Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bài này chỉ kể lại những câu chuyện bản thân đã gặp.

Một người bạn trong cùng binh chủng, cùng khóa huấn luyện đã hỏi tôi bao giờ về Việt Nam sống ? Trong lúc nói chuyện qua Viber thứ bẩy tuần trước, anh nói như sau :

- Về Việt Nam sống đi bạn hiền ! Tiền hưu của bạn khá, về Sài Gòn mướn nguyên apartment (căn hộ) 2 phòng với nhà bếp, tủ lạnh, đồ nội thất, ghế salon da... chỉ có 400-500$/tháng, còn lại đi ăn, đi chơi, nhậu nhẹt thoải mái... muốn gì cũng có.

Đây không phải là lần đầu tiên bạn tôi nói thế. Biết tôi sau khi li dị ở một mình, lần trước cách đây ít tháng, anh đã chân tình khuyên tôi nên về Việt Nam kiếm một người bạn gái 55-60 tuổi tâm tình, lo lắng cho nhau lúc tuổi già. Anh có người em vợ 58 tuổi, chồng chết, hiền ngoan, xinh xắn muốn giới thiệu cho tôi.

Nói chuyện với nhau hơn một tiếng đồng hồ, anh cũng đưa tin về vài người bạn cùng khóa qua Mỹ năm 1975 vợ chết hay li dị, nay về hưu mua nhà ở Việt Nam, năm nào cũng về ít nhất 6-7 tháng, thường tụ tập, nhậu nhẹt, ca hát, du lịch chung... rất vui.

Tôi chỉ ậm ừ, nói để coi, không hứa, không hẹn bao giờ về. Thật ra tôi muốn nói với anh, tôi đã tự nhủ lòng sẽ không trở lại Việt Nam sau lần cuối vào năm 2009 nữa, khi chế độ cộng sản còn tồn tại nhưng không nói, nói ra sợ anh buồn. Anh may mắn có thân nhân ruột thịt làm lớn trong chế độ mới, ở tù chỉ hơn một năm, được trả tự do cho dù anh đã từng tu nghiệp ở Mỹ hơn 1 năm.

Giỏi Anh ngữ, anh nhanh chóng tìm được việc thông dịch cho một công ty của Thụy Điển mở chi nhánh tại Sài Gòn khi chế độ cộng sản mở cửa giao thương với thế giới tự do. Hiểu biết nhiều, kiến văn quảng bác nên từ công việc của một thông dịch viên, chỉ hơn năm sau anh trở thành phụ tá cho một trưởng phòng của công ty, lãnh lương tháng – theo anh cho biết – 1.500$ đã trừ thuế với đầy đủ bảo hiểm sức khỏe vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước.

Với số lương nói ở trên, sau khi vợ bị ung thư chết đầu thế kỷ 21, anh trở thành đích nhắm nhiều phụ nữ, độc thân có, li dị có nhưng máu hào hoa, lại có điều kiện giao thiệp rộng, tiền nhiều, anh không muốn bị ràng buộc nên chỉ vui qua đường với những mối tình tạm bợ và qua đó quen biết rất nhiều phụ nữ tuổi ngoài 50 không bị ràng buộc gia đình, còn ham vui, phóng khoáng.

Tất nhiên không thể phủ nhận, nếu có một người bạn gái sống cùng sẽ vui hơn rất nhiều nhưng về Việt Nam để sống với một phụ nữ nào đó thì không có tôi. Không phải vì tình cảm tôi chai đá, không còn rung động trước phụ nữ nhưng so sánh những cái được và mất khi về Việt Nam thì cảm giác mất nhiều hơn cái được nên tôi không về.

saigon-1

Lý do chính tôi không về Việt Nam sống là xã hội chung quanh mình. Ảnh : Tắc đường là một 'đặc sản' của Sài Gòn và Hà Nội.

Tôi có là người quá khó tính chăng ? Không ! Lý do chính tôi không về Việt Nam sống là xã hội chung quanh mình. Năm 2009 tôi đã định mua một căn apartment ở quận 7, Thủ Thiêm nhưng sau khi đi coi rồi đi ra các khu phố chung quanh, tôi bỏ ý định. Trước đó tôi đã bỏ ra nhiều thời gian đi lên lỏi vào các khu phố nghèo ở Sài Gòn ở quân 4, quận 8, quận 11, 12... để tìm hiểu về đời sống người dân.

Không ai có thể phủ nhận sau khi mở cửa giao thương, đời sống của người dân thành phố Sài Gòn và nhiều nơi trên đất nước đã tương đối đầy đủ hơn trước. Dùng chữ tương đối bởi vì đa số người dân không còn sợ chết đói nhưng bữa ăn của họ chưa thể nói là đầy đủ dinh dưỡng hay ngon miệng.

Từ những vụ công khai cướp đất của người dân, mọc lên những building cao tầng làm trụ sở cho các công ty, văn phòng các hãng du lịch, các khu mua sắm, vũ trường, nhà hàng... tất cả đều ít nhiều thấm đẫm nước mắt và máu của mấy chục ngàn dân oan. Thủ Thiêm là một thí dụ rõ ràng nhất - giai cấp mafia, tư bản đỏ bắt đầu xuất hiện. Bên cạnh đó, quán cà phê, quán nhậu, làng nướng... mọc lên như nấm sau cơn mưa, khắp nơi trong nội thành với đủ mọi hình thức, đủ mọi giá cho đủ các thành phần trong xã hội hưởng thụ một cách vô cảm.

Sài Gòn đã phát triển rất mạnh, rất nhanh trong vòng hơn 20 năm qua nhưng cũng rất xô bồ, lệch lạc không theo một trật tự quy hoạch, thiết kế đô thị nào. Nhiều nhà ở các quận 4, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh... được "nâng cấp" một cách rất quái đản, mất thẩm mỹ bằng cách lên tầng, xây ban công lòi ra che phủ bầu trời ở những con hẻm. Một nhà xây, nhiều nhà bắt trước, dần dần cả con hẻm trở nên tối tăm ngay cả ban ngày lúc trời nắng, từ ban công nhà này có thể bước qua ban công nhà đối diện. Không khó để thấy nhiều con đường, hẻm bị người dân xây lấn ra ngoài, trở nên nhỏ hẳn lại. Tại sao lại có tình trạng này ? Hãy hỏi các ủy ban nhân dân phường, quận, phòng nhà đất...

Có những đường phố mà nhà hàng, quán ăn, làng nướng... chen sát bên nhau. Vào những buổi chiều khoảng 6-7 giờ, đi ngang qua những con phố như vậy, hai tai tôi như bị tra tấn bởi tiếng nhạc, tiếng ồn ào la hét, cười nói của thực khách. Xe gắn máy đậu kín các bãi giữ xe, chen luôn ra ngoài lề đường dành cho người đi bộ. Liếc mắt nhìn vào trong, hầu như không có bàn trống, bàn nào cũng chật cứng người với những ly bia, món nhậu đầy trên bàn, nhân viên phục vụ hầu hết là các cô gái trẻ, chỉ khoảng ngoài 20 tuổi đi lại tấp nập.

saigon-2

Sài Gòn về đêm… với các quán nhậu khắp nơi.

Một điểm khác cần nói tới là nạn kẹt xe, tắc đường thường xuyên, tuần lễ đủ 7 ngày. Từ 5-6 giờ sáng đến nửa đêm, những con đường trong nội thành Sài Gòn rất ồn ào, bụi bặm, nhất là vào những giờ cao điểm 7-9 giờ sáng 4-7 giờ chiều, phần vì mấy chục lô cốt làm đường nằm ngổn ngang khắp nơi, phần vì cả triệu xe gắn máy được lưu hành. Nghe nói những lô cốt đã được dẹp bỏ nhưng tình trạng kẹt xe vẫn không hề thay đổi.

Những người thực hiện các cuộc nghiên cứu, xếp Việt Nam vào Top 10 các nước có đời sống hạnh phúc nhất thế giới chắc chỉ nhìn sự tấp nập, đông đúc ở các quán nhậu, các khu mua sắm với những cửa hiệu xa hoa, tráng lệ, các mặt hàng đắt tiền… phỏng vấn khách du lịch, người gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới về Việt Nam ăn chơi, hưởng thụ ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng 5 sao... để đưa ra kết luận.

