Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 06 août 2023 12:55

Niger mặt trận thứ hai ?

Cục diện chiến tranh ở Ukraine không chỉ có ảnh hưởng đến hòa bình ở Châu Âu và nó còn liên quan trực tiếp đến Châu Phi. Tại sao ?

sahel1

Niger hay Cộng hòa Niger là một nước trong vùng Trung Phi (Sahel) với trên 25 triệu dân, trải rộng trên một diện tích lớn, khoảng 1,2 triệu km2. Niger trước đây là thuộc địa của Pháp, giành độc lập năm 1960, GDP đầu người chỉ trên 500 USD. Là một nước nghèo nhưng từ ngày có độc lập đến nay Niger đã có 5 cuộc đảo chính và 4 chế độ quân sự. Cách đây hơn một tuần Niger vẫn là một nước dân chủ, đa đảng với tổng thống được bầu là ông Mohamed Bazoum.

Năm 2021, Mohamed Bazoum được bầu làm tổng thống Niger. Ông đã bổ nhiệm tướng Tiani phụ trách đội cận vệ tổng thống. Nhưng mới chỉ sau hai năm, ngày 26/07/2023, chính tướng Tiani đã làm phản, đảo chính lật đổ Bazoum, người đã bổ nhiệm mình, và nhốt cả gia đình Bazoum tại tư gia, đồng thời đàn áp những người thân cận của Bazoum trong chính phủ. Nhiều bộ trưởng khác đã bị Tiani bắt và trấn áp.

sahel2

Ngày 26/07/2023, tướng Tiani đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp Bazoum

Ngày 28/07/2023, Tiani tự xưng là quốc trưởng và cầm đầu cái gọi là Hội đồng cứu quốc thay thế Chính quyền hợp pháp của Bazoum.

Các nước phương tây, Pháp, Mỹ, Đức, Ý… cùng với tổ chức CEDEAO (Communauté économique des États de l'Afrique de l'Ouest - Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi) cực lực phản đối cuộc đảo chính quân sự này, yêu cầu thả ngay tổng thống Bazoum và tái lập trật tự theo hiến pháp, hạn cuối cùng là ngày Chủ nhật 06/08/2023. Bằng không, CEDEAO sẽ có thể can thiệp bằng quân sự.

Tiani cùng với đám làm đảo chính trả lời là sẽ đáp trả mọi hành động tấn công vào Niger.

Thực ra đám quân đảo chính của Tiani này không có gì đáng sợ. Nhưng Tiani của Niger không chỉ có một mình mà có sự hỗ trợ của một số nước xung quanh, cụ thể là Mali và Burkina Faso. Chúng có liên hệ với nhau để cùng thực hiện đảo chính và hiện tại đang ủng hộ nhau.

Hai nước Mali và Burkina Faso mới đây cũng đã cướp chính quyền bằng đảo chính và hiện tại đang ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger. Hai nước này trước đây cũng nằm trong tổ chức CEDEAO, nhưng quân phản loạn đã theo Nga, làm đảo chính cướp chính quyền và bị loại khỏi CEDEAO. Mali và Burkina Faso tuyên bố can thiệp quân sự của CEDEAO vào Niger sẽ là tuyên chiến với nước của họ.

Hiện tại chỉ có 3 nước sẵn sàng tham gia can thiệp là Nigeria, Senegal và Côte d'Ivoire. Nhiều nước Châu Phi khác trong và ngoài CEDEAO không muốn thiệp vì trong nội bộ nước của họ đã có nhiều lộn xộn về quyền lãnh đạo rồi, nên không muốn thêm có thêm nữa. Hiện tại các nước đang cố gắng hết sức giải quyết bằng con đường ngoại giao, kinh tế… Tất nhiên là từ hôm đảo chính, tất cả các chương trình viện trợ, hợp tác dành cho Niger đều bị dừng hết.

sahel3

Các quốc gia trong tổ chức CEDEAO

Tối hậu thư hết hạn nửa đêm Chủ nhật/thứ Hai 07/08 này. Nhưng, theo tôi, can thiệp quân sự là chưa thể xảy ra vì rất nhiều lý do. Đánh nhau là cả một chuẩn bị qui mô, rất lớn về mọi mặt và rất tốn kém. Can thiệp quân sự sẽ chỉ là biện pháp cuối cùng, biện pháp xấu nhất.

