Toan tính của Tổng Bí thư Tô Lâm trước Đại hội XIV
Hội nghị Trung ương diễn ra có nửa ngày ở Hà Nội, vào sáng 25/11/2024, được giới quan sát gọi là Hội nghị Trung ương "đánh đố". Nó không được định danh, không phải là Trung ương bất thường, mà cũng chẳng là Trung ương bình thường…
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024. Ảnh : Nhân Dân
Chiến lược củng cố
"Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII" – như cách nêu trên truyền thông chính thống (1) – đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, không chỉ bởi cách thức tổ chức mà còn bởi những toan tính chính trị tiềm ẩn phía sau. Trong phát biểu khai mạc sáng 25/11/2024, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hai nội dung chính mà Trung ương cần tập trung thảo luận: tổng kết sớm Nghị quyết số 18 và việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị, đặc biệt ở cấp Trung ương. Với thời lượng từ khai mạc đến bế mạc rất ngắn gọn, ngay tối cùng ngày, phát biểu bế mạc cũng đã được công bố toàn văn (2) – một tốc độ làm việc được cho là hiếm thấy so với các Hội nghị Trung ương thông thường. Sự kiện này được giới quan sát ở Hà Nội gọi là Hội nghị Trung ương "đánh đố". Nó diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10 (bế mạc hôm 20/9/2024), nhưng đã không được định danh là Trung ương 11. Đây không phải là hội nghị bất thường, mà cũng chẳng mang dáng dấp của một hội nghị bình thường. Điều này phản ánh thực tế rằng hội nghị "bất thường" giờ đây đã trở nên "bình thường" trong nhiệm kỳ của Tổng bí thư Tô Lâm (3). Phong cách điều hành "vừa chạy vừa sắp hàng" của ông thể hiện một kiểu quản lý dứt khoát, mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.
Trước đó, chỉ trong vòng một tuần, từ cuộc họp tổng kết Nghị quyết 18 ngày 19/11 do Tổng bí thư Tô Lâm chủ trì (4) đến Trung ương lần này, cả hệ thống các bộ, ngành, cục, vụ, viện trở nên "náo loạn". Sáng 25/11, Trung ương đã tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 18, với các đề xuất tinh giản bộ máy động chạm đến hơn 15 cơ quan trung ương. Một số nguồn tin nội bộ cho biết, kế hoạch này không chỉ đơn thuần dừng lại ở giảm biên chế, mà còn đề xuất sáp nhập hoặc giải thể một số bộ ngành, tạo nên cú sốc lớn trên chính trường Ba Đình. Các nguồn tin nội chính còn cho hay, những tính toán gây chấn động nhất hiện nay bao gồm : sáp nhập Ban Đối ngoại vào Bộ Ngoại giao; gộp Ban Kinh tế với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; sáp nhập Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận… Tại thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết : "Có Bộ trưởng nói với tôi, nếu giảm 30-40% biên chế cũng không ảnh hưởng gì" (5). Ông nhấn mạnh rằng giảm biên chế không chỉ giúp giảm tình trạng sách nhiễu, mà còn góp phần cải thiện chất lượng cán bộ và tăng lương cho những người thực sự mẫn cán.
Thực tế, Nghị quyết số 18 dù đã được triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa mang lại những kết quả rõ nét. Tuy nhiên, với yêu cầu từ Tổng bí thư Tô Lâm rằng, các sáp nhập phải hoàn thành trước quý I năm 2025, tốc độ xử lý lần này mang tính quyết liệt bất thường. Nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là sự cải cách hành chính mà còn là chiến thuật chính trị của Tổng bí thư Tô Lâm nhằm củng cố quyền lực, loại bỏ các đối thủ trước thềm Đại hội XIV. Một minh chứng rõ nét là việc cựu Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội Vương Đình Huệ – một trong bốn "Tứ trụ" – bị kỷ luật ngay trước Hội nghị. Ông Huệ, sau khi viết đơn xin "về làm người tử tế" 7 tháng trước, vẫn không thoát khỏi án phạt. Bộ Chính trị quyết định cảnh cáo ông vì những sai phạm trong công tác, khiến ông trở thành cựu Chủ tịch Quốc hội đầu tiên bị kỷ luật sau khi rời chức vụ. Trong khi đó, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thuộc nhóm "Tứ trụ" – đã không trực tiếp bị xử lý – chỉ chịu sự giám sát chặt chẽ với lý do sức khỏe (6).
