Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 17 novembre 2021 13:44

Nền dân chủ Mỹ đang bị ung thư ?

 

Hoa Kỳ hay được gọi là "vùng đất hứa", là chốn mơ ước của nhiều người khắp thế giới: một vùng đất rộng mênh mông, đất đai thì trù phú, tài nguyên lại dồi dào, bao bọc vùng đất mênh mông ấy là hai đại dương tách biệt nó ra khỏi phần còn lại của thế giới khiến nơi này tránh được đám cháy lan của các cuộc chiến tranh, cách mạng.

Ở những nơi khác, yếu tố để cấu thành một quốc gia có rất nhiều: vị trí địa lý, khí hậu, sắc tộc, tôn giáo...nhưng riêng Hoa Kỳ thì lại được hình thành bởi một ý tưởng. Chẳng hạn nước Việt chúng ta được xây dựng dựa trên quan niệm về con Rồng cháu Tiên - về 18 đời vua Hùng, người Nhật thì tự hào về bản sắc dân tộc Phù Tang nhưng Hoa Kỳ thì lại được hình thành dựa trên ý niệm về tự do - dân chủ.

Những người cha lập quốc của Hoa Kỳ đã mang theo tư tưởng của các nhà khai sáng trong "Thế kỷ ánh sáng" của châu Âu về đây. Nhờ nguyên lý "quyền lực có tính tha hóa" nên họ đã thấy rằng quyền lực là nguồn gốc của mọi tội ác và muốn có một xã hội tự do, công bằng, hạnh phúc thì phải kiểm soát được quyền lực bằng cơ chế, hiến pháp, phe đối lập chứ không thể phó mặc hết vào một cá nhân, gia tộc, đảng phái như các chế độ quân chủ chuyên chế.

Vì lẽ đó nên nơi đây đã khai sinh ra chế độ dân chủ thần kỳ có lịch sử hơn 232 năm. Nơi mà con người được sống tự do, sung túc nếu so sánh với phần đông của thế giới, cũng là nơi mà con người có cơ hội phát triển tối đa năng lực của mình, hay mưu cầu công danh - hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng.

Nhưng trong vài năm trở lại đây, những giá trị tuyệt vời này đang bị đe dọa, bị hoài nghi, bị xói mòn. Mà đỉnh điểm là cuộc tấn công vào toà nhà Quốc Hội hôm 6/1/2021.

tdnl-2

Cuộc tấn công vào Quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021 đe dọa và làm xói mòn nghiêm trọng nền dân chủ Mỹ.

Nước Mỹ đang trở nên bệnh hoạn hơn bao giờ hết, nền dân chủ đã bị ung thư từ lâu mà gần đây mới phát ra các triệu chứng. Donald Trump và vụ tấn công 6/1 cũng chỉ là các triệu chứng chứ không phải là những tác nhân gây ung thư. Vậy tác nhân nào đã làm ung thư nền dân chủ lâu đời nhất thế giới ?

Lý giải theo cách lý trí nhất chỉ có thể là do bất bình đẳng về thu nhập - chất lượng sống, chênh lệch giàu - nghèo, nhất là các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính quyền không giải quyết được các vấn đề nhức nhối trong xã hội như thất nghiệp - tệ nạn...Điều đó đã làm xói mòn dân chủ nghiêm trọng.

Như sự kiện Lehman Brothers tháng 9/2008 chẳng hạn, nó là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng là một trong những tác nhân gây ung thư cho nền dân chủ Mỹ và châu Âu. Hoạt động giao dịch liên ngân hàng hầu như bị tê liệt, hàng chục triệu người mất nhà ở, mất việc làm và hàng nghìn tỷ USD tài sản bị “bốc hơi” khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát hơn 4.500 tỷ USD vào năm 2009.

Dư âm khủng hoảng vẫn còn lay lắt kéo dài đến tận năm 2017 và các giải pháp chính sách sau sự kiện Lehman Brothers đã dẫn đến hậu quả là tỷ lệ nợ công trung bình trên toàn cầu đứng ở mức 52% GDP, tăng từ tỷ lệ 36% vào thời điểm trước khủng hoảng. Tức là nợ công của các chính phủ tăng với nhịp độ 9,7% một năm thay vì 5,8% thời kỳ tiền khủng hoảng. Nợ công trên thế giới đã tăng thêm 25.000 tỷ USD trong 10 năm qua, nhiều quốc gia đã bị chệch khỏi quỹ đạo tăng trưởng, bức tranh kinh tế của thế giới vài năm sau vẫn ảm đạm do dư âm của nó.

Tuy nhiên, khủng hoảng có nhiều tác động nguy hiểm vượt ngoài phạm trù kinh tế. Tờ nhật báo của Pháp "Le Monde" ngày 17/09/2018 đã có hàng tít đáng chú ý ngay trang nhất: "Cuộc khủng hoảng 2008 đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy châu Âu". Thượng nghị sĩ Pierre-Yves Collombat cũng nhấn mạnh: "Khủng hoảng 2008 chưa chấm dứt. Thuyên giảm thì có, kết thúc thì chưa. Khủng hoảng kép này đã dẫn tới rất nhiều những tác động tai hại về mặt kinh tế, xã hội và cả chính trị. Bằng chứng cụ thể nhất là đà tiến của các phong trào dân túy ở khắp nơi trên thế giới. Tôi muốn nói tới chuyện dân Anh bỏ phiếu cho Brexit, cử tri Mỹ bầu Donald Trump lên làm tổng thống. Các đảng phái cực hữu bài nhập cư và toàn cầu hoá mọc lên như nấm ngấp nghé chiếm được chính quyền qua các vòng phiếu, từ Hà Lan đến Áo hay Pháp".

Sự thất bại về kinh tế, thiếu thốn cơ hội đối với những người nghèo và giới trẻ có thể thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa chính trị và tôn giáo cực đoan, thậm chí ở một vài nước tình trạng này sẽ trực tiếp dẫn đến chủ nghĩa khủng bố.

ungthu-2

Sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers 2008 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và để lại hậu quả lâu dài cho Mỹ và thế giới.

Như những năm 1930, thất bại trong việc ngăn chặn cuộc Đại suy thoái đã khiến các chế độ chuyên chế ở châu Âu và châu Á mạnh lên, cuối cùng dẫn tới Thế chiến II, một xu hướng tương tự cũng đang dần được hình thành.

Một điều quan trọng nữa là suy thoái đạo đức chính trị ở Mỹ, đồng tiền lên ngôi. Đi vận động tranh cử hay nhiều việc khác chỉ có tiền và tiền. Nhiều quan chức dân cử lại tham nhũng, nhận tiền ủng hộ từ các tài phiệt - tập đoàn - doanh nghiệp lớn, nhiều đầu sỏ chính trị thì thao túng hệ thống. Bọn họ dường như đang hoạt động vì lợi ích nhóm. Đây cũng là một tác nhân gây ung thư nền dân chủ.

Về phía quần chúng: Khi tất cả các yếu tố bên trên tích tụ lại nó sẽ dẫn đến những bất ổn về tâm lý, sự thất vọng và nghi ngờ của đám đông. Tóm lại, quần chúng đang chán nản và bất lực trước những thực trạng nhức nhối của quốc gia.

Mà bản chất của con người là luôn trăn trở, thắc mắc, tìm kiếm câu trả lời. Mỗi khi chán nản và bó tay trước một hiện tượng, vấn đề nào đó thì tôn giáo và thuyết âm mưu chính là 2 chỗ dựa lý tưởng. Nó cũng giống như xưa kia khi con người không thể lý giải được hiện tượng sấm chớp, mưa bão thì họ tìm đến tôn giáo làm chỗ dựa. Ngày nay, nếu người ta quá bất lực trước các cuộc khủng hoảng kinh tế hay hiện tượng suy đồi đạo đức trong giới chính trị thì chỉ có thuyết âm mưu mới vẽ lên được những câu chuyện, giả thuyết để giải toả tâm lý cho họ. Mà những kẻ dân túy, mị dân lại rất giỏi trong việc "vẽ vời" thoả mãn nhức nhối của đám đông. Thời của Trump chính là thời kỳ đảo điên nhất của nước Mỹ khi mà tin giả, thuyết âm mưu lan tràn khắp nơi cả trước và sau kỳ bầu cử. Điều này phản ánh rằng niềm tin của một bộ phận lớn quần chúng về dân chủ - pháp quyền đã bị xói mòn, thứ hai là dân trí của quần chúng không hề cao dù đó là các siêu cường, là người Mỹ ngay giữa đất Mỹ. Đặc điểm của đám đông là hay lên đồng và hành xử theo bản năng, vậy nên chỉ có tổ chức và giới trí thức mới thức tỉnh và dẫn dắt được quần chúng.

Tuy nhiên chớ coi thường thuyết âm mưu, vì chúng có thể là chất keo kết dính những kẻ có cả "trái tim nóng và cái đầu nóng" đến với nhau, đủ để giáng một đòn chí mạng nữa vào nền dân chủ. Nền dân chủ Mỹ đang bị xói mòn quá nặng nề, có nhiều người còn hỏi rằng: "Liệu nền dân chủ Mỹ đã ung thư giai đoạn cuối chưa ?". Từ giờ các mốc 2022 - 2024 sẽ quyết định có cứu được nền dân chủ đang bị ung thư của Mỹ hay không.

Cá nhân tôi nghĩ rằng nền dân chủ của Mỹ vẫn sẽ chiến thắng. Nền dân chủ của Hoa Kỳ đã cắm rễ tồn tại hàng trăm năm nay, trải qua biết bao sóng gió - bão bùng mà vẫn vững chắc thì vài phong trào dân túy cũng chỉ như những cơn bão đến rồi lại đi. Năm 2022 và 2024 cũng thế. Tuy nhiên cũng không thể đánh giá thấp chúng vì chúng có thể làm xã hội chia rẽ trầm trọng hơn.

ungthu-3

“Thuyết âm mưu” đang tàn phá và làm chia rẽ nước Mỹ hơn bao giờ hết.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 762.000 người Mỹ, làm thiệt hại khổng lồ tới nền kinh tế. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế của siêu cường này đã bắt đầu vực dậy phục hồi mạnh mẽ, triển vọng kinh tế vẫn sáng. Nhất là sự thất bại ê chề của Trump trong kỳ bầu cử 3/11 năm ngoái, giấc mơ về một liên minh các nhà lãnh đạo dân túy hùng mạnh như Trump - Boris Johnson – Salvini - Orbán và nhiều người chung chí hướng khác nhằm thay đổi trật tự thế giới đã tan rã. Các chính sách đa phương, quay trở lại học thuyết Truman của ông Joe Biden đã khôi phục lại đáng kể hình ảnh và sức mạnh của nước Mỹ. Đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực cho thế giới trong việc chống dịch đã đẩy lùi mạnh mẽ làn sóng dân tuý - di chứng của khủng hoảng 2008.

Vì các hành động thực tiễn cho thấy dân túy rất bốc đồng, thiếu vắng các sáng kiến có tính xây dựng. Như trong chống dịch chẳng hạn, bọn họ không hề có đóng góp gì trong việc đẩy lùi dịch bệnh, trái lại còn rất giỏi làm bùng dịch, ngăn cản tiến trình tiêm chủng, chế biến và phát tán tin giả (fake news) rầm rộ gây xáo trộn cả xã hội. Cách diễn giải của các nhà dân túy về dịch bệnh cũng không ăn khớp với giới khoa học. Trong khi các nhà nước pháp quyền, chính phủ dân chủ đợt dịch này bỗng hoá thành những "đầy tớ đầy nhân hậu" khi mà dang tay ra cứu ông chủ "nhân dân" của mình bằng các gói cứu trợ, chiến dịch tiêm chủng ...

Cú sốc

Cách đây vài tháng, sự sụp đổ của Afghanistan lại giáng một đòn hiểm nữa vào uy tín của siêu cường này. Vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đã chấm dứt kể từ đây, quyền lực mềm đã bị suy giảm quá nhiều. Tuy nhiên đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới khi mà quyền lực từ một siêu cường được san sẻ cho khối G7 mà không hề có một căng thẳng hay đổ máu nào. Thường thì trong lịch sử, sự chuyển giao quyền lực hay nhượng đi vị thế của một cường quốc rất hay xảy ra căng thẳng hoặc chiến tranh, đổ máu.

Từ nay trở đi, khối G7 hoặc một liên minh nào đó của các quốc gia dân chủ sẽ đảm nhận trọng trách xây dựng tiến trình dân chủ và bảo vệ nó. Hoa Kỳ sẽ chỉ đứng sau hỗ trợ chứ không còn là thủ lĩnh của khối dân chủ toàn thế giới nữa. Tất nhiên đến hết thế kỷ này, có thể Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số 1 về quân sự, kinh tế...

Tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi sát sao, nhất là kịch bản về nguy cơ vỡ nợ lần nữa của Mỹ hay các tác động tiêu cực phát sinh hậu Covid-19. Bởi sức khoẻ kinh tế của Mỹ cũng là sức khoẻ của nền dân chủ Mỹ.

Mà nền dân chủ Mỹ lại vô cùng quan trọng, sức khoẻ của nền dân chủ Mỹ phản ánh sức khoẻ của các nền dân chủ khác trên thế giới. Tự do dân chủ ở Mỹ mạnh lên hay yếu đi thì sức khoẻ các nền dân chủ khác ở châu Âu hay Á cũng lên xuống theo như vậy.

Các cuộc khủng hoảng về kinh tế sẽ tạo ra đổ vỡ Domino hàng loạt thúc đẩy các phong trào dân túy - cực hữu nở rộ trên diện rộng, ngăn cản trở tiến trình dân chủ hoá của thế giới cũng như làm xói mòn, đe dọa đến sống còn của nhiều nhà nước dân chủ. Trong giai đoạn đầy biến động như hiện nay chúng ta nên thận trọng theo dõi mọi diễn biến, không lạc quan vội nhưng cũng không nên quá bi quan.

Hoàng Quân

(17/11/2021)

Published in Quan điểm