Hiện tại Mỹ và Pháp đều có khoảng 1.500 quân đóng tại Niger trong chương trình chống khủng bố. Cuộc đảo chính này là một đòn rất "đau" cho phương Tây. Trước đây lực lượng chống khủng bố của Pháp đặt bản doanh ở Mali và Burkina Faso, nhưng do hai nước này đã ngả theo Nga, quân Pháp phải chuyển về Niger. Bây giờ Niger ngả nốt theo Nga và tuyên bố hủy các hiệp định quân sự ký với Pháp. Trong mấy ngày qua, Pháp đã cho nhiều chuyến máy bay sang Niger để "giải cứu" hàng ngàn dân thường Pháp và nhiều nước phương Tây khác.

Sự hiện diện của phương Tây tại Châu Phi đã có từ rất lâu, nhưng điều đó không làm tránh khỏi các nước cứ rụng dần (theo Nga) và cũng không tiêu diệt được hết các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Từ nhiều năm nay, phong trào chống Pháp, ủng hộ Nga rất phát triển ở một số nước Châu Phi. Đại sứ quán Pháp tại Niamey, thủ đô Niger bị tấn công. Bảng hiệu của sứ quán bị hạ xuống và thay vào đó bằng cờ Nga. Trong các cuộc biểu tình này, đầy các khẩu hiệu đả đảo Pháp và tung hô Putin muôn năm…

sahel4

Cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Mali qua chiến dịch Barkhane (2014-2021) để loại quân khủng bố Hồi giáo quá khích ra khỏi lãnh thổ

Pháp có cần thiết phải tiếp tục gắn chặt với Châu Phi ? Trao đổi ngoại thương và đầu tư của Pháp vào Châu phi chỉ chiếm 4 hay 5% trong tổng số. Lượng Uranium Pháp nhập từ Niger chỉ chiếm 17% tiêu dùng và hoàn toàn có thể thay thế bằng việc mua ở chỗ khác. Vấn đề vẫn là chính trị. Pháp vẫn muốn có sự hiện diện của mình ở Châu Phi, đặc biệt là về mặt quân sự. Châu Phi là thao trường số một của Pháp. Quân đội Pháp rất thiện chiến là nhờ có địa bàn thao dượt tại Châu Phi. Không phải ngẫu nhiên mà quân đội Ukraine được coi là số một thế giới hiện nay. Họ là số một vì họ đang đánh nhau thật. Văn ôn, võ luyện (thật). Tuy nhiên, trong giới chính trị của Pháp không phải không có những tiếng nói muốn bỏ qua trách nhiệm của Pháp ở Châu Phi. Pháp giúp nhiều nước Châu Phi chống khủng bố, nhưng hiện tại ở một số nước lại bị coi là lực lượng chiếm đóng.

Theo tôi, Pháp nên làm như Anh. Rút hết. Cứ để Châu Phi theo Nga, tự chống khủng bố.

Rất khó chống khủng bố bằng quân đội của nước khác.

sahel5

Phong trào bài Pháp và ca ngợi Nga tại Niger mùa hè 2023 - Ảnh minh họa 

Giới lãnh đạo Châu Phi rất khôn, ai cũng biết. Họ đang làm theo đúng bài bản của ta. Thiếu ăn thì xin viện trợ. Nợ quá nhiều thì xin xóa bỏ. Bị chỉ trích đàn áp nhân quyền thì xúi dân chạy sang phương Tây tị nạn kinh tế, khúc ruột ngàn dặm này chắt chiu từng đồng kiếm được gởi về nước nuôi gia đình và làm giàu cho cấp lãnh đạo. Dân chúng sống khổ cực như thế nào mặc kệ miễn sao giai cấp lãnh đạo vẫn hưởng đầy đủ đặc quyền đặc lợi. Không có chính quyền thì cướp. Cướp được rồi thì theo mẫu hình Nga để cho đất nước trở nên tươi đẹp như ngày hôm nay. Chúng ta rất đáng tự hào vì được làm thầy thằng khôn.

Hoàng Quốc Dũng

(06/08/2023)

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm