Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 22 avril 2020 11:04

Putin gặp hạn

Hôm 20/4/2020 giá dầu thô WTI của Mỹ giảm xuống mức âm 37,63 USD/thùng. Đây là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà khai thác dầu phải trả tiền cho người mua. Lý do cũng giản dị, họ không còn kho để chứa. Còn một lý do nữa là các nhà đầu cơ dầu thô phải chấp nhận bán lỗ vì không ai mua, cung lớn hơn cầu. Thường thì họ mua dầu thô trước trên giấy (hợp đồng) và sau một thời gian thì bán lại cho những người có nhu cầu. Họ không có các kho chứa và nhất là họ không thể tưởng tượng được giá dầu thô lại mất giá kinh khủng như vậy.

Dự đoán giá dầu thô sẽ vào khoảng 20 USD/thùng trong những tháng tới nhưng không ai biết là mức giá ấy có tồn tại được không. 10USD, 15USD…không ai có thể biết.

Daumoduoi0

Lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu xuống dưới 0.

Quốc gia nào sẽ bị thiệt hại nặng khi giá dầu thô lao dốc như vậy? Tất nhiên là các nước chuyên khai thác và xuất khẩu dầu như OPEC và Mỹ. Có ba nước sẽ bị ảnh hưởng lớn khi giá dầu giảm sút đó là Nga, Ả Rập Xê Út và Mỹ.

Mỹ, từ một nước nhập khẩu dầu thô đã trở thành quốc gia xuất khẩu dầu nhờ vào công nghệ khai thác dầu khí từ đá phiến. Các hãng khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và số tiền mà họ vay mượn các ngân hàng đã lên đến gần 90 tỉ USD. Cho dù các công ty khai thác dầu khí đá phiến Mỹ phá sản thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ vì nền kinh tế Mỹ rất lớn và đa dạng. Nga và Ả Rập Xê Út là hai quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là hai quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào việc xuất khẩu dầu mỏ.

Một trong những nước bị ảnh hưởng lớn khi giá dầu sụt giảm đó là nước Nga. Cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Ả Rập Xê Út hồi tháng 3/2020 khiến giá dầu bắt đầu lao dốc. Theo đánh giá của tỉ phú Leonid Fedun, đồng chủ sở hữu Lukoil, vì không đạt thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu khí với OPEC, mỗi ngày nước Nga mất đi 100-150 triệu USD. Kinh tế nước Nga phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ. Ngân sách Nga năm 2020 được tính toán trên dữ liệu giá dầu thô vào khoảng 60-70 USD/thùng.

Hôm 12/4 Nga và Ả Rập Xê Út đã phải ngồi lại đàm phán với các thành viên khác trong OPEC để cùng cắt giảm sản lượng khai thác dầu bằng thỏa thuận bớt đi 9,7 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 5, song giá dầu vẫn tiếp tục trượt dài. Thật ra việc Putin có châm ngòi cho cuộc chiến dầu mỏ với Ả Rập Xê Út hay không thì giá dầu cũng sẽ giảm sâu. Tuy nhiên điều đó phản ánh sự bối rối và nguy ngập của nước Nga. Cả Nga và Ả Rập Xê Út đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Nga&arap2

Nga và Ả Rập Xê Út là hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu giảm.

Để giải cứu giá dầu thô chỉ còn cách là các nước bỏ tiền ra mua và cất vào kho dự trữ. Tuy nhiên vấn đề là tiền đâu để mua và thứ hai là các kho dự trữ đã đầy. Việc khai khác dầu mỏ cũng không thể dừng lại đột ngột trong thời gian ngắn.  

Putin là một tổng thống dân túy đang có tham vọng cầm quyền đến…hết đời. Hạ viện Nga hôm 11/3 đã bỏ phiếu thông qua việc thay đổi hiến pháp, mở đường cho ông Putin tái tranh cử vào năm 2024, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư và nhiều khả năng ông sẽ tại vị cho tới năm 2036. Putin cai trị nước Nga như một Sa hoàng, trong cuộc bỏ phiếu đó, đã không một ai dám bỏ phiếu chống. Chỉ có 43 bỏ phiếu trắng và 24 người vắng mặt. 383 nghị sĩ đã bỏ phiếu thuận trên 450 thành viên Duma quốc gia (Hạ viện Nga).

Nhiều nhà phân tích Nga cho rằng Putin sẽ khốn đốn khi giá dầu lao dốc. Nền kinh tế Nga phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu khí. Mặc dù đa số người Nga vẫn ủng hộ Putin nhưng khi nền kinh tế trở nên khó khăn thì sự ủng hộ này chắc chắn sẽ giảm xuống. Tinh thần phấn chấn của người Nga khi Putin sát nhập bán đảo Krimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga đã nhường chỗ cho những thất vọng sau khi Nga bị Mỹ và Châu Âu cấm vận, khiến kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn.

Thay vì rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình, Putin tiếp tục can thiệp mạnh trên khắp thế giới, từ cuộc chiến không chính thức tại miền Đông Ukraine cho đến việc can thiệp vào Syria, Venezuela…Nền kinh tế Nga ngày càng suy kiệt. Putin chữa cháy bằng cách đổ thêm dầu vào lửa khi quyết định nâng tuổi hưu từ 55 lên 60 cho nữ, và 60 lên 65 cho nam giới. Mục đích là để cứu nguy cho Quĩ hưu trí. Tuy nhiên trên thực tế tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 66. Như vậy, nhiều người sẽ chết trước khi nhận được sổ hưu. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Nga hồi năm 2018 để phản đối quyết định này.

Hôm 3/3/2020 Putin có thêm một hành động mị dân bằng cách “đưa Chúa Trời vào Hiến pháp Nga”. Qui định này nói rằng ‘người Nga theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời”. Đừng quên, hiến pháp Nga năm 1993 nói rõ Nga là một “nhà nước thế tục”. Điều này là hiển nhiên vì nước Nga có nhiều tôn giáo như Chính thống giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo…và một phần dân số Nga không theo tôn giáo nào. Thế giới văn minh luôn tách tôn giáo ra khỏi chính trị. Putin thì làm ngược lại.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra được các nhà phân tích đánh giá là nghiêm trọng. Các nước độc tài, sống nhờ xuất khẩu sự nghèo khổ của dân chúng như Trung Quốc và Việt Nam (thông qua việc bán rẻ sức lao động của người dân) hay chỉ xuất khẩu tài nguyên như Nga sẽ rất khốn đốn. Các nước dân chủ như Mỹ, EU, Nhật là thị trường tiêu thụ hàng hóa cho cả thế giới và đó là động cơ cho sự phát triển kinh tế toàn cầu. Nhưng sau cuộc khủng hoảng Covid-19 thì các đầu tầu tiêu thụ đó cũng gặp khủng hoảng và khó khăn. Hàng hóa có làm ra cũng không ai tiêu thụ. Dầu mỏ là một ví dụ, giá của nó còn rẻ hơn cả nước lọc đóng chai.

Nước Nga không chỉ có mỗi dầu khí mà còn là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, tuy nhiên, cũng như dầu mỏ, trong lúc kinh tế khốn khó thì có bán rẻ cũng không ai mua. Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1988, giá dầu từ 80 USD/thùng xuống còn 20USD/thùng làm cho đồng Rúp của Liên Xô mất giá đến 90% và ba năm sau Liên Xô tan rã.

Nước Nga đang được lãnh đạo bởi nhà độc tài Putin, một cựu điệp viên KGB. Ông ta cai quản nước Nga với bàn tay sắt. Tất cả những ai chống đối hay không đồng ý với ông ta đều phải trả giá đắt. Rất nhiều vụ ám sát các nhân vật bất đồng chính kiến bởi mật vụ Nga ở nước ngoài đã gây phẫn nộ cho dư luận thế giới như các vụ án xảy ra tại Anh quốc. Nemsov, một nhà đối lập nổi tiếng cũng bị bắn chết hồi năm 2015 ngay gần điện Kremlin. Chủ nghĩa dân tộc được Putin khai thác tối đa bằng cách gợi nhớ về thời kỳ huy hoàng của đế quốc Nga và Liên Xô ngày trước. Các buổi kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức luôn được tổ chức một cách hoành tráng và tốn kém.

duyetbinhNga3

Các buổi kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức luôn được tổ chức một cách hoành tráng và tốn kém.

Tuy nhiên, “có thực mới vực được đạo” không phải người Nga nào cũng ủng hộ và đồng ý với Putin, một cuộc khảo sát năm 2018 của viện Gallup cho biết có 20% người Nga muốn rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống. Đáng nói nhất là có đến 44% người Nga trong độ tuổi từ 15-29 muốn ra đi. Tỉ lệ tín nhiệm của Putin giảm xuống còn 60% so với đỉnh cao 90% trước đó. Nước Nga của Putin không còn là nơi đáng sống với gần một nửa người Nga trẻ tuổi. Nước Nga không có tương lai.

Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này cộng với sự lao dốc của giá dầu thô có thể làm cho sự nghiệp của Putin chấm dứt sớm. Giấc mộng làm hoàng đế suốt đời như Tập Cận Bình của Putin có thể tan vỡ trong vài năm tới. Một lý do quan trọng nữa khiến các nước phụ thuộc vào dầu mỏ sẽ gặp khó khăn đó là thời kỳ hoàng kim của nhiên liệu hóa thạch đang sắp qua đi để nhường chỗ cho nhiên liệu tái tạo như các nguồn năng lượng từ mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học. Các nước Châu Âu như Pháp và Anh đã có kế hoạch cấm xe ô tô chạy bằng xăng và dầu từ năm 2040. Kế hoạch này có thể đến sớm hơn dự tính.

Người Việt có nhiều lý do và mong muốn nước Nga có dân chủ. Thứ nhất, có rất nhiều người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Nga. Thứ hai Việt Nam là nước có quan hệ tốt đẹp nhất với Nga trong khối ASEAN vì có nhiều người Việt du học tại Nga trước đây và hiện đang nắm giữ nhiều trọng trách tại Việt Nam. Nước ta có thể trở thành một cầu nối quan trọng giữa Nga và ASEAN cũng như với Châu Á. Tuy nhiên điều đó còn phải đợi một thời gian, ít nhất là đến lúc Putin về vườn và nước Nga bắt đầu dân chủ hóa.

Việt Hoàng

(22/04/2020)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm