Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 21 juin 2021 08:41

Dân chủ và kinh tế

I. Dân chủ

(Bài viết không nêu lên khái niệm dân chủ ở các quốc gia cộng sản vì thực tế đã chứng minh rằng các quốc gia này không thực sự có dân chủ. Freedom House luôn chấm cho các quốc gia này điểm 1 trên thang điểm 7 về sự tự do dân sự).

1. Nền Dân chủ cổ điển - nền dân chủ Athena

Nền dân chủ Athena là nền dân chủ trực tiếp với quốc hội chỉ có một viện duy nhất. Nền dân chủ Athena tuy không phải là nền dân chủ thực sự và có một số hạn chế như cấm phát biểu các vấn đề về tôn giáo (chỉ thượng tôn tôn giáo họ đang theo), cấm phụ nữ, nô lệ tham gia vào chính trường... nhưng nền dân chủ của họ cực kì thượng tôn pháp luật : coi trọng bình đẳng giữa các công dân Athena, không phân biệt phẩm chất và điều kiện kinh tế : nhân dân được quyền bỏ phiếu bầu các đạo luật bằng chính quyền của họ và không bầu cho đại diện : có luật bất thành văn: "cai trị rồi đến lượt mình bị cai trị", nền dân chủ Athena cho phép mọi người (có đủ tư cách) nắm các chức vụ trong nhà nước và không được nắm chức vụ tương tự hai lần, nó cũng không cho phép nhiệm kì suốt đời : hội đồng xét xử được bầu chọn từ tất cả các công dân và có quyền xét xử đối với tất cả.

2. Nền Dân chủ Đại nghị (nền dân chủ Westminster)

Nền dân chủ Westminster là nền dân chủ đại diện, tam quyền phân lập (nhánh hành pháp trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhánh lập pháp) : trong đó cơ quan lập pháp, lập hiến là hạ viện : cơ quan thông qua luật pháp là thượng viện : chịu trách nhiệm hành pháp là người đứng đầu cơ quan lập pháp và nội các mà người đó lập ra : cơ quan tư pháp có trách nhiệm thụ xét các vụ án.

Người dân bầu chọn theo nhiệm kì những người đại diện cho họ để lập ra hạ viện, vì thế họ thường bầu chọn dựa theo các dự án chính trị mà các dân biểu trình bày theo hai lối bầu là đơn danh một vòng hoặc tỉ lệ : đảng về nhất bầu người chịu trách nhiệm hành pháp (thường là thủ tướng), thủ tướng lập nội các để thực hiện các dự án chính trị mà đảng của người đó đưa ra : đảng về nhì cũng bầu thủ lãnh, lập nội các và thường xuyên chất vấn các chính sách do đương kim thủ tướng thực hiện : các đảng thiểu số thì chỉ gây áp lực và buộc chính quyền phải minh bạch nếu không sẽ bị thay thế nếu có cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra tại hạ viện. Thượng viện là cơ quan được bầu bởi nhân dân một vùng nào đó trực tiếp bầu ra hoặc trong một số trường hợp không được bầu trực tiếp (như trường hợp Canada) có vai trò xem xét các đạo luật mà hạ viện đưa lên, bảo đảm sự thống nhất và hòa hợp quốc gia với các vùng, khuyến cáo các chính sách bổ nhiệm nhân sự cấp cao với chính phủ, thượng viện cũng có quyền điều trần các viên chức chính quyền. Cơ quan tư pháp độc lập xử lí các vụ án và thường được mô tả "là cơ quan không có màu sắc chính trị can thiệp".

danchu1

Nền dân chủ đầu tiên của loài người bắt đầu từ Athens và phải mất hơn 2500 năm mới trở thành tiêu chuẩn chung cho nhân loại.

3. Nền Dân chủ trực tiếp (nền dân chủ kiểu Mỹ)

Bắt nguồn từ nền Dân chủ Đại nghị, nền dân chủ kiểu Mỹ là nền dân chủ kế thừa hầu như những gì mà một nền dân chủ Westminster có, tuy nhiên có vài điểm khác biệt. Nền dân chủ kiểu Mỹ bầu ra người chịu trách nhiệm hành pháp theo thể thức trực tiếp tức một thượng nghị sĩ do một đảng đưa ra sẽ cạnh tranh với đối thủ là đại diện cho một đảng còn lại.

Tuy nhiên, điều đó dễ đưa đến chủ nghĩa dân túy, các nghị viên và dân biểu không cần biết nhiều về dự án chính trị, họ chỉ cần ghi điểm trước mặt cử tri nhằm nắm lấy quyền lực. Sự cố định nhiệm kì của người đứng đầu hành pháp khiến việc phế truất rất khó, chưa kể đến việc đảng của người đó nắm đa số ghế tại thượng viện hoặc người đó đã bổ nhiệm lại các quan tòa tư pháp (với điều kiện đã được thượng viện chấp nhận). Trong thể chế tổng thống, người đứng đầu nhánh hành pháp hoàn toàn độc lập với quốc hội. Như thế, nếu hành pháp và lập pháp chịu kiểm soát bởi hai chính đảng đối lập nhau sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc. Chính "cách thiết kế lại" mô hình chính trị này đã khiến Hoa Kỳ, Philippines, Brasil, Mexico, Indonesia, Afghanistan... nhiều lần gặp phải sai lầm không chỉ trong nước mà còn đối với thế giới. Chế độ tổng thống chế có chiều hướng dẫn đến độc tài.

II. Kinh tế

1. Nền kinh tế thị trường tự do

Là nền kinh tế thị trường có sự tác động lẫn nhau nhưng không có sự kiểm soát và ép buộc giữa cung - cầu, tự bản thân vận hành, giá cả tự thay đổi theo qui luật cung - cầu và Nhà nước đóng vai trò như là "người giữ trật tự" bằng cách ban hành các đạo luật về kinh tế nhằm điều tiết nhưng không làm nó bị gò bó và nhà nước ít kiểm soát nền kinh tế.

2. Nền kinh tế thị trường xã hội

Là nền kinh tế hoạt động như nền kinh tế thị trường nhưng có những chính sách kinh tế của Nhà nước can thiệp nhằm đạt đến sự cân bằng của xã hội. Nền kinh tế này không giống như nền kinh tế xã hội chủ nghĩa như nhiều người lầm tưởng, vai trò của Nhà nước quan trọng nhưng không lấn át các thành phần kinh tế khác. Ví dụ trong nền kinh tế của Singapore, Nhà nước vừa điều hành nền kinh tế quốc doanh (nhằm thu lợi nhuận chính đáng và trả lương cho những người trong chính quyền) vừa ban ra những chính sách hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác (cho vay không lãi, khuyến khích người dân mua cổ phiếu, các đạo luật nhằm giữ ổn định xã hội để các nhà đầu tư an tâm đầu tư vào đất nước...).

3. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Là nền kinh tế thị trường có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước (thường tồn tại ở các nước cộng sản), Nhà nước dồn tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế quốc doanh nhưng ít hoặc không hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân và cá thể, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì phải đóng thuế cao.

III. Dân chủ và kinh tế tác động lẫn nhau

1. Dân chủ tác động lên kinh tế

Sự tác động này đã được đề cập nhiều bởi các nhà kinh tế. Theo đó, muốn kinh tế phát triển thì mức độ dân chủ phải đạt tối thiểu là 3 điểm trên thang điểm 7 mà Freedom House đưa ra (Trung Quốc là một ngoại lệ khi phát triển kinh tế không bền vững). Đó là lí do tại sao khi vừa mới thành lập thì các quốc gia cộng sản lại rất phát triển kinh tế nhưng sau một thời gian, dưới sự áp đặt của chính quyền lên nhân dân ngày càng cao thì kinh tế lại không thể phát triển : nguyên nhân được trình bày là khi mới ban đầu thì họ buộc phải thành lập một chính quyền dân túy để lấy lòng nhân dân nên sự hưng phấn đó đã khiến kinh tế phát triển, nhưng rồi vì ý thức hệ nên họ quay lại áp đặt sự kiểm soát lên người dân, đồng thời ban ra nhiều đạo luật kinh tế cực đoan khiến dân chúng không còn hưng phấn như ban đầu và nền kinh tế bắt đầu suy giảm.

Sở dĩ Hoa Kỳ theo mô hình kinh tế thị trường tự do và cả thể chế dân chủ kiểu Mỹ là do họ muốn chứng minh cho cả thế giới thấy sự tự do đang hiện hữu không ở đâu xa, mà chính trong họ đang có để nhằm thúc đẩy và cổ vũ cho phong trào đấu tranh cho dân chủ thế giới đồng thời họ dùng nền kinh tế đó để giúp các nước thoát khỏi hoặc kiềm chế chế độ cộng sản. Dù rằng sự dân chủ của họ khiến cho nền kinh tế chịu thiệt hại do sự thay đổi chính sách kinh tế của người kế nhiệm, các chính sách tái phân phối kinh tế và tham nhũng, mua phiếu trước các kì bầu cử khiến sự hưng phấn của dân chúng bị suy giảm. Và thời gian đã cho họ câu trả lời đắt giá: nền dân chủ mà họ đang theo là không thực chất và kinh tế thị trường tự do ngày càng làm cho sự phân hóa giàu nghèo thêm sâu sắc.

Tại các nước theo hệ thống Westminster thì nền kinh tế phát triển ổn định và không có hiện tượng đầu cơ nhiều, cơ hội kinh tế thì được cho đi một cách công bằng và quyền tham gia vào thị trường thì không giới hạn, điều này có thể giải thích bằng thể chế mà họ theo đã làm nên một nền kinh tế xã hội nhắm đến việc chi tiêu có trách nhiệm, tạo cơ hội cho tầng lớp dưới đáy xã hội có cơ hội vươn lên.

danchu2

Nền chính trị theo mô hình "Dân chủ đại nghị" khiến các nước Bắc Âu thịnh vượng và hạnh phúc nhất thế giới

2. Kinh tế tác động lên dân chủ

Theo chủ nghĩa xã hội thì "bánh mì phải đi đôi với hoa hồng", tuy nhiên sự thật rằng thì các nhà nước cộng sản đã "phản bội" lại triết lí này. Vì sao ? Bởi vì "sự tư hữu là cốt lõi của dân chủ", họ nhìn thấy và họ tìm cách triệt tiêu đi các thành phần cá thể khác hòng chiếm đoạt quyền lực vĩnh viễn, họ sợ rằng nếu nới rộng dân chủ và để cho kinh tế phát triển bình thường thì đồng nghĩa với việc họ mất đi quyền lực. Sự ích kỉ này đã làm tàn hoại rất nhiều quốc gia Châu Á vì tham nhũng, sự hời hợt của nhân dân về chính trị, bảo thủ trong việc đào tạo lực lượng kinh tế...

Có ý kiến cho rằng, tự do cạnh tranh kinh tế đã thúc đẩy dân chủ, theo Henri Ghesquiere thì các quốc gia giàu có xu hướng dân chủ cao hơn các quốc gia nghèo, không phải dân chủ đã hoàn toàn khiến họ giàu có mà ngược lại, chính nền kinh tế phát triển nhờ cạnh tranh đã khiến người dân có nhu cầu tham gia vào chính trường và đã tạo nên sự cởi mở về chính trị và làm cho sự cạnh tranh mọi mặt được minh bạch, công khai. Điều này không hoàn toàn đúng vì Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới nhưng vẫn không có dân chủ.

Thực tế dân chủ dẫn đến sự thịnh vượng kinh tế. Điều đó cũng chứng minh rằng : ở các nước có bộ máy chính quyền gọn nhẹ, có khả năng thích ứng cao thì nền kinh tế phát triển : trong khi ở các nước mang đậm ý thức bảo thủ về tư tưởng, cực đoan về kìm hãm tự do thì không thể phát triển kinh tế một cách bền vững và minh bạch.

Thiên Cầm

(21/06/2021)

Additional Info

  • Author Thiên Cầm
Published in Quan điểm