Kỵ binh : một phát minh mới của Bộ Công an để thu hút khách du lịch ?
Nguyễn Văn Huy, 10/06/2020
Ngày 8/6/2020, Bộ Công an Việt Nam chính thức trình làng đội kỵ binh của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động tại Hà Nội. Đội kỵ binh này đã diễu hành qua Lăng Hồ Chí Minh trước đoàn đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Cuộc diễu hành này cũng đã thu hút sự tò mò của dân chúng Hà Nội và khách qua đường.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đội kỵ binh phục vụ trong một đơn vị chiến đấu theo Quyết định số 326, do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ký ngày 15/1/2020, với chức năng, nhiệm vụ chính là trực tiếp huấn luyện, sử dụng đội ngựa chiến là để phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa ; tổ chức chăn nuôi, chăm sóc và nhân giống ngựa. Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh cũng sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có mệnh lệnh của lãnh đạo cấp trên.
Theo thuyết minh, "giống ngựa được Bộ Công an lựa chọn có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình của ngựa phù hợp với việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn... Đặc biệt, ngựa sẽ là giải pháp tối ưu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, không thể cơ động bằng phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng. Lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới. Ngoài ra, ngựa còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, quân lượng phục vụ triển khai phương án tác chiến, hành quân dã ngoại trong thời gian dài và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình phức tạp.
Một điểm đáng chú ý khác, Cảnh sát cơ động kỵ binh khi tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự tại các thành phố, điểm đến du lịch sẽ tạo được cảm giác an toàn giữa lực lượng thực thi pháp luật đối với du khách. Lực lượng kỵ binh của Bộ Công an còn có thể tham gia thực hiện các nghi thức, nghi lễ cấp quốc gia, tham gia diễu binh, diễu hành, đồng thời tham gia đua ngựa tại hội thảo quân sự quốc tế hoặc các giải đua ngựa trong nước.
Theo Bộ Công an, tính tới nay, lực lượng chức năng đã nhân giống được bốn ngựa con, trọng lượng sơ sinh từ 23-28 kg, tăng tổng số đàn ngựa lên 100 con"…
Sau khi đọc và xem video trình chiếu về cuộc diễu hành này, người đọc và người xem không khỏi có nhiều thắc mắc về sự ra đời của lực lượng kỵ binh này.
Về dáng dấp của loài ngựa, đây là loại ngựa lùn (poney). Theo xếp loại, chiều cao (garrot) tối đa từ mặt đất đến phần giữa cổ và lưng của loại ngựa lùn là 1,50m (chiều cao tối thiểu của loại ngựa bình thường là phải trên 1,50m, nghĩa là lưng ngựa phải cao ít nhất tới cổ người kỵ mã có chiều cao trung bình 1,70m), trong khi chiều cao trung bình đàn ngựa của đội kỵ binh Cảnh sát cơ động chỉ trên 1,30m (thấp hơn loại ngựa lùn trung bình dành cho trẻ em trên 13 tuổi). Trước kia ở các quốc gia phương Tây, ngựa lùn được dùng để kéo cầy hay vận chuyển hàng hóa vì không có lừa, sau này ngựa lùn được sử dụng để cho trẻ em cởi dạo chơi trong các khu giải trí, và gần đây ngựa lùn được đưa vào phục vụ các đoàn xiếc để mua vui hay trong các trại chăn nuôi ngựa để huấn luyện trẻ em tập cưỡi ngựa để thi đấu. Nói chung đây là loại ngựa phục vụ nhu cầu giải trí cho trẻ em ở các quốc gia phương Tây.
Ngựa lùn được sử dụng để cho trẻ em cởi dạo chơi trong các khu giải trí - Ảnh minh họa ngựa có chiều cao (garrot) dưới 1,20m dành trẻ em từ 6 đến 8 tuổi (con ngựa thứ 3 và thứ 5), ngựa cao 1,30m cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi (2 con ngựa dẫn đầu và con ngựa thứ 4) và ngựa cao 1,40 m dành cho trẻ em trên 13 tuổi
Về chức năng đàn ngựa của Đội Cảnh sát cơ động kỵ binh, những miêu tả trong quyết định số 326 của Đại tướng Tô Lâm chỉ là "cho vui" để được cấp ngân sách chứ trên thực địa rất khó thực hiện vì ngựa quá lùn, quá nhẹ và quá nhỏ nên không thể chạy nhanh trên đường tráng nhựa hay trãi đá, ngựa sẽ dễ bị trượt chân và gây thương tích cho kỵ mã khi bị té. Hơn nữa chăm và nuôi đàn ngựa 100 con này phải ở xa trung tâm thành phố vì mùi phân và nước tiểu ngựa dễ gây nhiễm bầu không quyển chung quanh. Do đó việc điều động đội kỵ binh này trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và chống biểu tình từ bên ngoài vào các trung tâm thành phố sẽ rất khó khăn, vì phải mang theo cả một đội binh nuôi ăn, chăm sóc, quét dọn và hốt phân cho ngựa.
Ảnh minh họa một trường dạy trẻ em cưỡi ngựa lùn (Poney Club) ở Mareuil-les-Meaux, tỉnh Seine et Marne, Pháp : Chiều cao (garrot) trung bình của loại ngựa lùn này là 1,50 m, tính mặt đất đến cổ lưng ngựa, để được tham gia thi đấu.
Những lý do bất tiện và không thích hợp còn rất nhiều. Nhưng lý do thực sự của sự thành lập "đội kỵ binh" này hoàn toàn là chính trị. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam muốn làm vừa lòng và mua chuộc sự trung thành của lực lượng công an. Trong những ngày sắp tới, nếu có một biến động xã hội vượt tầm kiểm soát của những lực lượng an ninh địa phương, Đảng và Nhà nước chỉ Chủ tịch nước chỉ có thể trông cậy vào lực lượng công an, chứ không phải quân đội. Tuy vậy, khẩu hiệu "Chỉ biết còn Đảng còn mình" của lực lượng công an ngày nay không còn hấp dẫn nữa vì ngân sách nhà nước cạn kiệt không đủ để duy trì gánh nặng lương bỗng của ngành công an, và lực lượng công an cũng không còn nhiều cơ hội để kiếm thêm tiền từ dân. Chỉ mới gần đây Bộ Công an đã phát minh một công thức mới cho phép Cảnh sát giao thông có quyền chận xét tất cả các loại phương tiện vận chuyển, dù rất hợp lệ : đây là cách gián tiếp giúp tăng thu nhập của lực lượng Cảnh sát giao thông vì không đủ ngân sách để tăng lương. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tin rằng nếu lực lượng công an giữ được an ninh đường phố thì sẽ bảo vệ được chính quyền. Có nhiều đơn vị cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí và các phương tiện tông tin hiện đại hơn cả những binh đội tinh nhuệ nhất của quân đội.
Những biện luận so sánh đội kỵ binh Cảnh sát cơ động Việt Nam với các đội kỵ binh trên thế giới chỉ là ngụy biện và khiên cưỡng vì không thể so sánh - Ảnh minh họa : Chiều cao (garrot) trung bình của đàn ngựa trong Đội Vệ binh cộng hòa Pháp là 1,75m, tối thiểu là 1,65 m (dành cho nữ kỵ sĩ), nghĩa là cao hơn chiều cao trung bình của đàn ngựa Đội kỵ binh Cảnh sát cơ động Việt Nam khoảng 45 cm. Chiều cao trung bình của một nam kỵ sĩ trong Đội Vệ binh cộng hòa là 1,80m và nữ kỵ sĩ là 1,70m.
Còn những biện luận so sánh đội kỵ binh Cảnh sát cơ động với các đội kỵ binh trên thế giới chỉ là ngụy biện và khiên cưỡng vì không thể so sánh. Ngựa trong các đội kỵ binh trên thế giới là ngựa chiến, chiều cao (garrot) trung bình từ 1,60m đến 1,70m, trong khi ngựa của đội kỵ binh Cảnh sát cơ động Việt Nam là loại ngựa lùn (để giải trí) với chiều cao trung bình từ 1,30m đến 1,40m, chỉ dành cho trẻ em và các đoàn xiếc. Tại Châu Á, quốc gia nổi tiếng về loại ngựa chiến là Mông Cổ cũng không có ý định thành lập đội kỵ binh để giữ gìn an ninh trật tự thành phố. Đó là chưa kể Nhật Bản, quốc gia đã từng có nhiều đội kỵ binh nổi tiếng, cũng không hề có ý định thành lập những đội kỵ binh bảo vệ đường phố. Các quốc gia này có đủ điều kiện để thành lập những đội kỵ binh giữ gìn an ninh trật tự vì vừa có truyền thống vừa có có ngựa tốt nhưng đã không làm chỉ vì một lý do giản dị : quá tốn kém và không mang lại hiệu quả mong muốn.
Bộ Công an Việt Nam đua đòi có cho bằng được đội kỵ binh này chỉ là hiện tượng "con cưng được bố mẹ nuông chiều nên cứ vòi vĩnh cho bằng được". Trước đó là những vòi vĩnh được trang bị những phương tiện hiện đại nhất về truyền thông và vi âm chống biểu tình. Nhưng với đội kỵ binh này, có lẽ Bộ Công an tin rằng sẽ là một trong những thắng cảnh du lịch thu hút khách du lịch quốc tế về sự lạ đời và hiếm có. Một thí dụ : nghi thức đổi ca canh gác của đội Evzones với những người lính mặc váy ở quảng trường Syntagma trước Quốc hội Hy Lạp hàng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch quốc tế. Ở đây, Việt Nam có lẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới trang bị ngựa (quá) lùn cho một lực lượng vũ trang vừa để thi hành nhiệm vụ vừa thể hiện sự độc đáo thu hút khách du lịch.
Nghi thức bàn giao giờ canh gác trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp tại Quảng trường Syntagma ở Athens hàng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cộng sản, cái gì cũng có thể từ không bình thường đến bình thường vì không người dân không có quyền thông tin, phê phán và kiểm soát. Đội kỵ binh ngựa lùn này là một bằng chứng.
Nguyễn Văn Huy
(10/06/2020)
******************
Đội kỵ binh Việt Nam vừa ra mắt đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ !
RFA, 08/06/2020
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 8/6 chính thức cho ra mắt lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
Lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh diễu hành qua lăng Hồ Chí Minh tại Hà Nội vào ngày 8 tháng 6 năm 2020. AFP
Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày cho thấy hình ảnh lực lượng này được diễu hành trên đường Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội nơi các đại biểu Quốc hội khóa XIV đang họp kỳ thứ 9.
Cảnh sát cơ động kỵ binh là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung được thành lập theo Quyết định số 326, ngày 15/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an. Chức năng, nhiệm vụ chính được nói là trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa…
Trao đổi với RFA vào tối 8/6, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam nhận xét về sự thành lập đội cảnh sát cơ động kỵ binh như sau :
"Các nước người ta cũng có cả rồi như Anh, Ấn Độ có cảnh sát kỵ binh. Họ có truyền thống. Còn với Việt Nam tôi nghĩ rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng có nhiều binh chủng thì tôi nghĩ cảnh sát cơ động cũng là một lực lượng vũ trang của Việt Nam nên có được thì cũng hay".
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho rằng đây là chuyện hơi lố bịch. Ông nhận định :
"Việt Nam không có truyền thống về kỵ binh và người ta học theo một số nước Tây Âu nhưng cái đấy bây giờ không có ; chuyện dùng ngựa quá cổ rồi nhưng người ta vẫn nhập khẩu về, làm thành trung đoàn hôm nay ra mắt tại Quảng trường Ba Đình trước lăng ông Hồ Chí Minh cho Quốc hội. Những con ngựa cũng không to bằng con ngựa của người ta. Trời nóng thế này thì đội quân hốt phân ngựa đi đằng sau thì việc này rất phản cảm, một sự học đòi nhố nhăng !".
Đội Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (Royal Canadian Mounted Police) - Ảnh minh họa
Đồng ý với quan điểm Tiến sĩ Nguyễn Quang A vừa nêu, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nêu lên ý kiến riêng của ông :
"Cảnh sát kỵ binh thường họ giữ trang phục ngày xưa, ngựa rất đẹp, trong cuộc diễu hành gần như là biểu diễn cho trang trọng nhưng nhìn cảnh sát kỵ binh diễu hành hôm nay thì rất buồn cười và gây sự chế diễu trên mạng sáng giờ".
