Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

LTS : Một nhược điểm lớn của những người tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đó là sự nhầm lẫn giữa cứu cánh, tức mục tiêu cuối cùng với phương tiện. Chính sự nhầm lẫn đó đã khiến phong trào dân chủ không thể lớn mạnh và phát triển. Cụ thể là cho đến tận bây giờ đối lập dân chủ vẫn chưa có được một tổ chức nào lớn mạnh và có đủ tầm vóc để làm đối trọng buộc Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ. Trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu là nếu chỉ đấu tranh trên phương diện cá nhân, nghĩa là kiểu nhân sĩ, thì không bao giờ đạt được mục tiêu cuối cùng, tức là một nước Việt Nam dân chủ. Xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của tác giả Thạch Đạt Lang dù đã viết cách đây hai năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự.

Việt Hoàng

*******************

Trước hết, chân thành cám ơn cô Từ Huy đã gợi cảm hứng cho tôi làm việc trở lại. Hơn hai tuần lễ vừa qua, tôi thật sự chán nản, buồn bã, muốn buông bỏ tất cả khi hàng ngày đọc tin tức ở Việt Nam, những tin tức đầy bi quan, đen tối cho vận mệnh, tương lai dân tộc, đất nước trong tất cả các lãnh vực từ văn hóa đến giáo dục, kinh tế, môi trường...

muctieu1

Ở đâu có ước muốn, ở đó có con đường

Tôi cảm thấy mình thật sự bất lực, ngay cả trong những việc nhỏ nhặt nhất như giúp đỡ nạn nhân bị lũ lụt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Liên lạc với một hai người quen biết có chút ảnh hưởng, tiếng tăm trong nước để đóng góp, họ khuyên hãy chờ vì công tác cứu trợ đang gặp khó khăn do chính quyền gây khó dễ, thế rồi có thể vì lý do sức khỏe, không thấy họ liên lạc lại.

Có một điểm đầu tiên trước khi đi vào phần chính của bài. Tôi không đồng ý với nhận định tự cho mình thuộc cộng đồng trong nước của cô Từ Huy.

Tiếng Anh có một câu như sau : "Where there is a will, there is a way", có nghĩa rằng "Ở đâu có ước muốn, ở đó có con đường".

Do đó, việc cô Từ Huy nhận mình không thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại là không đúng, khi đóng góp ý kiến, bài vở về những vấn đề liên quan đến cộng đồng, cô đã là một thành viên của cộng đồng, dù sống ở đâu. Tuy nhiên khi đặt mình ra khỏi cộng đồng, cô có thể quan sát chính xác, tường tận, rõ ràng hơn tình trạng những sinh hoạt, diễn biến trong cộng đồng đó.

Trở lại vấn đề, bài viết trước của tôi nhận định Về Một Liên Minh Chính Trị của người Việt hải ngoại của cô, tôi đã không nói hết những suy nghĩ của mình. Gần đây nhất, tôi tham dự hai buổi họp chỉ để thành lập ban tổ chức đại hội cho một dịp họp mặt với khoảng 500 người cho tháng 6 sang năm. Buổi họp mặt đầu chưa đến 10 người, kéo dài gần 2 tiếng không đi đến kết quả vì đối chọi nhau trên nguyên tắc làm việc, cãi nhau qua lại, đề nghị họp lần thứ hai. Lần thứ hai, kéo dài cũng gần hai tiếng với chừng đó người, may là lập ra được ban tổ chức đại hội.

Tôi thật sự chán ngán vì dường như mọi người không đặt trong tâm là tổ chức đại hội cho thành công tốt đẹp, mỹ mãn mà người nào cũng muốn mọi chuyện, từ việc đưa đón, thuê khách sạn cho người từ xa tới, tiền đại hội, đại hội, picnic ra sao... phải được làm theo ý mình. Hầu hết những người tham dự buổi họp (trừ tôi) đều là những trí thức ra đi từ miền Nam như bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư... người trẻ nhất 52 tuổi, là cô giáo trung học ở Mỹ. Đa số những người tham dự - tôi không nói là tất cả - dường như lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện. Tranh luận với nhau rất nhiều, rất mất thời gian về những việc nhỏ rất dễ giải quyết nếu chịu lắng nghe và tôn trọng nhau.

Từ chuyện nhỏ luận ra chuyện lớn. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, các tổ chức, đảng phái, hội đoàn không liên minh được với nhau vì đã không có cùng mục tiêu cuối cùng : Tranh đấu cho tự do, dân chủ cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Các đảng phái, tổ chức, xã hội dân sự... đã lầm lẫn khi đặt mục tiêu của mình lên trên mục mục tiêu cuối cùng là một nước Việt Nam độc lập, tự do, không cộng sản.

Hơn thế nữa, ranh giới giữa hai khái niệm phương tiện và mục đích đôi khi trừu tượng, dễ đan kẽ, lẫn lộn với nhau. Đó chính là điều mà Đảng cộng sản Việt Nam đã khôn ngoan, khéo léo lợi dụng tối đa để có thể thống trị 71 năm ở miền Bắc và 41 năm trên cả nước và tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Khi cần đánh đuổi thực dân Pháp cũng như xâm chiếm miền Nam, Đảng cộng sản Việt Nam dùng khái niệm chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước làm mục tiêu, Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó được coi như phương tiện để lãnh đạo, thi hành cuộc chiến. Sau khi thống nhất được đất nước bằng vũ lực, sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam trở thành mục đích, độc lập tự do, dân chủ trở thành phương tiện cho đảng cai trị người dân theo lý luận của họ. Ngày hôm nay người cộng sản Việt Nam luôn tâm niệm rằng "Thà mất nước chứ không mất đảng", từ đó dẫn đến hậu quả là đất nước bị khủng hoảng về mọi mặt từ kinh tế, giáo dục đến văn hóa, y tế, môi trường…

Với cộng đồng người Việt hải ngoại, nếu chịu khó suy nghĩ sâu xa để thấy rằng, tranh đấu để lập lại một nền cộng hòa mà biểu tượng là lá cờ vàng ba sọc đỏ ở miền Nam trước đây cũng không đi ra ngoài mục tiêu cuối cùng là thể chế dân chủ, tự do cho cả nước Việt Nam, do đó cờ vàng chỉ nên là phương tiện chứ không nên là mục đích. Đã là phương tiện thì chỉ nên dùng khi cần thiết, cũng không nên bài xích, tẩy chay những người cùng mục tiêu tối hậu nhưng không cùng phương tiện như mình.

Một nước Việt Nam độc lập, tự do với tam quyền phân lập, bắt buộc sẽ phải tôn trọng nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, lập hội, lập đảng phái, công đoàn độc lập, công nhận quyền sỡ hữu đất đai của người dân…Nhận định như vậy để thấy rằng các phong trào đòi hỏi công đoàn độc lâp, tự do báo chí, nhân quyền,..sẽ chỉ là những phương tiện tranh đấu cho mục đích cuối cùng là một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ. Hiểu được đâu là nguyên nhân chính khiến cho các đảng phái, tổ chức xã hội dân sự không liên minh được với nhau, mọi người sẽ dễ dàng vượt qua được chính mình để ngồi lại với nhau đặt ra mục tiêu chung.

Một việc gần đây nhất liên hệ đến sự lầm lẫn nói trên là những người lãnh đạo trong phong trào đòi công ty Formosa bồi thường thiệt hại và rời khỏi Việt Nam đã dùng cờ Thiên Chúa giáo trong cuộc biểu tình trước khu công nghiệp Formosa ở Kỳ Anh vào ngày 02/10/2016. Ai dám khẳng định rằng 100% dân số ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đều theo đạo Thiên Chúa ? Hành động dương cờ Thiên Chúa giáo trong lúc biểu tình đã vô tình tách rời giáo dân ra khỏi cộng đồng dân tộc. Chẳng biết những người lãnh đạo giáo dân ở các giáo xứ miền Bắc-Trung phần có ý thức được điều này không ?

Một chuyện khác nữa là việc hai bà Cấn Thị Thêu, Trần Ngọc Anh được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải thưởng Nhân Quyền 2016 cũng vấp phải một số chống đối của các nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước. Những người chống lại kết quả trao giải Nhân Quyền năm 2016 lập luận rằng hai bà Thêu, Ngọc Anh không xứng đáng nhận giải vì chỉ tranh đấu cho dân oan mất đất tức chỉ tranh đấu cho "nhân quyền về kinh tế", thấp hơn "nhân quyền đích thực" một bậc. Họ cho rằng người xứng đáng được giải nhân quyền 2016 hơn hai bà Thêu, Ngọc Anh là nhà báo Phạm Đoan Trang hoặc Nguyễn Anh Tuấn (1).

Trong số những người phản đối kết quả trao giải Nhân quyền Việt Nam 2016 có bà Tạ Phong Tần, một tù nhân lương tâm nổi tiếng trong và ngoài nước, cũng từng đoạt giải Nhân quyền Việt Nam năm 2012, tuyên bố sẽ trả lại giải và sẽ không tiếp tục tham gia hoạt động cho Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam nữa.

Việc bà Tần cùng các nhà văn, nhà báo... phản đối kết quả trao giải Nhân quyền Việt Nam 2016 là chuyện nhỏ, nhưng sẽ trở thành chuyện lớn nếu ai cũng xử sự như bà Tần. Bà Tần đã lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện. Bà Tần cùng những người phản đối có thể gửi thư cho ủy ban chấm giải, phân tích sự việc, đề nghị tránh bất công cho lần sau, nhưng tuyên bố trả lại giải, từ bỏ hoạt động là hành động giận dỗi không nên có của một người có bề dầy đấu tranh cho tự do, dân chủ đáng kính phục như bà Tần. Việc làm đó có thể làm giảm giá trị của bà Tần mà ngay cả Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cũng bị mất uy tín.

Tôi nêu lên sự việc không phải để phản đối quyết định của bà Tạ Phong Tần hay các linh mục lãnh đạo giáo dân trong các cuộc biểu tình chống Formosa. Họ có toàn quyền hành động, xử sự theo suy nghĩ của mình. Thế nhưng lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện sẽ gây ra những trở ngại, mâu thuẫn, đối kháng với nhau dẫn đến tình trạng không thể hợp tác, liên minh trong mục tiêu chung cuối cùng : Tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do thật sự với một chế độ có tam quyền phân lập rõ ràng cùng với nền tự do báo chí.

Tôi chưa biết quan niệm về mục tiêu của cô Tiến sĩ Từ Huy là gì, nhưng hi vọng sẽ không ngoài mục tiêu cuối cùng mà tôi nói đến trong bài.

Thạch Đạt Lang

(29/11/2016)

Chú thích :

(1) https://hr4vn.wordpress.com/…/…/10/giainhanquyenvietnam2016/

******************

Mục tiêu nào cho Việt Nam ?

Nguyễn Thị Từ Huy, RFA, 27/11/2016

Thực sự, câu chuyện về việc "không thể" hình thành một liên minh chính trị của người Việt hải ngoại rất đáng được suy nghĩ và cắt nghĩa, trong mục đích nhằm giải quyết vấn đề, để tiến tới chỗ có thể bàn tới các giải pháp cho việc này.

Bởi vì theo quan sát của cá nhân tôi, mong muốn tạo liên kết để hình thành các tổ chức mạnh là một mong muốn có thực và tồn tại ở nhiều người. Và mong muốn đó không hề là ảo tưởng, mà có thể thực hiện được, trong một điều kiện quá thuận lợi mà các nước dân chủ trao tặng cho người Việt hải ngoại. Nếu điều kiện khách quan là hoàn toàn thuận lợi, vậy thì lực cản chính nằm ở đâu ? Câu trả lời không phải là quá khó : nằm ở chính cộng đồng người Việt, hoặc nói cách khác, nằm trong chính mỗi người.

Việc nhận thức về lực cản này là bước đầu tiên cần phải làm, nếu quả thực những người mong muốn liên kết có nhu cầu đi tới hành động thực sự chứ không chỉ dừng lại ở mong muốn. Dĩ nhiên, bước thứ hai, sau khi phân tích các nguyên nhân tạo nên lực cản, là tiến hành các thao tác cụ thể của việc thành lập liên minh. Nhưng các thao tác cụ thể chỉ có thể thực hiện được, khi đã vượt qua bước thứ nhất.

Chân thành cảm ơn ông Thạch Đạt Lang, trong bài phản hồi bài báo của tôi, đã cho biết một số nguyên nhân tạo ra tình trạng chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Những phân tích thẳng thắn như phân tích của ông Thạch Đạt Lang là hết sức cần thiết, và rất có ý nghĩa.

Trong bài ông Thạch Đạt Lang có đề cập đến những người có tâm và có tầm đã lặng lẽ rút khỏi các hoạt động vì cảm thấy không thể làm thay đổi thực tế. Hy vọng ông cảm thấy rằng lúc này đây đã là thời điểm mà những người đó cần tập hợp lại với nhau để thể hiện tâm và tầm của mình.

Công việc phân tích và nhận thức các nguyên nhân của sự chia rẽ chỉ có hiệu quả khi mà chính bản thân những người trong cuộc tiến hành các phân tích này. Tôi không phải là "người trong cuộc", vì tôi không thuộc về cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi không có tất cả các kinh nghiệm của người Việt hải ngoại. Tôi ra nước ngoài chỉ trong một thời gian ngắn và chỉ để đi học. Về cơ bản, tôi thuộc về cộng đồng trong nước. Nói điều này để xác định vị thế một cách rõ ràng, vì điều này là hết sức cần thiết trong quá trình nhận thức, cũng như hành động. Từ vị thế của một người không thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi xin đóng góp một điểm mà tôi quan sát được, mà theo tôi, điểm này có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến việc hình thành một liên minh không những khó khăn mà trong mắt nhiều người còn là "không thể".

Điều khó khăn có lẽ nằm ở chỗ cuộc đấu tranh không có một mục tiêu chung. Ít nhất có thể nhận thấy một số mục tiêu chính sau đây : có những người Việt hải ngoại đấu tranh vì mục đích dân chủ hóa Việt Nam, có những người đấu tranh để khôi phục lại lá cờ vàng hay nói cách khác là để khôi phục chế độ Việt Nam Cộng hòa trước 75, có những người hoạt động vì mục đích từ thiện, giúp đỡ những người nghèo hay các nạn nhân của hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, có những người hoạt động một cách hợp pháp (theo pháp luật Việt Nam) cho quá trình giúp Việt Nam hội nhập quốc tế.

Với các mục tiêu khác nhau như vậy, người Việt hải ngoại tập hợp lại thành các nhóm nhỏ và đi theo những con đường nhỏ của mình. Các mục tiêu này không giúp liên kết mà trái lại trên thực tế trở thành loại trừ lẫn nhau, theo nghĩa là khiến cho các nhóm không thể nào hợp tác được với nhau. Giờ đây, nếu muốn hình thành một liên minh, hoặc thành lập một tổ chức đủ lớn để thu hút sự tham gia đông đảo, người Việt hải ngoại cần tiến tới xác định một mục tiêu chung. Từ mục tiêu chung này mới có thể thống nhất trên một số phương pháp chung.

Tôi sẽ dừng lại ở đây, tạm thời chưa đưa ra quan niệm của tôi về mục tiêu này. Hy vọng rằng bài viết mang tính chất đặt vấn đề này của tôi có thể gặp được một sự quan tâm chung, để mọi người cùng thảo luận. Có thể từ chỗ thảo luận chung sẽ đi tới chỗ hình thành những nỗ lực chung cho Việt Nam, bởi vì chúng ta chỉ có một Việt Nam mà thôi.

Paris, 27/11/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Nguồn : RFA, 27/11/2016, (nguyenthituhuy's blog)

Published in Quan điểm