Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cựu tổng thống Donald Trump đã “tái xuất giang hồ” hôm chủ nhật (28/2/2021) tại hội nghị bảo thủ (CPAC) của Đảng Cộng Hòa tại Orlando, Florida sau hơn một tháng, kể từ khi rời nhà Trắng ngày 20/1/2021.

Trong bài phát biểu của mình, Donald Trump tiếp tục lặp lại điệp khúc quen thuộc về “gian lận bầu cử” khiến ông thất cử, chỉ trích tân tổng thống Joe Biden và úp mở về việc tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Donald Trump cho rằng phong trào “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông khởi xướng vẫn đang tiếp tục và sẽ chiến thắng dù ông đã thất bại trong cuộc bầu cử 2020.

Với khoảng 1/3 dân Mỹ và không ít người Việt Nam thì ảnh hưởng của Trump vẫn còn lớn và đang chi phối Đảng Cộng Hòa. Nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa dù rất ghét Trump nhưng vẫn ra sức ủng hộ ông. Những người này không hề cuồng Trump mà chỉ vì các toan tính chính trị thiển cận. Nổi bật nhất là hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Ted Cruz. Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm 2016 ông Graham từng nói rằng Đảng Cộng Hòa đáng bị tiêu diệt nếu chọn Trump và sự tiên đoán đó đang dần trở thành sự thật.

phap1968-01

Cựu tổng thống Donald Trump đã “tái xuất giang hồ” hôm chủ nhật 28/2/2021 tại hội nghị bảo thủ (CPAC).

Chuyện Trump tranh cử năm 2024 sẽ không xảy ra sau thất bại 2020. Các dân biểu Cộng Hòa lên tiếng ủng hộ Trump chỉ vì sợ mất ghế hoặc muốn tranh thủ khối cử tri cơ sở của Trump trong các kỳ bầu cử sắp tới. Khối cử tri này là những người da trắng ở vùng thôn quê, là những người ủng hộ cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Họ tin rằng Trump đang đòi lại nước Mỹ cho họ. Niềm tin này không có cơ sở, lạc hậu và hoàn toàn vô lý.

Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nước Mỹ xuống cấp về chính trị khiến xã hội chia rẽ và phân hóa, nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng và phát triển không đồng đều. Những vấn đề đó không mới, nó luôn tồn tại trong lòng nước Mỹ nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây do nền chính trị Mỹ mải mê chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng. Tài chính đã thực sự chi phối nền kinh tế và chính trị Mỹ trong khi đáng ra chính trị phải chế ngự và kiểm soát kinh tế lẫn tài chính.

Sự bất mãn vì bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa khiến các nhóm cực đoan theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng như Oath KeepersProud Boys trỗi dậy và thu hút được sự ủng hộ của những người da trắng bảo thủ. Cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng giữa các nhóm này và Trump là kết quả tất yếu khi các mâu thuẫn tích tụ quá lâu và đã đến lúc cần giải quyết.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là một “cuộc chiến” tổng lực và không khoan nhượng giữa phe bảo thủ và phe tiến bộ. Chiến thắng của Joe Biden không phải là sự may mắn mà là tất yếu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã thất bại. Việc Trump thất cử cũng báo hiệu cho sự suy tàn của chủ nghĩa dân túy vốn đã bùng phát trên khắp thế giới thời gian qua từ Châu Á như Duderte (Philipines) đến Châu Âu: Viktor Orban (Hungary), Anrdrej Duda (Balan), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), Salvini (Ý) đến Châu Mỹ như Jair Bolsonaro (Brazil). Tất nhiên không thể không nhắc đến Putin của Nga. Putin đã hỗ trợ tích cực cho các phong trào dân túy Châu Âu, kể cả Mỹ. Việc tin tặc Nga sản xuất tin giả và can thiệp vào bầu cử Mỹ là ví dụ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích và nói nhiều về Donald Trump và chủ nghĩa dân túy vì chúng ảnh hưởng xấu đến tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Chúng đầu độc tư duy của người Việt Nam, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm trong biên giới quốc gia (như khẩu hiệu nước Mỹ trên hết). Chúng làm hồi sinh nạn phân biệt chủng tộc, suy tôn lãnh tụ như thần thánh và phá hủy các định chế dân chủ, làm mất niềm tin vào nhà nước pháp quyền, vào hệ thống tòa án độc lập, báo chí tự do và các giá trị đạo đức…

Các lãnh đạo dân túy chỉ mị dân bằng những lời lẽ hùng hồn, kích động và khai thác tối đa các bất mãn trong xã hội thay vì đưa ra các giải pháp cụ thể, mang tính xây dựng và đoàn kết dân tộc. Chưa bao giờ mà các thuyết âm mưu và tin giả được sản xuất và lan truyền rộng rãi một cách nguy hiểm như thời gian vừa qua.

Phong trào dân chủ Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng và phân hóa lớn bởi hiện tượng Donald Trump, bầu cử Mỹ và nạn tin giả. Nhiều người đã tỏ ra bi quan và lo lắng vì không hiểu mọi chuyện sẽ đi về đâu, tương lai của Việt Nam ra sao, bao giờ Việt Nam mới có dân chủ?...Theo chúng tôi thì không nên quá bi quan. Đừng sợ Donald Trump. Đừng sợ chủ nghĩa dân túy.

phap1968-1

Sự kiện tháng "Mai 68" đã làm rung chuyển nước Pháp và Châu Âu.

Xin kể lại biến cố “Mai 68” để độc giả yên tâm rằng các thể chế dân chủ có khả năng sửa chữa sai lầm rất cao. “Mai 68” là sự kiện xảy ra tại Paris - Pháp vào tháng 5/1968. Các cuộc biểu tình, đình công với qui mô lớn, qui tụ được mọi thành phần dân chúng Pháp tham gia đã làm rung chuyển và thay đổi sâu sắc nước Pháp. Đã có 7 người chết, hàng trăm người bị thương, quốc hội phải giải tán mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới.

Sự kiện này bắt đầu khá hài hước và kỳ cục. Tháng 3/1967 một số sinh viên nam (gồm 60 người) tại một trường đại học ngoại ô Paris đã biểu tình và chiếm đóng một tòa nhà của trường để phản đối qui định của nhà trường không cho các sinh viên nam được ở lại ký túc xá của sinh viên nữ sau 22 giờ. Mặc dù cảnh sát đã tha bổng các sinh viên đó nhưng phong trào phản đối của giới sinh viên vẫn tiếp tục diễn ra. Giới trẻ Pháp bắt đầu bày tỏ sự bất mãn trước một xã hội cứng nhắc và gò bó. Các nhóm sinh viên với các quan điểm khác nhau được hình thành và tranh luận gay gắt. Các cuộc xung đột đôi khi đã xảy ra giữa các nhóm cực hữu, cực tả rồi cộng sản. Các nhóm cực tả lại chia thành nhiều nhóm khác nhau như Troskist, Mao Trạch Đông, vô chính phủ, tự do…Thần tượng của giới trẻ lúc đó là Guevara (Che), một lãnh đạo cộng sản cực đoan, bạn chiến đấu của Fidel Castro.

Tháng 3/1968 hàng trăm sinh viên trường đại học Nanterre lại tiếp tục chiếm đóng khu hành chính của trường để đòi trả tự do cho 6 sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam vừa bị bắt. Giọt nước bắt đầu tràn ly khi cảnh sát mạnh tay trấn áp. Các cuộc biểu tình sau đó đã tạo thành một phong trào rộng lớn lan ra khắp nước Pháp rồi Châu Âu. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa hí hửng vì tưởng chừng chủ nghĩa tư bản sắp sụp đổ trên toàn cầu. Niềm hưng phấn đó đã kích thích cho cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Việt Nam. Dù quân đội Bắc Việt Nam tổn thất nặng nề sau cuộc “nổi dậy” nhưng các sự kiện đó đã làm chấn động nước Mỹ và rồi tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, một chính khác thực dụng và thiếu viễn kiến đã lấy quyết định rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, dù đang ở trên thế thắng.

phap1968-3

Sự kiện tháng 5/1968 đã gián tiếp làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Sự kiện “Mai 1968” tại Pháp đã không làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ mà ngược lại. Các cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt và có chiều sâu đã làm cho dư luận Pháp cũng như thế giới hiểu rằng các chế độ dân chủ cần thay đổi để tiến lên trong khi các nước cộng sản hiện nguyên hình là các chế độ độc tài, mất tự do và đáng bị lên án. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/1969, đảng của đương kim tổng thống Pháp Charles de Gaulle (Đờ-Gôn) vẫn chiến thắng áp đảo với việc dành được 353 ghế trong quốc hội. Đảng cộng sản Pháp, đảng lớn nhất chỉ được 34 ghế. Phong trào cộng sản tại các nước Tây Âu hoàn toàn suy sụp.

Sự kiện tháng 5/1968 cũng tiếp sức cho Mùa xuân Praha, một phong trào cải cách tại Tiệp Khắc nhằm thoát ra khỏi quĩ đạo của Liên Xô. Mùa xuân Praha kết thúc khi Liên Xô và khối đồng minh Warszava đem quân tấn công Tiệp Khắc. Dù vậy thì làn sóng dân chủ lần thứ ba đã bắt đầu dâng trào với việc lật đổ nhà độc tài Bồ Đào Nha - Salazar tháng 4/1974 với cuộc cách mạng “Hoa cẩm chướng” và kết thúc vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ.

Chúng tôi tin rằng hiện tượng Donald Trump tại Mỹ cũng như phong trào dân túy tại Châu Âu sẽ giúp các nước dân chủ nhìn nhận khuyết điểm của mình để sớm lấy những thay đổi cần thiết. Phong trào dân túy sẽ tàn lụi sau thất bại của Trump. Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, với Mùa Xuân Ả Rập sẽ tiếp tục tăng tốc sau khi khựng lại bởi phong trào dân túy.

Nước Mỹ đang đứng trước những thay đổi và cải cách quan trọng. Joe Biden là người thích hợp nhất để tạo ra sự thay đổi đó. Rồi đây người dân Mỹ sẽ nhận ra Joe Biden là một anh hùng của họ khi ông mạnh mẽ tuyên chiến với chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Dưới thời ông, người Mỹ đủ các sắc dân đã được trọng dụng và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Tiêu biểu nhất là việc chọn bà Kamala Harris làm Phó tổng thống. Sự liên đới và bình đẳng, quyền con người, trong đó có cả quyền của những em bé di dân đang được quan tâm và chăm sóc. Đây là một cú đánh chí tử vào chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tại Mỹ.

Điều mà chúng tôi có chút lo lắng là an ninh của Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris. Chúng ta đừng quên hai vụ ám sát chấn động nước Mỹ là vụ ám át tổng thống Abraham Lincoln (1865), người đã xóa bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ và mục sư Martin Luther King, lãnh tụ phong trào tranh đấu chống nạn phân biệt chủng tộc (1968). Cả hai vĩ nhân của nước Mỹ đã bị ám sát bởi những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cực đoan. Hai ông mất đi nhưng đã mở ra một trang sử mới cho nước Mỹ, một trang sử văn minh, tiến bộ và bao dung. Hy vọng là điều đó không xảy ra với ông Joe Biden và bà Kamala Harris.

phap1968-4

Chúng ta đừng quên hai vụ ám sát chấn động nước Mỹ là vụ ám át tổng thống Abraham Lincoln (năm 1865), người đã xóa bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ và mục sư Martin Luther King, lãnh tụ phong trào tranh đấu chống nạn phân biệt chủng tộc (năm 1968).

Các nước độc tài đang sống trong những ngày tháng rất khó khăn. Nước Nga của Putin đơn độc và tuyệt vọng đến mức cảnh báo sẽ cắt quan hệ với Châu Âu, đóng cửa đất nước, chấp nhận làm một “Bắc Triều Tiên” giữa lòng Châu Âu. Trung Quốc, một cường quốc độc tài đang khiến cả thế giới đoàn kết xung quanh một mặt trận dân chủ để cùng đối phó với Trung Quốc. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là không thể đảo ngược cho đến lúc Trung Quốc sụp đổ. Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các nước dân chủ và càng hội nhập thì các mâu thuẫn càng nảy sinh, ngay trong nội bộ đảng cộng sản. Sẽ sớm đến lúc các đảng viên cộng sản và người dân Việt Nam nhận ra rằng chế độ toàn trị không phù hợp cho sự thay đổi và phát triển của đất nước. Khi đa số người Việt Nam nhận ra điều đó thì thay đổi bắt buộc sẽ phải đến.

Thay đổi bằng cách nào, hòa bình hay bạo lực là tùy thuộc vào đảng cộng sản. Những gì đang xảy ra tại Myanmar rất đáng để đảng cộng sản theo dõi và rút ra bài học cho mình. Khi sự thay đổi bị trì hoãn quá lâu thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Việc cố tình kéo dài sự cầm quyền bằng bạo lực sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Việt Hoàng

(03/03/2021)

Published in Quan điểm