Ở Sài Gòn được 2 tuần, tôi đánh mất kiếng nhìn xa nên phải nhờ đứa cháu là bác sĩ ở bệnh viện Mắt (trước là bệnh viện Saint Paul) trên đường Phan Thanh Giản khám để mua kiếng khác. Tôi tới bệnh viện lúc 9 giờ sáng, đã thấy hàng trăm bệnh nhân ngồi chen chúc từ phòng chờ ra tới hành lang, ngoài sân... Theo lời cháu dặn, tôi đi thẳng vào phòng tiếp nhận, nói tên và muốn gặp bác sĩ Đ.K.T. Cô nhân viên nhìn tôi vài giây rồi lấy điện thoại, bấm nút và nói vắn tắt vào phone. Khoảng 5 phút sau cháu tôi xuống, đưa vào phòng khám, đo lại mắt, qua phòng chọn kiếng. Xong ! Tất cả chưa đến 20 phút. Tôi ra quầy trả tiền nhưng cháu tôi gạt đi, nói chú về đi, chiều cháu sẽ mang kiếng về cho chú, mọi chuyện để cháu lo. Cậu chở xem ôm cho tối biết nếu không có thân nhân làm trong bệnh viện thì khám và mua kiếng sẽ mất khoảng 4-5 tiếng.

Từ nhà cậu em ra trung tâm Sài Gòn tôi thường đi xe buýt, nếu tôi nhớ không lầm thì một chuyến đi như vậy là 3.000 VNĐ tức khoảng 10 cent USD, tôi mua một tập 60 vé 90.000 (rẻ được một nửa), mỗi lần đi, xé 1 tấm đưa cho người bán vé thay vì mua trên xe. Thường tôi đi vào trung tâm Sài Gòn lúc 9 giờ sáng, xe buýt đã vắng bớt, không đến nỗi chen lấn nhau nhưng vẫn rất đông người, học sinh, sinh viên có, nhân viên đi làm trễ, buôn thúng bán bưng đều có. Có lần chứng kiến một bà nét mặt khắc khổ, không đoán được tuổi, ôm một rổ lèo tèo mấy nải chuối, vài bó rau cải xanh, móc mãi trong túi ra không đủ 3.000 VNĐ trả tiền vé. Tôi phải xé thêm một vé đưa cho bà, bà cầm lấy lí nhí cám ơn. Lần khác ngồi cạnh một cậu sinh viên đứng lên nhường ghế cho tôi, tôi cám ơn và gợi chuyện. Lúc xuống xe, tôi dúi vào tay cậu tờ 100.000 VNĐ vì nhớ cậu than đi học không dám ăn sáng, bố mẹ chỉ cho tiền ăn trưa.

Tình hình kinh tế tại Việt Nam đã phát triển nhiều, đời sống không còn khó khăn như trước nhưng những vấn nạn của đất nước, xã hội chỉ tăng chứ không giảm. Thực phẩm, trái cây, rau quả... bị phun, chích thuốc trừ sâu, thuốc giữ cho tươi ngày càng nhiều. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, dù chưa trở thành nước có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới (159,6/100.000 – thứ 16) nhưng số người chết vì ung thư thì Việt Nam đứng đầu (1).

Trên đây là một số ít các thực trạng xã hội tại Việt Nam tôi đã gặp, còn nhiều chuyện khác kể ra chỉ càng thêm đau lòng. Đó chính là lý do từ lần về năm 2009 đó, tôi quyết định không đi Việt Nam nữa.

Đời sống là một sự chọn lựa, đi tìm hạnh phúc, đứng ở đâu để chọn lựa, mong muốn hạnh phúc như thế nào, tùy theo suy nghĩ, nhận định, nhu cầu của mỗi người. Chọn lựa cho tâm hồn mình thanh thản, không vướng bận lo âu, không hối hận, không thấy những cảnh chướng tai, gai mắt, không vô cảm hoặc chọn lựa theo tiêu chuẩn thỏa mãn dục vọng, hưởng thụ cuộc sống xa hoa, bất kể chung quanh mình là những mảnh đời bất hạnh lại là chuyện khác, chỉ cần thực hiện đủ 4 không : Không thấy ! Không nghe ! Không biết ! Không nói !

Nguyễn Tiến Cường

(30/08/2022)

Additional Info

  • Author Nguyễn Tiến Cường
Published in Quan điểm