởi nghĩa đã đi qua. Phương pháp đấu tranh vũ trang cũng đã hết thời. Cuộc tranh đấu ngày hôm nay rất khác và rất mới, nó chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Cuộc tranh đấu này không nhằm lật đổ chế độ để giành chính quyền hay thay thế chế độ này bằng một chế độ khác cũng na ná như vậy. Cuộc đấu tranh này là để mở ra một trang sử mới cho dân tộc: Trang sử của dân chủ, tự do và nhân phẩm cho mọi người Việt Nam. Những người làm chính trị trong tương lai không còn là tầng lớp quan lại đè đầu cưỡi cổ người dân mà là những người phục vụ cho một lý tưởng đẹp và quảng đại, là những người có đạo đức và kiến thức được người dân bầu chọn để lãnh đạo và điều hành đất nước.

Chính vì sự khác biệt đó mà cuộc cách mạng này bắt buộc phải do trí thức lãnh đạo và hướng dẫn. Phong trào dân chủ Việt Nam đang bị tắc nghẽn ở điểm này. Trí thức Việt Nam trong suốt dòng lịch sử luôn luôn là công cụ của chính quyền. Các sĩ phu ngày trước chỉ cố gắng tự mình học hỏi rồi đi thi, được đỗ đạt làm quan và được phục vụ cho các ông vua bà chúa. Họ không có văn hóa đấu tranh thay đổi chính quyền để thay đổi xã hội, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để có danh giá và có địa vị xã hội cao hơn người khác. Do đó họ không thấy sự cần thiết phải kết hợp với nhau thành tổ chức để có sức mạnh của tổ chức, điều kiện bắt buộc để có thể đương đầu với chính quyền và áp đặt sự thay đổi.

Lối đấu tranh hiện nay của trí thức Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi văn hóa tranh đấu cũ, đó là lối đấu tranh theo kiểu nhân sĩ. "Nhân sĩ" là một khái niệm của Nho giáo để chỉ những người "kẻ sĩ", nghĩa là những người có học, có chút tiếng tăm. Hoạt động chính trị kiểu nhân sĩ nghĩa là hoạt động với tư cách cá nhân, thỉnh thoảng ký tên vào một kiến nghị hay tham gia một hành động nhất thời chứ không dấn thân vào một tổ chức nào. Mục tiêu của các nhân sĩ là xây dựng uy tín cá nhân cho mình rồi chờ cơ hội để nắm hay tham gia vào chính quyền. Phương pháp hay văn hóa dấn thân của các nhân sĩ là “giải pháp cá nhân”. Họ chỉ lên tiếng trước những bất công của xã hội chứ không tìm cách giải quyết những bất công đó. Văn hóa nhân sĩ trái ngược với văn hóa tổ chức.

Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nhận định, lối đấu tranh nhân sĩ để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật: Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân. Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo.

vh-2

Bổn phận của trí thức, ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải tranh đấu để thay đổi các chế độ bạo ngược và mang lại tự do dân chủ cho toàn dân.

Bổn phận của trí thức, ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải tranh đấu thay đổi các chế độ bạo ngược để mang lại tự do nhân phẩm cho người dân. Muốn thế thì phải có sức mạnh của một lực lượng dân chủ có đội ngũ và tầm vóc. Đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Các giải pháp cá nhân đều dẫn đến bế tắc và thất bại. Thà không đấu tranh còn hơn là đấu tranh kiểu nhân sĩ. Trí thức thực sự và dấn thân không thể ngụy biện rằng không làm gì được Đảng cộng sản đâu, ai làm được gì thì làm, ai lên tiếng được gì thì lên tiếng, như thế cũng là tốt rồi, không nên đòi hỏi này nọ...Những người tranh đấu mà có suy nghĩ như vậy có lẽ là vì lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước không mạnh. Họ chỉ lên tiếng vì tức giận với chế độ cộng sản, hay tệ hơn nữa vì muốn có chút tiếng tăm cho bản thân. Việc trí thức Việt Nam cho rằng vì dân trí thấp nên chưa thể có dân chủ cũng là ngụy biện hoặc thiếu hiểu biết. Hầu hết các nước trên thế giới có dân chủ khi đa số người dân họ vẫn còn mù chữ. Họ thiết lập được dân chủ vì trí thức họ có kiến thức và quyết tâm.

Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay là rất mới vì nó khác hoàn toàn các cuộc thoán đoạt hay lật đổ trong lịch sử. Chính vì mới nên cuộc cách mạng này đòi hỏi một văn hóa tranh đấu mới đó là đấu tranh có tổ chức và trong khuôn khổ của tổ chức. Muốn kết hợp hoặc tham gia vào tổ chức thì phải có văn hóa tổ chức. Văn hóa tổ chức là những kiến thức, cách suy nghĩ và hành động khiến chúng ta, một mặt hiểu tầm quan trọng của tổ chức và cảm thấy có nhu cầu sinh hoạt trong tổ chức, và mặt khác suy nghĩ và hành xử một cách phù hợp để giữ gìn và phát triển tổ chức. Văn hóa tổ chức cũng là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ văn minh và tiến hóa của một dân tộc.

Thay đổi một chính quyền tồi dở đã là khó, thay đổi văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn một dân tộc lại càng khó hơn. Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị đồng thời cũng là một cuộc cách mạng văn hóa. Sỡ dĩ chúng ta chưa thành công là vì chưa thay đổi được văn hóa chính trị. Cuộc tranh đấu này không yêu cầu trí thức Việt Nam phải hy sinh thân mình, xông pha nơi hòm tên mũi đạn, vào tù ra tội hay bày tỏ sự dũng cảm trong các phiên tòa do chính quyền dàn dựng mà chỉ cần trí thức dũng cảm với...chính bản thân mình. Sự dũng cảm đó là tôn trọng sự thật, lẽ phải và can đảm xét lại những giá trị cũ đã lỗi thời như danh tiếng hay những hào quang phù phiếm, vô nghĩa để ủng hộ cho những gì đúng đắn, nhân bản và văn minh. Trí thức phải vượt lên chính mình và lịch sử để trở thành người tự do, tự kiến tạo tương lai cho mình và cho cả dân tộc.

Nếu thực sự muốn đấu tranh vì dân chủ và tương lai thì trí thức Việt Nam cần học hỏi, nghiên cứu, suy nghĩ để hiểu rằng nếu không có tổ chức thì không thể nào chiến thắng được Đảng cộng sản. Việc xây dựng một tổ chức dân chủ có tầm vóc là điều bắt buộc phải làm và vô cùng khó khăn vì thế tất cả mọi người cần phải đóng góp và ủng hộ một cách nhiệt tình và chủ động. Trí thức không thể kêu gọi đoàn kết khi bản thân mình không đoàn kết, không tham gia và không ủng hộ cho tổ chức nào. Nên đoạn tuyệt với lối đấu tranh nhân sĩ và văn hóa nhân sĩ. “Đối thủ chính của cuộc vận động dân chủ không còn là chủ nghĩa cộng sản nữa, nó đã chết rồi, mà là chủ nghĩa nhân sĩ”. (1)

Việt Hoàng

(10/5/2021)

(1)  https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21372-nhin-l-i-cu-c-v-n-d-ng-dan-ch

Published in Quan điểm