Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiều thứ Tư ngày 05/09/2018, báo New York Times đăng một bài bình luận ngắn (Op-Ed) của một tác giả ẩn danh với tựa đề : "Tôi là một phần của nhóm phản đối trong nội các ông Donald Trump", đã làm cho nội các của Tổng thống Trump chao đảo.

trump1

Những nhân vật hàng đầu trong nội các của Trump phủ nhận là tác giả bài báo ẩn danh. Ảnh trên mạng

Bài bình luận nêu ra những điều rất đáng quan tâm về nội các của chính quyền Trump. Tác giả ẩn danh cho biết họ là một giới chức cao cấp trong chính phủ ông Trump. Bài bình luận mô tả tác giả và các đồng nghiệp của mình đang tiến hành một chiến dịch bán công khai, nhằm mục đích ngăn chận và giảm thiểu thiệt hại cho nước Mỹ mà tổng thống đương nhiệm gây ra bởi những việc làm của ông ta.

Bài bình luận là một quả đấm vào mặt ông Trump, khiến ông ta tức giận, rủa xả báo New York Times cũng như tác giả, là không có dũng khí. Và ông Trump yêu cầu báo New York Times phải tiết lộ tên tác giả, giao nộp người đó cho tòa Bạch Ốc. Sau đó Trump bày tỏ ý muốn Bộ trưởng Tư pháp phải điều tra cho ra nguồn gốc bài bình luận.

Một số giới chức cao cấp trong tòa Bạch Ốc đã lên tiếng thanh minh rằng họ không phải là tác giả bài báo gồm : Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp quốc Nikki Haley… và một danh sách dài gồm nhiều quan chức khác. Dĩ nhiên là họ phải lên tiếng phủ nhận, bởi chẳng ai điên khùng đưa đầu ra cho Trump gõ trong lúc này.

Trong lúc mọi người có liên quan, không kể ông Trump (đang xoắn), đều nháo nhác tìm kiếm nhân vật ẩn danh dám vuốt râu hùm, thì một bài báo đăng trên BBC của tác giả Roland Hughes, phân tích ngôn ngữ, đưa ra một kết luận, phỏng đoán rằng nhân vật ẩn danh đó chính là phó tổng thống Mike Pence, mặc dù ngài Phó Tổng thống chối đây đẩy.

Trong lúc đó, trong mục Quan Điểm của báo CNN đã liệt kê một danh sách gồm 13 người có nhiều khả năng nhất, là tác giả bài bình luận. Biên tập viên Chris Cillizza cùng nhóm của ông thực hiện việc phân tích, tổng hợp các dữ kiện phỏng đoán những nhân vật dưới đây, có khả năng là người đã viết bài báo, khiến Trump điên cuồng, giận dữ. Xin được tóm lược nội dung như sau :

Don McGahn : Chúng tôi (Chris Cillizza và nhóm) biết rằng thời gian làm việc của cố vấn Tòa Bạch Ốc không còn nhiều vì ông dự định sẽ rời khỏi vào mùa thu này. Hơn nữa, chúng tôi cũng biết McGahn là người thường xuyên xung đột với ông Trump, đặc biệt là từ chối lệnh của Trump, sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ngoài ra McGahn luôn bày tỏ ông sẵn sàng làm việc vì lợi ích của dân chúng, điển hình là việc ông đã gặp gỡ nhóm điều tra của ông Mueller hơn 30 tiếng đồng hồ để giúp đỡ họ trong công việc điều tra sự can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Dan Coats : Giám đốc Sở Tình Báo Quốc Gia là một thành phần quan trọng trong nền tảng lâu đời của Washington. Từng là thượng nghị sĩ tiểu bang Indiana, ông làm việc ở hai nơi ở thủ đô Washington DC. Coats là người luôn bày tỏ khuynh hướng không đồng ca với những bản nhạc của ông Trump. Khi biết được ý định của Trump mời Putin qua Mỹ, Dan Coats nói : "Cuộc gặp này sẽ đặc biệt đấy". Câu nhận xét khiến Trump giận dữ.

Kellyanne Conway : Là cố vấn tòa Bạch Ốc, bà đã sống sót trong một thời gian dài giữa cơn xoáy của các trò chơi chính trị. Conway không phải là người ngu hay không hiểu gió sẽ xoay chiều nào. Ngoài ra, còn có thêm một yếu tố nữa, X-Factor nữa là George – chồng của Kellyanne – thường viết tweet để chọc phá, khiêu khích Trump.

John Kelly : Chánh Văn phòng tòa Bạch Ốc tiếp tục đụng độ với tổng thống Trump và dường như ông không còn nhiều thời gian. Kelly xem thời gian làm việc là con đường duy nhất để phục vụ đất nước. Đó là phải trình bày tất cả sự thật về Trump như một phương thức cuối cùng để cống hiến.

Kirstjen Nielsen : Bộ trưởng Bộ Nội an là một đồng minh thân cận với Kelly, bà Neilsen cũng có mối liên hệ rắc rối với Donald Trump. Trong một buổi họp nội các, Trump đã mắng bà về số người nhập cư không có hồ sơ vào Mỹ. Được biết, bà đã viết đơn từ chức nhưng sau đó đã rút lại.

Jeff Sessions : Bộ trưởng Tư pháp Mỹ người có khả năng là tác giả của bài viết kia vì một lý do đơn giản : Ông ta có động cơ để làm điều đó, bởi chưa có người nào bị Donald Trump sỉ nhục công khai nhiều như Sessions. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần thúc giục Sessions sử dụng Bộ Tư pháp cho các mục tiêu chính trị riêng của Trump.

Đặc biệt trong tuần này, qua cuốn sách sắp xuất bản "Nỗi sợ : Trump trong Tòa Bạch Ốc" (Fear – Trump in the White House) của Bod Woodward, Bộ trưởng Sessions khám phá ra rằng, Trump đã nhục mạ ông khi gọi ông là "kẻ thiểu năng trí tuệ", đồng thời chế nhạo giọng nói miền Nam của ông. Sessions là thượng nghị sĩ suốt 20 năm trước khi được Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp sau cuộc bầu cử năm 2016.

James Mattis : Trong nội các hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis là người mà Trump thích nhất. Tuy nhiên trong cuốn sách của Woodward, những lời nói của Mattis được trích dẫn, cho rằng Mattis rất thô bạo, cộc cằn với Trump, mặc dù Mattis đã lên tiếng phủ nhận không hề nói như vậy. Nếu có chuyện xẩy ra, Mattis chắc chắn là người ít bị thiệt hại hơn. Ông là một tướng lãnh tài giỏi, trở lại phục vụ đất nước sau khi về hưu. Hơn nữa, Mattis cũng là đồng minh với John Kelly và Rex Tillerson, cựu ngoại trưởng Mỹ, là người bất ngờ bị Trump sa thải.

Fiona Hill : Bà Hill là một chuyên gia về người Nga, gia nhập nội các Trump sau khi từ chức ở viện Brookings, một viện nghiên cứu ở Washington DC. Bà Hill có thể có lý do để công khai xung đột với ông Trump vì bà nghi ngờ động cơ của người Nga nhúng tay vào cuộc tranh cử của Trump.

Một điều đáng chú ý là bà Hill không được phía Nga cho tham gia cuộc họp khi Trump và Putin gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Đức năm 2017. Bà Hill là cố vấn thân cận của H. R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump. Ông McMaster là người đã bị Trump sa thải hồi tháng 3/2018. Bà Hill giữ chức vụ quan trọng trong Hội đồng An ninh Quốc gia nhưng trong cuộc họp sớm nhất với Trump về vấn đề Nga, Trump đã không nhận ra bà, tưởng lầm bà là nhân viên văn thư.

Mike Pence. Tất cả những gì dân chúng Mỹ được nhìn thấy ở phó tổng thống Mike Pence là những nụ cười thân thiện, những cái gật đầu và im lặng, biểu lộ lòng trung thành với Trump trước công chúng. Tất nhiên những điều đó tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo để Pence viết ra những điều trong bài bình luận đăng trên báo New York Times. Pence cũng là người đầy tham vọng, rõ ràng là ông ta muốn làm tổng thống. Nhưng có nên mạo hiểm khi viết ra những điều "chết người" này là con đường tốt hơn để trở thành tổng thống, thay vì phải ngồi chờ tới ngày Trump ra đi ? Jarrod Agen, Phó Văn phòng Nhà Trắng và là Giám đốc Truyền thông của Pence, đã phủ nhận hôm thứ Năm rằng, Pence hay bất kỳ người nào trong văn phòng của họ là tác giả bài bình luận đó.

Nikky Haley : Là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cũng giống như Pence, bà Haley là một trong những người được ông Trump ưa thích. Tuy nhiên, bà cũng là người dấn sâu vào sân khấu chính trị thế giới. Bà thường có tiếng nói quan ngại về quan điểm của Trump đối với Putin và Nga. Hơn nữa, Haley cũng giống như Pence, là người phụ nữ có tham vọng, luôn để mắt đến vấn đề quốc gia. Bài bình luận đó phải chăng để Haley đạt được mục đích ?

Javanka : Sự kết hợp giữa Ivanka Trump, con gái tổng thống, và người chồng Jared Kushner để viết bài bình luận này có thể hiểu như là một vở diễn theo kiểu soap opera, nhưng theo một phương thức hoàn hảo mô tả chính quyền Trump ? Ivanka nói rằng, cô làm việc với mong muốn cha cô sẽ lắng nghe những tiếng nói của cô. Tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy Trump chịu khó lắng nghe tiếng nói của Ivanka và con rể. Phải chăng bài bình luận cũng là một cách trả đũa nhẹ nhàng ?

Melania Trump : Nói rõ là, tôi (Chris Cillizza) không tin Đệ Nhất Phu Nhân làm chuyện này, nhưng rõ ràng là bà sẵn sàng gửi đi những thông điệp khi bà không hài lòng với ông chồng hoặc nội các của ông ta, như chuyện bà mặc áo khoác có dòng chữ "Tôi thật sự không quan tâm, còn bạn ? " khi đi thăm trẻ em nhập cư bị tách khỏi cha mẹ ở Texas. Nếu bạn tin rằng, ông Trump và nội các của ông ta cai trị theo nguyên tắc show diễn thực tế, thì chuyện Melania viết bài bình luận đó là một show truyền hình thực tế nhất trong lịch sử.

***

Để kết luận, vẫn còn tồn tại một câu hỏi : Với tư cách tổng thống đương nhiệm, liệu ông Trump có đủ quyền hạn để bắt buộc báo New York Times cung cấp tên tác giả bài bình luận hay cho FBI, Bộ Tư pháp, điều tra, tìm kiếm "người thiếu dũng khí" đó không ?

Tôi tin là không. Tu chính án số 1 Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do ngôn luận – trừ trường hợp nguy hại đến an ninh quốc gia với chứng cớ rõ ràng – cho phép ban biên tập báo New York Times bảo vệ người cung cấp tin tức hay viết bình luận dưới bất cứ áp lực nào, kể cả của chính quyền. Người ta sẽ không thể biết ai đã viết bài bình luận này, giống như nhân vật Deep Throat, một nhân vật bí ẩn đã cung cấp thông tin cho báo chí Mỹ, phanh phui vụ bê bối chính trị lớn nhất nước Mỹ, khiến Tổng thống Nixon phải từ chức năm 1974.

Phải chờ hơn 30 năm sau, người ta mới biết nhân vật bí ẩn Deep Throat chính là Mark Felt, phó giám đốc FBI, là người cung cấp tin tức, dữ kiện, tài liệu cho Bob Woodward để điều tra, phanh phui vụ bê bối Watergate.

Cũng có thể phải chờ thêm một thời gian dài sau khi ông Trump bị truất phế hoặc không còn là tổng thống nữa, mọi người mới có thể biết ai là nhân vật bí ẩn đã viết bài bình luận trên báo New York Times hôm 5/9 vừa qua.

Thạch Đạt Lang

(08/09/2018)

Additional Info

  • Author Thạch Đạt Lang
Published in Quan điểm