Việc phá vỡ "bức tường vô hình" vốn được coi là lá chắn bảo vệ các thành viên Tứ trụ là một bước ngoặt lớn trong chính trường Việt Nam. Từ trước đến nay, các nhân vật thuộc nhóm này thường được đeo "kim bài miễn nhiễm" trước các cuộc thanh trừng nội bộ. Động thái mạnh tay lần này của Tổng bí thư Tô Lâm không chỉ là sự phá rào mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng quyền lực tuyệt đối của ông (7). Dẫu từ góc nhìn nào thì Hội nghị Trung ương lần này là một bước đi chiến lược nhằm củng cố đội ngũ thân tín của Tổng bí thư Tô Lâm trước Đại hội XIV. Đây được cho là mô hình quyền lực mà Tổng bí thư Tô Lâm đã áp dụng thành công từ thời ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an. Nay ông muốn nhân rộng mô hình ấy lên quy mô toàn quốc. Trước những đề xuất cải cách rộng lớn nhằm thu hẹp quy mô chính quyền cả ở trung ương lẫn địa phương, giới phân tích hoài nghi tính khả thi của nó.
Kịch bản chính trị trước Đại hội XIV
Việc tinh giản quyền lực không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi Tổng bí thư Tô Lâm đang đối mặt với sự phản kháng âm ỉ từ các thế lực nội bộ Đảng. Nổi bật trong số này là nhóm Nghệ An, được xem là hậu cứ chính trị của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sự mâu thuẫn không chỉ dừng lại ở cạnh tranh cá nhân mà còn phản ánh các xung đột vùng miền và phe phái chính trị sâu sắc. Nếu ông Tô Lâm không xử lý khéo léo, sự bất mãn có thể lan rộng, trở thành một thách thức nghiêm trọng trước thềm Đại hội XIV (8). Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của ông là giành được "suất đặc biệt" để tái cử Tổng bí thư, vượt qua quy định giới hạn tuổi. Theo thông lệ, ông Tô Lâm sẽ bước sang tuổi 69 vào tháng 1/2026, vượt tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, những diễn biến từ các hội nghị Trung ương gần đây cho thấy quyết tâm của ông trong việc củng cố mạng lưới quyền lực đủ mạnh để bảo vệ vị thế. Đây chỉ là bước đầu trong một cuộc đua quyền lực quyết liệt mà ông đang dẫn dắt.
Hội nghị Trung ương vừa qua là cơ hội để ông Tô Lâm thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu bộ máy và xây dựng mạng lưới nhân sự trung thành. Kể từ khi chuyển từ vai trò Bộ trưởng Bộ Công an sang vị trí Tổng bí thư, ông đã duy trì phong cách lãnh đạo cứng rắn và kỷ luật như trong ngành công an. Những nhân vật đến từ quê nhà Hưng Yên và các đồng sự tại Bộ Công an ngày càng chiếm giữ các vị trí chiến lược trong hệ thống. Điều này tạo nên một mạng lưới quyền lực khép kín, vừa bảo vệ ông trước các đợt phản công chính trị vừa củng cố vị thế trong nội bộ Đảng. Động thái phục hồi hình ảnh của các nhân vật từng bị lu mờ như Đinh Thế Huynh (người vừa được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng) cũng được cho là một chiến lược nhằm thu phục nhân tâm và giảm bớt bất mãn trong nội bộ (9).
Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng rõ của các dấu hiệu bất tuân từ nhóm Quân đội, đặc biệt là dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch nước Lương Cường, đang tạo nên thách thức mới. Sự khác biệt trong quan điểm chính trị giữa ông Tô Lâm và ông Lương Cường, chẳng hạn qua cách tiếp cận với các lãnh đạo quốc tế như Tổng thống đắc cử Donald Trump, cho thấy những vết rạn giữa hai nhóm quyền lực (10). Việc tập trung quyền lực quá mức của ông Tô Lâm có thể dẫn đến mất cân bằng trong hệ thống, khiến các nhóm bị loại bỏ cảm thấy bị cô lập, và từ đó, gia tăng nguy cơ phản kháng ngầm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ Đảng mà còn có thể gây tổn hại đến lòng tin của công chúng vào tính minh bạch và sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, chính trường Việt Nam đang bước vào một giai đoạn đầy biến động. Việc phá bỏ các "vùng an toàn" của những nhân vật từng giữ vị trí trong "Tứ trụ", kết hợp với chiến lược cải tổ bộ máy mạnh tay, cho thấy quyết tâm thiết lập quyền lực tối thượng của ông Tô Lâm. Tuy nhiên, các phe phái dù yếu thế vẫn có khả năng phản kháng nếu cảm thấy không còn gì để mất. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ông Tô Lâm có thể duy trì được thế thượng phong trong giai đoạn đầy bất trắc này hay không. Từ nay đến Đại hội XIV, chính trường Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đấu đá quyền lực khó lường, mở ra một giai đoạn chính trị mới với đầy thách thức lẫn cơ hội đối với nỗ lực cải cách thể chế mà ông Tô Lâm đang theo đuổi.
