Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi Tổng bí thư Tập Cận Bình của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa thanh trừng, vừa tuyên bố ‘tái phân bổ’ tài sản của các giới nhà giàu Trung Quốc, các đại gia Việt Nam có giật mình không ? Chúng ta hãy quan sát "tư thế" của người đại diện Đảng cộng sản Trung Quốc và từ đó thử tiên liệu vận mệnh giới giàu, lẫn siêu giàu tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

jackma1

6 người giàu có nhất Việt Nam đang nắm trong tay 16,7 tỷ USD : Phạm Nhật Vượng (7,3 tỷ USD), Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD), Trần Đình Long (2,2 tỷ USD), Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD), Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD) - Ảnh minh họa

Từ cuối những năm 1970, Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình đã quyết tâm cải cách và khai quan. Đảng cộng sản Trung Quốc bắt đầu trả đất cho nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, trả tự do thương mại và nâng cao mức sở hữu tư nhân, nới lỏng ý thức hệ hướng về phát triển kinh tế - giao thương và trả ước mơ đổi đời cho người Hoa về làm giàu. Giai đoạn này, thế giới đã chứng kiến khoảng 300 triệu người Hoa từ nông thôn ra thành phố để làm việc trong các nhà máy và thoát được kiếp nghèo đói. Trung Quốc mở lòng với cả bạn lẫn thù, với các vùng và với cả thế giới. Mỹ là nước hỗ trợ Trung Quốc nhiều nhất, từ kinh nghiệm phát triển kinh tế, tổ chức hệ thống ngân hàng, văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp. Nhân tài được thực sự trọng dụng.

Đồng tiền không có mắt và ý thức hệ. Chỉ những người cầm quyền các thể chế độc tài mới cần kiểm soát ý thức hệ. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn dứt khoát nắm giữ súng và tư tưởng Khổng giáo. Họ cho phép người dân làm giàu và cứ để làm sao có tiền trước đã, rồi sau đó họ sẽ tăng ngân sách quốc phòng để củng cố giấc mộng Trung Hoa. Nửa sau những năm 90 thế kỉ trước, đa phương là một khái niệm được Đảng cộng sản Trung Quốc phổ biến (nhưng có quá trình chuẩn bị trước để bảo vệ ý thức hệ của riêng họ). Trung Quốc nói thật và làm ăn thật. Họ học hỏi và kiên quyết với định hướng tăng trưởng. Họ cũng nỗ lực vì doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ vốn và chính sách, du nhập công nghệ và đầu tư cho sản xuất. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì kế hoạch hóa tập trung như thời Mao Trạch Đông thì không thể có những Mã Vân, Mã Hóa Đằng với Chung Thiểm Thiểm (những người giàu nhất Trung Quốc). Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ "quên" mỗi khái niệm con người và môi trường ! Nhưng đó là chủ đề khác.

jackma2

Mã Vân (Jack Ma), tỉ phú Trung Quốc đang là đối tượng bị Đảng cộng sản Trung Quốc trừng phạt.

Trong khoảng ba thập kỉ sau đó, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tính theo GDP). Từ một nước không có tỷ phú, Trung Quốc đã sản sinh ra những người giàu tầm cỡ thế giới. Kể từ năm 2013 với sự nổi lên bất ngờ của Tống Khánh Hậu (kinh doanh nước giải khát), Trung Quốc cũng ‘cho phép’ phá vỡ mức trần về tổng tài sản (trước đó không ai được có giá trị tài sản lớn hơn 10 tỉ USD). Các tỷ phú ngày càng trẻ hơn và cạnh tranh nhiều ngành nghề hơn. Của cải sinh ra đã đóng góp vào sản xuất và phát triển cho Trung Quốc. Thỏa ước giản đơn cho đến trước khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012 là nhằm đảm bảo cho sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế, đó cũng là nguồn gốc cho tính chính danh của Đảng.

Nhìn về Việt Nam

So sánh Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam về khuôn mẫu là cả một sự hài hước, trừ ý thức hệ cộng sản cùng phô diễn ra bên ngoài và khẩu hiệu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng cộng sản Việt Nam là một bản sao vụng về và đầy lỗi từ mô hình Trung Quốc. Họ vẫn sống phận tầm gửi và kéo theo cả dân tộc sống phận tầm gửi. Có thể mô tả Việt Nam một cách hài hước trong thời kỳ Trung Quốc đổi mới : nay ta gửi phận mình cho Liên Xô, mốt ta trở về Trung Quốc. Nay ta hát chiều Moskva, mốt ta đi dâng đất cầu hòa Trung Quốc (và vẫn hát chiều Moskva). Khi Đảng cộng sản Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Hàn hay Nhật, nhận đầu tư và làm ăn với Hàn, Nhật, lãnh đạo Việt Nam còn chưa biết tiêu tiền. Khi Hyundai lắp ô tô ở Trung Quốc và Toyota chạy tung tăng ở Bắc Kinh, Thượng Hải thì Đảng cộng sản Việt Nam mới bắt đầu có khái niệm về đầu tư và kinh tế thị thường. Đó là nửa sau những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Rồi một lứa doanh nhân Đông Âu trở về và mang theo vốn. Không quá nhiều nhưng đầy hứa hẹn với tiềm năng kinh doanh ở Việt Nam và đủ để đối ứng vay mượn thêm. Thêm vài người trong nước nữa. Họ biết cách xây các khu công nghiệp và nghỉ dưỡng, biết bất động sản là mỏ vàng và khai khoáng là miền đất hứa (dù hiệu quả thực cũng không như mơ), biết nhu cầu thị trường của hơn 70 triệu dân năm 1990 và tỉ lệ tăng dân những năm tiếp theo.

Sự cộng sinh tất yếu giữa họ và Đảng cộng sản Việt Nam phải đến. Sự cộng sinh nảy ra vô vàn cơ hội trục lợi cho cả quan chức lẫn doanh nghiệp. Vì dốt, vì tham và vì cả nhu cầu tiền bạc để duy trì quyền lực nên các quan chức cộng sản đã sớm thúc đẩy tiến trình hình thành các liên minh quyền – tiền giữa họ và lớp tài phiệt mới. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam chẳng làm được như Đảng cộng sản Trung Quốc, họ cần tăng trưởng nhưng không biết làm gì. Chính sách không, trình độ không, ái quốc không, chủ nghĩa dân tộc (dù cực đoan) cũng không nốt. Doanh nghiệp trục lợi nhờ sự mù mờ đó nhưng cũng gây ra thiệt hại không ít.

Nhưng tỷ phú chắc chắn phải được sinh ra như những biểu tượng của sự thịnh vượng và họ giàu lên từ chính sự cộng sinh, cùng nhau trục lợi. Cả một nền kinh tế thiên về đất và bất động sản và nếu không phải đất thì cũng là những nhóm ngành nghề mà không ai ngoài các liên minh này có thể chen vào. Cuộc chơi được thiết lập riêng và các tỷ phú Việt Nam cũng trẻ trung năng động trong sân chơi riêng này. Sự cộng sinh này còn sinh ra những đại gia ‘ngầm’, sở hữu tài sản không công khai và cũng không xuất hiện trong hoạt động sản xuất. Tiêu biểu vẫn là giữ đất, tiền và cơ hội kiếm tiền. Đã có không ít các công ty ăn theo hưởng lợi từ xu hướng làm giàu chóng vánh trong giai đoạn trên. Tạm gọi là các đại gia ‘hạng B’.

Vĩ thanh

Đại dịch Covid-19 ập xuống. Tập Cận Bình nhìn về các tỷ phú như một nguồn thu ngân sách. Mã Vân dường như đã bị hạ. Tại Chiết Giang, "bạn" của Mã Vân và Tập Cận Bình, bí thư Chu Giang Dũng cũng mất chức và đang bị điều tra. Từ lúc lên ngôi, Tập vẫn tự cải thiện, tự thanh lọc và tự điều chỉnh Đảng cộng sản Trung Quốc. Tập có cái thế khá mạnh để bắt các tỉ phú ‘đóng góp’ cho Trung Quốc đó là cái thế của mấy thập kỉ Đảng cộng sản Trung Quốc cùng làm việc và tạo ra môi trường kinh doanh tương đối tự do cho họ. Uy quyền độc tài được phát huy tối đa khi Đảng cộng sản Trung Quốc cần tiền và khi cảm thấy những người nhiều tiền đụng đến vùng cấm chính trị.

jackma3

Bí thư Thành ủy Hàng Châu, Chu Giang Dũng, một quan chức giàu có, bạn của Mã Vân lẫn Tập Cận Bình đang bị điều tra với cáo buộc "vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng".

Đại dịch Covid-19 đang tàn phá Việt Nam trong đó có cả Đảng cộng sản Việt Nam lẫn giới nhà giàu. Giờ thì Việt Nam còn đang ngụp lặn trong việc thiếu vaccine trầm trọng và đang chờ hiệu quả của thuốc Molnupiravir từ Ấn Độ để có những quyết sách chống dịch. Đảng cộng sản Việt Nam phải tiếp tục vơ vét, bòn rút sức dân và doanh nghiệp. Đốt lò là việc họ làm song song để chiếm đoạt lại tài sản. Nhưng đụng đến các tỉ phú ‘vượng ích’ của họ thì chưa phải lúc. Đảng cộng sản Việt Nam không nắm được xương sống của quá trình phát triển kinh tế. Họ cũng không đóng góp công sức bằng chính sách. Súng không thay được tiền và công nghệ. Súng và quyền có thể đoạt ngân hàng nhưng không thể đoạt cách vận hành. Dù các đại gia Việt Nam chủ yếu là giữ đất, nhưng cũng từ đất, họ nắm rất nhiều lực lượng lao động qua việc tái đầu tư vào một vài lĩnh vực sản xuất khác (một vài thôi, Việt Nam không có sản xuất cơ bản và thị trường nội địa). Chiếc áo giáp đã được mặc. An toàn tuyệt đối thì không, nhưng an toàn hơn những ai đang bị vắt kiệt lẫn bị thanh trừng thì có. Đảng cộng sản Việt Nam không có cái thế để bắt các đại gia Việt Nam góp sức kiểu Tập Cận Bình trong lúc khó khăn và dịch bệnh.

Tuy nhiên các đại gia ‘hạng B’ thì nên cẩn trọng. Họ không siêu giàu nhưng cũng đã nhúng chàm trong một thể chế khó mà không nhúng chàm, họ cũng không chi phối được cấu trúc lao động của Việt Nam. Họ sẽ bị thanh trừng để Đảng cộng sản Việt Nam chiếm đoạt tài sản. Khổ cho dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng cũng khốn khổ cho họ vì lúc này, rửa tiền không còn kịp nữa. Hãy lưu tâm rằng, nếu không chi phối được người lao động, thì đồng tiền ngầm có khả năng trở thành quả bom nổ chậm.

Nền ‘kinh tế đen’ vẫn tồn tại trong các quốc gia dân chủ nhưng tỉ trọng không nhiều do cơ chế kiểm soát chéo của nhiều đảng phái chính trị. Hơn nữa nếu ‘kinh tế đen’ trỗi dậy thì quốc gia sẽ bế tắc trong phát triển, gây ra bất bình đẳng và khủng hoảng tài chính. Chỉ một thể chế dân chủ lành mạnh mới bảo vệ được các doanh nhân, cả tài sản lẫn tính mạng. Đó là lựa chọn duy nhất mà từng người kinh doanh phải nhớ. Ngày hôm nay đang làm ăn ở đỉnh cao cùng độc tài, ngày mai sẽ là vực sâu.

Quốc Bảo

(31/08/2021)

Additional Info

  • Author Quốc Bảo
Published in Quan điểm