Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 05 février 2018 10:38

Cứu nguy phong trào dân chủ ?

Sự kéo dài của chế độ cộng sản là một thách đố lớn đối với mọi logic và đối với danh dự của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ không thể hiểu nổi giai đoạn lịch sử này và sẽ không biết phải đánh giá thế nào những con người hôm nay.

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai

(Ch. VII, tr. 144)

Các bạn tôi cả trong lẫn ngoài nước đều đồng ý là phong trào dân chủ đang ở trong một tình trạng rất bi đát và cần được cứu nguy. Cũng như họ tôi rất đau lòng và phẫn nộ khi nghĩ tới các anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ, Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Phan Kim Khánh, Trần Anh Kim, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Hồng Phúc và nhiều anh em khác đang mắc nạn. Tuy vậy tôi chỉ chia sẻ một phần quan điểm của đa số các bạn này. Khi không hiểu rõ nguyên nhân thì cũng chúng ta cũng khó nhìn thấy giải pháp đúng.

VIETNAM-CHINA-SEA-PROTEST

Trong hơn một năm qua, Đảng cộng sản đã gia tăng đàn áp như chưa từng thấy trong hơn ba mươi năm qua kể từ ngày họ mở cửa về kinh tế thị trường

Ngay từ trước khi bị đàn áp

Nguyên nhân mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý là trong hơn một năm qua Đảng cộng sản đã gia tăng đàn áp như chưa từng thấy trong hơn ba mươi năm qua kể từ ngày họ mở cửa về kinh tế thị trường. Đã có hàng trăm người bị bắt và các bản án cũng đặc biệt tàn nhẫn. Hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, đã bị xử 10 năm và 9 năm tù không phải vì đã khởi xướng hay tham gia một kế hoạch chống chính quyền nào mà chỉ vì đã nói những điều họ thấy là đúng nhưng không thuận với Đảng và Nhà nước cộng sản. Hai thanh niên rải truyền đơn bị kết án 14 năm tù, bằng bản án của hai can phạm giết người bị xử trong cùng một thời điểm. Sự hung bạo trắng trợn này sẽ còn mãi trong ký ức dân tộc. Trong nhất thời nó đã khiến mọi người dân chủ trong nước đều bị đe dọa và một số đáng kể đã phải tạm thời chọn thái độ dè dặt.

Tuy vậy nếu quan sát kỹ thì đây không phải là nguyên nhân chính. Sự suy nhược của phong trào dân chủ thực ra đã bắt đầu từ trước đợt đàn áp này. Trước hết hãy bỏ qua sự kiện nhiều "ngôi sao" xuất hiện trên Facebook và Youtube mờ nhạt dần, có khi trở thành lố lăng, vì không còn gì mới ; những người này không đóng góp gì cho cuộc vận động dân chủ. Các nhóm chính trị và các tổ chức xã hội dân sự hình thành hàng loạt trong những năm 2012 - 2015 nhờ sự phát triển của các mạng xã hội phần lớn đã rã hàng hoặc mất gần hết thực lực vì chia rẽ nội bộ ngay khi chưa bị đe dọa.

Đợt đàn áp này chỉ có tác dụng làm trầm trọng thêm một tình trạng đã có sẵn. Một bạn trong nước mới đây khẳng định tất cả các nhóm và tổ chức -dù là chính trị hay xã hội dân sự- được coi là thành phần của phong trào dân chủ đều đã tan rã. Nhận xét này có thể hơi quá đáng nhưng cũng không xa sự thực bao nhiêu.

Tại sao ?

Các lý do chính đưa đến tan rã đều giống nhau : không đồng ý về cách làm việc và phân công trách nhiệm, thất vọng với người lãnh đạo hoặc nhóm chủ trương, nản chí vì không đạt kết quả nhanh chóng như mong muốn. Tất cả các lý do này có thể xuất hiện cùng một lúc trong cùng một tổ chức. Trong một số trường hợp chính những người chủ xướng xung đột với nhau, rồi tách ra và đả kích nhau.

Các lý do chia rẽ này đều có cùng một nguyên nhân : các nhóm và tổ chức –sau đây gọi chung là các nhóm- đều chỉ là những kết hợp đột xuất của những người đến với nhau vì đồng ý trên một mục tiêu giai đoạn chứ không phải vì có đồng thuận trên một dự án dài hạn và những niềm tin nền tảng. Các kết hợp này vì vậy không thể kéo dài và phát triển. Người ta có thể có cùng một quyết định vì những lý do khác nhau nhưng đó chỉ là một đồng thuận chốc lát, không khác những người đi cùng một chuyến tàu, những động cơ khác nhau đã khiến họ tập trung rồi cũng khiến họ rã hàng.

Các nhóm đã cố tình làm như không biết một điều mà mọi người đều phải biết, đó là người ta chỉ có thể hợp tác lâu dài và phân chia các vai trò và trách nhiệm một cách đúng đắn nếu đồng ý trên hai điều nền tảng : một là bản chất và cứu cánh của hành động chung là gì, hai là trong hành động chung đó những khả năng và đức tính nào cần thiết và đáng trân trọng. Như vậy những người dân chủ Việt Nam, nghĩa là những người tham gia cuộc vận động dân chủ hoá đất nước, nếu muốn kết hợp lâu dài để có sức mạnh phải cố gắng trước hết trả lời hai câu hỏi :

1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?

2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ?

Không thể tránh né

Để có một ý kiến cụ thể xin nêu một vài thí dụ.

Thí dụ thứ nhất là một phát biểu gần đây của chính tôi trên Facebook về việc tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Phát biểu này đã nhận được trên 200 bình luận, đa số là những bình luận xây dựng giúp nhau hiểu biết rõ hơn về tình hình, địa lý và lịch sử của vùng Cận Đông. Nhưng cũng đã có những bình luận dữ tợn. Có những người đã kết bạn với tôi từ lâu bỗng nhiên nổi giận như là tôi đã xúc phạm đến một một người thân của họ và dùng những lời lẽ rất nặng đối với tôi và những người phê phán quyết định của Donald Trump dù chúng tôi chỉ lý luận một cách khách quan.

Tại sao những người bạn, có lúc đã tỏ ra cùng đứng trong hàng ngũ phong trào dân chủ, lại có thể bỗng dưng hằn học với nhau như thế ? Chắc chắn những người này ái mộ Donald Trump bởi vì ông là một mẫu mực thành công mà họ mơ ước và bênh Trump bằng mọi lập luận (có người biện luận rằng Donald Trump có đạo đức bởi vì ông không hút thuốc lá) nhưng họ cũng phải coi chính trị là sự tìm kiếm thành công cá nhân chứ không phải là một hành động vị tha để phục vụ và tôn vinh con người. Chắc chắn họ cũng không coi những người khốn khổ cùng cực tại Trung Đông và Châu Phi là đáng được tôn trọng và giúp đỡ.

Thâm tín của họ là đấu tranh cho dân chủ đồng nghĩa với chống cộng và ủng hộ cánh hữu, những đức tính đáng tôn vinh nơi một lãnh tụ chính trị là giầu sang và tự mãn. Những người này có thể đóng góp gì cho cuộc vận động dân chủ ? Nếu gia nhập một tổ chức dân chủ họ làm được gì và trong bao lâu ?

Thí dụ thứ hai, cũng trên Facebook, là một cuộc thảo luận về làn sóng dân chủ thứ tư trong đó tôi nhận định, dựa trên hiện tình thế giới, là làn sóng dân chủ không hề khựng lại, trái lại các chế độ độc tài còn lại đang rất khốn đốn, dù là Trung Quốc, Nga, Venezuela, hay Việt Nam. Cuộc thảo luận phần nào đã bị lệch hướng vì những phát biểu không liên quan gì tới chủ đề.

