Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 07 janvier 2020 00:11

Làm chính trị là làm những gì ?

Câu hỏi này tưởng chừng là dễ nhưng không phải người nào cũng biết. Lý do là người ta không muốn biết, không muốn học hỏi vì tưởng mình đã biết. Rất nhiều người cho rằng "làm chính trị" là phải "hành động", hành động gì thì không thấy ai trình bày cụ thể nhưng có lẽ là tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình. Từng có ý kiến gửi đến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp), đại ý là các ông nói nhiều quá rồi, hãy hành động đi. Khi chúng tôi hỏi hành động gì thì không nhận được câu trả lời.

Người Việt Nam chúng ta có nhiều lĩnh vực thua kém thế giới, trong đó chính trị là rõ nét nhất. Người Việt Nam hiểu sai hoàn toàn về chính trị do bị ảnh hưởng nặng nề từ di sản lịch sử gắn liền với văn hóa Khổng giáo. Từ xưa đến nay, sự thay đổi các triều đại phong kiến và ngay cả sự cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam đều đến từ bạo lực và lật đổ. Chính vì vậy nhiều người Việt Nam cho rằng phải hành động bằng bạo lực thì mới lật đổ được đảng cộng sản. Nếu may mắn thì thành công còn nếu thất bại là do ý trời hay "không thành công thì thành nhân" như Nguyễn Thái Học từng nói.

lam1

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên của Việt Nam đề nghị một phương pháp đấu tranh mới đó là "đấu tranh bất bạo động".

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên của Việt Nam đề nghị một phương pháp đấu tranh mới đó là "đấu tranh bất bạo động". Nhưng vì nó quá mới, quá xa lạ với người Việt Nam nên phương pháp đó vẫn chưa nhận được sự ủng hộ mà lẽ ra nó phải có. Tuy vậy bằng sự kiên nhẫn suốt gần 40 năm qua mà những ý kiến và đề nghị của Tập Hợp ngày càng được lắng nghe và chấp nhận. Cuộc tranh đấu cho dân chủ mà Tập Hợp đề nghị là một cuộc tranh đấu khác hoàn toàn với các cuộc lật đổ bằng bạo lực, như từng xảy ra trong suốt dòng lịch sử Việt Nam. Sẽ không có bạo lực, không có tranh dành, cưỡng đoạt, không có đổ máu và không có ai phải chết. Đây sẽ là một cuộc đổi đời hòa bình và đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vũ khí duy nhất của cuộc cách mạng dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị chính là tư tưởng và lời nói. Lời nói sẽ là hành động duy nhất trong cuộc đấu tranh này. Có người cho rằng "nói thì dễ, làm mới khó", điều này sai. Nếu nói tầm bậy tầm bạ, vô thưởng vô phạt (chém gió cho vui) thì dễ nhưng dùng lời nói để thuyết phục người khác đồng ý với mình, nhất là trong việc chọn ra một giải pháp chung cho cả dân tộc thì không hề dễ dàng. Chính vì thuyết phục là quá khó, quá phức tạp, quá mất thì giờ nên các chế độ phong kiến và độc tài đều chọn giải pháp đơn giản nhất là…đàn áp. Cứ ai trái ý là bỏ tù.

Lời nói là sản phẩm của trí tuệ, chỉ cần nghe một người nào đó nói chuyện vài lần là có thể biết được trí tuệ người đó như thế nào, và trí tuệ mới là quan trọng chứ không phải cơ bắp. Việc đề cao "hành động" mà xem nhẹ "lời nói" cũng chứng tỏ sự hời hợt và nông nổi của không ít người Việt Nam. Một ví dụ, trong một công ty hay nhà máy sản xuất đơn thuần thì người được trả lương cao nhất là những người "chỉ nói chứ không làm gì" đó là giám đốc công ty. Những người "hành động" nhiều nhất, nặng nhọc nhất, là người công nhân thì lại nhận được đồng lương thấp nhất. Lương của CEO 500 tập đoàn lớn nhất thế giới là 2 triệu đôla một năm, gấp 200-300 lần người công nhân trong cùng một xí nghiệp. Không chỉ thế mà nguy cơ bị mất việc và bị sa thải cũng là người công nhân lao động trực tiếp chứ không phải người quản lý. Nhiều công ty đã dùng rô-bốt để thay thế cho lao động chân tay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) đang đẩy hàng chục triệu người lao động chân tay trên khắp thế giới vào hoàn cảnh bị mất việc và bị sa thải. Hậu quả là những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống này đã thổi bùng lên phong trào dân túy trên khắp thế giới mà chúng ta được chứng kiến trong mấy năm vừa qua.

Như vậy nhiệm vụ chủ yếu của những người hoạt động chính trị thực sự trong lúc này là "thuyết phục và động viên" quần chúng về một "giải pháp mới cho Việt Nam". Các tổ chức chính trị là công cụ và phương tiện để thuyết phục và động viên quần chúng. Các cá nhân không thể làm được việc đó vì đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Làm thế nào để thuyết phục và động viên quần chúng? Rõ ràng là phải dựa trên nền tảng một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đứng đắn và khả thi. Những người làm chính trị nghiêm túc cần biết và hiểu rằng, chỉ có thể tạo ra đồng thuận dựa trên một tư tưởng chính trị. "Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý" (1).

Phẩm chất hay năng lực của một chính trị gia là gì? Thứ nhất là phải có kiến thức thật sự về chính trị và thứ hai là có thể làm việc chung với những người khác trong một tổ chức và thứ ba là khả năng thuyết phục quần chúng. Làm chính trị cũng phải học hỏi như bao nghề nghiệp khác. Thay vì tự ý mày mò, tự học thì nên kiếm thầy để học. Ông bà có câu "không thầy đố mày làm nên" là vì thế. Không ít bạn trẻ dấn thân tranh đấu cho dân chủ với một hành trang kiến thức về chính trị rất nghèo nàn nhưng lại thừa sự tự tin. Đáng ra, thay vì tìm đến một nhà tư tưởng chính trị nào đó để học hỏi thì họ lại tự "hành động" theo cách nghĩ của mình, cách mà họ cho là đúng và thực tế thường là…sai và dẫn đến thất bại. Nhiều "ngôi sao" dân chủ chưa kịp tỏa sáng đã vụt tắt. Một ví dụ trong kinh doanh liên quan đến người viết, một thanh niên trẻ học xong đại học và bước vào con đường kinh doanh có hỏi tôi là nên làm thế nào để sớm thành công thì tôi có khuyên là nên làm thuê cho một ông chủ nào đó vài ba năm để lấy kinh nghiệm trước khi ra làm riêng. Bạn trẻ không nghe vì cho rằng mình có thể tự khởi nghiệp và sẽ thành công. Sau 5 năm bạn ấy gặp lại tôi và cho biết là chẳng làm được gì trong thời gian đó ngoài chuyện tích lũy được một số kinh nghiệm và đáng ra bạn ấy nên nghe lời tôi là đi làm thuê trước khi làm chủ.

Môi trường duy nhất để đào tạo ra các chính trị gia là các tổ chức chính trị có tư tưởng và dự án chính trị rõ ràng. Chúng ta có bao nhiêu tổ chức chính trị như vậy hiện nay? Đáng buồn là quá ít. Đã thế, có người, hoặc là thấy nó quá phức tạp hoặc là quá "giản dị" nên xa lánh và tiếp tục mơ về một tổ chức khác hay hơn, dễ chịu hơn và ít nhức nhối hơn. Thực tế các tổ chức vừa hùng mạnh, vừa dễ dãi, vừa không phải mất công học tập như vậy không thể có được. Bao nhiêu tổ chức của người Việt Nam đã ra đời vội vàng và rồi tan rã cũng rất nhanh chóng trong thời gian qua vẫn không hề thức tỉnh được người Việt Nam. Chúng ta quá hời hợt và vô lễ với chính trị.

lam2

Phẩm chất quan trọng thứ hai của những người làm chính trị là biết làm việc chung vì chính trị là "việc chung" chứ không phải việc riêng của mỗi người.

Phẩm chất quan trọng thứ hai của những người làm chính trị là biết làm việc chung vì chính trị là "việc chung" chứ không phải việc riêng của mỗi người (2).

