Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một câu hỏi lớn, rất lớn, phải được đặt ra là tại sao Trung Quốc không chịu dân chủ hóa ? Như thế họ không gây lo ngại cho ai mà còn được khuyến khích và hoan nghênh để tiến lên, ngay cả để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Câu trả lời giản dị là Trung Quốc rất muốn nhưng không thể dân chủ hóa.

coldwar1

Tại hội nghị Alaska, khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trực diện tố giác những vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Vương Nghị nổi giận nhưng cũng chỉ nói rằng Mỹ cũng chẳng hay ho gì.

Hội nghị cao cấp Mỹ - Trung tại Anchorage, Alaska, vừa qua đã chỉ là một cuộc ẩu đả ngôn ngữ. Bên này nói những điều mà bên kia không muốn nghe và cũng không muốn nghe những điều mà bên kia muốn nói. Mỹ nói một cách thẳng thừng, Trung Quốc đáp lại một cách gay gắt. Không còn vấn đề thảo luận, thuyết phục và thỏa hiệp. Chỉ còn tương quan lực lượng. Mỹ và Trung Quốc đã từ giã giai đoạn hợp tác để bắt đầu giai đoạn đọ sức, kéo theo các đồng minh. Từ nay những tiếp xúc giữa hai bên chỉ để tránh sự đối địch này trở thành chiến tranh toàn diện.

Một cuộc đối đầu tự nhiên và cần thiết

Không có gì đáng ngạc nhiên.

Một mặt, Tập Cận Bình trong Đại hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối năm 2017 đã dõng dạc tuyên bố mục tiêu của Bắc Kinh là vào năm 2049 Trung Quốc vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và sẽ là cường quốc số 1 của thế giới về mọi mặt, với một đạo quân bách chiến bách thắng. Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với thế giới dân chủ, nhất là Mỹ.

Mặt khác, Joe Biden ngay trong chương trình tranh cử của ông đã khẳng định chiến lược đoàn kết các nước dân chủ trong một mặt trận dân chủ thống nhất để thiết lập một trật tự dân chủ thay vì một trật tự độc tài do Trung Quốc áp đặt. Và đó đã là cố gắng đối ngoại đầu tiên của ông sau khi đắc cử. Hơn nữa, ngay trước hội nghị Anchorage này hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin đã đến Nhật và Hàn Quốc để hội ý với hai đồng minh về một chiến lược chung để đương đầu với Trung Quốc. Ngay trong khi hội nghị đang diễn ra thì bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đang hội đàm với bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, đồng minh của Mỹ và đối thủ của Trung Quốc, để xiết chặt sự hợp tác trước đe dọa đến từ Trung Quốc. Biden không hề giấu giếm lập trường chống Trung Quốc, đáp lại Tập Cận Bình gia tăng các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và trên Biển Đông. Hai bên đã rõ ràng ở trong thế đối địch.

coldwar2

Tập Cận Bình không chỉ kiên định chủ nghĩa Mác–Lênin mà còn chứng tỏ rất rõ, cả bằng lời nói lẫn hành động, tham vọng xây dựng một quân lực hiện đại bách chiến bách thắng.

Thế đối đầu này là tự nhiên. Lý do đầu tiên là điều mà các nhà sử học, như giáo sư Graham Allison, gọi là "cái bẫy Thucydides" theo tên của nhà sử học và chiến lược đầu tiên của thế giới, tác giả cuốn "Lịch sử cuộc chiến Peloponnese". Theo Thucydides, khi một cường quốc vươn lên đe dọa giành lấy vị trí số 1 của đế quốc đang giữ vai trò chế ngự thì chiến tranh không tránh khỏi. Ganh tỵ và lo âu sẽ khiến đôi bên bị lôi cuốn vào chiến tranh dù không ai muốn. Đó đã là lý do của cuộc chiến giữa Sparta và Athens vào thế kỷ 5 trước Công nguyên làm tan nát thế giới Cổ Hy Lạp. Lịch sử các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới đã chứng tỏ Thucydides có lý. Đó chính là tình hình hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nói rõ tham vọng chiếm lấy ngôi vị siêu cường số 1 mà Mỹ đang giữ.

Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là vì Trung Quốc mạnh lên nhưng vẫn giữ nguyên chế độ độc tài cộng sản. Thucydides đã không nói đến sự xung đột ý thức hệ như là nguyên nhân của chiến tranh bởi vì đó là điều đương nhiên và đã sẵn có vào thời đại của ông, khi mọi nhà nước – thị trấn (city-state) đều thờ những vị thần khác nhau và theo những tín ngưỡng khác nhau và do đó đã sẵn có xung đột ý thức hệ. Các tôn giáo lớn nói chung đều ra đời để đáp ứng nhu cầu chính trị của một xã hội trong một thời đại và đảm nhiệm vai trò một ý thức hệ. Graham Allison và nhóm nghiên cứu tại Đại học Havard của ông đã liệt kê 16 cuộc đối đầu tranh giành địa vị số 1 trong năm thế kỷ qua. Chỉ có bốn trường hợp tránh được chiến tranh đẫm máu. Trong ba trường hợp lý do là vì hai nước tranh hùng có cùng ý thức hệ. Trường hợp duy nhất mà hai đế quốc tranh hùng tránh được chiến tranh dù có xung đột ý thức hệ là cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế Chiến II, nhưng đó là vì Liên Xô đã tự ý từ bỏ chủ nghĩa Mác–Lênin. Đó không phải là trường hợp của Trung Quốc. Căng thẳng và xung đột sẽ không có nếu Trung Quốc chấp nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác–Lênin. Sau năm 1945, hai cường quốc thủ phạm của Thế Chiến II là Đức và Nhật đã vươn lên rất mạnh mẽ nhưng không hề gây lo ngại bởi vì cả hai đã trở thành những nước dân chủ. Nếu Trung Quốc cũng theo gương Đức và Nhật thì sự vươn lên của họ không những không gây lo ngại mà còn được hoan nghênh, ngay cả khi họ trở thành siêu cường số 1. Trung Quốc đã không hành xử như thế. Tập Cận Bình không chỉ kiên định chủ nghĩa Mác–Lênin mà còn chứng tỏ rất rõ, cả bằng lời nói lẫn hành động, tham vọng xây dựng một quân lực hiện đại bách chiến bách thắng. Để làm gì nếu không phải để có thể gây chiến ? Ai có ý định xâm lăng Trung Quốc ? Đó là một tuyên chiến đối với thế giới dân chủ.

Như vậy, thế đối đầu là đương nhiên. Nó cũng cần thiết vào lúc này để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục mạnh lên cho đến khi đủ sức để hoặc áp đặt một trật tự chuyên chính nhân danh một chủ nghĩa đã được nhận diện như một tội ác, hoặc gây ra thế chiến thực sự, nhất là lần này các vũ khí nguyên tử có thể tiêu diệt cả nhân loại.

Đối đầu như thế nào ?

Nhiều người đang nói tới một cuộc "chiến tranh lạnh mới". Không sai nhưng cần nói rõ nội dung. Cuộc "chiến tranh lạnh mới" này không chỉ mới mà còn rất khác với cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II.

CHINA-RUSSIA/

Cuộc "chiến tranh lạnh mới" này sẽ rất khác với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Mỹ và các đồng minh không tấn công nhưng cũng không tiếp tay cho Trung Quốc và Nga.

Cuộc "chiến tranh lạnh cũ" gồm hai thành tố chính :

Thành tố thứ nhất là một cuộc chiến tranh ý thức hệ, hay chiến tranh tuyên truyền, trong đó mỗi bên đề cao lý tưởng chính trị của mình đồng thời tố giác những sai lầm và độc hại của lý tưởng chính trị của đối phương. Liên Xô và các đồng minh trong khối cộng sản ca tụng chủ nghĩa Mác-Lênin như là con đường dẫn tới một thế giới đại đồng trong đó mọi dân tộc đều là anh em, không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, mỗi người hưởng theo nhu cầu và đóng góp theo khả năng. Mỹ và các đồng minh đề cao lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền trong những chế độ mà con người được tôn trọng, được thông tin và học hỏi đầy đủ, được quyết định đời mình, được có tài sản và được có tiếng nói trong những quyết định chung.

Thành tố thứ hai là hàng loạt các cuộc nội chiến tại một số quốc gia, như tại Việt Nam, giữa hai phe cộng sản và chống cộng. Các cuộc nội chiến này có thể rất dữ dội nhưng hai trung tâm, Washington và Moscow, không trực tiếp giao chiến. Đó là những cuốc "chiến tranh ủy nhiệm".

Ngày nay cả hai yếu tố đó đều vắng mặt. Lý tưởng cộng sản đã dứt khoát và vĩnh viễn bị đào thải sau khi bị nhận diện như là một ảo tưởng dối trá, chỉ có vai trò làm chiêu bài và bánh vẽ cho những chế độ bạo ngược. Trung Quốc hoàn toàn không còn ý định xuất khẩu chủ nghĩa Mác-Lênin sang bất cứ nước nào mà chỉ nhắm tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện, chủ yếu qua những hợp đồng xây dựng trong kế hoạch được gọi là "Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường". Cũng không còn những cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhân danh một chủ nghĩa nào. Trong cả hai phe, không nước nào còn muốn vướng vào những cuộc chiến tranh.

Vậy thì cuộc "chiến tranh lạnh mới" này sẽ rất khác với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Gọi nó là một cuộc đối đầu có lẽ đúng hơn. Nó sẽ chủ yếu diễn ra trên các mặt trận kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật và thông tin. Mỹ và các đồng minh không tấn công nhưng cũng không tiếp tay cho Trung Quốc và Nga. Các trao đổi ngoại thương vẫn có nhưng chỉ giới hạn trong những trường hợp thực sự cần thiết và không liên quan tới quân sự, thí dụ như dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream giữa Nga và Đức qua biển Baltic. Hai bên cũng vẫn hợp tác về khí hậu, chống khủng bố, giới hạn vũ khí nguyên tử. Về mặt quân sự, cuộc đối đầu này sẽ chủ yếu là các cuộc tập trận và tuần hành trong mục đích phô trương lực lượng. Mỹ và các đồng minh Liên Hiệp Châu Âu, Nhật, Ấn, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan v.v. dù có sức mạnh áp đảo cũng chỉ muốn phủ nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc và phản ứng nếu Trung Quốc lộng hành chứ sẽ không khiêu khích. Thế giới sẽ phân cực nhưng sẽ không lâm vào chiến tranh.

Cuộc chiến tranh ý thức hệ không phải không có nhưng sẽ là một cuộc chiến một chiều bởi vì dân chủ đã trở thành một giá trị phổ cập. Các nước dân chủ một mặt đề cao các giá trị tự do dân chủ đồng thời cố gắng liên tục cải thiện chế độ chính trị của mình để ngày càng lành mạnh hơn, mặt khác không ngừng theo dõi và lên án những vi phạm nhân quyền, những hành động đàn áp, ám sát và thủ tiêu tại Nga và Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc và Nga sẽ chỉ chống trả bằng cách chối cãi rằng mình không hề sai phạm chứ không phản bác mô hình xã hội và các giá trị mà đối phương đề cao.

Tương quan lực lượng

Trước hội nghị Alaska, tổng thống Joe Biden đã tiếp xúc để hòa giải và thắt chặt quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Châu Âu. Cũng đã có cuộc họp Tứ Trụ (QUAD) giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã tới Nhật và Hàn Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm viếng Ấn Độ trong ba ngày. Tất cả những tiếp xúc này đều có mục tiêu công khai là đạt tới một chiến lược chung đối với Trung Quốc. Một cách công khai và dứt khoát, Trung Quốc và Nga đã bị nhận diện như là những chế độ chà đạp nhân quyền và đe dọa hòa bình và luật pháp quốc tế. Joe Biden tỏ ra rất quyết liệt, ông tố cáo chế độ Tập Cận Bình là diệt chủng, gọi Putin là một tên sát nhân. Khối dân chủ dàn trận một cách có đoàn kết, kế hoạch và phân công. Tại Châu Á vai trò chủ động để ngăn chặn Trung Quốc thuộc về Ấn Độ và Nhật, tại Châu Âu vai trò đối đầu với nước Nga của Putin chủ yếu thuộc về Liên Hiệp Châu Âu và Anh. Trên cả hai mặt trận, Mỹ với sức mạnh quân sự và kinh tế áp đảo vừa trực tiếp yểm trợ vừa giữ vai trò trừ bị chiến lược. Cho tới nay Biden đã làm rất đúng cam kết lúc tranh cử. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên có hiểu biết sâu rộng về thế giới. Có nhiều triển vọng ông sẽ đủ sáng suốt để biết phải làm gì và làm như thế nào. Sự sáng suốt này rất cần thiết vì mặt trận dân chủ mà ông đang cố gắng thành lập không phải không có vấn đề.

Một thí dụ là Đài Loan. Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa nhất nhưng lại rất vướng mắc với Trung Quốc vì đã đầu tư quá nhiều vào Hoa Lục, rút ra không dễ và cũng không thể nhanh. Vả lại Đài Loan cũng chỉ muốn được yên thân chứ không dám khiêu khích Trung Quốc vì không tin là Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ họ trong mọi trường hợp. Họ không thể quên bài học cay đắng năm 1972 trong đó chính quyền Nixon đã đột ngột và phũ phàng bỏ rơi họ, đem Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc thay thế họ và nhìn nhận Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc.

Một thí dụ khác là Hàn Quốc. Hàn Quốc trước đây không chỉ là đồng minh mà còn là tiền đồn của Mỹ sát ngay Trung Quốc nhưng bây giờ không còn mặn mà với Mỹ nữa sau những cố gắng bắt chẹt và đòi tiền vô lý của Donald Trump. Mỹ đóng 28.500 quân tại đây trong một số căn cứ quân sự, kể cả những giàn hỏa tiễn THAAD. Theo hợp đồng đã ký giữa hai bên, Hàn Quốc trả cho Mỹ hàng năm 850 triệu USD, tương đương với 30.000 USD mỗi năm cho mỗi người lính Mỹ. Bất chấp thỏa hiệp này, Donald Trump đòi Hàn Quốc phải trả 5 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là cao gấp 6 lần, nếu không sẽ rút quân. Sau nhiều tranh cãi gay go Trump rút xuống còn 1,3 tỷ USD nhưng Hàn Quốc vẫn không chịu. Ngay sau khi đắc cử Joe Biden đã chấm dứt cuộc tranh cãi ngu xuẩn này, nhưng tình cảm giữa đôi bên đã rạn nứt. Đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc bây giờ là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

Tại phía Tây, Liên Hiệp Châu Âu vừa đã mất lòng tin ở Mỹ vừa đang rất lúng túng với nhiều khó khăn lớn. Nước Anh vừa rút ra khỏi Liên Hiệp một cách không mấy thân thiện, dịch Covid-19 đang ở cao điểm và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, hai chế độ Ba Lan và Hung gần như là những chế độ dân túy tạo ra những vấn đề hơn là đem lại sức mạnh cho Liên Hiệp. Chính nước Pháp, một trong hai cột trụ của Liên Hiệp, cũng đang có nguy cơ dân túy, các thăm dò dư luận cho thấy Marine Le Pen chỉ còn thua Emmanuel Macron một vài điểm. Liên Hiệp Châu Âu rất kính trọng và tin tưởng ở Joe Biden nhưng có gì bảo đảm là trong tương lai nước Mỹ sẽ không có một tổng thống như Donald Trump ?

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh rất thân thiết của Mỹ trước đây, bây giờ đã trở thành một chế độ dân túy. Không ai có thể dự đoán đến bao giờ dân chủ mới phục hồi được.

Nói chung, cho tới nay cố gắng hòa giải và động viên của Joe Biden rất được hoan nghênh nhưng những đổ vỡ do Donald Trump gây ra không thể hàn gắn, như một bát nước đã đổ xuống đất không thể nào hốt đầy lại được.

Sau cùng, trở ngại lớn nhất của Joe Biden là chính tình trạng hiện nay của nước Mỹ. Nước Mỹ quá chia rẽ để có thể đoàn kết lâu dài trong một cố gắng lớn. Nền dân chủ Mỹ cũng rất bệnh hoạn. Nhiệm kỳ quốc hội hai năm khiến các dân biểu phải lo tranh cử lần tới ngay khi vừa được bầu và không còn thời giờ để dành cho những vấn đề nền tảng, thượng viện có quá nhiều quyền dù chỉ có rất ít tính chính đáng dân chủ, chênh lệch giầu nghèo quá lớn đẻ ra vô số tật bệnh. Chế độ tổng thống ngày càng làm nghiêm trọng hơn nguy cơ dân túy đồng thời khiến mọi cải tổ thể chế cần thiết trở thành khó khăn.

Tuy vậy, như một phép lạ, mọi ngờ vực và băn khoăn tự nhiên hầu như tan biến trước mối nguy Trung Quốc. Tại Mỹ, cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa dù chống đối nhau trên mọi vấn đề cũng vẫn đoàn kết trong trước mối nguy Trung Quốc. Tại Châu Âu cũng như Châu Á, người ta sẵn sàng quên đi cả những khó khăn nội bộ lẫn những hờn giận với nước Mỹ để đoàn kết trong một mặt trận chống Trung Quốc. Tất cả nhờ Tập Cận Bình. Những đàn áp thô bạo tại Tân Cương và Hồng Kông, những hành động khiêu khích của hải quân và không quân và những lời tuyên bố thách thức hung hăng của những viên chức ngoại giao Bắc Kinh đã khiến mọi người đoàn kết chống lại Trung Quốc. Thêm vào đó, Joe Biden và các cộng sự viên của ông tỏ ra đã hiểu rằng thế giới đã thay đổi và nước Mỹ cũng đã thay đổi. Mặt trận dân chủ mới này phải được quan niệm như một liên kết, trong đó Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò thứ nhất trong số những đối tác ngang hàng chứ không còn đơn phương quyết định như trước nữa. Măt trận này vì vậy sẽ vận hành một cách hợp lý và sẽ mạnh hơn.

coldwar4

Kế hoạch Vành Đai và Con Đường đã khựng lại trong bế tắc, khối nợ khổng lồ trên 300% GDP không có giải pháp…

Để đáp lại, ngay sau hội nghị Alaska, hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc, Sergey Lavrov và Vương Nghị, đã gặp nhau tại Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Đông, để bàn phương thức hợp tác để cùng đối phó với liên minh các nước dân chủ vừa được phục hưng. Nhưng liên minh Nga-Trung Quốc hoàn toàn tuyệt vọng. Nó vừa không có lẽ phải vừa không có sức mạnh. Trọng lượng kinh tế của nó chỉ xấp xỉ 15% GDP của thế giới. Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc quá lớn. Kế hoạch Vành Đai và Con Đường đã khựng lại trong bế tắc, khối nợ khổng lồ trên 300% GDP không có giải pháp, hơn 70 triệu căn hộ trống đang hư hỏng dần, lực lượng lao động đang nhỏ lại và già đi trong khi số người thất nghiệp hoặc không có công việc ổn định chiếm 1/3, ngành xây dựng cho đến nay vẫn là chiếc áo choàng lộng lẫy che giấu những khó khăn đã phải phải khựng lại. Trung Quốc có thể phá sản bất cứ lúc nào. Sức mạnh quân sự Nga-Trung cũng thua xa liên minh các nước dân chủ. Vũ khí kém phẩm chất và quân đội không có kinh nghiệm chiến trường. Lần cuối cùng mà quân Nga thực sự giao chiến, và thảm bại, là tại Afghanistan cách đây gần 40 năm. Trong gần 70 năm qua, kể từ sau chiến tranh Cao Ly, quân Trung Quốc chỉ ra trận ba lần, tất cả với Việt Nam, tại Hoàng Sa tháng 01/1974, tại biên giới phía Bắc tháng 02/1979 và tại Trường Sa tháng 03/1988. Cuộc chiến biên giới kéo dài một tháng, hai cuộc hải chiến chỉ chỉ diễn ra trong một ngày ở mức độ thấp. Dĩ nhiên Mỹ và các đồng minh sẽ không tấn công -vì không cần thiết- nhưng Nga và Trung Quốc cũng quá yếu để dám gây chiến.

Cái yếu thực sự của liên minh Nga-Trung Quốc là không có lẽ phải. Đừng bao giờ quên rằng lẽ phải có sức mạnh vô địch của nó. Trước đây hai ngàn năm, trên Núi Phúc gần biển Galilée, Giê Su Kitô đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : "Ai đau khổ vì lẽ phải là có phúc vì sẽ được toại nguyện". Nói cách khác lẽ phải cuối cùng bao giờ cũng thắng.

Trong cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II trước đây, so sánh lực lượng còn bất lợi cho khối cộng sản hơn hẳn bây giờ cả về kinh tế cũng như quân sự, nhưng họ đã có thể liên tục tấn công và chiến thắng tại nhiều nơi, như Viêt Nam, vì lúc đó chủ nghĩa cộng sản còn có sức quyến rũ của nó. Sức quyến rũ này ngày nay đã nhường chỗ cho thất vọng và thù ghét. Người ta có thể thấy sự đuối lý, hay thiếu lẽ phải, của cả Nga lẫn Trung Quốc. Sau khi bị Joe Biden gọi là một tên sát nhân, một điều hoàn toàn đúng, Putin chỉ biết cười nhạt và chúc Biden sức khỏe. Tại hội nghị Alaska, khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trực diện tố giác những vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Dương Khiết Trì (trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc) và Vương Nghị (bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc) nổi giận nhưng cũng chỉ biết phản công bằng cách nói rằng Mỹ cũng chẳng hay ho gì. Nói cách khác chúng tôi xấu nhưng các vị cũng không tốt. Quá yếu.

Chuẩn bị cho một khúc quanh lịch sử

Một câu hỏi lớn, rất lớn, phải được đặt ra là tại sao Trung Quốc không chịu dân chủ hóa ? Như thế họ không gây lo ngại cho ai mà còn được khuyến khích và hoan nghênh để tiến lên, ngay cả để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Câu trả lời giản dị là Trung Quốc rất muốn nhưng không thể dân chủ hóa.

Một sai lầm lớn của nhiều nhà nghiên cứu chính trị là lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc. Một đế quốc là một tập thể nhiều nước phục tùng một trung tâm, trung tâm đó giữ độc quyền quân lực và áp đặt một ý thức hệ chung. Mỗi đế quốc như vậy đều phải đặt nền tảng trên một ý thức hệ, khi ý thức hệ đó không còn, ngay cả để nhường chỗ cho một ý thức hệ đúng hơn, thì đế quốc không thể tiếp tục tồn tại. Trung Quốc là một đế quốc, mỗi tỉnh thực ra là một nước. Trung Quốc đã là đế quốc kéo dài nhất trong lịch sử thế giới, từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, vì ý thức hệ nền tảng của nó, Khổng Giáo, vẫn còn được duy trì. Chủ nghĩa cộng sản xét cho cùng chỉ là một phiên bản cải tiến của Khổng Giáo. Nếu bỏ chủ nghĩa cộng sản thì đế quốc Trung Hoa cũng tan vỡ theo, thành nhiều liên bang và quốc gia dân chủ tùy theo những điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa. Thay đổi này sẽ tốt cho khối 1,4 tỷ người Trung Quốc nhưng lại là điều mà ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc không dám hình dung, vì nó đồng nghĩa với chấp nhận sự cáo chung của Trung Quốc với lãnh thổ và dân số hiện nay. Vì thế mà họ cứ phải cố bám lấy một chủ nghĩa mà chính họ cũng biết là sai và phải bị loại bỏ.

Kết quả chắc chắn của cuộc đối đầu này có thể biết trước. Liên minh Nga-Trung Quốc không có lý cũng không có lực lại cũng không thành thực trong khi mặt trận dân chủ thống nhất mà Joe Biden đang khởi động, dù không hoàn hảo, vừa có chính nghĩa hơn hẳn vừa có sức mạnh áp đảo, lại vừa có sự phối hợp thành thực.

Cuộc đối đầu này sẽ kết thúc dễ hơn và sớm hơn mọi dự đoán. Làn sóng dân chủ thứ tư, khởi đầu từ năm 2010 với những thắng lợi của dân chủ tại Đông Nam Á và Mùa Xuân Ả Rập tại Trung Đông đã khựng lại do sự trỗi dậy của phong trào dân túy, rõ rệt nhất là tại Mỹ với Donald Trump. Với Joe Biden và mặt trận dân chủ mà ông đang cố gắng thành lập, nó sẽ khởi sắc trở lại và sẽ quét đi các chế độ độc tài còn lại, cộng sản cũng như dân túy, trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cuộc đối đầu mới này, mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh lạnh mới, thực ra là đợt hai của làn sóng dân chủ thứ tư.

coldwar5 (2)

Một lời sau cùng cho Việt Nam.

Khác với Trung Quốc, chúng ta không phải là một đế quốc mà là một quốc gia. Chúng ta có thể chuyển hóa về dân chủ mà vẫn còn nguyên vẹn về diện tích và dân số. Chỉ đẹp hơn, giầu mạnh hơn và đáng tự hào hơn. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt chước Trung Quốc một cách quá tăm tối đến nỗi từ chối làm một chuyển hóa vừa tốt đẹp vừa bắt buộc mà Trung Quốc cũng rất muốn nhưng không thể làm. Đã đến lúc sự u mê này phải chấm dứt. Đất nước cần chuẩn bị để mở đầu Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Nguyễn Gia Kiểng

(08/04/2021)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm