Không hiểu vì lý do gì mà các làn sóng Covid-19 luôn đến Việt Nam chậm hơn so với thế giới. Đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 6 năm 2021 là một dẫn chứng. Làn sóng của biến chủng Delta chỉ tràn đến Việt Nam sau gần một năm rưỡi càn quét khắp thế giới. Nó đến rất bất ngờ, vào lúc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tưởng chừng đã thoát nạn nên huênh hoang đắc chí khiến cho cả nước không kịp trở tay.
Làn sóng thứ năm của biến chủng Omicron đang là một thách thức lớn cho Việt Nam. Không ai biết là nó có gây nhiễm dịch trên diện rộng như hồi năm ngoái hay không. May mắn là biến chủng Omicron không quá nguy hiểm, nó không gây chết người nhưng tốc độ lây nhiễm thì rất nhanh. Omicron gây nhiễm cho cả những người từng bị Covid-19 và đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính quyền Việt Nam cần chuẩn bị giường bệnh để đón nhận các ca nặng. Cần chuẩn bị thuốc điều trị cảm cúm, ho, đau họng, thuốc giãn phổi và chống đông máu...
Người bị nhiễm Omicron, phần lớn có thể tự chữa trị ở nhà và nghỉ ngơi khoảng 2 tuần là ổn. Nếu làn sóng Omicron bùng phát thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu người làm việc. Dù vậy Việt Nam phải chấp nhận sống chung với lũ chứ không thể chống dịch một cách cực đoan như Trung Quốc. Việc một số tỉnh thành như Thanh Hóa và Thái Bình “khóa cửa nhốt người” về quê ăn Tết để cách ly là không thể chấp nhận được và nó không giải quyết được vấn đề gì.
Biến chủng Omicron vẫn là một ẩn số đe dọa Việt Nam.
2. Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại
Năm 2021 GDP của Việt Nam chỉ còn 2,58%. Đây là mức thấp nhất trong 30 năm qua. Lý do ai cũng biết là vì 4 tháng phong tỏa chống dịch tại Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai. Năm 2022 để đạt được được mức tăng trưởng GDP 5,5% thì người công nhân phải làm việc nhiều hơn. Người lao động có thể phải làm đến 72 tiếng trong một tuần, tức là 12 tiếng mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần. Lương tối thiểu vẫn không tăng, cụ thể là 4,42 triệu đồng/tháng đối với vùng 1 như Hà Nội, Sài Gòn và chỉ hơn 3 triệu đồng đối với các khu vực vùng sâu vùng xa.
Đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam vì Việt Nam gần Trung Quốc nên thuận tiện cho việc di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang. Việt Nam có thị trường lao động trẻ và dồi dào. Chừng nào cuộc chiến giữa Trung Quốc và các nước dân chủ chưa ngã ngũ thì các nước dân chủ vẫn cố gắng lôi kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc bằng cách gia tăng đầu tư và giúp đỡ Việt Nam.
Tuy nhiên làn sóng các công ty đa quốc gia chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam không còn nhiều hứa hẹn như trước khi xảy ra đại dịch. Lý do: Các nước dân chủ đang xét lại quá trình toàn cầu hóa. Mặc dù toàn cầu hóa là cần thiết và phù hợp với sự phát triển nhưng nó cũng cần được kiểm soát để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và đứt gãy chuỗi sản xuất lúc thiên tai dịch bệnh. Hồi đầu, khi xảy ra Covid-19, chính quyền Mỹ đã từng tranh dành lô hàng 200.000 chiếc khẩu trang của Đức ngay trên đường băng sân bay. Nhiều nhà máy của Mỹ và EU không thể hoạt động vì thiếu nguyên vật liệu và phụ tùng từ các nước Châu Á. Các quốc gia dân chủ sẽ phải rút một số nhà máy quan trọng về lại chính quốc hoặc về các nước trong cùng châu lục. Việc Samsung đầu tư 17 tỉ USD xây một nhà máy chip tại Mỹ để hưởng các ưu đãi từ chính phủ Mỹ là một ví dụ.
Một lý do nữa khiến các công ty ngần ngại khi chuyển nhà máy sang Việt Nam đó là sự chống đối dân chủ gay gắt của Đảng cộng sản. Các bản án nặng nề dành cho các tiếng nói bất đồng chính kiến và dân oan Việt Nam trong năm 2021 là minh chứng. Khi làn sóng chủ nghĩa dân túy và đại dịch Covid-19 đi qua các nước sẽ phải xét lại các vấn đề căn bản của nền dân chủ trong đó có việc không thể tiếp tục hợp tác một cách vô điều kiện với các nước độc tài phản dân chủ như Trung Quốc, Nga...Việc chính quyền Mỹ cấm các công ty mua bông vải sợi sản xuất tại Tân Cương do vi phạm nhân quyền tại đây đã khiến nhiều công ty gặp khó khăn. Điều đó có thể sẽ xảy ra khi làm ăn với Việt Nam.
Việc kiêu ngạo, chủ quan và kém cỏi của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc chống đại dịch Covid-19 năm 2021 đã làm cho nhiều công ty đa quốc gia lo lắng, bất an khi chuỗi sản xuất bị đứt gãy. Nhiều đơn hàng của các công ty đã phải chuyển sang nước khác, tập đoàn Nike giảm đơn hàng tại Việt Nam là một ví dụ.
Năm 2022 lạm phát tại Việt Nam tiếp tục gia tăng do nhà nước bơm rất nhiều tiền vào thị trường. Mặt khác do đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu vì Covid-19 nên hàng hóa sẽ khan hiếm và tăng giá bất chấp thu nhập người dân giảm.
Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ quan, kiêu ngạo nên dẫn đến thất bại trong việc phòng chống Covid-19 năm 2021.
3. Cuộc sống của người dân Việt Nam tiếp tục khó khăn
Nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa trên xuất khẩu hàng hóa thô, nhân công rẻ nên tăng trưởng không cao và không có chất lượng. Cũng giống như người lao động chân tay thuần túy, hết mồ hôi là hết tiền. 4 tháng phong tỏa một số tỉnh thành để chống dịch khiến nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Hơn 2,2 triệu người đã rời Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai về quê tránh dịch và vì không còn tiền để chi tiêu. Tháng 8/2021 chính phủ đã phải cấp 150.000 tấn gạo để cứu trợ cho 8,6 triệu người dân tại 27 tỉnh, thành phố. Đầu tháng 1/2022 thêm 10 tỉnh thành đề nghị chính phủ tiếp tục hỗ trợ 7.820 tấn gạo để cứu đói cho hơn nửa triệu người trong dịp tết Nhâm Dần.
Tháng 11/2021 Tổng cục Thống kê cho biết thu ngân sách nhà nước năm 2021 bội thu hơn 100.000 tỉ đồng nhưng sau đó một tháng thông báo lại là bội chi hơn 300.000 tỉ đồng (chính xác là 315.800 tỉ đồng). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong một lần lỡ lời cho biết “Ngân sách đã cạn kiệt, không còn đồng nào”. Điều này không có gì là lạ khi ngân sách nhà nước thất thu do tham nhũng và phải nuôi một lúc ba bộ máy là Đảng cộng sản, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, để bù đắp cho việc thâm thủng ngân sách thì chính phủ sẽ gia tăng thuế phí các loại trong năm 2022 mà mở màn là việc gia tăng phí phạt vi phạm giao thông và phạt người đi xe không chính chủ.
Hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2022 do chính sách đóng cửa và co cụm của Tập Cận Bình. Sau Thế vận hội Mùa Đông là đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20. Trung Quốc sẽ siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa để chống dịch với chủ trương “Zero Covid”. Có thể còn một lý do nữa, nghe có vẻ hơi vô lý đó là Trung Quốc hạn chế nhập khẩu vì...hết tiền. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị phương án đối phó với sự thay đổi này.
Việc Trung Quốc đóng cửa biên giới với các nước trong khu vực, trong đó có việc đóng cửa với hàng hóa nông sản nhập khẩu đã làm cho giới tiểu thương và nông dân Việt Nam điêu đứng. Hơn 5000 xe hàng, chủ yếu là nông sản của Việt Nam đã bị ùn tắc tại biên giới trong suốt gần một tháng qua. Số tiền thiệt hại vì hàng hóa bị hư hỏng đổ đi lên tới khoảng 4.000 tỉ đồng. Không chỉ Việt Nam mà các nước như Lào, Myanmar đều cũng bị như vậy.
4. Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục suy yếu và bế tắc
Ngay từ đầu năm đã rộ lên nhiều tin đồn xung quanh việc Đảng cộng sản thay thế ông Nguyễn Phú Trọng và ứng cử viên sáng giá cho cái ghế quyền lực này là Vương Đình Huệ. Theo chúng tôi thì việc thay thế ông Trọng là đương nhiên vì sức khỏe không cho phép ông tiếp tục công việc. Tuy nhiên việc thay thế ông Trọng không hề dễ dàng. Nếu dễ thì họ đã không phá bỏ điều lệ đảng tại đại hội 13 để ông Trọng làm thêm nhiệm kỳ thứ ba. Việc giữ ông Trọng lại chứng tỏ Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc. Họ không có giải pháp nào cho đất nước cũng như cho chính họ.
Ông Vương Đình Huệ sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng?
Ông Trọng là người ít tai tiếng tham nhũng và có lẽ là người duy nhất còn tin vào chủ nghĩa cộng sản. Lấy đâu ra một người thứ hai như vậy? Ông Trọng là sợi dây gắn kết duy nhất trong đảng. Bất cứ ai ngồi vào ghế của ông đều bị chống đối quyết liệt. Chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng vẫn tiếp tục nóng lên trong năm 2022. Tuy nhiên không mấy ai tin “đốt lò” để chống tham nhũng mà hầu như đều tin rằng “đốt lò” là đấu đá phe nhóm và để triệt hạ lẫn nhau. Phe nào thắng thì đốt lò, phe nào thua thì làm củi. Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam ngày càng gia tăng chứ không hề có dấu hiệu giảm xuống. Ngay cả trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoàng hành khiến hàng triệu người phải bỏ chạy về quê lánh nạn thì các nhóm lợi ích vẫn tranh thủ để kiếm tiền. Việt Á là một ví dụ, và điều này chứng tỏ họ đâu có sợ ai.
Trong khi đại án Việt Á vẫn đang điều tra thì lại xảy ra vụ thổi giá bất động sản của tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Thủ Thiêm và vụ bán chui cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết (FLC) ngay từ những ngày đầu năm 2022. Điều này báo hiệu cho một năm đầy biến động của “các ông lớn” cũng như nền kinh tế Việt Nam. Niềm tin của người dân vào chính quyền cộng sản và các đại gia ngày càng xuống thấp. Sẽ không có một dự án hay một kế hoạch nào, dù tốt đến đâu, mà xuất phát từ Đảng cộng sản lại có thể thành công trong tình trạng mất niềm tin như vậy.
Rõ ràng ai cũng thấy Đảng cộng sản không còn là giải pháp cho đất nước. Họ không còn lý tưởng và sự đoàn kết như trước đây. Mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy vơ vét, không còn ai nghĩ đến đất nước. Một ví dụ là Hàng không Việt Nam vẫn nằm yên bất động trong khi các nước trong khu vực đã khôi phục lại bình thường như cũ. Việc đóng cửa với thế giới sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Các ngành nghề như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển...sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.
5. Phong trào dân chủ Việt Nam bước sang một giai đoạn mới
Đáng lẽ ra trong hoàn cảnh Đảng cộng sản suy yếu như vậy thì phong trào dân chủ Việt Nam phải mạnh lên mới đúng. Tuy nhiên, một hiện thực đáng suy ngẫm là phong trào đấu tranh thay vì mạnh lên thì lại ngày càng suy thoái và rã rượi. Các ngôi sao dân chủ và các nhà tranh đấu có tiếng tăm gần như không thấy xuất hiện và không gây được sự chú ý nào. Nhưng trái với sự bi quan và thất vọng của nhiều người, anh em Tập Hợp dân Chủ Đa Nguyên vẫn lạc quan và tin vào tương lai. Sự trầm lắng của phong trào dân chủ theo chúng tôi là cần thiết để mỗi người tự xét lại và nâng mình lên một tầm cao mới. Các nhân sĩ đã nói tất cả những gì có thể nói và đã làm tất cả những gì có thể làm.
Từ trước đến giờ phong trào dân chủ chỉ mới dừng lại ở mức “chống cộng” bằng cách phê phán và chỉ trích những sai lầm và yếu kém của chế độ. Điều đó đã đủ và không quá cần thiết nữa. Điều cấp thiết bây giờ là thuyết phục người dân về một giải pháp mới, một truyện thuyết mới thay thế cho giải pháp cộng sản. Để làm được điều này thì những người tranh đấu cần thay đổi tư duy và nâng cấp bản thân lên tầm tranh đấu có tổ chức và có tư tưởng chính trị. Như vậy, một là tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn đã có sẵn hoặc liên kết với nhau để lập ra các tổ chức chính trị mới. Phải hiểu một điều quan trọng rằng: Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân.
Nếu trong năm 2022 những người tranh đấu cho dân chủ ý thức và thay đổi được như vậy thì đây sẽ là một cột mốc quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Việt Hoàng
(20/1/2022)