Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

50 năm sau cái Tết kinh hoàng Mậu Thân 1968, một cái Tết mà khi người người, nhà nhà ở Nam vĩ tuyến 17 đang chuẩn bị đón Tết, đang cúng Giao Thừa, đang ăn cơm họp mặt cuối năm - đầu năm, đang khui rượu Tết, đang chúc tụng… Đang trải lòng mình với đất trời và tình người, thì súng nổ, máu chảy, nhà sập, xơ xác, tan nát, đau khổ, chết chùm… Mọi cái chết kinh hoàng nhất diễn ra ở các thành phố Nam vĩ tuyến 17, trong đó, nặng nề và thảm khốc nhất là Sài Gòn và Huế. Sau 50 năm "im tiếng súng", hai miền thống nhất, mọi sự oán thù tưởng như đã phôi phai. Nhưng không ! Người dân Việt Nam vẫn chưa bình yên !

mauthan1

Sài Gòn tan hoang trong cuộc tổng công Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh minh họa

Vì sao tôi nói người dân Việt Nam vẫn chưa được sống bình yên ? Vì suốt 50 năm qua, người Cộng sản có thể thay đổi nhiều thứ, nhưng có một thứ (trong nhiều thứ mang đặc trưng Cộng sản) vẫn chưa thay đổi, đó là bất chấp và máu lạnh. Vì sao ?

Vì nhắc lại Tết Mậu Thân 1968, người ta không khỏi rùng mình khi nhớ rằng trước Tết đã có hiệp định ngừng chiến giữa hai bên để bà con ăn Tết. Và theo qui ước chiến tranh thì người ta (thế giới tiến bộ) không bao giờ nổ súng trong những giờ phút thiêng liêng, ví dụ như ngày Tết cổ truyền chẳng hạn ! Ở đây, người Cộng sản đã nhắm vào ngày giờ phút thiêng liêng, ngay cái giây phút mà người người đang hướng thượng, hướng về nguồn cội, tổ tông và quên đi mọi tị hiềm, quên đi mọi thù hận, mọi sự đều được gác sang một bên để dành cho bữa cơm đoàn viên cuối năm - đầu năm. Và điều này đã trở thành triết lý của dân tộc "trời đánh cũng tránh bữa ăn".

Nhưng người Cộng sản đã bất chấp điều này, họ nhắm ngày vào bữa cơm thiêng liêng nhất để nổ súng, khai hỏa cuộc chiến. Chắc chắn rằng sau lần khai hỏa của họ, sẽ có những cái chết bên mâm cơm, những cái chết miệng còn búng cơm, những cái chết dang dở bên bữa cơm đoàn viên… Và còn nhiều cái chết khác rùng rợn, đau đớn hơn ngay trong giờ phút thiêng liêng của dân tộc !

mauthan2

Vườn rau Lộc Hưng Tân Bình tan nát sau vụ cưỡng chế đất tháng 1/2019

Sau 50 năm, tính bất chấp của người Cộng sản vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí có chiều hướng man rợ hơn trước, bất chấp và máu lạnh hơn trước. Bởi lẽ, 50 năm trước, dù sao thế giới tiến bộ vẫn còn xa lạ với dân tộc này, 50 năm trước, phương tiện truyền thông của "đế quốc Mỹ" vẫn có khuynh hướng đứng về phía người Cộng sản bởi dân tộc Mỹ không muốn lún sâu vào cuộc chiến Việt Nam, bởi có quá nhiều con em Mỹ Quốc bỏ mạng một cách vô lý trên dải đất hình chữ S này và bởi người Mỹ không còn muốn nhìn thấy súng đạn của Mỹ tiếp tục trút xuống bất cứ nơi nào. Chính vì vậy mà truyền thông Mỹ vẫn có chút gì đó "bao che" cho tội ác của người Cộng sản.

Còn bây giờ, khi truyền thông tiến bộ đang xoáy mũi dùi vào nhà độc tài Cộng sản, khi công luận thế giới đã quá ngán ngẫm trước những hành xử của kẻ độc tài và đặc biệt, khi mà thế giới tiến bộ đang xếp người Cộng sản vào hạng bét của thang nhân quyền, tiến bộ, dân chủ… Thì họ vẫn bất chấp. Ngay dịp Tết cận kề, ngay lúc hàng trăm ngôi nhà, thậm chí hàng ngàn thân phận con dân Việt đang chuẩn bị đón Tết bằng cách ki cóp từng đồng để dọn rửa mảng tường, để mua sắm thêm bình sơn mà sơn quét bàn thờ gia tiên, sơn quét căn nhà đón Tết… Nhìn chung, mọi thứ năng lượng dành dụm, ki cóp của cả một năm vất vả đều dành cho dịp Tết (thế người ta mới nói rằng Tết là dịp để căn tính người Việt thể hiện rõ nét nhất) thì đùng một cái, chính quyền tới đập nhà, hất mọi thứ ra đường !

Ở đây tôi không muốn bàn tới chuyện đúng - sai của người dân trong việc họ xây nhà trên vườn rau (có thể các nhà dân xây trên đất vườn là không đúng luật nhà đất hiện hành : Đất xây trên diện tích vườn, ruộng, chưa đăng ký hoặc chuyển loại hình sang đất xây dựng thì bị xem là trái phép cho dù đất đó có bao nhiêu đời) mà vấn đề là tính nhân bản, nhân văn của một chế độ, một chính quyền.

mathan3

Lộc Hưng tan hoang không khác gì vụ Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh minh họa (Người Việt)

Bởi suy cho cùng, chính quyền cũng từ nhân dân mà ra và thiên chức cuối cùng của chính quyền là bảo vệ và phục vụ nhân dân (đúng với lý thuyết của nhà cầm quyền Cộng sản bấy lâu nay !). Nhưng thử hỏi, quan tâm, chăm sóc hay giám sát nhân dân kiểu gì mà nhà người ta xây cả trăm căn mới biết ? Và khi nhân dân tạm an cư lạc nghiệp thì ngay trong cái dịp thiêng liêng nhất, đó là cuối năm, Tết cổ truyền, chính quyền lại mang cả hệ thống công an, cảnh sát, xe ủi, cơ giới, giang hồ và các thành phần khác tới đập phá nhà dân, xua dân ra đường trong giá lạnh, không có nơi ăn Tết, không có chỗ ngủ, thậm chí trong đó trẻ con có thể không có giường để ngủ, chúng sẽ đón một cái Tết bơ vơ, lạc lỏng, ngạc nhiên và hoảng loạn đến tột độ trước câu chuyện của người lớn.

Sự ngạc nhiên chẳng kém ông bà của chúng cách đây 50 năm, lúc đó họ là những đứa trẻ, cũng đã ngạc nhiên và hoảng loạn trước tiếng súng, trước cái chết, trước nhà cửa sập đổ. Nhưng dẫu sao thì những đứa trẻ thời chiến tranh cũng đỡ tổn thương hơn bởi tình hình chung lúc đó là chiến tranh, mọi đứa trẻ đều mơ hồ nhận thấy sự nguy hiểm chung của thế giới chung quanh. Ở đây, khi mọi đứa trẻ đều được ăn Tết, được ở nhà cửa mới trang hoàng, được xúng xính áo quần Tết, ăn món ngon… Thì có những đứa trẻ bước ra từ Lộc Hưng hoang địa, nỗi đau của cha mẹ chúng và sự hoảng loạn của chúng càng trở nên khủng khiếp hơn trước một cái Tết chỉ có lẻ loi và không nhà !

Sau 50 năm, có một Mậu Thân khác vừa càn quét qua vườn rau Lộc Hưng, và có những mùa xuân khác cũng na ná mùa xuân Mậu Thân 1968 khi tiếng súng đã im nhưng lòng người vẫn nhuốm màu khói lửa và tình người vẫn như một trận chiến. Một trận chiến mà ở đó, nhân dân đã thay thế kẻ thù !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 10/01/20149 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Muốn biết đảng và nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam khiếp nhược trước đồng tiền và áp lực quân sự của Trung Quốc như thế nào thì chỉ cần so sánh thái độ và việc làm của họ trong hai biến cố : Tổ chức ăn mừng 50 năm tấn công Mậu Thân 1968 ở miền Nam Việt Nam, nhưng lại không dám hé răng lên án Trung Quốc đã thảm sát 64 lính Công binh Hải quân ở Gạc Ma, Trường Sa năm 1988.

Về Mậu Thân 1968, từ tháng 12 năm 2017, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã bỏ ra không biết bao công sức và tiền bạc để tổ chức ăn mừng cuộc tấn công Mậu Thân đã đem lại thắng lợi chính trị buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn hội nghị để kết thúc chiến tranh, đem chiến thắng cuối cùng cho Đảng cộng sản Việt Nam.

gacma3

Gặp mặt kỷ niệm 50 năm tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh Báo Pháp luật Việt Nam

Lãnh đạo cộng sản Việt Nam tưởng rằng làm như vậy, qua việc tập trung các cuộc Hội thảo và Tọa đàm tại Sài Gòn, Thủ đô cũ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và nơi có Tòa đại sứ Mỹ từng bị đặc công cộng sản tấn công trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, sẽ khơi lại niềm hãnh diện của chiến lược và chiến thuật quân sự của Đảng và Bộ chính trị thời Lê Duẩn-Lê Đức Thọ.

Hồi ấy Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã được đưa đi nghỉ dưỡng sức bên Tầu và Bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp đi Hung Gia Lợi chữa bệnh khi xẩy ra vụ Mậu Thân. Bây giờ thực tế đã chứng minh mọi chuẩn bị của trận Tết Mậu Thân đều do sự dàn dựng của bộ đôi Duẩn-Thọ để họ được rãnh tay và độc quyền quyết định mọi việc.

Nhưng lãnh đạo Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam lại quên rằng, từ những bôi bác hào quang vụng về này, Đảng cộng sản Việt Nam đã để lộ ra sự giả dối tuyên truyền không hề xẩy ra gọi là "cuộc nổi dậy" của nhân dân miền Nam khi quân cộng sản mở cuộc tiến công quân sự vào các thành thị miền Nam như hai ông Duẩn-Thọ từng lạc quan.

Hai ông này còn lấy thắng lợi chính trị với Mỹ để che đậy thất bại nặng nề của họ về quân sự trong vụ Mậu Thân, mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tư lệnh chiến trường Huế-Trị Thiên đã nhìn nhận. Bằng chứng là có đơn vị cấp Tiểu đoàn trên 300 quân, chỉ còn mươi người sống sót khi rút lui khỏi Huế.

Đặc biệt hơn, các cuộc liên hoan ăn mừng chiến thắng Mậu Thân giả tạo năm 2018 còn khơi lại vết thương chiến tranh do quân đội miền Bắc và tay sai du kích Mặt trận Giải phóng miền Nam gây ra cho nhân dân miền Nam. Quan trọng và man rợ nhất là chứng tích bi thảm, sắt máu và vô lương tâm của quân cộng sản đã tìm thấy tại các nấm mồ chôn tập thể ở Cố đô Huế và vùng phụ cận năm 1968.

Đã có từ 5.000 đến 6.000 người dân vộ tội bị quân cộng sản và tay sai hạ sát hay mất trích trong 25 ngày đêm họ chiếm đóng Huế.

Sau cùng, bộ máy tuyền truyền của Tuyên giáo đảng và Tổng cục Chính trị quân đội cũng lờ đi nguyên nhân thắng lợi quân sự cuối cùng của họ ở miền Nam chẳng qua vì, trong khi miền Bắc được khối Liên Xô và Trung Quốc đổ lương thực và vũ khí cho miền Bắc vi phạm Hiệp định Paris 1973 để tiếp tục cuộc chiến chống Việt Nam Cộng Hòa thì Hoa Kỳ rút chân ra khỏi miền Nam và cắt giảm viện trơ kinh tế và quân sự khiến quân đội miền Nam ở vào thế yếu.

Nhưng sau khi chiếm được miền Nam ngày 30/04/1975, thay vì thi hành chủ trương "hòa giải, hòa hợp dân tộc" để hàn gắn vết thương chiến tranh và đoàn kết dân tộc xây dựng đất nước như đã tuyên truyền thì hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lại thi hành chính sách trả thù báo oán và xóa bỏ kinh tế tự do của nhân dân miền Nam khiến cả nước đói và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, buộc đảng phải "đổi mới" từ Đại hội đảng VI thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1986.

Cũng từ sau 1975, các trại tù lao động khổ sai, mang danh "cải tạo" đã được dựng lên từ Nam ra Bắc để đầy đọa hàng trăm ngàn quân-cán-chính và nhân sĩ, trí thức miền Nam. Song song với chủ trương tiêu diệt kinh tế tư sản để hạ miền Nam xuống ngang hàng với kinh tế vô sản, tập trung và bao cấp của miền Bắc, chính quyền cộng sản mới đã xóa bỏ cả nếp sống văn hóa và nhân bản của người miền Nam khiến hàng trăm ngàn người đã phải liều chết tìm đường vượt biên và vượt biển tìm tự do. Hàng chục ngàn người được ước tính đã bỏ mình trên biển cả trong các trường hợp khắc nghiệt khác nhau, kể cả bị hải tặc giết, hãm hiếp và cướp của.

Vì vậy, mỗi khi nhắc lại hai biến cố Mậu Thân 1968 và 30 tháng 4 năm 1975 bằng những cuộc liên hoan, ăn mừng và rêu rao chiến thắng là Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đã khuấy sâu vào vết thương chưa lành của người miền Nam và để nuôi dưỡng hận thù dân tộc.

Nhưng người cộng sản, tuy miệng nói oang oang đoàn kết, thống nhất trong một nhà nước "của dân, do dân và vì dân", nhưng lại chia rẽ và kỳ thị Bắc-Nam-Trung hơn bất kỳ thời đại nào. Những khẩu hiệu "Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền", hay "Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam" (Nghị quyết 36, ngày 26/3/2004) chỉ viết ra để truyên truyền trang sức cho nhà nước và làm đẹp mặt đảng chứ không mang lại phúc lợi cho dân.

Cái bóng Trung Quốc

Vậy mà vào mỗi dịp kỷ niệm mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc 20/01/1974, khi người dân tổ chức truy điệu 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh khi chống lại quân Tầu xâm lược thì bị ngăn chặn, phá rối hay bị bắt về đồn công an.

gacma2

Tranh vẽ tưởng niệm 64 chiến binh đã hy sinh tại Trường Sa

Các cuộc biểu tình chống Tầu đàn áp và giết hại ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa từ Sài Gòn ra Hà Nội trong các năm 2011-2013 cũng đã bị đàn áp dã man.

Ngay đến các cuộc tụ tập của dân, vào mỗi dịp 17/2 hàng năm, để tri ân và tưởng nhớ trên 40 ngàn chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình tại các tỉnh và chiến trường biên giới phía bắc trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược từ 1979 đến 1990 cũng bị ngăn chặn và đàn áp ngay giữa Thủ đô Hà Nội, tại đền Lý Thái Tổ.

Từ năm 2017, tuy báo chí đã được cho phép viết về cuộc chiến biên giới 1979-1990 cũng như đề cập sơ sài đến cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974, nhưng chưa bao giờ Chính phủ cho phép hay đứng ra tổ chức kỷ niệm và tưởng nhớ những người con yêu của Tổ quốc đã hy sinh bảo vệ biên cương và lãnh thổ chống quân xâm lược Trung Quốc.

Năm nay, ngày 14/03/2018 cũng không là ngoại lệ. Nhiều báo chính thống, kể cả báo điện tử Trung ương đảng, báo Chính phủ, Quân đội nhân dân và Nhân dân đều có đăng tin và hình tưởng niệm 64 chiến binh Trường Sa. Nhưng hầu hết các buổi tưởng niệm do Ủy ban nhân dân tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Bình đều do các đồng đội của những người đã hy sinh đứng ra tổ chức.

Không có bất cứ một cuộc Hội thảo hay Tọa đàm nào về biến cố Gạc Ma hay họp hành biểu dương nào do Nhà nước và Quân đội tổ chức như họ đã từng bầy vẽ ra trong vụ kỷ niệm 50 năm tấn công Mậu Thân.

Nên biết ngày này của 30 năm trước (14/03/1988), giặc Tầu đã dùng đại pháo, súng trường, dao găm và lưỡi lê hạ sát 64 chiến sĩ hải quân và công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam trên bãi Gạc Ma và trên tầu HQ-604 trong quần đảo Trường Sa.

gacma0

Tranh vẽ ước muốn thu hồi những bãi và đá bị mất trong quần đảo Trường Sa

Cuộc giao tranh đã diễn ra rất đẫm máu và bộ đội hải quân Việt Nam nhận lệnh không được nổ súng để chống trả. Khi phải đánh giáp lá cà, bộ đội hải quân và công binh Việt Nam phải dùng cả cuốc, xẻng để chống lại, nhưng vì quân ít, vũ khí yếu nên đã hy sinh. Những bộ đội còn lại chỉ giữ được hai bãi đá Cô Lin và Len Đao. Bãi Gạc Ma, một vị trí chiến lược quan trọng phía nam Trường Sa đã rơi vào tay địch từ đó đến nay. Quân Trung Quốc có thể dùng Gạc Ma để chận đường tiếp tế của Việt Nam từ tỉnh Khánh Hòa ra Trường Sa.

Theo báo Việt Nam thì : "Khi chiếm được Gạc Ma sau cuộc thảm sát ngày 14/3/1988, năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Vành Khăn từ tay Phillipines. Từ sau ngày đó, Trung Quốc đã có tổng cộng bảy cấu trúc : Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn".


Tại 7 vị trí này, Trung Quốc đã biến thành những đảo nhân tạo với kiến trúc kiên cố, trại đóng quân, đài radar, đài khí tượng, súng phòng không, bến cảng và sân bay.

Ai ra lệnh không được nổ súng ?

Vụ Gạc Ma tuy xảy ra cách đây 30 năm nhưng vẫn còn gây nhiều thắc mắc trong giới sử học và bang giao Việt Nam-Trung Quốc. Bởi vì vào lúc đó bộ đội hải quân Việt Nam đã nhận lệnh "không được nổ súng" cho dù có bị quân Trung Quốc tấn công.

Ai là người đã ban ra huấn lệnh điền cuồng này ?

Một bài viết của ký giả Mặc Lâm, khi còn làm cho Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia-RFA), ngày 12/03/2015 đã giải mã phần nào cho thắc mắc này :

"Tuy biết trước sự hiếu chiến và quyết tâm chiếm đảo của Trung Quốc nhưng bộ đội công binh Việt Nam lại không được trang bị vũ khí và, quan trọng hơn nữa, họ được lệnh không được bắn trả lính Trung Quốc. Chỉ một vài bộ đội trên tàu mang vũ khí cá nhân và nhóm bộ đội tiến vào cắm cờ trên đảo Gạc Ma đã tay không đối diện với giặc.

Anh Nguyễn Văn Thống, một người sống sót trong khi tiến vào Gạc Ma, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do lệnh không được nổ súng này :

- Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng…".

Mặc Lâm viết tiếp :

"Lời kể của những bộ đội công binh không đủ sức thuyết phục dư luận cho đến khi chính một vị tướng chính thức lên tiếng về việc này. Đó là thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức vào năm ngoái (2014). Tướng Lê Mã Lương cho biết :

- Nó có một câu chuyện như thế này : Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng ! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng ?

Những người lính hy sinh đầu tiên ấy cộng thêm con số bộ đội bị quân Trung Quốc sát hại nâng lên 64 người là một vết thương lớn cho người lính bất cứ quân đội nào khi họ không được cầm súng chống lại quân thù, tướng Lê Mã Lương chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Mai, người đứng đầu Tổ chức Minh Triết đưa ý kiến : "Ngài Bộ trưởng Bộ quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh, người đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh Triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này".

Bài viết của Mặc Lâm, RFA còn cho biết :

"Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung Quốc đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh : "Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc".

Lê Đức Anh nói với ai ?

Cho đến ngày 14/03/2018, 30 năm sau trận chiến đẫm máu Gạc Ma, Đảng và Quân đội cộng sản Việt Nam chưa có bất cứ lời bình luận nào về tiết lộ của người lính Hải quân sống sót Nguyễn Văn Thống xác nhận lính Việt Nam được lệnh "không được nổ súng".

Cũng gây thắc mắc cho lịch sử còn có tiết lộ của tướng Lê Mã Lương và lời lên án, chỉ trích đích danh Đại tướng Lê Đức Anh của hai ông Nguyễn Khắc Mai và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

Nhưng tại sao Bộ chính trị và Quân ủy trung ương do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã không cho điều tra về lời tố giác Đại tướng Lê Đưc Anh, người về sau còn giữ chức Chủ tịch nước (1992-1997) ?

Chỉ biết rằng, ít lâu sau xẩy ra trận Gạc Ma thì ông Lê Đức Anh, trong tư cách Bộ trưởng quốc phòng đã ra tận Trường Sa thề bảo vệ biển đảo.

Báo Tuần Việt Nam, một phân bộ báo chí thuộc Bộ Thông tin và truyền Thông, vào ngày 14/03/2018 đã phổ biến lại toàn văn Diễn văn của ông Lê Đức Anh, trong đó có đoạn quan trọng như sau :

"Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân cùng Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Chuyến thăm đảo diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3 làm 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng khi tiếng súng vừa dứt trên quần đảo Trường Sa ít ngày…".

Ông nói : "…Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Như vậy thì có khó hiểu không ?

Càng khó hiểu khi thấy ông Lê Đức Anh nói rằng :

"Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc : Trong những năm 50 và những năm 60, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình. Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Rồi tướng Anh kể rằng :

"Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói : Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta".

Thì ra, phải chăng tướng Lê Đức Anh đã nhẹ dạ "đinh ninh", tức "cứ nghĩ trong bụng" rằng vì tình sâu nghĩa nặng giữa 2 nước Việt-Trung đã thắm thiết thì tình đống chí muôn đời sẽ không bao giờ có chuyện "môi hở răng lạnh", nào ngờ Trung Quốc đã lật mặt ở Gạc Ma để "dạy cho Việt Nam một bài học" như Đặng Tiểu Bình đã nói khi xua quân xâm lược 6 tỉnh phía bắc Việt Nam năm 1979 ?

Như vậy thì tại sao những người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam chưa biết tỉnh ngộ cho "sáng mắt sáng lòng" mà cứ cúi đầu thuần phục Trung Quốc mãi ?

Phạm Trần

(15/03/2018)

Published in Diễn đàn

Lập luận của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay cuộc chiến Mậu thân 1968 là cuộc "tổng tấn công và nổi dậy". Theo lập luận này chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh "giải phóng", đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào. Mỹ là lực lượng xâm lược "thực dân kiểu mới". "Ngụy" là lực lượng "tay sai" của Mỹ. Tổng tấn công là vì lực lượng quân đội tổng hợp đến từ miền Bắc (quân chính qui) và quân "nằm vùng", gọi là quân "giải phóng" (thuộc Mặt Trận Quốc gia Giải Phóng Miền Nam Việt Nam). "Nổi dậy" là vì có yếu tố "nhân dân nổi dậy cướp chính quyền", điển hình ở Huế.

mauthan2

Thành tích của cuộc "tổng tấn công và nổi dậy" Tết Mậu Thân Huế của phe cộng sản chỉ là tang tóc và giết chóc, là tội ác chống loài người

Nhưng nếu ta xét dưới một lăng kính khác, như dưới cái nhìn của phía người Mỹ, hay của phía Việt Nam Cộng Hòa, trận Mậu Thân còn có tên gọi khác, không đơn thuần là "tổng tấn công và nổi dậy".

Dưới cái nhìn của người Mỹ, chiến tranh Việt Nam là chiến tranh "quốc tế", theo đó "quốc gia South Vietnam" là một "quốc gia độc lập có chủ quyền". Quốc gia này bị quân miền Bắc "xâm lược". Đạo quân miền Bắc được sự yểm trợ vũ khí đạn dược, cũng như ý thức hệ chính trị, của khối cộng sản, gồm Liên Xô, Trung Cộng và khối xã hội chủ nghĩa gồm các nước Đông Âu. Còn quân "giải phóng", thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, là một "cánh tay nối dài" của cộng sản miền Bắc. Bởi vì lực lượng này do miền Bắc vũ trang đồng thời nhân sự lãnh đạo tất cả đều là đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam. Tức là, quân "chính qui" miền Bắc hay quân "giải phóng" trong Nam, thực tế chỉ là một, do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Sự có mặt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tương tự như sự có mặt của quân đội này ở Nam Hàn (từ năm 1952), ở Tây Đức (từ sau Thế chiến thứ II cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước), hay ở một số nước Á Châu hay Châu Âu. Mục đích sự hiện diện quân đội Mỹ ở các nơi đây không nhằm "chiếm hữu lãnh thổ" mà nhằm bảo vệ "thế giới tự do", chống lại thế lực cộng sản bành trướng, như làn sóng đe dọa nhuộm đỏ thế giới.

So sánh với thực tế hiện nay, khối cộng sản đã sụp đổ. Ai thắng ai thua đã rõ. Khẩu hiệu "chống Mỹ xâm lược" của cộng sản miền Bắc là không có căn cứ. Mỹ không hề "xâm lược" miền Nam.

Cũng như việc gọi chính quyền miền Nam là "Ngụy". Hà Nội đã từng gọi chính quyền Nam Hàn, chính quyền Tây Đức… là "ngụy", là "tay sai thực dân Mỹ", như đã từng gọi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đến nay ta thấy lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa không hề phụ thuộc Mỹ, ở các quyết định "kinh bang tế thế".

Mục tiêu "giải phóng dân tộc" của cộng sản miền Bắc vì vậy cũng không đúng. Người Mỹ không hề có tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Tây Đức, ở Nam Hàn, hay ở miền Nam Việt Nam. Dân tộc miền Nam cũng không hề bị "kềm kẹp" bởi bất kỳ thế lực nào. Nếu so sánh mức độ "tự do và dân chủ", chế độ miền Nam thời đó hơn xa các nước Châu Á bây giờ như Thái lan, Mã Lai, Phi v.v… Các bộ luật của miền Nam không hề hạn chế người dân ở các quyền tự do cơ bản (như luật của Việt Nam bây giờ). Người dân miền Nam không cần ai "giải phóng" hết cả.

Chiến tranh Việt Nam, miền Bắc từ cây súng viên đạn cho tới cục lương khô, đều đến từ Trung Quốc, Liên Xô hay từ khối xã hội chủ nghĩa "anh em".

Tài liệu từ phía Trung Quốc được bạch hóa, quân Trung Quốc thường xuyên có mặt ở Việt Nam, có lúc đến 200.000 quân, trong những thời điểm gay cấn nhứt. Trận Điện Biên Phủ, tài liệu Trung Quốc bạch hóa, rõ ràng chiến thắng là chiến thắng của quân Tàu. Từ cấp chỉ huy chiến lược, cho tới mọi thứ vũ khí, đều do Tàu cung cấp. Hiệp định Genève 1954, ký kết do hai sĩ quan cộng sản Việt Nam và Pháp, là ý nguyện của Tàu và Pháp, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ (kiểu Đại Hàn).

Lê Duẩn từng tuyên bố câu để đời "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc".

mauthan1

Hậu quả của "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc" là nhân dân miền Nam lãnh chịu tang tóc và nước mắt

Dĩ nhiên, nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc thì phải đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc mà thôi.

Lập trường Việt Nam Cộng Hòa là "một quốc gia độc lập có chủ quyền" đã được nhìn nhận, không chỉ ở các nước đồng minh tham gia chiến tranh Việt Nam (Úc, Canada, Tân Tây Lan, Phi, Thái lan, Nam Hàn…). Các nước này trong thời điểm Mậu Thân đều có mặt ở Việt Nam. Việt Nam Cộng Hòa là một "quốc gia" còn được đông đảo học giả Việt Nam hiện nay công nhận.

Phần lớn các học giả "nghiên cứu Biển Đông" của Việt Nam hiện nay đều khẳng định "Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền".

Nếu thật sự như vậy, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến "xâm lăng", quốc gia này đem quân chiếm một quốc gia khác, như Đức đánh chiếm nước Pháp năm 1940.

Vì vậy làm gì có chuyện "tổng tấn công và nổi dậy" !

Quân cộng sản miền Bắc, cùng với tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, là quân "xâm lược". Những "trí thức Phật tử" nằm vùng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… là quân "cộng hòa gian", ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

Nếu chiếu theo luật Hình sự của Việt Nam hiện nay, đám đồ tể "phật tử mài dao" Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… đều bị kết vào tội "phản bội tổ quốc", lý ra phải tử hình.

Nhưng luật của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa không có các điều 79, 88, 258 v.v… Vì vậy bọn "cộng hòa gian" mới lớn mạnh, trở thành một "lực lượng". Họ muốn làm gì thì làm, muốn bán nước thì bán.

Nhưng lực lượng "cộng hòa gian", ngoại trừ ở Huế, không đủ "mạnh" để "nổi dậy". Dân chúng không ai theo cộng sản hết cả. Bọn này nhanh chóng bị dân chúng cô lập, tố cáo. Hầu hết lớp cộng sản "nằm vùng" sau 1968 đều ra "hồi chánh".

Tức là yếu tố "nổi dậy" cũng không đúng. Ở Huế là phản loạn nổi dậy, giết chóc dân lành. Không hề có dân chúng nào "nổi dậy" hết cả. Cuộc thảm sát ở Huế thuộc về "tội ác diệt chủng".

*****

Nếu đứng trên một lập trường khác, nhìn chiến tranh Việt Nam qua một lăng kính khác. Hai bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai thực thể chính trị cùng thuộc về một "quốc gia duy nhứt" gọi là Việt Nam. Hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia chưa hoàn tất - Etat partiel", mỗi bên đều có nguyện vọng "thống nhứt đất nước".

Cái nhìn này thuộc "thiểu số", do chính tôi đề xướng, nhằm mục đích khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc về Việt Nam hôm nay.

Dưới quan điểm này thì chiến tranh Việt Nam là một cuộc "nội chiến" nồi da xáo thịt. Hai bên là "nạn nhân" của các thế lực quốc tế. Cuộc chiến Việt Nam là thí điểm "nóng" của "chiến tranh lạnh", của hai thế lực toàn cầu là cộng sản và tư bản.

Trận Mậu Thân, cũng như thảm sát Mậu Thân ở Huế, là "hệ quả tất yếu" của "chiến tranh cách mạng" ở hình thức "nóng".

Các phong trào cách mạng như "cải cách ruộng đất", "cách mạng văn hóa", "cải tạo công thương nghiệp" ở Việt Nam hay ở Trung Quốc, hay các vụ "kinh tế mới" ở Liên Xô… nạn nhân của cộng sản trên 100 triệu người (Việt Nam khoảng 4 triệu người). Đó là nạn nhân ở hình thức "lạnh".

Thảm sát ở Huế, cũng như 100 triệu người là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, là "tội ác của cộng sản" mà những thành phần "đồ tể" như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân là những kẻ phạm "tội ác diệt chủng", "tội ác chống nhân loại".

Từ hai cái nhìn, của Mỹ "Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập có chủ quyền", hay cái nhìn (của tôi) "Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là các quốc gia chưa hoàn tất. Cả hai đều thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhứt". Thì chiến thắng của đảng cộng sản Việt Nam là chiến thắng của một "lực lượng nội xâm". Một chế độ "thực dân mới" đã xuất hiện ở Việt Nam. Chúng ăn của dân không từ một thứ gì. Chúng buôn dân, bán nước. Các chủ trương "xuất khẩu lao động" là một hình thức buôn dân. Các chủ trương "cho mướn đất 70 năm, 100 năm" như Formosa, Bô xít… là bán nước trá hình. Chúng ký kết các hiệp định đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc (với Trung Quốc)...

Nếu cộng sản Việt Nam là một "lực lượng dân tộc" thì họ đã không đi ngược lại quyền lợi của dân tộc.

Thảm sát Huế đã qua 50 năm. Các "bí mật" về cuộc thảm sát lý ra phải được bạch hóa. Vấn đề khó khăn là Hoàng Phủ Ngọc Tường có trách nhiệm (ít nhứt) về 3 cái chết : hai người Mỹ và một người Pháp.

Vì vậy các bí mật này khó được bạch hóa. Các văn khố nước ngoài không nói chi tiết về các vụ này. Chỉ khi mà văn khố chiến tranh của Việt Nam được mở ra cho mọi người tham khảo. Ta mới có thể đọc được những "bản án" của các "tòa án nhân dân" tại Huế.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 19/02/2018

Published in Diễn đàn

Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân 1968 không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt. Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn.

50 năm sau cuộc tổng tấn công đẫm máu của quân đội công sản vào các thành phố và thị xã miền Nam Việt Nam một câu hỏi dần dần lấn át tất cả những câu hỏi khác :

Tại sao một thảm bại quân sự cho Đảng cộng sản Việt Nam đã có thể biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ ?

Câu hỏi này chứng tỏ rằng ngày nay người ta đã biết khá rõ nhiều sự thực về biến cố lịch sử này và càng biết nhiều hơn càng thấy nó khó hiểu.

chet1

Tại sao một thảm bại quân sự cho Đảng cộng sản Việt Nam đã có thể biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ ?

Một thảm bại quân sự

Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 nhiều khi được mô tả là gồm ba đợt : đợt 1 vào dịp Tết Mậu Thân, đợt 2 vào tháng 5 và đợt 3 vào tháng 8. Tuy vậy người dân miền Nam vẫn gọi chung biến cố này là "cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân" bởi vì nó đã chủ yếu diễn ra trong dịp Tết. Đợt 2 yếu hơn hẳn và đợt 3 không đáng kể.

Ngày nay ít ai còn ngờ vực rằng nó đã là một thất bại quân sự thê thảm cho phe cộng sản. Các số liệu mà chính quyền cộng sản đưa ra chẳng có gì đáng tin khi có hại cho họ.

Thí dụ như cuộc Cải Cách Ruộng Đất năm 1955 tại miền Bắc. Chính quyền cộng sản, khi nhìn nhận sai lầm, đã đưa ra những con số nạn nhân 10.000 hay 15.000 để rồi hơn một nửa thế kỷ sau cố giáo sư Đặng Phong sau một khảo cứu công phu đã tìm ra con số nạn nhân chính xác 172.008 người.

Trong trận Mậu Thân 1968, Đảng cộng sản, một năm sau, đưa ra con số "43.000 chiến sĩ hy sinh", một con số vớ vẩn vì quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã thu lượm được 75.000 xác chết cộng quân bị bỏ lại trên chiến trường, còn quân đội Mỹ cũng cho biết đã đếm được 58.000 xác.

Vào khoảng năm 1970 (hay 1971 ?) tôi có gặp ông Mai Văn Sổ, một cán bộ hậu cần của quân đội cộng sản trong trận chiến này. Ông là em song thai của ông Mai Văn Bộ, đại sứ của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp vào lúc đó. Hình như ông mang quân hàm thượng tá lúc ra đầu thú và được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa sang Paris trong mục đích giải độc tuyên truyền của phe cộng sản. Ông Mai Văn Sổ đã gây tiếng vang lớn trong làng báo Pháp giữa lúc hội nghị Paris đang diễn ra và người anh song thai của ông đang vừa là đại sứ vừa là thành viên phái đoàn Hà Nội. Trong trao đổi riêng tư với anh em chúng tôi, ông Sổ nói một cách vắn tắt : "quân đội cộng sản đã tan tành". Ông cho biết hầu hết các tiểu đoàn hay trung đoàn chỉ còn lại vài người. Ông cũng nói thêm rằng số người thiệt mạng trên chiến trường chỉ là thiểu số, đa số đã chết vì thương tích sau đó.

Cũng lớn không kém là số người ra đầu thú mà chính quyền miền Nam, gọi là "hồi chính" (trở về với chính nghĩa), nhiều đến nỗi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải lập một bộ mang tên Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi. Năm 1995 chính quyền cộng sản đã điều chỉnh lại con số thương vong của họ trong dịp Tết Mâu Thân : 111.306 người. Con số này coi có vẻ chính xác như là kết quả của một nghiên cứu nghiêm chỉnh nhưng nó cũng vẫn rất xa sự thực.

Các tài liệu của Đảng cộng sản cũng như của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ cho thấy là Hà Nội đã gửi vào miền Nam cho chiến dịch này hơn 200.000 quân chính quy và gần 300.000 tấn vũ khí và dạn dược, chủ yếu bằng đường biển, qua cảng Sihanoukville của Campuchia. Phối hợp với quân có sẵn tại miền Nam, lực lượng cộng sản vào thời điểm Tết Mậu Thân là trên 500.000 người. Một tài liệu của cơ quan tình báo CIA Mỹ ước lượng tổng số quân cộng sản lúc đó là khoảng 600.000 người. Cuối năm 1968 lực lượng này sau những thương vong và hồi chính chỉ còn lại khoảng 200.000 với hàng ngũ rã rượi và tinh thần suy sụp.

Sau này, từ năm 1979 đến cuối năm 1982, sau khi đi tù về và trước khi đi Pháp, tôi đã có dịp trao đổi với nhiều người cộng sản có vai trò chỉ huy trong chiến dịch này, tất cả đều nói là thiệt hại rất nặng, một số còn nói thẳng rằng lực lượng cộng sản "không còn gì".

Thiệt hại về phía Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh vào vào dịp Tết là gần 5.000 người (con số chính xác là 4.954) và gần 16.000 người bị thương. Phía quân đội Mỹ có 3.895 người thiệt mạng và khoảng 19.000 người bị thương. Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa hình như chỉ coi trận Tết Mậu Thân là vào dịp Tết nên không có những con số cho đợt 2 và đợt 3, chỉ có thống kê thiệt hại cho cả năm 1968 theo đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã có 28.800 người thiệt mạng, quân đội Mỹ và đồng minh 16.000 người.

So sánh những thiệt hại của đôi bên và nhìn vào tình trạng kiệt quệ của quân cộng sản sau năm 1968 thỉ phải nói trận Tết Mâu Thân đã là một thảm bại cho phe cộng sản. Mặc dù phía Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh hoàn toàn bị bất ngờ, nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch. 500.000 quân cộng sản phải đương đầu với gần 800.000 quân Việt Nam Cộng Hòa, 500.000 quân Mỹ và 50.000 quân Hàn Quốc. Hơn nữa các đội quân cộng sản đến từ miền Bắc lại không biết địa hình, nhiều khi đi lạc rồi bị tiêu diệt.

chet2

Quân cộng sản bị bắt giữ cùng những vũ khí mới : pháo cầm tay B40, trung liên cá nhân AK47 và đạn dược trong trận Tết Mậu Thân Sài Gòn tháng Giêng 1968

Bộ chỉ huy cộng sản hy vọng rất nhiều ở hai vũ khí mới : khẩu pháo cầm tay B40 và nhất là khẩu trung liên cá nhân AK47. Quả nhiên hai vũ khí này đã gây bất ngờ rất lớn nhưng sau phút bỡ ngỡ ban đầu chúng đã bất lực trước các trực thăng và xe bọc thép. Hy vọng nhân dân sẽ nổi dậy ủng hộ lực lượng cộng sản lại càng não nề. Nhân dân miền Nam đã không hưởng ứng mà còn thù ghét, nhất là khi họ được biết những vụ tàn sát dã man người dân vô tội, đặc biệt và vụ thảm sát tại Huế trong đó khoảng 6.000 người, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã bị giết, nhiều khi bằng cách chôn sống. Ngày nay khi nhìn lại biến cố Tết Mâu Thân không ai có thể chối cãi rằng đó đã là một thảm bại cho phe cộng sản cả về quân sự lẫn nhân tâm. Khách quan mà nói đây là một hành động tự sát.

Lý do của một liều lĩnh tự sát

Tại sao ban lãnh đạo cộng sản lại lấy quyết định tự sát này ?

Từ sau hội nghị Genève chia cắt đất nước, Đảng cộng sản vì nhiều lý do vẫn cho rằng họ đương nhiên phải thôn tính miền Nam. Họ hy vọng ở cuộc tổng tuyển cử được lập lờ dự trù năm 1956 trong bản tuyên bố chung cùng với hiệp định Genève. Nhưng khi chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra sáu điều kiện để đảm bảo cuộc tuyển cử sẽ được thực hiện một cách lương thiện và được đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ thì họ thất vọng. Thất vọng trở thành tuyệt vọng khi, năm 1957, chính Liên Xô đề nghị hoãn vô hạn định cuộc tổng tuyển cử này và cho cả hai nhà nước Nam và Bắc Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. Hy vọng ở cuộc tổng tuyển cử tiêu tan, chỉ còn lại giải pháp chiến tranh. Không phải cấp lãnh đạo cộng sản nào cũng nhiệt tình với giải pháp này nhưng không ai dám công khai chống lại bởi vì đồng thuận chính thức trong Đảng cộng sản lúc đó là phải thống nhất đất nước bằng mọi giá.

Hậu quả của chọn lựa chiến tranh là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nắm được thế áp đảo vì là hai người hiểu biết nhất về miền Nam và từng chỉ huy lực lượng cộng sản tại đây trong cuộc chiến 1945 – 1954. Cặp bài trùng này kết nạp được Nguyễn Chí Thanh và dần dần gạt ra ngoài lề Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan và một phần nào đó cả Hồ Chí Minh. Chiến tranh càng khốc liệt thì thế lực của họ càng mạnh và sau cuộc thanh trừng nhóm bị gọi là "bọn xét lại chống đảng" thì quyền lực của họ trở thành tuyệt đối. Lê Duẩn trở thành bí thư thứ nhất và cùng với Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức và xây dựng đảng, kiểm soát quyền lực trung ương trong khi Nguyễn Chí Thanh chỉ huy cuộc chiến trong Nam.

Tuy nhiên sau khi Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam, oanh tạc miền Bắc và gây thiệt hại nặng nề cho quân cộng sản trong nhiều trận đánh lớn thì hy vọng chiến thắng tiêu tan và quyền lực của bộ ba Duẩn, Thọ, Thanh bị đe dọa. Xuống thang trong chiến tranh đồng nghĩa với sự đào thải của họ. Bộ ba này vì vậy phải tìm một giải pháp để tự cứu. Giải pháp đó chính là cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Mục đích của chiến dịch này là đổ toàn lực để đánh một trận liều lĩnh, chấp nhận những thiệt hại lớn hầu gây một chấn động thật lớn buộc Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận thương thuyết rồi từ đó chuyển sang chiến lược "vừa đánh vừa đàm" dựa vào dư luận thế giới đang khá thuận lợi lúc đó để hy vọng một lối thoát ít nhất không quá bẽ bàng. Nói chung chiến dịch này trước hết nhắm cứu nguy quyền lực đang bị đe dọa của bộ ba Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh.

Tháng 6/1967 Nguyễn Chí Thanh ra Bắc họp để bàn kế hoạch nhưng đến nơi không bao lâu thì bất ngờ bị đột quỵ và chết. Cuộc họp vẫn tiếp tục, kế hoạch tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân vẫn được duy trì với Khe Sanh, một huyện lỵ thuộc Quảng Trị nằm sát biên giới Lào, được chọn làm điểm tấn công đầu tiên với mục đích đánh lạc sự chú ý, làm cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tưởng rằng Hà Nội chỉ tập trung đánh Khe Sanh và muốn biến Khe Sanh thành một trận Điện Biên Phủ mới. Về điểm này thì Hà Nội đã thành công, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa quả nhiên đã tin là Hà Nội đã tập trung toàn lực vào Khe Sanh và vì thế càng tin tưởng phần còn lại của miền Nam, nhất là các tỉnh phía Nam có thể yên tâm đón Tết Mậu Thân, vả lại hai bên lại đã có thỏa thuận hưu chiến trong dịp Tết.

Đối với Việt Nam Cộng Hòa bất ngờ đã hoàn toàn. Cũng bất ngờ không kém là số quân cộng sản được tung vào trận đánh, gần như toàn bộ lực lượng hơn 500.000 người với hai vũ khí lần đầu tiên xuất hiện B40 và AK47. Tuy vậy Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng phải biết trước rằng cuộc tổng tấn công này sẽ thất bại bởi vì muốn tấn công, dù là tấn công bất ngờ, phải có lực lượng mạnh hơn hẳn đối phương, trong khi lực lượng hai bên quá chênh lệch theo thế bất lợi cho họ. Điều cũng làm họ hoàn toàn thất vọng là nhân dân miền Nam đã không hề hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của họ. Sau một tháng, lực lượng cộng sản không chỉ bị đẩy lui mà còn bị đánh tan tành, với những tổn thất kinh khủng. Sau khi thu thập tàn quân họ đã cố gắng mở một đợt tấn công thứ hai vào tháng 5 nhưng chỉ chịu thêm những thiệt hại vì lần này yếu tố bất ngờ không còn nữa.

Tóm lại, vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ là một hành động tuyệt vọng của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong thế nguy ngập. Họ chấp nhận để quân cộng sản trả giá rất đắt với hy vọng là nhờ đó có thể giữ được quyền lực. Chính họ cũng không ngờ tình hình lại diễn biến một cách khác hẳn.

Giữa lúc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang tan nát

Cuộc tổng tấn công Tết Mâu Thân đã là một khúc quanh lịch sử đưa đến sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và thắng lợi của Đảng cộng sản Việt Nam. Câu hỏi vẫn còn nhức nhối cho nhiều người là :

"Tại sao đối với Đảng cộng sản một thảm bại về quân sự lại có thể biến thành một thắng lợi quyết định về chính trị ?".

Hay

"Tại sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa lại có thể để một thảm bại của đối phương biến thành một đòn chí mạng cho chính mình ?".

Phải nói rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó đang ở trong một tình trạng cực kỳ tồi tệ. Sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, tháng 11/1963, đã mở ra một giai đoạn hỗn loạn trong đó các tướng tá bất tài, vô học và vô trách nhiệm thi nhau tranh giành quyền lực trong lúc các sư sãi, mà thành phần chủ động là những cán bộ cộng sản trá hình, xuống đường hàng ngày gây rối loạn.

Một nhân vật nói lên tình trạng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó : Nguyễn Khánh. Ông này là một sĩ quan của quân đội Pháp để lại –như tất cả các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa- đã đảo chính lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của nhóm Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính ba tháng sau khi họ lật đổ Ngô Đình Diệm. Ông Khánh hành động như một kịch sĩ, liên tục đưa ra những lời tuyên bố và sáng kiến nhảm nhí chỉ có tác dụng là làm cho tình hình rối loạn thêm. Sau này vào tuổi gần 80, tại Mỹ, ông còn nhận lời làm "quốc trưởng" cho trò hề chính phủ lưu vong của Nguyễn Hữu Chánh. Sự kiện một con người như vậy mà đã có thể thao túng chính trường miền Nam trong hơn một năm chứng tỏ chính quyền miền Nam lúc đó tan nát đến mức nào.

Từ tháng 6/1965 tình hình tương đối ổn định hơn với Hội Đồng Quân Lực cầm quyền trong đó tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng), nhưng vì cả hai người này đều không có uy tín nên bộ máy chính quyền vẫn chao đảo, miền Trung gần như bất phục tùng trung ương trong gần nửa năm trời. Ngay sau đó lại xẩy ra sự đấu đá ngay giữa Thiệu và Kỳ để tranh nhau ứng cử tổng thống cuối năm 1967. Kết quả là Nguyễn Cao Kỳ, mầu mè và phô trương, dù nhiều quyền hơn và phe đảng đông hơn phải nhượng bộ, nhận ứng cử phó tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu, mờ nhạt và thiển cận nhưng ít tai tiếng và được lòng Mỹ hơn. Tuy vậy, vào thời điểm Tết Mậu Thân quyền hành của Kỳ vẫn còn mạnh hơn Thiệu, hai người chia đôi Dinh Độc Lập với mỗi người một bộ tham mưu riêng.

Một hậu quả của sự tan nát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là bộ máy an ninh tình báo bị tê liệt. Sự kiện chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không hề biết tới cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ giản dị là không tưởng tượng nổi. Nó đã được chuẩn bị từ hơn nửa năm trước, Hà Nội đã gửi vào Nam hơn 200.000 quân chính quy và hơn 300.000 tấn vũ khí, hơn nữa còn dàn quân chung quanh, thậm chí xâm nhập, gần như tất cả các thành phố và thị xã trên khắp lãnh thổ. Vào lúc súng bắt đầu nổ, Nguyễn Văn Thiệu đang về quê ăn Tết, còn Nguyễn Cao Kỳ đang đánh bài. Tất cả những điều này đều khó tưởng tượng, nhưng điều còn khó tưởng tượng hơn là những gì xẩy ra sau đó.

Nha Trang và sau đó Đà Nẵng bị tấn công đầu tiên. Sài Gòn chỉ bị tấn công một ngày sau nhưng vẫn không chuẩn bị gì cả. Huế còn chỉ bị tấn công sau Sài Gòn 4 giờ nhưng cũng không đề phòng và quân cộng sản đã chiếm được thành phố mà không găp một chống cự nào.

Trong lịch sử cận đại không có trận chiến nào diễn ra một cách kỳ cục như vậy. Càng khó tưởng tượng khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là một chính quyền quân đội đặt an ninh lên trên hết và có đầy đủ phương tiện truyền thông hiện đại. Nếu có một chút danh dự của một người làm tướng thì cả Thiệu lẫn Kỳ đều phải tự xử sau sự kiện ô nhục này, nhưng họ chỉ biết tự mãn chứ không có danh dự. Các cấp lãnh đạo và tướng lãnh của Việt Nam Cộng Hòa cũng không khác họ bao nhiêu, không thấy ai tỏ ra xấu hổ. Không phải là phe cộng sản đã hành quân khéo và giữ bí mật giỏi, họ hành quân rất luộm thuộm, sai cả giờ phát động vì lẫn lộn lịch tầu và lịch ta. Vấn đề chỉ là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó quá tồi dở. Bộ máy hành chính cũng như quân sự có nhiều người rất tốt, rất dũng cảm và rất giỏi nhưng lãnh đạo quá tồi nên cũng giống như cơ thể cường tráng nhưng cái đầu không hoạt động.

Điều cũng tai hại không kém sự kiện để bị đánh bất ngờ là không khai thác được sự thảm bại về mặt quân sự cũng như dân vận, và nhất là những tội ác của quân cộng sản như cuộc thảm sát tại Huế. Lúc đó mọi đèn chiếu và mọi con mắt của thế giới hướng về Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được một dịp ngàn năm một thuở để chinh phục cảm tình và hậu thuẫn của thế giới nhưng lại không có gì để nói, không những thế còn nói ngu, như Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố coi Hitler là thần tượng.

Lý do chính là Lyndon Johnson

Sự tồi dở của chính quyền Thiệu Kỳ quả là đã vượt mọi tưởng, nhưng nếu chỉ có thế thì biến cố Tết Mậu Thân cũng sẽ chỉ là một tai họa cho cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ và chính quyền Hà Nội.

Người đã góp phần quyết định chuyển bại thành thắng cho Đảng cộng sản Việt Nam là Lyndon Johnson. Ông này là một tay hoạt đầu chính trị địa phương với kiến thức hạn hẹp, hoàn toàn không có một tư tưởng chính trị và một tầm vóc chính trị nào. Ông thăng tiến nhờ tính thực thà tận tụy và nhờ may mắn, sau cùng trở thành tổng thống vì một sự tình cờ : tổng thống Kennedy bị ám sát. Do bản chất của chế độ tổng thống trong đó các chính đảng không đủ mạnh để đảm nhiệm vai trò của một lò sản xuất ý kiến và đào tạo nhân tài, sau những tổng thống kiệt xuất đầu tiên, các tổng thống Mỹ thường không phải là những người có bản lãnh chính trị, nhưng Lyndon Johnson là một trong những tổng thống kém nhất.

Sau vụ Tết Mậu Thân, thái độ của Lyndon Johnson là thái độ của một người hoảng hốt bỏ chạy. Ngày 31/3, ngay khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân cộng sản còn đang gây sôi nổi trên khắp thế giới, ông tuyên bố chấp nhận thương tuyết song phương với Hà Nội và chỉ cho Việt Nam Cộng Hòa tham dự với tư cách quan sát viên đúng như đòi hỏi của Hà Nội. Ông cũng tuyên bố sẽ không ra ứng cử tổng thống nữa. Quyết định này tương đương với một lời thú nhận đã sai lầm và thất bại bởi vì mới một năm trước tại Hội Nghị Quân Sự Tối Cao tại Guam với hai tướng Thiệu và Kỳ, ông đã dõng dạc tuyên bố cương quyết giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cuộc xâm lược của cộng sản và ông không ngừng nhắc lại cam kết này cho đến ngay trước Tết Mậu Thân. Chính Hà Nội cũng không thể ngờ tổng thống Mỹ có thể hốt hoảng như thế ngay cả nếu cuộc tổng tấn công không thất bại thê thảm như nó đã thực sự diễn ra.

Thái độ hoảng hốt bỏ chạy của Johnson đã có ảnh hưởng tức khắc trên quần chúng Mỹ. Ngay sau đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 80% người Mỹ muốn rút khỏi Việt Nam. Các nghị sĩ và dân biểu Mỹ trong tuyệt đại đa số là những người chạy theo chứ không thách thức dư luận. Họ còn một lý do khác để không thách thức dư luận. Quan tâm hàng đầu của Mỹ khi can thiệp vào Việt Nam là bảo vệ lưu thông qua eo biển Malacca giữa Malaysia, Singapore và Indonésia nơi quá phân nửa hàng hóa của thương mại quốc tế được chuyển qua, nhưng từ năm 1965 Indonesia đã tiêu diệt hết lực lượng cộng sản trong khi an ninh của Malaysia và Singapore cũng không còn bị đe dọa nữa. Như thế số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được quyết định.

Westmoreland đã làm Johnson hoảng hốt

Nhưng tại sao Johnson lại hốt hoảng đến như thế ?

Lý do đầu tiên là cách ứng xử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Johnson không phải là một chính trị gia có bản lãnh và hiểu biết rất ít về thế giới nói chung và Châu Á nói riêng, ông chỉ phán đoán như một người Mỹ bình thường qua những sự kiện khách quan, và sự kiện khách quan không thể tưởng tượng được là chính quyền Thiệu Kỳ lại có thể không biết gì về một cuộc tổng tấn công lớn như vậy. Trong thâm tâm ông phải nghĩ rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một bọn vô dụng không đáng giúp đỡ và có giúp cũng vô ích. Cũng đừng nên quên rằng từ sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, các tướng tá Việt Nam Cộng Hòa đã làm tất cả để dư luận thế giới khinh thường. Tuy vậy, Việt Nam Cộng Hòa không phải là lý do chính.

Lý do chính là Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam. Westmoreland đã tỏ ra rất dở trong biến cố Tết Mậu Thân. Trước hết ông mắc lừa trận đánh hỏa mù Khe Sanh. Westmoreland thực sự tin là Hà Nội chỉ muốn đánh lớn ở Khe Sanh. Sau khi cuộc tổng tấn công nổ ra, ông vẫn tuyên bố rằng đó chỉ là một cố gắng để lôi kéo sự chú ý của Mỹ và Đồng Minh khỏi Khe Sanh. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng nơi một vị tướng chỉ huy 500.000 quân. Nhưng sai lầm lớn hơn nhiều của Westmoreland là đã xin tổng thống Johnson viện trợ thêm 206.000 quân sau đó. Ông không thấy rằng quân cộng sản đã thảm bại. Đối với Johnson, việc Westmoreland xin viện binh là bằng cớ rằng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại. Và Johnson hốt hoảng bỏ chạy.

Thử tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu thay vì xin thêm tiếp viện 206.000 quân Westmoreland báo cáo với tổng thống Mỹ rằng quân cộng sản vừa làm hành động tự sát, lực lượng của họ đã tan tành và Mỹ có thể rút bớt 200.000 quân, lực lượng còn lại cũng thừa sức giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cộng sản. Đây không phải là chính trị giả tưởng mà là sự thực bởi vì ngay sau đó Nixon liên tục rút quân, nhưng vào tháng 01/1973 khi hiệp định Paris được ký kết quân cộng sản chỉ giữ được một huyện Sa Huỳnh trên tổng số 245 quận huyện của miền Nam, dù lúc đó quân Mỹ đã rút gần hết. Nhưng lúc đó quyết định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa không đảo ngược được nữa, như cựu ngoại trưởng John Kerry sau này từng tuyên bố.

Cũng thử tưởng tượng nếu, thay vì về quê ăn Tết như ông Thiệu hay đánh bài như ông Kỳ, các cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa lập tức có mặt chỉ huy cuộc phản công và đến hiện trường thăm hỏi dân chúng và khích lệ quân lính. Hay ngay cả có lỡ để bị bất ngờ -điều cần nhắc lại là không thể tha thứ được- sau có thái độ xứng đáng, có lập luận thuyết phục để khẳng định lòng tin và lên án những tội ác của quân cộng sản tại Huế và nhiều nơi khác. Nếu như thế thì Lyndon Johnson đã không quá hốt hoảng.

Nhưng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và những người cầm đầu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chỉ là chính họ. Đã chỉ có Nguyễn Ngọc Loan làm cử chỉ côn đồ tự tay bắn chết một du kích vừa bị bắt ngay trước ống kính của một ký giả nước ngoài. Hình này được trưng ra trước cả thế giới và làm xấu thêm hình ảnh vốn đã xấu của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng cần nói thêm là Nguyễn Văn Thiệu chắc chắn không ý thức được sự nguy ngập của chế độ sau biến cố Mậu Thân, vì sau đó ông còn giở trò độc diễn trong cuộc bầu cử tổng thống 1971 làm danh nghĩa dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa mất hết nội dung. Không những thế, năm 1973, hai năm trước khi bỏ chạy, ông còn sửa đổi hiến pháp để có thể ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Hậu quả đã có thể rất khác

Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt. Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn.

Thực tế là, về phía Hà Nội, một chọn lựa liều lĩnh ngu xuẩn đã đưa đến một thảm bại quân sự làm hàng trăm ngàn người chết nhưng rồi lại biến thành một thắng lợi chính trị và sau cùng một thắng lợi toàn diện. Ngược lại, về phía Sài Gòn, một thắng lợi quân sự lớn đã biến thành một thảm bại chính trị và sau cùng một thất bại hoàn toàn. Kẻ thắng không xứng đáng để thắng nhưng kẻ thua lại rất xứng đáng để thua. Và Việt Nam đã là Việt Nam hiện nay. Số phận nước ta thật hẩm hiu.

Bài học nào ?

Người Việt Nam không chọn được Johnson và Westmoreland, nhưng còn hai chế độ cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa ? Những người miền Bắc đã để cho Đảng cộng sản thống trị và Đảng cộng sản đã để cho một nhóm người thiển cận và độc hại chung quanh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thống trị, trong khi những người miền Nam đã để cho những người chẳng ra gì như Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ dẫn vào vực thẳm. Khi một dân tộc không có một lớp trí thức chính trị thì tất cả đều có thể xẩy ra. Đó là bài học lớn nhất của biến cố Mậu Thân 1968 và của giai đoạn lịch sử gần đây.

Một lời sau cùng cho bên thắng cuộc.

Chiến thắng 30/4/1975, hậu quả của biến cố Mậu Thân 1968, đã làm cho nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ say sưa đến mất trí. Họ tưởng họ là thiên tài và anh hùng dân tộc. Họ nghĩ họ đã rất may mắn. Nhưng lịch sử có logic của nó. Họ đã chỉ được một cơ hội để chứng tỏ sự tồi dở và sẽ mãi mãi được các thế hệ mai sau nhớ đến như những tai họa. Sau cùng chính họ mới là những người không may nhất.

Nguyễn Gia Kiểng

(15/02/2018, Giao thừa Mậu Tuất)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm

50 năm sau, biến cố Mậu Thân 1968 lại trở lại thành một chủ đề nóng, từ trên báo chí truyền thông nhà nước cho đến trên facebook, trong các cuộc tranh luận cùa người Việt.

tet1

Đại tá Nguyễn Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh VoV

Điều trước tiên chúng ta phải nói rõ, đó là chính đảng và nhà nước cộng sản đã khơi dậy vụ việc khi tổ chức hàng loạt hoạt động ăn mừng rình rang, tưởng niệm 50 năm "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1968", tiếp tục tuyên truyền dối trá, bóp méo về một sự kiện lịch sử có thật, tiếp tục "tẩy não" người Việt như họ đã làm thế suốt bao nhiêu năm qua. Không có một sự thay đổi, tiến bộ nào trong thái độ, nhận định lại lịch sử sau 50 năm. Không có một lời nào nhắc tới vụ thảm sát hàng ngàn người dân thường ở Huế chứ đừng nói đến ăn năn, sám hối. Chính vì vậy mà những người có hiểu biết, có lương tri buộc lòng phải lên tiếng và sự kiện Mậu Thân lại trở lại nhức nhối ngay giữa những ngày này.

Mọi việc càng nóng hơn khi khi có bài viết của ông Nguyễn Đắc Xuân, lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường-hai trong số những cái tên của những "trí thức" người Huế nằm vùng được nhắc đến nhiều nhất lâu nay xung quanh vụ Mậu Thân, và những cuộc tranh cãi giữa những người bênh ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, người phản đối.

Bài viết này chỉ đề cập đến một khía cạnh : tại sao những sự lên tiếng của ông Nguyễn Đắc Xuân hay "lời thú tội" của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn tiếp tục bị chỉ trích thay vì hãy "khoan dung, tha thứ" như một số người bênh vực ông Tường, mọi người có quá khắt khe, cực đoan hay không ?

Về lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ đăng trên facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập, ông Tường đã thú nhận mình không có mặt tại Huế nhưng đã nói dối như mình có mặt, chứng kiến mọi việc khi trả lời phỏng vấn của WGBH-TV cho bộ phim "Việt Nam thiên sử truyền hình" (Vietnam : A Television History) và thú nhận "Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ". Nhưng liền sau đó, ông lại viết "Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968". Vì câu nói này, ông tiếp tục bị chỉ trích bởi vì rõ ràng không thể gọi vụ thảm sát Mậu Thân là một sai lầm. Nếu so sánh với vụ Mỹ Lai, thế giới có coi đó chỉ là "một sai lầm" hay tội ác của Mỹ, bản thân những người tham gia vụ Mỹ Lai đã bị đưa ra tòa xét xử ra sao, còn vụ Mậu Thân thì số lượng người chết, mức độ man rợ còn lớn hơn nhiều, và kinh tởm hơn vì là người Việt giết người Việt.

Thứ hai, ông lại viết vụ Mậu Thân là "do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân" để chạy tội cho quân đội cộng sản Bắc Việt, trong khi ai cũng biết, vụ Mậu Thân là là do quân đội chính quy Bắc Việt tấn công vào các tỉnh thành miền Nam, kết hợp với các lực lượng vũ trang Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tức Việt Cộng và các thành phần nằm vùng tại chỗ. Không thể nào những vụ bắt bớ, xử tội, rồi giết người hàng loạt xảy ra trong suốt gần một tháng trời Huế bị phía cộng sản chiếm giữ, kiểm soát và thành lập chính quyền cách mạng mà quân chính quy cộng sản Bắc Việt vô can, không hay biết gì.

Hơn nữa, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường cho công bố lá thư thú tội trên facebook cá nhân của một người Việt, trong khi phần trả lời phỏng vấn là cho bộ phim tài liệu nước ngoài nổi tiếng, đã được phát sóng, phát hành cho rất nhiều nước xem. Có bao nhiêu người trên thế giới này đã xem bộ phim và tin ông ta với tư cách là một nhân chứng có tên tuổi, một trí thức, một người Huế ? Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự thành tâm hối lỗi, ông ấy không thể chỉ nhằm thanh minh cho mình với người Việt, mà phải viết thư cho cái hãng phim đó và xin đính chính công khai trước thế giới rằng tôi đã làm chứng gian, tôi không có đủ tư cách để làm nhân chứng vì tôi không thực sự có mặt và tôi đã đổ tội hết cho Mỹ vụ Mậu Thân, góp phần vào việc tuyên truyền bóp méo lịch sử của đảng cộng sản từ bao nhiêu năm nay, cũng như xin rút lại toàn bộ phần trả lời của mình, nếu không muốn 5, 10, 50 năm nữa thế giới có ai xem bộ phim đó lại vẫn tưởng ông ấy đã nói toàn sự thật.

Là một người cầm bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa biết chữ nghĩa có thể giết người hơn cả gươm đao, súng đạn, những lời nói, bài viết của một nhân vật như ông ấy có ảnh hưởng thế nào đến người khác, đến thế giới. Còn nếu dũng cảm hơn nữa, ông ấy phải nói ra những gì ông ấy biết, ai đã chủ trương, và ai đã trực tiếp tham gia vào vụ thảm sát này. Nếu làm được một phần như thế thì ông ấy hoàn toàn thanh thản lương tâm đi về cõi Phật như ông ấy mong muốn, và cũng không ai còn có lý do gì để nói nữa.

Ông Nguyễn Đắc Xuân, người thừa nhận "đã tham gia chiến dịch Huế Xuân 68 từ đầu đến cuối" trong bài viết "Đến bao giờ mới minh oan cho những người đã chết vì sự sai lầm trong chiến tranh Mậu Thân 1968" đăng trên facebook của mình và trên trang web http://sachhiem.net cũng dùng chữ "sai lầm", đồng thời vẫn nói Mậu Thân là một "chiến thắng đỉnh cao", vẫn tự hào về chiến thắng. Và cho rằng con số người bị thảm sát không thể nhiều như vậy vì trong đó lẫn lộn địch, ta, rồi thì lẫn lộn hàng ngàn "chiến sĩ cán bộ Giải phóng chết ở Huế" không đem được xác ra…Để làm giảm nhẹ vụ thảm sát, ông Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến hàng trăm hàng ngàn cái chết của "các chiến sĩ cán bộ Giải phóng", của "Việt Cộng", nhắc đến bom đạn Mỹ phá hủy đến 80% thành phố Huế v.v…Câu hỏi là vụ Mậu Thân do ai gây chủ động gây ra ?

Có thể không phải lúc nào cũng dễ để phân biệt người bên này người bên kia, để có con số cụ thể nhưng vẫn có thể phân biệt được đâu là người chết do bom đạn, đâu là người chết do bị trả thù, thảm sát với những cái chết do bị cuốc xẻng đập đầu, bị trói tay bằng dây kẽm, bị chôn sống… Chưa kể bao nhiêu câu chuyện của những nhân chứng sống kể lại cách người thân của họ bị phe "cách mạng" bắt đi mất tích hay xử tại chỗ ra sao, như bài viết của Bà Nguyễn Thị Thái Hòa, kể về vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường trong cái chết của ông nội bà và 3 người anh trai mà bà tận mắt chứng kiên và tuyên bố "Tôi sẵn sàng ra làm nhân chứng trước tòa án quốc tế, cũng như xuất hiện trước các phương tiện truyền thông khi cần thiết. ("Nguyễn Thị Thái Hòa, nhân chứng sống trong đợt thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế", Tiếng Dân).

Ông Nguyễn Đắc Xuân kêu gọi hãy "minh oan cho những người bị xử lý oan, cảm thông cho những người đã chết trong Tết mậu thân vì bất cứ lý do gì". Nhưng thực sự nói như nhà thơ Thận Nhiên "NHỮNG NẠN NHÂN BỊ GIẾT CÓ THẬT SỰ CẦN KẺ ĐÃ GIẾT MÌNH MINH OAN, GIẢI OAN CHO HAY KHÔNG ?" Hay điều họ cần là lịch sử phải được viết lại đúng sự thật, những kẻ có tội phải được chỉ rõ cho dù còn sống hay đã chết, và nhà nước này phải công khai thừa nhận tội ác của mình.

Kết luận, chỉ với hai ví dụ là ông Nguyễn Đắc Xuân và ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta đã thấy họ vẫn chưa thành thật, trung thực, một phần do cái nhìn, quan điểm của họ về cuôc chiến VN nói chung và sự kiện Mậu Thân nói riêng vẫn không thay đổi sau 50 năm, dù họ thừa nhận có những "sai lầm", có những người bị giết oan. Đối với từng cá nhân mà còn khó thay đổi đến thế, nói gì đến đảng cộng sản.

Đảng và nhà nước cộng sản sẽ không bao giờ thừa nhận bất cứ cái sai nào hay tội ác nào cùa họ cả, chỉ có ai ngây thơ mới tin như vậy. Cho nên trước khi "mơ" đến ngày đảng cộng sản thừa nhận mọi sự dối trá, mọi sai lầm, mọi tội ác…đã gây ra cho đất nước này, dân tộc này thì từng cá nhân con người cụ thể, nhất là những người có tên tuổi, hãy dũng cảm thừa nhận cái phần trách nhiệm của mình trước, nhất là khi mình không còn sống được bao lâu nữa. Còn nếu vẫn cứ ngụy biện, cố chấp, thừa nhận nửa vời, tiếp tục sử dụng tên tuổi, sức ảnh hưởng của mình để góp phần vào việc tuyên truyền, chạy tội cho CS, bóp méo lịch sử, thì tội càng chồng tội, nghiệp càng thêm nặng.

Song Chi

Nguồn : RFA, 14/02/20148 (songchi's blog)

Published in Diễn đàn