Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo các thăm dò tại Mỹ thì tỉ lệ người dân ủng hộ cho ứng cử viên tổng thống Joe Biden cao hơn Donald Trump khoảng 11 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây. Mặc dù vẫn còn hơn 3 tháng nữa mới đến ngày bầu cử nhưng kết quả sẽ không thay đổi nếu không có gì đột biến. Điều đáng nói là sau những gì Trump làm và nhất là sự xuất hiện hai cuốn sách “bom tấn” của John Bolton, cựu cố vấn an ninh nhà Trắng và Mary Trump, cháu gái của Donald Trump thì tỉ lệ ủng hộ cho Trump vẫn không thay đổi là bao nhiêu (khoảng 40%).

 

atout và nội chiến-1

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ Donald Trump chống Joe Biden không thay đổi nhiều.

Đã có rất nhiều phân tích và giải thích cho hiện tượng này nhưng vẫn không đủ. Điều gì đang xảy ra với nước Mỹ? Có một giải thích từ ông Nguyễn Gia Kiểng rất đáng chú ý mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng độc giả đó là Donald Trump đang “tạo ra tình trạng nội chiến” dù chưa có tiếng súng, chia nước Mỹ thành hai phe (phe chống Trump và phe ủng hộ Trump) và người dân Mỹ đã chọn phe. Bất luận ai muốn nói gì thì nói, lập trường và thái độ giữa hai phe là không thay đổi.

Thế nào là một cuộc nội chiến ? Đó là những cuộc chiến mà người trong một nước chia thành hai phe, bắn giết nhau trên qui mô lớn và trong một thời gian dài, dù có hay không sự can thiệp từ bên ngoài. Chúng ta đều biết đến cuộc nội chiến Mỹ (American Civil War) 1861–1865 giữa miền Bắc và miền Nam. Cuộc chiến này do các bang miền Nam phát động nhưng chiến thắng lại thuộc về phe miền Bắc. Với chiến thắng này chế độ nô lệ tại Mỹ đã chính thức chấm dứt. Luật giải phóng người nô lệ da đen ra đời năm 1863, tuy nhiên tình trạng phân biệt đối xử với người da đen vẫn tiếp tục sau khi nội chiến kết thúc. Phải 100 năm sau, phong trào dân quyền do Martin Luther King lãnh đạo mới đạt được những thành quả nhất định trong việc đòi quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác cho người da đen.

Nước Mỹ có rất nhiều vấn đề nội tại cần phải giải quyết như vấn nạn kỳ thị chủng tộc, tình trạng bất bình đẳng, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn… Sự giàu có của nước Mỹ đã che lấp đi các khiếm khuyết bên trong, tiền bạc băng bó cho các vết thương. Sau khi khối các nước cộng sản sụp đổ thì chủ nghĩa tân phóng khoáng tại Mỹ được đẩy lên một cách thái quá và hậu quả của nó là sự xuất hiện của Donald Trump. Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nền chính trị Mỹ, đã mãi chạy theo tiền bạc và tự do mà bỏ qua sự bình đẳng và liên đới.

Rất nhiều người Mỹ da trắng ở tầng lớp thấp cảm thấy phẫn nộ vì bị bỏ rơi và bị coi thường. Có nhiều lý do như quá trình toàn cầu hóa đã dịch chuyển công ăn việc làm sang các nước đang phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức mới, sự lên ngôi xấc xược của đồng tiền, sự thoái trào của các tôn giáo… Trump đắc cử giúp những thành phần có cảm giác bị bỏ rơi lấy lại tự tin và giải tỏa mặc cảm thua kém. Cách tiếp cận của Trump hoàn toàn khác lạ, vì không có kiến thức về chính trị nên Trump phá vỡ trật tự cũ bằng cách chửi bậy và tấn công tất cả mọi người không đồng ý với mình bằng những ngôn ngữ hạ cấp nhất. Những người Mỹ thua thiệt và cực đoan thích điều đó, với họ nước Mỹ càng bị cô lập càng tốt vì chỉ có thế nước Mỹ mới là của họ chứ nếu nước Mỹ vẫn cởi mở và phát triển thì họ càng bị tụt lại đằng sau, nước Mỹ không còn là của họ nữa.

Nước Mỹ là một quốc gia chia rẽ trầm trọng chứ không hề đoàn kết như chúng ta tưởng. Ví dụ dễ thấy nhất là có những tiểu bang chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa hoặc đảng Dân Chủ dù bất cứ ứng cử viên đó là ai và là người như thế nào. Chỉ có 6 bang là thay đổi, lúc bầu cho đảng này lúc bầu cho đảng kia. Điều này rất kỳ cục và không bình thường chút nào. Mỹ cũng là quốc gia "nguy hiểm" nhất thế giới khi người dân sở hữu đến 393 triệu khẩu súng (chiếm 40% lượng súng đạn sở hữu trên toàn cầu). Donald Trump đã khai thác tối đa sự chia rẽ của người dân Mỹ và đẩy chúng lên thành một cuộc nội chiến không tiếng súng. Nếu Trump đắc cử thêm nhiệm kỳ 2 thì không có gì đảm bảo là người Mỹ sẽ không dùng súng để "nói chuyện" với nhau. Hy vọng và mong cho điều đó không xảy ra. 

 

trump và NC-3

Người Việt cũng chia thành hai phe và có thái độ kỳ thị chủng tộc.

Một hiện tượng không mong muốn trong cộng đồng người Việt tại Mỹ đó là việc chia thành hai phe, phe ủng hộ và phe chống Trump. Người Việt cũng đã chọn phe. Lập trường của hai phe rất dứt khoát và không khoan nhượng. Không bên nào nghe bên nào, mọi lý lẽ đều vô ích. Dù lá phiếu của cộng đồng người Việt tại Mỹ không ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử nhưng tại sao họ vẫn chia thành hai phe và chống nhau một cách cuồng nhiệt như thế ? Câu trả lời là cuộc nội chiến của người Việt vẫn chưa kết thúc trong lòng người dù trên thực tế cuộc nội chiến tại Việt Nam đã kết thúc từ năm 1975. Với nhiều người Việt lớn tuổi tại Mỹ, họ vẫn chưa hiểu vì sao họ thua và vì sao chế độ cộng sản, dù không có gì xuất sắc lại có thể chiến thắng và vẫn tồn tại cho đến giờ mà không bị một sự chống đối nào đáng kể. Sự thực buồn, phe thua (Việt Nam Cộng Hòa) là hoàn toàn xứng đáng nhưng phe thắng (cộng sản) lại không xứng đáng chút nào. 

Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng chia phe trong cộng đồng người Việt và trong mỗi gia đình. Những người trẻ, sinh ra hoặc lớn lên sau năm 1975 thì cách suy nghĩ của họ về Trump hoàn toàn khác với cha mẹ họ vì họ không bị di chứng của cuộc nội chiến tại Việt Nam. Nhiều người Việt lớn tuổi tại Mỹ vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc nội chiến đó nên họ dễ dàng bị cuốn vào cuộc nội chiến mới tại Mỹ do Donald Trump phát động. Khi người ta đã chọn phe trong một cuộc nội chiến thì không có lý lẽ hay lập luận gì có thể thay đổi được họ. Có một sự thật buồn là nhiều người lớn tuổi xuất thân từ Việt Nam Cộng Hòa chỉ chịu đựng dân chủ chứ không hề thích dân chủ.

Điều gần như chắc chắn là Trump phải ra đi sau cuộc bầu cử tháng 11 để nước Mỹ không rơi vào một cuộc nội chiến thực sự. Dù vậy thì những gì Trump gây ra sẽ còn ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đối với nước Mỹ. Hòa giải dân tộc là liều thuốc duy nhất để hàn gắn những đổ vỡ do nội chiến gây ra. Chính quyền Mỹ sau Donald Trump sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian để hòa giải người Mỹ với nhau và sau đó là hòa giải với các nước dân chủ trên thế giới. 

Muốn hòa giải thành công thì cần có sự minh bạch và sòng phẳng. Cần tôn trọng lịch sử nhưng không nên tôn vinh quá đáng các nhân vật lịch sử. Nên tôn trọng các giá trị lịch sử thay vì một con người cụ thể. Không nên lập bàn thờ tổ tiên. Nên nhớ đến họ như những anh hùng của thời điểm lịch sử đó thay vì tôn vinh bằng cách xây tượng. Chỉ nên dựng tượng để đánh dấu một cột mốc lịch sử thay vì tôn thờ một nhân vật nào đó vì quan niệm mỗi thời sẽ mỗi khác. Các bức tượng chỉ nên giới hạn trong các viện bảo tàng thay vì trên đường phố vì những nơi công cộng là để bày tỏ các giá trị công cộng. Muốn tránh sai lầm khi đánh giá lịch sử cần phải thành thật với chính mình, bỏ qua tư kiến và phe phái để có sự bao dung và công bằng.

Người Mỹ đã rất nỗ lực và cố gắng hòa giải sau cuộc nội chiến trước đây nhưng vẫn thiếu sự sòng phẳng. Người da đen vẫn bị phân biệt đối xử trong khi các lãnh đạo miền Nam cực đoan, kỳ thị chủng tộc vẫn được tôn vinh một cách quá đáng như việc dựng tượng họ ở khắp nơi khiến phong trào Black Lives Matter (cuộc sống người da đen cũng quan trọng) nổi giận giật đổ các bức tượng đó.

Nhân đây cũng nói một chút về hiện tượng một số người Việt chống đối phong trào Black Lives Matter. Sự thực đó là tâm lý kỳ thị người da đen xuất phát từ cảm xúc ghen tương rất kỳ lạ của người Việt. Ghen tương là cảm giác khó chịu, không hài lòng khi thấy người khác hơn mình. Thật ra thì ai cũng có lúc có cảm xúc đó và nó hoàn toàn tích cực nếu chỉ để giúp bản thân cố gắng hơn. Tuy nhiên đối với nhiều người Việt thì cảm xúc đó luôn tồn tại và hiện diện thường trực trong lòng, nó làm cho họ khó chịu và sẵn sàng bộc lộ ra ngoài khi có cơ hội. Kỳ lạ nữa là thái độ ghen tương đó luôn dành cho những người như mình hoặc kém hơn mình chứ không phải với những người hơn mình. Trong công ty thì người ta ghen tương với đồng nghiệp chứ không ghen với sếp. Trong kinh doanh cũng vậy, người ta ghen tương với bạn hàng thay vì chủ hàng…Tóm lại, người ta ghen tương với những người không cần, không đáng ghen tương.

Người Việt không ghen tương, kỳ thị người da trắng vì họ hơn hẳn và vượt trội chúng ta mà chỉ có thái độ đó với người da đen, là những người mà chúng ta nghĩ rằng cũng không hơn gì mình. Thái độ này vừa sai vừa không có lợi vì những người đó, có khi, mới là những người bạn chân thành và tôn trọng chúng ta hơn những người da trắng. Hơn nữa ghen tương là biểu hiện của sự yếu đuối, tự ti và thất bại. Cách tốt nhất để không bị mắc phải tính ghen tương là phải mạnh mẽ, tự tin và cầu tiến. Cố gắng để thành công hơn trong công việc và cuộc sống là cách giúp chúng ta thoát ra khỏi sự ghen tương của đồng nghiệp và đồng hương mình.

Một điều đáng buồn là một số người Việt chống Trump cũng bắt đầu có dấu hiệu cực đoan. Thay vì thái độ nhã nhặn và trình bày lý lẽ như lúc ban đầu thì họ cũng đã quay sang chửi bới và chụp mũ những người thích Trump. Điều này dễ hiểu vì họ đã mất sự kiên nhẫn sau một thời gian. Tuy nhiên điều này rất nguy hiểm vì nó khoét sâu hố ngăn cách giữa cộng đồng người Việt chúng ta. Hiện tượng thích Trump sẽ biến mất sau tháng 11 và chúng ta dù muốn hay không cũng phải tiếp tục chung sống với nhau. Không nên nặng lời và mạt sát nhau để rồi không thể nhìn mặt nhau. 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì xiển dương và bảo vệ các lập trường của mình nên đã gặp không ít chống đối đến từ cộng đồng nhưng chúng tôi vẫn giữ vững lý tưởng và lập trường Hòa giải và Hòa hợp dân tộc bằng sự bao dung và kiên nhẫn. Chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến chỉ trích dù đúng hay sai và chưa bao giờ bày tỏ thái độ cố chấp hay cực đoan với các ý kiến đó. Chúng tôi mong muốn người Việt Nam ở khắp nơi cùng chia sẻ tinh thần hòa giải của Tập Hợp bằng sự kiên nhẫn và bao dung như chúng tôi vẫn làm suốt 40 năm qua.


Việt Hoàng

(20/07/2020)

Published in Quan điểm