Một luật sư đã gây tranh cãi gay go khi phát biểu rằng người Việt hải ngoại cùng lắm chỉ có vai trò phụ thuộc bởi vì họ đã "thua chạy vãi cứt" (nguyên văn) mà không biết xấu hổ. Ông này còn nói rằng người ở nước ngoài mà can thiệp vào chính trị Việt Nam là "xâm lăng". Phát biểu này không chỉ thô lỗ mà còn rất sai vì hiện nay đa số những người dân chủ tích cực nhất tại hải ngoại không phải là những cựu quân nhân và công chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây mà là những người trưởng thành sau ngày 30/4/1975, một số đông -với tỷ lệ ngày càng tăng- vừa từ trong nước ra. Chắc chắn luật sư này cho rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ, và đấu tranh chính trị nói chung, là để tranh giành địa vị và điều kiện quan trọng nhất để tham gia cuộc đấu tranh này là phải ở trong nước.

Trong những phát biểu khác ông này cũng đã từng nói những điều khó tưởng tượng nơi một luật sư bởi vì một học sinh trung học cũng phải biết là sai, thí dụ như tự do ngôn luận phải ở dưới lợi ích dân tộc và luật pháp phải ở dưới chính trị vì luật do chính quyền quyết định. Điều nghịch lý là ông luật sư này lại thường được nhờ biện hộ cho những người bị bắt vì bất đồng chính kiến và thường khuyên các nạn nhân nhận tội và xin khoan hồng. Sau này qua chính những phát biểu của ông trên Facebook người ta mới hiểu là ông đã được công an giới thiệu cho các gia đình nạn nhân. Rõ ràng trong phong trào dân chủ còn có rất nhiều điều cần được nhìn rõ hơn. Trước biết phải biết ai là ai.

Thí dụ thứ ba là gần đây một thân hữu khuyên chúng tôi nên ủng hộ một nhân sĩ tại Mỹ. Theo thân hữu này vị này là một người kiệt xuất vì có bằng tiến sĩ khoa học, từng dạy đại học tại Mỹ và cũng là một triệu phú, đã bỏ ra 5 triệu USD để xây một giảng đường cho một trường đại học Mỹ, giảng đường này mang tên ông. Chúng tôi chưa bao giờ biết đến ông này. Thân hữu này gửi cho chúng tôi một số tài liệu theo đó chúng tôi hiểu là ông chỉ mới quan tâm tới Việt Nam rất gần đây thôi, khi đã ngoài 80 tuổi, và có đưa ra một lời kêu gọi thành lập một tổ chức dân chủ. Tôi không có bình luận gì về ông này, mọi tình cảm đối với quê hương đều đáng được ghi nhận dù là muộn.

Nhận xét của tôi là về chính người bạn của chúng tôi, một người rất có thiện chí. Thân hữu này coi cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là đúng nhưng theo ông điều kiện thành công không phải là một tổ chức mạnh và một dự án chính trị đúng đắn mà là một lãnh tụ có danh tiếng. Những người như ông bạn này khá nhiều bởi vì tôi từng được đọc một số bài báo nói rằng những người dân chủ nên đoàn kết sau lưng ông Lương Xuân Việt vì ông đã lên tới chức thiếu tướng trong quân đội Mỹ, hay bà Dương Nguyệt Ánh vì bà đã nổi tiếng sau khi phát minh ra một vũ khí có khả năng xuyên thủng những bức tường rất dầy.

Tất cả các bài báo này đều không nói các nhân vật này có kiến thức và khả năng chính trị nào và có những hiểu biết và quan tâm nào đối với Việt Nam. Hình như đối với nhiều người chỉ cần có danh vọng và tiếng tăm là đủ. Tôi rất có cảm tình với hai nhân vật này, đặc biệt là với bà Dương Nguyệt Ánh vì là em một người bạn học thuở bé của tôi, nhưng muốn lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ thì phải có tổ chức, có đội ngũ và nhiều kiến thức và khả năng khác mà không biết họ có hay không. Cũng không có gì bảo đảm là họ muốn vai trò lãnh tụ này.

Phải nói là người Việt Nam, kể cả những người tự coi hay được coi là dân chủ, coi danh vọng là tất cả. Ngay trong số những người đấu tranh cũng không thiếu những người coi sự tranh giành địa vị là quan trọng nhất và sẵn sàng liên kết với những người không có cả khả năng lẫn đạo đức nhưng ủng hộ mình và xa lánh những người có khả năng và đạo đức nhưng có thể khiến mình mờ nhạt. Rất nhiều người dân chủ vẫn không chịu tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh cứu cánh của cuộc vận động dân chủ là gì và nó đòi hỏi những khả năng và đức tính nào.

Để tạm dừng với những thí dụ về những lý do, than ôi quá nhiều, khiến phong trào dân chủ Việt Nam bế tắc, xin nói tới một khuynh hướng khá dai dẳng. Vẫn còn nhiều người hô hào đấu tranh cho dân chủ nhưng lại tôn vinh hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, hai người đã từng thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị, bách hại thẳng tay những người đối lập và làm lỡ một cơ hội lớn của đất nước để rồi sau cùng bị sát hại một cách thương tâm. Những người này và nhiều người khác cũng cho rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ phải lấy cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây làm biểu tượng. Phải chăng đối với họ cứu cánh của cuộc đấu tranh cho dân chủ là để lập lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ tuy không gian ác như chế độ cộng sản nhưng tham nhũng, thiếu ý thức, thiếu quyết tâm và đã thảm bại ?

Tất cả những thí dụ trên đây đều góp phần giải thích tại sao phong trào dân chủ Việt Nam bế tắc ngay cả nếu không bị đàn áp. Đó là vì chúng ta không chịu đối đầu thẳng thắn và giải đáp dứt khoát những câu hỏi nền tảng không thể tránh né vì đàng nào chúng cũng luôn luôn đặt ra và chúng ta hành động theo cách mà chúng ta trả lời, dù có ý thức được hay không.

Quá vô lễ với chính trị

Trở lại với hai câu hỏi đặt ra ở phần trên.

Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?

Những thí dụ vừa kể trên cho thấy trong môi trường được gọi chung là dân chủ có những câu trả lời khác nhau.

Có những người cho rằng dân chủ đồng nghĩa với cánh hữu, chính trị chủ yếu là kinh tế và tiêu chuẩn để đánh giá một người đấu tranh chính trị là sự thành công cá nhân thể hiện qua tài sản và bằng cấp.

Có những người, như ông luật sư trong thí dụ thứ hai, cho rằng nó phải được tiến hành trong khuôn khổ mà nhà nước cộng sản cho phép và đàng nào cũng chỉ dành cho người trong nước.

Những người khác cho rằng nó chủ yếu nhắm gây tiếng vang để được hậu thuẫn quốc tế và theo họ muốn gây tiếng vang thì phải dựa trên những người đã có tiếng như nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, thiếu tướng Lương Xuân Việt hay vị giáo sư tiến sĩ triệu phú mà anh bạn tôi giới thiệu.

Cũng có những người cho rằng mục tiêu trước mắt là để khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước khi cải tiến nó, động cơ của cuộc đấu tranh này là sự thù ghét cộng sản.

Nhưng cũng có những người nghĩ khác. Đối với họ "đấu tranh cho dân chủ" chỉ là một cách gọi tắt rất thiếu sót.

Đây là cuộc đấu tranh để người Việt Nam được thực sự tôn trọng, được có những quyền đã được thế giới văn minh nhìn nhận, để đất nước được quản trị một cách lương thiện và hợp lý, từ đó vươn lên bắt kịp sự chậm trễ và chinh phục tương lai.

Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh (…) Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người,tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có (1).

Động cơ của nó như vậy là lòng yêu nước và yêu đồng bào, là tình yêu chứ không phải lòng thù hận. Đây cũng là cuộc đấu tranh vì bổn phận và danh dự bởi vì sự kéo dài của chế độ cộng sản là một thách đố lớn đối với mọi logic và đối với danh dự của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ không thể hiểu nổi giai đoạn lịch sử này và sẽ không biết phải đánh giá thế nào những con người hôm nay.

Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ?

Câu trả tùy thuộc vào cách chúng ta quan niệm cuộc đấu tranh cho dân chủ và có thể rất khác nhau. Một số khá đông cho rằng cho rằng điều kiện cần thiết nhất là phải nổi tiếng vì đã có thành tích, dù thành tích đó không liên quan gì tới chính trị như kinh doanh, khoa học, bằng cấp, giáo sư đại học, chức vụ trong quân đội Mỹ v.v.