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 30/11/2024
Tham khảo :
(2) https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-trung-uong-dang-khoa-xiii-20241125193124107.htm
(3) https://www.voatiengviet.com/a/7876217.html
(4) https://www.voatiengviet.com/a/neu-tong-bi-thu-to-lam-muon-cach-mang-he-thong-chinh-tri-/7874941.html
(5) https://tuoitre.vn/co-bo-truong-noi-voi-toi-neu-bo-giam-30-40-bien-che-chang-he-han-gi-2024110415431682.htm
(6) https://www.voatiengviet.com/a/ong-hue-ong-thuong-bi-xem-xet-ky-luat-du-da-tu-nguyen-xin-nghi-/7873428.html
(7 và 8) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vuong-dinh-hue-ky-luat-to-lam-chinh-tri-vo-van-thuong-11222024091219.html
(9) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-nguyen-tan-dung-nguyen-phu-trong-nhan-su-11262024110029.html
(10) https://www.voatiengviet.com/a/luong-cuong-va-to-lam-toan-tinh-gi-khi-tiep-can-donald-trump-/7869763.html
RFA, 06/06/2022
Hội nghị Trung ương bất thường vừa được Bộ Chính trị triệu tập vào chiều ngày 6/6. Ngay sau đó Ban Chấp hành Trung ương khai trừ đương kim Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Hội nghị Trung ương bất thường khóa 5 vừa được Bộ Chính trị triệu tập vào chiều ngày 6/6
Hội nghị bất thường của Ban chấp hànhTrung ương Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào lúc 16g30 ngày 6/6/2022, nhưng chỉ được Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết trước đó vài tiếng, khi thông báo cuộc họp Quốc hội sẽ kết thúc sớm.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản nói với RFA hôm 6/6 :
"Bộ Chính trị họp về những vấn đề lớn biến động sẽ đặc biệt hơn, còn họp Trung ương bất thường thì mức độ biến động hoặc tầm quan trọng cũng không nhiều, vì khi đó tin tức đã phổ biến. Còn Bộ Chính trị mà họp bất thường thì quan trọng. Thật ra cũng rất là khó đoán, nhưng tôi nghĩ có thể có vấn đề gì đó về chống tham nhũng, như đụng đến mức cao cần phải có biểu quyết của trung ương để xử lý. Đấy là theo suy nghĩ của tôi, chứ còn nhìn vào tình hình thế giới và khu vực thì cũng chưa có gì để mà triệu tập hội nghị bất thường. Nhưng vấn đề nội bộ, vấn đề tham nhũng, đụng đến vụ Việt Á hoặc là gì đó… thì có khi là cần phải cả Trung ương, tôi đoán vậy".
Theo quy định của Đảng cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương làm việc theo chương trình toàn khóa và hàng năm, họp thường lệ 6 tháng một lần. Mới nhất là Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 4 đến 10/5/2022.
Trả lời câu hỏi vì sao Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường vào lúc này, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang hôm 6/6 nhận định với RFA :
"Họp Trung ương theo đúng quy định của Đảng cộng sản Việt Nam là định kỳ, có kế hoạch và thông báo trước cho các Ủy viên Trung ương. Chiều nay lại thông báo họp đột xuất, theo tôi biết thì là để xem xét trách nhiệm cấp bộ trưởng liên quan vụ Việt Á, là cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vì đang nóng. Cách đây hai hôm cũng đã những cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị Trung ương xem xét hình thức kỷ luật".