Phẩm chất thứ ba của người làm chính trị là biết cách thuyết phục quần chúng bằng kiến thức, sự lương thiện, tôn trọng sự thật và lẽ phải…thông qua các cuộc thảo luận nghiêm túc.

Điều khó khăn là người Việt Nam, đa số không biết cách thảo luận. Ai cũng cố dành phần thắng về phía mình thay vì đi tìm chân lý và lẽ phải. Một điều khiến cho các cuộc thảo luận nhanh chóng rơi vào bế tắc là thái độ hung bạo trong ngôn ngữ của người Việt Nam. Chỉ cần một ý kiến trái chiều là lập tức thóa mạ người đối thoại thay vì dùng lý lẽ và ngôn ngữ ôn hòa để tiếp tục thảo luận. Bạo lực từ hành động đến lời nói là sự đổ vỡ lớn nhất trong tâm hồn người Việt Nam hiện nay và đã đến lúc cần thay đổi, dù rất khó khăn nhưng phải cố gắng, nếu vẫn tiếp tục như vậy thì chúng ta sẽ không có tương lai.

Như vậy muốn trở thành một người làm chính trị chuyên nghiệp thì đầu tiên là phải tìm đến một tổ chức chính trị dân chủ nghiêm túc để học hỏi về kiến thức chính trị. Những người đấu tranh cho dân chủ dù nổi tiếng đến đâu nhưng chưa từng tham gia vào tổ chức nào thì cũng chẳng có gì để học hỏi nơi họ. Một người chưa từng xuống nước thì làm sao dậy bơi giỏi được. Chỉ có tham gia vào một tổ chức thì mới học hỏi và trau dồi được những đức tính như kiên nhẫn, lương thiện, bao dung, tôn trọng người khác và nhất là khả năng làm việc chung với nhau trong một tổ chức. Khả năng làm việc chung với nhau trong một tổ chức là khả năng cao nhất và cần thiết nhất để đạt được thành công trong mọi lĩnh vực, nhất là trong chính trị. Dân tộc nào có khả năng kết hợp và làm việc chung cao nhất thì dân tộc đó sẽ phát triển và văn minh nhất. Năng lực sau cùng của một người "làm chính trị" là khả năng thuyết phục người khác bằng các cuộc thảo luận nghiêm túc và đứng đắn. Để có các cuộc thảo luận nghiêm chỉnh thì phải dựa trên một vài đặc tính căn bản như ôn hòa, tôn trọng người đối thoại, tôn trọng lẽ phải và sự thật, cầu tiến và biết lắng nghe. Mục đích của các cuộc thảo luận là tìm ra chân lý và học hỏi lẫn nhau chứ không phải tranh dành hơn thua với nhau.

Thảo luận đứng đắn sẽ giúp phong trào dân chủ Việt Nam và các tổ chức chính trị giải quyết được một vấn đề rất quan trọng nữa là tìm ra người lãnh đạo. Không ít người Việt Nam đang chờ đợi một vị "minh chủ" để phò tá nhưng vị lãnh tụ đó là ai, từ đâu tới và phải có những đức tính gì?...thì không ai biết. Sự thực thì một người lãnh đạo chính trị không thể từ trên trời rơi xuống mà họ sẽ xuất hiện và trưởng thành trong các tổ chức chính trị. Thông qua các cuộc thảo luận thành thực và tương kính mà các tổ chức chính trị sẽ nhìn nhận được khả năng của mỗi thành viên và những gì mà mỗi thành viên có thể làm được. Vấn đề lãnh đạo của mỗi tổ chức sẽ được giải quyết một cách dễ dàng và chính xác.

Việt Hoàng

(7/1/2020)

 -------------------

(1). https://www.thongluan.blog/2019/06/thu-thang-than-tra-loi-mot-cau-hoi-lon.html

2). https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/15527-chinh-tr-la-vi-c-chung

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

"Politics is too important to be left to the politicians"

(Chính trị quá quan trọng để không thể phó mặc cho chính trị gia)

John F. Kennedy, Jr.

Tại sao nhiều người Việt Nam không dám quan tâm đến chính trị ?

Vì họ cho rằng 'làm chính trị' là môt công việc quá ư nguy hiểm. Vì không hiểu chính trị là gì, hiểu sai lệch nên rất nhiều người Việt cho rằng chính trị là thủ đoạn, mưu mô, tranh đoạt, chẳng có gì hay ho. Họ sai.

Obama

Đứng lên 'làm chính trị' để trút bỏ ách cai trị và giành lại quyền quản trị đất nước, để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài về hướng dân chủ. Ảnh minh họa Tổng thống Obama

'Làm chính trị' là nghề của một số người (ví dụ như 'làm báo') mà công việc chính của họ là cạnh tranh quyền lực để chấp chính. "Chính trị" là công việc chung của đất nước, "tranh giành" quyền lực là để thực thi một dự án chính trị chứ không phải để tham nhũng, "vinh thân phì gia". Đất nước không phải là chiến lợi phẩm để chia chác. Làm chính trị là để phục vụ xã hội, để cống hiến chứ không phải chia chác bổng lộc.

Những người trăn trở và ưu tư với đất nước có thể thành lập tổ chức, tham gia tổ chức, đưa ra các dự án chính trị tốt hơn so với kế hoạch chính trị hiện hành của chính phủ để cạnh tranh và vận động người dân ủng hộ nhằm tạo sức ép buộc chính phủ phải thay đổi từ chính sách cho đến nhượng hoặc từ bỏ quyền chấp chính hoặc bầu cử tự do.

'Quan tâm đến chính trị’ là trách nhiệm của mỗi công dân có ý thức xã hội. Chính trị gắn liền với đời sống từ chén cơm, manh áo đến triết lý giáo dục, các giá trị đạo đức, văn hóa và phương cách quản trị xã hội. Mọi chính sách của chính phủ đều liên quan đến đời sống người dân, chúng quá quan trọng nên người dân không thể "để cho đảng và nhà nước lo".

Đảng cộng sản Việt Nam cố tình dùng chính sách ngu dân, làm cho dân xa lánh chính trị và xem đó là một lãnh vực nguy hiểm. Kèm theo đó là một chính sách mị dân : "để cho đảng và nhà nước lo" quá lâu nên đa số người dân hiện nay thờ ơ, vô cảm với chính trị, nghĩa là thờ ơ, vô cảm với đời sống của chính mình, họ không biết rằng quan tâm đến chính trị là một trách nhiệm công dân. Khi có quan tâm đến chính trị thì người dân mới có thể "thể hiện thái độ chính trị".

Như trên đã viết, chính trị là đời sống, mỗi chính sách của chính phủ đều rất quan trọng với người dân nên khi chính sách đó sai lầm, chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm cầm quyền và sân sau, thì người dân phải thể hiện thái độ chính trị bằng cách phản đối thông qua lá phiếu, biểu tình, phát ngôn đòi thay đổi chính sách, đòi quan chức từ chức, bãi bỏ quốc hội, chính phủ, thay đổi chính quyền..

Nếu người dân không quan tâm đến chính trị thì sẽ không biết các chính sách của chính phủ đúng hay sai và không biết mình có quyền và trách nhiệm thể hiện thái độ chính trị.

Khi người dân biết quan tâm đến chính trị và thể hiện thái độ chính trị thì chính quyền khó có thể làm sai vì luôn bị giám sát. Với một nhà nước độc tài toàn trị như Việt Nam thì chính quyền rất sợ hãi khi người dân quan tâm đến chính trị.

Lý do là vì một khi người ta thực sự quan tâm đến chính trị thì bộ mặt thật của chế độ sẽ hiện ra : bất tài, gian trá, tham lam vô độ, hèn nhát với giặc và tàn ác với dân.

Một khi người dân thấy được bộ mặt thật của chế độ độc tài cộng sản thì một số có thể sẽ đứng lên 'làm chính trị' để trút bỏ ách cai trị và giành lại quyền quản trị đất nước, để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài về hướng dân chủ.

Quan tâm đến chính trị, như vậy, không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa.

Việt Văn

(7/5/2018)

Additional Info

  • Author Việt Văn
Published in Quan điểm