Theo truyền thông trong nước, giống ngựa mà Bộ Công an Việt Nam chọn được cho có khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình của ngựa phù hợp với việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn.
Đội Vệ binh Cộng hòa Pháp - Ảnh minh họa
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, đến nay đã nhân giống được bốn ngựa con và tăng tổng số đàn ngựa lên 100 con. Đội kỵ binh đã thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 65/71 ngựa hoang dã, đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong giai đoạn nuôi thích nghi môi trường tại Việt Nam.
Trên các diễn đàn và trang mạng xã hội, hình ảnh kỵ binh Việt Nam trở thành chủ đề bàn tán khi bị đặt cạnh hình ảnh của kỵ binh nước ngoài hoặc hình ảnh diễn viên nước ngoài cưỡi ngựa. Nhiều bình luận cho rằng đoàn kỵ binh chỉ đang cưỡi lừa vì chân ngắn và cổ nhỏ. Trong khi ngựa của kỵ binh nước ngoài thì cổ to, bờm dài, chân dài và bước đi dõng dạc.
Theo Bộ Công an, lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới. Ngoài ra, thì lực lượng kỵ binh này còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, hành quân dã ngoại trong thời gian dài, tham gia thực hiện các nghi thức và nghi lễ quốc gia như diễu binh, diễu hành…
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng trong thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, những nhiệm vụ như thế của đoàn kỵ binh vừa thành lập dường như không đem lại hiệu quả nhất định :
"Chắc cả hàng thế kỷ trước, kỵ binh coi như một ưu việt, nhưng bây giờ các phương tiện như ô tô xe máy tôi nói ví dụ như tuần tra, chống tội phạm hoàn toàn với điều kiện bây giờ, hạ tầng giao thông thì đội kỵ binh này hoàn toàn vô tác dụng".
Chị Sa Nguyễn đang sống tại Melbourne, Úc nơi cũng có truyền thống kỵ binh khi trao đổi với RFA cũng cho rằng bên cạnh việc hình ảnh đoàn kỵ binh không được như mong đợi thì những nhiệm vụ mà phía Bộ Công an thông báo cũng không thuyết phục lắm.
"Tôi nghĩ không hiệu quả vì đường phố Việt Nam có rất nhiều loại phương tiện đi lại, trước đó đã cấm các phương tiện thô sơ mà giờ lại cho ngựa vô thêm thì nó sẽ gây phiền phức và ùn tắc. Cộng thêm việc rượt đuổi bằng ngựa không đảm bảo an toàn, vừa gây nguy hiểm cho người sử dụng là công an lẫn người xung quanh. Có thể không nhanh bằng xe nghiệp vụ. Cái đó bên UK hay bên Úc chỉ được dùng để phạt đậu xe thôi".
Trước những vấn đề liên quan đến an toàn giao thông chị Sa Nguyễn vừa nêu, chúng tôi liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu và được ông cho hay hiện tại chưa có luật lệ nào quy định về việc đi lại của kỵ binh nhưng theo thông tin báo chí loan tải thì kỵ binh chủ yếu dùng để diễu hành hoặc truy bắt tội phạm vùng núi nên việc bổ sung vào Luật đường bộ cũng chưa cần vội :
Đội Kỵ binh hộ tống Nữ hoàng Anh Elizabeth II / AFP
"Dĩ nhiên quá trình mới thành lập từ tháng 1/2020 thì qua quá trình thực hiện tôi nghĩ nếu cần thiết cũng sẽ sửa đổi, bổ sung vào Luật giao thông đường bộ".
Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho rằng có thể do mới thành lập nên chưa thể đưa ra đánh giá chính xác liệu trung đoàn kỵ binh này có hoàn thành nhiệm vụ tốt hay không được:
"Nói thật thì những nước có truyền thống với kỵ binh rồi thì họ hoạt động có kinh nghiệm tốt hơn. Còn với Việt Nam nếu thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh tôi nghĩ chắc để học tập dần dần xem sao, còn bây giờ nói dùng kỵ binh đi bắt trốn trại thôi chẳng hạn cũng khó chứ không phải dễ. Cho nên tôi nghĩ trong quá trình phát triển thì lực lượng vũ trang nước nào cũng vậy, có những tinh hoa của thế giới du nhập vào".
Đề xuất thành lập Trung đoàn cảnh sát cơ động Kỵ binh được Bộ Công an đưa ra vào cuối tháng 10/2019.
Ý kiến này đã vấp phải nhiều phản đối từ phía dư luận vì cho rằng không phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông cũng như tình hình nhân sự tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, Trung đoàn đoàn cảnh sát cơ động Kỵ binh vẫn được thành lập vào tháng 1 vừa qua và ra mắt vào ngày 8/6.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận rằng sở dĩ Bộ Công an kiên quyết lập trung đoàn kỵ binh là điều dễ hiểu vì những lý do sau :
"Bộ Công an nếu được phình to ra thêm, có thể tăng thiết giáp, máy bay thì nó cũng rất muốn như vậy. Tức là quyền lực thì nó là vô biên, lòng tham quyền lực gấp cả triệu lần ma túy nên những người đã say quyền lực thì nó bất chấp mọi thứ bởi vì như vậy tăng được quân số, tăng được thẩm quyền, tăng được chi tiêu, đấy là những chỉ số thành tố của quyền lực biểu hiện rất rõ. Luôn luôn dùng những mánh khóe để nói rằng cần phải có những binh đoàn kỵ binh như thế để chống khủng bố ở vùng rừng núi… Nhưng tôi nghĩ tất cả những mánh lới ngụy biện đấy chỉ là một bức màn rất thưa để che tham vọng quyền lực".
Trong khi đó, Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng việc đưa ra kiến nghị rồi phớt lờ phản ứng dư luận không phải chỉ xảy ra đối với chuyện thành lập trung đoàn kỵ binh mà đây là một việc thường xuyên xảy ra từ trước đến nay :
"Chúng ta đều thấy khi nhà nước đưa ra những chuyện như thăm dò dư luận nhân dân dù mức độ phản đối thế nào thì học vẫn quyết tâm làm gần như kiểu người ta gọi là ‘xén long cừu’. Áp đặt những sự cấm đoán xã hội, bắt xã hội chấp nhận những điều vô lý và từ từ quy định đè nén xã hội".
Kỵ binh có nguồn gốc từ Anh và sau này được nhiều nước đưa vào sử dụng như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Brazil, Bỉ… Hiện có khoảng 40 nước vẫn đang sử dụng kỵ binh, nhưng mục đích chính được biết là để diễu hành, hoặc với những nhiệm vụ đơn giản như ghi giấy phạt đậu xe… Còn những nhiệm vụ quan trọng như xử lý biểu tình, bạo loạn, truy bắt đối tượng tại các vùng núi… thì đã có những phương tiện chuyên dụng như xe tăng, trực thăng, thiết giáp, vòi rồng…
*******************
Bộ Công an ra mắt lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh
RFA, 08/06/2020
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 8/6 chính thức cho ra mắt lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Lực lượng này được diễu hành trên đường Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội nơi các đại biểu quốc hội khóa XIV đang họp kỳ thứ 9.
Lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh tại buổi lễ ra mắt. AFP
Theo tin từ tuyền thông trong nước loan di, Cảnh sát cơ động kỵ binh là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung được thành lập theo Quyết định số 326, ngày 15/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an. Chức năng, nhiệm vụ chính là trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa…
Được biết, giống ngựa mà Bộ Công an Việt Nam chọn được cho có khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình của ngựa phù hợp với việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn.
Lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.
Ngoài ra, theo Bộ Công an thì lực lượng kỵ binh này còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, hành quân dã ngoại trong thời gian dài, tham gia thực hiện các nghi thức và nghi lễ quốc gia như diễu binh, diễu hành…
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, đến nay đã nhân giống được bốn ngựa con và tăng tổng số đàn ngựa lên 100 con. Đội kỵ binh đã thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 65/71 ngựa hoang dã, đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong giai đoạn nuôi thích nghi môi trường tại Việt Nam.