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, theo quy định thì Ủy viên Trung ương muốn kỷ luật, cảnh cáo khai trừ đảng hoặc cách chức… thì phải đưa ra trung ương. Ông Tạo nói tiếp :
"Ngoài chuyện đó ra thì nếu xem xét tình huống về mặt chính trị liên quan tới lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam hay kinh tế xã hội khẩn cấp thì trong quá khứ họ cũng đã có triệu tập bất thường, nhưng cũng hiếm lắm. Nhiều người trên mạng nói là việc này xử lý nhanh, nhưng theo tôi vụ này là không nhanh vì đã xảy ra cả năm nay, hậu quả rất lớn, gây chấn động xã hội, mất niềm tin ghê gớm… Nếu đảng không giải quyết sớm, càng để lâu càng mất uy tín. Hai ông này là trùm cuối, bây giờ mới sờ đến là quá muộn, trong thời gian chậm trễ đó mấy ổng đã tẩu tán tài sản, hay chạy chọt bên công an, viện kiểm sát… thì cũng coi như là rút lui thôi".
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội (trái) và ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế (phải).
Cho đến tối ngày 6/6, tin từ truyền thông nhà nước cho biết, đương kim Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khai trừ ra khỏi đảng bởi Hội nghị bất thường của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam được Bộ Chính trị triệu tập vào chiều cùng ngày.
Trước đó vào ngày 4/6, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành họp và có đề nghị Ban chấp hành Trung ương kỷ luật hai ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Lý do vì hai ông này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước ; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước ; gây bức xúc trong xã hội ; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng…
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA hôm 6/6 thì cho rằng, Trung ương đảng tổ chức họp Hội nghị bất thường vào lúc 16 giờ 30 cho người dân thấy đó là một sự vội vã, không công khai minh bạch như rất nhiều cuộc họp của nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam :
"Tôi cho rằng bất thường này có chủ đích. Thứ hai, trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam họ có sử dụng một nguyên lý gọi là cân bằng động chính trị. Nó như một chiếc xe chính trị, tức là muốn như thế nào thì vẫn phải bảo đảm chiếc xe đó vận hành an toàn. Nó là hình thức để thanh trừng chính trị giữa các phe phái trong nội bộ cấp cao và cấp siêu cao của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Nguyên lý này dựa vào nguyên tắc ‘tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’… vì vậy họ phải lôi kéo về phe mình. Tôi còn nhớ kết quả Hội nghị Trung ương hồi tháng năm vừa qua không ra gì hết, nó gây sự ngạc nhiên đối với những người quan sát".
Bây giờ Đảng cộng sản Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường này thì Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, họ đã thực hiện xong nguyên lý cân bằng động chính trị. Ông giải thích :
"Có nghĩa là nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam đã dàn xếp, thương lượng, thỏa thuận, thỏa hiệp ai lên ai xuống, ai đi ai ở… Tuy nhiên, tôi thấy kỳ họp bất thường này có điều rất lạ, họ chỉ thông báo họp lúc 16 giờ 30, nhưng không nói ra là họp trong mấy ngày. Nếu chỉ vì kỷ luật một vài nhân vật cấp cao ví dụ như Bộ trưởng hay Chủ tịch Hà Nội… mà triệu tập phiên họp như vậy thì tôi nghĩ rằng không thỏa đáng. Theo tôi, nếu vẫn tiếp tục họp trong một vài ngày tới thì chắc chắn sẽ có xáo trộn lớn ở Bộ chính trị, tức cơ quan đầu não của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, nếu kỳ họp này kéo dài và có sự thay đổi nhân sự thì ông vẫn giữ quan điểm như trước Hội nghị Trung ương 5, là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra đi. Tuy nhiên thay vì trước đây dự đoán Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay thế ông Trọng… thì lần này nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết có khả năng ông Vương Đình Huệ sẽ là người giữ chức Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Vì nếu thật sự có chuyện phân biệt vùng miền trong giới chóp bu cộng sản thì ông Già cho rằng phe miền Bắc vẫn mạnh hơn trong vai trò lôi kéo ‘đất lề quê thói’…
Nguồn : RFA, 06/06/2022
**********************
RFA, 06/06/2022
Đương kim Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khai trừ ra khỏi đảng bởi hội nghị bất thường của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam được Bộ Chính trị triệu tập vào chiều ngày 6/6.
Tin từ truyền thông Nhà nước cho biết như vừa nêu và vào ngày mai 7/6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xem xét tư cách đại biểu quốc hội của ông Nguyễn Thanh Long và tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân của ông Chu Ngọc Anh.
Tin nói với mức kỷ luật cao nhất trong đảng như thế, hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh sẽ bị Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bãi nhiệm vai trò đại biểu tại hai cơ quan này.
Biện pháp triệu tập hội nghị trung ương bất thường được thực hiện một khi Bộ Chính trị thấy cần thiết hay khi có trên một nửa số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đưa ra đề nghị.
Trước kỳ họp Quốc hội thứ ba, khóa XV đang diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị lần thứ năm từ ngày 4-10/5.
Vào ngày 4/6 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành cuộc họp và có đề nghị Ban chấp hành Trung ương kỷ luật hai ông Chu Ngọc Anh- đương kim chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ, và ông Nguyễn Thanh Long- đương kim Bộ trưởng Y tế.
Lý do vì hai ông này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước ; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương ; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước ; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 ; gây bức xúc trong xã hội ; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Nguồn : RFA, 06/06/2022
Câu trả lời tưởng như đơn giản : Đảng lãnh đạo toàn diện, công tác cán bộ là nội bộ. Tuy nhiên, sự bí hiểm như "trò chơi quyền lực"với những luật chơi phức tạp như các quy định về "tiêu chuẩn" hay "bầu cử, ứng cử"… đang thu hút sự chú ý của dư luận trong quá trình Đảng chuẩn bị nhân sự cán bộ lãnh đạo cao cấp cho Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 13. Kết quả nhân sự không những không được công khai mà lại còn thuộc danh mục "tuyệt mật".
AFP
Bài viết lý giải vấn đề dưới góc nhìn thể chế việc sàng lọc, sắp xếp nhân sự đảng trong bối cảnh chuyển giao quyền lực đang gặp khó khăn.
Để có thể chủ động "kiểm soát tình hình", trước đại hội Đảng chính thức thường có phiên trù bị được tổ chức, trong đó quyết định ai sẽ giữ vị trí nào, trong cấp uỷ ở địa phương và cơ sở, và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành ở trung ương. Trong những nhiệm kỳ gần đây những hội nghị về cán bộ lãnh đạo chuẩn bị cho đại hội đảng ngày càng kéo dài và căng thẳng cho đến "phút chót", đặc biệt trong chuyển giao thế hệ lãnh đạo và các chức danh "tứ trụ" : tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.
Sau những bất ổn thể chế chính trị trong hai nhiệm kỳ gần đây, công tác cán bộ đảng nói chung và việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng 13 nói riêng được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Phú Trọng, người có thâm niên ở nhiều vị trí cao cấp của Đảng, nắm giữ hai nhiệm kỳ ở cương vị Tổng bí thư khoá 11 và 12, và từng trải qua giai đoạn "bất ổn" đã phát biểu : "Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ".
Như đã biết, Ban chấp hành Trung ương khoá 12 trong năm 2020 đã tiến hành ba kỳ hội nghị về công tác cán bộ. Hội nghị 12 được tổ chức vào tháng 5/2020 "để thảo luận, cho ý kiến về : Phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XIII của Đảng". Hội nghị trung ương 13 – đầu tháng 10/2020 "đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII". Hội nghị trung ương 14 – tháng 12/2020 đã "bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII".
Tuy nhiên, Hội nghị 14 đã kết thúc trước kế hoạch và không phải là "cuối cùng" như dự kiến, mà theo thông báo, sẽ có Hội nghị 15 trước thềm Đại hội 13 cận kề, dự định tổ chức vào 25/1 đến 2/2 năm 2021, để "cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ" những "trường hợp đặc biệt" tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII sẽ được trước khi trình Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Ngoài ra, ngày 30/12/2020, hàng loạt báo mạng chính thống của nhà nước đưa tin về Quyết định : "Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội là "tuyệt mật" khiến dư luận đồn đoán về mức độ căng thẳng chuyển giao quyền lực.
Trong bối cảnh bất ổn thể chế, những yêu cầu về công khai kết quả nhân sự trở thành món hàng "xa xỉ". Những lý lẽ mọi việc cần công khai để "dân biết, dân kiểm tra, giám sát" như Đảng đã cam kết, và sự tham gia chính trị của quyền người dân được quy định trong Hiến pháp… trở nên lạc lõng, được cho là "không phù hợp", thậm chí bị chỉ trích có "biểu hiện dân tuý".
Như "trò chơi quyền lực" việc lựa chọn, bố trí nhân sự cấp cao của đảng ngày càng trở nên phức tạp, trong đó người chơi, nhất là người đứng đầu có vai trò quan trọng, có phẩm chất "đặc biệt", sử dụng mọi cách kể cả thay đổi luật chơi để đạt mục đích. Hơn thế, nếu đích đến là "vương quyền" thì sự chuyển giao sẽ nghiêm trọng hơn.
Các phương án nhân sự cấp cao được Bộ Chính trị cân nhắc và dự kiến trước khi trình Ban chấp hành trung ương quyết định, Quy định 224/TW năm 2014 về bầu cử và ứng cử, loại bỏ tranh cử khiến cho việc bầu cử ở Đại hội đảng toàn quốc trở nên hình thức. Việc bầu các chức danh nhà nước như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, các bộ trưởng… tại Quốc hội được tiến hành theo cơ chế "đảng cử, dân bầu" cũng chỉ là "hợp pháp hoá" các quy trình nhân sự của Đảng. Bởi vậy, Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa đặc biệt khi "đáp áp" của trò chơi "vương quyền" sẽ được quyết định.
Các đại biểu là sĩ quan quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016. Reuters
Có thể nhận biết các tiêu chuẩn và loại cán bộ lãnh đạo nào sẽ là "luật chơi" chủ yếu của "trò chơi quyền lực" trong điều kiện tập trung quyền lực bằng cách tăng cường chỉnh đốn đảng, chống suy thoái và tham nhũng trong nội bộ. Trước hết, sự trung thành với đảng, phục tùng tuyệt đối chỉ thị cấp trên phải được đặt lên hàng đầu, mà biểu hiện cụ thể là phải trực tiếp tham gia vào quá trình này. Bởi vậy, nhân sự đảng chuyên trách, đặc biệt trong các cơ quan nội chính, kiểm tra kỷ luật, tổ chức đảng, tuyên giáo, dân vận, và tất nhiên, cả công an và quân đội là những thành phần "đương nhiên" và sẽ chiếm ưu thế trong danh sách Bộ Chính trị.
Ngược lại, sự suy thoái của các nhà kỹ trị, lãnh đạo kinh tế vẫn tiếp tục là "nỗi ám ảnh" đối với "vương quyền". Họ sẽ không có nhiều không gian để tạo ra "nhóm lợi ích" hay "phe phái". Trong nhiệm kỳ khoá 12 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm và hàng năm đều tham dự các Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Mới đây, tại Hội nghị năm 2020 ông đã có bài phát biểu nhắn nhủ "… các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực…" và trong nhiệm kỳ 12 "đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý là, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang…". Mới gần đây, hai uỷ viên Bộ Chính trị, những nhà kỹ trị kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước và nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Sau cùng, "trường hợp đặc biệt" sẽ là đích đến của "trò chơi vương quyền", là bước lùi so với "tiêu chuẩn chung" nhưng sẽ là "bất ngờ" đối với nhiều dự đoán khi sự cân bằng của đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị phá vỡ.
Tóm lại, công tác nhân sự của đảng gắn liền với bản chất chế độ trong đó quyền lực là mục đích tự thân. Chế độ đảng toàn trị ra đời bởi cách mạng bạo lực, quyền lực là mục đích tự thân để tổ chức đời sống xã hội được theo một kế hoạch duy nhất dựa vào chủ nghĩa tập thể, và khát vọng đã biến nó trở thành tuyệt đối. Cải cách và mở cửa để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường đã loại bỏ công cụ này, nhưng vẫn duy trì hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực. Đây chính là căn nguyên của bất ổn thể chế, có thể sẽ lặp lại mang tính chu kỳ.
Mặc dù các nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ 19, như Lord Acton và Jacob Burckhardt đã từng chỉ ra quyền lực là cái ác tuyệt đối, nhưng quy tắc chính trị thực tế là các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để giữ quyền lực, lợi ích quốc gia chỉ là bình phong. Để đạt được mục tiêu, những người lãnh đạo phải tạo ra quyền lực, và sự thành công tuỳ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 06/01/2021
Hội nghị Trung ương 9 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc chỉ sau 2 ngày làm việc (25-26/12/2018), ngắn nhất trong lịch sử đảng, nhưng lại nói nhiều để giấu dân những việc làm trong bóng tối (1).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh : Nhật Bắc.
Có 4 việc chính đã xẩy ra tại kỳ họp được "khua chuông gõ mõ" nhiều nhất trong năm 2018, đó là :
Lấy phiếu tín nhiệm
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong tổng số 24 người, kể cả 3 người đứng đầu gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Có 3 người được miễn lấy phiếu kỳ này gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, vì đã nghỉ bệnh lâu dài và hai ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5/2018 nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định.
Nhưng sau khi lấy phiếu xong ngày 25/12/2018, Ban Chấp hành Trung ương lại họp kín vào ngày hôm sau (26/12) để nghe báo cáo kết quả.
Giống như lần lấy phiếu thứ nhất tại kỳ họp Trung ương 10 khóa đảng XI hồi tháng 1/2015, kết luận của Trung ương theo 3 mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" đã bị niêm phong không cho dân biết.
Chỉ thấy ông Trọng nói trong Diễn văn bế mạc hôm 26/12/2018 rằng :
"Qua kết quả được công bố trong Ban Chấp hành Trung ương đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm… Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương".
Nghe ông Trọng nói thế thì cũng biết vậy thôi vì việc lấy phiếu lại do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu thì ai dám đòi kiểm tra thật hư ra sao.
Thành phần Đảng XIII
Thứ hai là Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu 205 nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên cho nhiệm kỳ đảng khóa XIII (2021 – 2026). Đây là con số ít hơn số gần 250 người đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng loan báo hôm khai mạc, 25/12/2018.
Thông báo cuối cùng của Hội nghị 9 đưa ra ngày 26/12/2018 đã không giải thích tại sao có sự sai biệt này. Nhưng họ là thành phần nào trong xã hội ?
Ông Trọng nói chắc như bắp rang : "Các đồng chí được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển".
Nhưng đến khi chọn giới thiệu thì Trung ương, theo lời ông Trọng : "Đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026".
Vì vậy, nhân dân và kể cả các đảng viên cũng không biết tên tuổi những người này. Theo tiến trình chọn lựa thì Bộ Chính trị sẽ quyết định chốt danh sách cuối cùng, dựa theo đề nghị của Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Theo lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì lớp người mới thuộc 3 độ tuổi : dưới 55, dưới 50 và dưới 45.
Ông Chính nói chi tiết hơn :
"Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Những cán bộ này phải là nhân sự được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, là ủy viên cấp ủy hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác.
"Nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND... Đây phải là nhân sự đã được quy hoạch vào chức vụ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.
Cuối cùng, theo ông Chính :
"Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý (Phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương".
(VnExpress, 07/12/2018)
Tự khoe hơn tiền nhiệm
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 9, ông Nguyễn Phú Trọng đã không giấu giếm khoe rằng việc gọi là "xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" chỉ được bắt đầu từ khóa đảng XI (2011-2016) khi ông làm Tổng Bí thư. Ông nói :
"Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII này khẳng định phải tiếp tục làm và làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn".
Nhưng ông cũng thanh minh rằng :
"Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng".
Sở dĩ ông Trọng phải rào trước đón sau như vậy vì ngoài số người mới còn có các ủy viên Trung ương khóa XII được tái cử nên chưa biết số người của Ban Chấp hành Trung ương XIII tương lai là bao nhiêu. Khóa đảng XII có 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.
Kỳ này, nhằm tạo uy tín cho sự lựa chọn của mình, ông Trọng đã nhắc lại tiêu chuẩn đã nói nhiều lần :
"Tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực".
Theo lộ trình của ông Trọng thì khóa đảng XIII sẽ diễn tiến từng bước : "Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt".
Lý do ông Trọng cẩn thận vì Điều lệ đảng không cho phép ông làm Tổng Bí thư quá 2 nhiệm kỳ. Đến hết nhiệm kỳ XII, đầu năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ 77 tuổi là quá già yếu để có thể tiếp tục đứng đầu đảng hay đứng đầu nước. Do đó, ông sợ nếu làm hỏng công tác nhân sự cho khóa đảng tương lai thì ông sẽ bị lên án nói nhiều mà làm không được, và bị bôi đen trong lịch sử đảng.
Việc Thứ ba được loan báo là Trung ương đã "Nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018", nhưng nội dung cũng không được công bố cho dân biết.
Chỉ thấy ông Trọng tự khoe : "Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia".
Nhưng "chủ quyền quốc gia" có bao gồm Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa ngày đêm không ?
Lý do thắc mắc vì đã từ lâu, trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong hai Diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 9 lần nay, không thấy ông Trọng nói đến vấn đề Biển Đông. Chẳng nhẽ Biển Đông đã hòa bình, hay lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã tự quên Hoàng Sa và Trường Sa là của Tổ tiên người Việt để lại ?
Việc Thứ tư xẩy ra tại Hội nghị 9 là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cách chức ông Tất Thành Cang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Cang bị tố cáo lạm quyền và gây hậu qủa nghiệm trọng trong nhiều dự án và chương trình kinh tế, kể cả vụ Thủ Thiêm.
Như vậy, ngoài vụ Tất Thành Cang, mọi vấn đề quan trọng khác tại Hội nghị Trung ương 9 đều diễn ra trong bóng tối, mặc dù mọi người đã phải nghe ông Trọng nói đến mỏi tai.
Phạm Trần
(27/12/2018)
*****************
(1) Bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (Zing, 27/12/2018)
Chiều 26/12, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 2 ngày làm việc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị. Zing.vn trân trọng giới thiệu toàn văn :
Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các Tờ trình và Báo cáo. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa ý kiến của Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.
Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.
Về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 : Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu kỹ, thảo luận và nhất trí cao với Tờ trình, Báo cáo và các tài liệu có liên quan mà Bộ Chính trị đã trình Trung ương ; hoan nghênh Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị tích cực, nghiêm túc, chu đáo, đúng quy định của Đảng, có kế thừa những kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, đồng thời có bổ sung những quan điểm, nguyên tắc, cách làm mới, phù hợp với một lộ trình chặt chẽ, khoa học.
Trung ương một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định, cán bộ và công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thận trọng, thường xuyên, có hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Trung ương đồng tình cao việc Bộ Chính trị trình Trung ương tại Hội nghị này chỉ cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận về Tờ trình, Báo cáo và các tài liệu có liên quan về nhân sự quy hoạch, Trung ương đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, sau Hội nghị này, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Trung ương cần khẩn trương chỉ đạo Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch theo thẩm quyền và theo đúng các quy định của Đảng. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch ; đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư : Ban Chấp hành Trung ương đồng thuận rất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm và cho rằng, Bộ Chính trị đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc hệ trọng này. Từ đầu tháng 11/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch về việc lấy phiếu tín nhiệm để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị các báo cáo công tác từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay để trình Trung ương với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn và chân thành.
Trung ương khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá, ghi nhận của Ban Chấp hành Trung ương đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; đồng thời giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác ; là kênh thông tin rất quan trọng để giúp Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua kết quả được công bố trong Ban Chấp hành Trung ương đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm trong việc đánh giá và sự tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương. Mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hãy coi đây là dịp tốt để nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Ban Chấp hành Trung ương, của toàn Đảng và toàn dân.
Ban Chấp hành Trung ương tán thành Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 : Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm ; cho rằng việc kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, đúng nguyên tắc. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Năm 2018, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn để kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về đối nội và đối ngoại.
Đồng thời, Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo ; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Trung ương về những việc còn chưa làm được. Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của Trung ương để có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong những năm sắp tới, đặc biệt là 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 như trong Báo cáo đã nêu.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII ; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Thật đau lòng ! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.
Đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với đồng chí Tất Thành Cang, mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn.
Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng ; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta cũng đề phòng và kiên quyết bác bỏ những âm mưu, luận điệu sai trái của các phần tử xấu, thù địch xuyên tạc những việc làm chính đáng của chúng ta để kích động, hòng chia rẽ nội bộ ta.
Thưa các đồng chí,
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện và đồng bộ kể từ sau thành công Đại hội XII của Đảng. Trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, toàn hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, kiên trì, kiên quyết triển khai các nhiệm vụ chiến lược : Phát triển kinh tế - xã hội ; bảo đảm quốc phòng, an ninh ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan hệ đối ngoại được mở rộng ; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị và đồng bào, chiến sĩ cả nước chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2018, tiếp tục thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và toàn bộ nhiệm vụ mà Đại hội XII đã đề ra.
Nhân dịp năm mới 2019 và chuẩn bị đón tết cổ truyền Kỷ Hợi sắp tới, tôi xin gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng tốt đẹp nhất ; chúc các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị sức khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, trước nhân dân và đất nước.
Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.