Một số khác cho rằng thành tích đó phải là sự can trường trước mặt chế độ cộng sản ; phải dám có những hành động thách thức và nếu bị bắt phải dám tiếp tục thách thức trước tòa. Hình ảnh hình như là điều quan trọng nhất đối với nhiều người cho nên đã có rất nhiều cố gắng trên mạng xã hội để tự đánh bóng mình và bôi nhọ người khác. Phải nói là người Việt Nam chúng ta quá vô lễ đối với chính trị và có lẽ vì thế mà chính trị đã trừng phạt chúng ta.

Nhưng cũng có những người nghĩ khác. Đối với họ mong đợi hoặc cầu cạnh một thế lực ngoại bang giúp đỡ để giành thắng lợi cho dân chủ là điều vừa rất không xứng đáng vừa rất sai. Dù bối cảnh quốc tế có thuận lợi đến đâu cố gắng và hy sinh vẫn do người Việt Nam. Cuộc đấu tranh sẽ rất cam go và điều kiện bắt buộc để đánh bại chế độ lì lợm và hung bạo này là phải đấu tranh có tổ chức. Như thế, đối với những người này, đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức.

Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu nào cũng đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn, dám quên mình để xây dựng sức mạnh của tổ chức, dám gạt bỏ sự cám dỗ của danh tiếng, dám chấp nhận để người khác nghĩ rằng mình thiếu dũng cảm. Cuối cùng thời gian sẽ trả lại công lý cho mỗi người.

Đừng ngại

phongtrao00

Sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn

Hai câu hỏi này cần được bổ túc bằng nhiều câu hỏi khác -thí dụ như chế độ cộng sản này có thể cải tổ được không hay chỉ có một giải pháp là phải thay thế nó, cuộc đấu tranh cho dân chủ phải được thực hiện như thế nào, qua các giai đoạn nào v.v.- nhưng là hai câu hỏi đầu tiên và khẩn cấp phải đặt ra để cứu nguy và vực dậy phong trào dân chủ.

Chúng ta sẽ còn tiếp tục bế tắc nếu cứ tiếp tục tránh né những câu hỏi nền tảng. Lý do là vì những câu hỏi này đàng nào cũng đặt ra cho mỗi người ít nhiều tham gia hay can thiệp vào phong trào dân chủ. Như những thí dụ trong bài này đã phần nào chứng tỏ, chúng ta sống, phát biểu và hành động theo cách mà chúng ta trả lời hai câu hỏi này, dù là một cách vô tình.

Một thái độ thường gặp là cho rằng thảo luận những câu hỏi có vẻ triết lý và đạo đức như vậy sẽ chẳng bao giờ đi đến kết luận chung mà chỉ gây chia rẽ vào giữa lúc chúng ta cần đoàn kết để hành động. Thái độ này rất sai vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất là vì những câu hỏi này không né tránh được và không trả lời chỉ đồng nghĩa với trả lời sai. Thứ hai là vì những câu hỏi nền tảng này thực ra không khó trả lời bởi vì chúng là những câu hỏi khách quan trong đó cái tôi và những toan tính nhỏ nhặt của nó vắng mặt. Chúng cũng không gây chia rẽ bởi vì dù có đồng ý với nhau hay không chúng ta cũng sẽ quý trọng nhau hơn sau đó. Trả lời chúng đòi hỏi một số kiến thức mà chúng ta có thể cùng học hỏi một cách dễ dàng với nhau. Cố gắng trả lời thẳng thắn những câu hỏi này vì vậy vừa nâng cao chúng ta vừa đem chúng ta lại gần nhau.

Một lời sau cùng.

Đừng ngại nếu có những người mỉa mai chúng ta là chính khách sa lông, anh hùng bàn phím. Hãy thẳng thắn đảm nhận vai trò của những người khai thông ý thức. Thảo luận là hành động quan trọng nhất. Những người hô hào hành động mà không cần thảo luận chỉ là những người không có khả năng suy nghĩ để biết phải hành động như thế nào. Họ chỉ đem tới thất bại và thất vọng.

Nguyễn Gia Kiểng

(05/02/2018)

(1) Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của THDCĐN - 2015

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm